Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 10 tháng 4, 2020

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 226): Hồ Trường An (kỳ 6)

LỚP SÓNG PHẾ HƯNG
Chương 6
Bà Bếp Luông lấy chiếc mền trùm kín cho thím Bảy Cá Trê. Mưa bên ngoài vẫn rơi lộp độp trên tàu chuối. Bịnh nhân đã cử động được, đã thở đều và tay chân hết cứng ngắc, khác hẳn cách đó ba tiếng đồng hồ. Thím Bảy đã nhướn mắt chào kẻ cựu thù, ngỏ lời cám ơn và sau đó nhắm mắt ngủ.
Không khí trong căn buồng gói sực nức mùi gừng, mùi thuốc cứu, mùi cù là, mùi dầu phong, mùi rượu chổi. Bà Bếp Luông đã cạo gió, cắt giác, và xoa khắp mình mẩy thím Bảy Cá Trê bằng thuốc cứu giã nhỏ với gừng, sau đó, bà còn bồi thêm dầu phong, dầu cù là ở ngực, màng tang và ót thím.



Tiếng mõ cuối xóm điểm canh ba. Bà Bếp Luông thu dọn đồ nghề vào chiếc rương cây, vặn lu ngọn đèn trong buồng rồi bước ra ngoài. Chú Bảy và hai cô con là Hai Lý, Ba Đào đang chờ bà ở bộ ván gõ. Chú Bảy nói:
-Chị thật nhơn đức, đã quên lỗi lầm của vợ tui, mà còn cứu mạng nó. Ơn đó khác nào ơn sanh thành.
Bà Bếp Luông vui lắm. Cứu mạng người chưa chắc vui hơn cứu mạng kẻ thù. Bà nói:
-Thôi chú Bảy à, chuyện cũ nhắc lại làm chi. Sáng mai chú sai con Lý lại quán Sáu Quyên mua thuốc giải cảm cho thím nó uống.
Ba Đào cảm xúc và mừng quá, chảy nước mắt. Bà Bếp Luông nhìn người đàn ông trạc tuổi ba mươi ngoài ngồi trên ghế trường kỷ, mừng rỡ:
-Ủa, thầy Năm chưa về sao?
Thầy Năm Kỳ Phụng hôm nay ăn vận chải chuốt, râu cạo sạch sẽ. Bà Bếp Luông chỉ biết rằng thầy Năm nầy gốc gác ở Cần Thơ, có đất ở vùng nầy cỡ ba chục mẫu. Bà còn nghe có người kêu thầy bằng Tú Tài Phụng vì theo lời đồn thầy đậu Tú Tài Tây hồi còn du học bên Pháp. Năm nay, Tú Tài Phụng đã bốn mươi rồi. Vợ thầy thất lộc cách đây sáu năm. Hai cô con gái thầy học trường đầm ở Sài Gòn. Bà có dịp đi ngang qua nhiều lần ngôi nhà của thầy ở ngoài Vàm Hóc Hỏa. Ngôi nhà lợp ngói mốc, vách gạch tô hồ. Bà vẫn phục thầy nhơn đức, thích giao du với dân trong vùng, ăn ở rộng rãi với tá điền, tá thổ, nhưng bà chưa hề tham gia công tác của thầy.
Hôm nay, khi thím Bảy trúng gió mê man, Hai Lý, Ba Đào đội mưa, đập cửa nhà thầy Năm Kỳ Phụng kêu cứu. Thầy xách dù chạy lại, thấy bịnh nhân mặt mày tím ngắt liền nói:
-Thuốc tây chậm thấm lắm. Phải kêu người cạo gió, cắt giác mới mong cứu mạng thím Bảy được.
Do đó mà chú Bảy đành đánh liều chạy tới cầu cứu bà Bếp Luông, dù trong bụng chú nghĩ thầm rằng vì thù oán, chưa chắc bà nhận lời. Ai dè, bà không quản mưa gió đến đây. Giờ thấy Ba Đào khóc, chú cũng khóc theo, nước mắt tri ơn làm cho chú cảm thấy mình nhỏ nhoi trước một bà già hiện thân Đức Quan Âm cứu khổ, cứu nạn, dù Đức Quan Âm nầy chửi con cái và kẻ thù địch giòn hơn bánh tráng nướng và trơn hơn mỡ.
Chú bảo hai cô con:
-Hai đứa bây thay thế tao với mẹ bây, lạy tạ ơn bác Bếp đi.
Hai cô gái toan ngồi bẹp xuống đất thì bà Bếp Luông tránh qua một bên, xua tay lia lịa:
-Mô Phật, tụi bây đừng bày đặt lạy lục mà bác tổn thọ. Hãy để lạy nầy mà lạy Phật, lạy Bồ Tát phải hơn.
Thầy Năm Kỳ Phụng rót trà, mời:
-Thím Bếp uống trà, nói chuyện chơi một chốc rồi về.
Bà Bếp Luông cười phơi phới, bước lại bàn uống nước. Ở đó, đã có bình trà và một khay trầu. Bà têm cho mình một miếng trầu rồi nhai nhóc nhách.
Thầy Năm móc túi vải lấy ống thuốc viên, bảo:
-Khỏi cần đi lại cô Sáu Quyên mua thuốc. Cứ cho thím Bảy uống thuốc nầy cũng được.
