Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

Chuyện đời tôi (kỳ 8)

Hồi ký của Nguyễn Minh Nhị

Núi ở giữa đồng

Tháng 5, những cơn mưa lớn đầu mùa dồn nước vào cánh đồng trũng Tứ giác Long Xuyên mà nông dân trong vùng gọi là “nước chum” – hình như người Khơ-me gọi vậy. Vì là cái rốn phèn, nên nước chum cũng nhiễm phèn, nhưng nhờ có rừng tràm nên mức độ chát không như sau này lúc hết rừng. Huyện, lúc ấy, có tên là Núi Sập. Tuy huyện mang tên núi nhưng là những quả núi “mồ côi” “lăn lóc” trên cánh đồng mênh mông, không có ấn tượng gì là núi, so với Tịnh Biên, Tri Tôn.

clip_image002

Núi Ba Thê (ảnh lấy qua mạng)

Đường về huyện phải lội nước suốt từ Lò Gạch qua Kinh 14 rồi mới đến căn cứ Huyện ủy ở Ngàn Năm - kinh Mớp Giăng. Cách bờ kinh xáng trở vào, người ta chia khoảng đều nhau thành như qui ước: Chừng một cây số gọi là Ngàn Một, rồi Ngàn Hai, Ngàn Ba... Cánh đồng lúa mùa mênh mông, giáp đồng cỏ, lác, năng... một khoảng, rồi mới đến rừng tràm Huệ Đức liền ranh xuống tận Kiên Giang. Gọi là căn cứ cho oai, chớ thật tình, tại Ngàn Năm, lác đác có trại ruộng và có kho lúa của dân ở vùng ngoài như Chợ Mới, Long Xuyên vào làm còn vựa lại, không cần có người ở giữ. Các cơ quan lợi dụng thế hợp pháp ấy mà phân tán nhỏ, ở cũng như dân, và dân cũng rất bảo vệ cơ quan, nên mới an toàn. Chỉ có Quân y, Xưởng vũ khí huyện ở trong rừng tràm liền với Ngàn Năm thành thế phòng thủ liên hoàn, nên gọi là “căn cứ”. Vậy mà sau này, khi thống nhất đất nước, lấy cớ họ không có hộ khẩu ở các xã vùng này, ta “cắt xâm canh”, đuổi họ bỏ đất, tay không về quê! Và bây giờ, sau hơn 50 năm, ta biết tìm ở đâu có cái không gian tự do và xã hội lương thiện như ngày ấy, ở đấy?

Về đến cơ quan, ai ai cũng mừng vui. Bí thư Huyện ủy là chú Hồ Chí Sơn. Còn Quận trưởng Núi Sập của phía Sài Gòn là Trung úy Đỗ Hồng Kỳ. Cậu Chín Kiên làm Chánh văn phòng, bạn Khối in rô-nê-ô (kéo quay guốc) do anh Ba Lê ở Ban Tuyên huấn tỉnh xuống dạy; chú Mười Thiệt làm cấp dưỡng, chú Ba Cối, anh Út Mập làm giao liên. Cơ quan phục vụ “đầu não” mà chỉ có chừng ấy người. Đúng là thiếu! Tôi được cậu giao đánh máy, viết bạch, phát hành công văn, thông tin và viết tin đọc chậm. Cơ quan không một tấc sắt phòng thân, chớ nói gì đến súng ống. Ở du kích quen ngủ có người gác, ở đây mạnh ai nấy ngủ. Lúc mới, chưa quen, tôi sợ biệt kích, không ngủ được. Vậy mà có bữa, sáng sớm sương mù, thấy đàn gà đãy con nặng cả chục ký, có cái túi đựng mồi như cái đãy, khi đầy “túi”, muốn bay lên nó phải chạy lấy đà như máy bay chuẩn bị cất cánh, chớ không “lên thẳng” được; chúng thường căng hàng ngang đi giậm cỏ bắt chuột, như lính đi càn, có người từng bị “xộ” bỏ chạy hụt hơi. Nhưng nghe nói hồi chống Pháp, bộ đội phục kích ở mương Hai Trân “đánh một trận” bằng gậy, bắt chở đầy một xuồng lườn. Tháng Bảy (âm lịch) nước nhảy lên đồng, tôi được giao cho chiếc xuồng cui có cà rèm chắc chắn, nghe nói là của ông chăn vịt nào đó ở Chợ Mới làm gián điệp bị ta bắt và xử tử. Người đi “thi hành án” về kể lại: Khi chôn, cái thây chưa chết hẳn trên gò đìa xâm xấp nước, hơi thở nạn nhân còn nhìn thấy phập phều qua lớp đất mỏng dập sơ sài... tôi hình dung mà ghê rợn, nhưng sau đó lại được cơ sở xác nhận là người dân tốt, tôi càng hoang mang tư tưởng và liên hệ sao nó giống trường hợp anh Út Võ nhà tôi ở kinh Tám Ngàn mà tôi đã kể qua. Ngày ấy, ai ghét ai, dễ hại chết như chơi! “Chiến tranh mà!”. Đó là câu vô trách nhiệm nhất mà người hai phía từng thốt ra khi họ cảm thấy lỗi lầm, và nó cũng phá nát cái mối quan hệ giữa người với người bình thường trong xã hội!

Công việc ở nơi mới tạm yên, một hôm có ba chị em cô Sáu (con cán bộ kháng chiến cũ ở Long Xuyên) được gia đình gởi vào nhờ chú Hồ Chí Sơn là bạn cũ dạy dỗ và giao việc. Tôi mở thơ bạch của ba cô gởi cho chú Hồ Chí Sơn, mới biết sự thật là ở nhà dạy hai em của Sáu hết nổi rồi. Tội nghiệp ông ấy, trí thức Kháng chiến 9 năm mà bất lực dạy con. Chính anh em Bảy, Tám kể và có cô Sáu xác nhận: Hai tay này bị trói chung vào bàn học thì khiêng bàn học đi xem đám ma, bắt xiềng một chân rút lên nóc nhà thì dùng chân còn lại đạp bay như “Người dơi” để bắt dơi bám trên mái ngói nhà cổ. Có lần, ba cô rượt không lại nên núp trong kẹt vách rình, chộp được một đứa bóp họng, tên còn lại la làng lên: “Việt Cộng!... Việt Cộng”. Tôi nghe mà ngao ngán, và từ đó suy ra: Chị của hai ông này cũng thuộc hàng không vừa, nên tôi càng cảnh giác! Ba chị em cô vào, sinh hoạt văn phòng có phần lộn xộn. Được vài bữa, hai “ông” con trai đưa đi về quân y một, xưởng vũ khí một. Hai nơi “tiếp nhận” hai ông có mấy ngày, người hai cơ quan ấy gặp tôi, ai cũng kêu trời. Tôi được phân công dạy cô Sáu đánh máy chữ, chép tin đọc chậm Đài Hà Nội. Văn phòng lúc này, ngoài lãnh đạo và các chú phục vụ, bộ phận văn thư có tôi, Khối và cô Sáu. Chú Mười Thiệt từ ngày có cô Sáu, dù đi đâu, tối chú cũng không bỏ chúng tôi như lúc trước. Nhờ sự giáo dục của má về vấn đề này, nhất là sợ hậu quả của những mối quan hệ bừa bãi, đến khi cưới vợ (mà ai cũng vậy) cũng chỉ cưới một người mà thôi, những người bị phá hại đời họ, họ oán hận, còn ta mất đức “bị trời trả quả cho con gái mình sau này”. Má tôi dạy vậy và tôi luôn tâm niệm.

