Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

Bài học quá đắt giá

Lê Học Lãnh Vân

Đó là bài học quá đắt giá từ cuộc chiến 1979.

Không hề phủ nhận tham vọng chiếm đóng hay phủ trùm ảnh hưởng lên Đông Nam Á của ông Mao Trạch Đông mang dòng máu bành trướng, cũng không hề phủ nhận hào khí đội trời đạp đất của ông Lê Duẩn trước ông Mao,

Bài viết này vẫn cho rằng Việt Nam có thể tìm một lối thoát để phát triển và bảo vệ lãnh thổ mà không chịu một cuộc chiến rất tai hại tới sự phát triển đất nước suốt mấy thập niên về sau.

Hồi tưởng lại bốn mươi mấy năm xưa…

Lúc ấy Trung Quốc còn là nền kinh tế yếu ớt, dân khí cũng yếu nhược vì quốc gia Trung Quốc nghèo đói và chậm tiến đang thua các quốc gia khác nhiều mặt. Lúc ấy Trung Quốc đang ra sức cầu cạnh cả thế giới vì cần vốn và kỹ thuật để vươn lên… Một Trung Quốc như vậy không thể dốc nguồn lực của mình vào chiến tranh với Việt Nam, nước được đánh giá là cường quốc quân sự và thiện chiến lúc đó. Một Trung Quốc như vậy cũng không dám cho thế giới thấy bộ mặt hung hăng…

Nói cách khác, dù có tư tưởng và tham vọng bành trướng, Trung Quốc thời đó không dám khinh suất “dạy cho Việt Nam một bài học” nếu Việt Nam cho thế giới cảm nhận là một quốc gia yêu hòa bình, khiêm tốn, sẵn sàng làm bạn với cộng đồng các quốc gia, chịu giải thích, thuyết phục các quốc gia về thái độ, hành động của mình…

Việt Nam thời đó trình ra thế giới hình ảnh một quốc gia như thế nào?

Một quốc gia vừa mới tái thống nhất đất nước bằng quân sự sau một cuộc chiến dài hai chục năm tiếp theo cuộc chiến chín năm giành độc lập từ Pháp. Sự việc này, thời đó, được không ít quốc gia trên thế giới ngưỡng mộ hay có cảm tình. Không chỉ các quốc gia trong khối xã hội chủ nghĩa mà cả một số quốc gia khối tư bản.

Nhưng, sau ngày thống nhất, không ít chính sách của Việt Nam cho thấy không theo ứng xử thông thường của thời kết thúc một cuộc chiến. Cách ứng xử với tài sản “bên thua cuộc”, việc đưa viên chức công quyền cấp trên và sĩ quan chế độ Sài Gòn đi học tập với con số theo vài tài liệu là trên một triệu người, các chính sách cải tạo công thương nghiệp cùng việc đưa người đi kinh tế mới… có cho thấy hình ảnh một nước Việt Nam không tôn trọng những tiêu chuẩn được công nhận phổ quát không? Rồi thuyền nhân ùn ùn vượt biển trên thuyền con rất nguy hiểm với cách đi không chính thức (tự đi) hay “bán chính thức” do nhà nước tổ chức cho thấy hình ảnh một quốc gia không quan tâm tới sinh mệnh người dân, cả công dân gốc Việt lẫn gốc Hoa. Một quốc gia không cần giải thích đầy đủ cho thế giới biết về các hành động của mình. Rồi những tuyên bố chính thức hay không chính thức như “nếu muốn, quân đội Việt Nam chỉ cần hai tuần là đi xuyên Thái Lan, từ biên giới với Cam-pu-chia tới biên giới với Miến Điện” hay “gió cách mạng thế giới đã chuyển từ Bắc Kinh sang Hà Nội” có trình trước thế giới hình ảnh một Việt Nam kiêu căng, hiếu chiến, tham vọng tiểu bá và thách thức Trung Quốc không?

Sự thách thức đó khiến những sự việc khác chỉ còn là cái cớ để Trung Quốc tiến công Việt Nam trong sự thờ ơ của thế giới. Trung Quốc biết điều đó, không chỉ họ biết không ai can thiệp mà họ còn tin rằng cuộc chiến không làm xấu đi hình ảnh của họ trước thế giới.

