Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2025

Điều nuối tiếc nhất…

 Dương Thắng

Nhắm mắt lại, tôi vẫn hình dung ra rõ nét hình ảnh về những buổi sáng mùa đông ấy, đó là vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, những buổi sáng mà ngôi biệt thự số 6 Lý Thường Kiệt, nơi ông ở lúc đó, luôn vắng vẻ và yên tình lạ lùng.

Căn phòng 40m2 mà hai chú cháu ngồi làm việc (tôi luôn gọi ông bằng chú và xưng cháu) thường nhanh chóng trở nên chật chội bởi ông luôn đi từ đầu này đến đầu kia căn phòng khi hùng biện giảng giải cho tôi nghe về một vấn đề gì đó. Ông luôn cảm thấy khó chịu khi đang theo đuổi cái mạch tư tưởng của mình thì bước chân bỗng chạm tới bức tường và phải quay lại. Còn tôi, tôi ngồi yên lặng ở trên ghế chỗ bàn nước, một cuốn vở mở ra trước mặt và nghe như nuốt từng lời của ông. Trên tay ông không bao giờ có một tờ giấy nào, nhưng khi đọc lại những ghi chép, tôi luôn cảm thấy đó là những bài viết cực kỳ hoàn chỉnh, sâu sắc và sinh động. Đề tài của những bài giảng luôn đến thật bất chợt: có thể đó là Chủ nghĩa hiện sinh với J-P Sartre, Albert Camus, là Cấu trúc luậnLý thuyết ngôn ngữ của Ferdinand de Saussure, là Thuyết tương đối, là Chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến của Garaudy, Phân tâm học của Freud, Mỹ học Hegel, là Toán học trong mối quan hệ với Văn chươngTriết học, là Tính cách Dân tộc Việt. Ông cũng dạy tôi cách làm sao có thể đắm mình được trong một bài thơ, cảm nhận được những tín hiệu phát ra từ những cảm xúc và đánh giá được thẩm mỹ của một tác giả. Nói tóm lại ngày hôm đó ông đang nghĩ gì, đang quan tâm đến vấn đề gì, ông sẽ nói với tôi về chuyện đó. Tất nhiên cũng có những đề tài được đề cập đến xuất phát từ những câu hỏi của tôi. Giai đoạn cuối (khi tôi chuẩn bị tốt nghiệp khoa Toán, Đại học Tổng hợp) ông hay nói cho tôi nghe về Xã hội học, một ngành nghiên cứu mới mẻ (lúc đó) mà ông rất tâm đắc và ông muốn tôi sử dụng công cụ toán học để thâm nhập vào đó.

* *

*

Bên cạnh một số bài báo đăng trên các tạp chí nghiên cứu, GS Hồng Phong có một số công trình đã xuất bản: Truyện tiếu lâm Việt Nam: lý luận và tuyển tập, Xã thôn Việt Nam, Tìm hiểu tính cách dân tộc, Văn hóa chính trị Việt Nam – truyền thống và hiện đại, Một số vấn đề về hình thái kinh tế xã hội, văn hóa và phát triển… Nhưng nếu ai đã có dịp tiếp xúc với ông, gần gũi ông đều nhận thấy các tác phẩm này đều “thấp tầm” hơn nhiều so với trí tuệ của ông, con người ông. Giữa ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói của ông có một độ chênh lệch rất xa nhau. Những bài nói chuyện của ông duyên dáng và có sức cuốn hút kỳ lạ, nhưng khi ông viết, những cái đó biến đâu mất hết, luôn bị khô khan và nhợt nhạt đi. Đó là cảm nhận của cá nhân tôi và tôi cũng không bao giờ lý giải nổi điều này.