Nhớ và ghi lại hồi ức này, tôi thấy cần đặt thành một bài học, tuy nó có phủ bụi thời gian, có vẻ “âm lịch”, nhưng vẫn là lẽ sống đẹp mà tôi muốn con cháu mình sau này nên rèn luyện, bởi nó là chất tinh anh làm nên hạnh phúc gia đình truyền thống Á Đông. Hoàn cảnh và tư tưởng là hai mặt, đều rất quyết định hành động, không xem nhẹ mặt nào, song hoàn cảnh là quyết định nhất mà người ta tổng kết là: “Nhất cự ly”. Đừng nên để “rơi vào hoàn cảnh khó xử”. Kẻ danh giá, người bình dân đều không ngoại lệ. Kinh nghiệm chỉ cho tôi thấy cụ thể ở những cặp “hôn nhân trước kẻng” hoặc một trong hai người, nhất là nữ bị “thất thân”, cho dù hạnh phúc ban đầu đến đâu, thậm chí có con cái đề huề, vậy mà có lúc họ “hồi tưởng” cũng “dậy sóng phu thê”. Tâm lý tiểu nông ở ta còn nặng lắm, thấy ai học giỏi hơn, giàu hơn đã ghét rồi, huống chi biết mình bị thua thiệt, bị lừa “đổ giỏ” hoặc  bị “cắm sừng”..., nên dân gian có câu “Nhất hậu hôn, nhì điền thổ”. Đây là kinh nghiệm sống của người mình chớ không phải rao giảng hay hù dọa ai.

Tại Ngàn Năm - kinh Mớp Giăng, mợ Út vào thăm cậu Út. Mợ báo tin: Ông ngoại qua đời ngày 28.7.1961, nhằm ngày 16.6 Tân Sửu, thọ 77 tuổi, sau khi được cậu Hai Thể rước từ nhà ba má tôi ở kinh Tám Ngàn về một thời gian ngắn. Má tôi sau này kể lại: Cậu Hai thật có hiếu, nuôi cha chu đáo, không để các em dâu chăm sóc trực tiếp; hằng đêm, cậu tụng kinh cầu an cho ngoại đến ngày ngoại trút hơi thở cuối cùng. Vậy mà sau này, nghe nói lại, ngày cậu lâm chung, trăng trối chỉ được liệm cho cậu bằng bảy miếng vạt tre để mau phân hủy, về nhanh với đất!

Tháng 9.1961, nhập huyện Châu Thành vào, cậu Út về tỉnh, chú Hồ Chí Sơn cũng về tỉnh. Chú Bảy Đào (Bí thư Châu Thành về làm Bí thư liên huyện, anh Năm Cao tiếp tục làm Chánh Văn phòng liên huyện Châu Thành - Núi Sập. Anh Tư Quang và Trò (em anh Tư  Quang) là lính Văn phòng Châu Thành về nhập với bọn tôi nên Văn phòng liên huyện cũng khá đông. Thời gian ở Núi Sập - Châu Thành tuy ngắn, từ tháng 5 năm 1961 đến tháng 2 năm 1962, nhưng rất hay, nhiều kỷ niệm vui buồn. Ở đây tôi học được cách làm việc nghiêm túc và tinh thần tiết kiệm của anh Năm Cao. Anh phân công tôi làm Tổ trưởng văn thư, được Khối, Trò ủng hộ, được chú Mười, chú Ba và các chú, các anh thường trực Huyện ủy, các ngành quan tâm giúp đỡ nên tôi rất nỗ lực để xứng đáng với họ. Nhớ hồi cậu Út dạy học đánh máy chữ trên bản vẽ các-ton, học như chơi, không ngờ nay lại làm thiệt. Mục đích ban đầu, cậu đặt ra là học để đi thi, tạo điều kiện “chui” vào làm Thư ký quận Tịnh Biên, tạo vỏ bọc nội tuyến, nhưng rồi lại làm Thư ký Huyện ủy, âu cũng là cái duyên, không uổng. Từ nhiệm vụ văn thư, đánh máy, chép tin đọc chậm, tôi biết chọn cách tự học, biết phân tích hoặc toát yếu được những bài bình luận, những tài liệu theo sự gợi ý, hướng dẫn của cậu Út. Tự học là biết đặt câu hỏi trước một sự việc, một vấn đề mà mình không biết hoặc chưa rõ để tìm đọc, tìm người để hỏi như biết “chổ trũng” cho nước vào để chứa lại, chớ không như chỉ nghe một chiều như “nước chảy qua cầu” trôi tuốt hết. Vì vậy tôi tự thấy mình trưởng thành nhanh, nhiều người nhận xét tôi “già trước tuổi”. Hồi còn ở Nhơn Hưng, một hôm chú Ba Dừa, Chi ủy viên Chi bộ kêu tôi làm đơn xin vào Đảng, tôi mừng quá, nhưng biết rằng 18 tuổi mới được vào Đảng, sợ tội khai man, tôi thành thật báo cáo là tôi mới có 15 tuổi, chú cười “Sao mầy già dữ vậy?!”. Đúng là tôi “già” từ lúc mới chào đời vì chịu oan đến hai tuổi!

Ở cánh đồng Mớp Giăng, tôi học được ở chú Mười cách giăng bẫy giò bắt trích, cúm núm (gà nước). Giò là một sợi dây chỉ dài như giềng câu cá, những vòng tròn có đường kính 20 phân, làm bằng sợi chỉ bẹ thốt nốt già nối vào một khúc chỉ cô-ton chừng 10 phân, cột vào giềng chỉ, vòng nối vòng liền nhau rồi đem giăng ba lớp cách mặt đất độ 10 phân, cỡ ngang cổ con cúm núm; ở giữa ba vòng bẫy giò đắp một cái gò bằng cái mâm, trên đó cột con cúm núm mái, thế là cả bầy cúm núm trống đều cắm đầu vô con mái mà mắc bẫy, bọn ở ngoài không sợ, cứ chạy vào. Hình như vào mùa sinh sản, con mái “phát mùi” dẫn dụ mạnh và xa hơn? Chú Mười còn dạy tôi cách kho rắn hổ đất, ngon tuyệt và cách ướp hàn the vào đùi thịt heo để dành hội nghị Huyện ủy mà không bị hư thúi. May mà tôi chỉ có làm và ăn lần đó rồi không có dịp xài hàn the nữa, thật là hú vía! Hèn nào cán bộ kháng chiến sống cơ cực và ăn đồ độc hại trong tù, trong rừng nên mắc nhiều bệnh hiểm nghèo là có lý do của nó. Ngày nay, có lẽ, chất độc còn nhiều hơn, nhưng bội nhiễm có vẻ văn minh và cũng “tự giác” hơn, là do các chất bảo quản thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật và nhất là nhậu (rượu, bia), và… chết yểu cũng nhiều hơn. Đến nghĩa trang từ trần của tỉnh thì biết, trên các bia mộ luôn được “trẻ hóa”, đó thôi!

