Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Tạm Thay Lời Kết: Vạn Nẻo Mây Tần

Ký ức Hoàng Xuân Sơn

Thêm một Ký ức tháng Tư từ bạn văn Hoàng Xuân Sơn từ Canada gởi đến Văn Việt.

Xin cảm ơn tác giả và trân trọng chia sẻ cùng các bạn.

Văn Việt

 

Những ngày u ám trước thời điểm 30/4/1975, cả bọn công chức chúng tôi trong Văn Phòng Phụ Tá Kế Hoạch/Tổng Cục Bưu Chính gồm có anh Đỗ Kỳ Quang đầu đàn (hiện cư ngụ ở Toronto – Canada), các bạn Lê Đình Thông (cựu nhà báo Độc Thủ, tiến sĩ, hiện định cư ở Pháp Quốc), Nguyễn Hoàng Dũng (Dũng còm, không biết tin tức), Lý Ngọc Châu (California?) và Nguyễn Thị Châu Triền (không rõ tin tức – người nữ thư ký duy nhất trong văn phòng) đứng ngồi không yên. Hết đi ra lại đi vào, lóng ngóng tin tức từ chính trường ngày càng bi thảm; từ chiến trường mỗi phút giây thêm tồi tệ. Cả bọn bàn tán xôn xao, hoạch định con đường… chạy loạn.

Từ sau khi hết làm cho Văn Phòng Tổng Trưởng Bộ Giao Thông và Bưu Điện (kỹ sư Trần Văn Viễn), tôi được chuyển sang phục vụ cho Tổng Cục Bưu Chính vào cuối năm 1971 dưới ngạch trật Thanh Tra Bưu Điện. Dù đã hết những ngày vàng son họp báo tụ hội với các bạn bên Dân Vận Chiêu Hồi, bù lại tôi được làm việc trong một văn phòng thu hẹp mà tất cả mọi người đối xử với nhau như người thân cật ruột. Phải nói anh Phụ Tá Đỗ Kỳ Quang là người rất có cảm tình và cởi mở. Hàng tháng, sau việc làm chung cật lực là những buổi xả hơi cùng nhau ăn uống trò chuyện thật là vui vẻ. Giờ đây mỗi người một nơi, đứt liên lạc, nhưng tôi vẫn luôn ghi nhớ mãi những ngày hoạn nạn vui buồn có nhau, và nhất là ghi nhớ tấm lòng cao quý của các bạn đã dành cho tôi mọi phương tiện để hoàn thành luận án hậu đại học.

Đếm từng ngày, từng ngày… Lý Ngọc Châu dặn: “Chừng nào nghe tiếng bấm chuông là nhào ra khỏi nhà đi liền nghe – xuống Bến Bạch Đằng có tàu lớn chờ ở đó!”. Nhưng rồi cái hẹn này cũng nhỡ! Cám ơn tấm lòng của bạn. Nhưng ruột rối tơ vò biết đàng nào mà gỡ!

Rạng sáng 29 tháng Tư, đùm đề một gánh thê nhi, cố chen lấn vào Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tìm một chỗ an toàn dung thân (nơi đâu?) theo bản năng thôi thúc của những ngày hoảng loạn. Mà rồi lực bất tòng tâm, con còn quá nhỏ bế trên tay, sợ xô đẩy một hồi chắc chẳng còn chút thịt xương. Thôi đành! Toại ơi Toại ơi Toại ơi… Ngậm ngùi nhìn bạn cùng bầu đoàn lọt được vào bên trong an toàn (Cửa đã đóng. Chốt đã khóa. Than ôi đạn đã lên nòng!). Thôi đành giã biệt. Đành quay về. Về đâu hỡi kẻ bên lề du mộng?

Ba Mươi Tháng Tư Bảy Lăm. Trịnh Công Sơn tất tả chạy ngang nhà Mạc Đỉnh Chi bấm chuông. Mặt hớt hơ. Và giọng hớt hải – Sơn Giang ơi mau lên đài hát Nối Vòng Tay Lớn! Lắc đầu. Tự nhiên lắc đầu (?!). Không. Thôi – Thôi anh đi một mình! Lố nhố xe jeep bên kia đường bộ đội có, thường phục đeo băng đỏ có, đưa tay ngoắc giục Sơn lên xe đi mau [1].

