Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

Đính chính và bổ sung

Cao Quang Nghiệp

Sau khi cho đăng bài Những ngộ nhận và nhầm lẫn trong việc căn cứ vào dòng chữ trong Tự Lực Văn Đoàn” để xác nhận thành viên Tự Lực văn đoàn – trường hợp nhà văn Đỗ Tốn trên Văn Việt chúng tôi có nhận được một bức điện thư của chị Thuỵ Khuê nhờ Ban Biên tập Văn Việt chuyển đến chúng tôi, trong đó có đoạn:

“Tiện đây cũng xin lưu ý anh Nghiệp:

Trong bài anh có nói đến bức họa: “Thất tinh hội bên bàn tiệc tại toà soạn” mà anh chú thích lấy ở Phong Hoá số 197 (03.02.1940), trang 6.

Nhưng Phong Hoá bị đóng cửa từ số 190 (5-6-1936), tức là từ bốn năm trước, thì làm sao lại có số 197 ra ngày 3-2-1940.

Mình có xem lại tấm hình “Thất tinh hội” này trong bài anh Nghiệp viết trên báo Thế kỷ 21, thì đoán là một bản vẽ lại một tấm hình rất mờ, in trong phần trang trí, một số báo Phong Hoá, mình đã nhìn thấy, nhưng không ghi lại, vì họ không đề thất tinh gì cả.

Vậy anh Nghiệp nên xem lại, xem bức hình Thất tinh hội bên bàn tiệc tại toà soạn lấy ở báo nào, và ai đề những chữ Thất tinh hội bên bàn tiệc tại toà soạn. Bởi vì mình hầu như chắc chắn là trên Phong Hoá không có bức tranh đó với những dòng chữ đó”.

Chúng tôi rất cảm ơn chị Thuỵ Khuê đã cất công rà soát lại tài liệu và chỉ ra sự bất cẩn của chúng tôi. Quý báu thay việc phản biện và trao đổi ý kiến với nhau trong công việc nghiên cứu, mà thường thì lẻ loi và lầm lũi.

Đúng như chị Thuỵ Khuê đã lưu ý, báo Phong Hoá đã không còn hoạt động từ sau số 190, ngày 5.6.1936, thì không thể ra số 197, ngày 3.2.1940 được. Ở đây chúng tôi đã sơ suất, ghi nhầm là Phong Hoá thay vì là Ngày Nay, là tờ báo thứ hai của Tự Lực văn đoàn (hình 1).

Còn về cái tựa “Thất tinh hội”[1] là do chúng tôi tự đặt theo cách gọi của chính Tú Mỡ – thành viên chính thức của Tự Lực văn đoàn[2]. Hơn nữa, trong bài viết đăng trên Thế Kỷ 21 nêu trên, chúng tôi đã đưa ra cứ liệu lấy ở báo Ngày Nay ra số Xuân năm 1940: bức tranh “Toà soạn Ngày Nay” do hoạ sĩ Tô Ngọc Vân vẽ[3], chỉ có 7 thành viên. Độc giả nào tinh mắt sẽ nhận ra được Tú Mỡ, Xuân Diệu, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Nhất Linh, Khái Hưng và Thạch Lam (theo thứ tự từ trái sang phải) qua nét kí hoạ tài tình của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân, đúng như Nguyễn Tường Tam, người đứng đầu của văn đoàn này đã viết trong hồi ký Đời làm báo (hình 2) của ông.[4] Điều đó chứng minh rằng Tự Lực văn đoàn đến ngày 5.2.1940, là ngày xuất bản báo Ngày Nay số Xuân năm 1940, chỉ có bảy thành viên kể trên.

clip_image002

Hình 1: Toà soạn Ngày Nay bên bàn làm việc[5]

Hình 2: Hồi ký Đời làm báo, thủ bút của Nhất Linh

Sau khi đăng bài Những ngộ nhận và nhầm lẫn trong việc căn cứ vào dòng chữ trong Tự Lực Văn Đoàn” để xác nhận thành viên Tự Lực văn đoàn – trường hợp nhà văn Đỗ Tốn trên Văn Việt, chúng tôi có gửi nhà văn Nguyễn Tường Thiết[6], điều mà chúng tôi thường làm khi đăng bài viết nào mới về Tự Lực văn đoàn. Trong bức điện thư hồi âm, nhà văn Nguyễn Tường Thiết có viết như sau: “Về bài viết về tác giả Đỗ Tốn, cháu có thể dùng câu chuyện này để minh chứng lập luận của mình, vì đây là một sự kiện có thực: Chị Đỗ Tốn và bác đều di tản qua Mỹ năm 1975. Khoảng vài năm sau chị Đỗ Tốn gọi điện thoại cho bác biết là ở Mỹ người ta đã in lậu cuốn sách Hoa Vông Vang của chồng chị, chị nói họ in mà không xin phép chị (anh Đỗ Tốn đã mất ở Sài Gòn trước năm 1975). Chị viết hai ba lần bằng thư bảo đảm để đòi tiền bản quyền thì không thấy họ trả lời, trong thư chót chị dọa sẽ đưa ra tòa kiện, thì sau đó chị nhận được cái check 10 dollars, nói là để trả tiền cước phí cho 3 cái thư gửi bảo đảm. Họ còn nói là đáng lẽ bà phải cám ơn nhà xuất bản đã có công phổ biến văn hóa của chồng, thay vì đòi tiền bản quyền. Chị Đỗ Tốn nay không còn nữa để chứng minh Hoa Vông Vang in bên Mỹ là cuốn sách giả, nhưng những gì chị nói với bác là có thật.”

    image[8]

Hình 3: Thư của nhà văn Nguyễn Tường Thiết

Chúng tôi xin bổ sung thêm thông tin này cho bài viết đã đăng trên Văn Việt để một lần nữa khẳng định rằng cuốn sách Hoa Vông Vang của tác giả Đờ [sic] Tốn là một ấn bản lậu, được sao chụp và cho xuất bản lậu ở Mỹ.

[1] Vì tự đặt cái tựa này nên chúng tôi đã đặt nó vào trong ngoặc kép.

[2] Xem hồi ký “Trong bếp núc Tự Lực Văn Đoàn” của Tú Mỡ – viết xong ở Láng vào ngày 12.8.1968, lần đầu tiên đăng trên Tạp chí Văn Học, số 5-6, 1988 và số 1, 1989; chúng tôi sử dụng bản đăng lại trong sách Tiếng cười Tú Mỡ, do Mai Hương tuyển chọn và biên soạn. Hà Nội: Nxb Văn Hoá Thông Tin, 2000, trang 351-390. Tú Mỡ trong hồi ký này đã ba lần (trang 370, 386 và 387) dùng chữ “Thất tinh hội”.

[3] Bức tranh không ký tên nhưng có thể khẳng định tác giả là hoạ sĩ Tô Ngọc Vân vì hình 1 cho thấy Tòa soạn ghi rõ: ““SỐ MÙA XUÂN” này do THẠCH LAM trình bầy và xếp đặt; còn bài trí và minh họa do họa sĩ TÔ NGỌC VÂN”.

[4] Xem thêm Cao Quang Nghiệp. “Người thứ bảy trong Tự Lực Văn Đoàn là ai?”. Trong Thế Kỷ 21, trang 62 -76.

[5] Ngày Nay, số 198, 5.2.1940, trang 6.

[6] Nhà văn Nguyễn Tường Thiết là con trai của cố nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Một lần nữa, xin được cảm ơn bác Nguyễn Tường Thiết đã góp ý và chia sẻ những tư liệu và thông tin quý báu.