Kinh Mớp Giăng là kinh trục do Pháp đào, từ vàm Vịnh Tre - Sông Hậu qua cầu số Năm - Ba Thê đổ ra Kiên Giang, do đó còn có tên kinh Ba Thê; còn vì sao có tên Mớp (hay Mướp) Giăng cũng lắm lời bàn. Sau Đồng Khởi, ta giải phóng từ Cản Dừa xuống tận Tân Hội - Kiên Giang. Cản Dừa là cái đập do Việt Minh đắp, ngăn tàu bè đề phòng giặc Pháp đi càn chớ không phải bến cảng. Sau đó, có lúc giặc chiếm, đóng đồn tại mương Hai Trân. Nhà dân ở lưa thưa hai bên. Chúng tôi thường ra ở xóm nhà chú Năm Kiếm, Chín Thời ở, làm việc và cũng hay ngủ lại qua đêm. Tôi được chú Năm cho phép đào một cái hố bí mật dưới khuôn bếp nhà chú để cái hũ tài liệu, phòng khi bấc trắc. Chú thím là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, rất tốt. Qua tâm sự, vợ chồng chú nói: “Tôi không thích Việt Minh vì Việt Minh giết Hòa Hảo. Tôi ủng hộ Mặt Trận Giải phóng”. Nghe nói mà thương nông dân mình. Giờ này mà có người không biết Việt Minh - Việt Cộng - Giải phóng cũng chỉ là một, như ông Vạn Tuế Hòa không nghĩ rằng Cộng sản Tàu và Cộng sản Việt Nam là không khác nhau mà ông lại ghét Cộng sản Tàu, thương Việt Minh, mà ngay bản thân tôi, lúc này, cũng hiểu như họ vậy thôi! Tại đây, có lần tôi nghe ông Bùi Đức Tâm, giáo viên, mà lúc đó thương gọi là “giáo sư” Trường tư thục Huỳnh Văn Nhứt - Long Xuyên, Chủ nhiệm lâm thời Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh An Giang, nói với chú Hồ Chí Sơn và cậu Chín Kiên: “Tôi ra vùng Vĩnh Hanh - Phú Nhuận, sau này chia ra, nên còn có xã tên Vĩnh Nhuận, công tác, gặp dân, nghe tôi nói chánh sách ruộng đất của Đảng và Mặt trận mình, ông chồng nghe một hồi rồi còn về rủ vợ lại nghe tôi nói chuyện”. Và ông kết luận: “Nông dân mình lật qua lật lại cũng chỉ biết ôm cục đất cày mà thôi!”. Sau đó, cậu tôi còn nhấn mạnh thêm, khi tôi tìm hiểu nhân vật này: “Ông là trí thức mà đi đâu cũng nói chánh sách ruộng đất. Hỏi, ổng nói không nói vậy thì nói gì để người ta theo?”. Vậy mà “quyền sở hữu ruộng đất” cho đến bây giờ vẫn chưa minh bạch! Các cô Tám Thành, Mỹ Tân, các chú Hai Lý, Tư Phúc... ở tỉnh thường xuống công tác ở đây. Tôi quen họ và cũng tìm hiểu học hỏi ở họ nhiều điều và có cảm tưởng họ là những kho trí tuệ, thực tế và kinh nghiệm mà mình cần khai thác. Tại đây, tôi cùng mọi người mừng chiến thắng Ba Dầu của Trung đội Tiền Phong, diệt Thiếu úy Ngọ, thu nhiều súng, có một trung liên “đầu bạc”, nhưng anh Tư Đồ (Chỉ huy trưởng Tiền Phong) cũng hy sinh, thấy chị vào thăm khóc chồng mà làm cho khí thế chiến thắng có phần bị chùng xuống.

Hồi ấy thường dùng “ký hiệu”, “mật hiệu”. Cậu tôi giải thích: Các huyện chỉ được gọi bằng các bí số: B1 là Tân Châu, B2 Châu Phú - Châu Đốc, B3 An Phú, B4 Tịnh Biên, B5 Tri Tôn, B6 Long Xuyên, B7 Châu Thành, B8 Chợ Mới, B9 Núi Sập - Thoại Sơn, B10 Thốt Nốt. Văn phòng Huyện ủy B9 còn kiêm nhiệm là “đầu cầu” để nối với B7, B6, B8 và B10. Đường về B8 cách trở, bởi sông Vàm Nao và sông Long Xuyên; đường về B10 còn có khó khăn cố hữu từ hồi thời kháng Pháp 9 năm, bởi lộ Cái Sắn là huyết mạch của địch, tài liệu dồn ứ chỗ tôi đầy xuồng mà không chuyển đi được. Thông cảm cho chú Ba Cồ, chú Mười Nhiểu, anh Bảy Chuột (anh của Út Trò) là giao liên tỉnh, chú Ba Cối, anh Út Mập giao liên huyện… đi lại vất vả trăm bề, hiểm nguy không xiết. Vì vậy, năm 1963, huyện Thốt Nốt được giao về cho tỉnh Cần Thơ; năm 1965, huyện Chợ Mới được giao về cho tỉnh Kiến Phong.

Cán bộ huyện ít người nhưng người đều nhiều tuổi, hầu hết đều có kháng chiến chống Pháp, đa số không là đảng viên; tôi thắc mắc, cậu tôi giải thích cho từng trường hợp một. Nói chung là vì kỷ luật rất khắt khe, số cán bộ ở Chợ Mới bị khủng bố mạnh, tự bỏ địa bàn chạy dạt vô Vùng Giải phóng Mớp Giăng công tác đều bị khai trừ khỏi Đảng hết; sau này có người được kết nạp, hoặc may hơn được kết tập lại. Trong này, có lẽ, còn có lý do là vì chú Hồ Chí Sơn (Bí thư Huyện ủy là người Chợ Mới) nên tình cảm cũng du di, nên họ qui tụ về. Liên hệ lại, thấy mình tự đi, giống “đảo ngũ” như các chú ở Chợ Mới, dù không ai nói gì nhưng tôi cũng ái náy trong lòng. Mãi đến khi nước bắt đầu giựt, tức gần năm tháng sau, Văn phòng Liên huyện Châu Thành - Núi Sập mới nhận được thư của Văn phòng liên huyện Huyện ủy Tịnh Biên - Tri Tôn, đồng ý cho chuyển công tác và chuyển sanh hoạt Đoàn cho tôi. Tôi thầm nghĩ: Có lẽ, cậu Út tôi về tỉnh, gặp các ông, nên thúc giục mới có cái thơ này, nhưng tôi không nói ra. Thư viết tay, do chú Sáu Cứ (Chánh văn phòng) ký tên. Trong thư có đoạn “Vì đồng chí đi trước, xin sau, nên địa phương có buồn, chậm làm thủ tục chuyển”. Hồi ấy nhờ kỷ luật “cứng” vậy hàng ngũ mới “chặt”. Anh Năm Cao, Chánh văn phòng Huyện ủy đọc xong nói: “Công việc chung mà nói vui buồn, khó nghe quá!”. Riêng tôi mừng như được cái gì quí lắm, vì đó là danh dự cá nhân mà. Từ đó, tôi thấy anh đúng là người làm việc có nguyên tắc, nên vừa học anh nhưng cũng vừa đấu tranh với những cái cứng nhắc phi lý của anh trong những chuyện sanh hoạt lặt vặt của cơ quan như kho cá không có đường mà phải bằng nước cơm sôi cho tiết kiệm, tiền sanh hoạt phí chỉ được mua gạo và muối, v.v. Được anh Tư Quang ủng hộ tôi, anh tỏ ra “mềm” hơn và nói: “Sinh hoạt cơ quan từ nay tôi giao cho chú hết “.

