Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

Hiến Chương Nhân Bản 2000: Lời kêu gọi một chủ nghĩa nhân bản toàn cầu mới

Nguyễn Ước dịch

I. Lời Mở Đầu

Chủ nghĩa nhân bản là một quan điểm đạo đức, khoa học cùng triết lý và đang làm thay đổi thế giới. Di sản của nó có nguồn gốc từ các triết gia và thi sĩ thời cổ Hi lạp và La mã, Khổng giáo Trung hoa và phong trào Carvaka thời cổ Ấn độ. Ròng rã hơn nửa thiên niên kỷ, các nghệ sĩ, nhà văn, nhà khoa học và nhà tư tưởng nhân bản hình thành kỷ nguyên hiện đại. Quả thật, chủ nghĩa nhân bản và chủ nghĩa hiện đại thường được xem có cùng một ý nghĩa; vì những tư tưởng và giá trị nhân bản biểu lộ niềm tin tưởng có tính tái tạo vào sức mạnh của con người nhằm giải quyết những vấn đề của loài người và khuất phục những ranh giới chưa được thăm dò.

Chủ nghĩa nhân bản hiện đại đơm hoa kết trái trong thời đại Phục hưng. Nó dẫn tới sự phát triển của khoa học hiện đại. Trong thời đại Khai sáng, nó làm nảy sinh những lý tưởng mới về công bằng xã hội và gây hứng khởi cho cuộc cách mạng dân chủ của thời đại chúng ta. Chủ nghĩa nhân bản giúp định hình một quan điểm đạo đức mới, nhấn mạnh vào giá trị của tự do và hạnh phúc cùng những hiệu quả tốt của các quyền phổ quát của con người.

Những người ký tên vào bản Hiến Chương này tin rằng chủ nghĩa nhân bản có nhiều điều cống hiến cho loài người khi chúng ta đối mặt với các vấn đề của thế kỷ 21 và của tân thiên niên kỷ bắt đầu từ đó. Nhiều tư tưởng cũ và truyền thống mà loài người thừa kế không còn thích đáng với các thực tại hiện nay và các cơ hội tương lai. Chúng ta cần tư duy tươi mới để đối phó với xã hội toàn cầu đang ló dạng lúc này; và tư duy tươi mới là dấu chỉ tính ưu việt của chủ nghĩa nhân bản. Do đó, chúng tôi công bố Hiến Chương Nhân Bản 2000: Lời Kêu Gọi Một Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu Mới.

Những khuyến cáo dưới đây được đưa ra trong khiêm tốn nhưng với niềm xác tín rằng chúng có thể đóng góp vào cuộc đối thoại giữa các quan điểm văn hoá, chính trị, kinh tế và tôn giáo khác nhau trên thế giới. Dù chúng tôi, những người tán đồng văn bản này, cùng chia sẻ những nguyên tắc và những giá trị chung, chúng tôi sẵn sàng sửa đổi quan điểm của mình dưới ánh sáng của kiến thức mới, những tình huống biến đổi và những vấn đề có thể bất ngờ phát sinh. Không thể nào tạo được một Hiến Chương bất biến nhưng thật hữu ích và khôn ngoan khi biên soạn một tài liệu dùng tạm và để ngỏ cho việc xét duyệt.
Đưa dẫn vào hiện tại

Trong thế kỷ 20, đã có công bố bốn Hiến Chương Tuyên ngôn Nhân Bản chính yếu: Hiến Chương Nhân Bản I, Hiến Chương Nhân Bản II, Tuyên Ngôn Nhân Bản Thế Tục và Tuyên Ngôn Về Liên Lập.

Hiến Chương Nhân Bản I xuất hiện năm 1933 vào cao điểm của cuộc suy thoái kinh tế thế giới lúc ấy. Ðược tán đồng bởi 34 nhà nhân bản Hoa kỳ (trong đó có triết gia John Dewey), nó phản ánh những quan tâm của thời đại ấy, khuyến cáo trước hết một hình thức nhân bản chủ nghĩa tôn giáo phi thần (nontheistic) như một chọn lựa cho các tôn giáo thời đại, và thứ đến, nền kinh tế quốc gia và việc thiết kế xã hội.

Hiến Chương Nhân Bản II được công bố năm 1973 để ứng xử các vấn đề phát sinh trên hiện trường thế giới kể từ thời đó: sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát-xít và việc nó bị đánh bại trong Thế Chiến Hai, sự gia tăng ảnh hưởng và sức mạnh của chủ nghĩa Mác-Lê và chủ nghĩa Mao, Chiến Tranh Lạnh, sự phục hồi nền kinh tế hậu chiến tại châu AÂu và châu Mỹ, cuộc giải thực tại những khu vực rộng lớn trên thế giới, việc thành lập Liên Hiệp Quốc, cuộc cách mạng tính dục, sự tăng trưởng của phong trào phụ nữ, sự đòi hỏi của thiểu số về quyền bình đẳng và sự xuất hiện của sức mạnh sinh viên trong các trường đại học.

Bản Hiến Chương ấy đã kích thích tranh luận rộng rãi. Nó được ký bởi nhiều nhà dẫn đạo tư tưởng và hành động trên khắp thế giới: Andrei Sakharov, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng ở Liên Sô; Julian Huxley, nguyên Chủ tịch UNESCO; và trong số những người còn lại có Sidney Hook; Betty Friedan; Gunnar Myrdal; Jacques Monod; Francis Crick; Margaret Knight; Allan Guttmacher; Ritchie Calder; và A, Philip Randolph. Nó bảo vệ quyền con người trên cấp bậc toàn cầu, biện hộ cho quyền được du hành ra ngoài biên giới quốc gia vào thời điểm mà dân chúng đằng sau Bức Màn Sắt bị cấm làm điều ấy. Nhiều nhà nhân bản Mác-xít tại Ðông Âu đã tấn công chủ nghĩa nhà nước toàn trị và hoan nghênh việc bảo vệ dân chủ và quyền con người.

Hiến Chương Nhân Bản II không còn bảo vệ nền kinh tế qui hoạch nhưng để ngỏ vấn đề đó cho các hệ thống kinh tế tùy nghi chọn lựa. Do đó, nó được tán đồng bởi cả những người cấp tiến lẫn những người cổ động cho tự do kinh tế -những kẻ bảo vệ thị trường tự do, cũng như bởi cả những người dân chủ xã hội lẫn những người xã hội chủ nghĩa dân chủ -những kẻ tin rằng chính quyền nên đóng vai trò to lớn trong hệ thống phúc lợi xã hội. Nó tìm cách dân chủ hóa các hệ thống kinh tế và trắc nghiệm xem chúng có làm tăng hay không phúc lợi cho mọi cá nhân và mọi nhóm.

Hiến Chương Nhân Bản II được viết ra khi cuộc cách mạng mới về đạo đức dường như đang nhanh chóng ập tới: nó bảo vệ quyền hạn chế sinh sản, phá thai, li dị, tự do tính dục giữa người lớn thuận ý, và sự làm chết không đau. Nó tìm cách bảo vệ quyền của thiểu số, phụ nữ, người cao niên, trẻ em bị ngược đãi và những kẻ bị thua thiệt. Nó cổ vũ sự bao dung những lối sống khác nhau và sự thương lượng ôn hòa giữa những dị biệt, và nó phiền trách những xung khắc chủng tộc, tôn giáo và giai cấp. Nó kêu gọi chấm dứt sợ hãi và hận thù. Nó được viết ra theo sau Công Ðồng Vatican II, một công đồng nỗ lực giải phóng Giáo hội Công giáo La mã. Hiến Chương Nhân Bản II chừa chỗ cho chủ nghĩa nhân bản tự nhiên lẫn chủ nghĩa nhân bản tôn giáo khai phóng. Hiến Chương ấy lạc quan về triển vọng của loài người. Nó nêu rõ những lợi ích của khoa học và kỹ thuật cho sự thiện hảo của con người. Nó đoán trước thế kỷ 21 này có thể thành một thế kỷ nhân bản.

Tuyên Ngôn Nhân Bản Thế Tục được công bố năm 1980 vì chủ nghĩa nhân bản và đặc biệt Hiến Chương Nhân Bản II ngày càng bị công kích kịch liệt, đặc biệt từ những lực lượng tôn giáo bảo căn và lực lượng chính trị cánh hữu tại Hiệp chúng quốc Hoa kỳ. Nhiều người chỉ trích đã đề quyết rằng chủ nghĩa nhân bản thế tục là một tôn giáo. Họ cho rằng việc giảng dạy chủ nghĩa nhân bản thế tục trong học đường là vi phạm nguyên tắc tách rời giáo hội với nhà nước và thiết lập một tôn giáo mới. Bản Tuyên Ngôn ấy trả lời rằng chủ nghĩa nhân bản thế tục diễn tả một chuỗi giá trị đạo đức và một quan điểm khoa học và triết học phi thần nên không thể đánh giá nó ngang hàng với đức tin tôn giáo. Việc giảng dạy quan điểm nhân bản thế tục không thể nào là vi phạm nguyên tắc tách rời đó. Nó bảo vệ ý tưởng dân chủ rằng nhà nước thế quyền nên trung lập, không ủng hộ hoặc chống tôn giáo.

Vào năm 1988, Viện Quốc Tế Chủ Nghĩa Nhân Bản còn đưa ra tài liệu thứ tư, Tuyên Ngôn Về Liên Lập (Interdependence), kêu gọi một nền đạo đức toàn cầu và mới cùng việc xây dựng một cộng đồng thế giới mà đang ngày càng cấp thiết hơn vì các định chế toàn cầu đang nhanh chóng tự tiến triển.

Tại Sao Lại Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu?

Trong lúc hầu hết những điều mục của các Hiến ChươngTuyên Ngôn trước đây vẫn còn đúng đắn và khả thi, rõ ràng rằng khi thế giới đi vào một thiên niên kỷ mới thì cần một Hiến Chương mới. Vì dù các Hiến Chương trước đây lập được nhiều tiến bộ, hiện vẫn xuất hiện những tình huống mới thách thức chúng ta: chủ nghĩa cộng sản toàn trị sụp đổ tại Liên bang Sô viết cùng Ðông AÂu, và lưỡng khối quyền lực Chiến Tranh Lạnh biến mất trên một qui mô lớn. Các khu vực mới của quả đất đang nỗ lực trở nên dân chủ hơn dù nhiều nước vẫn thiếu các định chế dân chủ hữu hiệu. Thêm nữa, nền kinh tế thế giới thậm chí trở nên toàn cầu hóa hơn. Các đại tổ hợp công ti quốc tế đang kết hiệp lại và trở thành xuyên quốc gia, và hiểu theo cách nào đó, mạnh mẽ hơn nhiều quốc gia trên thế giới. Nga, Trung hoa và các nước khác đang tìm cách gia nhập thị trường thế giới. Không xứ sở nào có thể làm chủ vận mệnh kinh tế mình độc lập với những giao thương và mậu dịch thế giới. Những thay đổi tận gốc ấy xuất hiện rộng rãi vì sự tăng trưởng quá nhanh của khoa học và kỹ thuật, đặc biệt cuộc cách mạng tin học dẫn tới một mạng lưới truyền thông văn hóa và kinh tế trên khắp thế giới. Người ta có thể lập luận rằng từ khi có Hiến Chương Nhân Bản II tới nay, thế giới đã xảy ra những biến đổi lớn lao và thậm chí còn lớn lao hơn những biến đổi của Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp hai thế kỷ trước đây, hoặc sự phát minh của Gutenberg về con chữ lắp ráp và máy in. Những hậu quả ấy sẽ tiếp tục tác động rất sâu rộng lên cuộc sinh tồn toàn cầu.

Tuy thế, khi thế giới thành một gia đình toàn cầu thì những đối thủ mang tính tôn giáo sắc tộc đã và đang tìm cách phân chia lãnh thổ thành những phe phái tranh đoạt. Các tôn giáo bảo căn đang nhen nhúm, phản bác những nguyên tắc của chủ nghĩa nhân bản cùng chủ nghĩa thế tục và đòi hỏi trở về lòng sùng đạo của kỷ nguyên tiền hiện đại. Cũng thế, cái gọi là những niềm tin huyền bí Thời Ðại Mới đang xuất hiện, được khuyến khích bởi truyền thông đại chúng và đang dai dẳng khuyến mãi một cái nhìn tâm linh/siêu linh về thực tại. Truyền thông được toàn cầu hóa. Vô tuyến truyền hình, vô tuyến truyền thanh, điện ảnh, và các nhà xuất bản sách báo, đều đang bị khống chế bởi các đại tổ hợp công ti truyền thông vốn hầu như chỉ quan tâm tới việc quảng cáo và bán hàng hóa cho thị trường thế giới. Thêm vào đó, trong nhiều trường đại học đã và đang xuất hiện chủ nghĩa hậu hiện đại, thắc mắc những tiền đề căn bản của phẩm chất hiện đại và của chủ nghĩa nhân bản, tấn công khoa học và kỹ thuật, và chất vấn các lý tưởng và các giá trị nhân bản. Nhiều kiến thị hiện nay về tương lai mang tính bi quan, thậm chí, tính tận thế. Nhưng chúng tôi phản đối vì chúng tôi tin rằng có khả năng tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Các thực tế của xã hội toàn cầu là như thế nên phải có Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu mới để có thể cung cấp những định hướng có ý nghĩa cho tương lai.

II. Triển Vọng Một Tương Lai Tốt Đẹp Hơn

Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, chúng ta sở hữu những phương tiện - được cung cấp bởi khoa học và kỹ thuật - để cải thiện thân phận con người, tiến tới hạnh phúc và tự do, đồng thời nâng cao đời sống con người cho hết thảy mọi người trên hành tinh này. Nhiều người khi nói tới thiên niên kỷ mới này thì sợ hãi những gì sẽ xảy ra. Nhiều người đưa ra các dự báo tận thế về những tai ương sắp đến, hoặc tôn giáo hoặc thế tục. Những người bi quan đưa tay chỉ tới các cuộc chiến tranh tàn bạo của thế kỷ 20 và cảnh báo rằng những hình thức khủng bố và bất ổn mới có thể nhấn chìm loài người trong thế kỷ đang tới.
Chúng tôi nghĩ rằng một đánh giá tích cực và thực tế hơn về triển vọng của loài người trong thế kỷ 21 là thuận với trình tự. Chúng tôi ao ước vạch ra rằng bất chấp những bất ổn chính trị quân sự và xã hội, thế kỷ 21 chứng kiến một số lượng to tát những thành tựu đầy phúc lợi. Tuy những kẻ khước bác đang thất vọng nhưng sự sung túc, hoà bình, y tế tốt hơn và việc nâng cao những định mức của đời sống là một thực tế và có khả năng tiếp tục. Những thành tựu lớn lao ấy về kỹ thuật, khoa học và xã hội thường bị bỏ qua. Dù được áp dụng rộng rãi trong thế giới phát triển, lúc này, những phúc lợi của chúng được cảm thấy gần như khắp nơi. Chúng tôi cần liệt kê một số:

– Dược phẩm khoa học cải thiện sức khỏe một cách lớn lao. Nó giảm đau đớn khổ sở và nâng tuổi thọ. Sự khám phá các chất kháng sinh và phát triển thuốc chủng ngừa, các kỹ thuật hiện đại về giải phẫu, gây mê, dược lý và ứng dụng sinh học di truyền đều đóng góp vào những tiến bộ trong việc chăm sóc y tế.

– Những phương tiện phòng ngừa y tế công cộng, cải thiện việc cung cấp nước và bố trí hệ thống thoát nước làm giảm rất nhiều phạm vi xúc tác của bệnh truyền nhiễm. Việc áp dụng rộng rãi những phương pháp chữa bệnh làm sụt rõ rệt tỉ lệ tử vong của trẻ em.

– Cuộc Cách Mạnh Xanh cải biến việc sản xuất lương thực và tăng hoa lợi thu hoạch, giảm đói và nâng mức dinh dưỡng cho những thành phần đông đảo trên quả đất.

– Các phương pháp hiện đại trong việc sản xuất hàng loạt làm tăng năng suất, giải phóng người lao động khỏi nhiều hình thức lao dịch thể xác và khả dĩ tạo những phúc lợi và xa hoa trong hàng hóa và dịch vụ dành cho người tiêu thụ.

– Những phương cách vận chuyển mới thu ngắn khoảng cách và chuyển biến xã hội. Xe hơi và máy bay khiến con người có khả năng vượt đại lục và khắc phục sự cô lập về địa dư. Việc nghiên cứu không trung mở ra cho loài người cuộc phiêu lưu thám hiểm không gian đầy lý thú.

