Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Giáo dục công lập - Công nghệ Giáo dục và nhóm Cánh Buồm

 

(GDVN) - Cánh Buồm hoạt động theo những nguyên lý của Công nghệ Giáo dục – và làm đầy đủ và triệt để những điều CNGD chưa làm, chưa chịu làm, và chưa làm được.

LTS: Nhà giáo Phạm Toàn gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết tiếp theo của ông, chia sẻ về cách làm giáo dục của nhóm Cánh Buồm đặt trong mối quan hệ so sánh với giáo dục công lập và Công nghệ Giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Tòa soạn trân trọng gửi đến quý bạn đọc bài viết này. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Phạm Toàn

Mở đầu – Ba thực thể Giáo Dục

Bài viết này không nhằm kể lể thành tích để “vinh danh” hoặc “ca ngợi”… 

Bài viết này để so sánh ba cách làm việc của ba thực thể: Giáo dục công lập (GDCL), Công nghệ Giáo dục (CNGD), và của nhóm Cánh Buồm. 

Một thực thể Giáo dục nói ở đây là một tổ chức nhận trách nhiệm chỉ ra và tổ chức hệ thống giáo dục quốc dân.

Cách làm việc của một thực thể được tìm thấy trong hệ thống lý thuyết nó theo đuổi và gây dựng, và cả trong hệ thống kỹ thuật nó tìm cách triển khai trong thực tiễn giáo dục của nước nhà.

1. Giáo dục công lập

Bài này chỉ bàn tới nền Giáo dục Việt Nam kể từ năm 1975. Đó là thời kỳ bắt đầu xây dựng nền Giáo dục Việt Nam theo hướng hiện đại hóa. 

Thực thể giáo dục nào cảm nhận được xu thế hiện đại hóa và có năng lực tổ chức nền Giáo dục Việt Nam theo hướng hiện đại hóa đó, thì mới mong chạm tay vào sự thành công. 

clip_image002

Nhà giáo Phạm Toàn, ảnh do tác giả cung cấp.

GDCL đứng trước hai việc: thống nhất hai hệ thống giáo dục – hệ miền Nam 12 năm với hệ miền Bắc 10 năm – thành một hệ thống 12 năm. Công cuộc thống nhất này không gây xáo trộn lớn.

Học sinh miền Bắc hả hê vì được học nhiều hơn, đầy đủ hơn. Học sinh miền Nam chỉ thấy sự thay đổi nội dung các môn khoa học xã hội “mới mẻ” mà các em vô tư chào đón.

Liền đó, GDCL bắt tay ngay vào cuộc cải cách giáo dục đầu tiên được áp dụng từ năm 1980, với ấn tượng đầu tiên là cải tổ cách học Tiếng Việt ở Lớp 1. 

Cuộc “cải tổ” ở Lớp 1 này cũng trùng với việc nhập cuộc của Công nghệ Giáo dục bắt đầu từ năm 1980.

Và “trận chiến tranh hùng” dường như thể hiện rất rõ ở hai cách học ngay từ Lớp 1 giữa hai bên: GDCL với sách Học Vần “Con gà” – và CNGD với sách Tiếng Việt Lớp 1 “ngữ âm học”. 

GDCL bảo vệ sách “Con gà” với những yếu tố được nhấn mạnh: cách học tổng thể (global) gần giống với cách học của phương Tây (nhấn mạnh vào đọc trước phân tích sau) bị phe CNGD chê là “học không có ý thức”, không lợi cho tư duy.

Phe GDCL “cãi lại” rằng: “trẻ em Việt Nam đói chữ, không đói tư duy”. 

Sách Học Vần “Con gà” chủ trương học sinh viết theo lối chữ in và chuyển sang cách viết đơn giản nhất có thể (phương Tây gọi là “écriture script”).

Phe CNGD lại được dịp công kích là lối chữ viết “giật cục”, “như đi duyệt binh” để quay về củng cố lối chữ viết “đẹp”, mà về sau chính GDCL cũng “quy hàng” và dùng để cổ vũ phong trào “Nét chữ Nết người”. 

Phe CNGD bám vào một con số và giáo sư Hồ Ngọc Đại thường dẫn ra để trách phương pháp học của sách Học Vần “Con gà”: năm học đầu tiên của cải cách giáo dục có 1 triệu học sinh Lớp 1 GDCL bị lưu ban. 

