Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

Đọc thơ 31: Như Quỳnh de Prelle, mùa vĩnh hằng

Nguyễn Đức Tùng

image

Bài thơ của Như Quỳnh de Prelle được viết ở biên giới giữa những điều có thể được nói ra và những điều không thể. Thơ chị bao gồm những trải nghiệm khác nhau, những tiếng nói khác nhau. Trong thơ chị, hạnh phúc và khổ đau tồn tại song song, trong khi khổ đau làm nên năng lượng của bài thơ thì hạnh phúc mang thông điệp đến với người đọc.

rồi lại cuống cuồng yêu như điên như dại

và khóc như trẻ thơ

tuổi nào yêu cũng dại khờ khốn đốn

đừng nói tình yêu cứu rỗi chúng ta nữa

Trong bài thơ, chúng ta chạm vào một điều không gặp trong đời sống hàng ngày. Bài thơ làm chúng ta ngạc nhiên, như khi bạn thấy một người có vẻ quen mặt, nhưng chịu không nhớ ra gặp nhau ở đâu. Nếu không phải thế, người đọc đã không muốn đọc tiếp, người viết đã không viết. Tính hoang dã, sức mạnh của cảm xúc, sự nổi loạn, khả năng vượt qua biên cương, tính vô mục đích và tính mục đích, sự chừng mực bất ngờ, sự trở lại, tự làm mới, tất cả những điều ấy đều có ở Như Quỳnh, tất nhiên với những mức độ khác nhau, thất bại và thành công khác nhau, trong những thời gian khác nhau. Thơ chị là sự đối thoại giữa hiện thực và trí tưởng tượng, giữa các giá trị văn hóa giao hòa nhau của phương Đông và phương Tây.

Tiễn đưa mùa thu

hoang vắng

tiễn đưa người của thế kỷ

giữa những cuộc chiến tranh tàn khốc

giữa những chia xa buồn bã

bên cửa sổ mỗi buổi chiều

người đàn bà ngồi một mình đọc sách

mảnh vườn cô đơn

Chị thuộc về những người có ý thức làm mới thơ Việt Nam những năm gần đây, trước hết từ một tư duy thơ sáng sủa, mạch lạc, tuy hiện thực nhưng giàu tưởng tượng, tuy minh bạch nhưng dịu dàng óng ả. Bài thơ của chị là một cấu trúc vừa khép vừa mở, khép vì nó có mở đầu có kết thúc, có những ý tưởng trung tâm, mở vì các vấn đề mà chị đưa ra không sẵn sàng có câu trả lời.

Thơ Như Quỳnh là một ý thức về hiện thực được trữ tình hóa. Những bài thành công của chị vừa tạo ra cảm giác hạnh phúc vừa đáng sợ, tựa như sự tới gần điểm cuối cùng của cảm xúc. Bài thơ cố gắng mang người đọc vào quỹ đạo của nó, chấp nhận vận tốc, hấp lực, độ vững bền. Như Quỳnh đi tìm tự do trong tình yêu và trong chính thân xác mình, hoan lạc và đau khổ. Nhưng thơ giữ kín những bí mật riêng của nó. Bạn biết là có một điều gì khác nữa đằng sau ngôn ngữ, sau những dòng chữ táo bạo.

Người đàn bà làm tình với nước trong bồn tắm

nước làm vơi đi sự nóng nực ngột ngạt trong cơ thể của nàng

bầu vú tròn

vòng eo thon gọn

và chiếc mông gọn gàng không chút mỡ thừa

Bài thơ của chị giữ được hai tính cách đối lập: giản dị và trí thức. Nếu chúng ta để cho bài thơ tới gần hơn nữa, nếu chúng ta đi thẳng vào nó như vào một cánh cửa, vào một căn phòng, bài thơ của chị sẽ biến thành người đọc.

