Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Những tháng năm cuồng nộ (kỳ 5)

Truyện của Khuất Đẩu

9.

Cuộc chiến chống giai cấp bóc lột được tiến hành theo hai bước. Bước thứ nhất là đấu lý tức là hỏi tội địa chủ. Bước thứ hai là đấu lực tức là bắt chúng đền tội.

Năm ngày sau cái đêm tìm vàng không có, người ta đem hai cái giỏ bội mạ xung quanh lót đầy gai bàn chải đến xúc hai vợ chồng ông tổng Bá khiêng đi như khiêng heo. Vẫn hai tấm thảm mẻ chai hãy còn những giọt máu khô đang chờ đợi họ. Lại thêm có hai cái hố tròn và trên cây xoài có hai cái thòng lọng.

Mấy cán bộ chẳng biết ở cấp nào đều mặc áo đại cán bốn túi. Hoá ra họ là những người đã giác ngộ đồng chí thủ ngữ Đực. Họ chỉ thiếu cái mũ cát két là giống hệt các đồng chí Trung Quốc anh em. Thủ ngữ Đực vẫn được ngồi bảnh choẹ trên ghế chủ tịch đoàn. Cả chục cây đuốc được các anh dân quân đứng cầm oai vệ. Lửa cháy phập phù. Vợ chồng ông tổng Bá như hai tội nhân ở cửa thứ mười của thập điên Diêm vương. Trong không khí nghiêm trang sặc mùi chết chóc ấy, bỗng dưng tên tôi được kêu lên:

– Lê văn Được , Lê văn Được đâu lên sân khấu có việc cần!

Lần đầu tiên tôi được gọi đích danh chứ không phải thằng Chó Đẻ như mọi khi. Tôi run bắn người, chẳng hiểu mình có tội gì. Tôi định chạy trốn thì có người nắm áo lôi lên. Tôi được đưa tới ngồi bên cạnh cô Thảnh và mấy cán bộ mặc áo đại cán. Mọi người há hốc miệng ra nhìn tôi, nhất là lũ trẻ con chẳng hiểu nổi vì sao một thằng phải bú sữa chó như tôi lại được ngồi bên cạnh những người mà mỗi lời nói của họ là một mệnh lệnh. Cả tôi cũng vậy, suýt đái ra quần vì sợ và kinh ngạc.

Đêm đấu lý bắt đầu.

Sau khi ông Khứ khúm núm xin ý kiến và được các cán bộ gật đầu, ông liền dõng dạc nói:

– Rõ ràng là vợ chồng thằng tổng Bá này quá ù lỳ ngoan cố. Năm ngày qua không nộp được một cân lúa. Tội của chúng mày là phải chết.

Ông ngước nhìn cái thòng lọng, mọi người hồi hộp nhìn theo tưởng chừng như có hai cái xác đang treo lủng lẳng trên đó. Đợi cho nỗi khiếp sợ ngấm sâu vào mọi người, ông Khứ lại nói tiếp:

– Tội chết đã rõ rồi phải không, thưa nhân dân?

– R….õ…

Một tiếng gầm đáp lại. Ông Khứ hả hê nói tiếp :

– Nhưng chúng mày chưa được phép chết. Chúng mày phải trả lời những tội ác của chúng mày trước nhân dân. Xin Toà hãy cho phép những ai đã từng bị nó hành hạ, áp bức bóc lột lên hỏi tội và được quyền trả thù.

Đồng chí thủ ngữ Đực nói như học thuộc lòng :

– Tòa đồng ý !

Lập tức có người bước tới trước mặt vợ chồng tổng Bá đang gục đầu chờ đợi. Đó là bà Năm hàng xáo (buôn gạo). Bà nói:

– Nó ác lắm. Khi bán lúa nó biểu tôi leo lên lẫm xúc lúa. Lẫm cao quá phải leo thang. Khi tôi leo lên được thì ở dưới nó cất thang. Nó ép tôi phải mua với giá thật cao, nếu không nó kêu chánh tuần tới bắt vì cái tội ăn trộm lúa.