Tôi được giao cất giữ lý lịch cán bộ là Thường vụ Huyện ủy, đọc thấy việc khai hồ sơ cá nhân rất chi tiết, phản tỉnh, tự phê và tự qui kết khuyết điểm rất trung thực, nặng nề, thậm chí là hơi quá mức tự nhiên (cường điệu). Những cán bộ có học nghề võ, tự qui là thành phần “lưu manh côn đồ”; học và chơi đờn ca tài tử trong làng, tự phong là thành phần “tiểu tư sản ăn chơi trụy lạc”; có mua bán dù nhỏ cũng tự lên án là “con buôn bóc lột”... Thậm chí có người như chú Tám Xê tự thú là hồi chống Pháp, có lần vì bất mãn cá nhân mà định lén bắn ông Bửu Vinh nhưng không thành. Tôi thấy ngán và phục các ông này và nghĩ rằng mình không so được và cũng không vào Đảng được. Hồi ở xã khai lý lịch, được các ông nói “Mầy chỉ có đi học và nhà mầy là nông dân thuộc “tiểu tư sản - trung nông”, nên ghi là “trung nông lớp dưới”. Tôi không hài lòng, nhưng nay thấy các chú khai lý lịch và tự phong như vậy, nên tôi giữ y thành phần giai cấp như khai hồi ở Nhơn Hưng. Mà cái thành phần này gẫm ra là rất lợi hại, xê xích một ly là lợi hại cả đời; và thật tình, nó cũng chỉ có giá một thời, càng về sau này đều là “ảo” hết!

clip_image004

Mùa nước 1961, là năm nước lớn, sau khi cậu Chín Kiên chuyển về Văn phòng Tỉnh ủy, khoảng tháng 9, tháng 10, nước bêu; tại chòm tràm Văn phòng Huyện ủy, giữa kinh Mớp Giăng và Kinh 14, tình cờ anh Tư Đào cùng anh Mười Thành Công đi dự Hội nghị Quân báo Khu 8. Anh kể tôi nghe, chuyện anh bỏ nhiệm vụ “nội tuyến” trở về và đang làm Quân báo Huyện đội Tịnh Biên. Nhìn hai anh đi trên chiếc xuồng ba lá để đến Đồng Tháp Mười mênh mông, tôi không hình dung nổi cái gì đang đợi các anh trên đường. Tiếp sau, khi nước giựt, khoảng giữa tháng 11, gặp anh Ba Nhân trên đường đưa cô Ba Định về Khu 8 mà tôi không biết, chỉ thấy anh đi cùng một tiểu đội trang bị “bén”, có trung liên, tiểu liên ngon lành. Hơn 10 người cùng đi (hầu hết là dân Nhơn Hưng, Thới Sơn), có Ổi là con bà con cô cậu bên ba tôi. Anh nhắn tôi ra vạt tràm ngoài thăm anh. Anh vấn khăn rằn xanh trên đầu, đang ngồi trên xuồng chuẩn bị xuất phát. Anh hỏi thăm tôi qua loa rồi trao cho tôi một bánh thuốc Xiêm mẳn Cao Lãnh, mấy tờ giấy quyến để vấn thuốc, trong kháng chiến, tiêu chuẩn này là loại cao cấp rồi đó. Nhìn nét mặt, tôi có cảm giác thấy anh buồn buồn. Hình như, đó là linh tính mách bảo. Sáng ra, nghe súng nổ cạnh B2, tôi hồi hộp lắng nghe. Chiều, tin về anh hy sinh cùng cả tiểu đội. Chỉ còn em Ổi, anh Út Bạch là còn sống. Em vợ cậu Mười tôi (tên Thành) cũng hy sinh trong trận này. Đoàn cán bộ về Khu an toàn, mười người con ưu tú của hai xã Thới Sơn, Nhơn Hưng là nôi Cách mạng của Tịnh Biên hy sinh hết tại Gò Cốc - Đạo - Cậy này, xứng đáng dựng Tượng đài kỷ niệm như ở Miền ngoài hay làm. Thật là tổn thất quá lớn! Cây trung liên (FM đầu bạc) chiến lợi phẩm trận Ba Dầu, mới mấy tháng nay, mà chết hết ba người chủ của nó: Thiếu úy Ngọ, anh Tư Đồn và anh Ba Nhân (đều hàm tương đương Thiếu úy) với duy nhất một lý do là nó bị đứt vỏ đạn. Thượng sĩ Bảo lấy cây súng này từ bên xác anh Ba tôi tại Cốc Đạo Cậy, nhưng rồi ngày 30.4.1975, hắn cũng bị tử hình tại sân vận động Châu Đốc. Đúng là đồ sát chủ!

Sau khi anh Ba tôi hy sinh không lâu, nhân ông Lâm Minh Thái uỷcán bộ tỉnh) đi công tác về tỉnh mà không có bảo vệ, tôi xung phong đi thay để về nhà thăm và an ủi chị Ba tôi mới sanh cháu gái vừa tròn tháng. Chị đậu ghe hàng dưới bến nhà ba má. Nhìn cháu còn đỏ hón mà đã mồ côi cha, lòng tôi se thắt! Nói là đi bảo vệ cán bộ chớ thật tình là đi để chống xuồng. Năm ấy tôi mới 16 tuổi mà một mình chống xuồng đi và về hai bận trên con đường gần 30 cây số, đầy cỏ và nhiều chỗ nước cạn sít lườn xuồng phải kê vai đẩy. Những lúc mệt quá, tim đập nhanh, bị ói. Tôi tự làm tư tưởng: “Tôi lớn hơn Khối, nên phải không thua”. Sau này như thành tật, hễ khi nào mệt, tim đập nhanh là nôn ra. Má tôi biết, nên sau Giải phóng, khi tôi có nhà riêng ở Long Xuyên, gần nhà anh Tư Đào, mỗi lần thấy tôi làm cỏ, xe đất gắng sức, má tôi hay rầy. Không hiểu sao tôi rất thích nghe má rầy: “Cái thằng này... mầy coi chừng... bịnh đó con”!

Tôi và Khối được phân công theo phục vụ Thường trực Huyện ủy đi công tác ra cánh đồng Vĩnh Nhuận, Vĩnh Hanh. Trên xuồng, hai đứa là cái Văn phòng thu nhỏ, được trang bị một khẩu Mi-Sten bá xếp với mười viên đạn “làm bùa hộ thân”, mà sau này mới biết là đạn ấy lép gần hết. Xuồng chú Bảy Đào (Bí thư Huyện ủy) và anh Phi bảo vệ. Ngoài ra, còn vài cán bộ đầu ngành huyện, mỗi người một xuồng cùng ra cánh đồng ngoài với Thường trực. Họ phân tán đi đâu, tôi không biết, chỉ vài ngày thấy họp lại chỗ Thường trực một lần. Ông Bí thư quen địa bàn nào thì hay xuống đó, dù nguy hiểm như trường hợp chú Bảy Đào quen vùng yếu; còn chú Hồ Chí Sơn thuận các xã thuộc Núi Sập, mà Núi Sập có xã giải phóng Vọng Thê và có vùng “xôi đậu” ta - địch xen kẻ, nên đi lại thuận lợi và an toàn hơn. Có bữa, xuồng tôi đậu bến nhà chú Năm Kiếm, chú Chín Thời bị trôi về hướng đồn mương Hai Trân, nhờ vùng Giải phóng rộng nên không sao. Hồi đi công tác ở đồng Vĩnh Hanh - Phú Nhuận, có câu chuyện cười ra nước mắt là chú Bảy Đào có tánh cẩn thận, tối ngủ hay lấy sào hoặc dầm cáng hai đầu xuồng rồi gom cỏ hoặc lúa lại cột thăng bằng chiếc xuồng yên một chỗ để ngủ. Đêm đó, cách xuồng ông mươi mét, tôi và Khối đang ngủ, bỗng nghe ông hô hoán: “Chìm xuồng rồi, Phi ơi, nhảy!”. Tôi hết hồn, nhìn sang thấy hai người lặn ngụp dưới nước, còn chiếc xuồng đứt dây neo thăng bằng, chao đảo chòng chành. Thì ra, do tánh thận trọng của người có tuổi mà là lãnh đạo nữa, đêm ngủ, ông hay thò tay thăm nước trong xuồng, nhưng lại thọt tay ra ngoài be xuồng nên không đụng đáy, rồi ngỡ là xuồng bị phá nước, ngập sâu! Gió bấc non cũng vừa đủ cho hai thầy trò run lập cập. Tại đây, có câu chuyện nhớ lại còn ơn ớn, là… không biết ai trừ gian, diệt ác mà không có chỗ chôn, bỏ xác nổi lềnh bềnh trên mặt nước; hễ chủ ruộng vào thăm đồng, thấy thây ma trên đất mình liền lấy dây cột kéo sang ruộng khác, người khác vào thấy cũng làm vậy, ít ngày là cái xác rã dài trên đồng, làm mồi cho cá, làm phân cho lúa. Có người là dân, chết không chỗ chôn cũng đành gác hòm lên hàng cây xốc tréo chờ nước khô hạ thổ. Mỗi lần múc nước nấu uống, tôi hay liên tưởng những vụ này. Ta và dân, thỉnh thoảng, có địch, thậm chí người sống, kẻ chết xen kẽ nhau trên đồng lúa mênh mông như thế. Những chuyến đi như vậy, lúc nước giựt, lúa ngả mình là nỗi khổ: Chống tới hai sào, thì lúa giựt kéo xuồng lại hết một sào. Tội nghiệp Khối, nhỏ hơn tôi một tuổi mà gan lì, chịu đựng và xung phong gánh vác việc nặng nhiều hơn tôi. Cậu Chín Kiên, lúc còn ở đây, thường lấy gương Khối mà nói khéo để tôi học tập. Song tôi không tự ái, vì đó là sự thật. Sau này, khi tôi về tỉnh, Khối ra bộ đội huyện rồi hy sinh. Ngày Giải phóng, gặp lại người quen, tôi có hỏi thăm chú Ba Khâu (cha, và chị Tư Tải – chị gái của Khối) ở đâu, để tìm thăm, mà sao không ai biết. Tôi thấy mình như có lỗi với Khối!

