Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Cảm nhận tháng tư (phần 3)

III. Kẻ thù từ trong ta

Kẻ thù nguy hiểm nhất của đời người là chính mình (Lời Phật)

Xuân Thọ

Câu nói trên của Phật cũng nên hiểu là: Kẻ thù lớn nhất của một dân tộc, chính là dân tộc đó.

Quả vậy, gã Goliath trong câu chuyện này không những khổng lồ, mà còn đến từ sau lưng. Đó là điều làm cho chàng David Đức bất ngờ.

Lúc đầu, Đức chỉ muốn Khu chứng tích Sơn Mỹ (KCTSM) đưa đúng những sự thật về gia đình mình, từ bức ảnh hai anh em, đến cái tên của má bị thiếu. Những sự thật tưởng như hiển nhiên như vậy cũng làm anh mất khá nhiều thời gian và tâm lực. Dần dần Đức phát hiện ra rất nhiều sai sót trong quá trình liệt kê và thuyết minh các sự kiện. Là người tôn trọng sự thật, anh lần lượt vạch ra và chứng minh các điều sai trái, trong đó có những điều hoàn toàn không liên quan đến gia đình anh, ví dụ như truờng hợp của cô bé Đỗ Thị Nhựt, của anh lính da đen Carter, của bà Phạm Thị Phán v.v.

Càng dấn sâu vào công việc anh càng bị các cơ quan chức năng, từ giám đốc KCTSM, Phòng Văn hóa huyện, đến Công an tỉnh gây sức ép, đe dọa và tạo dư luận vu khống. Ngay cả việc vợ chồng anh ở lại định cư tại Đức đã bị thêu dệt thành hành động “Tỵ nạn chính trị”. Mọi lý lẽ và bằng chứng anh mang về đều bị coi là “âm mưu phá hoại”. Ngày 3.8.2010, Đức đã bị côn đồ hành hung ngay trên mảnh đất quê huơng, truớc sự chứng kiến của công an.

Đức vô cùng chua xót khi biết trong số công an theo dõi anh mỗi khi về nuớc, có những nguời từng là bạn, là đồng chí của anh.

Giả thiết những sai sót trong xử lý tư liệu của KCTSM chỉ xuất phát từ những tắc trách, cẩu thả, thiếu hiểu biết, hoặc thậm chí các danh sách khống chỉ là các tính toán cá nhân trục lợi tiền cứu trợ của các tổ chức cưu binh Mỹ, thì đó chỉ là những biểu hiện tiêu cực, thậm chí hèn hạ của một số cán bộ thừa hành thoái hóa. Như vậy khi có những nhân chứng sống từ cả hai bên, khi có các tư liệu lịch sử chỉ rõ các sai sót đó thì việc sửa đổi chúng cho đúng với sự thật đâu có thể khó khăn đến như vậy ? Việc gì phải sử dụng bộ máy chuyên chính để trấn áp một người chỉ muốn đòi lại các sự thật đơn giản như Đức?

Là nguời sinh ra trong gia đình cán bộ cách mạng nên Đức tin là hệ thống chính trị hiên hành sẽ giúp anh đòi lại sự thật. Anh đã gửi hàng chục tập tài liệu xác minh đến các cấp Tỉnh, Trung ương. Hiện nay Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Sở Văn Hóa Quảng Ngãi, một đai biểu quốc hôi phụ trách Hội khoa học lich sử Việt Nam đã có trong tay các tài liệu đó. Thậm chí cựu bí thư Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng và cả cựu chủ tịch nuớc Nguyễn Minh Triết cũng đã từng cầm tập hồ sơ đó trên tay.

Tất cả các nơi Đức đến gặp đều rất thông cảm, động viên anh kiên trì. Đức luôn hy vọng vào những lời khuyên đó.

Tôi nói với Đức rằng: Họ tỏ ra thông cảm với em vì biết em nắm sự thật. Họ có đủ kiến thức để hiểu điều đó, nhưng họ sẽ nhắm mắt để cỗ máy tội lỗi kia tiếp tục nghiền nát mọi hy vọng của em.

Đức chợt nhớ lại rằng, mỗi khi anh bị hành hung, bị gây khó khăn, mọi nơi anh gọi đến đều bận họp! Vị sử học gia kiêm đại biểu quốc hôi, tuy rất “tâm đắc” về các chứng cứ Đức nêu ra, hứa sẽ về Quảng Ngãi điều tra việc này, năm năm qua đã không hề ra tay.

David và Goliath trong Kinh Thánh đánh nhau một chọi một. Goliath Việt Nam có vô số đồng minh. Chúng che đỡ gã, kẻ bằng những chỉ giáo ngầm, kẻ bằng sự câm lặng đồng lõa. Cuối cùng thanh gươm mà David định dùng là luật pháp cũng đã nằm trong tay Goliath!

Chính quần thể Goliath này đã biến câu chuyện nhỏ, từ những tắc trách, từ những ấu trĩ, từ sự tham vặt của một vài cán bộ KCTSM, thành nỗi hổ thẹn của dân tộc, khi các bạn Mỹ và báo chí quốc tế biết đến cuộc đấu tranh đòi sự thật của Đức. Kẻ thù từ trong ta là vậy.