Ba Mươi Tháng Tư Bảy Lăm. Từng đoàn cán binh cộng sản rầm rập tiến vào Sài Gòn. Súng đạn vẫn còn rền vang khắp các ngả đường. Chia nhau: Giang bảo bọc phần mạ ở lại Mạc Đĩnh Chi cùng gia đình anh chị Phú /Thủy. Mình cùng vợ con trở về nhà nhạc phụ ở Cao Thắng. Trưa tang tóc ngật ngầy. Một mình trên gác xép. Lặng người nghe kẻ-sĩ-giờ-thứ-hai-mươi-lăm Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Kêu gọi rã ngũ. Tuổi trẻ ta chưa một ngày quân ngũ – Mà nửa đời bỗng nhớ chiến trường xưa! Tự nhiên khóc ròng. Khóc mùi mẫn. Tấm tức. Và khóc…

Ôi dòng nước mắt chy hoài

Dòng nước mắt đời đời

Giọt nước mắt thương ai

Ba Mươi Tháng Tư Bảy Lăm. Giờ này trên một góc bể lênh đênh… Toại ơi! Chắc cũng mủi lòng nghe đớn đau vỡ oà con sóng. Rừng núi giang tay nối lại biển xaNối lại? Mà có nối được đâu. Bỏ đi. Bỏ đi thật rồi. Toại Sơn… ơi…

Rồi sẽ không tìm ra nữa đâu

Ngày xanh ôm mặt nhật qua cầu

Quỳnh huơng một đóa vùi lau lách

Cồn xa cát lạnh biết nằm đau

Ngày lại ngày. Những chuỗi ngày bi thảm nối tiếp. Cơm độn. Khoai sắn ngút ngàn. Rách. Rách tả tơi. Lưu dung ôi lưu dung? Kẻ được tạm tha ngay trên quê hương xứ sở mình! Lăn lóc bụi-và-rác. Người và ngợm. Đứng chợ trời. Chà đồ nhôm (nói lái chôm đồ nhà), mại dzô! Cà phê vỉa hè chật phố. Lố nhố Đặng Tường Vy/Nguyễn Khắc Nhân/Huy Tưởng… Hoàng Trúc Ly kéo rít điếu cày méo xệch mồm. Ai như Từ Công Phụng thất thểu lê guốc mòn qua cửa Cái Chùa im ỉm đóng. Bùi Giáng chửi đổng. Thi ca lập nghiêm đi vào bãi rác. Và rồi bia hơi mù mắt. Say xỉn mịt trời cho quên đi tất cả.

Mặt đất bao la anh em ta về

Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng

biển xanh sông gấm - nối liền một vòng tử sinh

Một vòng sống chết thật nhưng đâu còn hoa gấm nữa Sơn ơi!

Trịnh Công Sơn được anh em bạn bè thân thương cũ dẫn độ về Huế làm công tác tư tưởng !!! Cửa vẫn khép chặt và không có con đường phía trước. Trịnh Công Sơn một thời phản chiến có lợi cho cộng sản, cho “công cuộc cách mạng” (theo quy kết của một số người) cũng chưa được đoái hoài. Tất cả mọi ca khúc Trịnh Công Sơn còn bị cấm lưu hành vào thời điểm đó là đằng khác! [2]

Và rồi mấy năm trời cũng miên trường điêu đứng theo cơn nín thở. Người bên ngoài đã xơ xác theo từng cuốc chạy miếng ăn bá thở. Người bên trong còn tồi tệ hơn: Trại tập trung mở rộng vòng tay lùa đám công chức quân nhân chế độ cũ, bị xưng danh là ngụy quân ngụy quyền, vào lò “cải tạo” mịt mù mút mùa lệ thủy. Đói khổ, bệnh tật và chết chóc. Ôi cái chết đau thương vô tình - ôi đất nước u mê ngàn nămNhững cái chết mỏi mòn trong vòng lao lý. Những cái chết dấp dí nơi nước độc rừng thiêng. Năm năm. Mười năm. Và ngày về mong manh tựa khói. Rồi khi chỉ còn xương da, những thân người tàn tạ được búng ra khỏi cổng trại giam. Như một lời bào chữa cho thương tật nhân quyền. Tha về nhỏ giọt. Chỉ có gông cùm là thỏa hiệp lâu năm với tội ác. Ừ thì về. Về thôi. Nhưng về đâu?

