Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

Giáo sư Kê truyện (kỳ 3)

Trần Thanh Cảnh

Hậu duệ của ngài Kê

1. Vợ chồng ngài giáo sư tiến sĩ Giang Đình Kế, hay ngài Kê, như dân làng Ngọc gọi tắt thế cho nhanh. Sinh được hai con, một gái một trai. Gái lớn đi học sư phạm rồi về huyện dạy, lấy chồng cùng trường. Yên phận. Xong. Vả lại dân làng Ngọc nói chung và gia đình ngài Kê nói riêng vốn vẫn mang trong gien tư tưởng phong kiến lạc hậu cổ hủ, trọng nam khinh nữ. Cho rằng, thờ cúng tổ tiên phải là con trai. Cứ phải là có con tờ rym. Mới nối dõi tông đường. Chứ còn con gái, đái sè sè, nói xoe xóe. Đi lấy chồng ăn phận nhà chồng, không tính.

Giang Đình Tinh Anh, con trai ngài Kê, cháu nội cụ mõ Khánh...

Chết, chết... Phạm húy! Cái dân làng Ngọc chỉ được tính nhớ lâu thù dai là không ai bằng. Cụ Giang Đình Khánh hồi phong kiến có làm mõ thật. Nhưng sau này đi theo ta, đã làm nên đến chức to nhất tỉnh. Mà làng chả nhớ, chỉ nhớ mỗi ngày xưa là mõ. Thế mới lạ lùng. Mõ Khánh ra trải chiếu các cụ ngồi. Mõ Khánh, mày chặt thịt gà thì chặt cho nó bằng nhau, kẻo miếng to miếng bé các cụ tị nhau rồi thì táng nhau vỡ đầu, loạn làng là tội mày to lắm. Mõ Khánh, mày bỏ ngay cái thói la liếm đi nhé, cứ hở miếng ngon ra là tót ngay vào mồm. Ra mày ăn trước cả thành hoàng, ăn trước cả các cụ trên à? Láo! Chúng ông cắt cái chân mõ thì cả nhà mày đói dài răng ra giờ. Cứ liệu thần hồn! Thế mà sang thời dân chủ cộng hòa đã mấy chục năm rồi. Mõ Khánh đi hoạt động, đứng đầu tỉnh quyền sinh quyền sát mấy chục năm. Rồi hưu trí. Về làng. Ra đình. Mấy ông tiên chỉ bỗng quên béng kính thưa kính bẩm, không cho ngồi chiếu trên đã đành, lại thỉnh thoảng buột miệng mõ, mõ... Việc này đến tai ngài Kê, lúc đó đương chức, ngài bực lắm. Về cấm ông bố không được ra đình làng nữa. Ngài bảo, nhà thiếu gì sơn hào hải vị mà ông phải ra tranh miếng thịt mỡ với mấy lão nông dân cố đỉn làm gì cho rách việc. Ông ở nhà, muốn gì con mua cho ăn thỏa thích.

Nhưng ngài Kê cũng chả phụng dưỡng bố được lâu. Vài năm sau hưu thì cụ mõ Khánh mất.

2. Khi Giang Đình Tinh Anh lớn lên, hình ảnh về người ông hầu như không có gì trong trí não. Nó ở hẳn thành phố. Trên đó chả ai biết mõ là như thế nào. Họ chỉ biết nó là con ông giáo sư viện trưởng Viện Súc sản, cháu đích tôn ông cựu bí thư tỉnh. Mà còn chưa kể, nó là cháu ngoại ông cựu bộ trưởng canh nông kia. Họ bảo nó là hậu duệ...

