Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 23 tháng 1, 2025

Một góc hoài niệm Vũ Thư Hiên xa xứ – truyện dài nhiều tập

 Mai Quỳnh giới thiệu

 

Từ một khổ thơ tứ tuyệt, tôi đi tìm

Khổ thơ thứ 5 trong bài 15 khổ thơ tứ tuyệt liền mạch “Viết cho người trở lại cố hương[1] của nhà thơ Đặng Tiến (Thái Nguyên) nhân thượng thượng thọ nhà văn Vũ Thư Hiên (18/10/2024). Bài thơ đượm hương vị cổ phong ấy như một ngã rẽ trên con đường thơ hậu hiện đại, trừu tượng, siêu thực của nhà thơ họ Đặng xứ Thái. Thơ viết về một tên tuổi hiện hữu đã trải qua “mấy chục năm xứ người phiêu bạt, mắt mờ, gối mỏi”. Thật bất ngờ, ngã rẽ ngòi bút ấy đã trình làng một bài thơ vần điệu mượt mà, ý tứ cô đọng. Mười lăm khổ thơ tứ tuyệt cách tân chất chứa bao nỗi niềm cay đắng, buồn vui một đời người. Và những hoài niệm không quên một ai của con người xa xứ ấy: tứ thân phụ mẫu, khói cuộn hiển linh; hiền thê vàng đá lặng thầm; con gái liễu yếu đào tơ; ân nhân nơi lao tù ngục thất. Và, bạn bè thiếu thời từ thủa:

Bao bạn bè thiếu thời từ thủa

Phiêu du miền mây trắng nẻo xa

Thắt ruột đau phút giây từ biệt

Sầu dâng, sương lạnh, dặm quan hà.

Khổ thơ tứ tuyệt thứ 5 này dẫn dụ tôi đi tìm những đoản khúc văn chương Nhà văn họ Vũ viết về bạn bè.

 

Tôi đã gặp

Hơn ba mươi bài khắc họa “chân dung bạn bè và những người đồng thời, đồng cảnh ngộ được viết với một bút pháp không thể nào có thể thực hơn nữa, và vì thế nó đầy sức ám ảnh và gợi mở để người đọc nhận lấy ký ức của một thời chưa qua” (Nguyễn Thành Phong – Nhà văn Vũ Thư Hiên ở Việt phủ Thành Chương).[2]

Tôi đọc nhiều lần, mỗi lần lại nhận chân thêm cái hay cái đẹp những trang văn ấy. Nhưng không chỉ có giá trị từng bài riêng lẻ, trong tôi hiện lên hẳn một truyện dài nhiều tập gắn kết với nhau khi nén, khi buông bằng sợi dây liên tài tinh tế. Thật sự là một truyện dài nhiều tập, tôi đặt tên “Một góc hoài niệm Vũ Thư Hiên xa xứ”[3]. Tôi sắp xếp thành các tập: Bạn vong niên, Bạn tâm giao, Bạn cùng thời, Chính khách và Tướng lĩnh, Bạn văn hải ngoại, Bạn đồng cảnh ngộ…

Hữu duyên chăng những dịp hạnh ngộ, Nhà văn gặp gỡ, kết bạn, trò chuyện tâm tình cùng những văn nghệ sĩ tài danh: Bạn vong niên Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Tuân, Kim Lân, Hồ Dzếnh, Thanh Châu, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Phạm Tăng, Tô Hải… Bạn tâm giao Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Bùi Ngọc Tấn, Dương Tường, Trịnh Công Sơn; Bạn bè cùng trang lứa: Mạc Lân, Phù Thăng, Vũ Huy Cương, Hoàng Tiến, Nguyễn Chí Thiện; Những Tướng lĩnh, Nhà chính khách Trần Độ, Hoàng Thế Dũng, Lê Hồng Hà; Bạn văn hải ngoại Du Tử Lê, Như Phong Lê Văn Tiến, Bạn đồng cảnh ngộ Tuân Nguyễn, Đặng Phúc Lai, Huy Vân… Nhiều lắm…

Tôi bỗng nhớ một danh ngôn nước Pháp: “Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ cho bạn biết bạn là người thế nào”. (On présumera que vous avez les mêmes valeurs que vos ami(e)s).

Vâng, bạn bè của nhà văn họ Vũ là những trí thức không nằm trong tầng lớp quan phương, tầng lớp cung đình, nhưng là chùm sao sáng đôi khi bị che khuất trên bầu trời văn nghệ đầy bão dông đất nước ta gần thế kỷ qua. Những nhân cách sáng ngời, lao động nghệ thuật miệt mài trong muôn vàn khó khăn. Và để lại cho đời những tuyệt tác. Lúc này, những tên tuổi ấy đều đã “phiêu du miền mây trắng, nẻo xa” ; chỉ còn lại duy nhất một bạn văn tâm giao, một “viên ngọc quý báu giữa đời” – nhà văn Nguyên Ngọc, sinh năm 1932, hơn nhà văn Vũ Thư Hiên một tuổi.