– Các phát minh kỹ thuật làm tăng nhanh và rộng những phương cách truyền thông mới, trên căn bản khắp thế giới. Cùng với ích lợi của máy điện thoại, máy fax, máy vô tuyến truyền thanh và máy vô tuyến truyền hình và việc truyền qua vệ tinh viễn thông, kỹ thuật máy vi tính chuyển biến tận gốc mọi khía cạnh của đời sống kinh tế xã hội. Trong thế giới phát triển, không một văn phòng hoặc nhà riêng nào không bị cuộc cách mạng tin học chạm tới. Internet và Mạng Lưới Toàn Cầu làm cho có khả năng thông tin lập tức tới hầu hết mọi nơi trên quả đất.

– Việc nghiên cứu khoa học mở rộng kiến thức của chúng ta về vũ trụ và nơi chốn của loài người bên trong vũ trụ. Hiện nay, việc thẩm tra con người có khả năng tiến xa và có những phát hiện được khoa học và lý trí xác nhận, trong khi đó những lý đoán siêu hình và thần học trước đây thì tới nay đạt rất ít hoặc không có tiến triển nào. Những khám phá của thiên văn học, vật lý, lý thuyết tương đối và cơ học lượng tử làm tăng sự am hiểu của chúng ta về vũ trụ - từ cấp vi hạt tới cấp thiên hà. Sinh học và di truyền học đóng góp vào kiến thức của chúng ta về sinh quyển. Lý thuyết của Darwin thế kỷ 19 về sự tuyển chọn tự nhiên cho chúng ta khả năng am hiểu sự sống tiến hóa như thế nào. Những khám phá về DNA và sinh học phân tử tiếp tục vén lộ những cơ chế của diễn biến tiến hóa và của sự sống tự nó. Khoa học động thái (behavior) và khoa học xã hội làm sâu sắc thêm kiến thức của chúng ta về các định chế chính trị và xã hội, kinh tế và văn hóa.

Trong thế kỷ 20 cũng xuất hiện nhiều phát triển tích cực về chính trị và xã hội và chúng báo điềm lành cho tương lai.

– Các đế quốc thực dân thời thế kỷ 19 chỉ còn cách hoàn toàn biến mất.

– Sự đe dọa của chủ nghĩa toàn trị bị giảm.

– Ngày nay, bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được hầu hết các nước trên thế giới công nhận (nếu không bằng hành động thì cũng bằng lời nói).

– Các lý tưởng dân chủ, tự do và xã hội mở lan truyền rộng rãi ở Ðông AÂu, châu Mỹ La tinh, châu Á và châu Phi.

– Ngày nay, tại nhiều nước, phụ nữ vui hưởng quyền cá nhân tự quản, các quyền luật pháp và xã hội, và có chỗ đứng trong nhiều lãnh vực doanh nghiệp.

– Khi kinh tế quốc gia trở nên toàn cầu hóa thì sự thịnh vượng kinh tế được mang từ châu AÂu và Bắc Mỹ tới các phần đất khác trên thế giới. Thị trường tự do và các phương thế doanh nghiệp mở các khu vực kém phát triển ra cho đầu tư vốn liếng và phát triển tư bản.

– Vấn đề gia tăng dân số được giải quyết tại các nước thịnh vượng ở châu AÂu và Bắc Mỹ. Tại nhiều khu vực, dân số tăng không phải vì sinh suất nhưng vì tử suất sụt và tuổi thọ tăng - một sự phát triển tích cực.
– Ngày nay, sự gia tăng giáo dục và biết đọc biết viết cùng bổ túc văn hoá càng lúc càng có sẵn cho trẻ em trên thế giới dù trong đó vẫn còn nhiều điều cần thực hiện thêm.

Dù có các xuyên phá ấy, chúng ta cần thẳng thắn đối mặt với những vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế nghiêm trọng mà thế giới vẫn đương đầu. Các nhà tiên tri về tận thế đều bi quan; những kẻ theo tiên tri Giêrêmia đoán trước các bất hạnh và tai ương. Chúng tôi trả lời rằng chúng ta chỉ có thể giải quyết được các vấn đề ấy chủ yếu bằng lý trí, khoa học và nỗ lực của con người mà thôi.

– Tại các vùng rộng lớn trên thế giới, dân chúng vẫn không được hưởng hoa trái của sự thịnh vượng; họ tiếp tục héo hon vì nghèo và bệnh, đặc biệt tại thế giới đang phát triển ở châu Á, châu Phi, Trung Mỹ và Nam Mỹ. Hàng triệu trẻ em và người lớn đang sống trong tình cảnh xoay xở với sự thiếu dinh dưỡng, thiếu vệ sinh và y tế. Ðiều này cũng đúng với nhiều người dân sống trong các xã hội được gọi là thịnh vượng.

– Tại nhiều phần đất trên thế giới, dân số tiếp tục tăng với tỉ lệ hằng năm 3%. Năm 1900, ước lượng thế giới có khoảng một tỉ bảy trăm triệu người. Tới năm 2000, dân số lên tới sáu tỉ người. Nếu tiếp tục đà tăng nhân khẩu hiện nay, trong nửa thế kỷ tới sẽ có thêm ba tỉ người.

– Nếu dân số tiếp tục tăng đúng như dự kiến, sẽ dẫn tới việc giảm trầm trọng đất canh tác mà tại nhiều nước, tới năm 2050 có thể sụt xuống còn một sào tây cho mỗi người (đặc biệt tại Ấn độ, Pakistan, Ethiopia, Nigeria và Iran). Việc cung cấp nước tưới đã bị đánh thuế quá nặng làm giảm sản lượng hoa lợi; nhiều dòng sông trên thế giới bắt đầu cạn dần (trong đó có sông Nile, sông Colorado và sông Hoàng hà ở Trung hoa).

– Khi dân cư thế giới dàn rộng và phát triển kỹ nghệ tăng quá nhanh, rừng mưa nhiệt đới và rừng trồng cây lấy gỗ bị tàn phá. Hằng năm, có khoảng 2% rừng trên quả đất bị biến mất. Số lượng đó sẽ tiếp tục nếu không kiên quyết thực hiện biện pháp ngăn chặn.

– Việc quả đất nóng dần có thể ngày càng thêm, phần vì hậu quả nạn phá rừng tại các nước nghèo và việc thải khí cac-bô-nic đi-ô-xit vào khí quyển, đặc biệt tại các nước thịnh vượng là nơi tiếp tục phung phí tài nguyên thiên nhiên. Một người trung bình sống ở Hoa kỳ và các nước phương Tây tiêu thụ cùng gây ô nhiễm gấp khoảng từ 40 tới 60 lần một người trung bình sống ở thế giới đang phát triển. Sự tiêu thụ lãng phí ấy thường được khuyến khích bởi các công ti đang khuếch trương, vốn quan tâm rất ít tới sự phóng uế làm hại sinh thái.

– Dân số của các chủng loại khác đang suy tàn đều đặn; nhiều hình thái thực vật và động vật đang tuyệt chủng dần - có lẽ đây là cuộc tuyệt chủng lớn lao nhất kể từ sự biến mất của loài khủng long 65 triệu năm trước.

– Nhiều chính quyền trên thế giới đang đối mặt với các vấn đề kinh tế nghiêm trọng trong khi dân quê kéo lên tràn ngập thành thị mà trong số đó, rất nhiều người thất nghiệp và rõ ràng không có khả năng xoay xở.

– Thất nghiệp vẫn là một vấn đề nghiêm trọng tại các nước thịnh vượng ở châu AÂu là nơi hiện không thu dụng hết lao động trẻ, tái trang bị kỹ thuật, tu nghiệp cho công nhân hoặc tìm việc làm cho họ.
– Những hiệp ước trên cấp bậc rộng lớn nhằm tìm cách giải quyết các vấn đề quốc tế về môi sinh và xã hội mà loài người đang đối phó, từng được thành tựu trong một chuỗi các hội nghị quốc tế quan trọng, nhưng các chính phủ không giữ đúng những cam kết đã được lập ra đó; vài nước giàu không đặt ưu tiên việc giúp đa số nước nghèo, thậm chí việc giúp người bị ruồng bỏ và người bị tước quyền sở hữu ngay trong chính xã hội của mình.

– Dân chủ vẫn còn yếu hoặc không hiện hữu tại nhiều nước. Tự do báo chí rất thường bị bịt miệng và các cuộc bầu cử rất thường bị ngăn trở.

– Việc không tán thành quyền bình đẳng của phụ nữ vẫn lan rộng tại hầu hết các nước trên thế giới.

– Nhiều khu vực thuộc địa cũ bị ngập lún trong tình trạng suy sụp kinh tế.

– Các bệnh từng có thời được cho là đã bị khống chế, thí dụ bệnh lao và bệnh sốt rét, nay đang tăng, trong khi đó tại nhiều phần đất rộng lớn trong thế giới đang phát triển, bệnh AIDS ngày càng không kiểm soát nổi.

– Dù thế giới không còn bị chia thành hai siêu quyền lực, loài người vẫn có đủ sức mạnh để tự hủy diệt. Những kẻ khủng bố cuồng tín, những nhà nước bất trị, hoặc thậm chí các cường quốc vẫn có thể khinh suất gây ra các biến cố có tính tận thế bằng việc thả lỏng những vũ khí tàn sát hàng loạt.

– Tại một số khu vực, niềm tin rằng thị trường tự do sẽ chữa trị hết thảy các vấn đề xã hội vẫn còn là một đức tin. Tại nhiều nước trên thế giới, việc làm thế nào cân bằng giữa các đòi hỏi của thị trường tự do với nhu cầu dành cho các chương trình xã hội hợp lý nhằm hỗ trợ người bị thiệt thòi và người bị bần cùng hóa vẫn còn là một vấn đề không được giải quyết.

Chúng tôi cho rằng những vấn đề ấy là nghiêm trọng và chúng ta cần những phương cách thích đáng để giải quyết. Chúng tôi tin rằng chỉ có thể khắc phục chúng bằng trí tuệ có tính phê phán và những nỗ lực có tính hợp tác. Trong quá khứ, loài người từng đối mặt với những thách đố và đã kiên trì ứng phó, thậm chí chiến thắng chúng. Những vấn đề đang xuất hiện lờ mờ đằng chân trời ấy có lẽ không lớn lao hơn những vấn đề mà tiền nhân của chúng ta từng đối mặt.

Trên thế giới vẫn còn những khuynh hướng nguy hiểm khác chưa được nhận diện đầy đủ. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới những khuynh hướng chống khoa học, chống hiện đại, bao gồm sự xuất hiện những tiếng nói lanh lãnh bảo căn và mù quáng cố chấp hoặc bất bao dung dù chúng có nguồn gốc tôn giáo, chính trị hoặc bộ lạc. Cũng chính chúng là những lực lượng chống đối các nỗ lực giải quyết những vấn đề xã hội hoặc cải thiện thân phận con người tại nhiều phần đất trên thế giới:

– Sự cố chấp trong thái độ tâm linh truyền thống thường khuyến khích những tiếp cận các vấn đề xã hội theo lối phi hiện thực, thoát ly thực tế hoặc nghĩ tới một thế giới khác, khắc sâu vào tâm trí sự thiếu tôn trọng khoa học và thông thường, đều bảo vệ các định chế xã hội cổ hủ.

– Nhiều nhóm tôn giáo và chính trị chống đối việc ngừa thai hoặc việc tài trợ các chương trình được hoạch định nhằm giảm sinh sản và ổn định sự gia tăng dân số. Hậu quả là gây trở ngại cho sự phát triển kinh tế và việc giảm nghèo.

– Cũng có nhiều lực lượng như thế chống lại sự giải phóng phụ nữ và muốn giữ cho nữ giới quị lụy nam giới.

– Thế giới ngày càng chứng kiến các xung khắc sắc tộc đầy cay đắng và chúng làm mãnh liệt thêm những kình chống có tính bộ lạc. Những chiều kích tôn giáo đối với các xung khắc ấy vẫn chưa được tường trình rộng rãi: tại Nam tư giữa người Serbe theo Chính thống giáo, người Croate theo Công giáo La mã, và người Hồi giáo (tại Bosnia và Kosovo); tại Israel và Palestine giữa người Do thái giáo chính thống và người Hồi giáo; tại Bắc Ái nhĩ lan giữa người Tin lành và người Công giáo; tại Tích lan giữa người Ấn giáo Tamil và người Phật giáo Sinhalese; tại Punjab và Kashmir giữa người Ấn giáo, người Hồi giáo và người đạo Sikh; tại Ðông Timor giữa người Kitô giáo và người Hồi giáo.

– Thế giới đang quan tâm một cách chính đáng tới sự gia tăng nạn khủng bố và nạn diệt chủng vốn rất thường được những kẻ yêu nước có tính sắc tộc hoặc các tín đồ tôn giáo có tính sô-vanh tôn giáo châm lửa cho bốc cháy thêm lần nữa.

– Chủ nghĩa đa văn hóa cổ vũ sự bao dung các truyền thống sắc tộc và tôn giáo dị biệt và sự thừa nhận quyền tồn tại của chúng. Nhưng chúng ta cũng thấy tình trạng rạn nứt của xã hội và những đòi hỏi phân ly cùng cô lập - một cách trớ trêu - ngay thời điểm lý thuyết kỳ thị chủng tộc của Quốc xã và phân biệt chủng tộc tại Nam Phi đã bị bác bỏ hoàn toàn. Sự bất bao dung ấy làm phát sinh hành động tẩy rửa sắc tộc và những biểu lộ hiểm độc khác trong hận thù chủng tộc.

– Tại nhiều nước phương Tây, xuất hiện cái gọi là hệ tư tưởng hậu hiện đại vốn phủ nhận tính khách quan của khoa học, phiền trách sự sử dụng kỹ thuật hiện đại, tấn công quyền con người và nền dân chủ. Một số hình thức của chủ nghĩa hậu hiện đại khuyến cáo chủ nghĩa thất bại: trong điều kiện tốt nhất, chúng không đưa ra chương trình giải quyết các vấn đề của thế giới; trong điều kiện xấu nhất, chúng phủ định các giải pháp khả thi hoặc có thể thành tựu. Tác dụng của phong trào mang tính văn chương triết lý ấy là phản tác dụng, thậm chí có tính hư vô chủ nghĩa. Chúng tôi nghĩ rằng phong trào ấy lầm lẫn sâu xa vì khoa học đưa ra những tiêu chuẩn khách quan và hợp lý cho việc phán xét những tuyên bố chân lý của nó. Quả thật, khoa học đã trở thành một ngôn ngữ phổ cập, phát biểu với tất cả mọi người, nam giới cũng như nữ giới, mà không đặt thành vấn đề bối cảnh văn hóa của mỗi người.

Chúng tôi tin rằng điều thiết yếu là trình bày một thị kiến có tính chọn lựa về ngày mai. Chính quyền của các nước và lãnh đạo của các công ti phải từ bỏ những chính sách ngắn hạn và phải hỗ trợ việc thiết kế có tính nhìn xa trông rộng. Thông thường, hết thảy các nhà lãnh đạo đều lơ là lời khuyên tốt nhất của các nhà khoa học lẫn các nhà nhân bản và đặt chính sách của mình trên nền tảng cuộc bầu cử sắp tới hoặc vào bản báo cáo thành tích ba tháng sắp tới. Chính quyền các nước không nên chỉ quan tâm tới những cân nhắc chính trị và kinh tế cấp thời mà còn nên chú ý tới nhu cầu của toàn thể hành tinh và tới tương lai lâu bền của loài người.

Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu tìm cách tái khuyến cáo về những mục tiêu lâu dài và có thể sở đắc. Ðó là sự phân biệt chủ yếu giữa chủ nghĩa nhân bản và những giá trị đạo đức đặt căn bản trên tính cách tôn giáo, tiền hiện đại. Chủ nghĩa nhân bản phát biểu có hệ thống những hình ảnh mới và đầy can đảm về tương lai và làm phát sinh niềm tự tin của loài người vào khả năng giải quyết các vấn đề ấy bằng những phương thế dựa trên lý trí và quan điểm tích cực.

Thời đại Khai sáng thế kỷ 18 tạo niềm hứng khởi cho Hiến Chương này và rõ ràng là không bị giới hạn bởi thời đại nó xuất hiện. Quan điểm của nó về Lí Trí như một công cụ chắc chắn hơn là một công cụ dò dẫm - và có thể sai lầm - nhằm phục vụ mục đích nhân sinh, đã bị phóng đại. Tuy nhiên niềm xác tín của nó rằng khoa học, lý trí, dân chủ, giáo dục và các giá trị nhân bản có thể nâng cao sự tiến bộ của con người thì đối với chúng ta ngày nay vẫn hấp dẫn lớn lao. Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu mà Hiến Chương này trình bày thì có tính hậu-hậu hiện đại trong quan điểm của nó. Nó gợi tới những giá trị tốt nhất của phẩm chất hiện đại, tuy thế nó tìm cách vượt quá tính chất phủ định của chủ nghĩa hậu hiện đại và nó hân hoan trông đợi kỷ nguyên thông tin đang rạng sáng lúc này và tất cả những cái đó báo trước một tương lai kỳ diệu của loài người.