Những năm sau đó, 1968-1972, Châu Thành - Núi Sập là chiến trường ác liệt, rất nhiều cán bộ hy sinh, nhiều cán bộ tỉnh chi viện, trong đó có cậu Út tôi được Tỉnh ủy phân công trở lại làm Huyện ủy viên liên huyện, đặc trách vùng sâu địch hậu Vĩnh Nhuận - Phú Nhuận, Vĩnh Hanh... rồi có đi không về. Có người thà nhận kỷ luật với tỉnh chớ không về huyện. Anh Năm Điền lần cuối cùng gặp cậu Út tôi rồi khái quát trong một bài thơ, có câu “Tấm vách lá ngăn đôi phần sống chết” khi nghe cậu kể những lúc ở trong nhà dân ngoài vùng địch, bị vây ráp. Còn tôi, trong lần đi tải vũ khí vào kho tại bến nước giáp với Tức Dụp trong một đêm tối trời, trước Mậu Thân có vài tháng, gặp nhau, cậu trao hết đồ kỷ niệm, sổ tay nhật ký cho tôi mà nói như trăng trối: “Chiến trường ác liệt lắm, cậu nghĩ đây cũng là dịp rèn luyện mình”. Tôi không ngờ đó là lần gặp cuối cùng và rồi cậu hy sinh cùng toàn đội Võ trang tuyên truyền huyện gồm bốn người: Khuyễn (xã đội trưởng), Hòa Bình (y tá, chồng chị Út Lan) và em Việt 16 tuổi (Hoa kiều Campuchia mới tòng quân, do Ban Tuyên huấn tỉnh mới tăng cường), do cậu chỉ huy, trong một trận chống trả địch truy kích tại cánh đồng Vĩnh Nhuận, rạng 5 giờ sáng ngày 02.2.1968, nhằm mùng 5 tháng Giêng Mậu Thân. Hôm tôi đi bốc hài cốt của cậu và ba đồng đội của ông (ba nắm đất tượng trưng), nghe người dân chứng kiến kể lại, cậu chiến đấu rất anh dũng và hy sinh mà trên tay còn cầm khẩu Carbine và khẩu K54 bên lưng. Lớp lớp cán bộ huyện, xã hy sinh vậy đó. Nhưng có nhiều người còn sống sót và gia đình người hy sinh chịu quá nhiều thiệt thòi sau này, như chị Út Lan và con (gái) sanh trong tù, gia đình em Việt, gia đình Hòa Bình... không biết ra sao? Đôi khi tôi tự thấy áy náy về những gì mà mình được hưởng thụ hơn họ! Tôi đem ba nắm đất về Nghĩa trang tỉnh là nhằm lưu danh họ trên hàng bia mộ, mà nếu không thì...!

Học và hành nghề vô tuyến điện

Tháng 2.1962, tôi được điều động về Văn phòng Tỉnh ủy, học lớp vô tuyến điện (Morse). Tôi về cơ quan mới ngay cái đêm Giao thừa năm Nhâm Dần. Từ đây, cuộc đời tôi bước sang đoạn mới, sống xa dân, sống âm thầm ở những nơi tương đối yên ổn, vì là cơ quan đầu não tỉnh mà, nghe qua cái tên ai cũng biết là cơ quan quan trọng nhất tỉnh, được bảo vệ nghiêm và yêu cầu an toàn cũng cao nhất. Tuy nói là tỉnh rút nhưng theo tôi biết chắc có sự tiến cử, giới thiệu của cậu Chín Kiên, chớ ai mà biết tôi để chọn, vì ông đang là cán bộ nghiên cứu Văn phòng Tỉnh ủy, và cái nghề điện đài cơ yếu là loại bảo mật tuyệt đối nên lý lịch người làm việc này chọn kỹ nhất, có người bảo lãnh và cũng phải có văn hóa kha khá một chút. Tôi thấy mình có may mắn. Tôi nghĩ, mọi người thành đạt tất nhiên là do bản thân, nhưng không thể không có sự hỗ trợ nào từ người khác hoặc hoàn cảnh đẩy đưa mà ta hay nói là vận may.