Có phải chăng việc Miền Bắc thống nhất thành công đất nước quá nhanh chóng sau hiệp định Paris khiến Việt Nam tự mãn, tự cho mình vô địch, lúc nào cũng đúng nên không cần xây dựng hình ảnh thân thiện với cộng đồng các quốc gia? Không cần để ý tới việc thế giới cảm nhận mình ra sao?

Trung Quốc đã gầm ghè và có nhiều thái độ chống đối quyết liệt, Việt Nam thời đó có quan tâm đủ tới những yêu cầu và mong muốn của Trung Quốc không? Có biết, phân tích những yêu cầu và mong muốn đó để có chiến lược ngoại giao thích hợp nhất. Có nghiên cứu chiến lược với mục tiêu cao nhất là giữ hòa bình? Giữ hòa bình không có nghĩa là hy sinh những mục tiêu chiến lược khác, trái lại vẫn có thể trân trọng chúng hơn, tìm phương cách thực hiện chúng một cách tinh tế, hiệu quả hơn.

Nếu thế, phải chăng Việt Nam đã bớt khiêu khích Trung Quốc hơn, bớt trình bày với thế giới hình ảnh Việt Nam “chỉ làm theo ý mình”, thậm chí có thể hợp tác với Trung Quốc trong các hoạt động có lợi cho sự phát triển đất nước hơn, mở cửa quốc gia sớm hơn? Có thể Việt Nam sớm thoát khỏi tư tưởng khô cứng nhị nguyên trong quan điểm về chính trị thế giới, cái quan điểm chỉ nhìn thế giới có hai cực Xã Hội – Tư Bản, Địch – Ta, Thắng – Thua… Có thể chăng Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài sớm hơn, nhiều hơn, có bước phát triển thần kỳ hơn, và đất nước ngả theo chiều hướng văn minh sớm hơn, dứt khoát, mạnh mẽ hơn…? Việt Nam không lâm vào hoàn cảnh thất thế trước Trung Quốc như bây giờ?

Việt Nam đủ lớn và đủ không khổng lồ để thực thi các chính sách chuyển mình nhanh chóng và hiệu quả hơn Trung Quốc! Điều này đã không xảy ra để lại nỗi đau tiếc trăm năm!

Từ trước khi cuộc chiến biên giới xảy ra, người viết bài này từng nghe những vị dày dạn theo cách mạng từ những ngày đầu chống Pháp. Họ nói:

- Trời ơi, mình đối xử với Trung Quốc thế này thì nó đánh mình cho chết. Ai tham gia chiến tranh đều biết từ cái bình tong uống nước tới miếng lương khô bộ đội đều do Trung Quốc chi viện. Bây giờ mình phủi sạch thì nó tức nó đánh mình thôi!

- Nó nghèo thì nghèo nhưng nó là nước lớn. Không giữ mặt mày cho nó thì nó đánh. Mình mới dứt chiến tranh, đang cần yên ổn xây dựng, cứ im im mà lo cho dân ấm no, cho nước mạnh giàu. Giàu mạnh là tự nhiên bảo vệ được tổ quốc.

- Mình đang cần thế giới mà bất cần đếm xỉa tới thế giới. Đang cần hòa bình mà thách thức vỗ mặt thằng Trung Quốc. Vận khó còn đeo đẳng nước mình dài lâu…

Không chỉ các vị theo cách mạng từ đầu, cả những vị xuất thân chế độ Miền Nam, dù đang bị bạc đãi, cũng đứng ngồi không yên trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Trong dân lúc đó có nhiều người nhìn và đoán thời cuộc sắc nước. Nếu những cái nhìn đó, tiếng nói đó được thảo luận rộng rãi, lắng nghe chăm chú, phân tích tường minh thì cuộc chiến năm 1979 có thể đã được ngăn chặn không?

Không chỉ trên biên giới phía Bắc, cuộc chiến biên giới Tây Nam cũng có thể không xảy ra. Vận khó của đất nước có thể đã chấm dứt từ sau năm 1975!

Bài học từ cuộc chiến năm 1979 phải chăng là chính sách ngoại giao thiển cận? Và bài học gì cần rút ra từ việc nhiều người trong dân chúng có tầm nhìn xa mà chính sách ngoại giao thiển cận cứ tiếp tục được triển khai?

Ngày 18 tháng 2 năm 2021