Nói xong bà phun một bãi nước trầu vào giữa mặt. Nước trầu đỏ như máu chảy ngoằn ngoèo.

Người thứ hai là bà Dĩa. Từ trên ghế chủ tịch đoàn bước xuống. Bà vừa nghiến răng vừa dí tay vào trán bà tổng Bá :

– Con mẹ này ghen đáo để. Nó nghi chồng nó lấy tui. Lúc tui đang nấu cơm, nó lấy đũa bếp nóng dí vào háng.

– Thì bây giờ đè nó ra mà dí lại đi! Một kẻ nào đó nói xỏ xiên làm cho mọi người cùng cười ồ. Không khí bớt căng thẳng. Có tiếng của đồng chí thủ ngữ Đực :

– Tội của vợ chồng nó nhiều lắm. Chỉ có mấy chuyện vặt vãnh này thôi sao?

Trong khi mọi người nhìn nhau chẳng biết phải kể tội lão tổng Bá như thế nào để chứng tỏ là đã thấm nhuần chính sách, thì cô Thảnh đứng lên. Miệng cô nói: còn chớ, tay cô bất ngờ nắm lấy tay tôi dắt tới trước mặt ông tổng Bá. Cô nói:

– Hãy mở mắt to ra mà nhìn cho kỹ. Mày có biết thằng này là thằng nào không?

– Chó đẻ ! Chó đẻ !

Lũ trẻ con được dịp hò reo thích thú. Nhưng cô quát:

– Nó là con của mày. Tội ác của mày sờ sờ ra đấy. Mày chối tội à? Chị Chén đâu, mời chị ra đây.

Từ trong đám đông một người được đẩy ra. Đó là một người đàn bà chừng 40 tuổi. Bà ta thâp nhỏ và dường như nỗi sợ hãi trước đám đông làm cho bà ta loắt choắt như một đứa bé.

– Chị biết Lê văn Được chớ?

– Dạ biết.

– Chính chị đẻ nó ra?

– Dạ!

– Tại sao chị thả nó xuống sông?

– Dạ sợ làng bắt tội!

– Ai là cha nó?

– Dạ…

– Trước nhân dân chị cứ nói đi, chẳng việc gì phải sợ

– Dạ thưa ông tổng Bá!

– Sao chị lại có con với nó?

– Dạ …

– Sao?

– Dạ bị hiếp!

Vậy đó! Ai mà ngờ được ông tổng Bá là cha tôi và cái bà Chén em bà Dĩa kia lại là mẹ tôi! Cả làng như hoá câm trước cái sự thực quá bất ngờ. Người ta hết nhìn tôi đến nhìn ông tổng Bá rồi nhìn bà Chén. Nhiều người lắc đầu nghiêng tai nói thầm với nhau. Trước sự im lặng đầy ngờ vực ông Khứ lại gào lên :

– Đả đảo địa chủ! Và cả làng như nhảy dựng lên cùng hô: Đả đảo! Đả đảo!

Như thế ngoài cái tội trốn thuế, ông tổng Bá còn thêm cái tội hãm hiếp. Ông tổng Bá thề có trời đất chứng giám, ông không làm cái chuyện bậy bạ ấy. Nhưng cũng như cái khả năng về thuế nông nghiệp, người ta bảo ông có tội là phải có tội. Có điều cái tội của ông không phải là tội dâm ô ác đức như người ta thường nói mà là xúc phạm đến giai cấp đáng kính của bần cố nông. Bỡi vì hai chị em bà Dĩa chỉ có một cái nhà nhỏ như lỗ mũi và cả đời chỉ thay nhau làm bếp cho nhà ông.

Ngay khi biết được cái mầm sống của giai cấp bị bóc lột suýt bị chết đói nếu không có một con chó cái hy sinh lũ con để cứu sống, các vị cán bộ mặc áo đại cán đang ngồi lơ mơ vặt lông mũi bỗng vây lấy tôi rồi nâng lên khỏi đầu, hét lên như bắt được vàng:

– Hoan hô giai cấp vô sản!