Người đàn bà tiếp tục nằm trong bồn nước tại nhà hộ sinh

chờ sinh đứa con của riêng mình

cô nằm thở

hài nhi 38 tuần đang trở mình cựa quậy đòi ra

cô khóc và nhìn thấy bức tường toàn rừng xanh

một ngôi nhà cổ tích

cô nhảy lên trong nước

tung toé

nước ấm làm cho cô dịu êm hơn

mềm mại hơn

Dịu êm là tâm hồn và bên trong. Mềm mại là thân xác và bên ngoài.

Trở lại sơ nguyên không phải là điều dễ dàng, nó phải là một cố gắng có ý thức. Bạn bớt nghi ngờ, tập tin vào đời sống, bạn cười phá lên trước gương khi nhìn mặt mình. Một nhà thơ không cần có nhiều lắm các phương tiện trong cuộc du hành trở lại này, họ chỉ cần nhớ lại họ đã từng là một đứa trẻ ra sao.

Tình yêu của Như Quỳnh còn là một ký ức tập thể. Chúng ta đi qua những giai đoạn khác nhau, kết hợp, tan rã, vì vậy ký ức, và sự làm mới lại ký ức, mang lại cho con người niềm vui và sự đau xót, cả hai.

biết nói gì tháng 4

mùa hạ chói chang máu lửa

nôn mửa những quái thai dị dạng người

yêu thương phải lặng im

người hiền phải tiễn biệt

 

bao giờ chúng ta lại thương nhau

quê hương như anh

là có thật hay đã mất từ lâu

tìm bể dâu ngoài sóng cát

Cảm giác về sự toàn thể, nguyên vẹn, rất rõ trong thơ Như Quỳnh. Đó là sự mang lại một điều gì đã trôi đi quá xa, sự hồi phục của cái đẹp. Có những bài thơ hay nhưng ít làm chúng ta xúc động, ngược lại có những bài thơ không toàn hảo nhưng chạm đến cảnh đời riêng một người. Tất cả những bài thơ trữ tình đều là những trầm tư về cái đẹp và tình yêu, hai đối tượng quan trọng nhất của thơ trữ tình. Tôi hy vọng chị sẽ ngày càng tới gần khả năng tự sự của thơ trữ tình hôm nay, trong khi không xa rời một ngôn ngữ huyền ảo. Như Quỳnh là người ca ngợi say đắm; ngọn lửa nồng nàn trong tim chị dường không tắt, nhưng khi chạm tới những đề tài khác, chị có cái nhìn trầm tĩnh, một mặt có chất thời thế, mặt khác thanh thản, buông bỏ, dung hợp.

Hà Nội bội bạc

Hà Nội đắng chát chanh chua

Hà Nội vẫn yêu

trong bóng đêm ngược giờ

giữa những cuộc vượt đuổi

giữa những hàng xe inh ỏi

những cơn tắc đường nóng nực bực tức

Hà Nội tối tăm cơn kim tiền

trên những toà nhà thiếu hoa hồng

toàn bê tông

vẫn còn mùi khát khao cháy bỏng

Nỗi đau xót ngày càng lắng xuống, không dằn xóc, nhưng chẳng hề nguôi ngoai. Chúng ta ngày càng thành thị hóa, Như Quỳnh cũng vậy, nhưng chị mang được theo mình khu vườn tuổi trẻ, dòng sông thơ ấu đi giữa phố, tới đầu ngọn của nhành cây rung trong gió, đi qua cánh rừng của tâm hồn.

Thơ chị đẫm nữ tính và tình dục, hai khuôn mặt đặc trưng của tình yêu. Đối với chị, tình dục và tình yêu không tách rời.

Em sẽ hôn anh ở nơi ấy

chúng ta là một

gắn chặt nhau không rời

Người Việt có nhiều thơ tình, hiếm thơ về sex. Sự thành công của nhóm thứ hai cho đến nay là ít ỏi, đáng tiếc. Trong thơ, không có một đề tài nào là cấm kỵ. Những cảm xúc nhục cảm, vốn quan trọng trong đời sống chúng ta, khó có thể tìm thấy phép diễn tả nào thú vị hơn là thơ trữ tình.