Thầy Năm trút ra khỏi ống nhôm hai viên thuốc trắng, dẹp dẹp, tròn tròn, hối Ba Đào lấy nước ngâm ra để dễ uống.
Trong lúc ăn trầu và chuyện vãn về mùa màng với thầy Năm và chú Bảy Cá Trê, bà Bếp Luông chăm chú nhìn cô Hai Lý và cô Ba Đào hoài. Ủa lạ dữ kìa, hai con nầy độ rầy đỏ da thắm thịt coi cũng óng ả quá chớ, tuy không ăn đứt Ba Kiểm và Tư Diễm của mình, nhưng tụi nó cũng mặn mòi có kém gì con Năm Nhan của mình đâu. Bà vốn bụng thẳng dạ ngay, khen liền:
-Con Hai, con Ba của chú lóng rày coi cũng có bóng sắc như ai. Tụi nó thay đổi mau quá, chú Bảy à.
Chú Bảy chỉ thầy Năm Kỳ Phụng:
-Nhờ thầy Năm đây cho tụi nó uống thuốc ký ninh trọn nửa tháng, mỗi ngày hai viên, nhờ vậy tuị nó hết gốc rét kinh niên nên đứa nào cũng đỏ da thắm thịt ráo trọi.
Bà Bếp Luông liếc qua nhà cửa. Chén uống nước được rửa sạch, nên không tanh. Khay trầu trình bày mỹ thuật. Bàn ghế lau chùi bóng lộn. Trên vách lại có treo bộ tranh tứ thời, và liễn kiếng Lái Thiêu. Ở đây, độc bình, dĩa quả tử, bát cắm nhang đều bằng sành, nhưng nét vẽ đẹp, được chùi rửa sạch, riêng độc bình có cắm hoa giấy xanh đỏ rực rỡ. Hồi xưa, căn nhà lá nầy u tệ biết bao nhiêu thì giờ đây có vẻ ưa nhìn bấy nhiêu.
Bà Bếp Luông lại chợt nhớ có lần Sáu Quyên cho bà biết là Bảy Tường người đệ tử thân tín của thầy Năm Kỳ Phụng đã đi coi mắt Hai Lý nên thầy Năm mới tỏ ra chú ý với gia đình nầy.
Trong đám sau đệ tử của thầy Năm Kỳ Phụng chỉ có Sáu Thoại, Bảy Tường là bặt thiệp hơn cả vì là kẻ lớn tuổi nhứt trong đám và hình như có ăn học hơn. Sáu Thoại có cất một cái nhà năm gian lớp lá, ba gian dùng làm trại lá chầm, còn hai gian làm lớp học. Trại lá chầm đã giúp những phụ nữ trong xóm sau mùa gặt kiếm thêm việc làm, còn lớp học thì dạy trẻ em không lấy tiền. Lúc đầu, lớp học chỉ lèo tèo tám đứa, và tới nay, sau một năm, lên tới ba chục. Lớp học trẻ con chỉ dạy có buổi sáng. Chiều tối là lớp dạy cho người lớn trong làng, hoặc ở làng lân cận.
Đất ở vùng Hóc Hỏa nầy là vùng đất hoang của người Thủy Chân Lạp (Cao Miên). Trong cuộc mở mang đất nước, các chúa nhà Nguyễn đã đôn đốc người Trung Hoa đã bỏ xứ đến Việt Nam khai khẩn. Họ vốn không muốn làm tôi nhà Mãn Thanh và quyết lòng lập Thiên Địa Hội để liên kết với các nhà ái quốc phù Minh diệt Thanh bên Tàu. Sau đó, khi đất đã khai khẩn một phần, các Chúa dùng kế phao phản đuổi người Tàu đi tứ tán, kẻ nào cưỡng cầu thì bị giết chết. Một số Hoa Kiều đi về Hà Tiên theo ngài Tông Đức Hầu Mạc Thiên Tích vốn người Minh Hương. Còn một số chạy lên Vĩnh Long, Định Tường rồi lại vùng Biên Hoà định cư, buôn bán. Một số người Tàu nhất là người Triều Châu sanh nhai bằng nghề du canh. Họ kéo từng đoàn khai khẩn rừng tràm để trồng rẫy. Họ tới đâu là lập chợ búa có các tiệm hàng xén, tiệm mì, tiệm thuốc bắc, sòng bạc... Rồi đó, khi chỗ làm ăn không khá, họ lại dời đi chỗ khác, quanh quẩn ở vùng Vị Thanh, Hỏa Lựu, Chắc Băng, U Minh, Năm Căn, Cạnh Đền. Chợ búa lại nổi lên chỗ mới, đã có các tiệm hàng xén, tiệm mì, tiệm thuốc bắc, lại thêm chành lúa, lò than, lò đường nữa...
Riêng, đất Hóc Hỏa nầy, dân tứ xứ, cùng kẻ lang bạt kỳ hồ tới đây, mạnh ai nấy đốn rừng tràm, khẩn đất cho mình. Người nào siêng thì có nhiều đất. Ngoài ra đều là rừng tràm dày bịt, ngăn một phần nào gió biển thổi về. Qua thời gác kèo nuôi ong lấy mật, họ trồng khoai; giờ đây họ trồng lúa. Trái với người Tàu thích du canh, người Việt lại thích định cư. Dân chúng phần nhiều thất học. Cuộc sống của họ lam lũ, tăm tối, quanh quẩn trong chốn bùn lầy nước đọng, chưa hề nghe nói tới xe ô tô, xe lửa, đèn điện, nước đá, cà phê, sữa hộp.