III. Chủ Nghĩa Tự Nhiên Khoa Học

Ngày nay, thông điệp độc đáo của chủ nghĩa nhân bản trên hiện trường thế giới là sự gắn bó của nó với chủ nghĩa tự nhiên có tính khoa học. Hầu hết những cái nhìn về thế gian được người ta chấp nhận hôm nay đều có tính tâm linh, thần bí và thần học thích hợp với chúng. Chúng có nguồn gốc trong các xã hội nông nghiệp, du mục, tiền đô thị cổ đại chứ không trong nền văn hoá thông tin toàn cầu hậu kỹ nghệ hoặc công nghệ hiện đại đang ló dạng lúc này. Chủ nghĩa tự nhiên khoa học khiến cho con người có khả năng xây dựng cái nhìn chặt chẽ về thế gian, thoát khỏi những rối rắm của siêu hình hoặc thần học, và đặt căn bản trên khoa học.

– Thứ nhất, chủ nghĩa tự nhiên khoa học gắn bó với một chuỗi những mệnh lệnh có tính phương pháp luận. Ðối với chủ nghĩa tự nhiên có tính phương pháp luận, mọi giả thuyết và lý thuyết phải được thử nghiệm qua qui chiếu với các căn nguyên tự nhiên và các sự kiện. Nó không chấp nhận việc đưa ra các nguyên cớ thần bí hoặc những giải thích tiên nghiệm. Các phương pháp của khoa học thì không phải là không thể sai lầm, nó không trình bày cho chúng ta những chân lý tuyệt đối và bất biến; tuy thế, sau khi cân nhắc, chúng là những phương pháp đáng tin cậy nhất mà chúng ta hiện có, để mở rộng kiến thức và giải quyết các vấn đề của con người. Chúng đã và đang tác động mạnh mẽ trong việc làm chuyển biến văn minh thế giới. Ngày nay, các lãnh vực rộng lớn của công chúng chấp nhận tính chất hữu ích của các ngành khoa học; người ta thừa nhận rằng khoa học có những hệ quả tích cực.

Rủi thay, đối với những chuyên ngành nhỏ hẹp, việc áp dụng các phương pháp khoa học thường bị hạn chế, và đối với quan điểm của chúng ta về thực tại, việc áp dụng khoa học rộng rãi hơn bị lơ là. Người theo chủ nghĩa nhân bản xác quyết rằng chúng ta cần mở rộng phương pháp khoa học tới các lãnh vực khác trong nỗ lực của con người và rằng không nên có những hạn chế trong việc nghiên cứu khoa học, trừ phi việc nghiên cứu ấy xâm phạm quyền con người. Trong quá khứ, những nỗ lực ngăn chặn sự thẩm tra tự do vì những lý do tôn giáo, hệ tư tưởng, chính trị và đạo đức đều đã bị thất bại. Không thể đánh giá thấp các kết quả khả dĩ hữu ích do những khám phá liên tục của khoa học.

– Thứ hai, khoa học cung cấp những cơ hội rất lớn lao cho việc mở rộng kiến thức của chúng ta về thiên nhiên và động thái của con người. Chủ nghĩa tự nhiên khoa học thể hiện một quan điểm có tính vũ trụ dựa trên những giả thuyết và những lý thuyết đã được kiểm nghiệm. Nó không rút tỉa chủ yếu từ tôn giáo, thi ca, văn chương hoặc nghệ thuật vì nó tường trình về thực tại - dù các bộ môn vừa kể là những diễn tả quan trọng sở thích của con người. Người theo chủ nghĩa tự nhiên khoa học duy trì một chủ nghĩa duy vật không giảm trừ (nonreductive); những diễn tiến tự nhiên và những sự kiện được giải thích thỏa đáng qua qui chiếu với các căn nguyên vật chất. Hình thức này của chủ nghĩa tự nhiên chừa chỗ cho một vũ trụ đa nguyên. Dù về mặt căn bản, thiên nhiên mang tính hoá lý tận gốc rễ, các diễn tiến và các đối tượng tự biểu thị chúng trên nhiều cấp bậc quan sát: vi hạt, nguyên tử, và phân tử; gen và tế bào; các bộ phận trong thân thể con người, bông hoa, cây cối, và thú vật; nhận thức và tri thức về tâm lý; các định chế văn hóa và xã hội; hành tinh, ngôi sao và thiên hà. Ðiều ấy cho phép có những giải thích có tính bối cảnh, rút ra từ những lãnh vực thẩm tra động thái, xã hội, sinh học và thiên nhiên. Ðiều ấy không phủ định nhu cầu thưởng ngoạn những biểu lộ văn hóa khác nhau, thẩm mỹ và đạo đức muôn hình muôn vẻ trong kinh nghiệm của con người.

– Thứ ba, người theo chủ nghĩa tự nhiên xác quyết rằng có bằng chứng thiếu khoa học đối với những cắt nghĩa tâm linh về thực tại và sự mặc nhận các căn nguyên thần bí. Rõ ràng những học thuyết của người tin theo thuyết tiên nghiệm cổ điển đã diễn tả các khát vọng sinh tồn và đầy tha thiết của loài người nhằm khắc phục cái chết. Tuy thế, lý thuyết khoa học về tiến hoá cung cấp một tường trình dè sẻn hơn về nguồn gốc con người và đặt căn bản trên bằng chứng rút tỉa từ phạm vi rộng lớn của nhiều ngành khoa học. Chúng tôi công khai phản bác nỗ lực của một số ít ỏi các nhà khoa học, thường được quảng bá bởi truyền thông đại chúng, nhằm áp đặt những giải thích tiên nghiệm lên trên những hiện tượng tự nhiên. Thậm chí, cả khoa vũ trụ học với thiết bị nối các máy móc vi tính đạt tiêu chuẩn lẫn diễn biến tiến hóa cũng không thể cung cấp bằng chứng thỏa đáng cho họa đồ trí tuệ vốn là bước nhảy vọt của đức tin vượt ra ngoài bằng chứng dựa trên cơ sở quan sát hoặc thực nghiệm. Chúng tôi nghĩ rằng nay là thời điểm cho loài người nắm lấy giai đoạn trưởng thành của mình để bỏ lại đằng sau lối tư duy thần bí và việc tạo huyền thoại vốn là những cái thay thế cho kiến thức về tự nhiên đã được thử nghiệm.

IV. Những Ích Lợi Của Kỹ Thuật

Người theo chủ nghĩa nhân bản biện hộ trước sau như một cho giá trị hữu ích của kỹ thuật khoa học đối với phúc lợi của con người. Các triết gia từ Francis Bacon tới John Dewey đều nhấn mạnh tới sức mạnh gia tăng trên thiên nhiên mà kiến thức khoa học cung cấp và cách mà nó có thể đóng góp vô lượng vào tiến bộ và hạnh phúc của con người.

Với sự ứng dụng các kỹ thuật mới, xuất hiện những phó sản tiêu cực ngoài dự kiến. Những người chỉ trích, từ các kẻ lạc hậu của thế kỷ 19 tới các kẻ theo chủ nghĩa hậu hiện đại của thế kỷ 20, đã và đang phiền trách các áp dụng kỹ thuật. Người theo chủ nghĩa nhân bản nhận biết sâu xa rằng một số sáng kiến kỹ thuật có thể gây ra vấn đề. Rủi thay, những áp dụng kỹ thuật, thông thường chứ chẳng phải là không bao giờ, bị quyết định bởi những cân nhắc kinh tế - do sản phẩm có sinh lợi nhuận hay không - hoặïc bởi những sử dụng quân sự và chính trị. Có những nguy hiểm sâu rộng và cố hữu trong việc sử dụng kỹ thuật mà không kiểm soát. Các vũ khí tàn sát hàng loạt (bom hạt nhân, vũ khí sinh học và hóa học) vẫn không được cộng đồng thế giới qui định một cách hữu hiệu. Cũng thế, nhiều xuyên phá trong di truyền học, sinh học và nghiên cứu y học (thí dụ kỹ thuật di truyền học, nhân bản vô tính [cloning], thay các bộ phận trong con người, v.v...) đặt ra những nguy cơ tuy chúng cống hiến những tiềm năng lớn lao cho y tế và phúc lợi của loài người.

– Thứ nhất, người theo chủ nghĩa nhân bản cực lực phản đối những nỗ lực nhằm giới hạn sự nghiên cứu kỹ thuật hoặc nhằm kiểm duyệt hay thu hẹp sự thẩm tra khoa học trước khi tiến hành. Thật khó nói trước rằng một nghiên cứu khoa học sẽ dẫn tới chỗ nào hoặc đoán trước những lợi ích khả dĩ của nó. Chúng ta nên thận trọng hành động kiểm duyệt như thế về việc nghiên cứu.

– Thứ hai, chúng tôi cho rằng phương cách ứng xử tốt nhất những vấn đề liên quan tới các áp dụng kỹ thuật là qua những tranh luận có đầy đủ thông tin chứ không qua việc viện dẫn giáo điều chuyên chế hoặc hô hào khẩu hiệu sách động. Mỗi sáng kiến kỹ thuật cần được đánh giá theo tiềm năng nguy hiểm và tiềm năng lợi ích cho xã hội và môi sinh. Việc này bao hàm một trình độ am hiểu căn bản nào đó về khoa học.

– Thứ ba, chúng ta không thể từ bỏ các giải pháp kỹ thuật. Cấu trúc xã hội và kinh tế của thế giới đương đại đang ngày càng tùy thuộc thêm nữa vào sáng kiến kỹ thuật. Ðể giải quyết những vấn đề của chúng ta thì không phải bằng việc rút về trạng thái tự nhiên bình dị mà bằng việc phát triển các kỹ thuật mới nhằm thành toàn các nhu cầu cùng cứu cánh của loài người và thực hiện việc đó một cách khôn ngoan và nhân đạo.

– Thứ tư, phải khuyến khích các sáng kiến kỹ thuật nhằm giảm hoàn toàn sự va chạm của con người lên môi sinh.

– Thứ năm, nên khích lệ việc truyền bá các kỹ thuật cấp thời có khả năng cung ứng cho người nghèo, để họ được hưởng lợi ích của cuộc cách mạng công nghệ.

V. Ðạo Ðức Và Lí Trí

Theo quan điểm nhân bản, điều thiết yếu là nhận rõ các giá trị đạo đức cao nhất. Chúng tôi tin rằng sự tăng trưởng kiến thức khoa học sẽ khiến loài người có khả năng chọn lựa khôn ngoan hơn. Theo đường lối này thì giữa sự kiện giá trị, giữa đang là nên là (is and ought) không có bức tường nào là không thể xuyên phá. Việc sử dụng lí trí và nhận thức sẽ khiến chúng ta thẩm định hữu hiệu hơn các giá trị, dưới ánh sáng của bằng chứng cụ thể và xét theo các hệ quả của chúng.

Người theo chủ nghĩa nhân bản bị lên án một cách bất công rằng không có khả năng đưa ra những nền tảng khả dĩ tồn tại cho các trách nhiệm đạo đức. Quả thật, người theo chủ nghĩa nhân bản thường bị qui trách về cái bị cho là suy đồi đạo đức của xã hội. Luận cứ ấy lầm lẫn sâu xa. Suốt nhiều thế kỷ, các triết gia cung cấp những nền tảng thế tục vững chắc cho hành động đạo đức nhân văn. Thêm nữa, có tới hàng triệu người theo chủ nghĩa nhân bản, không đếm xuể, đã và đang dẫn đầu cuộc sống gương mẫu; họ là những công dân có trách nhiệm, nuôi dưỡng con cái với sự chăm sóc đầy thương yêu và đóng góp đầy ý nghĩa vào việc nâng cao đạo đức của xã hội.

– Các học thuyết đạo đức thần học thường phản ánh những khái niệm thừa kế và tiền khoa học về tự nhiên và về bản tính con người. Những giới răn đạo đức đầy mâu thuẫn có thể bị rút ra từ di sản ấy và các tôn giáo khác nhau thường bảo lưu những quan niệm bất đồng rộng lớn về các vấn đề đạo đức. Người hữu thần và người theo chủ nghĩa tiên nghiệm đều đã và đang bênh vực và chống đối chế độ nô lệ, hệ thống đẳng cấp, hình phạt tử hình, nữ quyền, và chế độ một vợ một chồng. Những người theo tôn giáo bè phái này thường tàn sát tín đồ trung thành của bè phái kia mà không bị trừng phạt. Trong quá khứ cũng như trong hiện tại, nhiều cuộc chiến tranh kinh hoàng được khởi hứng bởi các giáo điều tôn giáo bất bao dung. Chúng tôi không phủ định rằng các tín đồ tôn giáo đã và đang làm nhiều việc thiện, cái chúng tôi phủ định là việc cho rằng lòng mộ đạo là bảo đảm độc nhất cho đức hạnh.
– Khắp nơi, người theo chủ nghĩa nhân bản bảo vệ sự tách rời tôn giáo và nhà nước. Chúng tôi tin rằng nhà nước nên là thế quyền dù nó ủng hộ hoặc chống tôn giáo. Như thế, chúng tôi không chấp nhận các chế độ chính trị thần quyền tìm cách áp đặt luật lệ tôn giáo hoặc đạo đức độc tôn lên trên hết thảy mọi người. Chúng tôi tin rằng nhà nước nên để cho sự đa nguyên rộng rãi của các giá trị đạo đức được cùng nhau hiện hữu.

– Những nguyên tắc căn bản về đức hạnh thì có tính cách chung đối với hầu hết các nền văn minh - dù có tính tôn giáo hay không. Các khuynh hướng đạo đức đều cắm rễ sâu xa trong bản tính con người và tiến hoá suốt chiều dài lịch sử loài người. Như thế, đạo đức nhân bản không đòi hỏi sự đồng thuận về các tiền đề tôn giáo hoặc thần học - có thể chúng ta không bao giờ đạt được sự đồng thuận đó - nhưng nó liên quan một cách tối hậu tới những chọn lựa đạo đức đối với các sở thích, nguyện vọng, nhu cầu và giá trị mà loài người cùng chia sẻ. Chúng tôi phán xét chúng dựa theo hệ quả của chúng đối với hạnh phúc con người và công bằng xã hội. Thực tế, người ta thuộc các bối cảnh văn hóa xã hội khác nhau đang áp dụng những nguyên tắc đạo đức tổng quát giống nhau dù những phán đoán đạo đức cá biệt có thể khác nhau vì những dị biệt trong điều kiện sống. Như thế thách thức đối với xã hội là làm nổi bật những cái giống nhau chứ không phải làm nổi bật những cái khác nhau của chúng ta.

Những nguyên tắc chính của đạo đức nhân bản chủ nghĩa là gì?

– Thứ nhất, nhân phẩm và sự tự quản của cá nhân là giá trị trung tâm. Ðạo đức nhân bản chủ nghĩa gắn bó mật thiết tới sự tự do chọn lựa được gia tăng tối đa: tự do tư tưởng và tự do lương tâm, tâm trí tự do và tra vấn tự do và quyền của cá nhân theo đuổi lối sống khi cảm thấy nóù thích hợp với mình và không làm hại tới người khác. Ðiều này đặc biệt thích đáng trong xã hội dân chủ là nơi có thể hiện hữu vô số hệ thống các giá trị cho người ta chọn lựa. Như thế, người theo chủ nghĩa nhân bản tôn trọng sự đa dạng.

– Thứ hai, bảo vệ nhân bản cho quyền tự quyết của cá nhân không có nghĩa rằng người theo chủ nghĩa nhân bản dung dưỡng bất cứ loại hạnh kiểm nào của con người. Sự bao dung của người theo chủ nghĩa nhân bản đối với các lối sống đa dạng không nhất thiết bao hàm ý nghĩa chấp thuận. Người theo chủ nghĩa nhân bản quả quyết rằng đi kèm sự gắn bó với xã hội tự do là nhu cầu liên tục nâng cao trình độ chất lượng của thị hiếu và sự am hiểu giá trị. Người theo chủ nghĩa nhân bản tin rằng tự do phải được hành xử có trách nhiệm. Họ nhận biết rằng hết thảy các cá nhân đều sống trong cộng đồng và rằng có những hành động nào đó mang tính phá hủy và lầm lạc.