Trong kháng chiến chống Pháp, mới ngoài 20 tuổi ông đã là một trong những người giữ trọng trách trong Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Việt Nam (một tổ chức công khai thay cho Đảng Cộng sản Đông Dương, khi ấy tự tuyên bố giải tán để lui vào bí mật), năm 1956 ông là một trong những người tham gia sáng lập Ban Văn - Sử - Địa rồi Viện Sử học (1960), làm việc bên cạnh những tên tuổi lớn nhất của nền khoa học xã hội ở miền Bắc lúc đó. Là người luôn khao khát tìm kiếm cái mới, ông không bao giờ muốn đi lại, “thâm canh lại” trên những con đường cũ, dù đó là những con đường của người khác hay của chính ông đã vạch ra. Nghe nói một cuốn sách gì đó của ông có đụng chạm đến “chữ Nhàn trong tính cách người Việt” ra đời trong bối cảnh đó. Cuốn sách làm ông bị “thất sủng”, ông không bao giờ nằm trong danh sách đi bồi dưỡng hay trao đổi / hội thảo ở nước ngoài, vị trí chính thức của ông ở Viện Sử học là Trưởng phòng tư liệu, phụ trách thư viện và tổ chức biên soạn hay dịch tài liệu. Chính vì thế ông có cơ hội quản lý một kho tư liệu rất quý, kể cả những đầu sách xuất bản ở Miền Nam (dành cho một số đối tượng hạn chế), ông cũng được toàn quyền quyết định trong việc sử dụng một nguồn kinh phí đủ lớn để cho nhập, cho dịch tất cả những loại sách hay tài liệu nào mà ông quan tâm và muốn đọc, công việc ấy trong một thời gian dài cũng cho phép ông giúp được rất nhiều bạn bè về kinh tế. Dương Tường, Trần Dần và nhiều người bạn khác thường đến nhận tài liệu về dịch như một phương cách để có thêm thu nhập cho cuộc sống đang vô cùng khó khăn của mấy cựu thành viên “Nhân văn - Giai phẩm và “Xét lại” đó (theo cách gọi của một số người nào đó nhưng không bao giờ là của GS Hồng Phong).

Một đôi lần tôi có cái may mắn được chạm mặt nhà thơ Trần Dần tại nhà GS Hồng Phong, bao giờ cũng có một ai đó đèo nhà thơ đến trước nhà số 6 Lý Thường Kiệt, Trần Dần tập tễnh bước vào sân và dừng lại trước cửa, nếu ông Hồng Phong ở nhà, hai người sẽ đứng trao đổi gì đó rất ngắn gọn dưới gốc cây khế sát cửa (không bao giờ quá 10 phút nếu tôi nhớ không nhầm). Chưa một lần tôi thấy ông Trần Dần bước vào nhà GS Hồng Phong. Thực sự lúc đó tôi cũng rất khao khát được tiếp chuyện, được làm quen với Trần Dần, nhà thơ nổi tiếng. Có một lần khi ông Trần Dần đến, ông Hồng Phong đi vắng, chỉ mình tôi ngồi trong nhà. Thu hết cam đảm tôi bước ra định tự giới thiệu và làm quen với ông, nhưng khi ánh mắt tôi chạm vào ánh mắt ông, tất cả dũng khí của tôi vụt biến mất. Suốt đời tôi sẽ không quên được ánh mắt của con người ấy: tia nhìn sáng rực, đầy ngạo mạn và u uất. Tôi chỉ lí nhí mấy câu về việc ông Hồng Phong không có nhà rồi đứng lặng nhìn ông ra về.

