Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 255): Người đi trên mây – Nguyễn Xuân Hoàng (21)

NGƯỜI ĐI TRÊN MÂY (Kỳ 60, 61 & 62)

Kỳ 60

Tại sao lại có cái thứ tình ái đầy bóng tối như thế? Tại sao có được tình yêu trong tay mà tôi không hãnh diện ngửng mặt nhìn trời. lại cúi mặt xuống đất mà đi?

Hồi đó tôi không hiểu, nhưng giờ thì tôi đã rõ. Cuộc sống chung cho tôi biết một sự thực là cô ta cần được tôi chiều chuộng hơn là chiều chuộng tôi. Cô ta chờ đợi nơi tôi những gì tôi đang chờ đợi nơi cô. Rốt cuộc cả hai chúng tôi đều mong đợi kẻ khác chăm sóc và sự chờ đợi ấy không bao giờ trở thành hiện thực.

Buổi sáng dậy sớm trước khi đi làm, tôi phải tự pha lấy cà phê mà uống, tự mua lấy bánh mì điểm tâm. Buổi tối về phải tự mở cửa để vào, tự nấu nước lấy mà tắm, tự lục cơm nguội mà ăn. Bởi vì cô ta đã đi ngủ và người giúp việc cũng không buồn thức dậy.
Tôi là người khách lạ trong gia đình do chính hai bàn tay tôi gây dựng nên. Tôi đâu có khác gì cái tôi ngày trước khi đi lang thang trên bãi biển Nha Trang tự hôn lấy vết thương trên bả vai mình.
Tôi là một người chồng-độc thân! Cô ta có ghé mắt vào đời sống tôi không? Chắc là có! Nhưng hình như cô ta vẫn còn tiếp tục chờ đợi. Tôi biết rằng cô ta sẽ hoài công chờ đợi. Sợi dây căng ra mãi, quả bóng cứ bị ép xuống mãi, có ngày dây phải đứt, quả bóng phải vỡ. Đó là chưa kể mối liên hệ mong manh kia còn bị cứa đi cứa lại bởi những con dao oan nghiệt và sự thể phải xảy ra đã xảy ra.
Và bây giờ đây Quỳnh không chỉ chăm sóc tôi, cô còn lo âu cho đời sống tôi. Những giọt nước mắt âm thầm của cô ứa ra trên đời sống tôi là cái giá mà tôi không làm sao mua được. Cả Uyên nữa! Cô đâu chăm sóc tôi như một người em lo cho ông anh. Cô chính là bà mẹ ở cái tuổi mà cô chỉ có thể làm một cô gái ngây thơ.
-Em không phải lo cho tôi nữa. Tôi khỏe rồi!
-Nhưng anh xanh như thế này!
-Mình đi chơi đâu đi, Quỳnh!
-Đi chơi? Không được. Anh phải về nhà em cạo gió cho anh. Em biết có bà thầy gừng đánh gió giác hơi hay lắm. Nhé?
-Không có gừng nghệ gì hết cô bé ạ! Tôi khỏe rồi! Mình đi uống cà phê đi!
-Không được. Anh phải về nhà. Em cũng cần nói chuyện với anh! Quỳnh khăng khăng giữ ý định của mình.
Phòng thơm nức mùi dâu tươi, Quỳnh kéo rèm, mở cửa kính, căn phòng sáng hẳn ra. Tôi đứng ở cửa sổ ngó qua rạp Rex. Phía tay trái là bồn nước có vòi phun và mấy cây liễu rũ ngọn, chỗ giáp nhau của đường Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Tiệm Pole Nord ở góc ngã tư, nơi tôi vẫn hẹn Quỳnh.
-Em làm cocktail dâu cho anh nhé!
Tôi quay vào, để nguyên giầy, nằm lên giường Quỳnh. Gối chăn cô thơm phức. Tôi vùi đầu xuống nệm. Tôi muốn ngủ một giấc. Nhưng tôi thèm muốn Quỳnh. Tôi gọi Quỳnh. Cô đang rửa dâu, cắt khóm tách nho, rắc đường ngâm rượu vang.
-Anh gọi em?
-Ừ. Em đến đây với anh?
-Không!
-Tại sao?
-Anh đang ốm! Vả lại em chỉ muốn nói chuyện với anh thôi!
-Thì em đến với anh hẳn rồi nói!
-Không! Em ngồi đây nói cũng được! Quỳnh thu mình trong chiếc ghế bành.
-Hãng vừa đưa vé chuyến đi Âu Châu cho em?
Hôm trước nghe Quỳnh nói tôi tưởng hãng chỉ thăm dò nhân viên, nên bây giờ tuy Quỳnh nói một điều đã được biết trước mà tôi vẫn ngạc nhiên.
-Em thích không?
-Anh có muốn em đi không?
Tôi trả lời không suy nghĩ.
-Sao tôi lại ích kỷ đến nỗi không muốn em vui chơi một chuyến? Tôi biết em đã từng ao ước một chuyến đi chơi xa như thế phải không?
-Phải. Nhưng bây giờ em không còn cái ý thích đó nữa.
Tôi nhổm dậy.
-Sao, em nói cái gì vậy?
-Em nói là bây giờ em không còn cái ý thích đó nữa.
-Tại sao? Cái gì làm em thay đổi vậy?
-Em muốn biết ý kiến của anh!
-Ý kiến của tôi là: không nên bỏ qua cơ hội. Nhưng bao giờ thì em đi!
-Đầu tháng tới.
-Em sẽ mang gì về cho tôi?
-Như vậy là anh muốn em đi, phải không?
-Tôi có không muốn cũng chẳng được! Tôi nói mà vẫn không hiểu ý Quỳnh.
-Được chứ anh! Nếu anh không muốn em đi, em sẽ không đi!

