Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 7 tháng 6, 2021

2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 24)

Hoàng Hưng

241. Cognitive structure: Cấu trúc nhận thức

- Một khung, mẫu, hay sơ đồ tâm trí duy trì và tổ chức một khối thông tin liên hệ đến một chủ đề cụ thể. Khi cần đến một cấu trúc nhận thức, như trong một đo nghiệm ở trường học, cá nhân được cho là sẽ đi vào tìm kiếm trong trí nhớ, cấu trúc nhận thức được cất giữ trong đó sẽ được lấy ra và áp dụng vào yêu cầu hiện tại.

- Một cấu trúc hợp nhất của các thực kiện, niềm tin và thái độ về thế giới hay xã hội.

 

242. Cognitive style: Phong cách nhận thức

Phương thức đặc trưng của cá nhân trong việc tri nhận, suy nghĩ, nhớ lại, và giải quyết vấn đề. Các phong cách nhận thức có thể khác nhau về những yếu tố hay hoạt động ưa thích, như làm việc tập thể so với làm việc riêng rẽ, hoạt động có cấu trúc cao hay thấp, mã hoá bằng thị giác hay ngôn từ. Những chiều kích khác nhau khác của phong cách nhận thức là tính suy tư-tính bị thôi thúc, thái độ trừu tượng-thái độ cụ thể... Cũng gọi là learning style (phong cách học tập), thinking style (phong cách tư duy).

243. Cognitive therapy: Liệu pháp nhận thức

Một hình thức liệu pháp tâm lý nhắm sửa đổi niềm tin, sự trông mong, giả định và phong cách suy nghĩ của con người, dựa trên giả định rằng những vấn đề tâm lí thường bắt nguồn từ các mẫu tư duy sai lạc và tri nhận méo mó về thực tại, có thể nhận dạng và sửa chữa. Đã được áp dụng đặc biệt vào việc chữa trị chứng trầm cảm. Hình thức đầu tiên được sử dụng rộng rãi, tuy không được gọi tên là liệu pháp nhận thức, là rational emotive therapy – liệu pháp xúc cảm lí tính (RET) và thành phần có ảnh hưởng nhất của một hình thức về sau, phức hợp hơn, là của nhà tâm thần học Mĩ Aaron Temkin Beck (1921-). Beck là người đầu tiên gợi ý trong sách Depression: Clinical, Experimental and Theoetical Aspects (Trầm cảm: các khía cạnh lâm sàng, thực nghiệm và lí thuyết (1967) rằng những người dễ trầm cảm có xu hướng có những sơ đồ tự nhận thức tiêu cực xoay quanh những giả định về sự bất cập, thất bại, mất mát, và không có giá trị; Beck cho rằng những niềm tin ấy là không thực và thiên kiến, nhưng nghiên cứu đi vào thực trạng của chứng trầm cảm lại cho thấy sự đối lập.

244. Cognitivism: Thuyết duy nhận thức

Một quan điểm Tâm lý học cho rằng nghiên cứu nhận thức dễ đưa tới sự hiểu rộng hơn về tâm lí con người. Đối lập với behaviorism, behaviourism (thuyết duy hành vi).

245. Cold cognition: Nhận thức lạnh

Một tiến trình hay hoạt động tâm trí không dính vướng vào tình cảm hay xúc cảm. Chẳng hạn, đọc một loạt âm tiết vô nghĩa hay những mẩu thông tin bịa đặt hay không xác thực.

246. Collective guilt: Tội tập thể

- Trạng thái cảm xúc khó chịu liên quan đến nhận thức được chia sẻ rằng nhóm hay hội đoàn của mình đã vi phạm những nguyên tắc đạo đức hay xã hội, đi cùng với sự hối hận.

- Ý nghĩ, thường được xem là giả tạo và có hại, rằng các thành viên của một nhóm có thể phải chịu trách nhiệm vì những vi phạm chuẩn mực hay luật lệ của những thành viên khác trong nhóm.

247. Collective hysteria: Chứng hysteria tập thể

Sự bùng phát bộc phát trong một nhóm hay cộng đồng xã hội những suy nghĩ, tình cảm, hay hành động không thể xếp loại. Bao gồm chứng ốm tâm lí, ảo giác tập thể, và những hành động kỳ dị. Chẳng hạn những cuồng hứng hay hoảng loạn lan nhiễm: Dance epidemics (dịch nhảy nhót) thời Trung đại, Tulipmania TK 17 ở Hà Lan (Cuồng hứng hoa tulip, khi giá một số loài hoa tulip bị thổi lên cao ngất rồi sụp đổ - [Sài Gòn trước 1975 có vụ tương tự với trứng cút], phong trào cuồng đọc sách năm 1938 với cuốn War of the Worlds (Chiến tranh giữa các thế giới) của Orson Wells. [Trong chiến tranh Việt Nam 1960-1975 có hiện tượng cười, khóc tập thể của các toán nữ thanh niên xung phong miền Bắc]. Cũng gọi là group hysteria (hysteria nhóm), mass hysteria (hysteria đại chúng).

248. Collective monologue: Độc thoại tập thể

Một hình thức diễn ngôn ngã qui (duy kỉ) trong đó trẻ 2-3 tuổi nói với nhau mà không có vẻ giao tiếp một cách có nghĩa, lời của một đứa trẻ dường như không liên hệ gì đến những trẻ khác. Cũng gọi là pseudoconversation (đối thoại giả), được Jean Piaget mô tả đầu tiên.

249. Collective self-esteem: (sự) Tự đánh giá tập thể

Sự tự đánh giá chủ quan của cá nhân về phần self-concept (khái niệm tự thân) dựa trên tư cách thành viên của mình trong các nhóm xã hội, bao gồm gia đình, bè lũ, khu liên gia, bộ tộc, thành phố, xứ sở, và vùng. Tự đánh giá tập thể thường được đo bằng Collective Self-Esteem Scale (Thước đo Tự đánh giá tập thể - CSES) năm 1992 của các nhà Tâm lý học xã hội Riia K. Luhtanen và Jennifer Crocker (1952-). Người tham gia sẽ đánh giá tư cách thành viên nói chung qua 4 tiểu cân: tự đánh giá tư cách thành viên của mình, đánh giá giá trị của nhóm, đánh giá kiến giải của những người khác về nhóm, và tầm quan trọng của nhóm đối với căn tính của mình.

250. Collective unconscious: Cái vô thức tập thể

(trong Tâm lý học phân tích): Một phần của cái vô thức bổ sung cho cái vô thức cá nhân, gồm những kí ức, bản năng và kinh nghiệm được mọi người chia sẻ. Theo Carl Gustav Young (1875-1961), những yếu tố tâm trí ấy được thừa kế và rồi được tổ chức thành các cổ mẫu, và trở thành hiển hiện trong giấc mơ, truyện cổ tích, huyền thoại, tôn giáo và những hiện tượng văn hoá khác. Cũng gọi là objective psyche (cái tâm khách quan), racial memory (ký ức giống loài), racial unconscious (cái vô thức giống loài).