Trạm giao liên Cây Gòn - Giồng Cát (Lương An Trà) chỉ cách nhà tôi có vài ba cây số vùng Giải phóng, mà suốt ngày ở đấy tôi không dám về nhà thăm ba má, không dám chường mặt ra ngoài cho ai biết. Thời ấy kỷ luật ghê lắm. Phụ trách trạm là chú Hai Thợ, có người con gái là chị Hai Ngần (khi vào cơ quan còn có tên Hồng) đang vào thăm cũng ở đó. Chiều 5.2.1962, tức chiều 30 Tết, các anh Năm Điền, Tư Đấu... đến trạm vác gạo. Chú Hai Thợ nói: “Dẫn chú này về chỗ Tư Đen. Lính mới đó”. Vì chập choạng tối nhìn không rõ mặt, lại thấy tôi hút thuốc, anh Năm Điền kêu tôi bằng anh, nhưng tôi không nói gì. Đến nhà, anh chia cho tôi đòn bánh tét không nhân ăn Tết. Anh chỉ chỗ tôi ngủ tạm ở cái sàn nhà bếp lót toàn bằng cây tràm cong queo “giò nai” rồi rải đưng lên cho êm, nhưng mặt sàn không bằng thì làm sao êm được? Sáng ra, thấy cái mặt con nít của tôi, anh Năm Điền kêu trời như bọng, vì để cho anh kêu tôi bằng “anh” suốt mười hai giờ qua! Đơn vị có số hiệu là Tổ Tư (4), theo thứ tự Tổ 1 là Văn thư, tổ 2 là Giao liên - Bảo vệ, Tổ 3 là Cơ yếu, Tổ 4 Điện đài, chỉ có sáu người gồm: Năm Tân, Sáu Bê, Hai Dân, Năm Điền, Tư Đấu, do anh Tư Đen (Quan Trọng Đức) lãnh đạo, cộng với tôi, Ba Dũng và Thanh mới vào nữa là chín. Cơ quan là chòi trại ở dưới tán rừng tràm mới phủ tàng, cách bờ kinh Cây Gòn - Giồng Cát chừng vài cây số; nói là nhà chớ nó như trại lọp của tôi ngày nào. Lớp học chỉ có ba học trò, là lớp vừa học vừa làm. Anh Tư Đen phổ biến vậy. Đồng tràm với tôi không lạ, nhưng nay thì lạ vì cơ quan mới mà là cơ quan quan trọng; người mới nhưng là người có học khá về chữ nghĩa hơn tôi. Mới học được mấy ngày thì xảy ra biến cố. Biệt kích đánh vào xóm Cây Gòn gần cơ quan, thím Sáu Đệ vào thăm chồng là chú Ba Tuyên ở Ban Tuyên huấn tỉnh, bị địch bắn chết, anh Đấu chạy lạc đến hai ngày mới về. Sau sự cố này, Thanh đi học Vô tuyến điện ở R (Trung ương cục Miền Nam), còn lại anh Ba Dũng và tôi. Tôi thầm nghĩ: “Số mình chắc dành để học nghiệp dư thôi, vì văn hóa mình thấp”. Ngày đó chưa có khái niệm “học tại chức”. Trước đó, anh Tư cũng mới mở xong một lớp với một học viên là anh Năm Điền. Có lẽ tôi là người nhỏ tuổi nhất cơ quan Văn phòng Tỉnh ủy lúc bấy giờ. Trình độ văn hóa, tôi cũng là loại thấp nhất. Về hoàn cảnh kinh tế gia đình, tôi cũng thuộc loại nghèo nhất. Ở đâu cũng vậy, trước tiên tôi phải xác định ngay thân phận mình (như là định vị) để có định hướng phấn đấu và ăn ở cho hợp với cái  lẽ (thân phận) của mình.

Hồi ở Tám Ngàn, còn Việt Minh, cơ quan Thông tin tỉnh đóng ở gần nhà, tôi nghe tiếng Morse các anh nhận tin, rồi tối tối theo các anh bơi xuồng phát loa tin chiến sự. Tiếng Morse nghe như tiếng chim. Vậy mà bây giờ tôi phải học nghe “tiếng chim” và gõ cho ra “tiếng chim” ấy. Lớp bàn chẳng có, dụng cụ chỉ có cuốn tập, cây viết và cái cần ma-níp với mấy cục pin dạt (pin xài rồi)… như đồ chơi trẻ con. Đúng là học như chơi. Mấy tuần lễ đầu, nghe “tiếng chim” là tôi bắt đầu ngáp. Học đến đạt yêu cầu, ra tập sự làm việc rồi mà “con buồn ngủ” vẫn chưa buông tha. Ở đây, vừa học vừa làm là đúng nghĩa. Ngoài việc học, tôi chỉ tham gia lo cải thiện đời sống cơ quan, đi vác gạo cũng đi lòng vòng trong căn cứ (ở ngoài căn cứ, có bảo vệ vận chuyển). Ở Văn phòng Tỉnh ủy có hai bộ phận: điện đài và cơ yếu được bảo mật tuyệt đối, kể cả lính của hai bộ phận không được qua lại chơi với nhau. Điện đài còn ngặt hơn là không được ở xa mà cũng không được ở gần Thường trực Tỉnh ủy, vì sợ  bị địch phát hiện tần số mà lần ra địa điểm.

Sau khi bị biệt kích, Văn phòng dời về Giếng Cá Phi - núi Dài Vạn Liên, tên trong sách sử là Ngọa Long Sơn, hay thường gọi là Núi Dài Lớn để phân biệt với Núi Dài Nhỏ còn có tên là Ngũ Hồ Sơn hoặc Năm Giếng. Núi Dài Lớn khởi đầu từ Vồ Đá Bia bên Lương Phi (hướng Tây) chạy suốt qua Bến Bà Chi giáp với Núi Cấm (hướng Đông), thuộc xã Châu Lăng. Từ Ô Cạn - Ba Chúc, ngược dốc lên gần đỉnh là Giếng Cá Phi, Ban Tuyên huấn tỉnh đang ở đó. Văn phòng ở xung quanh lò ảng phía dưới, nước từ suối Ô Cây Nồi chảy xuống xói mòn thành lò ảng nối nhau. Tổ 4 chúng tôi ở ngay Ô Cây Nồi nhìn xuống lò ảng Văn phòng Tỉnh ủy. Rừng nguyên sinh ở đây còn nhiều, xen kẽ là những trảng trống có vườn chuối của dân. Khỉ ở đây thành đàn, chim hồng hoàng bắt khỉ con ăn là nguyên nhân của những lần đàn khỉ lớn, khỉ cha, khỉ mẹ cắn nhau cả ngày. Ở đây, chúng tôi ăn toàn nếp tịch thu của ông Đạo Sáu ở Lò Gạch, hồi ta nghi rồi bắt oan ông, trước khi tôi về tỉnh không lâu, bắt oan nhưng phải có tội, là lấy “nhiều vợ” mà toàn là vợ trẻ, và tội xây dựng Hợp tác xã “làm tùy sức, hưởng bình quân”. Tất nhiên, ông hưởng đặc biệt hơn nên bị ghép tội “bóc lột dân tín đồ”. Sau khi ta trả tự do gần cuối năm 1963, ông thường về ở Điện Rau Tần (Núi Cấm) gần chỗ chúng tôi ở gần chùa Phật Lớn. Được biết, ông Đạo Sáu ăn toàn là nếp. Cán bộ ta (ông Lâm Minh Thái) hỏi, ông nói là: “Nhường hạt ngọc trời (gạo) cho bá tánh”. Có lẽ, vì vậy mà Hợp tác xã của ông trồng nếp nhiều lắm. Nghe anh em đi gặt nếp về kể lại như vậy. Lúa nếp ra hạt rồi, đem về ví bồ trong lò ảng dự trữ, xay giã thủ công ăn dần; thỉnh thoảng tôi và anh Sáu Bê còn “sáng kiến” gói bánh tét nhân chuối. Chuối của dân ở đây thành vườn, nhưng vì sợ chông mìn nên họ bỏ không thu hoạch, Văn phòng ra lịnh cấm, chỉ có Tổ 4 chúng tôi và khỉ no nê. Tôi quen ăn nếp từ đó và không bao giờ thấy ngán như người không quen ăn. Nhân đây, nhắc lại nguyên tắc tổ chức Hợp tác xã (HTX) của ông: Mỗi HTX có một ngôi chùa bằng cây lá đơn sơ, nhưng là trung tâm của HTX. Ruộng rẫy, heo bò... là của chung. Lao động tự nguyện. Lúa thu hoạch về, ví bồ để quanh chùa, có lực lượng xay giã hàng ngày và cấp phát gạo cho từng nhà. Mỗi nhà tự lo thực phẩm, tự nấu ăn. Mỗi tháng, ngày 14 âm lịch, HTX làm heo, kho sẵn, bơi xuồng đến dưới bến múc chia cho mỗi hộ bằng nhau cỡ một tô con gà, đủ một bữa ăn của gia đình. Cách ông làm bí ẩn, ta và địch đều nghi ngờ theo dõi, nhưng ông bám theo Cách mạng không rời. Tín đồ từng làm đám ma giả cho ông, sau khi Ngô Đình Diệm làm Tổng thống ở miền Nam, nhưng không ai biết thật hư, kể cả khi ông qua đời lúc gần Giải phóng, cũng không ai biết thật giả và cũng không biết chôn ở đâu.