Đã hơn một năm rồi, thầy Năm Kỳ Phụng ở Vàm Hóc Hỏa với năm người đệ tử, người nào người nấy dầu mặc vải bô nhưng mặt mũi sáng láng, khác hẳn dân trong vùng. Thầy đã thực hiện sở trồng mía, và một làng kiểu mẫu trong đó có trại lá chầm ở gần dòng rạch, có trường học, có ngôi am thảo, phòng thuốc. Năm đệ tử của thầy đã cất sáu ngôi nhà ở đó. Bảy Tường đã khẩn được năm mẫu ruộng và tính cưới Hai Lý. Tư Hạc, một đệ tử khác thì đem cha mẹ về phụng dưỡng. Chín Ích thì sống với một ông cậu mù lòa nhưng giỏi nghề đan thúng, đan bồ, đan giỏ. Nhỏ tuổi nhứt trong đám là Mười Thọ, theo nghiệp cũ của ông cha, làm nghề đắp cối xay.
Bà Bếp Luông từ lâu nghe nói nhóm thầy trò của thầy Năm nhưng bà không có dịp tiếp xúc nhiều với họ. Họ đi tới nhà nào cũng chà lết chuyện trò, khuyên gia chủ tổ chức đời sống cho ngăn nắp, khuyên con em gia chủ đi học chữ... Họ đã đến nhà Hai Thạnh trước tiên, đắp nền nhà và lợp lá giùm y ta, cho chị vợ một ít quần áo cũ tuy có vá vài miếng, nhưng còn chắc được nhuộm đen, để chị khỏi ở trần phơi vú và mặc quần bằng bao tải đầy rận rệp nữa. Chị vợ đi chầm lá còn anh chồng xoay qua trồng củ kiệu để rồi sau một năm, họ mua sắm áo quần, nồi niêu, bàn ghế nên nhà cửa cũng tươm tất lắm...
Từ lâu, bà Bếp Luông lộ vẻ khinh miệt vợ chồng chú Bảy Cá Trê và hai cô con gái. Giờ đây, hai cô con sáng thêm, mướt thêm, nhà cửa họ đẹp đẽ hơn nhà bà. Bà cảm thấy vừa ghen ghét, vừa thán phục về mức sống tiến bộ của họ. Nhà Hai Thạnh trước kia lụp xụp. Giờ thì cũng mái lá, vách lá, nhưng nền đắp cao, vuông sân có cái bồn trồng đinh lăng, cây lẻ bạn, mít kiểng, bên hè có vườn rau, nên nó đổi khác hẳn. Chi tiết tuy nhỏ nhưng làm sáng hẳn đại cuộc là vậy. Nhà vợ chồng chú Bảy Cá Trê cũng khang trang có kém gì nhà Hai Thạnh, nhưng vách lá được thay bằng vách bổ kho sơn nâu.
Thầy Năm Kỳ Phụng kiếu từ ra về, bà Bếp Luông cũng kiếu từ luôn. Mưa bên ngoài đã bớt. Chú Bảy đưa cho bà cái giỏ xách, giọng cầu khẩn:
-Xin chị đem chuối khô và ba khía về ăn lấy thảo. Để rồi tui biểu vợ tui qua tạ ơn chị. Làm chị phá giấc ngủ, tui có lỗi lắm.
-Chú lộn xộn quá, chú Bảy à. Không lẽ tui cạo gió xức dầu cho thím Bảy rồi về nhà tui bị lao lực, lao phổi chết hay sao?
Nói vậy, bà vẫn cầm cái giỏ xách. Khi bà Bếp Luông về tới nhà thì Hai Cường và Út Biên đang ngồi trò chuyện. Bà hỏi đứa con trai lớn:
-Mầy ăn cháo chưa Hai?
-Hồi chiều con ăn bánh dứa với bánh ú nên hãy còn no.
-Cao tằng cố tổ mầy, cứ ăn bậy bạ rồi bỏ cơm, rồi đau ốm, báo đời mẹ và mấy em mầy. Mầy muốn ăn cháo thì để tao hâm. Lại nữa... tao cũng đói bụng đây.
Bà nguýt Hai Cường rồi xuống bếp. Út Biên nói vói:
-Con đói bụng muốn ăn cơm nguội.
Bà mẹ bảo:
-Đồ quỷ, cơm nguội lạnh ngắt ăn sao vô? Để má rang cơm cho ăn.
Lòng bà Bếp Luông bứt rứt. Gần đây bà nghe loáng thoáng là thầy Năm Kỳ Phụng muốn nhờ mai mối tới cưới Ba Kiểm. Thầy giàu sang, danh giá nhưng lớn gấp đôi tuổi Ba Kiểm nên Ba Kiểm chưa quyết định. Bà cũng không biết nghĩ sao. Bà thường nghe bọn nhà giàu mà đi cưới gái quê cũng chỉ làm vợ bé, làm hầu thiếp, nên bà không thèm để vào tai lời đồn kia. Hôm nay, có dịp ngồi gần thầy Năm, bà mới thấy thầy không già, lại còn cao lớn, khỏe mạnh, mắt sáng như sao, hàm răng khít khao, đều đặn.