Tinh Anh nghe ngoài phố người ta ca dao, “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ..” rất khoái chá. Đời mà đứng thứ nhất, đè đầu cưỡi cổ thiên hạ ai không khoái? Nó thầm nghĩ trong đầu, thế thì đek phải học cũng chả thày cô nào dám đuổi. Cậu là nhất nhé. Thày cô là cái đinh gỉ nhé. Mà thế thật. Suốt mười hai năm học phổ thông, hầu như nó chỉ bận bày trò nghịch ngợm, đánh nhau. Trốn học ăn chơi nhảy múa. Lớn tí thì cua gái. Thế mà năm nào nó cũng có danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc. Bố nó, ngài Kê rung đùi bảo, thằng này khá, con hơn cha là nhà có phúc! Nhưng mẹ nó thì không nói gì. Bởi bà đã không biết bao nhiêu lần âm thầm đi xử lý hậu quả của những việc tày trời nơi ông quý tử gây ra. Con giai bà hơn bố ở cái tính đĩ non. Tinh Anh biết dắt bạn gái vào công viên hôn hít sờ mó nhau từ năm lớp sáu. Sau không thấy đã, bọn chúng dắt nhau vào thẳng nhà nghỉ tiệc tùng. Thế là chuyện gì đó tất nhiên phải xảy ra. Mẹ Tinh Anh cứ việc đến trả tiền xử lý hậu quả tại các phòng khám sản cho “bạn gái” của hậu duệ. Ngoài ra còn chi một khoản kha khá để bịt miệng các gia đình có con gái trót dại. May mà Tinh Anh chỉ cua bạn gái trong lớp và các lớp bên cạnh. Đồng trang lứa. Chứ không thì rắc rối to.

Năm Tinh Anh tốt nghiệp phổ thông, chuẩn bị thi đại học.

Bà mẹ bàn: “Ông này, tôi tính cho thằng Tinh Anh nhà mình đi du học nước ngoài luôn đấy”.

Ngài Kê vừa ăn cơm tối xong, đang lim dim trên đi văng phòng khách, nghe đến từ “du học”, bỗng nhớ lại cái thời “du học” bên thành trì xã hội chủ nghĩa, với bàn là, bếp điện, tủ lạnh Xa ra tốp... Ngài gạt phắt: “Vẽ chuyện. Du diếc gì. Cứ để nó thi vào một trường trong nước. Cơm nhà đi học. Có phải sướng không mà lặn lội xứ người làm gì?”.

Bà mẹ chưa biết nói thế nào. Bà biết thừa là con bà mà đi thi đại học, được điểm rưỡi một môn lận lưng thì đã là thành công lớn. Chồng bà quanh năm suốt tháng có ngó ngàng gì đến việc học của con đâu mà biết. Đến nước này có khi phải nói toẹt ra một lần cho xong chuyện...

Nhưng chưa kịp nói thì hậu duệ đã lên tiếng: “Con thấy mẹ nói phải đấy. Bố mẹ cho con đi du học chứ ở nước mình các trường đại học lạc hậu lắm. Chả học được gì ở đó đâu. Cho con sang hẳn Âu Mỹ tiếp thu văn minh tri thức tiên tiến sau này về cống hiến(!) là hay nhất”. Nói xong câu đó, hậu duệ quay mặt vào chỗ tối, bịt miệng cười một mình.

Ngài Kê hết nhìn vợ lại nhìn con. Nghi hoặc. Mẹ con nhà nó có âm mưu gì đây mà đồng thanh thế nhỉ? Thế nhưng vì nhà nước ta đang thực hành dân chủ. Dân chủ đã thấm nhuần về tận các gia đình. Nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số là nghiêm. Nên ngài Kê chỉ có một phiếu chống lại hai phiếu thuận kia cũng chả ăn thua. Ngài đành đồng ý cho hậu duệ đi du học nước ngoài. Cơ mà ngài vớt vát thêm: “Đã đi thì đi hẳn Mỹ ấy, cho nó đỉnh, nghe chưa?”. Thế là hậu duệ đi Mỹ.

Sang tận New York. Năm năm sau trở về, hậu duệ không những có bằng cử nhân mà còn có hẳn cả bằng thạc sĩ của Western Pacific University cẩn thận. Có người thắc mắc là, cậu Tinh Anh ở mãi bờ đông mà sao cái trường ở tận Hawaii, tây Thái Bình Dương cấp bằng là sao? Mấy người có vẻ hơi hơi hiểu biết liền bảo, ở bên Mỹ ấy, bây giờ người ta hiện đại lắm. Không đì đẹt lạc hậu như cái xứ annamite mình đâu. Học hành không cứ là phải thày trò giảng đường gì. Cứ ngồi nhà cũng học được. Thậm chí ngồi trong quán bar người ta vẫn cứ học được ngon lành. Người ta dùng in tẹc nét, vệ tinh học với nhau. Ai mất thì giờ đến trường làm gì? Mà cậu Tinh Anh cũng chả có thời gian đến giảng đường. Cậu còn bận đi chơi. Sẵn tiền bố mẹ gửi sang, cậu đi ngang dọc nước Mỹ. Từ bờ đông sang bờ tây. Từ Alaska lạnh giá xuống Miami nóng bỏng. Được cái đi nhiều nên tiếng Anh của cậu khá. Ra đường nói chuyện líu lô, thêm tay chân múa loạn lên nữa khối người Mỹ cũng hiểu ra.