Ta về một bóng trên đường lớn

thơ chẳng ai đề vạt áo phai

sao vẫn nghe đau mềm phế phủ

mười năm, đá cũng ngậm ngùi thay

 

Vĩnh biệt ta. mười năm chết dấp

chốn rừng thiêng ỉm tiếng nghìn thu

mười năm mặt sạm soi khe nước

ta hóa thân thành vượn cổ sơ

...

Dưới ánh mặt trời thân phận rõ mồn một: đây là cõi dương gian hay miếu đền âm phủ?

Ta về nhang khói lắt lay

thôi âm hồn nọ

vẫn ngày dương gian

tả tơi một nắm hương vàng

cỏ xanh mồ mới

tro tàn cuộc yêu

Cuối năm 1980, có tin vui giữa giờ hoạn nạn. Tôi cầm được giấy xuất cảnh đi nước ngoài theo diện đoàn tụ gia đình. Trời Phật ạ! Chẳng qua là nhờ ông cụ nhạc tôi chạy vạy khắp nơi, mà rồi kết quả cũng không phụ lòng người. Mặc dù gia sản từ trên xuống dưới xem như trắng tay. Nhạc phụ nhạc mẫu tôi đã từng chạy nạn đỏ một lần nên tởn tới già. Số vợ chồng tôi chui nhủi dăm ba lần không xong, phải nhờ thầy xem quẻ (thế sự đảo điên, không tin vào quỷ thần, tin ai bây giờ?). Thầy bói toán bảo rằng: “Nhà ông mạng lớn, cứ ở yên đó có người đưa rước lên xe lên tàu; khỏi phải luồn lách chi cho mệt!”. Mà rồi lời thầy cũng ứng nghiệm thiệt. Xin tạ ơn trên! Xin bái lạy mười phương – khúc “trữa” độn mì khoai kinh niên), tôi đã “hồ hởi” quyết định rong chơi tháng ngày đợi giờ dứt tụ.

Khoảng năm 1979/1980, toàn thể gia đình Trịnh Công Sơn cũng dời Huế vào Sài Gòn, cư ngụ trong một ngôi nhà mới cất khá khang trang ở 47 C Duy Tân (có tin đồn công trình xây cất này là một tổ hợp giữa Trịnh Công Sơn/Khánh Ly và Phạm Nhuận?). Tôi không biết rõ, nhưng mừng cho gia đình anh Sơn thoát khỏi nhiều khó khăn trong cuộc sống ở đất Thần Kinh, nơi được mô tả là thí điểm đầu tiên trong quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Nam Việt Nam sau 1975.

Trịnh Công Sơn lúc này uống rượu nhiều, uống tợn, và trở nên nghiện rượu hạng nặng. Sáng sớm bảnh mắt chàng đã súc miệng bằng vodka sec. Và Trịnh Công Sơn cũng vẫn rít thuốc lá như điên, liều lượng có phần tăng thêm (người vẫn trung thành với Bastos xanh, cùng “gu” với Gaulois/Gitane của Pháp). Rượu/thuốc liên miên trường kỳ chắc hẳn đã gây nên tình trạng suy nhược trầm trọng cho đến cuối cuộc đời của anh. Phuơng chi Trịnh Công Sơn ăn rất ít hoặc không ăn lúc uống rượu!!!