Trong khi đó, học sinh Lớp 1 trường thực nghiệm CNGD năm học đầu tiên 1978-79 cũng mất một năm rưỡi mới học xong Tiếng Việt Lớp 1 “ngữ âm học”. 

2.  Công nghệ Giáo dục

Chỗ khác nhau giữa GDCL và CNGD được thấy rõ nhất ở điểm này:

clip_image004

"Vợ bạn tôi được ông Nguyên Hồng dự giờ và cũng được ông khóc đấy!"

(GDVN) - Nhà giáo Phạm Toàn kể cho bạn đọc nghe câu chuyện một gia đình truyền thống làm thầy khiến ông luôn phải nghĩ và các việc ông đang làm cho giáo dục nước nhà...

GDCL không có ai xuất hiện công khai nhận trách nhiệm về mọi điều sai hoặc đúng. Ngược lại, CNGD bao giờ cũng có người tự nhận là đứng đầu, khởi xướng và chịu trách nhiệm: Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Ngọc Đại.

Tiếp theo điều khác nhau đó, hai thực thể GDCL và CNGD còn khác nhau ít nhất ở những điểm sau:

Trong khi giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ trương và tuyên bố rõ ràng: nền GDCL cần được “giỡ ra làm lại từ đầu”[1], thậm chí nước ta “vẫn chưa có trường sư phạm” [2], thì GDCL rất loay hoay về Hướng đi và Cách làm [3].

Thậm chí nhiều khi (như vào đầu những năm 2000) đã tung ra bộ sách và chương trình có mã CT-2000 mà sau đó vẫn còn bàn cãi xem đó là “thay sách” hay đó là “cải cách”. 

Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã lập ngôn mạnh mẽ cả trên báo chí và các diễn đàn các loại [4] thì GDCL vẫn giữ im lặng và hành động lặng lẽ.

Khẩu hiệu Giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm được CNGD cụ thể hóa thành Đi học là hạnh phúc – mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui và sau năm 2000 thì cụ thể hóa niềm vui đó được thấy trong chất lượng học: Được học thì học được.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại không chỉ dừng lại ở lập ngôn, ông còn mở trường thực nghiệm, “như cái van xả” để chữa những gì còn chưa đúng và tạo ra một hệ thống “đúng nhất có thể” trước khi đưa ra đại trà.

Hệ thống trường thực nghiệm GDPT này đi theo định hướng Phát triển – Chuẩn mực – Tối ưu mà thực chất chỉ cần khẩu hiệu “phát triển” là vừa đủ.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại hình như chỉ có một sai lầm hoặc khuyết điểm gửi trong chủ trương có vẻ như rất đúng của ông: Nắm chắc – Thả nổi. 

Nghĩa là cái gì ông nắm chắc thì làm triệt để (điển hình là bộ sách Tiếng Việt Lớp 1 CNGD và việc triển khai ra 43 tỉnh và thành phố từ năm 1984 đến năm 2004).

Còn những gì chưa “ăn chắc” thì thả nổi (rất nhiều dẫn chứng, từ sách giáo khoa các lớp tiếp theo Lớp 1 đến chương trình và sách cả bậc học Tiểu học, Trung học).

3.  Nhóm Giáo dục Cánh Buồm

Nhóm Giáo dục Cánh Buồm “rủ nhau” thành lập nhân một công việc tình cờ: tháng 8 năm 2009, CNGD “thuê” một cộng sự lâu đời trong hai tuần lễ huấn luyện hai mươi giáo viên mới ra trường (có người đã có việc làm trong ngành) về cách triển khai môn Tiếng Việt ra diện rộng. 

Mục đích của việc này hình như để làm cho một Dự án Giáo dục miền núi. Sau hai tuần huấn luyện, Dự án không ra đời, tất cả giải tán.

Một số học viên gắn bó hơn cả đã cùng huấn luyện viên rủ nhau lập ra một nhóm biên soạn sách giáo khoa tiểu học. 

Người thành lập nhóm Cánh Buồm, Phạm Toàn, tự nhận thấy mình là học trò trung thành của giáo sư Hồ Ngọc Đại, chủ trương đưa nhóm Cánh Buồm hoạt động theo những nguyên lý của Công nghệ Giáo dục – và làm đầy đủ và triệt để những điều CNGD chưa làm, chưa chịu làm, và chưa làm được. 