– Thứ ba, các triết gia đạo đức nhân bản chủ nghĩa bảo vệ một nền đạo đức xuất sắc (từ Aristotle và Kant tới John Stuart Mill, John Dewey và M.N. Roy). Ở đây có biểu lộ sự chừng mực, tiết chế, tự chế, tự chủ nào đó. Giữa những định chuẩn của sự xuất sắc ấy là khả năng tự mình chọn lựa và quyết định, óc sáng tạo, thưởng ngoạn thẩm mỹ, động cơ chín chắn, hợp lẽ phải, và đòi buộc thành toàn các năng khiếu cao nhất của con người. Chủ nghĩa nhân bản nhắm làm nổi bật cái tốt đẹp nhất trong con người để mọi người có được cái tốt nhất trong cuộc sống.

– Thứ tư, người theo chủ nghĩa nhân bản thừa nhận trách nhiệm và bổn phận của chúng ta đối với người khác. Ðiều này có nghĩa rằng chúng ta không nên đối xử với những con người khác như những vật thể chỉ nhằm làm thoả mãn nguyện vọng của chúng ta; chúng ta phải đánh giá họ là những con người có quyền được hưởng bình đẳng trong cứu xét. Người theo chủ nghĩa nhân bản quả quyết rằng "mỗi cá nhân nên được đối xử nhân đạo". Cũng thế, họ chấp nhận Luật Vàng rằng "đừng làm với kẻ khác điều mà ta không muốn kẻ khác làm với ta." Họ chấp nhận huấn thị có tính kinh thánh rằng chúng ta nên "chấp nhận người lạ ở giữa chúng ta", tôn trọng những cái mà họ dị biệt với chúng ta. Căn cứ vào vô số tín điều tôn giáo, chúng ta đều là người lạ - tuy thế có thể trở thành bạn hữu - trong một cộng đồng rộng lớn hơn.

– Thứ năm, người theo chủ nghĩa nhân bản tin rằng đức tính cảm thông và đức tính quan tâm là thiết yếu cho đức hạnh. Ðiều này hàm ý rằng chúng ta nên phát triển lòng vị tha, quan tâm tới nhu cầu và sở thích của người khác. Những nền tảng của đức hạnh đều là "những chuẩn mực ứng xử đạo đức chung", nghĩa là, đức tính đạo đức tổng quát thì được chia sẻ rộng rãi bởi những người thuộc các bối cảnh tôn giáo và văn hóa khác nhau. Chúng ta phải nói thật, giữ lời hứa, lương thiện, giản dị, rộng lượng, xác thực, đáng tin cậy, nghĩa khí, cảm kích, và biết ơn; không thiên vị, chính trực, và bao dung; chúng ta phải vượt qua những dị biệt của nhau một cách hợp lý và nỗ lực hợp tác; chúng ta đừng trộm cắp hoặc làm tổn thương, làm tàn tật hoặc làm đau đớn kẻ khác. Dù người theo chủ nghĩa nhân bản kêu gọi giải phóng khỏi luật lệ đạo đức khắt khe và trấn áp, họ cũng bảo vệ trách nhiệm đạo đức.

– Thứ sáu, chiếm vị trí cao trên nghị trình của chủ nghĩa nhân bản là nhu cầu cung ứng nền giáo dục đạo đức cho trẻ em và thanh thiếu niên, để phát triển cá tính và kiến thức, hiểu rõ giá trị của những chuẩn mực ứng xử đạo đức chung, và khuyến khích sự tăng trưởng đạo đức và khả năng lập luận đạo đức.
– Thứ bảy, người theo chủ nghĩa nhân bản khuyến cáo chúng ta sử dụng lí trí trong khi đề ra các phán đoán đạo đức. Họ lưu ý rằng nhận thức là thiết yếu trong khi đề ra các chọn lựa đạo đức. Ðặc biệt, nếu sắp giải quyết các tình trạng đạo đức nan giải thì chúng ta cần dấn thân vào một quá trình cân nhắc thận trọng. Các nguyên tắc và giá trị con người có thể được minh chứng tốt nhất dưới ánh sáng của một sự thẩm tra có suy nghĩ chín chắn. Ở nơi hiện hữu những dị biệt, chúng ta phải thương lượng chúng tại bất cứ chỗ nào mình có thể, bằng đối thoại hợp lý.

– Thứ tám, người theo chủ nghĩa nhân bản xác quyết rằng chúng ta nên chuẩn bị để sửa đổi các nguyên tắc và giá trị đạo đức dưới ánh sáng của thực tại hiện nay và những kỳ vọng tương lai. Chúng ta cần rút tỉa sự khôn ngoan đạo đức tốt nhất trong quá khứ nhưng đồng thời triển khai những giải pháp mới cho các vấn đề đạo đức nan giải, dù cũ hoặc mới.

Thí dụ, cuộc tranh chấp về việc tự nguyện chết không đau đang ngày càng mạnh mẽ cách riêng trong các xã hội thịnh vượng, vì kỹ thuật y khoa ngày nay cho chúng ta khả năng giữ sống sót kẻ bệnh nặng hết phương cứu chữa mà lý ra có thể chết sớm hơn. Người theo chủ nghĩa nhân bản lập luận biện hộ cho cái chết có phẩm cách và quyền của người trưởng thành có đủ nhận thức cần thiết để từ chối những cứu chữa của y khoa, nhằm giảm đau khổ không cần thiết và thậm chí thúc cho mau chết. Họ cũng thừa nhận tầm quan trọng của phong trào cổ động việc thành lập bệnh viện dành cho người hấp hối nhằm xoa dịu quá trình hấp hối.

Cũng thế, chúng ta nên được chuẩn bị để lựa chọn một cách sáng suốt các khả năng sinh sản mới mà có thể trở nên khả thi do nghiên cứu khoa học - thí dụ thụ tinh nhân tạo trong ống nghiệm, người mẹ mang thai dùm, kỹ thuật di truyền, cấy ghép bộ phận con người, và nhân bản vô tính. Ở đây, chúng ta không thể ngoái nhìn những cái tuyệt đối đạo đức thời quá khứ để tìm chỉ dẫn. Chúng ta cần tôn trọng quyền tự quyết trong lựa chọn.

– Thứ chín, người theo chủ nghĩa nhân bản lập luận rằng chúng ta nên tôn trọng tính chất đạo đức của các nguyên tắc. Ðiều này có nghĩa cứu cánh không biện minh cho phương tiện; ngược lại, cứu cánh của chúng ta được định hình bởi phương tiện của chúng ta, và có các giới hạn đối với những gì mà chúng ta được phép làm. Ngày nay, điều này đặc biệt quan trọng khi xem xét các chế độ độc tài chuyên chế của thế kỷ 20 mà trong đó các hệ tư tưởng chính trị được tán thành với nhiệt tâm gần như có tính tôn giáo và những phương thế đạo đức bị thỏa hiệp, nhằm đạt những cứu cánh hão huyền. Chúng tôi nhận thức một cách sắc bén về tình trạng khổâ đau bi đát giáng xuống trên hàng triệu người bởi những kẻ muốn bỏ qua cho sự độc dữ cực kỳ nhằm mục đích giành bằng được cái thiện mà họ giả định là lớn lao hơn.


VI. Gắn Bó Phổ Quát VớI Loài Người Như Một Tổng Thể

Nhu cầu quan trọng nhất của cộng đồng thế giới ngày nay là triển khai một Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu mới - một chủ nghĩa không những tìm cách bảo tồn quyền con người và thăng tiến tự do của con người cùng nhân phẩm mà còn nhấn mạnh sự gắn bó của chúng ta với loài người như một tổng thể.

– Thứ nhất, nguyên lý đạo đức cơ bản của Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu là nhu cầu tôn trọng nhân phẩm và giá trị của hết thảy mọi con người trong cộng đồng thế giới. Rõ ràng mỗi người đã thừa nhận sẵn nhiều loại trách nhiệm liên quan tới bối cảnh xã hội của mình: con người có trách nhiệm với gia đình, bạn hữu, cộng đồng, thành phố, tỉnh bang, tiểu bang hoặc đất nước mình cư trú. Tuy thế, chúng ta cần thêm vào các trách nhiệm đó một gắn bó mới mẻ đang xuất hiện lúc này, đó là trách nhiệm của chúng ta đối với những con người đang sống ở bên kia biên giới quốc gia của chúng ta. Lúc này, hơn bao giờ hết, về mặt đạo đức và về mặt thể xác chúng ta bị nối kết với từng người trên quả đất, và khi chuông reo báo tử cho một người thì cũng reo báo tử cho mọi người.

– Thứ hai, chúng ta phải hành động để giảm đau khổ của con người và để tăng tổng số hạnh phúc của loài người tại bất cứ nơi nào có thể làm, và trách nhiệm này trải rộng ra khắp thế giới. Nguyên tắc này đã và đang được thừa nhận bởi các tín đồ tôn giáo lẫn người vô tín ngưỡng. Nó thiết yếu đối với cấu trúc toàn bộ giá trị đạo đức con người. Không cộng đồng nào có thể tồn tại lâu dài nếu cộng đồng ấy bỏ qua những vi phạm hàng loạt các chuẩn mực ứng xử đạo đức chung giữa các phần tử của nó. Ngày nay, vấn đề liên quan chủ yếu tới phạm vi hành xử nguyên tắc này. Chúng tôi đề nghị rằng bổn phận đạo đức này nên được tổng quát hóa: chúng ta không nên chỉ quan tâm tới phúc lợi của những người sống trong cộng đồng hoặc đất nước của mình mà còn phải quan tâm tới toàn bộ cộng đồng thế giới.

– Thứ ba, chúng ta nên tránh sự nhấn mạnh quá đáng chủ nghĩa hẹp hòi về đa văn hóa vốn là cái có thể mang tính phân ly và phá hủy. Chúng ta nên bao dung sự đa dạng văn hoá, trừ những nơi tự bản thân nền văn hóa của nó có tính bất bao dung và trấn áp. Ðây là thời điểm để vươn lên trên chủ nghĩa bộ lạc hẹp hòi nhằm tìm thấy một nền tảng chung. Các thành phố sắc tộc là hậu quả của tình trạngï cô lập địa dư và xã hội thời quá khứ, không còn thích hợp cho một xã hội mở và toàn cầu là nơi mà sự tương tác và hôn nhân hợp chủng giữa các thành phố sắc tộc khác nhau không chỉ có thể xảy ra mà còn đáng được khuyến khích. Dù lòng trung thành với xứ sở, bộ lạc hoặc nhóm sắc tộc có thể làm người ta vượt qua sở thích vị kỷ và chủ nghĩa sô-vanh thái quá giữa các chủng tộc và các quốc gia, nó cũng thường biến thành tính phá hủy. Như thế, quan tâm đạo đức và lòng trung thành không nên thu hẹp nội trong lãnh thổ sắc tộc hoặc biên giới quốc gia. Một nền đạo đức hợp lẽ phải thì liên kết chúng ta để xây dựng và hỗ trợ những định chế hợp tác giữa các cá nhân trong các thành phố có nhiều sắc tộc khác nhau. Chắc chắn nó không làm chúng ta chia rẽ mà khiến chúng ta hòa nhập nhau.

– Thứ tư, sự tôn trọng và quan tâm tới con người nên áp dụng bình đẳng cho hết thảy mọi người. Ðiều này đưa tới ý nghĩa rằng chúng ta nên bảo vệ quyền làm người ở khắp nơi. Vì thế, mỗi người chúng ta đều có bổn phận tiếp tay làm giảm đau khổ của con người ở bất cứ nơi nào trên thế giới và đóng góp vào sự thiện chung. Nguyên tắc này biểu lộ ý nghĩa cao cả nhất của lòng trắc ẩn và lòng từ bi. Nó hàm ý rằng dân chúng sống tại các quốc gia thịnh vượng có bổn phận làm giảm đau khổ và tăng phúc lợi của dân chúng sống tại các khu vực bị bần cùng hóa của thế giới, tại nơi nào họ có thể làm. Cũng thế, nó còn có ý nghĩa rằng dân chúng sống tại các khu vực ít phát triển hơn có bổn phận thay thế lòng oán hận sự thịnh vượng bằng thiện chí hỗ tương. Ðiều tốt nhất mà người thịnh vượng có thể làm cho người nghèo khó là tiếp tay với họ để họ tự lực. Nếu muốn giúp các phần tử nghèo hơn mình trong gia đình loài người thì người thịnh vượng có thể phải hạn chế sự tiêu thụ phung phí và sự đam mê lạc thú thái quá của mình.

– Thứ năm, những nguyên tắc ấy không chỉ nên áp dụng cho cộng đồng thế giới hiện nay mà còn cho cộng đồng thế giới tương lai. Chúng ta có trách nhiệm đối với hậu thế, cả trong tương lai trước mắt lẫn tương lai xa xăm. Như thế, những con người đạo đức hợp lẽ phải nhận biết bổn phận của mình trải dài tới hậu duệ của con cháu mình và tới cộng đồng của hết thảy mọi người, trong hiện tại lẫn tương lai.

– Thứ sáu, mỗi thế hệ có bổn phận, hết sức có thể được, để lại môi trường toàn cầu mà nó thừa kế, là một nơi tốt đẹp hơn. Chúng ta nên tránh gây ô nhiễm thái quá và chúng ta nên sử dụng hợp lý cùng dè sẻn những thứ chúng ta cần, để tránh phung phí các tài nguyên không tái sinh của quả đất. Vào thời điểm dân số tăng nhanh và tài nguyên bị tiêu thụ nhanh như hiện nay, điều này có vẻ là một lý tưởng bất khả thi. Nhưng chúng ta phải cố gắng vì hành động hôm nay của mình sẽ quyết định số phận của các thế hệ sắp tới. Chúng ta có thể ngoái nhìn và phán xét trở lại hành động của tiền nhân chúng ta, và chúng ta có thể hoan nghênh hoặc qui trách họ vì hành động hữu trách hoặc tắc trách của họ. Thí dụ, chúng ta có thể chỉ trích nghiêm khắc những kẻ đã lơ là, làm cạn nguồn dự trữ dầu hỏa và hơi đốt thiên nhiên hoặc làm kiệt nguồn cung cấp nước. Ngược lại chúng ta có thể biết ơn các kiến trúc sư và kỹ sư trong quá khứ vì những bảo tồn thiên nhiên, các thiết bị lọc nước, các hệ thống ngầm dưới đất, các xa lộ và cầu cống mà họ đã xây dựng cho chúng ta sử dụng hôm nay.

Chúng ta có thể đồng cảm với thế giới tương lai, và bằng óc giàu tưởng tượng, dự kiến trong tương lai con người sẽ sống ra sao, rồi từ đó, chúng ta có thể suy ra bổn phận hôm nay của mình đối với con người ngày mai. Bổn phận của chúng ta đối với hậu duệ có xuất xứ phần nào từ lòng biết ơn những hy sinh tiền nhân đã chịu mà từ đó chúng ta được hưởng lợi hoặc có thể từ sự lên án của chúng ta đối với các thế hệ trước đây. Lúc này, các thế hệ tương lai đang cần người phát ngôn cho họ, phục vụ họ như những người thay mặt họ để bảo vệ các quyền trong tương lai của họ. Lập luận như thế không phải là áp đặt một bổn phận bất khả thi, vì hiện nay, thành phần tốt lành của loài người đang quan tâm đầy đạo đức tới con cháu mai sau, trong đó có quan tâm về môi sinh. Thậm chí ta còn có thể lập luận rằng xưa nay, con người lúc nào cũng hào hứng với chủ nghĩa lý tưởng anh hùng hiến thân cho chính nghĩa đầy thương yêu vượt quá bản thân mình và cho sự thiện hảo cao cả hơn của loài người.

– Thứ bảy, chúng ta không nên làm điều gì gây nguy cơ cho chính sự sống còn của các thế hệ tương lai. Chúng ta phải chăm lo giải quyết vấn đề để xã hội toàn cầu hiện nay không làm suy thoái khí quyển, nước và đất khiến cho cuộc sống tương lai bị suy kiệt cùng cực. Chúng ta nên chăm lo giải quyết vấn đề để xã hội toàn cầu hiện nay không thả lỏng các vũ khí tàn sát hàng loạt. Vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử, loài người sở hữu các phương tiện tự hủy diệt. Sự giảm bớt hiện nay của Chiến Tranh Lạnh không bảo đảm thanh gươm tối hậu của Damocles sẽ được buông bỏ bởi những đệ tử cuồng tín phục hận hoặc bởi những kẻ chủ trương chính sách "bên bờ vực chiến tranh": cứu vớt thế giới bằng cách để thế giới bị hủy diệt.