Theo phong trào cà phê vỉa hè, Diệu/Ngân, các em gái Trịnh Công Sơn cũng mở một quán cà phê bỏ túi trước ngõ hẻm vào nhà. Nói là vì sinh kế thì cũng không đúng vì lợi lộc chẳng bao nhiêu. Quán, chắc cũng chỉ là cái cớ để làm nơi tụ họp bạn bè văn nghệ của Trịnh Công Sơn. Ở đó, tôi đã từng thấy Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Văn Tài… trở về trong lốt đồ bộ đội [3]. Tôi có nhận ra Tài, đưa tay chào, nhưng Tài nhìn tôi ngờ ngợ và lờ đi. Thôi thế cũng tốt. Có hề chi vàng một chút rong rêu phải không Phạm Nhuận?

Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ thiên tài. Điều này không ai chối cãi. Và phải nói “phía bên kia” từ dân chí quan đều mê nhạc Trịnh Công Sơn như điên, như điếu đổ. Sau một thời gian bị đì lúc đầu, đã tới lúc có nhiều khuôn mặt lớn văn nghệ, chính trị từ Bắc vào Nam tìm cách hội diện Trịnh Công Sơn: như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Phạm Tuân (Anh Hùng Vũ Trụ Việt Nam?), Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng… Nghe nói Trịnh Công Sơn được Võ Văn Kiệt (đương kim Bí Thư Thành Uỷ Sài Gòn và Thủ Tướng Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam sau đó), ưu ái và che chở hết lòng. Lúc này đây, Trịnh Công Sơn sinh hoạt với Hội Âm Nhạc Thành phố HCM (Sài Gòn cũ). Có các nhạc sĩ chính quy lẫn nằm vùng như Hoàng Hiệp, Phạm Trọng Cầu, Trần Long Ẩn, Trương Thìn… luôn lui tới. Và đặc biệt có nhà văn (?) Nguyễn Quang Sáng luôn luôn cặp kè bên Sơn; và hầu như ăn dầm ở dề trong nhà 47 C Duy Tân. Nhà văn cũ Lữ Quỳnh cũng thường xuyên xuất hiện bên Sơn.

Ở đó, lúc Cà phê Diệu, khi nơi nhà Sơn, dầu sao tôi cũng đã có được biết bao ngày vui trước khi xa lìa bến cũ. Ở đó không hẹn mà đến, hay nói theo tựa một cuốn phim Việt Nam thời bấy giờ: “Đến Hẹn Lại Lên”. Ở đó, cứ trưa trưa đợi chờ nhau ở Cà-phê Diệu, bia hơi từng can, từng can bày chật bàn. Và bắt đầu sẩm tối là những cuộc rượu thâu đêm suốt sáng (nhớ không anh Trịnh Quang Hà, rất vui hơn ba mươi năm sau gặp lại ở Sacramento). Ở đó, chúng tôi được dịp hát cho nhau nghe thả dàn những bản tình ca xưa cũ của Trịnh Công Sơn, của bằng hữu mà không phải núp lén, cảnh giác; cho dù “nhạc vàng” là một thứ cấm kỵ (có phải nhờ lá bùa Võ Văn Kiệt?).

Ôi bè bạn đông vui dường bao – Trịnh Công Sơn hát, Hoàng Xuân Sơn/Hoàng Xuân Giang duo, Hoàng Thi Thao, Nguyễn Công Bảo, Tường Vi… hát mời mọi người cùng hát theo. Và tuyệt vời làm sao khi nghe toán thanh ca nữ – do Phạm Trọng Cầu gầy dựng – gồm toàn các em tuổi trăng rằm hòa ca những sáng tác của mình, của người [4]:

Tiếng đàn hòa trong tim em - Hát nên khúc nhạc mới

Tiếng ca nóng bỏng như nắng hạ - Tiếng ca êm mát như suối thơ

Môi em cười như hoa thắm - Mắt nai tròn xoe đen láy

Và bài dao ca tiếng Pháp thiệt dễ thương qua nghệ thuật hát bè vững vàng của các em:

Le coq est mort – le coq est mort

Le coq est mort – le coq est mort

Il ne dira plus: cocodi – cocoda

Il ne dira plus: cocodi – cocoda

Cocodicodi – cocodicocoda . . .