Trong phương pháp dạy dỗ của GS Hồng Phong, ngoài chuyện trực tiếp nghe ông nói, ông còn yêu cầu đọc rất nhiều những tài liệu mà ông chọn lựa cho. Những năm tôi còn học phổ thông, chủ yếu là sách của Liên Xô và Đông Âu (trong phe xã hội chủ nghĩa) như Tâm lý học sáng tạo văn học, Lao động nhà văn hay Cá tính nhà văn và sáng tạo văn học. Bắt đầu từ khi tôi vào đại học, những tài liệu ông yêu cầu tôi đọc khi đó hầu hết là những lý thuyết mới của Phương Tây, ở Việt Nam khi đó thì hầu như chưa mấy ai biết đến. Lúc đó tôi chưa đọc thành thạo một ngoại ngữ nào, tài liệu ông Hồng Phong giao cho đọc là những tập đánh máy trên giấy pơ-luya, những bản dịch của các tài liệu mới ông đặt hàng để dịch ra làm tư liệu cho Viện Sử học và cho cá nhân ông, trong số những bản dịch đó, những bản dịch của Trần Dần làm tôi khiếp sợ nhất, dù nỗ lực đến mức tối đa, đọc đi đọc lại, tôi cũng không thể hiểu ông Trần Dần viết gì, dịch gì, một phần ba số lượng từ ngữ trong các bản dịch là do ông Trần Dần tự sáng chế ra, hay nói dân dã là tự “bịa ra”, chúng chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có mặt trong các cuốn từ điển tiếng Việt, dù đó là những cuốn từ điển phổ thông hay chuyên ngành. Giờ đây thì tôi đã hiểu, ông Trần Dần không dịch, đó là một kiểu nhật ký đọc sách”, vậy ông ấy đâu cần ai hiểu, ông ấy cũng chẳng cần dùng chung từ ngữ với những người khác, từ ngữ với ông cũng chỉ như một thứ ký tự / mật mã ghi lại cảm xúc của mình và mãi sẽ chỉ là thế giới riêng của ông, giống như thơ ông vậy.

Thời đó, căn nhà của GS Hồng Phong và vợ là nữ nhà văn Ngọc Trai (Ban Phê bình lý luận báo Văn Nghệ) được xem là một trong những “salon văn học” tinh hoa của Hà Nội, và tôi được ban một “đặc ân” là được phép ngồi “hóng chuyện” ở đó. Nguyên tắc bất di bất dịch: Phải ngồi ở một góc xa, yên lặng lắng nghe mọi người chuyện trò, nghiêm cấm xen vào hay hỏi han gì, nếu muốn hỏi, chỉ được hỏi khi khách đã ra về. Những vị khách ban ngày thường là GS Vũ Khiêu, nhà nghiên cứu Hán Nôm Vũ Hoàng Địch (em trai Vũ Hoàng Chương), đạo diễn Đình Quang (cậu tôi), nhà điêu khắc Diệp Minh Châu và một vài ông đạo diễn điện ảnh lớn tuổi mà giờ đây tôi không còn nhớ tên. Buổi tối thì thường là nhà văn Nguyễn Tuân lộc cộc bước vào với cây ba toong bất hủ của ông, đôi khi là nhà triết học Trần Đức Thảo, một người rất kiệm lời. Giờ đây hồi tưởng lại tôi vẫn còn ấn tượng mạnh về chất trí tuệ, sự vui đùa hóm hỉnh và tình bạn chân thành của những trí thức ấy. Dù đó là một cuộc đàm đạo quanh ấm trà hay một bữa rượu, những cuộc gặp mặt của họ không bao giờ nhuốm cái khí vị xô bồ tạp nham hay bỗ bã trong giới “văn chương” như chúng ta thường gặp bây giờ.

