Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Thằng Cóc

Thái Sinh

Cóc là con út của cậu mợ tôi, lúc bé nó còm nhom lại ghẻ lở, mụn nhọt khắp người, hễ đứng đâu ngồi đâu là từng đám ruồi nhặng bay theo. Cậu mợ tôi chẳng thèm đặt tên cho nó, mọi người cứ gọi nó là Cóc, cu Cóc, thằng Cóc, gọi mãi mà thành tên.

Cu Cóc lớn lên chẳng mảy may buồn vì cái tên chẳng đẹp đẽ đó, xem ra nó có vẻ thích thú tự cho mình là cậu ông trời, bề trên của Thượng đế.

Năm cu Cóc lên mười thì cậu tôi mất. Cu Cóc đang học dở dang bậc tiểu học thì bỏ về giúp mợ tôi xay đậu, gánh đậu ra chợ bán. Được ba năm thì mợ tôi tái giá với một ông phó cối, hai người rủ nhau lên tỉnh mở hàng tạp hoá, lâu lắm tôi không thấy mợ về quê. Thằng Cóc lang thang ở với người này vài tháng rồi lại sang nhà kia nửa năm… Cứ thế nó lăn lóc như một nắm giẻ rách khắp mọi nhà trong họ tộc. Chẳng ai ưa nó, bởi nó vừa gàn dở, ương ngạnh của một người ít học lại pha chút láu cá của dân buôn bán cộng với sự hằn học của một kẻ bị bỏ rơi. Vì thế mà tâm tính nó dở điên dở khùng.

Các anh các chị của nó lần lượt ra đi, người lên tỉnh làm công nhân, người đi bộ đội rồi chuyển ngành… cuối cùng chỉ còn một mình nó ở lại làng. Nó được các anh chị chia cho một gian bếp và một ngăn chuồng bò. Nó bảo tôi:

-Đó là tất cả của nả mà cha ông để lại cho em…

-Nhưng chú vinh dự được giữ bát hương của ông, tổ tiên…

Cóc nhếch mép cười, thật không thể tả nổi nó cười hay nó mếu. Năm ba mươi tư tuổi thằng Cóc mới lấy vợ, vợ nó là con mụ Nở ở xóm Chùa. Đó là người đàn bà vừa lác lại vừa thọt, hơn nó gần chục tuổi, đã một đời chồng, miệng lúc nào cũng cũng đỏ loét cốt trầu. Thằng Cóc đục bức tường ngăn thông sang chuồng bò làm gian ngoài, nó bỏ hai ngày dọn dẹp, quét tước và chuyển bát hương đã nguội lạnh từ bao giờ ra đó. Nó bảo tôi:

-Từ ngày cha sinh mẹ đẻ đến giờ em chưa bao giờ cúng bái, đến cả việc thắp hương cũng chả biết thắp mấy nén. Anh bảo em khấn khứa như thế nào nhỉ?

-Anh cũng chịu, việc này các bác làm, đâu đến lượt anh. Nhưng thắp hương người ta thắp lẻ…

-Vậy hả? Thế thì em thắp chẵn…

Nói rồi nó đốt hai nén hương trịnh trọng cắm vào bát hương, tôi không thể ngăn nó được, bởi tính nó vẫn thế, gàn dở đến không thể nào hiểu nổi.

Nó cưới vợ được dăm tháng thì đuổi vợ về nhà mẹ đẻ. Đó là điều chẳng ai ngạc nhiên, bởi một kẻ như nó đến yêu tinh cũng không thể chịu nổi huống chi là người. Bẵng đi một dạo, hôm gặp tôi nó bảo:

-Hôm rồi em đặt Thầy một quẻ, Thầy bảo số em phải thờ. Mà thờ Thần Tình, thì mới có kẻ nối dõi tông đường, mới giữ được của nả…

-Thì chú cũng đang thờ đó thôi.

-Không! Số em thờ Thần Tình, anh hiểu chứ?

Tôi chả hiểu Thần Tình là gì. Sau đó ít lâu tôi ghé qua nhà nó chơi. Trước sân nó dựng một chiếc miếu nhỏ, qua bức mành trúc tôi thấy thấp thoáng một bức tượng phủ tấm nhiễu đỏ. Tôi mừng thầm, một người như thằng Cóc mà tin vào Thánh, Thần thế có nghĩa là tâm tính nó đã thay đổi, sẽ đỡ điên khùng hơn bây giờ.

Tết năm ấy, mẹ nó và tất cả anh chị em từ khắp nơi kéo về, họ thắp hương vái lạy sì sụp trước miếu. Thì ra, kể từ ngày thằng Cóc dựng miếu rước tượng về thờ cúng anh em nhà nó ai cũng ăn nên làm ra, người được xuất ngoại, người trúng xổ số…, tất cả đều “Nhờ cậu út ở nhà chăm sóc bàn thờ tổ tiên”.

Bữa ấy thằng Cóc uống rượu như uống nước, toàn rượu hảo hạng: Luých, Uytki, Napoleon… của mọi người mang về.

Nó chệnh choạng bước ra sân, tới bên miếu khẽ vén tấm mành lên với gương mặt nghiêm trang đầy vẻ bí mật. Nó kính cẩn đốt mấy nén nhang cắm vào bình hương rồi quay lại nhìn mọi người một lượt, nâng pho tượng phủ nhiễu đỏ dâng lên ngang mặt. Mọi người cúi rạp xuống vái lạy lia địa.

Thằng Cóc đột nhiên hất tấm vải ra khỏi pho tượng khiến mọi người vô cùng kinh ngạc, bởi trên tay nó là một thỏi đất giống cái chày, nom chẳng ra hình thù gì. Nó ngửa cổ lên trời cười sằng sặc.

-Thờ cái gì thì cái đó trở nên linh thiêng. Bố khỉ! Thật là nhảm nhí! Thật là vớ vẩn!...

Thằng Cóc ôm thỏi đất bước liêu xiêu ra ngoài ngõ, nó đi về phía bờ sông, vừa đi vừa nói lảm nhảm. Bọn trẻ con lốc nhốc chạy theo, thỉnh thoảng thằng Cóc dừng lại giơ thỏi đất lên dứ dứ vào bọn trẻ:

-Tiên sư bố chúng mày, Thần đấy, Thánh đấy. Cầu một đằng được một nẻo… Chúng mày không tránh ra ông đập vỡ sọ cho bây giờ…

Chiều ấy thằng Cóc ra đi không bao giờ trở lại. Nó đi với vị Thần Tình trên tay. Tôi nghe nói nó đi giúp các làng khác lập miếu thờ.

Tháng 9-1993 (Rút trong tập Thuyền lá)