Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2025

Tự sự của kẻ khước từ bầy đàn

(Đọc tập thơ Độc thoại của một người mất ngủ, tranh bìa họa sĩ Nguyễn Phạm Thúy Hương, do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành, tháng 12-2024)

Lê Huỳnh Lâm




Tôi thật tình không biết Phan Đạo làm thơ từ lúc nào, nhưng có lẽ với Đạo thơ như khí huyết lưu hành trong cơ thể, trong tâm tưởng...

Mi là thơ

Sao mãi hoài phân giải

Ngủ trong thơ

Ú mớ cùng thơ

Từ những năm giữa thập niên 1980, Phan Đạo mặc áo nâu, để tóc dài, sống phiêu bạt như mây cuồng gió loạn... Có dạo theo thầy Trần Tiễn Hy học Đông Y ở làng Minh Thanh, Hương Trà, Thừa Thiên Huế, thỉnh thoảng Đạo đạp xe xích lô, mang theo Tự điển Hán Việt của Thiều Chửu để học... Nhiều lúc hứng chí, bỏ xe đi bộ, mà đi bộ từ Huế ra tận Đông Hà... Đi như nước chảy mây trôi theo dòng biến dịch... Vào cuối thập niên 80, Phan Đạo bỏ phố xá lên núi làm đệ tử của sư Giới Đức, ngày ngày lao động cùng các chú điệu chở vật liệu, đất cát,... từ chân núi lên thảo am Mây Tía hoang vu góp chút công lao nhỏ để sau này có một Huyền Không Sơn Thượng thu hút biết bao mặc khách như bây giờ. Thuở đó, sư Giới Đức và đệ tử Phan Đạo vì cùng làm thơ, cùng biết chữ Hán,... nên rất tâm đầu ý hợp... Phan Đạo thọ giới Sadi ở chùa Thiền Lâm với pháp danh Quán Tâm, do Đại sư Hộ Nhẫn truyền giới, tu sĩ Quán Tâm ôm bình bát đi khất thực được một thời gian, dòng máu thi ca lại trỗi dậy, Quán Tâm làm lễ trả y bát rời chùa và Phan Đạo tiếp tục cuộc hành trình khác...

Một thời gian sau, nhân duyên đưa đẩy Đạo lại vào chùa Châu Lâm làm điệu, lại thấy Phan Đạo cùng các chú điệu kéo xe ba gác dọc đường Điện Biên Phủ... Rồi bất ngờ Phan Đạo lại rời chùa Châu Lâm lên cuối bãi đầu non ẩn trong khu lăng mộ, Từ đường Chưởng doanh quận công ở thôn Đông Phước, xã Nguyệt Biều, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Đợt di tản lần này của Phan Đạo có thêm ba chú điệu theo chân... họ sống giản đơn, chỉ ăn cỏ cây trong vườn,... và xưng niệm hồng danh Đức Phật A Di Đà. Sau đó Phan Đạo lại đi... Kể dài dòng vậy, vì trong giai đoạn này thơ trong Phan Đạo tuôn trào như thác lũ, như mưa dầm xứ Thần kinh... Nào là Âm thanh ngày, Tình yêu thể hiện, Hôn phối, Hoang đường, Dưới trăng tâm lịch, Độc thoại đầu sông, Độc thoại cuối sông,... Trong những tập thơ kể trên hầu như không có nhan đề cho mỗi bài, mà mỗi tập là một chủ đề kiểu như: Người làm vườn của Đại thi hào Rabindranath Tagore hay Ngôn sứ của Kahlil Gibran... Còn nhớ cách đây 15 năm trong một cuộc tao ngộ của các huynh đệ nghề báo tận miệt thôn Vĩ, nhờ ơn thi ca của Đại thi hào Hàn Mặc Tử mà anh em hứng khởi góp tiền in thơ Phan Đạo. Đó là vào cuối năm 2009, tập thơ có nhan đề Thơ Phan Đạo đã xuất hiện. Và giờ đây, khi Phan Đạo không thể hoặc không buồn làm thơ nữa, thì nhân duyên hội đủ để tập thơ này được đến với mọi người yêu thơ.

Thơ của ta bà hành giả Phan Đạo là những lời ta thán kính dâng Đức Mẹ Quán Thế Âm:

... Dẫu triệu năm triệu năm triệu triệu năm rồi

Nước mắt người vẫn nóng

Tôi nghĩ thương mình còn mỏng lét làn da

Hay

Mẹ ơi!

Trái tim con ngựa thảo nguyên

Xem những đỉnh núi vuông chọc trời không cao hơn ngọn cỏ

Đêm ngày khô khát tình yêu...