Ăn uống xong, bà Bếp Luông vào buồng, không rửa chén dĩa. Trước khi tới cửa buồng, bà còn rít giọng lên:
-Hai à, mầy đừng có chuyện vãn tào lao với thằng Út nữa, nghe chưa thằng cô hồn! Mau đi ngủ cho khỏe...
Bà Bếp bứt rứt ngủ không yên. Mỗi khi nhắm mắt, hình ảnh hai cô Đào, Lý cùng căn nhà chú Bảy Cá Trê hiện lên. Nay kẻ thù địch mang ơn mình, mà họ còn có mòi lấn lướt về cách tổ chức cuộc sống. Mình muốn ghen ghét họ cũng không ổn, phải làm mặt kẻ lớn, kẻ đã ban ơn. Con gái mình chưa chắc ăn đứt họ, nhất là khi Hai Lý mặc áo thêu hoa.
Sáng hôm sau, Ba Kiểm và Tư Diễm đi bán rau và gạo nếp ở ngoài chợ Vàm Xáng. Hai Cường và Út Biên ra ngoài rẫy. Nhà chỉ có Năm Nhan và bà. Khi nắng lên ba sào, thì có thím Bảy Cá Trê dẫn hai cô Đào, Lý tới. Cô nào cũng mặc áo vải phin trắng, thêu những chấm bông xanh lốm đốm, đi guốc sơn đen, tóc chải láng và bới một cái bí bo, bọc lưới.
Bà Bếp Luông thấy kẻ cựu thù, nói:
-Chèn ơi, đau chưa mạnh mà thím lật đật đến đây, không sợ nắng nôi, gió máy hay sao?
Thím Bảy Cá Trê chỉ trái bầu mập núc:
-Trúng gió chớ có phải nóng lạnh đâu mà nằm dây dưa? Hôm nay em đến tạ ơn chị, cho chị trái bầu ăn lấy thảo. Luôn tiện, em mời chị ngày mốt dắt các cháu gái đến nhà em ăn giỗ.
-Thím giống chú quá. Bày đặt ơn với nghĩa làm chi. Mình là lối xóm, tối lửa tắt đèn có nhau mà.
Lòng bà quặn thắt khi nhìn hai chiếc áo thêu, nên hỏi liền:
-Con Hai, Con Ba mua áo thêu ở đâu mà tốt quá vậy?
Cô Hai Lý nhỏ nhẹ thưa:
-Thưa bác, áo nầy áo chị em cháu tự may cắt lấy rồi tự thêu lấy...
Mèn ơi! Bà Bếp Luông kêu lên rồi ngưng ngay ở đó, không nỡ khen, lòng xót xa ghen tức.
Sau màn trầu nước, thím Bảy mới nhắm nhía nhà cửa, không khen, không chê, rồi hỏi:
-Con Ba, con Tư đi đâu vắng vậy chị?
-Ờ nó đi bán gạo, nếp, rau cỏ.
Thím Bảy Cá Trê xức thêm dầu cù là, ngồi nép vào góc cột nói:
-Mấy cháu ở đây cũng lớn rồi, sao chị chưa tính việc chung thân cho tụi nó?
-Để tui lo thằng Hai trước hẵng hay. Thằng nầy kén vợ lắm. Tui cũng ham ẵm cháu nội, bồng cháu ngoại lắm chớ.
Thím Bảy Cá Trê chậm rãi:
-Bấy lâu nay em muốn cầu huề với chị để nói với chị một chuyện, ngặt chưa có dịp tốt. Nay thì vợ chồng em mang ơn chị rất nhiều, hai nhà từ đây sẽ giao hảo với nhau. Nếu được vậy hoài thì em mừng lắm. Như con Ba Kiểm của chị đó, xinh tốt như tiên sa phụng lộn, nhiều trai tráng để ý lắm. Ngặt một nổi, nó nói rằng nó sẽ lấy chồng ở vùng xa, nên trai tráng không dám tiến tới… Nay có thầy Năm Kỳ Phụng, đã nhơn đức, tử tế, mà còn giàu sang, có ăn học. Tuy thầy lớn tuổi, nhưng còn tươi rói, bảnh bao. Nếu chị không chê, xin để thẩy cầu hôn con Ba rồi làm đám cưới đàng hoàng, có anh chị thảy đến chứng giám, rồi hai vợ chồng cùng dắt nhau ra chợ Vàm Xáng làm hôn thú hẳn hoi.
Bà Bếp Luông nghĩ ngợi, nhưng không nghĩ ra điều gì rõ rệt. Trước mắt bà, hai cô con gái của thím Bảy như sáng chói hẳn lên. Từ đây, ba cô con gái của bà không còn chiếm độc tôn giữa các cô gái vùng nầy. Hai Lý vóc mình dây, tay chân thong dong. Ba Đào mập mạp, tròn trịa, xinh xắn. Cả hai như làm tươi mát cả buổi sáng. Hồi xưa họ là bã mía, cau khô, giờ đây họ thành dưa leo tươi hơn hớn hoá thành rau càng cua mọng nước.
Năm Nhan từ trong bếp đi ra, gặp Hai Lý, Ba Đào, chào hỏi niềm nở. Thím Bảy Cá Trê, trầm trồ:
-Con Năm lóng rày coi... được quá chớ. Lý, mầy về lấy đôi guốc sơn đen tặng cho chị Năm mầy để nó đi diện với "người ta".