Ở đó Đinh Cường sang sảng đọc thơ sáng tác liền tại chỗ, Trịnh Cung, Tôn Thất Văn gật gù. Tịnh, Hà luôn tay châm thêm rượu. Ở đó có anh bạn bụi đời Đức-lai-râu-quai-nón ôm đàn ứng khẩu hát những bài Blue/Jazz ray rứt nồng nàn. Và nhiều khuôn mặt dễ thương vây quanh: Bê, Chà, Huy, La Quang Thanh, Nhân, Lã Quý Trang, Khánh Trường, Bảo Yến…

Cũng từ không khí thắm đượm này, tôi đã viết được những dòng thơ làm nền cho tập Viễn Phố đầu đời được in sau này tại hải ngoại do nhóm Việt Chiến Toại-Tuyên-Hùng và bằng hữu ở Virginia/Hoa Kỳ chủ trương và hỗ trợ (1988).

Đêm ngập tràn âm thanh òa vỡ

nơi ta ngồi chuốc rượu thâu canh

đến với nhau những hồn đơn lẻ

bước lại gần, đêm bát ngát. Xanh…

 

Những trái tim nhớ thời đã mất

đêm bây giờ vẫn hẹn nghìn xưa

vẫn anh em chỗ ngồi thân thiết

tiếng hát cười vây những cơn mưa

 

Anh mất quê nhà ngay đêm nay

ngồi bên nhau tưởng xa bao ngày

anh biết mai này đi biệt xứ

hồn trở về không lúc rượu say?

Vâng! Cũng ở đó, trên căn gác trưa lặng thầm, chỉ mình Trịnh Công Sơn và tôi lắng nghe tiếng hát trầm, nhẹ như gió phẩy Tôi muốn hỏi tại saoTôi muốn hỏi những gì… của một người nữ mang tên Quỳnh Hương – cùng tên một khúc nhạc tình diễm lệ của Trịnh Công Sơn – ngồi ôm đàn dạo ca khúc hát đầu đời của mình. Để rồi một xô xát nhỏ xảy ra trước cổng nhà Duy Tân, khiến người nhạc sĩ ốm o của chúng ta đau lòng viết nên ca khúc Bên Đời Lặng Lẽ (Trong Nỗi Đau Tình Cờ):

Tôi đã yêu em bao ngày nắng

Tôi đã yêu em bao ngày mưa

Yêu em bên đời lặng lẽ

 

Tôi đã yêu em như trẻ thơ

Những sáng mênh mông tôi ngồi nhớ

Yêu em trái tim thật thà

Yêu đầy mùa nắng mùa mưa

 

Yêu trong nỗi đau tình cờ

Đâu ngờ tình gian dối quá

Khiến tôi chia lìa – những giấc mơ

Tôi đi trước. Mạ và Giang còn ở lại. Trong tâm cảm anh em ruột thịt sẽ chia lìa, Hoàng Xuân Giang viết nhiều ca khúc cảm động. Nhớ mãi một hôm gặp gỡ quán bên đường, có Sơn/Hà/Tịnh; có Nguyễn Ánh 9, có Cung Piano, có Vui Saxo… và nhiều bạn khác; Giang và tôi cùng hát Ngày Sau Sẽ Nhớ… Quên, một sáng tác của Giang:

Rồi đây xa xôi - mỗi người mỗi nơi

Biết tìm đâu những bạn bè thân quen

Một khi xa xôi - núi đồi biển sông

Sẽ là ai - lòng mỏi mòn trông theo

Rồi khi xa mãi - đất trời rộng thênh

Tiếng ai gọi ai nghe buồn tênh

Tới điệp khúc: Rồi đây sẽ cách xa - biết đâu đời có gặp - bạn bè những đứa quen - mất còn là những ai?... tự nhiên anh em nhìn nhau và cùng bật khóc. Mọi người chan theo cảm xúc ngùi ngùi. Và cùng rơi lệ. Ôi dòng nước mắt trong tim chy lai láng vào hồn - nửa đêm gọi đến mình.

