Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

Đọc “Phiên chợ Giát” của Nguyễn Minh Châu

Nguyễn Kiến Phước

Thú thật, tôi đang đọc mấy cuốn tiểu thuyết dịch, nên cầm cuốn Tuyển tập truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Minh Châu thì chỉ định liếc qua dăm truyện. Nào ngờ thấy có lý, nên ghi ra mấy suy nghĩ. Không là nhà văn, cũng chẳng là nhà phê bình văn học, chỉ là một nhà báo già gàn dở xin ghi lại mấy dòng thật cô đọng về Phiên chợ Giát.

Tôi chưa thấy ai, như lão Khúng, trong Phiên chợ Giát, yêu thương, quấn quít, quyến luyến con bò Khoang đen một thời là con bò đẹp làm cho các chàng bò đực trong vùng phải thất điên bát đảo. Lão quý con Khoang đen tới mức nằm mơ lão thấy mình giết con bò, và tự hận mình vô cùng về hành động độc ác này. Tôi cũng chưa từng biết có con bò nào cả đời “tận trung” với chủ như con Khoang đen. Nó quen mọi cử chỉ, lời nói, tiếng vung roi, kể cả mùi mồ hôi chua loét của lão, và nghe lời răm rắp. Thiệt là cảm động. Phải nói rằng lời văn lạnh, mà thấm đẫm tình người, tình bò của nhà văn đã thuyết phục tôi. Không chỉ lão Khúng, cả nhà lão từ mụ Huệ, vợ lão, cho đến tất tật chục đứa con lão đều yêu thương con vật như thành viên gia đình. Thậm chí Nghiên, con gái lão ngày ngày đi rất xa để cắt cỏ non cho bò, thốt lên với bố rằng nó sẽ không chịu nổi nếu bán con bò. Lạ thế! Ờ thì con Khoang là cả một sản nghiệp nhà lão, tận tụy cày bừa, vỡ hoang vùng đất cằn để làm ra cái ăn cho cả nhà. Nhưng trả cái nghĩa, cái ơn ấy với lão như một bản thể tự nhiên ‘nhân chi sơ, tánh bổn thiện” mà. Bởi lão là một nhà nông chân thực, sống dựa vào sức lực và trí lực cứng cỏi trời cho, lao động tận giọt mồ hôi cuối cùng để nuôi cả chục miệng ăn. Thời đó nhà nào không vô hợp tác xã sẽ bị xa lánh, ghẻ lạnh, chưa nói tới giúp nhau trong lúc túng ngặt. Lão nói thẳng với trái tim mình: vô hợp tác xã lấy gì mà sống? Lão tự cho mình như người rừng hay nửa rừng nửa bò, mặc kệ thiên hạ nghĩ sao cũng được miễn lão không hề ứng xử như những kẻ rừng rú sống sờ sờ ra đấy. Vụ đông - xuân năm ngoái, cánh công nhân cơ khí hái trộm mất của nhà lão gần sào cà chua vừa chín rộ. Còn năm nay, con Hương học cấp 3 trường huyện nổi tiếng xinh đẹp được về nhà chiều thứ bảy phải chạy bán sống bán chết qua khu đông người đó vì cái gì thì khỏi nói bạn cũng biết, cái thói rừng rú, chó má của những kẻ gọi là tân thời.

