Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2025

Thay lời tựa

 [Cho cuốn Lê Bá Đảng, cuộc đời và tác phẩm. Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh - Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, 2024]

Thụy Khuê

 

Đại Nam liệt truyện mô tả Quang Trung: “Tiếng nói như tiếng chuông lớn, mắt sáng nhoáng như chớp... người đều sợ cả... Ra trận tất thân phải đi trước tướng sĩ, hiệu lệnh phải nghiêm ngặt, rõ ràng, bộ khúc đều có lòng mến phục cả.

Trong hơn hai mươi năm gần gụi họa sư Lê Bá Đảng, tôi thường tìm xem ông có quý tướng gì?

Đó là cặp lông mày mà ông rất ghét. Lông mày ông có hai lớp, lớp trên rậm đen, ra lệnh, lớp dưới mềm nhạt, nhận lệnh. Khi vui, lông mày rung động, khi giận lông mày chẻ hai. Tất cả lộ ra ở đấy. Đôi mắt cực sáng có ánh khoan dung khi chiếu vào người khác. Mắt cười trước khi tiếng cười sảng khoái cất lên quét hết những đớn đau, tục lụy. Tôi tưởng tượng tiếng cười Lê Bá Đảng giống như tiếng chuông trong thanh âm tiếng nói Quang Trung.

Lê Bá Đảng,

Người ấy, đã bước trên mọi đàn áp để lập thân.

Người ấy, đã bạt phá thành trì nô lệ của chế độ thực dân để trở thành danh họa nhân bản của thế giới.

Người ấy, trong những sáng tác đầu tiên, đã biểu lộ tinh thần bất khuất.

Người ấy, đã đem chuông – Không, đem tài năng đi “đánh” nước người.

Người ấy, tính nóng như Trương Phi. Chín mươi tuổi còn lái xe trên đường phố Paris, vượt các xe khác, miệng xỉ vả những thằng đi ẩu.

Người ấy, trước một buổi khai mạc triển lãm Không gian trịnh trọng, bỏ về, vì có điều trái ý, mặc quan khách và cử tọa đến từ nhiều nơi trên nước Mỹ, trơ vơ.

Người ấy, giận vợ, ra thẳng phi trường lấy máy bay về Việt Nam, không hành lý.

Người ấy, đuổi khách mua tranh ra cửa vì dám mặc cả.

Nhưng biết bao lần, người ấy, đã cho tranh những kẻ không tiền mà yêu nghệ thuật.

Người ấy, ngang xương trả lời câu hỏi tò mò của một vị chức sắc: “Anh vẽ mắt ai đó?” – Mắt đảng đấy.

Người ấy, nói thẳng, nói thật, làm những chuyện khác đời, bởi vì trên Lê Bá Đảng, ngoài trời cao, không còn ai nữa.

Lê Bá Đảng đã xác định chỗ đứng một nghệ sĩ Việt Nam trong làng hội họa và điêu khắc thế giới, bằng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Dường như ông đã hiểu được lẽ sinh tồn của vạn vật trong vũ trụ, ông lại có khả năng sử dụng mọi chất liệu, kể cả không, hình với bóng, và ông đã nắm được bí mật của sự giao thoa giữa ba địa hạt: hội họa, hình họa và điêu khắc, để có thể tạo ra bất cứ tác phẩm nào mà ông mường tượng.

Tiên phong trong nghệ thuật sắp đặt (installation art), năm 1978, Lê Bá Đảng dàn dựng phông cảnh di động cho tuồng Opéra Mỵ Châu Trọng Thuỷ. Năm 1999, ông sáng tạo chủ đề Mặc áo cho cây, với những tác phẩm để treo trên cành. Ông hoạch định những dự án sắp đặt tác phẩm nghệ thuật ngoài trời, trên Sóc Sơn, dưới dòng Hương, trên đồi Vọng Cảnh, ông vẽ tranh mô tả một Bảo tàng thiên nhiên trên dãy Trường Sơn...

Không thể đếm được số tác phẩm của Lê Bá Đảng, ví dụ chỉ riêng về tranh Thiền, ông đã sáng tạo cả trăm mặt Phật hoàn toàn khác nhau, mỗi bức là một nhân cách, một hình thái, một màu sắc, một nội tâm...