Như thế, một Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu mới và khả thi, nhắm tới một thế giới an toàn, an ninh và tốt đẹp hơn nên là bổn phận ưu tiên số một của chúng ta, và chúng ta nên làm những gì có thể làm để tạo nên sự gắn bó đạo đức. Sự gắn bó này nên áp dụng cho mọi dân tộc trên quả đất dù khác nhau về tín ngưỡng hoặc theo chủ nghĩa tự nhiên, hữu thần hoặc nhân bản, giàu hoặc nghèo, thuộc bất cứ chủng tộc, sắc tộc hay quốc tịch nào.

Chúng ta cần thuyết phục đồng loại phải cùng nhau khẩn trương hành động nhằm tạo sự đồng lòng mới mẻ và toàn cầu mà trong đó việc bảo tồn và cải thiện hết thảy loài người như một tổng thể là bổn phận tối thượng của chúng ta.

VII. Một Ðạo Luật Toàn Cầu Về Các Quyền Và Các Trách Nhiệm

Ðể làm tròn sự gắn bó của mình đối với Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu, chúng tôi đề nghị một Ðạo Luật Toàn Cầu Về Các Quyền Và Các Trách Nhiệm; nó thể hiện sự gắn bó toàn cầu của chúng tôi đối với phúc lợi của loài người như một tổng thể. Nó kết hiệp làm một với bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền nhưng nó vượt quá bản Tuyên Ngôn ấy bằng việc đưa ra một số điều mục mới. Nhiều quốc gia riêng rẽ đã và đang tìm cách thi hành các điều mục này bên trong biên giới của nước mình. Nhưng có nhu cầu ngày càng tăng về một Ðạo Luật Toàn Cầu Về Các Quyền Và Các Trách Nhiệm rõ ràng và đầy đủ để áp dụng cho hết thảy mọi phần tử của loài người. Việc thực hiện nó sẽ không dễ dàng. Dĩ nhiên nó phụ thuộc vào vấn đề có đầy đủ các tài nguyên. Dù là cỗ máy năng động của tăng trưởng và phát triển kinh tế nhưng kinh tế thị trường không luôn luôn có hiệu quả, và có lẽ cần bổ sung bằng những chính sách công cộng liên quan tới phúc lợi xã hội rộng rãi hơn. Những phương cách được chấp nhận để thành tựu các nguyên tắc của Ðạo Luật này gần như sẽ được hoạch định trước hết trên lãnh vực tư nhưng lãnh vực công cũng đóng vai trò của nó. Rõ ràng là sẽ có sự chống đối lớn lao về chính trị đối với các đề nghị này nhưng ít ra, chúng ta nên đặt những mục tiêu lâu dài dù ngay lúc này khó đạt được chúng tại những phần đất nhất định trên thế giới.

– Thứ nhất, chúng ta nên phấn đấu để chấm dứt nghèo khổ, suy dinh dưỡng và cung ứng việc chăm sóc y tế và nhà ở thích đáng cho con người ở mọi nơi trên hành tinh này. Ðiều này có nghĩa không một người nào bị từ khước lương thực thích đáng và nước trong lành, và chúng ta nên dốc hết nỗ lực để tận diệt bệnh truyền nhiễm, bảo đảm vệ sinh đúng qui cách và bảo đảm tiêu chuẩn tối thiểu về nhà ở cho mọi người. Ðiều này hoàn toàn là một công tác; tuy thế trên nền tảng đạo đức, chúng ta phải khẩn trương bắt đầu đảm trách công tác này.

– Thứ hai, chúng ta nên phấn đấu để cung ứng sự ổn định kinh tế và lợi tức thích đáng cho mọi người. Ðiều này có nghĩa cho con người cơ hội đồng đều để có việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và an sinh xã hội dành cho hưu trí. Nên có những chương trình đặc biệt huấn luyện kỹ năng cho người tàn tật để nhờ đó họ có tay nghề và giúp họ kiếm việc làm.

Ở đây, tiền đề căn bản là tự lực: cá nhân cần thực thi những nỗ lực của chính mình để có lợi tức đủ dùng. Xã hội chỉ có thể cung cấp cơ hội, bằng phương thế riêng tư hoặc công cộng.

– Thứ ba, mọi người nên được bảo vệ khỏi bị chấn thương, nguy hiểm và chết chóc mà không có lý do xác đáng và không cần thiết. Mọi thành viên của loài người nên được bảo vệ khỏi bạo động vật lý, trộm cắp tài sản riêng, và sợ hãi vì bị hăm dọa (dù bởi cá nhân riêng tư hoặc bởi định chế chính trị hay xã hội). Mọi người nên được bảo vệ khỏi bị lạm dụng hay quấy nhiễu tình dục, cưỡng hiếp. Ðối đãi tính dục nên đặt trên căn bản tự nguyện. Dù trong bất cứ tình huống nào cũng không nên cho phép việc làm tình hoặc kết hôn với trẻ em.

Án tử hình là một hình thức trả thù không thể chấp nhận. Nên thay thế nó bằng hình phạt khác, thí dụ tù chung thân. Hầu hết các quốc gia văn minh đều đã cấm hình phạt tử hình.

– Thứ tư, các cá nhân nên có quyền sống trong một đơn vị gia đình hoặc một hộ do họ chọn, hợp với lợi tức của mình và nên được quyền có con hay không có con. Mỗi cá nhân nên có quyền tự do chọn người bạn đời nếu muốn, và số lượng con cùng khoảng cách sinh con. Mọi người nên có quyền nuôi con ruột hay con nuôi, hoặc có quyền không lập gia đình.

Những ai quyết định nuôi con thì có những đòi hỏi nhất định và cần thiết cho bổn phận ấy: cha mẹ nên cung ứng môi trường an toàn và đầy thương yêu cho con. Không nên để con bị cha mẹ ngược đãi. Không nên để trẻ con và thiếu niên bị buộc phải làm công việc lao động của người lớn hoặc lao dịch thái quá. Cha mẹ không nên lơ là hoặc không chịu cung cấp cho con dinh dưỡng, vệ sinh, chỗ ở, chăm sóc y tế và an toàn thích hợp.

Cha mẹ không nên không cho con tiếp cận việc giáo dục, bổ túc văn hóa và kích thích trí tuệ. Dù sự hướng dẫn đạo đức của cha mẹ là quan trọng, cha mẹ không nên đơn phương áp đặt quan điểm tôn giáo hoặc các giá trị đạo đức lên trên con mình hoặc độc tôn nhồi sọ tư tưởng chúng. Trẻ em, thiếu niên và thanh niên nên mở lòng mình ra trước những quan điểm dị biệt và phấn khởi khích lệ sự tự mình suy nghĩ. Thậm chí đối với con trẻ, quan điểm của chúng cũng nên được tôn trọng.

– Thứ năm, cơ hội dành cho giáo dục và bổ túc văn hóa nên phổ cập. Mọi người nên có cơ hội mở mang kiến thức. Ở mức tối thiểu, giáo dục học đường nên sẵn sàng cung ứng cho mọi đứa trẻ từ những năm thơ ấu tới tuổi thanh niên. Ngoài ra, cơ hội dành cho giáo dục phải sẵn sàng cung ứng cho mọi nhóm tuổi, gồm cả việc học suốt đời dành cho người lớn. Có những định mức tối thiểu mà mỗi người phải đạt: khả năng đọc, viết và làm toán căn bản. Các trình độ sở đắc cao hơn thì liên quan tới năng khiếu và năng lực. Việc nhận vào trường học thuộc bậc giáo dục cao hơn nên đặt căn bản trên học lực; nơi nào có thể thì nên cấp học bổng để các học sinh xứng đáng không bị lỡ cơ hội học hành vì tình trạng túng thiếu tài chính.

– Mọi trẻ em nên được dạy một số kỹ năng căn bản có tính thị trường để bảo đảm chúng có khả năng kiếm được việc làm. Ðiều này nên bao gồm một hình thức vỡ lòng nào đó về máy vi tính, mở mang trí năng văn hóa và khả năng hoạt động trong thế giới thương mại.

Chương trình học nên đẩy mạnh sự am hiểu các phương pháp khoa học trong thẩm tra và tư duy phê phán. Không nên đặt giới hạn cho sự thẩm tra tự do. Giáo dục nên bao gồm sự am hiểu những giá trị của các khoa học tự nhiên, sinh học và xã hội. Cũng nên học lý thuyết tiến hóa và các tiêu chuẩn của sinh thái học.

Học sinh nên học các nguyên tắc về giữ gìn sức khỏe, dinh dưỡng thích đáng, vệ sinh và thể dục. Trong những điều đó nên có sự hiểu biết về y học và cách vận hành của cơ thể con người; nên cung ứng sẵn sàng từ thuở thơ ấu cơ hội giáo dục tính dục thích hợp. Ðiều này nên bao gồm thái độ tính dục có trách nhiệm, kế hoạch hóa gia đình và kỹ thuật ngừa thai.

Học sinh nên học để hiểu rõ giá trị của các truyền thống văn hóa đa dạng. Ðiều này nên bao gồm việc học đối chiếu các tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa và sự thưởng ngoạn những biểu lộ của nghệ thuật. Học sinh nên học về lịch sử, bắt đầu với lịch sử của xứ sở và nền văn hóa cá biệt tại nơi chúng sinh trưởng, nhưng cũng học về các nền văn hóa khác, bao gồm lịch sử và các nền văn minh thế giới. Cần thực hiện mọi nỗ lực để triển khai sự "vỡ lòng toàn cầu", tức là sự nhận biết về môi sinh. Không nên hạn chế sự học trong chuyên ngành nhỏ hẹp nhưng nên khuyến khích những nỗ lực để có kiến thức liên quan tới nhiều lãnh vực học thuật.

– Thứ sáu, cá nhân không nên bị phân biệt đối xử vì chủng tộc, nguồn gốc sắc tộc, quốc tịch, văn hóa, đẳng cấp, giai cấp, tín ngưỡng, phái tính hoặc định hướng tính dục. Chúng ta cần phát triển một bản sắc con người thành viên mới trong cộng đồng toàn cầu. Bản sắc này là ưu tiên trên tất cả những cái khác và có thể được dùng làm căn bản để hành động nhằm triệt tiêu sự phân biệt đối xử.

– Hận thù chủng tộc, quốc tịch và sắc tộc là vô đạo đức. Hết thảy mọi cá nhân đều là thành viên thuộc cùng một chủng loại và vì thế nên được vui hưởng mọi đặc quyền và mọi cơ hội có sẵn.

– Ðối kháng giai cấp có thể là nguồn gốc của phân biệt đối xử. Những rào cản cổ truyền, thí dụ hệ thống đẳng cấp, đã và đang kiềm hãm sự thăng tiến của hàng triệu người. Một số tìm cách bít kín khoảng cách giữa người giàu và người nghèo bằng cách bần cùng hóa người giàu thay vì cải thiện điều kiện sống của người nghèo. Một số khác lơ là tình cảnh khốn khó của người nghèo hoặc tìm cách giữ cho người nghèo sống mãi trong trạng thái lệ thuộc.

– Quyền tự do tín ngưỡng và thực hành tôn giáo hay niềm tin của con người phải được tôn trọng. Sự tự do tương đương như thế, tức là quyền không thực hành tôn giáo, nên được dành đầy đủ cho những người bất đồng tôn giáo, người theo thuyết bất khả tri và người vô thần, những người mà quan điểm của họ xứng đáng được tôn trọng không kém.

– Không nên cho phép phân biệt đối xử vì phái tính. Nữ giới có quyền được đối xử bình đẳng với nam giới. Sự phân biệt đối xử trong cơ hội tìm việc làm, giáo dục và hoạt động văn hóa là quá đáng không thể chịu đựng được. Xã hội không nên phủ định đồng tính luyến ái, lưỡng tính luyến ái hoặc quyền bình đẳng được chuyển đổi phái tính và chuyển đổi tính dục.

– Thứ bảy, các nguyên tắc về bình đẳng nên được các cộng đồng văn minh tôn trọng và theo bốn ý nghĩa chính:

Bình đẳng trước pháp luật: Mọi người nên được có đầy đủ một thủ tục tố tụng thích đáng và sự bảo vệ bình đẳng trước pháp luật. Phải áp dụng cũng một luật pháp thôi cho viên chức chính quyền lẫn công dân bình thường. Không kẻ nào ở bên trên luật pháp. Luật pháp không nên xem xét tới chủng tộc, màu da, sắc tộc, tín ngưỡng, phái tính hoặc tài sản.

Bình đẳng trong cứu xét: Mọi người đều có nhân phẩm và giá trị ngang nhau và không bị từ khước các phúc lợi và các quyền được ban cho hết thảy những người khác. Ðiều này không phủ định việc xã hội có quyền kiềm chế, trừng phạt hoặc giam giữ kẻ phạm pháp, sử dụng bạo lực hoặc phạm tội ác đối với người khác.

Thỏa mãn các nhu cầu căn bản: Cá nhân có thể thiếu tài nguyên, và hoàn toàn không phải do lỗi của họ nếu họ không có khả năng thỏa mãn nhu cầu tối thiểu của mình về thực phẩm, nhà ở, an toàn, chăm sóc y tế, bổ túc văn hóa và giáo dục. Trong trường hợp đó, nếu xã hội có phương tiện thì lúc ấy, có bổn phận giúp thỏa mãn các nhu cầu căn bản ở mức nhiều nhất có thể được. Sự quan tâm tới phúc lợi này liên quan tới khả năng lao động. Xã hội không nên khuyến khích lối sống lệ thuộc.

Bình đẳng về cơ hội: Trong các xã hội tự do nên có sân chơi không thiên vị cho mọi người. Trong xã hội mở và tự do, nên dành cho người lớn và trẻ em cơ hội để thành toàn sở thích cùng khát vọng và biểu lộ tài năng độc đáo của mình.

– Thứ tám, mọi người có quyền sống một cuộc sống tốt lành, theo đuổi hạnh phúc, thành tựu niềm vui thích sáng tạo và giải trí theo cách thức riêng của mình trong chừng mực không làm tổn thương người khác. Nguyên tắc cốt lõi là mỗi người nên có đầy đủ cơ hội để nhận thức đầy đủ sự thành toàn cuộc đời của mình đi đôi với tài nguyên của xã hội, nhưng sự nhận thức thật sự thì tùy thuộc vào cá nhân chứ không vào xã hội. Tuy thế, hạnh phúc thì tùy thuộc vào lợi tức, tài nguyên và thái độ của con người, và cá nhân không nên trông mong xã hội cung cấp các phương tiện làm thỏa mãn những sở thích và những theo đuổi riêng biệt của mình ở mức độ rộng rãi.

– Thứ chín, cá nhân nên có cơ hội thưởng ngoạn và tham gia nghệ thuật - bao gồm văn chương, thơ, kịch, điêu khắc, múa, âm nhạc và ca hát. Óc tưởng tượng thẩm mỹ và hoạt động sáng tạo có thể đóng góp vô lượng vào sự phong phú hóa đời sống, phát triển năng khiếu bản thân và hạnh phúc của con người. Xã hội nên khuyến khích và hỗ trợ nghệ thuật cùng tính chất phổ biến văn hóa rộng rãi của nó tới mọi khu vực của cộng đồng.

– Thứ mười, cá nhân không nên bị kiềm chế thái quá, giới hạn và nghiêm cấm trên một tầm mức rộng lớn việc thực hành những chọn lựa riêng tư. Ðiều này bao gồm tự do tư tưởng và tự do lương tâm - quyền hoàn toàn tin, hoặc không tin, tự do phát biểu và tự do theo đuổi lối sống riêng của mình trong chừng mực không gây trở ngại cho việc thực thi quyền của người khác.

– Ðược gồm vào phần trên là quyền riêng tư:

• Việc bảo mật của cá nhân nên được tôn trọng.

• Mọi cá nhân nên được tự do, không bị xâm phạm bởi các cưỡng bách xã hội hoặc chính trị.

• Phụ nữ nên có quyền chủ động về thân thể của mình. Ðiều này bao gồm tự do sinh sản, tự nguyện ngừa thai và phá thai.

• Ðôi lứa phối ngẫu nên có thông tin đúng đắn về kế hoạch hóa gia đình và khả năng sử dụng sự thụ tinh nhân tạo và những chỉ bảo về sinh học di truyền.

• Người lớn nên được phép kết hôn với kẻ mình muốn, dù khác bối cảnh chủng tộc, sắc tộc, tôn giáo, giai cấp, đẳng cấp hoặc quốc tịch.

• Không nên cấm hôn nhân dị chủng. Nên cho lứa đôi phối ngẫu cùng phái tính có các quyền giống như lứa đôi khác phái tính.

• Sự ưng thuận có đầy đủ thông tin nên là nguyên tắc dẫn đạo trong y khoa. Cá nhân trưởng thành nên có quyền chọn hoặc từ khước việc chữa trị y khoa.