Đó là một ngôn ngữ đảo ngược, soi chiếu, làm lại. Trong thơ Như Quỳnh, thân xác là thiêng liêng. Đối với các tôn giáo và các niềm tin truyền thống, thân xác của chúng ta là tạm thời, thấp kém, nặng nhọc, tâm hồn là nhẹ nhõm, linh thiêng, vĩnh viễn. Như Quỳnh tin rằng thân xác cũng là yếu tính của tình yêu, là chỗ nương tựa, là hiện thực, như căn nhà của tâm hồn. Thơ tình yêu của chị đặt căn bản trên niềm tin này, lên sự bình đẳng giữa rung động tinh thần và xúc cảm thể xác. Có một lúc tôi tưởng rằng Như Quỳnh sẽ đi về hướng cực đoan hơn nữa, như nhiều nhà thơ phương Tây khác, lấy cái tôi làm trọng tâm, lấy cuộc chiến đấu của cá nhân mình làm cuộc chiến đấu của thế giới. Những tập thơ sau Song Tử chứng minh rằng chị đã chọn lối đi khác, hướng về sự trung hòa, sự cân bằng giữa cái ta và tha nhân, giữa tình yêu và thể xác, giữa những nhu cầu cá nhân và ý thức cộng đồng, ở đó có ảnh hưởng của những yếu tố văn hóa nơi chị sinh ra và nơi chị đang sống.

Nỗi buồn của tôi

Đứa trẻ bị đánh đập rạn sọ đầu

Người phụ nữ bị giết

Người đàn ông đi tù

Người đàn ông chết

Những người đàn ông khác đánh nhau trên văn đàn

Những người đàn bà cướp chồng giết vợ người khác

Như Quỳnh quan tâm đến các chi tiết nhỏ của cuộc sống, cặn kẽ. Chị chuyển từ một thứ thơ nội tâm thành cái nhìn ra thế giới bên ngoài và rồi từ thế giới bên ngoài nhìn trở lại thế giới nội tâm. Đó là một thiên nhiên bên trong. Với những ẩn dụ mới, chuyên chở đau khổ cá nhân, kinh nghiệm chấn thương, sự xa cách, tan vỡ. Người đọc không biết rõ lắm về những chi tiết trong cuộc đời thực của tác giả nhưng thơ Như Quỳnh tựa như một nhật ký. Chúng ta rời bỏ một đất nước, mất người thân, chia tay những niềm tin, thất vọng và tuyệt vọng, than khóc và trở lại, những trạng thái ấy có mặt qua những tập thơ khác nhau của chị.

Tôi ý thức về cơ thể gầy của tôi

2 xương quai xanh nhô lên trong chiếc cổ áo rộng

2 bầu vú cạn sữa phẳng lỳ

chứa đầy những cục hạch nhỏ

di tích của đất nước tôi

chiến tranh và nghèo đói

Hơn bao giờ hết, chúng ta không biết được tương lai của chúng ta, không biết tình yêu lớn nhất mà chúng ta chờ đợi là gì. Nhưng ngày sẽ đến, ở đó những khoảnh khắc dồn tụ lại, thơ Như Quỳnh là sự thức tỉnh cho những khoảnh khắc ấy. Tôi nghĩ làm thơ đối với chị là một phương thức nguyên thủy (primary) để yêu thương, than khóc, cầu nguyện, ba thứ cảm xúc ấy đều mạnh mẽ. Nhờ có than khóc mà chúng ta lớn lên, nhờ cầu nguyện mà chúng ta được cứu rỗi, nhờ yêu thương mà chúng ta trở lại.