Kỳ 61

Câu nói của Quỳnh làm tôi hụt hẫng.
-Tại sao lại có cái ý muốn kỳ quái như thế mới được chứ? Em từng nói với tôi là em ao ước được du lịch một chuyến, và giờ đây cơ hội ấy đến mà em lại hủy bỏ vì ý kiến một người khác!
Quỳnh đứng dậy đến chỗ tôi nằm. Cô áp mặt mỉnh lên mặt tôi, hai tay cô vòng lấy người tôi.
-Em sẽ nhớ anh lắm, bởi vì nếu em đi, em sẽ không bao giờ trở lại.
-Em trốn ai?
-Trốn anh! Anh lửng lửng lơ lơ, anh không có tình yêu. Còn em, lòng em luôn luôn tưởng nhớ anh!
-...
-Anh Thăng? Cái gì đã làm anh thành một con người khủng khiếp như thế?
Bỗng nhiên tôi cáu lên.
-Cái gì à? Chính đời sống tôi, những kẻ quanh tôi, cái bọn đạo đức giả ấy làm tôi phát tởm!
-Còn em? Anh không thấy là em đã thuộc về anh sao? Anh thay đổi nhiều quá, anh đã là một người lạ,
Tôi ôm chặt Quỳnh. Tôi hôn cô, dụi đầu vào ngực cô.
-Em rắc rối quá! Trước kia em giản dị bao nhiêu!
-Tại sao anh không muốn có em bên cạnh?
-Ai nói với em là tôi không muốn có em bên cạnh?
-Anh chứ còn ai! Anh muốn em đi xa, anh không còn yêu em. Có phải Uyên đang làm anh nhức đầu không?
-Em tin như vậy sao?
-Em tin như vậy. Trực giác của em nói nói với em như vậy!
-Em có một thứ trực giác kém vô cùng!
Tôi lật ngửa Quỳnh. Tôi hôn cô cuồng loạn. Hơi lưỡng lự phút đầu, nhưng sau đó Quỳnh hưởng ứng cùng tôi một cách nhiệt tình. Ngực cô săn cứng, thân thể cô mềm mại. Tôi bước vào da thịt Quỳnh với tất cả sức mạnh của tuổi thanh xuân.
-Thăng ơi! Thăng!
Tiếng kêu của Quỳnh làm tôi bủn rủn tứ chi. Tôi thấy tôi chạy phăng phăng trên một con đường rộng, gió thổi tung tóc tôi ngược về phía sau, những sợi tóc bị gió kéo mỗi lúc một dài ra, dài mãi như một dải lụa đen, bung ra như một cuộn khói và sau cùng biến thành đám mây. Tôi thấy tôi nhẹ phơi phới. Tôi giang hai cánh tay rộng như chim nhảy từ đỉnh núi cao xuống mặt biển xanh dưới kia. Tôi bay như chim, bay hoài, bay hoài không biết mệt. Tôi thấy đôi mắt Quỳnh mở lớn, nụ cười hai lúm đồng tiền, chiếc răng khểnh. Tôi thấy rõ những sợi lông màu đậm trên mép cô.
Có lúc tôi nghe cánh tay trái tôi trĩu xuống và tôi thấy Uyên đu đưa trên đó, tóc nàng dài mướt quấn khắp mình tôi như những sợi rong biển. Có lúc tóc cô là một con trăn dài siết chặt tôi và nuốt chửng tôi. Tôi nghe thân thể tôi nặng nề. Tôi có cảm tưởng hai cổ chân tôi bị ghìm xuống. Tôi nghe toàn thân tôi chạm vào một thảm cỏ, đầu kéo lướt trên những cành lá mềm. Tôi nghe tiếng mưa rơi ào ạt. Tôi chạm tay lên đồi núi và khe suối cỏ mượt của Quỳnh. Tôi đã rã rời. Quỳnh choàng tay qua người tôi.
-Thăng! Thăng.
Tiếng kêu của cô như vang lên từ một cõi nào xa lắm. Tôi lịm xuống. Và mây, và mưa, và một cõi đá vàng đã hết. Tôi không đủ sức để ôm Quỳnh. Tôi muốn ngủ, nhưng tôi biết tôi không thể ở lại. Tôi phải trở về căn phòng của tôi, dù tôi biết là trời đã khuya lắm, khuya lắm thật rồi.