• Cá nhân nên có quyền tham gia các tổ chức thiện nguyện để chia sẻ những phúc lợi và các hoạt động trong cộng đồng. Quyền tự do lập hội trong chừng mực hòa bình và bất bạo động phải được tôn trọng.

VIII. Một NghỊ Trình Toàn Cầu Mới

Nhiều lý tưởng cao cả xuất hiện theo sau Thế Chiến Hai và tìm được cách biểu lộ trong những công cụ tuyệt vời như bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mà đang mất dần sức mạnh trên khắp thế giới. Ðể tác động lên tương lai loài người, chúng ta cần ngày càng gia tăng hoạt động qua những trung tâm quyền lực và ảnh hưởng mới nhằm cổ vũ sự vô tư và ổn định, làm giảm nghèo, giảm xung khắc và gìn giữ môi trường. Dưới ánh sáng của những tình huống đang thay đổi, ngày càng thấy rõ một số mục tiêu ưu tiên:

– Thứ nhất, an ninh: Vấn đề xung khắc và chiến tranh khu vực cũng như nguy cơ tiềm ẩn do vũ khí tàn sát hàng loạt đặt ra đều không được giải quyết. Suốt 50 năm qua, bạo động liên cộng đồng giữa các nhóm chủng tộc và tôn giáo trong một vùng và nội chiến đã đẩy những xung khắc giữa các quốc gia lên mức thái quá về số lượng và tổn thất nhân mạng. Những xung khắc như thế luôn luôn phát sinh khi một cộng đồng sắc tộc trong một nước cảm thấy mình bị đàn áp bởi chính quyền hoặc bởi một cộng đồng khác, và cảm thấy không có khả năng biểu lộ những bất bình của mình bằng các phương thế hợp pháp. Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đặc biệt nghiêm cấm can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia thành viên; do đó cộng đồng quốc tế hoàn toàn thiếu căn bản pháp lý cho các nỗ lực giải quyết những xung khắc có tính bộ lạc, chủng tộc hoặc liên cộng đồng trong biên giới của một quốc gia, trái với ý muốn của tập đoàn cai trị quốc gia liên hệ. Thêm nữa, bất cứ nỗ lực nào của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các xung khắc ấy bằng việc dùng vũ lực thì hầu như bị cản trở ngay trong Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vì lá phiếu phủ quyết của một thành viên thường trực có quan hệ hữu nghị với chính phủ liên hệ. Từ lúc kết thúc Chiến Tranh Lạnh, Hiệp chúng quốc Hoa kỳ, được sự ủng hộ của Liên Minh Bắc Ðại Tây Dương NATO và các cường quốc phương Tây khác, thường tìm cách áp đặt hoà bình bằng vũ lực, coi thường Liên Hiệp Quốc và làm suy yếu nghiêm trọng thẩm quyền của LHQ.

– Thứ hai, phát triển con người: Chúng tôi kêu gọi hãy có những đề nghị táo bạo và cách tân nhằm tối đa hóa sự tiến bộ của con người trên cấp độ toàn cầu. Sự chênh lệch giữa các khu vực thịnh vượng và các khu vực chậm phát triển của hành tinh này là vấn đề cấp bách hiện nay, không kém trong quá khứ chút nào. Thế giới phát triển có thể giúp khắc phục vấn đề ấy bằng cung cấp vốn, viện trợ kỹ thuật và yểm trợ giáo dục.

Chúng ta cần sự nhấn mạnh mới trên phát triển xã hội chứ không đơn thuần trên phát triển kinh tế, trong khi nhận ra rằng phát triển kinh tế không luôn luôn dẫn tới phát triển xã hội và rằng đầu tư trực tiếp vào phát triển xã hội có thể làm giảm nghèo và đưa dân chúng vào nền kinh tế tiền tệ hơn. Có nhu cầu yểm trợ các phương tiện gây phúc lợi trực tiếp về y tế và hạnh phúc cho người nghèo nhất, đặc biệt phụ nữ và thiếu nữ. Ðiều này phải bao gồm một số nỗ lực nhằm tạo ổn định dân số và rồi giảm tỉ lệ gia tăng dân số.

Thông thường, viện trợ phát triển bị các nước cấp viện xem như công cụ của chủ nghĩa ngoại giao đế quốc và của chính sách mậu dịch. Chiến Tranh Lạnh chấm dứt và theo đó, biến mất cái nhu cầu cảm thấy cần tranh thủ sự ủng hộ của thế giới đang phát triển, và cùng với nó là qui mô yểm trợ phát triển. Khuynh hướng này phải được đảo ngược.

Chúng tôi thúc giục tất cả các quốc gia đã công nghiệp hoá chấp nhận, như một bước đầu, những khuyến cáo do Liên Hiệp Quốc đưa ra về viện trợ phát triển cho các nước khác, cụ thể là đóng góp (hoặc chịu thuế) hằng năm 0.7% Tổng Sản Lượng Quốc Nội GDP để viện trợ phát triển, trong đó nên dành 20% cho phát triển xã hội và trong ngân khoản phát triển xã hội đó nên dành 20% để yểm trợ vấn đề dân số. Sự yểm trợ ấy nên gia tăng trong những năm sắp tới.

Cần phải nỗ lực hơn nữa để thu hẹp lỗ hổng kiến thức trong các nước nghèo nhất, dạy nghề và tu nghiệp cho người thất nghiệp, nhằm cung ứng điều kiện lao động tốt hơn (đặc biệt cho phụ nữ và những kẻ bị thiệt thòi quyền lợi) và dành nhiều tài nguyên hơn cho việc chăm sóc y tế, giáo dục và bổ túc văn hoá.

Chúng tôi thúc giục tất cả các quốc gia ủng hộ "Chương Trình Hành Ðộng Cairo" năm 1994 nhằm cung ứng y tế hộ sản phổ quát và quyền sinh sản, để giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người nghèo khó và để ổn định sự gia tăng dân số thế giới. Bản Danh Mục Phát Triển Con Người do Chương Trình Phát Triển của Liên Hiệp Quốc xuất bản hằng năm nên được cổ động sử dụng như một thước đo thành tích xã hội của từng nước đang phát triển. Có vai trò ngày càng tăng của các tổ chức phi chính phủ (NGOs) tại các nước đang phát triển để hành động như những đơn vị tiếp nhận trực tiếp viện trợ phát triển hầu né tránh tham nhũng và trì trệ quan liêu như thường thấy tại nhiều nước. Các tổ chức phi chính phủ phương Tây đóng vai trò có ý nghĩa to lớn như đơn vị đối tác và máng xối cho viện trợ phát triển.

– Thứ ba, công bằng xã hội: Ðạo Luật Toàn Cầu Về Các Quyền Và Các Trách Nhiệm là trung tâm cho các vấn đề công bằng xã hội. Phải chống lại những nỗ lực nhằm hợp pháp hóa sự va chạm công bằng xã hội hoặc nhằm hạn chế phạm vi văn hóa và địa dư của nó. Phải nhấn mạnh trở lại khả năng ứng dụng của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền vào phạm vi riêng tư của mỗi hộ, gia đình và cộïng đồng. Chúng tôi đặc biệt thúc giục tất cả các quốc gia sớm phê chuẩn hết thảy những công ước quốc tế về quyền của phụ nữ, trẻ em, thiểu số và người bản địa.

– Thứ tư, sự tăng trưởng của các đại tổ hợp công ti quốc tế: Hai chục năm qua đã chứng kiến tình trạng ngày càng gia tăng sự tập trung thế lực và tài sản vào tay các công ti kinh doanh toàn cầu. Rõ ràng chúng có đóng góp vào mậu dịch thế giới và phát triển kinh tế. Thế nhưng luật pháp quốc tế đáp ứng chậm chạp trước những cấu trúc quyền lực đang tiến hóa gia tốc trong kinh tế thế giới. Hiện nay, các công ti đa quốc gia có khả năng rộng lớn để coi thường nguyện vọng của các chính quyền riêng rẽ trong việc hoạch định chính sách và di chuyển nguồn tài chính của chúng xuyên qua biên giới các nước và đưa việc chế xuất tới các thị trường rẻ nhất. Sự tự do ấy được đánh giá như một tác dụng hữu ích cho thị trường tự do và được các thị trường tài chính toàn cầu khuyến khích. Nhưng những công ti ấy cũng có khả năng rộng lớn để tránh việc đóng thuế lợi nhuận xuất khẩu. Các định chế tài chính có khả năng tránh sự kiểm soát tài chính bằng việc đặt cơ sở ở những nơi đánh thuế thấp nhất tại các nước khác, trong khi việc chuyển ngân quốc tế lên tới một ngàn tỉ Mỹ kim mỗi ngày mà không bị đánh thuế. Cũng thế, các cá nhân giàu hiện có khả năng tránh việc trả thuế công bằng đúng với phần chia sẻ của họ.

Bất cứ đề nghị nào nêu ra các vấn đề ấy nhằm hạn chế sự vận hành của thị trường tự do đều sẽ bị chống đối quyết liệt và chắc chắn sẽ thất bại. Do đó, cần tới những cải cách giàu tưởng tượng để bảo đảm rằng tài sản quốc tế, của các công ti và các cá nhân, đều phải đóng phần chia sẻ của họ một cách công bằng mà không gây tổn thương cho cỗ máy kinh tế thế giới.

– Thứ năm, luật pháp quốc tế: cộng đồng toàn cầu cần phát triển một hệ thống công pháp quốc tế vượt quá phạm vi luật pháp của các quốc gia riêng rẽ. Chúng ta cần biến thế giới vô luật pháp thành một thế giới có luật pháp mà mọi người có thể hiểu rõ và theo đó mà hành động.
– Thứ sáu, môi sinh: chúng ta cần nhận ra rằng lối sống hiện nay tại Bắc bán cầu kỹ nghệ hóa là không thể lâu bền và càng ngày sẽ càng trở nên bấp bênh khi phát triển kinh tế và sức tiêu dùngï mỗi ngày một tăng tại các nước nghèo hơn ở Nam bán cầu làm tăng thêm sức ép lên môi trường toàn cầu. Mức tiêu thụ xả láng đã gây sẵn sức ép chưa từng thấy trên môi sinh và đặt người tiêu dùngï trong tình trạng bị làm hại ít nhất tới hai lần. Vấn đề là nâng cao mức tiêu dùngï của một tỉ người nghèo cực tới nỗi mỗi ngày không có được một bữa ăn thích đáng, và cùng lúc ấy, tiến hành những mẫu thức tiêu thụ có khả năng bền vững hơn nhằm giảm thiểu sự phá hoại môi sinh.

Các vấn đề môi trường toàn cầu phải được ứng xử ở cấp bậc toàn hành tinh: giảm ô nhiễm môi sinh, bao gồm khí các-bon đi-ô-xít và các khí gây hiệu ứng nhà kính; phát triển các nhiên liệu có thể thay thế; gầy lại rừng trên đất trụi; chống quá trình ăn mòn mặt đất tại các khu vực trồng trọt; tạo điều kiện cho quan hệ hữu nghị bảo vệ môi sinh giữa các nước; giới hạn việc đánh cá trong những vùng biển quốc tế nào mà nhiều giống cá đang có nguy cơ bị tuyệt chủng; bảo vệ các chủng loại đang lâm nguy; giảm thói quen sống tiêu dùngï hoang phí; và cấm hết thảy các vũ khí tàn sát hàng loạt. Như thế, cần đặt ưu tiên cao các chuẩn mực bảo vệ môi trường cho cộng đồng toàn cầu.

IX. Cần Các Ðịnh Chế Toàn Cầu

Câu hỏi cấp bách trong thế kỷ 21 là liệu loài người có thể phát triển được hay không các định chế toàn cầu để xử trí những vấn đề ấy. Nhiều phương án tốt nhất được thông qua trên cấp bậc địa phương, quốc gia và khu vực bởi những nỗ lực tự nguyện, riêng tư và công cộng. Chiến lược này thì tìm giải pháp qua việc khởi xướng thị trường tự do; chiến lược nọ thì dùng các cơ sở và các tổ chức thiện nguyện quốc tế để phát triển xã hội và giáo dục. Tuy thế, chúng tôi tin rằng vẫn tồn tại nhu cầu phát triển các định chế mới ở cấp bậc toàn cầu để ứng xử trực tiếp những vấn đề ấy và tập trung vào các nhu cầu của loài người như một tổng thể.

Trong hoàn cảnh hậu Thế Chiến Hai, một số các định chế quốc tế, thí dụ Liên Hiệp Quốc và Tổ Chức Y Tế Thế Giới, được thành lập để ứng xử những công tác đó. Rủi thay, đã xuất hiện lỗ hổng to lớn giữa những phương cách theo đó các định chế ấy hoạt động và những nhu cầu của một cộng đồng toàn cầu mới. Vì thế, phải khẩn trương chuyển biến các định chế hiện hành ấy hoặc phải nỗ lực lập ra các định chế mới.

Những biên giới chính trị trên thực tế (de facto) của thế giới thì có tính chất tùy tiện. Chúng ta cần vượt quá chúng. Chúng ta cần tiếp tục bảo vệ sự tăng trưởng dân chủ tại các quốc gia khác biệt nhau trong cộng đồng thế giới nhưng đồng thời chúng ta cũng cần gia tăng quyền xuyên quốc gia của mọi thành viên trong cộng đồng toàn cầu. Hiện nay, chúng ta cần hơn bao giờ hết một cơ chế thế giới đại diện cho dân chúng của thế giới hơn là cho các nhà-nước-quốc-gia.

Không giống tiền thân của mình là Hội Quốc Liên, Liên Hiệp Quốc đã và đang đóng vai trò quan trọng trên thế giới nhưng vẫn còn quá nhiều nhu cầu phải hoàn tất. Ðể giải quyết những vấn đề trên cấp bậc xuyên quốc gia và đóng góp vào việc phát triển toàn thế giới, chúng ta cần chuyển biến Liên Hiệp Quốc, dần dần nhưng kiên quyết. Một số thay đổi sẽ liên quan tới việc tu chính Hiến Chương LHQ; một số khác sẽ kéo theo việc chuyển biến tận gốc cấu trúc của LHQ; những thay đổi này đòi hỏi sự thỏa thuận của các nước thành viên. Nhưng dù những thay đổi sau này sẽ ra sao đi nữa, chúng ta nên giữ lại các cơ quan của LHQ đã và đang kiên quyết cải thiện cuộc sống của hàng triệu người trên hành tinh này.

Thay đổi tận gốc nhất hẳn là nâng cao tính hữu hiệu của LHQ bằng việc chuyển đổi nó từ chỉ là nơi hội họp của các nhà nước có chủ quyền thành cũng là nơi hội họp của các dân tộc. Từng có tiền lệ cho một chuyển biến như thế, trong đó có việc tự chuyển đổi của liên bang gồm các tiểu bang có chủ quyền của Hoa kỳ trước đây thành hệ thống liên bang hiện nay. Ðể giải quyết những vấn đề toàn cầu thì các nhà nước quốc gia phải chuyển giao một số chủ quyền quốc gia của mình, làm thành một hệ thống thẩm quyền xuyên quốc gia. Không làm nổi việc đó thì có nguy cơ thế giới bị khóa chặt trong những xung khắc giữa các nước có chủ quyền mà mối quan tâm chủ yếu của họ là chủ quyền quốc gia. Chúng ta có thể không kham nổi sự phí phạm tài nguyên đến thế; nhân dân thế giới xứng đáng hơn thế. Rõ ràng một hệ thống có tính xuyên quốc gia như thế sẽ gây ra sự chống đối khắp nơi của các nhà lãnh đạo chính trị - đặc biệt những kẻ theo chủ nghĩa sô-vanh dân tộc. Nhưng nó vẫn có thể phát triển tuần tự và đạt kết quả nếu chúng ta hành động cho một sự đồng ý tổng quát về đạo đức trên toàn cầu.