Em hỗn loạn một cách đẹp đẽ trong những ngày cuối cùng cuả mùa hè năm nay, một mùa hè cháy bỏng, nhiều nước mắt thấm dần trên không gian mùi hương và không khí của châu Âu

 

Sự hỗn loạn mang đến cho em sức sống và sự mạnh mẽ, quyết liệt yêu anh, yêu anh đến kiệt cùng của cái chết, em không ngưng lại yêu anh như anh muốn

 

Với thời gian, em đã nhận ra, tình yêu như bản chất tận hiến của nó, em đã thuộc về anh, về anh và luôn bên anh, bên cả trái tim xa xôi mà em sẽ chưa bao giờ nằm nghiêng bên cạnh nó, nhưng em chờ đợi nó lúc ấy, không gian ấy, em biết, anh biết điều đó

Không phải khi nào chị cũng giữ được nhạc điệu ấy và vẻ đẹp ấy của ngôn ngữ.

Có một nỗi phân vân ở Như Quỳnh giữa việc diễn đạt các ý tưởng và sức hấp dẫn của các hình ảnh bất ngờ, các chữ hiện ra vào khúc quanh. Tìm được sự thăng bằng giữa chúng là một trong những công việc khó khăn nhất của nhà thơ. Tôi nghĩ chị cần chú ý nhiều hơn nữa đến việc kết thúc câu thơ, sự vắt dòng, và chú ý đến biên giới giữa văn xuôi và thơ, mong manh nhưng tồn tại, quyết liệt. Các nhà thơ hiện nay chưa khai thác hết sức mạnh của một câu thơ.

Em bắt đầu hôn anh từ đôi mắt

để ngấm dần những mặn mòi đắng cay

Em sẽ hôn anh từ đôi bàn tay

trên những cánh đồng chữ

những bài thơ còn dang dở

và đôi cánh tay siết chặt nhau

Em sẽ hôn anh với vòm ngực còn thở

Thơ cũng như trẻ con. Chúng ta có thể không cô đơn, nhưng chúng ta sáng tạo một mình, khóc một mình, cười một mình. Tình yêu là nhìn vào chính mình theo cách mà chúng ta nhìn những sự vật ở nơi xa. Khởi đi từ tập Song Tử, thơ chị thể hiện những chuyển hướng tuy không hoàn toàn đột ngột nhưng rõ ràng. Trong khi khuynh hướng của các nhà thơ hiện nay, phần nào do chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại, ngày càng trở nên bí hiểm, chị vẫn giữ một lối viết sáng sủa, trực tiếp.

Paris buồn của em

nỗi buồn của em

 

mùa xuân muộn màng

trễ hẹn

của người đàn bà ngoài 30 yêu thêm lần nữa

lần nữa giữa lúc hoang mang

Sắp xếp trật tự là quan trọng. Câu thứ năm trong trích đoạn trên là câu quyết định, nhưng nó không thể đi một mình. Điểm qua các tập thơ đã xuất bản của chị, Song Tử, Biến đổi khí hậu, Buổi sáng phủ định, Người mang nước… con đường lâu dài của thơ Như Quỳnh là sự kết hợp giữa tiếng nói bí ẩn, khó hiểu, và sự mời gọi người đọc đến với cánh cửa bài thơ của chị.