Có một chi tiết thật buồn, rằng thằng Dũng con lão hy sinh ở chiến trường Cam-pu-chia, cả nhà lão muốn phát điên vì đau đớn. Lão đã đóng sẵn bàn thờ bằng tre để chỉ mong trong ba lô mà bạn mang về báo tin dữ, có một tấm hình để lão phóng lớn, tô màu thờ con cho dịu nỗi đau. Mà không có. Một dấu hỏi lớn để ngỏ: thằng Dũng và biết bao chàng trai Việt bỏ mình bên xứ sở xa lạ là bảo vệ Tổ quốc ư (!?). Nguyễn Minh Châu viết: “lúc này lão Khúng phải tự gồng mình lên để giữ trong người lão cái ý nghĩ thằng Dũng đã hy sinh vì Tổ quốc. Ý nghí ấy như tấm ván cầu ao đã lâu năm, vừa nhún nhảy vừa mỏng manh trùng triềng”. Nhưng rồi lão phải mau gạt nỗi đau, hay nuốt nó vào bụng, mà trở về với đời sống khó khăn thực tại. Lão bảo: con Khoang mà có bề nào, lão cũng đau không kém. Có một chuyện nhà văn tinh tế kể lại rằng, lão Bời vốn là lái buôn bò rất mê con Khoang đen, nên bắt thân với lão Khúng. Về sau khi lên làm chủ tịch huyện, lão Bời quyết chí thực hiện “3 cùng” với nhà lão Khúng, để “chuyển” cho được cái lão nửa người – nửa bò này thành con người xã hội chủ nghĩa. Lão Bời nói là làm, đến cùng ở, cùng ăn, cùng đi cày với gia chủ trong một tuần. Lạ thay, con Khoang không ưa gì lão quan huyện, vì cả đời nó quen hơi, bén tiếng với chủ cũ rồi. Nên có lần nó đá cho ông quan này một cú trời giáng, vì nó biết lão này là người lạ, không thân thiện, yêu thương gì nó. Chuyện “ba cùng” thất bại. Lão Khúng vẫn cứ như nửa người – nửa bò, lạnh lùng sắt đá. Cũng có lúc tay bí thư rủ lão vào tận Đak Lak chỗ thằng Lạc con lão theo phong trào đi vỡ hoang vùng đất đỏ ba-dan màu mỡ để dụ khị lão chuyển đổi tư tưởng. Nhưng lão vẫn là lão, không suy suyển mảy may.

Rồi quá thương con Khoang, lão Khúng đứt ruột tìm cách lừa con Khoang, trả nó về rừng. Một hôm, lão hạ sơn, xuống chợ sớm khi trời còn tối om om. Trên con đường đá mấp mô, con Khoang lặng lẽ kéo chiếc xe mang thêm khoai sắn cho cô chủ nhỏ học lớp 12 trường nội trú huyện. Giữa đường, lão làm việc đã nghĩ chín từ mấy ngày qua. Lão dắt con bò trèo qua mấy dốc núi, xa vùng đất bằng, càng xa chợ Giát để may ra nó không biết đường về, tìm đường được giải phóng, tự do. Nguyễn Minh Châu viết: “Nào, bây giờ tao giải thoát cho mày, mày hầu tao thế là đủ rồi đấy, con ạ. Bây giờ mày hãy đi đi, hãy vào rừng cỏ ăn cả đời không hết, khát thì có nước suối. Mày sống một mình hay với bầy bò hoang như những bà hoàng…”

Cuộc xua đuổi nhau cứ thế diễn ra lặng lẽ, lão nghĩ càng vô sâu trong rừng, càng xa con đường “bò lăn” (phở tái lăn) ngoài kia đang chực chờ nó. Cuối cùng, toát cả mồ hôi hột, lão cũng tự kéo được chiếc xe đến chợ Giát. Nhưng, ở chợ này, chỗ nào cũng thấy màu đỏ gớm ghiếc, những chiếc móc sắt treo những tảng thịt bò còn tươi máu. Lão sợ quá, phải trốn chạy cảnh ghê rợn ấy. Rồi lão cũng tới được khu nội trú con gái lão theo học. Lạ thay, lão lại nhìn thấy một con bò đang nhai cỏ ở giữa sân bóng của trường – con Khoang đen chớ ai !? Nó nhìn lão với con mắt nhẫn nhục, sầu não như đã chấp nhận số phận. Lão không biết nói gì với con vật, chỉ đưa mắt nhìn người bạn làm ăn lâu năm thân thiết, cũng với cái nhìn buồn rầu.

Tôi không biết kết cục số phận con Khoang đen ra sao, chỉ thầm mong nó thoát khỏi cảnh bị giết và treo lên cái móc sắt của hàng phở nào đó, mà về với lão Khúng của nó.

Tôi không biết trên văn đàn trước và nay người ta khen hay chê Nguyễn Minh Châu thế nào. Có lúc, cũng nghe người ta muốn “thịt” ông. Nhưng với bản lĩnh lì lợm, lạnh lùng, bằng sự quan sát kỹ lưỡng, thấu đáo thực tiễn và bằng bút pháp thần tình và tầm nhìn về tương lai tốt đẹp nhưng không dễ với tới, tác phẩm của Nguyễn Minh Châu thật đáng đọc. Thôi thì đọc và suy ngẫm cho riêng mình cũng được: sắc sảo, quyết liệt. Nguyễn Minh Châu mất ở tuổi 59 quá sớm vì căn bệnh ung thư máu. Thương thay và tiếc thay!