Bất cứ hệ thống xuyên quốc gia mới mẻ nào cũng nên có tính dân chủ và có những quyền lực giới hạn. Sẽ có sự tối đa hóa quyền tự quản, phi tập trung hóa và tự do cho các nhà nước độc lập và các khu vực độc lập trên thế giới. Cũng sẽ có một hệ thống kiểm tra và tạo cân bằng như một bảo an chống lại sức mạnh tùy tiện. Hệ thống xuyên quốc gia sẽ chủ yếu ứng xử các vấn đề chỉ có thể giải quyết trên cấp bậc toàn cầu, thí dụ như an ninh, việc bảo vệ quyền con người, phát triển kinh tế xã hội, và việc bảo vệ môi sinh toàn cầu. Thế thì để thành tựu những mục tiêu ấy, chúng tôi đề nghị những cải cách dưới đây, hoạt động từ cấu trúc của Liên Hiệp Quốc:

– Thứ nhất, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, thế giới cần thành lập một Nghị Viện Thế Giới hữu hiệu - và việc bầu cử nó đặt căn bản trên dân số - mà sẽ đại diện cho dân chúng chứ không đại diện cho các chính phủ của họ. Ý tưởng Nghị Viện Thế Giới thì tương tự như tiến trình của Nghị Viện Châu Âu dù tổ chức này vẫn trong thời kỳ trứng nước. Ðại Hội Ðồng LHQ hiện nay là nơi hội họp của các quốc gia. Nghị Viện Thế Giới mới sẽ thông qua các chính sách pháp chế bằng cung cách dân chủ. Có lẽ một cơ quan lập pháp gồm hai viện là khả thi nhất cho Nghị Viện Các Dân Tộc lẫn Ðại Hội Ðồng các quốc gia. Cấu trúc chi tiết và chính qui của nó chỉ có thể được hoạch định bởi một hội nghị duyệt xét hiến chương mà chúng tôi khuyến cáo nên triệu tập để xem xét tất cả những giải pháp có thể chọn lựa nhằm tăng thêm sức mạnh cho LHQ và/hoặc bổ sung nó bằng một hệ thống nghị viện.

– Thứ hai, thế giới cần một hệ thống an ninh khả thi để giải quyết những xung khắc quân sự de dọa nền hòa bình. Ðể thành tựu mục tiêu này, chúng ta cần tu chính Hiến Chương LHQ. Như thế, cần bãi bỏ quyền phủ quyết của Ngũ Cường trong Hội Ðồng Bảo An LHQ. Quyền ấy hiện hữu vì tình huống lịch sử vào lúc chấm dứt Thế Chiến Hai mà nay không còn thích đáng. Nguyên tắc căn bản của an ninh thế giới là không một nhà nước đơn độc hoặc liên minh các nhà nước nào có quyền làm suy yếu sự toàn vẹn lãnh thổ và chính trị của quốc gia khác bằng hành động gây hấn; cũng không một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia nào được phép cảnh sát thế giới hoặc đơn phương oanh tạc quốc gia khác mà không có sự đồng ý của Hội Ðồng Bảo An. Thế giới cần một lực lượng cảnh sát hữu hiệu để bảo vệ các khu vực trên thế giới khỏi xung khắc và để điều đình các thỏa thuận hòa bình. Chúng tôi khuyến cáo rằng Hội Ðồng Bảo An LHQ, được tuyển cử bởi Ðại Hội Ðồng LHQ và Nghị Viện Thế Giới, nên hội đủ ba phần tư số phiếu khi đưa ra biện pháp nào về an ninh. Ðiều này có nghĩa rằng nếu 15 thành viên Hội Ðồng Bảo An hiện nay được giữ lại mà lúc ấy có bốn thành viên trở lên bất đồng thì không thể đưa ra bất cứ hành động nào.

– Thứ ba, chúng ta phải phát triển một Tòa Án Thế Giới hữu hiệu và một Thẩm Phán Ðoàn Quốc Tế có quyền hành thỏa đáng để thực thi luật lệ của nó. Tòa Án Quốc Tế tại The Hague chuyển động theo đúng chiều hướng này. Tòa Án này sẽ có quyền xét xử những xâm phạm quyền con người, tội diệt chủng, các tội ác xuyên quốc gia và phân xử những tranh chấp, xung khắc quốc tế. Ðiều thiết yếu là nhà nước nào chưa thừa nhận thẩm quyền của nó thì nên được thuyết phục để thừa nhận.

– Thứ tư, thế giới cần có cơ quan theo dõi môi sinh toàn cầu trên cấp bậc xuyên quốc gia. Chúng tôi khuyến cáo củng cố các cơ quan hiện hành của LHQ và các chương trình liên quan trực tiếp nhất tới môi trường. Thí dụ, nên cho Chương Trình Môi Sinh LHQ có đủ sức mạnh để cưỡng bách thực thi các biện pháp chống lại việc làm ô nhiễm nghiêm trọng sinh thái. Quỹ Dân Số LHQ phải được dành cho tài khoản đầy đủù để đáp ứng nhu cầu toàn cầu hiện chưa thỏa đáng về ngừa thai và từ đó, giúp ổn định sự gia tăng dân số. Nếu các cơ quan ấy tỏ ra không đối phó nổi với các vấn đề to lớn đó thì cần tạo ra một cơ quan toàn cầu mạnh mẽ hơn.

– Thứ năm, chúng tôi khuyến cáo một hệ thống quốc tế về thuế phải đóng nhằm giúp các khu vực chậm phát triển của gia đình loài người và thành toàn các nhu cầu xã hội mà các lực lượng thị trường không thành toàn. Chúng ta sẽ bắt đầu với thuế đánh trên Tổng Sản Lượng Quốc Nội của mọi nước; tiền thu được sẽ dùng để yểm trợ và phát triển kinh tế và xã hội. Ðây không phải là đóng góp tự nguyện mà là một sắc thuế thật sự. Các cơ quan quan trọng hiện hành của LHQ sẽ được tài trợ bởi tài khoản quyên góp. Ðiều này bao gồm Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học Và Văn Hóa UNESCO của LHQ, Quỹ Nhi Ðồng UNICEF của LHQ, và Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO của LHQ, Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Thế Giới và các tổ chức khác.

Hiệp ước quốc tế rộng rãi về cải cách thuế là cần thiết để bảo đảm các công ti đa quốc gia trả phần chia sẻ công bằng của họ trong gánh nặng thuế khóa toàn cầu. Nên dùng các khoản khấu trừ thuế làm quà tặng từ thiện cho việc phát triển con người và xã hội. Sự cưỡng chế đối với việc chuyển tài khoản quốc tế nên được xem xét nghiêm chỉnh để về phương diện khác, đánh thuế những tài khoản không đóng thuế và để giúp tài trợ phát triển xã hội tại các nước nghèo nhất. Nhiều nhà nước thành viên không chịu đóng lệ phí cho LHQ; đối với các nhà nước đó, nên khiển trách và áp đặt các biện pháp mạnh hơn, thí dụ cấm vận. Quỹ này nên tài trợ việc xóa có chọn lọc gánh nặng nợ nần cho các nước nghèo không có khả năng trả nợ.

– Thứ sáu, việc phát triển các định chế toàn cầu nên bao gồm một thủ tục nào đó cho sự điều chỉnh các công ti đa quốc gia và các công ti độc quyền quốc gia. Ðiều này vượt ngoài những ủy thác hiện nay cho LHQ. Chúng ta nên khuyến khích kinh tế thị trường tự do, tuy nhiên chúng ta không thể lơ là các nhu cầu toàn cầu của loài người như một tổng thể. Nếu được để yên không kiểm tra, các đại tổ hợp công ti và các công ti độc quyền hầu như sẽ làm suy yếu quyền con người, môi trường và sự phát đạt của các khu vực nhất định trên thế giới. Có thể khắc phục những chênh lệch cực độ giữa các vùng thịnh vượng và các vùng chậm phát triển của hành tinh bằng việc khuyến khích sự tự lực nhưng cũng bằng việc điều tiết sự phồn thịnh của thế giới nhằm cung cấp vốn, viện trợ kỹ thuật, yểm trợ giáo dục để phát triển kinh tế và xã hội.

– Thứ bảy, chúng ta phải giữ tính sống động thị trường tự do tư tưởng, tôn trọng sự đa dạng của các ý kiến, và quan tâm lo lắng tới quyền bất đồng quan điểm. Như thế, có một nhu cầu bức thiết và đặc biệt nhằm chống lại sự kiểm soát truyền thông đại chúng dù bởi chính phủ, bởi lợi nhuận kinh tế đầy thế lực hoặc bởi các định chế toàn cầu. Các chế độ độc tài sử dụng truyền thông cho mục đích tuyên truyền, từ khước các quan điểm có tính chọn lựa. Truyền thông đại chúng trong các xã hội tư bản thường bị đặt dưới sự độc quyền kiểm soát. Truyền thông này thường ra sức làm thỏa mãn mẫu số chung thấp nhất nhằm tối đa hóa lượng người tán đồng. Các sự kiện bị coi thường trong việc tiếp nhận không phê phán bất cứ mánh khóe nhảm nhí Thời Ðại Mới nào, và tường thuật các phép lạ thì được phát sóng nhiều thời gian hơn tường thuật sự xuyên phá mới nhất của khoa học. Nhiều ngành truyền thông - vô tuyến truyền hình, vô tuyến truyền thanh, điện ảnh, xuất bản sách báo - rõ ràng là cảm thấy ít có bổn phận cung cấp nội dung có căn cứ và có tính giáo dục.

Chúng ta tránh mọi hình thức của chế độ kiểm duyệt, dù được thực hiện bởi chính quyền, người quảng cáo hoặc sở hữu chủ phương tiện truyền thông. Nên khuyến khích sự cạnh tranh trong truyền thông do sáng tạo của công chúng hoặc do các tổ chức truyền thông bất vụ lợi, và nên chống lại mọi chuyển động hướng tới sự độc quyền và sự kiểm soát có tính đầu sỏ. Nên khuyến khích những phong trào quần chúng tự nguyện theo dõi các ngành truyền thông nhằm làm cho mọi người biết rõ những trắng trợn thái quá của chúng. Có nhu cầu đặc biệt mở rộng việc tiếp cận truyền thông đại chúng. Ðiều này có nghĩa không một thế lực độc quyền truyền thông toàn cầu nào hoặc không một chính phủ nào nên khống chế ngành truyền thông. Chúng ta cần gia tăng phong trào dân chủ trên khắp thế giới để bao gồm sự đa dạng và phong phú văn hóa và sự bao dung phóng khoáng đối với các tư tưởng.

X. Lạc Quan Về Triển Vọng Của Loài Người

Cuối cùng, và có lẽ quan trọng hơn hết, là thành viên của cộng đồng loài người trên hành tinh này, chúng ta cần nuôi dưỡng cảm giác lạc quan về Triển Vọng Của Loài Người. Dù nhiều vấn đề có thể dường như nan giải, chúng ta có lý do tốt để tin rằng loài người có thể tập hợp những khả năng tốt nhất của mình để giải quyết chúng và rằng nhờ thiện chí và dấn thân, một cuộc sống tốt lành hơn sẽ được sở đắc bởi các thành viên ngày càng đông đảo trong cộng đồng nhân loại. Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu nêu ra những hứa hẹn lớn lao cho loài người. Chúng tôi ao ước được bồi đắp cảm giác ngạc nhiên và háo hức về những cơ hội đầy tiềm năng nhằm thực hiện cuộc sống phong phú cho chúng ta và cho các thế hệ chưa ra đời. Những người có lý tưởng là những bậc tiền bối của tương lai đó. Chúng ta sẽ không thành công nếu chúng ta không kiên quyết làm điều đó; và chúng ta sẽ không kiên quyết làm điều đó nếu chúng ta không có niềm tự tin rằng mình làm được. Mọi lạc quan mà chúng ta làm nảy sinh nên đặt căn bản trên những đánh giá thực tế về khả năng thành tựu, tuy thế, chúng ta cần được thúc đẩy bởi niềm tin rằng mình khắc phục được nghịch cảnh.

Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu không chấp nhận các triết lý hư vô về diệt vong và tuyệt vọng cùng những kẻ khuyến cáo sự trốn chạy lí trí và tự do đồng thời ngày càng cay đắng giận dữ trong sợ hãi và linh tính điềm gở cũng như bị ám ảnh bởi kịch bản ngày tận thế. Xưa nay, nòi giống loài người luôn luôn đối mặt các thách thức. Ðó là một tiểu thuyết trường thiên và liên tục của cuộc mạo hiểm toàn cầu. Là người theo chủ nghĩa nhân bản, hôm nay cũng như trong quá khứ, chúng tôi thúc giục con người đừng tìm sự cứu độ bên kia bản thân. Chỉ có chúng ta chịu trách nhiệm về định mệnh của chính chúng ta, và điều tốt nhất chúng ta có thể làm là tập trung trí tuệ, lòng can đảm và lòng từ bi để biến những khát vọng của chúng ta thành hiện thực. Chúng tôi tin rằng cuộc sống tốt đẹp hơn là khả thi cho mỗi người và cho mọi người trong xã hội toàn cầu tương lai. Cuộc sống có thể đầy ý nghĩa cho những ai muốn gánh lấy trách nhiệm và đảm đương các nỗ lực hợp tác cần thiết để hoàn thành sự hứa hẹn của nó. Chúng ta có thể và có bổn phận tiếp tay tạo dựng một thế giới mới của ngày mai. Tương lai ấy có thể lành mạnh cùng phong phú và nó có thể mở tới những khung cảnh mới mẻ, táo bạo và đầy phấn khởi. Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Cầu có thể đóng góp một cách đầy ý nghĩa vào việc phát triển các thái độ tích cực và rất cần thiết nếu chúng ta nhận ra cơ hội vô song đang chờ loài người trong thiên niên kỷ thứ ba này và về sau nữa.

Tất cả những người ký tên vào văn bản này đều tha thiết tìm kiếm sự hợp tác với các nền văn hóa đa dạng trên thế giới, kể cả những truyền thống tôn giáo chính của thế giới. Chúng tôi tin rằng chúng ta phải khẩn trương phấn đấu cho một nền tảng chung và tìm kiếm các giá trị đã được chia sẻ. Chúng ta cần bắt tay vào việc tiếp tục mối quan hệ đầy bao dung và vị tha, không chỉ với những người đồng ý với chúng ta mà còn với những người có thể có quan điểm dị biệt. Ở chính giữa sự đa dạng và sự đa nguyên của các truyền thống, chúng ta cần nhận ra rằng mình đều là thành phần của một gia đình trải rộng của loài người, đang chung chia nơi cư trú trên hành tinh này. Chính sự thành công ngày nay của chúng ta đang đe dọa tương lai sinh tồn của loài người. Chỉ có chính chúng ta chịu trách nhiệm về định mệnh tập thể của chúng ta. Việc giải quyết các vấn đề của chúng ta đòi hỏi sự hợp tác và khôn ngoan của hết thảy mọi thành viên trong cộng đồng thế giới. Chính từ nội lực của mỗi người mà gây ra tác động. Cộng đồng toàn cầu là chính chúng ta, và mỗi người trong chúng ta có thể tiếp tay làm nó thăng hoa. Tương lai rộng mở. Những chọn lựa do chính chúng ta quyết định. Cùng nhau, chúng ta có thể đưa vào hiện thực các cứu cánh và các lý tưởng cao nhã nhất của loài người.

Những người tán đồng và ký tên vào Hiến Chương Nhân bản 2000 này không nhất thiết đồng ý với mọi điều mục trong đó. Tuy nhiên, chúng tôi thừa nhận những nguyên tắc chính của nó và đưa nó ra nhằm đóng góp vào cuộc đối thoại đầy xây dựng. Chúng tôi mời mọi người, nam giới và nữ giới, tiêu biểu cho những truyền thống khác nhau, tham gia với chúng tôi để cùng hoạt động cho một thế giới tốt lành hơn trong một xã hội toàn cầu đang ló dạng lúc này.