đi vào thành nội

nhảy tung tăng giữa trường Quốc Học

Tôi lại ngồi xích lô ra chợ Đông Ba

tôi lại mặc áo dài tím

lang thang giữa những con đường xanh bóng cây

thành phố của tình yêu

đẹp nhất Việt Nam

tôi sẽ đọc thơ ở đây

cùng những người bạn yêu mến

chị Bạch Diệp

nhà anh Thanh Ngọc

Như Quỳnh yêu mến thiên nhiên. Trong thơ chị có nhiều nét sinh thái, sự trở về với cỏ cây hoa lá như trở về nguồn, hành hương. Thơ chị không ở ngoài thời gian, không ở ngoài không gian, nhưng thời gian của chị không chảy xiết mà êm đềm, không gian của chị không xáo trộn mà bền vững, vì vậy thơ hướng về cái lâu dài, hay như chị nói, vĩnh hằng. Tính chất không đổi của không gian và thời gian ấy làm cho tiếng nói của chị nghiêng về phía ý thức sáng rõ, hơn là phản kháng giận dữ, bài hát hơn là tiếng khóc. Thế giới ngày càng hỗn loạn, tội ác chống lại con người không giảm đi mà tăng lên, tuổi thơ vàng son của dân tộc ngày một lùi xa. Không phải khi nào con người cũng tràn đầy năng lượng, hăng hái sáng tạo, đôi khi chúng ta mệt mỏi, đôi khi chúng ta cay đắng, đôi khi số phận đánh bại chúng ta.

Nhưng chúng ta đến với thơ để tìm hứng khởi, niềm vui, sự chia sẻ cảm xúc, sự hiểu biết đối với khổ đau của đồng bào, tấm gương can đảm của một con người. Trong thơ, nhờ có người khác, chúng ta hy vọng tìm thấy những điều tốt đẹp hơn cả chính chúng ta.

thức trong tù

thức tuyệt thực

thức vĩnh hằng

thức được chết như anh

thức tàn lụi rưc rỡ

 

thức nỗi buồn trên cây

thức tỉnh người còn sống như đã chết

Trong sự quan sát của tôi, giữa những người cùng một thế hệ, chọn lựa của Như Quỳnh đối với các vấn đề văn chương và thời thế là một chọn lựa mau chóng, hồn nhiên, quyết liệt nhưng chín chắn. Chị đứng về phía những người yêu tự do. Chị không bao giờ quên trong thơ mình một dân tộc không may mắn, sự cần thiết của tiếng nói và sự cần thiết của hy vọng. Mối quan tâm của chị ngày càng tăng, cùng lúc, các suy nghĩ nội tâm và trầm tư xã hội, đất nước. Thơ Như Quỳnh là đam mê tự do. Đam mê ấy trở thành ý thức. Ở nhiều người viết hôm nay, tôi không nhìn thấy rõ ràng điều ấy, điều căn bản nhất của các giá trị văn chương: các quan điểm về sự thật lịch sử, được trình bày một cách không ai có thể nghi ngờ gì nữa.

Như Quỳnh sở trường về thể thơ tự do và thơ xuôi, chị sáng tác dồi dào, mãnh liệt, dù có lúc chậm lại. Những bài về sau viết kỹ hơn với một ngôn ngữ thận trọng, cân xứng hơn. Chị quan sát để tìm thấy nhịp điệu của đời sống. Có lẽ không khí man dại, vô tư, có phần cẩu thả, nhưng lại quyến rũ, trong những bài thơ đầu tiên của chị về sau ít gặp hơn. Nhưng cuộc sống là thay đổi, sáng tạo là thay đổi. Chị không thể viết mãi một bài thơ, dùng mãi một ngôn ngữ. Kỳ vọng giảm xuống, ảo tưởng tan vỡ, ánh sáng dịch chuyển. Cũng như một số nhà thơ khác gần đây, thơ chị gần với văn xuôi, gần với ghi chép nhật ký, những diễn tiến đời sống tâm linh. Chị thuộc về một thế hệ bản lề, giữa Việt Nam và thế giới.

Niềm tin là một ý niệm như lúc này, em tin rằng, người phụ nữ của anh chính là em, vừa ảo tưởng vừa điên rồ nhưng nó làm cho em nhẹ nhõm

Niềm tin là một sự giác ngộ hoặc là em đúng với bản thân em hoặc là em sai với bản chất sự việc, câu chuyện nhưng em cần niềm tin ấy để tiếp tục mỉm cười

Niềm tin là như viết một bài thơ vừa viết vừa ngắt dòng hoặc là mải miết đi mãi đến lúc ngừng viết, có bài thơ dài bài thơ ngắn bài thơ như trường ca như truyện thơ, bi kịch đến đâu tuỳ thuộc vào em