3. Vài năm sau, hậu duệ về nước.

Tinh Anh đã nói thật với mẹ từ lâu rồi, về cái khả năng học vấn ấy. Nó đăng ký học các trường trong thành phố New York nhưng chả xong được tín chỉ nào. Thế nhưng mẹ Tinh Anh là một người đàn bà đảm đang, gái làng Ngọc xứ Kinh Bắc mà lại. Bà liền tìm hiểu và đăng ký cho hậu duệ học ở trường Tây Thái Bình Dương bên Hawaii kia. Thì lúc ấy nước mình các quan chả đua nhau học trường đó. Họ bảo Hawaii cho nó gần, thỉnh thoảng sang học. Rồi lại về. Công việc nước nhà vẫn quán xuyến được. Mà việc nước là quan trọng lắm, không chỉ đạo thường xuyên liên tục, không quán triệt, không nắm chắc tình hình là sự nghiệp cách mạng hỏng ngay. Thế nên Western Pacific University là rất tiện lợi. Mà tính ra lại rẻ. Bằng tiến sĩ chỉ có mười lăm ngàn. Vẫn bằng Mỹ. Vẫn đỉnh, nhé!

Bằng thạc sĩ của hậu duệ đề ở mục chuyên ngành là: FOLKLORE. Dịch ra tiếng Việt là: Nghiên cứu văn hóa dân gian. Ngài Kê rung đùi bảo, được. Văn hóa dân gian rất chi là hay. Cái nước Việt này xưa nay sống sót được là nhờ văn hóa dân gian đặc sắc đấy. Chứ nước này làm đek gì có văn hóa tinh hoa đâu. Để tao sang nói với lãnh đạo thành phố bố trí cho làm việc đúng với chuyên ngành. Ở buổi liên hoan nội bộ gia đình đón hậu duệ du học nước ngoài về, có mặt tay trợ lý vốn là nhân viên phòng thí nghiệm, vẫn nhận ngài Kê là bố nuôi. Rất tận tình thân thiết. Cư xử như con cháu trong nhà. Tay này nói: “Ông ơi. Bây giờ mà đi nghiên cứu văn hóa dân gian thì ăn cái giải gì. Với vị thế của mình, ông sang nói với lãnh đạo thành phố cho Tinh Anh về Sở Tài Môi ấy. Văn hóa dân gian là ở nông thôn. Xuất phát từ nông dân. Nông dân thì gắn với đất đai. Về đấy cũng hợp. Mà chỗ ấy giờ thơm lắm, nhiều màu mỡ lắm”.

Tri kỷ chỉ một lời là hiểu thấu gan ruột nhau. Kể từ buổi ấy tay trợ lý và hậu duệ kết thành đôi bạn cùng tiến. Họ gắn bó với nhau hầu như suốt cuộc đời. Nhưng chuyện ấy xin dần dần kể sau.

4. Ngài Kê mang hồ sơ con trai sang thành phố, gặp chị lãnh đạo. Chị này cũng từng tốt nghiệp tiến sĩ ở viện súc sản ra. Mới lên lãnh đạo nên lòng kính thày còn chưa phai nhạt mấy. Nghe thày đặt vấn đề. Chị vồ lấy tay thày lắc lấy lắc để: “Ôi, quý quá! Con dòng cháu giống mà được học hành bài bản tận nước Mỹ thì nhất rồi. Thành phố ta cũng vừa có chính sách trọng dụng nhân tài, mời người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ về làm việc. Thày để em bố trí theo nguyện vọng. Rồi đào tạo thành nguồn kế cận. Con cháu nhà mình, sau này thành lãnh đạo là phúc phận cho dân cho nước đây”.