Lê Bá Đảng còn là một nhà văn tài tử. Khi không vẽ, ông viết.

Phần Lê Bá Đảng viết hoặc nói, đều là những tư liệu lần đầu tiên được in ra trong sách này.

Mấy mươi năm - Một chặng đời nghệ sĩ, viết năm 1996, là bài hồi ký phác thảo hành trình một thiếu niên đầy khát vọng phiêu lưu, sau trở thành danh họa, cũng là bài tiểu sử tác giả do chính tác giả viết ra; soi sáng nhiều chi tiết về cuộc đời ông. Cách viết bộc trực, không văn vẻ, không son phấn, lộ nguyên chất ròng của một đời sáng tạo đầy chông gai và phản trắc.

Hai bài Nói chuyện với Lê Bá Đảng của Thụy Khuê, thu thanh ngày 10-6-1996 và 11-7-1996, được ghi lại hầu như toàn bộ trong sách này: họa sư bộc lộ cho biết những thủ pháp tạo hình của một người tìm tòi, sáng tạo không ngừng trong ba phần tư thế kỷ. Lê Bá Đảng thuật lại thời hàn vi, việc học làm tranh thạch bản, những “bí quyết” nghề nghiệp, nguyên nhân nào thúc đẩy ông tạo ra hai thời kỳ nghệ thuật chính: Tấn tuồng nhân loạiKhông gian Lê Bá Đảng cùng với Mộng ước thực hiện những Bảo tàng Thiên nhiên trên đất nước.

Những mẩu ký trong tập Chuyện tào lao (tên do ông đặt) cho thấy Lê Bá Đảng còn là một nhà văn hiện thực châm biếm, phản ánh không khí thời thơ ấu, với chân dung tự họa đứa trẻ nghịch ngợm phá phách, coi trời bằng vung, leo lên bàn thờ Phật chỗm chệ ngồi, sau này sẽ là người vinh danh đức Phật, qua mọi hình thức nghệ thuật.

Độc giả sẽ tìm thấy ở đây những tài liệu quý giá bao trùm nhiều khía cạnh của một nhân tài, do chính họa sư cung cấp, khiến những người muốn học hỏi ông, có thể trực tiếp nói chuyện với ông, mặc khoảng cách không gian và thời gian.

Cùng với tác phẩm nghệ thuật và bản thảo văn chương của Lê Bá Đảng, chúng tôi cũng trao lại bảo tàng lưu giữ:

- Những âm bản (matrice) đồng, sắt, thiếc... để làm thủ ấn họa. Bảo tàng sẽ chủ động chia sẻ với trường đại học Mỹ thuật, giúp sinh viên trong việc tìm tòi học hỏi.

- Những băng cát-xét ghi âm các buổi nói chuyện với họa sĩ từ 1996 đến 2006, nhân dịp khánh thành những công trình lớn của ông, vì giới hạn thời gian, nên chỉ một phần nhỏ được phát thanh trên đài RFI.

- Những thư từ viết tay hay đánh máy riêng tư, do ông viết, cùng những đơn từ hành chính mà tôi đã có phần đóng góp.

- Thư từ của Myshu Lê Bá Đảng viết cho chúng tôi trong nhiều năm tháng, chứa đựng những thông tin về các chuyến đi và về cuộc đời ông bà.

- Những thiệp chúc tết Ta, Tây, do chính họa sĩ vẽ, cắt, dán.

- Một số vựng tập, in nhân các cuộc triển lãm của họa sĩ tại Pháp, Mỹ, Nhật.

 Sách Lê Bá Đảng, cuộc đời và tác phẩm được thực hiện với những tư liệu lấy trong “kho” hình ảnh của họa sư, phần lớn do ông chụp, hoặc sưu tầm, cả những bài báo cũ, từ thập niên 1950.

Từ năm 1992 trở đi, ông bài trí và chụp ảnh với Lê Tất Luyện các tác phẩm sau khi sáng tác, hoặc trước khi đem đi triển lãm, hay trao cho một cơ quan, một nhà bán tranh; hoặc chụp ngay trong cuộc triển lãm, nếu tại Paris.