Nhóm Cánh Buồm từ bỏ cách Nắm chắc – Thả nổi và chủ trương làm hết, làm triệt để, mà kết quả thấy rõ chính là đóng góp của bộ sách Tiếng Việt và Văn từ lớp 1 đến hết lớp 9.

Riêng sách Tiếng Việt cho trẻ Mầm Non chưa ra mắt kịp năm 2016 vì còn chờ qua thử nghiệm.

Nhóm ra mắt tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội trong cuộc Hội thảo “Hiểu Trẻ em – Dạy Trẻ em” tối 25 tháng 11 năm 2009, với cốt lõi là giới thiệu cuốn sách Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục mà điểm nhấn là trục ba nhà tâm lý học Jean Piaget, Vygotsky, và Hồ Ngọc Đại. 

Cuốn sách đã không úp mở coi Hồ Ngọc Đại ở Việt Nam là chốn hợp lưu của một sự nghiệp Giáo dục hiện đại rất cần thiết cho đất nước này. [5]

Nhóm cũng soạn ra một đề cương xây dựng nền Giáo dục hiện đại hóa cho nước nhà, được công bố vào cuối năm 2011. [6] 

Nhóm Cánh Buồm vừa làm, vừa dùng thử các tài liệu đã soạn, cùng sử dụng các diễn đàn có thể có để trao đổi, sửa chữa, điều chỉnh, sao cho các sản phẩm của mình đỡ sai sót nhiều nhất và dễ phổ cập nhất.

Các thành tựu của nhóm Cánh Buồm có thể tòm tắt như sau:

Đóng góp về lý thuyết: xác định triết lý Giáo dục là Tự học – Tự giáo dục nhằm đào tạo những thanh thiếu niên có năng lực tự học, tự lập, tự nên người. 

Đóng góp về kỹ thuật: xác định quy trình tự học hai môn học khó nhất là Tiếng Việt và Văn. 

Đóng góp về tổ chức: kiến nghị về nhiệm vụ bậc học, về tổ chức tự kiểm tra và đánh giá kết quả học tập.

Thực thể giáo dục Cánh Buồm mang niềm tin và tinh thần trách nhiệm đóng góp vào công cuộc Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở Việt Nam mới được châm ngòi năm 2017.

Tài liệu tham khảo:

[1] Hồ Ngọc Đại, Tâm lý học dạy học, nxb Giáo dục, Hà Nội, 1982, tái bản nhiều lần.

[2]  Hồ Ngọc Đại, Bài học là gì, nxb Giáo dục, Hà Nội, 1985, tái bản nhiều lần.
[3]  “Hướng đi – Cách làm” là tên gọi các cuộc sơ kết công việc của trường thực nghiệm Giảng Võ với mục đích quảng bá CNGD ra ngoài.
[4]  Có lẽ bài báo đầu tiên gây ấn tượng sau khi Hồ Ngọc Đại từ Liên Xô (cũ) về nước năm 1976 là bài Trẻ em là trẻ em trên báo Phụ nữ (?). Dù không tìm được tài liệu, nhưng tên bài báo cũng đủ tạo nhiều gợi ý ở một xứ sở chưa có định nghĩa trẻ em một cách khoa học.
[5]  Phạm Toàn, Hợp lưu các dòng tâm lý học giáo dục, Giáo dục, 2004, Tri thức tái bản 2008. Bạn có thể đọc bài giới thiệu sách rất công phu của Tiến sĩ Vũ Quang Việt tại đường dẫn này:

http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:wX76YuLouJIJ:www.tapchithoidai.org/ThoiDai15/200915_VuQuangViet.htm+&cd=1&hl=en&ct=clnk&gl=vn

[6]  Nhiều tác giả, Một nền Giáo dục Việt Nam hiện đại (Kỷ yếu Hội thảo Tự học – Tự Giáo dục), Tri thức xuất bản, Hà Nội, 2011. Bạn cũng có thể chép tài liệu này tại trang canhbuom.edu.vn tại mục Sách mở

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-duc-cong-lap--Cong-nghe-Giao-duc-va-nhom-Canh-Buom-post174552.gd