Hậu duệ Giang Đình Tinh Anh về làm nhân viên Sở Tài Môi.

Hai năm sau thì lên phó phòng.

Một năm sau nữa lên trưởng phòng.

Thằng bạn nối khố bên Viện Súc sản bảo: “Ông sang bên tôi đăng ký học tiến sĩ để xóa cái bằng thạc sĩ đểu kia đi. Cái trường chết tiệt ở Hawaii ấy lộ ra là trường ma rồi”. Hậu duệ băn khoăn: “Tôi có chữ đéo nào trong đầu mà tiến với lùi?” “Ông ngu bỏ mẹ, thời buổi này học tiến sĩ cần gì nhiều chữ? Chỉ cần xèng! Ông cứ sang làm hồ sơ, mọi việc tôi lo. Đợt này cả tôi cũng làm luôn mà. Có ông già đấy mình phải tranh thủ kê cho đủ bằng cấp vào đít, có cơ hội còn leo cao”. “Nhưng ít nhiều cũng phải học chứ? Mà tôi ngại lắm, nhìn thấy chữ là váng đầu rồi”. “Cần đék gì học mà lo váng đầu. Môn nào thầy khó tính thì tôi thuê bọn sinh viên đi học hộ. Môn nào dễ thì ném cho thày cái phong bì dày là ok. Luận văn thì thuê viết. Vài chục triệu là xong. Ông chỉ việc đứng tên. Chịu khó đọc vài lần cho nó lưu loát, đến hôm bảo vệ lên chém gió tí là ok”.

Luận văn tiến sĩ của hậu duệ có nhan đề: “Hành vi nịnh trong văn hóa giao tiếp giữa dân và trưởng thôn”. Rất đặc sắc. Gợi mở. Có tính học thuật cao. Khái quát cả một nền văn hóa nước nhà đang chuyển mình từ nông thôn lạc hậu tới hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Đó chính là văn hóa hậu hiện đại. Đấy là nhận xét của hội đồng khoa học Viện Súc sản hôm bảo vệ.

Thế là hậu duệ Giang Đình Tinh Anh trở thành tiến sĩ.

Ngài Kê khoái chí rung đùi nói, như ngày xưa là dân làng Ngọc phải đón rước, ngựa anh đi trước võng nàng theo sau về vinh quy bái tổ rồi đấy. Nhưng thôi, bây giờ là chế độ cộng hòa, nhân dân làm chủ, phô tô một bản báo cáo tổ chức rồi cất kỹ. Không cho đứa nào biết. Thiên hạ bây giờ nhiều đứa rỗi hơi, nó nhòm thấy lại bới lông tìm vết. Mệt. Cứ tiến sĩ là tiến sĩ. Là ông nghè là có quyền ăn trên ngồi trốc. Còn tiến sĩ về cái gì thì bọn dân đen chúng mày không cần biết. Đây là việc của tổ chức, nhé.

Chị lãnh đạo cũng nói y thế, nước mình dân trí thấp. Trong tổ chức ta cứ nghị quyết, quy trình với nhau thôi. Kệ cái đám dân đen kia. Họ không biết gì đâu. Nhưng ngài Kê biết, ngài bảo chị lãnh đạo là, chỗ chị coi như là người nhà không nói làm gì. Thế nhưng trăm sự nhờ chị nói với anh trên, em dưới, chú bác ngang ngang trong tổ chức mình, bố trí cho em nó cái chân giám đốc sở. Nó còn trẻ, có năng lực bằng cấp đầy đủ. Lý lịch gia đình nội ngoại hai bên toàn kỳ cựu. Bố trí sớm để cho em nó còn có cơ phát triển. Chi phí quà cáp các chỗ hết bao nhiêu chị cứ cho ý kiến là em nó biện đủ. Chị lãnh đạo rất hài lòng. Ông thày mình tưởng thế mà kinh tế thị trường nhanh nhạy phết. Chị chỉ nói khẽ một câu là hôm sau đã thấy thằng em mang tới. Một lần đủ luôn.