Phần 1 của loạt bài này đã cho thấy, từ lâu nguời dân Việt Nam và Mỹ đã không còn coi nhau là kẻ thù. Hai nhà nước Việt Nam và Mỹ đã bắt tay nhau từ 1995. Việt Nam luôn mong muốn trở thành đối tác chiến luợc của Mỹ. Mâu thuẫn cơ bản gây ra cuộc chiến tranh giữa ý thức hệ cộng sản và tư bản là quan hệ sản xuất đã không còn nữa: Việt Nam luôn đề nghị Mỹ nhìn nhận mình là nền kinh tế thị truờng. Tuy còn những khác biệt, nhưng Việt Nam sẵn sàng trải thảm đỏ đón người Mỹ vào để cam kết với họ rằng sẽ tôn trọng quyền tự quyết của công nhân, quyền lập công đoàn độc lập. Nếu người Việt nào nhắc nhở đồng bào mình về các quyền đó thì anh ta sẽ ngồi sau song sắt.

Việt Nam sẵn sàng ký mọi công uớc quốc tế về bảo vệ môi truờng, về bảo vệ trẻ em… Nhưng mọi nỗ lực của nguời dân, từ bảo vệ cây xanh Hà Nội, đến bảo vệ biển Miền Trung hoặc chống lại nạn ấu dâm, đều bị coi là “chống phá”. Nguời Việt thích chụp mũ nhau là “phản động”, là “nằm vùng”, thích dùng tội lỗi của người khác để biện hộ cho cái ác của mình. Tuy thích dùng mỹ từ “hòa giải”, nhưng nhiều người hay đem chuyện “nợ máu” ra để tính sổ với nhau.

Đó chính là những kẻ thù từ trong ta.

Người lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam đã 42 năm, trong khi tiếng súng của Trung Quốc mới ngừng cách đây 28 năm. Vậy mà từ 27 năm qua Trung Quốc trở thành đồng minh tốt nhất của đất nuớc này. Từ một “kẻ thù truyền kiếp” trong Hiến pháp 1982, nay Trung Quôc đã trở thành nhà thầu lớn nhất, nhà cung cấp tín dụng lớn nhất, nhà cung cấp hàng tiêu dùng lớn nhất cho Việt Nam. Rõ ràng những chính sách sai lầm khiến kinh tế, văn hóa, xã hội Việt phụ thuộc vào Trung Quốc là trách nhiệm của nhà nuớc. Nhưng việc hàng nhái, văn hóa phẩm rẻ tiền Trung Quốc tràn ngập các quầy hàng, việc hóa chất Trung Quốc phối hợp với thực phẩm độc nội địa chi phối mọi mâm cơm gia đình là hậu quả của lòng tham, của sự ti tiện trong mỗi con người chúng ta.

Người Việt khinh người Hoa như rác. Đâu đâu cũng thấy các bài viết đã kích nguời Hoa: nói to, chen lấn, ở bẩn, ăn trộm, vô cảm, vũ phu v.v. cứ như chúng ta đã văn minh hơn họ.

Một ông cán bộ cao cấp, người duy nhất còn lại được dân Đồng Tâm tin tưởng mời đến nói chuyện về những oan ức của họ gần chục năm qua mà lại hỏi một câu: Tôi đến bà con có bắt tôi không?

Người Việt luôn tự hào là thông minh, thông minh đến mức hễ thấy bất công, bạo ngược là tránh, để cho kẻ khác làm hoặc xúi họ đổ máu hộ mình. Những kẻ thông minh hơn thì luôn tìm ra lý do để biện bạch cho cái hèn, cái đểu của mình.

Tất cả đó đều là kẻ thù từ trong ta.

Quyển nhật ký của bác sỹ Đặng Thùy Trâm được cả thế giới biết đến nhờ những người đã gìn giữ nó. Đáng tiếc mọi người chỉ nhắc đến sỹ quan quân báo Whitehurst, là người đã nâng niu và đem quyển nhật ký đó về Việt Nam cho mẹ Doãn Ngọc Trâm. Không hiểu vô tình hay hữu ý, báo chí Việt Nam ít nhắc đến thượng sỹ quân lực VNCH Nguyễn Trung Hiếu, người có công nhất trong sự việc này. Chính Hiếu đã can lính Mỹ không được đốt quyển nhật ký.

Câu nói của Hiếu „Đừng đốt, trong đó đã có lửa rồi“ là biểu hiện của sự cao thượng, của lối sống văn hóa, rất đáng cho mọi người Việt học tập. Cũng vì vậy đạo diễn Đặng Nhật Minh đã lấy câu nói của thượng sỹ Hiếu đặt tên cho bộ phim „Đừng đốt“. Hành động của Hiếu có thể coi là một tiền đề cho hòa giải dân tộc ngay từ khi cuộc chiến chưa ngã ngũ.

Trong khi nhà nuớc Việt Nam đã bắt tay với các kẻ thù cũ là Mỹ hay Trung Quốc, thì câu hỏi: Cha mẹ (hoặc bản thân) làm gì truớc 30.4.75? trong bản khai lý lịch chính là kẻ thù từ trong ta.

Xuân Thọ

Cologne, ngày Đồng Tâm.