– Hoan hô em bé dũng cảm!

– Đả đảo địa chủ gian ác!

Nhưng cô Sáu tôi bất ngờ từ trong đám đông lao ra như con chó cái của nhà ông hương bộ. Cô nói như ra lệnh:

– Thả nó ra! Chính nó là con tôi!

Cùng lúc cô tát như té nước vào mặt bà Chén. Cô gào lên:

– Mày là đồ rắn rít! Đồ cứt đái!

Chưa bao giờ tôi thấy cô hung dữ như lúc ấy. Ngay cả khi ông Khứ cho dân quân đến tịch thu mía, cô cũng không quyết liệt đến như vậy.

Cái màn đấu tố ông tổng Bá coi như bị bể dĩa. Cái mũ “hiếp dâm“ mà người ta định chụp lên đầu ông đã bị cô Sáu tôi lật ra ném xuống đất. Người ta liền dựng lên một màn khác. Lần này là cụ cử Vân. Cụ là người thực sự danh giá vì cụ đã đậu cử nhân, đã từng làm quan. Nhưng người ta bảo cái danh giá đó chính là tội ác. Tội của cụ là làm tay sai cho giặc và cho cả phong kiến.

Lần này là đấu lực. Đó là một đêm tháng mười một. Trời lạnh như cắt. Mưa lay bay nên càng lạnh thêm. Người ta không bỏ cụ vào bội mạ nhét đầy gai như vợ chồng ông tổng Bá mà để một người nắm chòm râu bạc dài tới ngực của cụ lôi đi như lôi một con trâu đã xỏ mũi. Đường đất trơn trượt, mấy lần cụ té ngã, nhưng không ai dám nâng dậy. Chẳng những thế ông Khứ còn kéo ngược cụ lên như nhổ một bụi mì.

Ra tới sông, người ta nhét cụ vào giỏ, từ trên cầu thả xuống nước. Đợi nước ngập tới cổ người ta kéo lên. Rồi lại thả xuống. Lại kéo lên. Cứ thế có đến chục lần. Trong ánh đuốc lập loè và trong gió bấc hun hút, cụ run lên bần bật giống như mấy con chó trong trận đại sát cẩu.

Rồi người ta lôi cụ ra khỏi giỏ. Cái quần sũng nước đứt dây tuột xuống. Cụ xấu hổ đưa tay định kéo lên nhưng một gã dân quân liền xỏ cây gậy vào giữa, nên cụ đành gục đầu mà đứng trần truồng trong tiếng cười ầm ĩ của bọn trẻ con. Thực khác xa với cảnh đăng khoa ngày nào. Sau khi nhận áo mũ của vua ban, cụ được hai hàng cờ lọng rước về làng trong tiếng trống nhạc tưng bừng. Giờ cụ bị điệu về không có lấy một miếng vải để che những chỗ đáng che, run rẩy bước đi giữa hai hàng gậy gộc của đám dân quân và giữa tiếng thét gào đả đảo.

Về đến nhà, cụ bị bắt quỳ giữa sân. Người ta hỏi trong bao nhiêu năm làm quan vơ vét của cải để ở đâu. Cụ không nói được và người ta cũng chẳng thèm nghe cụ nói, liền xông vào nhà. Ngưòi ta lục tung gối mền, đập vỡ các chậu cây cảnh, xé nát những cuốn sách mà cụ quý còn hơn vàng. Ngưòi ta lục lọi gần như suốt đêm thỉnh thoảng lại đến nắm chòm râu của cụ giựt ngược lên hỏi để đâu? Khi dã chán chê định bỏ về, thấy cụ nằm còng queo trên đất, ông Khứ liền đá một cái vào cái mông teo tốp, cụ vẫn nằm im. Ông ta lại nắm râu lôi dậy nhưng cụ vẫn quặt quẹo như bún. Lúc ấy người ta mới biết là cụ đã chết tự bao giờ!