Hai Lý thoăn thoắt chạy đi. Thím Bảy Cá Trê nhỏ giọng hỏi:
-Nghe nói con Năm được ai coi mắt phải không chị?
Bà Bếp Luông ngập ngừng:
-Ừ, có thằng Tám Kiệt bán trà vải muốn cưới nó, nhưng tui còn do dự vì phải đợi gả hai con lớn trước đã.
Chưa bao giờ bà Bếp Luông cảm thấy mình ở thế kẹt như bây giờ. Hai cô con lớn của bà nổi danh đẹp đẽ, bặt thiệp, làm ăn giỏi dắn, thế mà chưa có ai gấm ghé cầu hôn. Vậy mà bấy lâu bà tự hào về tụi nó. Vậy mà bấy lâu tụi nó đỏng đảnh, coi trai tráng vùng nầy nhỏ như hột tiêu. Ba mẹ con mục hạ vô nhơn nên bị Trời phạt. Lẩm rẩm vậy mà Năm Nhan, Hai Lý lại có người đi coi mắt trước. Chưa bao giờ bà đau buồn thấm thía như hôm nay.
Ba mẹ con vừa tới nhà chú thím Bảy thì Hai Lý, Ba Đào chạy ra đón, mừng rỡ. Hôm nay nhà chú thím Bảy có đám giỗ. Khách được mời là thầy Năm Kỳ Phụng, Sáu Thoại, Bảy Tường, Sáu Quyên, bà Bả Hương, má con bà Bếp Luông, vợ Hai Thạnh, vợ Ba Khía...
Thấy nhà trên chộn rộn, nhiều đàn ông, ba mẹ con vòng ngã sau, xuống bếp. Hôm nay, Ba Kiểm, Tư Diễm mặc áo lụa tím, quần sa teng, đi guốc sơn, nhưng mặt cô nào cô nấy buồn nghiến, và buồn đậm nhất là Tư Diễm. Đêm qua, bà Bếp Luông phải thú thiệt với Ba Kiểm và Tư Diễm rằng Tám Kiệt tính đi hỏi Năm Nhan.
Suốt đêm cả hai không ngủ, nhưng họ phải làm ra ngủ, không dám lăn trở. Họ phải giấu niềm thống khổ của mình, kẻo mang tiếng ganh hiền ghét ngõ với cô em mà họ cho rằng khờ khạo, cần sự che chở của họ. Tư Diễm giận ánh trăng soi qua mắt cáo, rọi sáng chỗ nàng nằm, không để nàng khóc tự do.
Còn Ba Kiểm, mỗi khi hỉ mũi, phải giả đò đi tiểu và khi ra được bên ngoài, nàng khóc hả hơi rồi mới vào giường. Nhưng cả hai chị em đều biết rằng họ không thể ngủ được, nhưng phải cố giấu kín cơn mất ngủ của mình.
Tư Diễm vừa lúc con sao mai hé lên nóc chòi bên kia cánh đồng là phải trỗi dậy đi hấp bánh ích, bánh qui. Còn Ba Kiểm mãi tới sáng bạch mới rời khỏi giường. Tư Diễm biết chị mình buồn, nhưng mai mốt đây sẽ quên dễ dàng. Còn nàng sẽ buồn dai, buồn dẳng, cho tới bao giờ đây?
Khi ba mẹ con vào bếp thì họ đã gặp Sáu Quyên đang luộc đầu heo. Tiếng cười chào của chị ta không được reo vui phơi phới như mọi lần. Bà Bếp Luông chợt thấy ba cái quả bánh đang đặt trên chiếc bàn dài liền giở ra. Một quả bánh men lẫn bánh phục linh; bánh men nướng chín đều; còn bánh phục linh trắng muốt. Quả kia đựng bánh bò lẫn bánh da lợn; bánh bò nhuyễn và xốp như bông đá, còn bánh da lớn tím hồng, chồng lên lớp nhưn đậu xanh màu ngà và lớp sau cùng trong vắt. Quả thứ ba đựng toàn mứt bí, mứt đu đủ tỉa hoa, tỉa bướm, tỉa chim.
Bà hỏi thím Bảy Cá Trê:
-Bánh khéo quá! Ai làm vậy?
-Ờ, con Lý, con Đào làm chớ ai. Tụi nó mới làm chiều hôm qua đó.
Bà Bếp lặng người. Thật ai ngờ, chưa chi về phương diện bánh trái, thêu thùa, con gái cựu thù bà qua mặt ba cô con bà cái vù.
Sáu Quyên hôm nay chỉ trả lời cầm chừng với mọi người. Hình như chị ta cũng mất ngủ đêm qua nên mí mắt thâm quầng.
Ở nhà trên, thầy Năm Kỳ Phụng nói dõng dạc:
-Đời sống của mình là bể khổ, đúng như lời Phật dạy. Nhưng bể khổ hay vui cũng là do mình. Nếu bà con cô bác ở đây sau một ngày làm lụng, kiếm ăn, chịu khó tổ chức lại nhà cửa cho hạp vệ sinh, trong ngoài đâu đó đều gọn gàng rồi tắm gội, giặt gỵa thì cuộc sống dễ chịu hơn. Sân nhà, quanh hè, nếu mình chịu khó trồng một khóm bông, thì cái sân đã đẹp thêm, mà mình còn vui mắt nữa.