Nhắc đến những gương mặt thường xuyên xuất hiện ở “salon văn chương” của ông bà Hồng Phong - Ngọc Trai không thể không nhắc đến Lê Văn Tài, người họa sĩ mà sự trớ trêu của số phận đã biến anh trở thành một người khách trọ bất đắc dĩ ở đó.Anh là một họa sĩ gốc Huế, cùng thế hệ và là bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (tôi nghe nói thế). Trong cuộc “Tổng tiến công chiến lược” năm 1972, khi hai phía đang đánh nhau kịch liệt thì người họa sĩ ngu ngơ ấy vác giá vẽ ra ngoài đường đứng vẽ. Trên đường rút quân ra khỏi thành phố, quân giải phóng bắt anh làm tù binh và giải đi theo. Ở trên chiến khu, sau một thời gian điều tra xác minh, người ta thừa nhận anh là họa sĩ thật, đứng vẽ tranh ở ngoài đường thật chứ không phải là điệp viên thám báo gì cả! Nửa năm tham gia lao động tăng gia sản xuất, chặt nứa làm lán trại, anh được đưa ra Bắc cho mấy cơ quan văn nghệ quản lý. Chẳng cơ quan nào muốn nhận, anh thành một người vô gia cư, không nghề nghiệp, không một xu dính túi, không một ai quen biết ở đất Hà Nội. Cô Ngọc Trai với tình đồng hương Huế đã đón anh về nuôi ăn ở và xoay xở tìm việc cho anh: vẽ minh họa báo, làm bìa sách, vẽ chân dung. Những bức tranh của Lê Văn Tài khi đó hình như có làm giới họa sĩ miền Bắc “hơi bị choáng”, trong một tờ giấy chỉ bằng khổ A4 anh có thể vẽ cả một rừng cây với những chi tiết li ti… Có lần tôi đã hỏi anh về chuyện đó, anh cười cười nói “Đó chỉ là một vài kỹ thuật “kết tủa” mà trong kia tụi anh quen dùng nhưng ở ngoài này mọi người chưa biết thôi”. Mấy đứa thanh niên chúng tôi thường nài nỉ Lê Văn Tài kể cho nghe về sinh hoạt cũng như những gương mặt quan trọng của Văn nghệ Miền Nam khi đó. Sau ngày Giải phóng Miền Nam, anh quay trở về Huế, từ đó tôi cũng không biết thêm tin tức gì của anh, chỉ nghe nói anh đã vượt biên và định cư ở nước ngoài.

* *

*

Quá trình theo học của tôi với GS Hồng Phong đột ngột rẽ sang một hướng khác và dừng lại hẳn vào những năm đầu thập kỷ 80. Khi đó ông rơi vào một tiếng sét ái tình và có quan hệ tình cảm với một người thiếu phụ xinh đẹp, một nghệ sĩ piano – một thứ tomber amoureux (điều gì “tế nhị” thì thầy tôi và các bạn bè của ông thường hay nói với nhau bằng tiếng Pháp). Ông ly thân với vợ và dọn ra sống trong một căn phòng chật hẹp ở Viện Sử học. Và tất nhiên ông có những niềm vui mới cũng như những lo toan mới. Tôi tự cảm thấy ngại ngần không dám đến cái căn phòng chật hẹp, không gian riêng tư của hai con người đang say đắm ấy để làm phiền ông nữa.

Cuộc sống với tôi lúc đó càng ngày càng trở nên ảm đạm và xám xịt. Những mơ mộng, khao khát đi vào thế giới văn chương thời tuổi trẻ cứ xẹp dần như bong bóng xì hơi. Phải có tiền để sống, phải làm ra tiền để sống! Hơn trăm giảng viên khoa Toán trường Đại học Tổng hợp chúng tôi nhao đi làm lao động chân tay: mở xưởng nấu sơn, làm vỏ hộp xốp, làm phu hồ... ngay trong khuôn viên trường Đại học. Đói vẫn hoàn đói. Rồi một đêm đông lạnh giá của năm 1985, tôi chợt tỉnh giấc và đi đến quyết định phải dùng sắtlửa để thay đổi cuộc đời mình, tôi lôi ra đốt tất cả những bài giảng, những ghi chép, những phác thảo / bản thảo và thề không bao giờ nghĩ đến chúng nữa… Sau một thời gian lao vào học tiếng Pháp, tôi gia nhập vào cái đám đông (các giáo sư, tiến sĩ, các giảng viên đại học, các cán bộ quản lý...) đang chen chúc nhau trong các lò luyện thi, tham gia vào những cuộc “thi đấu” quyết liệt để giành giật một suất đi giảng dạy, làm thuê ở Châu Phi: Angola, Congo, Mozambique hay Madagascar – đi đâu cũng được, dạy bằng tiếng gì cũng được, dạy môn gì cũng được, dạy cấp học nào cũng được,… miễn là ra khỏi biên giới Việt Nam. Rồi tôi cũng giành được cho mình một suất dạy đại học ở Madagascar, là người trẻ nhất được cử đi làm chuyên gia giảng dạy ở bậc đại học vào năm đó.