Văn phòng Tỉnh ủy do chú Tám Nhỏ (Tám Tráng) làm Chánh văn phòng. Ông là người nghiêm khắc, kỷ luật, tận tụy và cần kiệm. Văn phòng gồm văn thư và cấp dưỡng, phục vụ Thường trực tỉnh ủy; hai tổ Cơ yếu và Điện đài ở riêng, nhưng điện đài xa hơn. Riêng Đội bảo vệ và giao liên ở còn xa hơn nữa. Lúc ở Ô Cây Nồi - Giếng Cá Phi, có điều kiện, nên hàng tuần, chiều thứ Bảy, tất cả (trừ người giữ trại) đều tập họp lại hội trường Văn phòng nghe sinh hoạt thời sự, công tác tư tưởng và nghe Sân khấu truyền thanh Đài Tiếng nói Việt Nam. Một lần, nghe vở tuồng chòi “Tiếng sấm Tây nguyên”, tôi biết tuồng chòi hay, từ đó. Mấy tuần lễ sau, cũng đêm thứ Bảy, có vở tuồng “Dệt gấm”, nhưng chiều đó, các anh đi cải hoạt trên Cai Tổng Đồng hái về một bó cần sa “có nanh”, tôi hút thử một liều để nhớ lại lần trước ở nhà tôi được người lớn cho hút và say như thế nào. Tôi bị say và “ngủ suốt”, nên cũng không nhớ tuồng tích gì hết. Từ đó tôi mới biết cần sa độc hại cỡ nào, vì vậy mà xóm tôi, ai hút cần sa lúc đầu ăn ngon như “hạm” và lên ký cũng nhanh, nhưng rồi gầy rút lại, mắc chứng tâm thần và phần nhiều là tự tử chết.

Ngoài hàng tuần sinh hoạt chung như vậy, mỗi buổi chiều, các Tổ cũng sanh hoạt, kiểm điểm: “Đoàn-Công-Kỷ-Tiết”, tự phê và phê bình ưu khuyết điểm từng người. Ưu điểm và khuyết điểm đều tự phong cho điểm rồi tập thể bình bầu bốn bậc: 1/4, 1/2, 3/4 và 1 điểm. Chưa có ai đạt 1/2 điểm ưu (+), thường là 1/4, nhưng khuyết điểm thì 1/2 điểm trừ (-) thì nhiều lắm. Nói lớn tiếng, làm động rừng thì 1/2 điểm trừ là chắc, hoặc đi cải hoạt mà “cải” nhằm mít, chuối của dân bỏ lại thành vườn hoang (vì bom đạn) thì 1/2 điểm trừ cũng là chắc! Chúng tôi không sợ bị điểm trừ vì chuối mít, vì chủ trương quá cực đoan. Ta không ăn, chim chuột cũng ăn hết, nên không lấy đó làm nặng nề. Phải nói, chú Tám quản lý con người quá chặt. Sau này, trưởng thành, chúng tôi ai cũng cám ơn ông. Có chuyện như tiếu lâm, anh Ba Đức ở văn thư, có lần tự phê một mình: “Hôm nay tôi vi phạm quan điểm quần chúng, vì có chặt mít, chuối của dân ở Cai Tổng Đồng chạy giặc bỏ lại. Tự phong 1/4 điểm trừ”. Trời đất! Lạy ông tôi ở bụi này, vì ai cũng biết anh đâu có đi một mình. Ông tự “kích hoạt” bom nổ chậm, bị chú Tám phăng ra làm cho tụi tôi ở các Tổ bị “dính miểng”. Sau buổi kiểm thảo và bàn kế hoạch ngày mai, là đến mục sinh hoạt bích báo. Bài nào cũng được chấm 1/4 điểm cộng để khuyến khích. Hôm tôi làm bài thơ “Mối thù Vĩnh Lạc” được chú Tám Tráng biết, chắc anh Tư Đen báo cáo, ông bảo tôi chép sạch lại rồi ông vô bao thơ bảo tôi mang đến chú Tám Hoa (Phó Ban Tuyên Huấn) đang ở chỗ Giếng Cá Phi. Bài được đăng trên Thông tin An Giang  hay Văn nghệ An Giang gì đó, tôi không nhớ. Tôi rất phấn khởi. Lần đầu gặp chú Tám Hoa, tôi thấy ông có cái gì hơi hấp dẫn khác hơn những người mà tôi từng gặp. Tôi không ngờ lần ấy tôi “bén duyên” với viết báo, làm thơ nghiệp dư và sau đó làm lính cho ông đến… mút mùa kháng chiến.

Học Morse nghe tuy khó nhưng cũng không đến đỗi nào, nhưng phát tín hiệu tuy dễ mà khó. Có người suốt đời hư tay, không đánh ma-níp được như anh Chín Lĩnh đi học ở R về, tâm sự đến làm thơ: “Ai có bước trên đường báo vụ/ Mới cảm thông ma-níp bị hư/ Nỗi lòng buồn te ngắn (-) tịch dư (.)…”. Ngược lại có người khi mắc tai nghe vào, theo anh ta, tín hiệu “Tít (.) Te (-) mà nghe chỉ toàn hai tiếng “Má ơi!... Má ơi!”. Lại cũng có người, cho đến khi chuyển nghề khác, cả nghe lẫn phát đều không làm được, như anh Tư Trang (Hồ Minh Tông), buộc phải chuyển qua học sửa chữa máy. Tôi may mắn không như ba trường hợp đó.

Ở yên tại Ô Cây Nồi - Giếng Cá Phi (Núi Dài Lớn), khoảng tháng 3 hay tháng 4.1962 là mùa đìa, tôi và các anh ở các bộ phận khác được phân công xuống đồng tràm bắt cá làm khô, làm mắm... cho Văn phòng. Chúng tôi ở dã chiến trên một gò đìa có cây ô môi đầy trái chín đen, gần nhà in của Ban Tuyên huấn tỉnh, tại Giồng Bà Thực, sau hậu Kinh Mới - Cà Na do Ngô Đình Diệm bắt dân các tỉnh lân cận đào bằng tay chỉ mấy tháng mùa khô vừa xong. Anh Hai Cừu, Tư Hiếu (Võ Hiếu) cán bộ nhà in có tới lui liên hệ, trao đổi với anh Năm Đoàn (cơ yếu) lãnh đạo toán tụi tôi. Hôm khánh thành con kinh, cả bầy trực thăng “Sâu rọm” bay sát ngọn tràm dọc theo kinh, cuốn bụi tro đốt đồng mù mịt. Anh em tôi bất ngờ, không hiểu chuyện gì. Từ ngày có con kinh, chúng tôi gọi Kinh Mới (dân còn gọi là kinh Ngô Đình Diệm), càng về sau việc đi lại giữa đồng và núi có cách trở, địch hay phục kích nên phải cảnh giác.