Sáu Thoại nói:
-Noi theo anh Hai Thạnh, chú Ba Khía cũng tổ chức nhà cửa. Vợ chú đánh răng với muối, chịu khó ăn mặc sạch sẽ. Còn chú thì vét mương, làm cỏ từ trong tới ngoài. Bởi vậy nhà chú vào chiều tạnh ráo nầy cũng có nhiều khách tới chơi. Tháng sau, sau mùa khoai, hai vợ chồng chú tính đi học chữ quốc ngữ.
Bảy Tường nói:
-Vậy là ở xóm nầy đã có năm nơi quyết ăn ở theo nếp sống mới... Nếp sinh hoạt ở đây càng lúc càng vui. Hễ người càng vui, càng làm ăn phấn chấn, rồi lập nghiệp mấy hồi.
Sáu Thoại nói với thầy của mình:
-Dân quê nơi mình, sở dĩ làm ăn lôi thôi là tại họ làm việc cực khổ, lại bị sốt rét kinh niên, nên họ lười biếng, hết muốn làm lụng. Đó là ý kiến của em... Không hiểu thầy nghĩ sao?
Năm Kỳ Phụng nói:
-Em nghĩ cũng đúng đó. Vậy mình nên mua ký ninh để dành cho mọi người trong xóm uống lai rai.
Chú Bảy nói:
-Theo tui, ăn ớt hiểm rừng cho nhiều, uống rượu đế cho dữ thì cũng ngừa được rét vậy.
Mọi người đều cười ồ. Năm Kỳ Phụng hỏi trêu gia chủ:
-Chú bằng lòng cho thím và em uống rượu đế, ăn ớt hiểm rừng không?
Mọi người lại cười thêm một chập. Trong bếp, thím Bảy bàn qua với mọi người:
-Đợi cúng xong thì lâu quá. Hay là mình cho mấy ổng nhậu lai rai đi. Vừa nói chuyện, vừa uống trà... buồn tẻ lắm.
Sáu Quyên hưởng ứng:
-Ừ, nên cho họ nhậu rượu đế với luơn xào lăn và tôm khô, dưa kiệu trước.
Bà Bếp Luông nhìn những chiếc thố đựng dưa kiệu trắng phau, xếp từng lớp khéo léo liền hỏi thím Bảy Cá Trê:
-Ai làm dưa kiệu vậy, thím?
-Thì hai con quỉ cái nhà tui chớ ai vô đây?
Bà Bếp Luông rụng rời, nhưng cũng hỏi:
-Tụi nó học nghề khéo ở đâu vậy, thím?
Thím Bảy Cá Trê ấp úng:
-Ờ... tụi nó học nghề ở ngoài Vàm Xáng.
-Mà ai dạy tụi nó vậy?
-Ờ... có cô Bảy Nhiều ở Trà Bang tới Vàm Xáng chơi. Cổ là bà con bên nội tui. Giờ cổ về Trà Bang rồi.
Bà Bếp Luông biết là thím Bảy Cá Trê giấu giếm, không hỏi thêm nữa. Bảy Tường từ nhà trên đi xuống bếp, lễ phép hỏi thím Bảy:
-Thưa má, tía con hỏi má chai rượu ngâm thục địa, hoài sơn để đâu?
Thím Bảy âu yếm nhìn thằng rể tương lai:
-Để má đi lấy. Còn con nên thưa với thầy Năm là nên dùng rượu với món lươn um cùng tôm khô, dưa kiệu trước. Cỗ bàn thì còn hơi lâu. Các ông nên uống sương sương thôi, chớ đừng uống quá say rồi tới khi cúng kiến xong chỉ có nước ngủ khò.
Bảy Tường tuy không bảnh trai hơn Sáu Thoại, nhưng vạm vỡ hơn. Họ là hai anh em ruột, mặt mũi giống nhau và chỉ khác nhau ở vóc vạc, thần sắc mà thôi.
Thím Bảy Cá Trê nói với con bà Bếp Luông:
-Câu chuyện mà em nói với chị hôm nọ, xin chị suy xét lại đi. Thầy Năm Kỳ Phụng có nói với vợ chồng em rằng, nếu con Ba ưng thì thầy nâng nó lên hàng vợ chánh, chớ không phải như bọn nhà giàu, cưới gái quê làm bé rồi đày xắc như tôi tớ đâu.
Bà Bảy Hương xen vào:
-Thầy Năm Kỳ Phụng tuy lớn tuổi, nhưng đứng gần bên con Ba coi cũng xứng kép, xứng đào. Chị bằng lòng đi, chị Bếp.
Mặt Ba Kiểm vốn đã hồng hào, nghe tới đây đỏ gay đỏ gấc như uống rượu. Nàng bỏ lảng ra sàn nước để phụ với Ba Đào lặt rau.
