Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương – Yết Kiêu (42)

 Đông Ngàn Đỗ Đức

NHỚ HỌA SĨ NGUYỄN SÁNG


Tôi gặp họa sĩ Nguyễn Sáng vào năm 1967, khi về học tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội, trong lần đến thăm ông tại căn hộ trên chục mét vuông tại số nhà 65 phố Nguyễn Thái Học. Nhìn ngoài, dáng vẻ ông lầm lì, không dễ gần. Nước da hơi tái sẫm thêm do rượu, lại càng khiến ông lẫn hẳn vào hàng ngũ những người lao động nghèo. Liếc nhìn sang tôi, ông hỏi: “Em học gì?”. Khi biết tôi học vẽ thì ông bảo nhỏ: “5 năm đại học nhanh lắm, cố nghiên cứu hình họa cho vững rồi sau ra trường tha hồ mà múa!”. Sau này có lần trò chuyện với họa sĩ Nguyễn Thụ, ông cũng bảo Nguyễn Sáng là người rất trọng hình họa. Họa sĩ Phan Kế An một lần ngồi với tôi, ông bảo: “Sáng tài lắm. Hai tay cần hai viên than, cùng khoanh một vòng khép lại là xong cái chân dung!”.

Khi chuyện trò về nghề, ông luôn đặc biệt đề cao hình họa. Sáng tác thì ông bảo: “Hãy nắm lấy triết học mà vẽ, đừng vẽ theo chính sách”. Ông giải thích: “Triết học là qui luật biện chứng của tự nhiên [điều này hàng chục năm sau tôi mới dần hiểu]. Còn về chính sách, nó luôn là thứ vụ lợi, lật mặt như bàn tay, vì chính sách chỉ để giải quyết công việc trong một giai đoạn. Vẽ theo nó chỉ ra những sản phẩm minh họa, tuyên truyền, mà không thể là tác phẩm nghệ thuật. May ra thì được cái minh họa đẹp!”. Tôi nghe chỉ biết vậy. Đôi lúc nghĩ tới những điều ông nói thấy mông lung khó hiểu. Lại nhớ chuyện ông đã từng bị liệt vào nhóm Nhân văn Giai phẩm có lẽ chính từ những câu nói, cách nghĩ này. Có biết đâu rằng một thời tiếp nhận một nền chính trị quan phương, khiến tôi bị hẫng và nghi ngờ khi nghe những điều ông nói.

Bây giờ khi ông đã đi xa, tôi mới dần hiểu rằng mình thật hạnh phúc vì đã được gặp ông dù chỉ một hai lần. Những lần trò chuyện ít ỏi ấy, tôi đã được nghe, và may mắn đã ngộ ra điều căn bản cho đời sống nghệ thuật sau này

Khi xem bức tranh khắc gỗ Tình quân dân được sáng tác sau chiến dịch Biên giới 1950, tôi đã nhận ra ông đã dùng nét khắc để diễn tả một buổi chiều đang xuống ở một bản Tày. Những người lính và dân bản xúm xít ở vùng trung tâm tranh, ông dùng nét dương, diễn tả bình thường. Nhưng phía rìa tranh thì ông lại dùng nét âm (nền đen nét trắng), để người xem cảm nhận được bóng tối đang thu dần. Một thủ pháp nghệ thuật xuất phát từ cảm nhận trên thi ca (... chuông chiều thu không – Kiều, Nguyễn Du) hơn là trong nghệ thuật mà ông ngộ ra cách thể hiện bằng đường nét. Thật là một phát hiện tài tình.

Khi tôi hỏi ông sao không vẽ trận Phay Khắt - Nà Ngần, thì được ông giải thích nói: “Em phải nhớ tình quân dân mới là cái gốc của chiến thắng. Trận đánh dù thắng lớn, thì nó cũng vẫn chỉ là dấu chấm hết cho một chiến dịch, là một câu kết của bài văn mà thôi. Chiến tranh là cuộc đấu trí đấu lực thực sự căng thẳng. Để có chiến thắng trong trận chiến vài giờ thì sự chuẩn bị trước phải hằng năm, có khi nhiều năm. Võ sĩ thượng đài sau khi tập đấm hàng năm trời, ra sới có khi chỉ một giây để đo ván đối phương! Đấy mới là cái chúng ta cần hiểu khi định sáng tác về vấn đề gì cũng phải tìm về cái gốc”.