Như Quỳnh yêu sự hài hòa, vẻ cân đối của cấu trúc, tiếng nói của chị có tính kêu gọi, mãnh liệt, nồng nàn, nhưng đôi khi trở nên buồn rầu, bi thiết, chán nản, mơ hồ. Đó là một tình yêu xa diệu vợi, như sương khuya, như lá rừng, như khát vọng tháng năm trẻ tuổi trở đi trở lại, như lửa dập tắt rồi bùng lên, vùi dưới tàn tro âm ỉ cháy, chờ mùa mới bên kia cánh đồng ngôn ngữ.

Thơ Như Quỳnh mang cảm giác biết ơn đối với cuộc đời. Biết ơn là con đường ngắn nhất dẫn đến hạnh phúc và an tịnh bên trong. Cảm giác ấy không cần đến sức mạnh, tài năng, mạo hiểm hay lòng dũng cảm. Cảm giác ấy dựa trên ý thức của một người đối với sự bất toàn của cuộc sống, sự bất toàn của chính mình, cảm giác sung sướng được đi giữa người khác, được nối kết, chia sẻ.

trong lúc bệnh dịch

gần nhau hơn

yêu thương nhiều hơn

tử tế hơn

dịu dàng hơn có thể

tôi gặp gỡ những người chưa bao giờ gặp

tôi chạm vào những giọng nói

Niềm lạc quan của Như Quỳnh không phải là niềm lạc quan nông cạn, trái lại đó là kết quả của sự chiêm nghiệm sâu sắc của người phụ nữ có gia đình, con cái, mang gánh nặng của những công việc hằng ngày. Từ sự sôi nổi ban đầu đến sự trầm tư về sau, từ tình yêu bồng bột, hoang dại đến một tình yêu đằm thắm, vững vàng.

Tôi đến từ Tháp rùa

những huyền thoại xưa

đòi gươm trả kiếm

Tôi đến từ chiếc băng catset cassette Khánh Ly Sơn ca 7

từ Bến xuân, Suối mơ của Văn Cao

Tôi đến từ những bài hát bị cấm

những bộ phim bị cấm

phải áp tai nghe radio

 

Bây giờ,

Tôi đến từ trái tim Châu Âu

giữa những sắc màu văn hoá khác nhau

Đó là sự kết nối. Là ý thức sống.

Thơ cần cho đời sống cũng như hội họa, điêu khắc, âm nhạc, kịch nghệ, phim ảnh. Sự phân biệt giữa thơ hay và thơ dở, các khuynh hướng thẩm mỹ khác nhau của tác giả, các ý kiến của quần chúng độc giả và các nhà phê bình, ngày càng trở nên lẫn lộn, khó phân biệt. Trong khi thơ ngày càng bình dân hóa, cũng như các ca khúc phổ biến trong giới trẻ, sự hiểu biết về nghệ thuật này không hề được nâng cao. Thơ không được tạo ra từ hư không, không được nặn ra. Quá trình sáng tạo một bài thơ đòi hỏi sự tập trung lâu dài và sự hoạt động rất nhanh của các ý tưởng. Khi nguồn xúc cảm tới, năng lượng của chữ liền tràn ngập các trang giấy, gần như cùng lúc, vì vậy bài thơ là một toàn thể.

Em lạc anh trong chính tâm hồn của anh

giữa những chuyển động ngược chiều em

Nhiều bài thơ mang vẻ cao quý, cách trình bày sự thật điềm đạm, ngày càng xa các cảm xúc bồng bột. Thơ chị thiếu tính hài hước, điều này tôi cũng quan sát thấy ở các nhà thơ nữ khác. Trong thơ, sự hài hước không có tính trang điểm, mà xuất phát từ tư tưởng thâm sâu, cách nhìn thế giới, sự chuyển hóa. Cũng như nhiều nhà thơ hải ngoại, chị ở xa các sự kiện, xa các bất công xã hội, xa lịch sử chiến tranh; tôi không biết rằng khoảng cách ấy có làm cho ngôn ngữ của một nhà thơ thiếu tính u mặc hay không.