Với sự tán đồng của những vị dưới đây:



Giáo sư PAUL KURTZ, Ðại học New York tại Buffalo, Chủ tịch, Viện Quốc tế Nhân bản Chủ nghĩa, Hoa Kỳ. ký tên
RICHARD DAWKINS, Ðại học Mới, Oxford, Anh. ký tên
EDWARD O. WILSON, Viện Bảo tàng Ðộng vật học Ðối chiếu, Ðại học Harvard, HK. ký tên
Sir ARTHUR C. CLARKE, CBE, Tác giả, Viện trưởng, Ðại học Moratuwa, Tích lan; Viện trưởng, Ðại học Quốc tế Không gian, Tích lan. ký tên
STEVE ALICHARD LEAKY, Nhà Nhân chủng học, Cơ quan Ðời sống Hoang dã Kenya, Kenya. ký tên
PAUL D. BOYER, Giải Nobel Hóa học, HK. ký tên
Sir HAROLD W. KROTO, Giải Nobel, Học viện Hóa học, Vật lý và Khoa học Môi trường, Anh. ký tên
TASLIMA NASRIN, Tác giả, Nhà Ðấu tranh cho Nhân quyền, Bangladesk. ký tên
FERID MURAD, Giải Nobel, Trung tâm Khoa học Y tế Ðại học Texas, Houston, HK. ký tên
BARUJ BENACERAFF, Giải Nobel, Viện Ung thư Dana-Farber, HK. ký tên
JEAN-MARY LEHN, Giải Nobel, Ðại học Louis Pasteur, Pháp. ký tên
JOSÉ SARAMAGO, Giải Nobel, Tây ban nha. ký tên
ALAN CRANSTON, Cựu Thượng nghị sĩ Liên bang Mỹ, California, HK. ký tên
DOBRICA COSÍC, Tác giả, Cựu Tổng thống, Cộng hoà Liên bang Nam tư. ký tên
ETIENNE BAULIEU, Người Khám phá RU486, Viện Khoa học, Inserm, Pháp. ký tên
JENS C, SKOU, Giải Nobel, Nhà Lý sinh, Ðại học Aarhus, Ðan mạch. ký tên
JILL TARTER, Giáo sư Bernard M. Oliver, Học viên SETI, HK. ký tên
MARIO MOLINA. Giải Nobel Hoá học, HK. ký tên
HERBERT A. HAUPTMAN, Giải Nobel Hóa học, HK. ký tên
ÁC-HEN-TI-NA
HUGO DANIEL ESTRELLA, Hội nghị Pugwash
AI CẬP
MOURAD WAHBA, Chủ tịch Hiệp hội Quốc Tế Averroës và Khai sáng; Sáng lập viên Hiệp hội Triết học Á-Phi
ANH
COLIN BLAKEMORE, Phòng Thí nghiệm Sinh lý học, Ðại học Oxford
BERNARD CRICK, Giáo sư danh dự Chính trị học, Học viện Birkbeck, Ðại học London
Lord LIONEL ELVIN, Viện Quí tộc
Sir RAYMOND FIRTH, Giáo sư Nhân chủng học, Ðại học London
JIM HERRICK, Biên tập viên Tạp chí NGƯờI NHÂN BảN MớI, Hiệp hội Báo Chí Người Duy lý
TED HONDERICH, Giáo dư danh dự Triết học Tâm trí và Lý luận, Ðại học College London
ANWAR SHAIKH, Tác giả
HARRY STOPES-ROE, Giáo sư Triết học, Ðại học Birmingham
HAZHIR TEIMOURIAN, Nhà văn và Phát thanh viên
JANE WYNNE WILLSON, Cựu Chủ tịch Hiệp hội Nhân bản
LEWIS WOLPERT, Giáo sư Giải phẫu học, Ðại học College London
ẤN ĐỘ
G. R. RABU, Giám đốc Ðiều hành, Hiệp hội Ðạo đức và Nhân bản Quốc tế.
PUSHPA MITRA BHARGAVA, Giám đốc sáng lập, Trung tâm Sinh học Phân tử và Tế bào, Hyderapad
AMLAN DATTA, Cựu Phó Viện trưởng, Visva Bharati
SANAL EDAMARUKU, Tổng thư ký, Hiệp hội Người Duy lý Ấn độ
NARISETTI INNAIAH, Giáo sư Triết học; Chủ tịch Ủy ban Trẻ em bị Ngược đãi
H. NARASIMHAIAH, Diễn đàn Khoa học Bangalore, Ðại học Quốc gia.
INDUMATI PARIKH. Giám đốc, Trung tâm Phát triển Con người M.N.Roy
AVULA SAMBASIVA RAO, Nguyên Chánh án Tối cao Pháp viện Bang Andhra Pradesh; Nguyên Phó Chủ tịch Ðại học Andhra
SIBNARARYAN RAY, Cơ sở Thư viện Raja Rammohun Roy
V. M. TARKUNDE, Chánh Biện lý Toà Thượng thẩm
RAVIPUDI VENKATADRI, Biên tập viên Báo HETUVADI
BA LAN
BARBARA STANOSZ, Biên tập viên Tạp chí BEZ DOGMATU
BA TÂY
JOSÉ LEITE LOPES, Giáo sư danh dự, Trung tâm Nghiên cứu Vật lý Ba tây
BỈ
JEAN DOOMANGET, Ðài Thiên văn Hoàng gia Bỉ, Brussels.
CANADA
ROBERT BUCKMAN, Nhà Vật lý
HENRY MORGENTALIER, Nhà hoạt động cho Quyền Phá thai
MARVIN ZAYED, Tiến sĩ.
COLOMBIA
RUBEN ARDILA, Giáo sư Tâm lý học, Ðại học Quốc gia Colombia, Bogota.
CROATIA
RADOVAN VUDAKINOCÍC, Giáo sư
HA LAN
PIETER V. ADMIRAAL
MAX ROOD, Giáo sư Luật, Ruksuniversiteitte Leiden; Nguyênï Bộ trưởng Tư pháp
ROB A.P. TIELMAN, Giáo sư Xã hội học, Ðại học Utrecht
HI LẠP
DENNIS V. RAZIS, Hiệp hội Delphi, Athens
HOA KỲ
NORM ALLEN, Jr. Giám đốc, Hội Người Mỹ Gốc Châu Phi Vì Chủ Nghĩa Nhân bản
DEREK ARAUJO, Chủ tịch Chi nhánh Liên minh Tự do Tư tưởng
KHOREN ARISIAN, Mục sư danh dự Hội Thiên Chúa Một Ngôi Minneapolis
JOSEPH E. BARNHART, Giáo sư Triết học và Nghiên cứu Tôn giáo, Ðại học North Texas
H. JAMES BIRX, Giáo sư Nhân chủng học, Ðại học Canisius
JO ANN BOYSTON, Giáo sư Ðặc biệt danh dự, Ðại học Southern Illinois
VERN L. BULLOUGH, Giáo sư Ðặc biệt danh dự, Ðại học Southern California
MATT CHERRY, Giám đốc Ðiều hành, Hội đồng Chủ nghĩa Nhân bản Thế tục
DANIEL C. DENNETT, Trung tâm Nghiên cứu Nhận thức, Ðại học Tufts
PAUL EDWARDS, Tổng biên tập, Từ ĐIểN BÁCH KHOA TRIếT HọC
JAN LOEB EISLER, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ðạo đức và Nhân bản Quốc tế
CHARLES W. FAULKNER, Ký giả, Nhà Tâm lý học
ADOLF GRUNBAUM, Giáo sư Triết lý Khoa học về Andrew Mellon, Ðại học Pittsburgh
THOMAS FLYNN, Giám đốc Ðiều hành, Ủy ban Tu chính Thứ nhất
PETER HARE, Giáo sư Triết học. Ðại học Tiểâu bang New York tại Buffalo
JAMES HAUGHT, Biên tập viên CÔNG BÁO CHARLESTON
REID JOHNSON, Chủ nhiệm, Trung tâm Phục vụ Viện Thẩm tra
RICHARD KOSTELANETZ, Tác giả
GERALD A. LARUE, Giáo sư danh dự Môn Nghiên cứu Kinh thánh, Ðại học Southern California
THELMA Z. LAVINE, Giáo sư Môn Robinson, Ðại học George Mason
PAUL B. MACCREADY, Kỹ sư, Sáng lập viên/Chủ tịch Công ti Môi trường Khí quyển - Aerovironment
TIMOTHY J. MADIGAN, Biên tập viên, Ðại học Báo chí Rochestor
MICHAEL MARTIN, Giáo sư Triết học, Ðại học Boston
MOLLEEN MATSUMURA, Hội đồng Giáo dục Khoa học Quốc gia, Berkeley
JEAN C. MILLHOLLAND, Giám đốc Ðiều hành danh dự, Hội đồng Chủ nghĩa Nhân bản Thế tục
R. LESTER MONDALE, Mục sư danh dự Hội Thiên Chúa Một Ngôi
JOE NICKELL, Hội viên Nghiên cứu Cao cấp, Trung tâm Thẩm tra
ANTHONY B. PINN, Giáo sư Chủ nhiệm Môn Nghiên cứu Tôn giáo, Phối trí viên Ngành Nghiên cứu Mỹ-Châu Phi, Ðại học Macalester
HOWARD RADEST, Cựu Hiệu trưởng, Học hiệu Văn hóa Ðạo đức
ARMAN A. SAGINIAN, Giám đốc Ðiều hành, CHÂN TRờI MớI
DAVID SCHAFER, Chuyên viên Nghiên cứu Tâm sinh học, Sở Quản trị Cựu chiến binh Mỹ (hồi hưu)
THEODORE SCHICK,Jr. Giáo sư Triết học, Ðại học Muhlenberg
WARREN ALLEN SMITH, Tác giả
VICTOR J. STENGER, Giáo sư Vật lý, Ðai học Hawaii tại Manoa
ROBERT B. TAPP, Giáo sư Giáo dục, Ðại học Minnesota; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nhân bản
RICHARD TAYLOR, Giáo sư Triết học
YERVANT TERZIAN, Giáo sư về David C. Duncan, Bộ môn Khoa học Vật lý, Ðại học Cornell
LIONEL TIGER, Giáo sư Nhân chủng học, Rutgers, Ðại học Tiểu bang New Jersey
LEWIS VAUGHN, Biên tập viên tạp chí FREE INQUIRY
IBN WARRAQ, Tác giả
NA UY
LEVI FRAGELL, Chủ tịch IHEU
BERNT HAGTVET, Phân khoa Khoa học Chính trị, Ðại học Oslo
TOVE BEATE PEDERSEN, Tổng Thư ký, Hội Nhân bản Na-uy
NAM TƯ
JOVAN BABIC, Khoa trưởng Phân khoa Triết học, Ðại học Belgrade
SVETOZAR STOJANOVIA, Giáo sư và Chủ tịch Viện Triết học, Ðại học Belgrade
NÊ-PAN
GANGA PRASAD SUBEBI, Thư ký, Hiệp hội Nhân bản Nê-pan
NGA
GARRY I. ABELEV, Trung tâm Nghiên cứu Ung thư N.N. Blokhin
YURI NIKOLAEVICH EFREMOV, Viện trưởng, Viện Thiên văn Sternberg, Ðai học Quốc gia Moscow
VITALII GINZBURG, Nhà Vật lý, Hội viên Viện Hàn lâm Khoa học
VALERII KUVAKIN, Giáo sư Triết học Nga, Ðại học Quốc gia Moscow
ALEXANDER V. RAZIN, Giáo sư Ðạo đức học, Ðại học Quốc gia Moscow
PHÁP
R.M. BONNET, Cơ quan Không gian Châu AÂu
JACQUES BOUREVESSE. Giáo sư Triết, Ðại học Pháp
JEAM PIERRE CHANGEUX, Giáo sư Thần kinh sinh học, Ðại học Pháp, Phòng thí nghiệm Thần kinh Phân tử, Viện Pasteur
GÉRARD FUSSMAN, Giáo sư, Ðại học Pháp, Paris
JACQUES LE GOF, Chuyên gia Văn minh và Văn học Pháp Trung cổ, ENESS
JEAN-CLAIRE PECHER, Nhà Thiên văn học, Ðại học Pháp; Viện Hàn lâm Khoa học
EVRY SCHATZMAN, Nhà Thiên văn học, Nguyên Chủ tịch Hội Vật lý Pháp; Viện Hàn lâm Khoa học
SI-RI
SADIK AL AZM, Giáo sư Triết học, Ðại học Damacus
TÂN TÂY LAN
BILL COOKE, Giáo sư Thỉnh giảng, Học viện Kỹ thuật Manakau
TÂY BAN NHA
JOSÉ M. R. DELGADO, Giáo sư Sinh học Thần kinh, Trung tâm Nghiên cứu Sinh học Thần kinh
ALBERTO HIDALGO TUNÓN, Giáo sư Xã hội học về Kiến thức, Ðại học Ovidedo; Hiệp hội Nghiên cứu Triết học
THỤY ĐIỂN
GEORGE KLEIN, Giáo sư và Trưởng Nhóm Nghiên cứu, Trung tâm Vi trùng học và U bướu, Viện Karolinska
THỤY SĨ
DIANA BROWN, Ðại diện IHEU tại LHQ ở Geneva
RUY W. BROWN, Sáng lập viên, Cơ sở Dân số Thế giới
TRUNG HOA
YOUZHENG LI, Viện Triết học, CASS, Bắc kinh.
ÚC
PHILIP ADAMS, Nhà báo, Nhà bình luận, Ðài Phát thanh Quốc gia.
JOHN ARTHUR PASSMORE. Giáo sư Nghiên cứu Lịch sử, Ðại học Quốc gia Úc; Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học.
J.J. C. SMART, Giáo sư danh dự, Ðại học Quốc gia Úc.
(Danh sách còn tiếp tục)
Chú thích của người dịch:

Phong trào Carvaka: Một trường phái theo chủ nghĩa duy vật của Ấn độ. Tương truyền được thành lập vào khoảng thế kỷ 6 trước Công nguyên, bởi một nhân vật có tên là Carvaka, đệ tử chân truyền của Brhaspati, người được qui cho là tác giả của Barhaspati Sutra. Cuốn kinh ấy bị thất lạc từ rất lâu và chỉ được biết tới qua những trích văn của nó trong những cuốn kinh về sau. Người theo Carvaka nhìn mọi sự, với tất cả những xuất hiện của chúng, là không chút nào thường tại; tất cả chỉ là sự biến đổi liên tục; thế nên bản ngã cũng chỉ thuộc tổng thể vô thường ấy, không hơn không kém. Ở thế giới bên kia không thiên đàng, không sự giải thoát, không tiểu ngã (atman). Tiểu ngã có nhập vào đại ngã (brahman) thì cũng chỉ như muối hoà tan trong nước. Tất cả chỉ là phân hủy và không thể nào tái tập hợp tính nguyên thủy. Vì thế, cách giải quyết khôn ngoan và duy nhất là ôm chặt lấy thế gian và cuộc đời này; sống hết mình nhưng với sự chủ động về mặt đạo đức để hành vi và thái độ thiện hảo mang lại nhiều hạnh phúc cho mình và cho mọi người.
Paul Kurtz, triết gia, giải thưởng Nhân bản, người thảo Hiến Chương Nhân Bản 2000 này. Ông tốt nghiệp Cử nhân Ðại học New York; Cao học và Tiến sĩ Ðại học Columbia; hiện là Giáo sư danh dự Triết học Ðại học Tiểu bang New York tại Buffalo. Ông là phát ngôn viên hàng đầu cho Chủ nghĩa Nhân bản Thế tục, tác giả 22 cuốn sách về các đề tài triết lý, dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Nhân bản. Ông sáng lập và là Chủ tịch Ủy ban Ðiều tra Khoa học Những Tuyên bố về Siêu linh (CSICOP - Committee for the Scientific Investigation of Claims of the Paranormal), Chủ tịch Hội đồng Chủ nghĩa Nhân bản Thế tục (Council for Secular Humanism), Giám đốc Nhà xuất bản Prometheus Books, Tổng biên tâïp Quí san Free Inquiry Magazine. Ông cũng là nguyên Ðồng Chủ tịch Hiệp hội Ðạo đức và Nhân bản Quốc tế (IHEU - International Humanist and Ethical Union). Paul Kurtz đồng thời là thành viên của Hiệp hội Hoa kỳ Thăng tiến Khoa học (American Association for the Advancement of Science); Chủ tịch Viện Quốc tế Chủ nghĩa Nhân bản (International Academy of Humanism).. Ông cũng là người đã thảo Hiến Chương Nhân Bản II (1973), Tuyên Ngôn Nhân Bản Thế Tục (1980) và Tuyên Ngôn Về Liên Lập: Một Ðạo Ðức Toàn Cầu Mới (1988).
Bản tiếng Việt Hiến Chương Nhân Bản 2000 được dịch từ toàn văn bản tiếng Anh "Humanist Manifesto 2000: A Call for a New Planetary Humanism" (Hiến Chương Nhân Bản 2000: Lời Kêu Gọi Một Chủ Nghĩa Nhân Bản Toàn Hành Tinh Và Mới).
Nó được công bố đầu tiên trong Quí san Free Inquiry, số Mùa thu 1999 (Fall 1999. Vol. 19 No.4), tại thành phố Buffalo, Hoa kỳ. Liên lạc: P.O. Box 664, Amherst, NY 14226. ÐT (716) 636-7571 Fax (716) 636-1733.
Sau đó, nó được xuất bản thành sách, cũng vẫn với tựa đề "Humanist Manifesto 2000: A Call for a New Planetary Humanism". Sách khổ bỏ túi, 76 trang, Nxb Prometheus Books, tháng 12 năm 1999. ISBN: 157392783X. Có thể đặt mua qua internet; truy cập humanist/manifesto.
Bản Hiến Chương này đã được dịch ra các thứ tiếng Ðức, Nga, Na uy, A rập, Pháp, Tây ban nha, Telugu (Nam Ấn) và nhiều ngôn ngữ khác.
Muốn có thêm thông tin và những ý kiến phản hồi về bản Hiến Chương, có thể lên mạng, vào địa chỉ www.secularhumanism/kurtz.
Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Muốn có thông tin và bản chính thức bằng tiếng Việt, cùng các công ước và thỏa ước phụ đính, có thể lên mạng, vào địa chỉ của Liên Hiệp Quốc www.un.org/rights