5. Hậu duệ thành giám đốc Sở Tài Môi khi chưa đầy ba mươi tuổi.

Trẻ nhất thành phố. Không, trẻ nhất nước luôn. Quan lộ của hậu duệ mở ra thênh thang. Dự còn tiến xa.

Nhưng thực ra thì cũng không phải là bằng phẳng lắm, cái con đường công danh ấy hơi dội lên một tí. Là vì có một cái đơn kiện. Không nặc danh mà ký ghi rõ tên tuổi đàng hoàng của tay cựu trưởng phòng Sở Tài Môi, nơi hậu duệ về công tác cách mạng đầu tiên. Chuyện là thế này...

Hậu duệ Giang Đình Tinh Anh được trên bổ thẳng về phòng nghiệp vụ tổng hợp, kèm theo lời nhắn gửi của lãnh đạo cho trưởng phòng là, “kèm cặp giúp đỡ em nó nên người!”. Ông này vốn là một kỹ sư cực giỏi chuyên môn. Nhưng thẳng tính, chả biết nịnh ai nên gần về hưu rồi mới lên được cái chức trưởng phòng. Các đời lãnh đạo sở đều phải dựa vào tay này để làm việc chuyên môn nên cũng có đôi phần nể nang. Buổi đầu đi làm, tay trưởng phòng gọi hậu duệ lên. Hỏi:

-Chuyên môn của ông ghi trong bằng thạc sĩ là FOLKLORE, nghĩa là thế nào?

-À, thì là... thì là... viết tắt của mấy từ Mỹ ấy mà!

-Cụ thể là từ nào?

-Là... là... ví dụ như chữ F đầu tiên nó là từ chữ Frog, nghĩa là con ếch... Hậu duệ lắp bắp nói đại, không hiểu sao lúc đó trong đầu lúc đó lại nhớ mỗi từ tiếng Anh, Frog là con ếch. Bởi vốn rất mê món đùi ếch tẩm bột rán. Hậu duệ chửi thầm trong bụng, mả cha thằng già, mày cậy quyền trù dập ông, ông về mách bố, mách chị ông, mày sẽ ra bã!

Tay trưởng phòng cười nhạt, “Ông đúng là nhà ếch học”. Câu chuyện chỉ có thế. Thế mà rồi cả sở, cả thành phố gọi hậu duệ là, “Anh ếch”!

Hậu duệ rất uất. Mình đường đường thạc sĩ bằng Mỹ loại giỏi mà bị chúng nó coi như con ếch ngồi đáy giếng kêu uôm uôm ao chuôm đầy nước. Tao đây đã ăn mòn dìa nĩa bên Mỹ, đã đi dọc ngang xó xỉnh cái xứ cờ hoa ấy không sót bang nào. Chúng nó mới là ếch ngồi đáy giếng chứ. Mà cái ngữ chúng nó có nằm mơ cả đời cũng không thấy nước Mỹ, chứ đừng nói là đến thật. Thế mà chúng dám gọi hậu duệ là, “ ếch học”. Láo!

Hậu duệ về mách bố.

Bố sang mách chị.

Chị nổi cơn tam bành, cho đàn em thanh tra sang bới lông tìm vết, ép cho tay trưởng phòng kia ra bã. Chán quá, hắn làm đơn xin về hưu trước tuổi. Xong.

Tưởng đã yên thế mà nay tay cựu trưởng phòng kia lại đâm đơn kiện. Hắn kiện hậu duệ không đủ tiêu chuẩn làm giám đốc sở. Mới có bảy năm từ nhân viên vọt thẳng lên ngồi ghế giám đốc. Trong khi hắn hơn ba mươi năm công tác, vừa hồng vừa chuyên cũng chỉ cái chân trưởng phòng phọt phẹt. Nhận đơn, lãnh đạo cười ruồi, bảo, nó là hậu duệ bây giờ đứng hàng thứ nhất của tiêu chuẩn chủ chốt rồi, kiện giề? Bây giờ cả nước đều thế. Ông không thấy trên ti vi cứ tay lãnh đạo nào tre trẻ, mơi mới, đăng đàn chém gió là các cụ lão thành lại quay sang hỏi nhau, đồng chí này là con đồng chí nào nhỉ? Nghe lãnh đạo nói thế, tay cựu trưởng phòng tuyệt vọng, vo viên ngay lá đơn ném vào sọt rác rồi bỏ về. Từ ấy trở đi không ai thấy mặt tay đó nữa.