Thế đấy, hết những đêm đấu lý là những đêm đấu lực. Sẽ không còn chửi rủa hỏi tới hỏi lui mà là đấm, là đá, là thoi, là đạp, là nện vào lưng vào đầu những gốc tre chẻ làm tư như cọc phòng không. Mỗi làng không chỉ một đứa mà hết đứa này đến đứa khác. Hết địa chủ thì đôn phú nông lên. Hết phú nông thì đôn trung nông bậc trên. Triệt hạ tất như xén hàng rào. Khi đó xã hội sẽ công bằng vì chỉ còn một giai cấp duy nhất là quần chúng lao động. Y như một sân đá bóng, chỉ trồng một thứ cỏ duy nhất và luôn luôn được cắt xén cẩn thận. Người ta tính ra trong làng có đến vài chục người. Thế là đạt và vượt chỉ tiêu!

Nhưng bỗng có lệnh: Dừng!

Chẳng phải vì thương địa chủ mà vì tập kết.

Đúng như ông Khứ và cô Thảnh nói, ta đã hoàn toàn chiến thắng. Cái chiến dịch Điên Biên Phủ xa xôi ở tận miền Bắc đã kết thúc trong thắng lợi. Thằng Pháp và Mỹ đã phải ngồi vào bàn hội nghị Giơneo và đã phải chia cho ta một nửa nước. Có điều cái phần được chia nằm ở phía bên kia sông Bến Hải nên bộ đội và cán bộ phải tập kết ra Bắc. Dĩ nhiên là tạm thời thôi vì hai năm sau có bầu cử và ta nhất định sẽ bầu cho cụ Hồ, tức là nhất định thắng!

Thế là người ta xoay ra dỗ dành. Nào là tuy hai năm nhưng chỉ có 14 tháng. Cán bộ đi rồi cán bộ sẽ về. Vì vậy phải kiên định lập trường. Không được mềm yếu ngã theo giặc. Không nộp thuế. Không đi lính. Không họp chợ. Không đi học. Khác hẳn với những đêm học tập phóng tay phát động quần chúng để đấu tố, cả ông Khứ và cô Thảnh đều ăn nói nhỏ nhẹ dịu dàng. Các vị lại ân cần trả lời những câu hỏi xóc họng mà trước đây dẫu có cho vàng cũng không dám. Chẳng hạn: Ai được đi? Ai phải ở lại? Tại sao được đi và tai sao phải ở lại? Hoặc là: thằng Tây có súng ngắn súng dài, có xe tăng đại bác còn nhân dân chỉ trơ khất có mỗi hàm răng… thì làm sao đấu tranh? Đấu tranh như thế thì biết tránh đâu!

Cả làng ai cũng cười vì ông phó Ba chêm vào một tiếng nói lái. Nhưng sau đó ai cũng hoang mang lo sợ. Suốt chín năm đả đảo, đánh trộm đánh lén. Giờ phải chường mặt ra với thằng Pháp thì biết sống làm sao đây? ai cũng mệt mỏi bơ phờ. Các anh dân quân ném gậy vào bếp làm củi đun. Cái loa thiết ông Tư Alô chẳng hơi sức đâu mà chỏ miệng vào. Ông phó Ba nói, tình trạng này giống như một đứa con gái lỡ dại, bụng đã phễnh ra rồi mà cái thằng xỏ lá quất ngựa chạy mất.

Nhà ông chánh nhạc tức cụ bầu Kiên là một nhà Cách mạng nên được đi cả nhà ngay cả thằng cu Thắng mới sinh. Mấy con dê không thể đem theo được thì giết thịt cho cả xóm coi như đãi một bữa cuối cùng. Ông Khứ được đem theo đứa con 10 tuổi, nhưng bà vợ phải ở lại vì cái bụng mang thai lặc lè. Bà vợ ông sợ xanh mặt mỗi khi nghĩ tới cái cảnh Tây nó thọc dao vào bụng lôi đứa nhỏ ra ngoài.