Thơ của chàng cư sĩ Phan Đạo mang bửu bối Tín Hạnh Nguyện là ánh sáng vô lượng hòa trong đại nguyện của Đức Phật A Di Đà:

Trưa

Ngồi

Ngẫm tiếng ve than

Chợt thương thân phận

Bầy đàn chữ câu

Khuya

Nằm

Lắng tiếng kinh cầu

Lại thương thân phận

Giòi sâu đại đồng

Nam mô

Đại giác Thế Tôn...

A Di Đà Phật vô ngôn niệm hùng.

Và thơ như hơi thở, như máu, như nước mắt rung theo nhịp đập của con tim để nỗi khát khao tình yêu, khao khát thịt da, vỗ về sự cô độc của những bước chân đêm:

Mỗi câu thơ

Là một lần nén ngược

Vào hốc tim mình

Muôn giọt máu đen...

Vẫn

Miệt mài đi

Rất âm trầm

Trăng đã ngủ

Phận sương...

Khi mọi người đang yên giấc, đang chiêm bao, đang mộng tưởng,... thì người thơ lại mất ngủ như một căn bệnh trầm kha:

Hắn nhớ câu thơ của bạn hiền thiên cổ

Sinh năm 19 sáu lăm

“Thiên thu buồn ta uống đến tàn canh”

Rồi đốt thuốc khánh hội

Trông khói vùng vằng nói

Ngủ đi

Ngủ đi

Ngủ đi

“Vì mai mốt đường dài”

Để ngày lại ngày, đêm ngắm nhìn đêm trong tuồng ảo hóa của ngữ ngôn, của ký hiệu, của âm thanh, của hình ảnh, của xúc chạm, của mùi hương, của cộng nghiệp từ thuở hồng hoang tràn về... trong cơn hoảng loạn chữ nghĩa xô đẩy cuộc sống rơi vào trong bi lụy danh từ, trong vong thân động từ, trong giả trá tính từ, trong tận cùng trạng từ, trong vô vọng của ngôi lời... đã đẩy đưa người thơ rơi vào mandala dục vọng, để diện kiến tổ tiên dòng tộc trong chuỗi gen của gã đàn ông nếm trải trái cấm, phạm giới nên đánh mất phẩm hạnh của một tu sĩ, để quên mất thiên tánh rỗng không mầu nhiệm rồi trôi lăn vào vực thẳm tham luyến của kiếp người.

Ơi người tình tiền kiếp của gã thầy tu bất chính

Như khuôn mặt mình uế tạp

Trên đống phân tâm tưởng phận người

Phải chăng từ độ này, người thơ đã dừng bút để thở, để xưng tụng, để nguyện cầu, để trì chú, để chánh niệm tỉnh giác, để niệm hồng danh,... và cuối cùng để nở đóa hoa vô tính giữa trần gian ngập tràn ánh trăng tịnh độ... hầu mong trở về chốn quê xưa vốn vô ngôn vắng lặng.

Hoa gì như hoa chối từ

Thoang thoảng mùi hương không một

Hồi chuông lòng gióng giả

Lại ngồi

Trăng tự do cứ một màu do tự

Óng ánh trong tách trà riêng một

Và vị mùi

Tự sát phút giây xưa

Trong tập thơ Độc thoại của một người mất ngủ, tác giả đã dụng công trong việc sử dụng ngôn từ khác lạ đối với thế giới thơ để đưa vào thi ca qua sự thấu cảm của riêng mình. Các cụm từ như: đồng bóng giáo điều, cưỡng hiếp tự do, lề buồn vui, ruộng lòng, gió giựt hụi, nội soi, chữ bị viêm xoang, chữ bôi vôi, khách sạn cuộc đời, ả búp bê, chàng rô bốt, tâm thần phân liệt, an pha, ô mê ga, căn gác đang là, sợi lượng tử ngày mai, tiếng nước khới mạn thuyền, siêu thị thầy cô, đời sống số, người số hóa, nhập khẩu, hải quan, lập trình, lượng tử, mã hóa, zero, eke, compa, ADN, lăng xê quảng cáo, xa lộ thông tin, DTH, xe tốc hành, vệ tinh, liên hiệp quốc, giao thông, đường bộ, đường thủy, hàng không, lũy thừa, hộ tịch, tế bào, mẫu giáo, quy hoạch,…

Khi tôi viết những dòng trên, thì Độc thoại của một người mất ngủ gồm những bài thơ rời và trường ca Độc thoại cuối sông của tác giả Phan Đạo đã là một quá khứ đã lùi vào âm bản, và hiện tại như bước chân của kẻ hành khất cùng sự luân chuyển mầu nhiệm của lục tự minh rỗng hóa khu rừng duy lý, mảnh vườn kinh nghiệm và giấc mơ đối đãi...

L.H.L.