 

Cái nền của văn tài họ Vũ

Số phận riêng rất đặc biệt, tài năng Trời phú, nhân cách sáng ngời, nền nếp gia phong vững chắc… đã làm nên những tác phẩm để đời “đứng cao hơn bi kịch của tác giả”[4]. Tập truyện dài Hoài niệmđầy sức ám ảnh” này chỉ là một góc nhỏ.

Tác giả đã sống gần một thế kỷ trong một xã hội chẳng mấy khi yên bình. Dấn thân vào những biến động long trời lở đất của quê hương từ năm 13 tuổi (1946 – đội viên tuyên truyền xung phong trong kháng chiến 9 năm); 16 tuổi vào bộ đội, 20 tuổi công tác điện ảnh, 22-25 tuổi du học, 26-34 tuổi biên tập viên điện ảnh, phóng viên báo chí, viết văn; 34 tuổi gặp nạn tù đày oan uổng suốt 9 năm… rồi trải qua đủ cung bậc kiếm sống khi Bắc khi Nam, bắt buộc lưu lạc xứ người gần ba thập kỷ cho đến năm 89 tuổi (2022) mới được trở về cố hương.

Một cây “solo” thiếu niên trong đội tuyên truyền xung phong, một anh bộ đội lăn lộn khắp núi rừng Việt Bắc, cây viết văn trẻ sớm có tác phẩm được dư luận khen chê (Đêm mất ngủ), một dịch giả tác phẩm nước ngoài được công chúng mến mộ ngay từ đầu (Bông hồng vàng – Paustovsky); một người bạn tin cậy, phóng khoáng sinh ra trong gia đình song thân là trí thức yêu nước, xả thân cho lý tưởng cao đẹp và, đặc biệt quảng giao, hiếu khách. Những căn cớ đó cắt nghĩa cho mối giao tình tin cậy thật lòng của các vị cao niên, một vài vị Tướng lĩnh, Chính khách đáng kính dành cho Nhà văn (mà người hẹp hòi cho là sự chơi trèo); là quan hệ lâu dài bền vững với bạn bè đồng trang lứa, đồng cảnh ngộ. Chính đó là một phần máu thịt cuộc đời ông. Đó cũng là một phần trong “bao nhiêu vốn sống để viết văn hay” như bạn ông, nhà văn Nguyên Ngọc đã nói.[5]

 

Áng văn chương đích thực

Hơn ba chục tản văn khắc họa chân dung là những áng văn chương đích thực. Dù ngắn dài khác nhau, dù tổng thể hay chỉ một lát cắt, mỗi trang văn không phải là những trang báo khô khan. Nhà văn cùng những đối tượng miêu tả của mình hiện ra như những nhân vật sống động có cá tính riêng biệt không ai giống ai. Tác giả thu lượm, chắt lọc đưa lên trang giấy những chi tiết khung cảnh, con người in sâu vào trí nhớ bạn đọc. Làng quê Sơn Nam Hạ, đồi núi Trung du Kim Bôi, Ninh Bình, đêm lạnh giữa rừng Quảng Nạp, Thái Nguyên, phố phường Hà Nội qua các thời kỳ... Và, Maxkva, Paris, Barcelona… bạn đọc như đứng trước bức tranh khổ lớn trên đó hiện lên một Văn Cao bị “lưu đày suốt 30 năm” (chữ của Trần Mạnh Hảo) trong căn phòng lạnh, nhưng vẫn còn nguyên tấm lòng bao dung, độ lượng, công bằng trong nhận xét thời cuộc; một Đoàn Chuẩn khác xa người đàn anh. Đoàn Chuẩn đi kháng chiến rồi về thành; anh không bực bội gì với kháng chiến, người ta không quan tâm anh, anh không quan tâm họ. Anh đi kháng chiến như đi vào một cuộc viễn du thú vị, có vẻ chỉ là thế. Rồi anh trở về khi anh thấy đi đã đủ. Chẳng có chính trị chính em gì trong chuyện anh đi và về. Một Nguyễn Tuân ngoắt ngoéo đường văn, một Kim Lân “con mắt anh ta lạ, vừa lờ đờ vừa hoay hoáy. Lờ đờ là bề ngoài, là giả tảng, hoay hoáy mới là thật – anh ta nhìn thấy những cái mà chúng mình không thấy. Giỏi!” (lời Nguyễn Tuân). Hình ảnh “Ông Giê su khốn khổ ở phố Thuốc Bắc” (Họa sĩ Bùi Xuân Phái). Một Nguyễn Sáng “mặt bạc, tóc bơ phờ, quần áo lôi thôi, lốc thốc, ghếch bánh trước cái xe đạp Liên xô cà tàng réo gọi bạn “Đi Lâm đi!”. Một Hồ Dzếnh “lặng lẽ đến, lặng lẽ leo lên gác xép nhà bạn, rồi trầm ngâm nhấm nháp trà quạu, không nói không rằng”. Một Bùi Ngọc Tấn lận đận cả đời nhưng khi đứng trước đàn thiên nga trắng trên mặt hồ xanh mênh mông trên đất Áo lại yêu cầu bạn dừng xe, chạy xuống bẻ vụn mẩu bánh mỳ tung lên cho chúng đua nhau xô lại kiếm mồi…