Nhờ kho tài liệu này mà ta có thể biết thời điểm sáng tác của nhiều loạt tác phẩm. Trong kho ảnh có tới hàng nghìn bức tranh đã chụp, không thể chọn hết, nên mỗi loạt tranh, tôi chỉ đưa được vài hình vào sách. Chất liệu đôi khi không tốt lắm vì cách chụp không chuyên môn, mong độc giả lượng thứ.

Nhờ kho trữ liệu này mà lần đầu tiên chúng ta thấy được hình ảnh của những tác phẩm ít người biết đến, đặc biệt hai loại: Tấn tuồng nhân loại kịch bóng (giấy cắt) và Tấn tuồng nhân loại cõi âm (tranh màu nước), sáng tác năm 1999.

Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên chúng ta thấy cảnh trí tuồng Opéra tiếng Việt Mỵ Châu Trọng Thủy của Nguyễn Thiên Đạo, do Lê Bá Đảng sắp đặt, thiết kế y phục và trang trí, trình diễn tại Opéra Paris, Salle Favart, tháng 12 năm 1978. Những hình ảnh này được lưu trữ trong Thư viện Quốc gia Pháp, do Daniel Cande, nhiếp ảnh gia danh tiếng về kịch trường của Pháp chụp, giúp ta “sống lại” vở tuồng trong giây phút, nhận diện thiên tài Lê Bá Đảng trong việc cấu tạo và dàn dựng phông cảnh, bởi mỗi cảnh được chụp lại, là một tác phẩm nghệ thuật.

Sở dĩ chúng tôi có bộ sưu tập tranh, tượng quý giá gồm hơn 200 hiện vật lớn nhỏ này của Lê Bá Đảng, để gửi về quê hương, là do tình bạn trong hơn hai mươi năm với họa sư.

Những tác phẩm này phần lớn là quà ông tặng chúng tôi trong những dịp khác nhau, không thể nhớ hết.

Chúng tôi quen ông đầu năm 1992, và từ đó nảy sinh một tình bạn vong niên không bao giờ phai lạt. Với ông, Lê Tất Luyện là người em trai tinh thần, giúp ông làm những việc ông không làm được; lập Website Lê Bá Đảng đầu tiên: Lebadang.free.fr, và ở tôi, là sự giao thoa cảm xúc nghệ thuật, giữa người nghệ sĩ và người phê bình.

Sau năm 2000, ông bắt đầu đưa cho tôi giữ những thư từ hành chính và bản thảo viết tay.

Năm 2006, khi quyết định không xuống Cannes nữa, vì tuổi cao, ông đã trao cho chúng tôi giữ những tác phẩm lớn, nhỏ, được lưu trữ ở Cannes và Mougins, trong số đó có bức tượng sắt Khoả thân sắc không, kiệt tác Không gian Âu Lạc, và ba tác phẩm vi họa rất nhỏ nhưng quý giá, biểu dương những nét vẽ đầu tiên của Lê Bá Đảng.

Chúng tôi xin trao lại dân tộc Việt Nam, toàn bộ sưu tập này.

Qua trung gian của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, mong mỏi quê hương sẽ bảo tồn và phát huy được một phần gia sản nghệ thuật mênh mông của họa sư trong hơn sáu mươi năm sáng tạo.

Thụy Khuê

Paris ngày 15- 9-2019

Lê Bá Đảng, cuộc đời và tác phẩm soạn xong tháng 9-2019, để in nhân dịp khánh thành triển lãm tác phẩm Lê Bá Đảng tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, dự trù năm 2020.

Vì đại nạn Covid kéo dài từ 2020 đến 2022, mọi việc bị đình trệ. Chương trình đưa tác phẩm của họa sư về nước phải dời lại đến năm 2023, cho nên đã có khoảng cách bốn năm, từ khi sách soạn xong, đến khi sách được đọc lại, sửa chữa và in ra.

Yên Cơ, Les Issambres, tháng 8 năm 2023

Thụy Khuê