Ba Kiểm không biết nghĩ sao hơn. Con em qua mặt hai con chị là điều sỉ nhục cho nàng. Nàng đâu nỡ trách Năm Nhan, chỉ giận Tám Kiệt mà thôi. Nàng muốn lấy chồng phứt cho đã nư, cho nguôi giận. Nàng muốn bỏ nhà theo kép hát, nhưng nàng vẫn chưa gặp gỡ kép Bửu Châu ngoài lúc hắn diễn tuồng. Và việc theo kép chỉ là giấc mơ phù phiếm của một cô gái nhẹ dạ. Nàng có những lúc mơ mộng quàng xiên, bị ánh đèn sân khấu thu hút, nên mặc sức thả tư tưởng bay bổng vào những cuộc phiêu lưu kỳ thú. Nhưng giờ đây Ba Kiểm tự hỏi mình có dám bỏ nhà theo gánh hát không đã? Chỉ bình tĩnh suy ngẫm điều hơn lẽ thiệt, nàng mới thấy mình đâu có đủ can đảm theo trai mà thứ trai đó là một nghệ sĩ lang bạt kỳ hồ, bị ông bà gán cho cái hỗn danh "xướng ca vô loài".
Từ lâu, Ba Kiểm đâu có để ý gì tới thầy Năm Kỳ Phụng. Thầy giàu có, sang trọng, nhưng thầy không thuộc về thế giới của nàng. Thầy như mặt trời treo cao để nàng chiêm ngưỡng, nhưng không có ý muốn chiếm đoạt. Chiêm ngưỡng một người nhưng chưa chắc là yêu say đắm. Từ bao lâu, nàng mơ mộng lứa đôi, nhưng người nàng yêu phải đồng trang lứa với nàng. Đằng nầy thầy Năm đáng tuổi cha chú nàng. Chỉ nghĩ tới bao nhiêu đó, Ba Kiểm cảm thấy nhột nhạt, bứt rứt rồi.
Tư Diễm đang ngồi trước bếp lửa, xem chừng nồi canh hầm. Nàng đau đớn, xấu hổ khi nghĩ tới đám cưới cho em, rồi phải giả cười, làm bộ vui để rồi ngẫm nghĩ, tưởng tượng những lời xầm xì thương hại cho phận hẩm hiu của nàng? Nàng biết mình không thể quên Tám Kiệt cùng mối thù sâu sắc nầy. Nhưng không lẽ nàng trù rủa Tám Kiệt để cho em nàng phải đau khổ? Hơn bao giờ hết,Tư Diễm muốn rời khỏi làng nầy, rời khỏi cuộc đất nầy, để đi đến nới xa, quên hết đau đớn, tủi hổ...
Bà Bảy Hương nói:
-Hôm nay mấy con nhỏ nầy sao mà biếng nói, biếng cười như vậy cà?
Bỗng trên nhà trên có tiếng chộn rộn. Sáu Thoại nói lớn:
-Ủa anh Tám Kiệt! Dữ ác không! Lâu quá anh mới qua vùng nầy.
Không hẹn, đám phụ nữ xúm lại ngấp nghé dòm lên nhà trên. Tám Kiệt đầu chải bóng, mặc bộ áo vải xiêm đen, tay cầm nhiều gói giấy dầu. Đó là một chàng trai thương hồ khỏe mạnh, mày rậm mà thanh, mắt sáng như sao, nụ cười hơi trai lơ dưới hàng ria mép.
Tám Kiệt nói:
-Kỳ nầy, tôi về để chuẩn bị cưới vợ.
Mọi người nhao nhao lên hỏi:
-Cưới ai vậy? Chắc là gái vùng nầy?
Tám Kiệt nói:
-Dĩ nhiên là gái vùng nầy. Cưới vợ xong, tôi sắm ruộng mua vườn, không sống đời thương hồ trôi nổi, bềnh bồng nữa.
Rồi anh ta tặng quà cho chú Bảy, cho thầy Năm Kỳ Phụng, giọng reo như vui:
-Giờ đây tôi dừng bước giang hồ. Ủa, phải nói là dừng bước thương hồ mới đúng.Tôi quyết cưới vợ, kiếm con, dưỡng già.
Sáu Thoại nói:
-Nói theo giọng ông cụ.
Tám Kiệt nói:
-Tôi sống từ lâu rày đây mai đó đã tám năm rồi. Giờ đây tôi có chút ít vốn liếng rồi, thì liệu mà lập cơ sở với người ta chớ.
Chú Bảy Cá Trê nói:
-Hôm nay có chị Bếp đến đây, lại có cô Sáu Quyên đến dọn đám nữa. Cháu nên xuống bếp chào chị Bếp và cô Sáu cho phải đạo.
Tám Kiệt nói:
-Xin vâng lời chú dạy.
Tám Kiệt bước xuống nhà bếp tìm bà Bếp Luông.Thím Bảy Cá Trê vừa thấy chàng là rối rít chào hỏi lăng xăng. Bà Bếp Luông dù đang ngại ngùng trước cảnh ngang trái của hai cô gái lớn, nhưng cũng phải cố gượng niềm nở tiếp chuyện với chàng. Tám Kiệt nói:
-Cháu định chiều nay, cháu cùng chị Sáu đến thăm bác để... bàn với bác chuyện... cũ...
Giọng chàng ấp úng, trong khi mắt chàng đảo qua đám phụ nữ, ý chừng tìm Năm Nhan. Mặt Tư Diễm nhột nhạt trong khi mí mắt Ba Kiểm bắt đầu nóng lên. Ba Kiểm phải ra ngoài chỗ vắng, nếu không nước mắt nàng sẽ tuôn như mưa. Nàng chọn bờ sông, bên cạnh cây gừa buông rễ lòng thòng từ nhanh xuống mặt nước. Một con chim thằng chài xanh biếc vút qua như một ngôi sao xẹt. Ba Kiểm khóc nức lên, lòng thầm nhủ:
-Ừ,cứ khóc đi. Mai mốt mình sẽ lấy chồng... Thầy Năm đó, dù dở dù hay, mình cũng chẳng cần. Miễn là mình có chồng trước con Năm. Mình lấy chồng coi như phó mặc rủi may, lấy chồng mà lòng nguội ngắt, lạnh tanh.