5 giờ chiều ngày 23/12/1986 tôi đặt chân lên cầu thang của chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Air France. Hành trình: Hà NộiParis. Quá cảnh tại Paris: 15 ngày. Chuyến đi đó mở đầu cho chuỗi thời gian 10 năm tôi lang bạt, làm đủ nghề để kiếm sống trên đất khách quê người, từ hòn đảo Madagascar ở nam bán cầu bao phủ bạt ngàn những cánh rừng nguyên sinh, những cánh rừng Taiga tuyết phủ trong miền Siberie sâu thẳm, khắc nghiệt và giá lạnh của nước Nga, những thị trấn nhỏ bé xinh đẹp như những lẵng hoa của đất nước Ba Lan... 10 năm ấy tôi mải miết đi, không một lần ngoái lại đằng sau. Ký ức về những buổi học với GS Hồng Phong trong ngôi biệt thự yên tĩnh phố Lý Thường Kiệt vào những buổi sáng mùa đông ấy nên xa vời như một giấc mơ, chưa từng có thực.

Sau 10 năm tôi lại đặt chân lên mảnh đất Hà Nội. Mọi thứ đã khác xưa. Tôi không còn cơ hội nào để gặp lại thầy tôi, GS Nguyễn Hồng Phong nữa. Ông đã mất trước đó ít lâu bởi căn bệnh tiểu đường quái ác.

* *

*

Chú thích:

Giáo sư Nguyễn Hồng Phong tên thật là Trịnh Công Hồng, sinh trưởng trong một gia đình công chức ở Hà Nam. Từ năm 1948 ông tham gia Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác. Năm 1956, ông về công tác tại Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa, tiền thân của Viện Khoa học Xã hội ngày nay. Tại đây, ông đã cùng tham gia biên soạn bộ Sơ thảo lịch sử Văn học Việt Nam gồm 5 tập, đặt nền móng cho việc nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam. Là người sớm quan tâm và coi trọng những giá trị truyền thống của dân tộc, GS. Nguyễn Hồng Phong đã nghiên cứu và công bố nhiều công trình khoa học có giá trị như: Truyện tiếu lâm Việt Nam: lý luận và tuyển tập, Xã thôn Việt Nam, Tìm hiểu tính cách dân tộc. Cuốn Xã thôn Việt Nam của ông xuất bản năm 1959 là tác phẩm đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu một cách sâu sắc và toàn diện về nông thôn Việt Nam dưới góc độ sử học và dân tộc học. Năm 1963, GS cho ra đời cuốn Tìm hiểu tính cách dân tộc, trong đó ông trình bày những khảo cứu của mình về những đặc điểm tính cách dân tộc Việt Nam thông qua văn học nghệ thuật và đời sống. Những năm cuối đời, GS. Nguyễn Hồng Phong dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu về các vấn đề văn hóa, văn minh và phát triển. Sau khi ông qua đời, hai cuốn sách di cảo của ông: Văn hóa chính trị Việt Nam – truyền thống và hiện đại, và cuốn Một số vấn đề về hình thái kinh tế xã hội, văn hóa và phát triển mới được xuất bản. Hai cuốn sách này là tập hợp những suy nghĩ của ông về việc tìm kiếm một con đường phát triển của Việt Nam.