Về tỉnh hơn nửa năm, tình cảm tôi và đơn vị mới bắt đầu gắn bó. Bởi sinh hoạt có pha mùi “công chức”, ngày làm việc tám tiếng, nội qui, kỷ luật… nó có cái gì đó không ấm áp bằng ở với dân, với du kích hay bám trụ vùng yếu sống, chết trong gang tấc mà tôi đã quen. Một ngày ở những nơi ấy cũng đủ để thân tình rồi. Tôi quen theo dõi thông tin, thời sự - chính trị qua radio, về đây không có, chỉ có một mình anh Tư Đen có cái Hitachi là duy nhất, thấy tôi thích nghe xã luận, bình luận (có người còn không thích), nói tôi là “cụ non”, hoặc “vạn sự thông”. Ở nhà rồi vào cơ quan cũng vậy, sao ít người chịu, nhiều người ghét bàn về chữ nghĩa quá. Rồi tôi cũng quen cảnh đơn độc!

Điện đài Tỉnh ủy có nhiệm vụ chính là thu phát công điện qua mật mã (cơ yếu), nhưng cũng còn có nhiệm vụ là nhận thông tin từ đài GFM (Phân xã) của Ban Tuyên huấn Khu 8 bằng chữ rõ, nhưng không được phát, muốn hỏi xin phải qua điện mật, hoặc rà nghe theo các đài ở các tỉnh khác họ xin rồi mình điền vào chỗ mất, những chỗ mất như vậy thường do thời tiết nên cũng thường giống nhau, chúng tôi gọi là “vá tin”. Cách làm này khá rắc rối và rất chậm trễ. Tôi tập sự Đài mật và cả Đài chữ rõ (Minh Ngữ); tập sự là mang ống nghe phụ, ngồi bên trái anh làm ca chính, có cuốn tập riêng để ghi nhận công điện hay bản tin, rồi đối chiếu đúng sai với người làm ca chính, xong hủy bỏ ngay. Thời gian tập nghe trên máy khá dài. Ở ngoài, nghe để học dễ một, vào máy nghe khó gấp mười lần hơn, nhất là thời tiết xấu, sấm sét nghe rào rào, máy của ta tự lắp ráp nên rất yếu, có khi phải gần như nín thở để nghe, hoặc trùng tần số với một đài khác mà chúng tôi thường cho là “đài địch phá”, phải có kinh nghiệm “nghe lòn” nho nhỏ lồng trong tín hiệu rổn rảng của “đối phương”. Mùa mưa ở đồng bằng, các đám mây tích điện là là trên cây cỏ tạo nên sấm sét rền trời, dễ sợ; nhiều khi sét nổ gần nhá lửa, đánh bật người khỏi bàn làm việc. Những lúc khó khăn như vậy, tập sự bị rút bỏ tai nghe phụ, đành ngồi chơi. Rèn luyện để nghe được khi khó khăn mới độc lập làm việc được; đằng này, hễ khó thì bỏ ra nên tập sự lâu là vậy. Còn tập phát là khi có những bức điện ngắn hay tin vắn, thời tiết tốt thì trưởng ca cho mình phát tín hiệu (gõ ma-níp). Lúc đầu gõ chậm, chân phương, khi bên kia nghe được thì nâng dần tốc độ lên. Thường, người thạo nghề nghe và phát có thể đạt tốc độ lên 21-22 nhóm chữ mật trong một phút, nếu chữ rõ thì nhanh hơn nhận tin đọc chậm đài Hà Nội.

clip_image006

Chú Bảy Điện (giữa), Nguyên đứng đầu ngành Vô tuyến điện Khu ủy Khu 8

trong cuộc hội ngộ Cựu cán bộ kháng chiến toàn ngành Khu 8 tại Mỹ Tho ngày 28/12/1999

Nói anh Tư Đen là thầy, chớ thật ra các anh vào làm việc trước tôi ai cũng làm thầy chúng tôi cả. Hễ rảnh, họ đến nhịp ma-níp cho chúng tôi học. Đó cũng là cách để họ rèn luyện ma-níp. Tình hình những năm sau Đồng Khởi chưa phải ác liệt lắm, nhiều vùng Giải phóng rộng liền xã, liền huyện, liền tỉnh do nhờ vào địa hình liền rừng, liền núi như Tịnh Biên - Tri Tôn, Tri Tôn - Núi Sập, hay An Giang - Kiên Giang. Tại Ô Cây Nồi - Giếng Cá Phi, chú Bảy Điện (Thủ trưởng Vô tuyến điện của Khu ủy Khu 8) về làm việc, đổi qui ước điện đài từ sử dụng tiếng Pháp sang tiếng Anh, (thí dụ tiếng Pháp CC là đồng ý, tiếng Anh thì OK, đánh nhanh hơn từ ZSF thành QRQ...). Ông kiểm tra kết quả học tập hai anh em tôi, chính chú gõ ma-níp cho chúng tôi nhận lần cuối với tư cách học trò. Được chú đánh giá là tốt. Vậy là… tốt nghiệp.

Cũng tại đây, sau khi chú Bảy Điện về Khu, ngày 27.7.1962, địch càn vào Ô Cạn, bắn pháo lên núi. Khi pháo nổ qua đợt một, cây cối gãy đổ trên đầu, vì Tổ 4 ở trên đất liền không có công sự, còn Văn phòng Tỉnh ủy ở dưới lò ảng. Anh Tư Đen thấy tôi nhỏ nhất và anh Tư Trang đang sốt rét, nên ra lịnh đi xuống lò ảng Văn phòng. Tôi quay lại thấy anh Đấu hơi mất bình tĩnh, nên đề xuất anh Đấu đi với anh Trang, còn tôi và anh Sáu Bê ở lại thủ máy móc, đề phòng bộ binh đến. Anh Sáu Bê và tôi nép vào hốc đá, dùng cái chén bể hai mà khoét thành một cái hốc đủ hai anh em núp vào vừa đủ cái lưng và nửa cái đầu. Nhưng qua loạt pháo đợt hai, chúng bắn tập trung vào khu vực Văn phòng; tan khói pháo, Kịp hớt hãi chạy lên báo Đấu hy sinh. Như quán tính, tôi bất chợt rờ lên đôi dép cao su anh Đấu còn bỏ lại như rờ tìm cái gì…, sợ mất. Tôi có cảm giác như còn lại hơi ấm! Anh Đấu hy sinh, Tiến bị thương nặng, nhiều người khác ở Văn phòng bị miểng đá nhỏ dính vào.

Anh Đấu quê ở Châu Phú, đang là cán bộ kỹ thuật Đài Phát thanh địch, nghe lời kêu gọi ra bưng biền, mới về Tổ 4 trước tôi không lâu. Anh có 5/5 anh em đi kháng chiến, đi tập kết, có hai người đã hy sinh trước rồi. Anh hiền và chân thành, được mọi người quí mến. “Anh chết hồn anh được thảnh thơi/ Đồi tranh ấp ủ nắm xương người/ Để lại bao tình thương với nhớ/ Tập thể hôm nay vắng tiếng cười... Đó là tâm tình của tôi với anh trong bài thơ khóc anh. Chị Điệp, người yêu anh sau khi nghe tin anh hy sinh đã thoát ly gia đình đi trả thù. Thù chưa kịp trả, chị bị chúng đi càn bắt được hành hình tại Ô Long Vĩ và chị đã hy sinh một cách trung liệt. Anh Út Hạnh, em anh Đấu, mà sau này tôi rất quan tâm khi anh gặp khó khăn “vấn đề nội bộ”. Hết một nhà hy sinh như vậy, nhưng khi nhìn vào, có đồng chí chỉ thấy một vài khuyết tật lặt vặt của một người. Chán thật!

Sau khi anh Đấu hy sinh không lâu, Văn phòng dời về Ô Tà Sóc thuộc núi Dài Vạn Liên hay thường gọi là Núi Dài Lớn, xã Lương Phi huyện Tri Tôn.

N.M.N.