Nhưng tội nghiệp và buồn cười nhất là các vị đã được mời lên ngồi trên ghế chủ tịch đoàn. Ông phó Ba nói rõ ràng là ngồi chưa nóng cái đít chớ có lâu la gì mà giờ đây cũng phải són đái trong quần. Đồng chí thủ ngữ Đực dớn dác chạy đôn chạy đáo, quắn quít như chó lạc mất chủ. Gặp ông Khứ hỏi :

– Sao tôi không được đi?

– Trên bảo ở lại

– Trên là ai?

– Là cấp trên chứ là ai

– Đ … mẹ mấy thằng cấp trên!

Gặp cô Thảnh cũng hỏi :

– Sao dồng chí được đi mà tôi không được đi?

– Đồng chí phải ở lại.

– Để Tây nó cắt cổ à!

– Có nhân dân sợ gì!

– Đ … mẹ, tao đái vào cái nhân dân đó!

Còn hai chị em bà Dĩa thì thẫn thờ ngồi ôm nhau mà khóc. Hai bà không sợ thằng Pháp mà sợ vợ chồng ông tổng Bá. Ước gì chui được xuống đất!

Không còn ông Khứ. Không còn cô Thảnh. Không học tập. Không biểu tình. Không hoan hô đả đảo… quang cảnh trong làng buồn như cái bến sông lúc cô tôi sống một mình.

Sau những năm tháng làm quần quật, nào đào hầm vót chông, nào bắt sâu diệt chuột, nào dân công tải đạn, nào chống cái này diệt cái kia…Giờ người ta lại không biết việc gì làm cho hết ngày. Đàn ông sáng ra đồng rảo một vòng rồi xách cuốc về nhà vun mấy cái gốc mì sau đó lên võng nằm thở ra. Đàn bà sau bữa cơm khoai nhiều hơn gạo lại ngồi bắt chí cho nhau. Thỉnh thoảng đưa con chí đực lên miệng cắn nghe cái cốc. Đứa nhỏ lê la sau lưng kéo cái vú teo nhách dài thòng của mẹ ra, cố kiếm vài giọt sữa.

Ai cũng lóng ngóng lờ khờ, tóc xơ xơ, mặt tai tái, mắt vàng vàng. Cả làng như một dàn bò ngần ấy năm bị đét vào đít, chạy và chạy mịt mù nhưng vẫn không tìm ta đồng cỏ. Tối đến không nhà nào đỏ đèn ngay cả những nhà tạm gọi là giàu. Người ta thu mình trong bóng tối như những con vật bé nhỏ thu mình trong hang. Giặc Pháp chưa tới nhưng cái bóng hung ác của nó được ông Khứ và cô Thảnh tô đậm suốt chín năm làm cho mọi người ai cũng khiếp sợ. Giống như những đứa trẻ bị dụ vào rừng rồi bỏ mặc, một tiếng động nhỏ trong đêm tối cũng làm cho chúng khóc thét lên.

Những cành tre kẽo kẹt cọ vào nhau nghe như tiếng xích sắt của xe tăng. Gió hất cái vạt áo trên bụng, ai đó trrong đêm giật mình rú lên, cứ tưởng là bàn tay lông lá của giặc chạm vào. Không biết khi một tử tội chìa cái cổ ra chờ cái lưỡi dao có giống như những đêm ở làng lúc này không?

Đợi chờ! Đợi chờ! Đâu có phảỉ chỉ mấy trăm dân ở An Định mà còn cả triệu người của bốn tình Nam, Ngãi, Bình, Phú đếu sống trong thấp thỏm hãi hùng. Trong khi đó, ông Khứ và cô Thảnh cùng những đứa con ưu tú của Cách mạng đang đứng trên boong tàu Ba Lan thở phào nhẹ nhõm.

(Còn tiếp)