nàng uống trà thiền để

quên đi một nỗi nhớ có một

không hai

tự nhiên xuất hiện

Thơ chị có nhiều giọng nói, đặt nhiều câu hỏi, sự quan tâm đến người khác, sự thách thức các giá trị và sự bảo vệ chúng, tuy vậy ở bên dưới các dòng chảy thời cuộc, vẫn có giọng thì thầm, gợi lại các ký ức, lòng thương mến đối với thiên nhiên, gia đình, đất nước. Như Quỳnh chọn sự phối hợp sau đây: thơ viết về đời sống cá nhân nhưng mở cánh cửa cho người đọc. Mối quan hệ giữa nhà thơ và người đọc là bình đẳng, trong đó ngôn ngữ thơ là phương tiện giao tiếp. Thơ chị vì vậy hầu hết sáng sủa, dễ hiểu. Trong một số bài thơ khác, ít hơn, tôi tìm thấy chất bí ẩn, những khoảng mờ của Như Quỳnh.

Tập thơ đầu tiên Song Tử có vị trí đặc biệt. Những tập về sau tuy vậy không hề bị nó chặn mất lối, chúng mở những hướng đi khác, mỗi ngày một giàu có. Tiếng Việt, tập thơ thứ năm của chị, với lời tựa, Tưởng nhớ mùa vĩnh hằng, là lời cầu nguyện vĩnh hằng cho một mùa tưởng nhớ.

thế hệ nào cũng buồn bã

thế hệ nào cũng nát tan

lịch sử này

dân tộc này

khí chất này

từ đâu trở nên hèn hạ

dối trá bao trùm quyền hành

quyền hành dối trá thống trị nhân dân

Thơ chị hướng đến triết lý, dòng sông chảy tới chỗ sâu trở nên êm dịu, chiếu mây trời lặng lẽ.

Em sẽ hôn anh ở đôi bàn chân

trên từng nhịp bước

trên những con đường khác ngược chiều nhau

chúng ta là một

gắn chặt nhau không rời

Ngôn ngữ thơ nay trở về nhà.

Hình ảnh về bàn chân và con đường không mới mà vẫn mới, nhờ nụ hôn của chị. Đó là phép ẩn dụ tuyệt hảo.

Trong khi con người ngày một già đi, thơ làm cho họ trẻ lại. Thơ là món quà tặng quý giá Như Quỳnh muốn gởi tới cuộc đời. Chị là người phụ nữ sinh ra để yêu thương, để sống, để suy tưởng, để làm giàu cho nhân gian. Thơ chị tuy không khó hiểu nhưng trong những bài thành công vẫn giữ được giữa các hàng chữ một thứ ánh sáng huyền ảo, đôi khi buồn rầu tĩnh mịch. Gánh nặng đời sống trên vai chúng ta không ngừng trở nên nặng nề hơn, thơ đem lại niềm an ủi, sự dừng lại, thơ đề nghị sự chuyển dịch từ nỗi đau buồn thành niềm tin, lạc quan, sự làm mới lại. Con người hiện nay ngày một gắn bó với các giá trị hời hợt, cái đẹp bề ngoài, sự hấp dẫn của các tiện nghi kỹ thuật, thơ Như Quỳnh nhắc chúng ta rằng hạnh phúc giản dị hơn thế, vững vàng hơn thế, bởi đó là ý thức về tự do và sự tương hợp giữa các tâm hồn. Bạn phải tìm lấy cho mình nguồn hạnh phúc, không phải ở nơi xa lạ, mà chính ở nơi đây, trong những khoảnh khắc. Thơ làm cho bạn trở nên tự do, làm cho bạn đến gần hơn những khoảnh khắc ấy, của tình yêu bí ẩn.