Ông nói tiếp: “Anh vẽ là vẽ cái gốc của chiến thắng. Không có tình quân dân thì không có chiến thắng ấy đâu. Thế nên nghệ thuật mới phải cần một cái đầu biết suy nghĩ”. Tôi cảm nhận được sự ân cần của một người anh, một người thầy trong lời lời khuyên bình dị. Đó là cái rất thiếu ở nhiều họa sĩ hôm nay,

Họa sĩ Nguyễn Trọng Tường, người Nam Định kể chuyện vào thập kỷ 60 thế kỷ 20, tỉnh có mời ông về sáng tác. Ông vẽ tháp Phổ Minh. Đó là bức sơn mài khổ lớn. Đã có ý kiến qua lại khi ông đang lên tranh: Sao họa sĩ không vẽ cấy chăng dây thẳng hàng nhỉ? (Lúc ấy phong trào cấy chăng dây thẳng hàng theo kỹ thuật mới đang thịnh hành mà). Biết thế,Trọng Tường bảo sao anh không giải thích cho họ hiểu, thì ông lắc đầu: “Muốn hiểu nghệ thuật thì phải được giáo dục, phải học chứ vài câu giải thích sao nổi!”.

Bức sơn mài làm xong, tỉnh hỏi giá, ông nói giá ba nghìn đồng. một cán bộ tỉnh tham mưu cho lãnh đạo: Ba nghìn là giá chiếc sitđờca (mô tô 3 bánh). Tỉnh đang cần xe để đi công tác thì mua tranh làm gì. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng làm việc ở Bảo tàng Mỹ thuật kể rằng lúc ấy đoàn công tác của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam do giám đốc họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung dẫn đầu đang có mặt ở đó, nghe thấy thế thì đề nghị, nếu tỉnh không lấy, sẽ mua cho Bảo tàng. Có lẽ nghĩ là bức tranh có giá trị, tỉnh lúc ấy mới quyết định giữ lại. Theo lời Trọng Tường thì sau đó tranh đã có lúc được kê làm bàn học, rây bẩn cả mực tím vào. Chẳng rõ bây giờ nó lưu lạc ở đâu. Bức Tháp Phổ Minh ở Bảo tàng hiện nay là bức bảo tàng đặt làm lại sau này.

Lần sau cùng gặp họa sĩ Nguyễn Sáng tại nhà 65 Nguyễn Thái Học, cũng vào cuối những năm 70 thì ông đã yếu nhiều. Lúc này ông đã bộc lộ dấu hiệu của bệnh tâm thần. Ông lo lắng sợ bị đặt máy nghe trộm ở gót chân, nên đi đâu, nói gì đều sợ bị ghi âm hết. Thời gian này ông vẽ bức sơn mài Vũ trụ, diễn tả con người như đang bay tự do giữa trời cao, như cánh diều len vào giữa những vì tinh tú... Một khát vọng không gian đến nghẹt thở.

Về Nguyễn Sáng thì đã có nhiều lời bàn và đánh giá. Với Lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại, ông đương nhiên là con đại bàng cả về độ cao và tầm xa trong tư duy sáng tác. Từ Tình quân dân, Giặc đốt làng tôi, Hành quân mưa, Kết nạp Đảng ở Điện Biên, đến Bình dân học vụ, Thanh niên thành đồng, Tình cảm họa sĩ và Vũ trụ, đã minh chứng trước mỗi chuyển biến của đất nước, ông đều cho ra tác phẩm như những cột mốc đánh dấu. Thành quả ấy đã làm nên một Nguyễn Sáng – họa sĩ cách mạng số Một trong con mắt của giới sáng tác mỹ thuật Việt Nam.

22/8/2007

*

Vĩ thanh: Khi đăng bài HỌA SĨ PHẢI LÀ MỘT HÀNH TINH thì comment của bạn Phan Quang Lê viết thế này: “Có 2 bức sơn mài chùa Phổ Minh giống hệt nhau, 1 bức treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 1 bức treo ở UBND tỉnh Nam Định. Mà cả 2 đều do họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ. Thế mới khổ!”.

Số là thế này: Nguyễn Trọng Tường người Nam Định, bạn cùng lớp với tôi kể anh “điếu đóm” suốt cho họa sĩ Nguyễn Sáng thời gian ông về vẽ ở Nam Định. Tường không biết tranh còn không thì tin này anh nói khiến tôi vui quá. Vậy là Nam Định vẫn giữ được tranh. Thế thì bản ở Bảo tàng ai làm? Nguyễn Sáng không bao giờ chép lại tranh của mình. Mà Bảo tàng hồi ấy thấy cần phải có nó. Một hôm bạn tôi, họa sĩ Hoàng Quốc Cứu hồ hởi kể: “Mình vừa đi uống rượu với Nguyễn Sáng về. Anh ấy bảo: Bảo tàng đề nghị chép lại tháp Phổ Minh, mình không làm, nhưng ông Sĩ Ngọc nhận chép, vừa đưa cho mình 20% tiền công chép vừa được thanh toán". Anh cười vui vẻ: "Ông ấy cũng tốt đấy. Có tiền giờ mời cậu đi uống rượu”. Tôi không nhớ chính xác là năm 1977 hay 1978.