6. Lên làm giám đốc sở hậu duệ mới thấy hết cái sự sung sướng và bổng lộc từ cái ghế quan mang lại. Thật đúng với những điều người ta ca dao, “Bằng có người vực/ chức có người bầu/ mầu có người gói/ nói có người nghe/ đe có người sợ/ dở có người khen/ hèn có người dấu/ nhậu có người bao/ khao có người góp/ họp có người ghi/ chi có người bù..”.. Làm giám đốc vừa sướng vừa nhàn. Đang kỳ kinh tế mở cửa, dự án xây dựng đô thị, khu công nghiệp, nhà máy, công ty nở rộ như nấm mùa xuân. Ký mỏi tay. Đếm mỏi tay. Cũng mệt. Mà nay đường đường quan to không thể lê la chơi bời quán bar, nhà hàng khách sạn vô tội vạ như xưa. Hậu duệ nghĩ cần phải tìm ra cái thú gì đó chơi cho trôi thì giờ. Chưa kịp nghĩ ra thì thằng bạn nối khố bên Viện Súc sản bảo, ông chơi chim đi. Chơi chim dưỡng trí. Rất hợp với nghề làm quan lúc nào cũng lao tâm khổ não như ông.

Hậu duệ thấy phải, bèn tậu đôi yểng nuôi.

Nuôi rồi đâm mê. Cánh nuôi chim ở thành phố buổi sáng thường tập hợp nhau ở một quán cà phê vườn. Mang lồng ra đấy giao lưu với nhau. Chủ cà phê cà pháo nói chuyện chim chóc. Chim chóc cũng đấu láo với nhau. Không hiểu đôi yểng của hậu duệ ra đấy học từ lúc nào mà nói nhiều như mẹ ranh. Một sáng đang ngồi quán chim thì có việc trên gọi đột xuất, hậu duệ phải gửi tay bạn nhờ mang về hộ nhà giúp. Chiều về, chưa kịp huýt sáo chào thì đôi chim đã đồng thanh nheo nhéo: “Chào quan tham. Chào quan tham. Chào quan tham..”.

Hậu duệ điên quá, mở lồng định thò tay vào bóp chết mấy con chim láo xược. Nhưng đôi chim nhanh hơn chui tọt ra ngoài bay lên cây sấu vỉa hè đậu, tiếp tục văng ra đủ thứ. Hậu duệ càng điên. Ngài Kê cũng lộn ruột bèn ra phố thuê mấy thằng trẻ con vác súng cao su tới bắn. Chúng sợ quá bay vút lên cao, trốn biệt. Từ đấy, hắn không bao giờ chơi chim nữa, nhưng vẫn có thêm biệt danh “Anh chim- nhà chim học”.

Sau chuyện ấy thì hậu duệ cưới vợ sinh con.

Nói chung cuộc sống gia đình êm ấm hạnh phúc. Hậu duệ Giang Đình Tinh Anh vững vàng trên ghế giám đốc Sở Tài Môi. Kinh nghiệm quan trường của các thế hệ trong nhà truyền lại khiến cho hậu duệ nhanh chóng trưởng thành. Lão luyện lắm. Ngài Kê hồi hưu. Tay trợ lý bạn thân hậu duệ lên kế tục. Họ vẫn là đôi bạn cùng tiến, khăng khít keo sơn gắn bó. Chị lãnh đạo thành phố đã lên cấp cao, quy hoạch hai chú em làm nguồn kế cận, không lâu sau, vào luôn Nhà Đỏ. Chị còn nói hai chú là hồng phúc lớn lao của dân tộc đấy.

Còn dân ngoài phố thỉnh thoảng thấy hậu duệ chém gió trên tivi cũng bảo, lãnh đạo nước mình toàn học giả nổi tiếng, tuyền các nhà “ếch học”, “chim học” thế kia thì mấy mà hóa hổ. Không. Hóa hẳn rồng rắn lên mây...

T.T.C.

(Xem tiếp kỳ sau)