Kỳ 62


Ở nhà Quỳnh ra, đã khuya, tôi tấp vào một hàng bánh mì đêm trên đường Lê Lợi. Tôi không đói, nhưng biết chắc chắn là đêm nay thế nào tôi cũng sẽ thức khuya. Những điều Quỳnh nói với tôi hồi chiều làm tôi khó nghĩ. Rồi Quỳnh cũng sẽ bỏ tôi mà đi sao? 
Trước mặt hay sau lưng tôi, bên phải hay bên trái tôi, bây giờ có còn ai. Quỳnh và Uyên có yêu tôi thực không? Hay đó chẳng qua chỉ là ảo tường. Dù sao những người đàn bà ấy đã đến với tôi, nhắc cho tôi biết rằng mình vẫn còn là một sinh vật, giống như những sinh vật khác, đeo trên mặt chiếc mặt nạ có khuôn mặt người. Mà một sinh vật thì dù sao cũng cần có chất dinh dưỡng để sống chớ!
Nhưng ngay khi tôi vừa mở miệng hỏi mua bánh thì một người đàn ông từ trong bóng tối của một chái hiên bước ra, nắm lấy tay tôi.
-Tôi có chút chuyện muốn bàn với ông!
Giọng nói hắn khá lịch sự, nhưng bàn tay hắn nắm chặt tay tôi, chặt một cách sỗ sàng.
-Ơ!
Tôi kêu lên, ấp úng. Tôi không hiểu gì hết. Thoạt đầu tôi có hơi ngạc nhiên, nhưng liền ngay đó là cái cảm giác sợ hãi chạy khắp châu thân. Tôi nghe như có một khối đá đang đè trên lồng ngực tôi. Tôi lạnh cóng.
Người đàn ông nhìn thẳng vào mặt tôi. Ngọn đèn vàng của xe bánh mì chao qua chao lại soi không rõ lắm một khuôn mặt chữ điền, cằm bạnh, hai con mắt to, chân mày rậm, gò má nhô xương, mũi gãy. Hắn cao ngang tôi, nhưng vạm vỡ hơn nhiều.
-Ông nghĩ là tôi lầm người, phải không ông Thăng?
Ngừng một lát, như để dò phản ứng tôi, hắn tiếp:
-Nhưng ông thấy đó, tôi không lầm đâu!
Hắn cười sau câu nói. Tiếng cười nhỏ giữa một đêm Sàigòn vắng vẻ trên một đường phố chính mang đầy vẻ hăm dọa.
-Lối này, ông Thăng!
Hắn đi những bước dài, và gần như là lôi tôi theo hơn là để cho tôi tự do đi.
Đến đường Nguyễn Trung Trực, hắn rẽ phải và sau cùng đẩy tôi lên chiếc jeep đậu sẵn trước nhà hàng Thanh Thế.
-Ông đi đằng này với tôi!
Hắn nói tự nhiên như đang trò chuyện với một người bạn thân. Ngồi vào xe, hắn cho máy nổ, nhấn ga vọt tới. Chiếc xe chồm về trước, giật mạnh rồi đột ngột thắng gấp. Đầu tôi như muốn đập vào thành kính.