Tôi bứt lìa xứ sở sang tạm cư tại thành phố Montreal - Gia Nã Đại từ cuối năm 1981. Con thuyền chao đảo rồi cũng cập bến bờ. Dòng sống hoán chuyển không ngừng. Biết bao đổi thay từ cuộc đổi đời không chờ đợi sau 1975. Điều an ủi không cùng là ở đời lưu xứ vật lộn, bươn chải mưu sinh rồi cũng thu vén được một mái ấm gia đình nho nhỏ vợ đảm con ngoan. Biết ơn dường bao người-nữ-bên-cạnh-cuộc-đời đã cùng sống, cùng thở theo nhịp đời nổi trôi.

Tháng năm dài nghiệt ngã

bàn tay em dịu mềm

vuốt ve nỗi buồn anh khốn khó

sáng hôm nay thức giấc một niềm vui không dưng

nhìn vợ con say ngủ

ta cảm nhận yêu thương tràn ngập bến bờ

mùi hương bếp núc đêm qua còn giữ lại

một tấm áo vắt ngang thành ghế

cũng mang đầy vẻ thiết tha trìu mến

làm sao diễn tả được

phút giây có mình trong mọi thứ

trong buộc ràng thê tử

từng góc bếp xó nhà

từng xót xa rung động

Và bạn bè. Những gạch nối khôn lìa tiếp liên đời sống. Quá đỗi vui mừng khi hội ngộ những thâm tình nối khố từ buổi hoa niên. Thương biết ngần nào Võ Thành Tân, Thân Trọng Mẫn, Liên Kỳ, Võ Công Liêm, Nguyễn Công Tư Đỉnh… Rồi Trần Hiếu Lai. Và nhất là Ngô Vương Toại. Hỡi Nhuận, hỡi Sử, hỡi Khê Kinh Kha… một thời sống chết có nhau. Rồi biết bao bằng hữu gặp gỡ sau này. Đông vô số kể. Hằng hà sa số. Từ trời Tây nối liền Bắc Mỹ. Từ Úc châu xa xôi kết thêm tình xứ lạnh. Bạn bè hỡi! Ngày ngày lóng ngóng tin nhau. Hỏi thăm sức khỏe nhau từng giây từng phút. Bảo trọng! Bảo trọng! Ráng nghe ôn mệ. Để mình còn “chộ” nhau. Để tâm nguyện lúc nào cũng có nhau. Cũng được gặp gỡ nhau bất cứ lúc nào trên mặt đất. Để cùng nhau nâng cao (không phải giương cao ngọn cờ); cạn chén tao phùng. Cho điệp khúc rộn ràng 1 2 3 chúng ta cùng dzô được rền vang mãi mãi. Hỡi ơi những lúc không có bạn, rượu “mình ênh” buồn như trấu cắn, chỉ làm tăng thêm mối buồn vô hạn.

Ta như con ngựa què mất cẳng

một dải yên cương bạn đã cầm

nào ai biết được đường đi thẳng

rồi cũng lui về phố tịnh tâm

 

Cái lạnh nơi đây dài muốn chết

nhớ những chiều mưa rượu uống càn

dăm bồ tửu. cụng quên trời đất

mấy cuộc vui buồn. giọng hát khan

Đôi lần trò chuyện văn nghệ với báo chí, tôi vẫn hằng thố lộ: Với tôi, bằng hữu là nguồn cảm hứng vô tận cho dòng bút mực viết nên. Nhiều người chỉ trích và né tránh con đường làm văn nghệ dẫn qua ngõ thù tạc. Tôi. Tôi không làm văn chương. Tôi thèm viết ra những tâm tình từ bạn bè và cho bạn bè. Có thế. Mặc ai nói gì thì nói. Ừ! Vui biết mấy khi đời về chiều gom được tất cả những gì viết cho bạn in chung một tập dưới tựa đề THÙ TẠC nhỉ?