Không sao kể hết. Ở bất kỳ truyện nào ta cũng bắt gặp những trang viết tài tình ghim vào trí nhớ bạn đọc dáng người, lời thoại, khung cảnh đặc sắc; rồi trở đi trở lại nhiều lần đầy ám ảnh.

Với những câu chuyện “thật như bịa”, bạn đọc không chỉ trăn trở với những câu chuyện đời thường của các bậc tài danh lừng lẫy, phát hiện một lớp nhà văn trẻ hăng hái đi tìm cái mới mà còn được nâng mình lên tiếp cận những tâm sự nghề nghiệp sâu kín, những triết lý thâm trầm về ngôn từ, về sáng tạo nghệ thuật. Những nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật có thể tìm được ở đây những tư liệu quý, sống động về đối tượng nghiên cứu của mình.

Đến đây, xin mời bạn đọc cùng chúng tôi lần giở từng trang văn “Một góc hoài niệm Vũ Thư Hiên xa xứ”:

Tập I: Bạn vong niên.

1. Nguyễn Tuân – Ngoắt Nghéo Đường Văn

2. Phở Cá.

3. Nhớ Kim Lân.

4. Trần Dần Vài Kỷ Niệm.

5. Kỷ Niệm Hữu Loan.

6. Hồ Dzếnh.

7. Đường Về - Kỷ Niệm Với Văn Cao

8. Một Bữa Rượu.

9. Gặp Gỡ Ở Lưng Đèo.

10. Lãng Tử Tô Hải.

11. Tô Hải Đã Đi Xa.

12. Phạm Tăng – Người Ở Trong Mây.

13.Ông Giê Su Khốn Khổ Ở Phố Thuốc Bắc (Họa sĩ Bùi Xuân Phái).

14. Nguyễn Sáng Trong Tôi.

15.Phan Vũ – Paris Và Hà Nội.

Tập II: Bạn tâm giao.

16. Viên Ngọc Quý Báu Giữa Đời (Nguyên Ngọc)

17. Nguyễn Khải – Vài Kỷ Niệm.

18. Nhớ Tấn (Bùi Ngọc Tấn).

19. Một Ngòi Bút Một Tấm Lòng.

20. Một Nét Trịnh Công Sơn.

Tập III: Bạn văn cùng thời.

21. Ông Bát Sách – Mạc Lân.

22. Phù Thăng – Một Bóng Ven Đời.

23. Cương Ơi, Tạm Biệt.

24. Nhớ Hoàng Tiến.

25. Lại Nhớ Nguyễn Chí Thiện.

Tập IV: Chính khách và Tướng lĩnh.

26. Trần Độ - Người Của Sự Thật.

27. Có Một Người Tên Hoàng Thế Dũng.

28. Từ Bóng Tối Bước Ra Ánh Sáng (Lê Hồng Hà).

Tập V: Bạn văn hải ngoại.

29. Du Tử Lê – Một Cõi Cho Mình.

30. Như Phong Lê Văn Tiến – Người Của Ước Mơ.

Tập VI: Người đồng cảnh ngộ.

31. Một Chuyện Tình (Nhà thơ Tuân Nguyễn).

32. Một Mảnh Sao Băng (Nhà văn Đặng Phúc Lai).

33. Bi Kịch Huy Vân – Vạ Vịt.

Sài Gòn, ngày mưa trái mùa, tháng 12/2024

 


[1] https://vanviet.info/tho/viet-cho-nguoi-tro-lai-co-huong/

[2] https://vanviet.info/tren-facebook/nh-van-vu-thu-hin-o-viet-phu-thnh-chuong/

[3] Xin vào đây để đọc: https://vanviet.info/tag/vu-thu-hien/

[4] https://vanviet.info/tren-facebook/nh-van-vu-thu-hin-o-viet-phu-thnh-chuong/

[5] https://www.dutule.com/author/post/596/1/vu-thu-hien