Ba Kiểm khoát nước rửa mặt. Nước mát lạnh làm nàng bình tĩnh hơn. Gió hiu hiu làm nàng dễ chịu hơn, nhất là dòng lệ đã cuốn đi một phần ấm ức đau khổ của nàng. Nàng chớp mắt. Nắng sáng chung quanh dường như trong hơn. Cây gòn trên mô đất cao mọc thêm chồi lá mới. Những trái khô nứt nẻ để một vệt bông rã ra rồi cuốn theo cơn gió xôn xao.
Ba Kiểm vừa bước vào nhà đã thấy Tư Diễm đang bình tĩnh cùng mẹ tiếp chuyện Tám Kiệt. Mặt Tư Diễm rất nghiêm, dù tái ngắt. Giọng của cô em kế nàng nghe ôn tồn, chậm rãi, rõ ràng. Trông Tư Diễm, nàng có cảm tưởng như cô nàng nầy đã chấp nhận số phận khốc liệt. Nét buồn rầu, nhẫn nhục của Tư Diễm có vẻ cao quí lạ thường, mà nàng chưa hề bắt gặp.
Thím Bảy Cá Trê hỏi:
-Sao? Con Ba? Cháu có ưng thầy Năm không? Nếu cháu bằng lòng thì thím sẽ làm mai, ăn cái đầu heo ngon lành.
Ba Kiểm nghiêm trang:
-Đó là tùy má cháu.
Bà Bếp Luông liếc qua thím Bảy Cá Trê, cười cởi mở hơn.
Tư Diễm chợt thấy tròng mắt Ba Kiểm ửng đỏ. Nàng biết chị mình đã khóc. Tôi gan góc hơn mụ chị hời hợt của tôi nhiều. Nhưng tôi sẽ khổ dai, buồn lâu. Lửa đốt trấu, đốt dăm bào, thì mau tắt. Lửa đốt than thì lửa lâu tàn. Nàng sực nhớ câu:
Trách ai chẵng khéo lường cân
Đào tiên không bẻ, bẻ trái bần làm chi? 
Bà Bảy Hương quở:
-Hôm nay miệng mấy con nhỏ nầy bị trét đất sét hay sao mà tụi nó nín thinh hoài vậy? Tụi nầy làm như bị thiên hạ hồi hôn nên thỉu não như mèo mắc mưa vậy.
Tư Diễm gượng cười:
-Thì bác với chị Sáu từng trải việc đời, cứ nói cho tụi cháu nghe để tụi cháu học hỏi với. Tụi cháu khờ dại, biết gì mà dám múa búa trước cửa Lỗ Ban?
Bà Bảy Hương liếc qua khôn mặt bí xị của Sáu Quyên. Chị có vẻ hốc hác, ánh mắt kém rạng rỡ. Chiếc áo lụa màu đọt chuối, đôi bông tai mù u và chiếc đồng bánh ú vẫn không làm chị ta tươi lên chút nào. Bà Bảy Hương nói:
-Sáu, hôm nay mầy bèo nhèo như cái nùi giẻ rách vậy. Chuyện gì vậy, Sáu? Bình thường miệng mầy chót chét, còn hơn chim chèo bẻo, ríu rít, lăng líu hơn chim chìa vôi mà.
Sáu Quyên nói:
-Có chuyện gì đâu. Tôi nghĩ tới thằng Hai Cường, chừng nào tôi thêm ứa gan chừng nấy. Chắc tui phải bỏ xóm nầy mà về Vịnh Trà Bay.
Bà Bảy Hương hỏi:
-Nó làm gì mầy, hả Sáu? Cái thằng nầy... quỉ quái tinh ma thiệt mà.
Sáu Quyên cùng quằng:
-Bác Bảy ơi, bác đừng có nói... móc lò tui làm chi. Ngẫm nghĩ lại tui tủi lắm... bác à. Bởi tui dễ đãi nên con nít nó trèo đèo, chọc tức tui. Có nhiều khi nó nói hỗn nữa, bác ơi.
Bà Bảy Hương cười hềnh hệch rồi mắng:
-Thôi đi con đĩ thúi, nó hát chọc mầy thì mầy nín là hơn. Vài lần như vậy thì nó chán, nó bỏ cuộc. Cũng tại mầy... có ý gì đó, nên mỗi khi nó hát chọc mầy thì mầy chửi nó. Mà Sáu nè, theo bác Bảy nghĩ, cái điệu chửi của mầy... lạ lắm nghen Sáu, không giống điệu chửi của ... người ta.
Sáu Quyên xí một tiếng dài trong khi mọi người trong bếp cười rộ. Bà Bảy Hương ngó qua hai chị em Ba Kiểm soi bói:
-Còn giọng cười... của hai con mén nầy cũng lạ nữa. Cười nầy là cười dối. Cười như vậy thì khóc còn đỡ thảm hơn.