-Chắc cô Uyên và bà Phan đang lo cho ông lắm!
-A! Tôi kêu lên, mừng rỡ. Nỗi lo sợ như vừa được cất đi khỏi buồng ngực tôi. Tôi thấy nhẹ hẳn. Tôi thở bình thường. Tôi nhớ lại những gì ông Phan nói với tôi trước ngày ông lên đường đi Hoa Kỳ. Việc ông không muốn tôi ra khỏi nhà lúc đầu có làm tôi hơi lo, sau đó là ngượng, và chỉ mươi ngày sau, nó là một cực hình. Tôi lại ra ngồi quán, lại gặp bạn bè, lại lui tới với Quỳnh. Điều đó Uyên biết. Cả bà Phan nữa. Bà phật ý nhưng vẫn dịu dàng, còn Uyên thì khó chịu ra mặt. Tuy vậy cả hai người, chẳng ai nói gì đến tôi. Những bữa cơm chiều thường vắng tôi và sự vồn vã dành cho tôi lúc đầu tuy không hẳn là đang phai lạt, nhưng rõ ràng là ngày một phai màu. Uyên vẫn chăm sóc tôi, nhưng đôi lúc có cảm tưởng như cô tìm cách tránh né tôi.
Tuần trước, sau khi chia tay Quỳnh, tôi trở về nhà khá muộn - đúng vào lúc còi giới nghiêm hụ - tôi để nguyên quần áo giầy dép nằm xoải trên giường, bật đèn sáng và không buồn đóng cửa phòng. Cứ thế tôi thiếp đi trong cơn mê, nối tiếp những phút giây khoái cảm vừa chia sẻ với Quỳnh trên căn phòng trọ. Bỗng nhiên tôi giật mình, có cảm giác như bị ai đang nhìn trộm. Tôi choàng dậy. Đèn phòng đã tắt, cửa phòng đã khép. Nhưng mùi thơm của hương phấn và nước hoa cho tôi biết là Uyên đang ngồi ở đầu giường tôi. Tôi bật dậy, hai tay bó gối. Tự nhiên tôi muốn nói chuyện với Uyên.
Nhưng đúng vào lúc ấy, Uyên bỏ chân xuống giường đứng dậy, lẳng lặng ra khỏi phòng. Phải chăng Uyên không bao giờ có thực. Cô chỉ là hình bóng trong một giấc mơ. Cô thuộc về thế giới của mộng tưởng. Tuy vậy, sự xa cách ấy không có nghĩa là giữa chúng tôi chỉ có sự lạt lẽo. Uyên giống như con beo rình mồi ở một khoảng cách vừa tầm để có thể lấy đà phóng tới. Trong những phút giây ân ái, Uyên là con bọ ngựa cái nuốt chửng con đực của mình. Ấy là lúc cô muốn tôi chết đi, tan biến mất tăm trong thân thể.

(còn tiếp)

Nguồn: https://ngo-quyen.org/p3623a4992/nguyen-xuan-hoang-nguoi-di-tren-may-ky-60-61-62