Bạn tôi, nhà thơ Luân Hoán có lý khi níu được niềm vui giữa bằng hữu văn nghệ sống còn: Cứ áo thụng vái nhau đâu có chết con ma nào! Bạn văn Cao Vị Khanh cũng tâm đắc phương thức Sinh Niệm thay vì Chiêu Niệm, Tưởng Niệm hay Mặc Niệm gì đó. Ca ngợi bạn lúc còn sinh thời bổ ích gấp vạn lần một mai bạn khuất núi. Hà cớ gì phải chờ đợi tới khúc Bác Dương thôi đã thôi rồi… mới thốt nên những lời ai oán. Chết là hết. Phủi tay rồi nợ sông Hương… Ai nghe ai thấu cho cùng? Báo chí văn nghệ hải ngoại lâu nay cũng bắt đầu thực hiện được những số sinh niệm cho Võ Phiến, Kiệt Tấn, Nguyễn Mộng Giác (sinh và chiêu niệm)… Đó là một điểm son đáng khuyên.

Rồi cũng sẽ chìm trôi. Tất cả. Trịnh Công Sơn rồi nhắm mắt xuôi tay. Rồi Hoàng Xuân Giang, Hoàng Ngọc Tuấn… Và biết bao bằng hữu thân thương của một giai đoạn cực kỳ sôi bỏng nhưng rất chí tình dần dà ám hôn tan theo cùng cát bụi.

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai tôi về làm cát bụi

Ôi cát bụi phận này

Vết mực nào xóa bỏ không hay

Vết mực này. Mong vết mực này ghi lại được một chút thân thương, dù mỏng manh, giữa người còn sống và kẻ đã khuất. Điểu-Lộc-Yến, Nghiêu Đề, Ngô Mạnh Thu (giờ mới thêm Nguyễn Đức Quang) bên kia đường biên tái… Mai-Toại-Nhuệ Giang vẫn còn đó, một thời…

Ôi phù du - từng tuổi xuân đã già - một ngày kia đến bờ - đời người như gió qua .

Rồi ra, nghiệm thấy một điều. Chỉ xin nghiệm một điều: Bạn ơi! Lúc tuổi đã dần dà ám sương, dù đã bằng hữu hay chưa bằng hữu; hãy đến với nhau, nhìn ngắm nhau thân thiện. Hãy thăng hoa lòng tử tế. Và đừng nên nói với nhau những lời cay đắng. Để làm gì?

Viết xong ngày 12 tháng 9 năm 2007

Tại Laval Quebec - Canada

Cập nhật và sửa chữa trước khi xuất bản, tháng 4 năm 2013

Chú thích:

Thơ, văn, lời ca … trích dẫn (theo thứ tự xuất hiện) trong phóng bút này là của:

Trịnh Công Sơn, Hoàng Xuân Sơn, Dương Thiu Tưc, Hồ Đình Nghiêm, Duyên Anh, Nguyễn Đức Quang, Thanh Trang, Nguyễn Xuân Thiệp, Trần Dạ Từ, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Đình Chương, Truyện Kiều, Du Tử Lê, Nguyễn Bắc Sơn, Phạm Duy, Steve Addist, Nguyễn Bính, Trầm Tử Thiêng, Trần Thiện Thanh, Hoàng Ngọc Tuấn, Hoàng Xuân Giang, Tô Thùy Yên, Phạm Nhuận, nhóm Thanh Ca Dây Leo Xanh, Dao ca Pháp …

[1] Theo lời Trịnh Công Sơn kể lại, trong đám đông ấy có cựu sinh viên kiến trúc Nguyễn Hữu Thái, thuộc thành phần thứ ba, thân cộng.

[2] Nghe nói Trịnh Công Sơn có bị điều đi công tác tháo gỡ mìn bẫy thặng dư của cuộc chiến trên vùng Khe Sanh Lao Bảo?

[3] Nghe nói Lê Văn Tài bị lùa đi bất đắc dĩ theo cộng quân sau tết Mậu Thân ở Huế, chứ không chủ tâm thoát ly.

[4] Nhóm ca nữ trẻ này còn tiếp tục sinh hoạt dưới danh xưng nhóm Dây Leo Xanh (theo Trần Hiếu Lai). Một trong những người viết nhạc và trình diễn của nhóm này rất được Trịnh Công Sơn ưu ái là Bích Anh, tác giả của ca khúc Sợi Dây Leo Màu Xanh.