Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2025

Phan Nguyên – Kẻ tuẫn đạo trên hành trình nghệ thuật

 Nguyễn Viện

Quen biết hoạ sĩ Phan Nguyên có lẽ cũng đã hơn 20 năm, nhưng tôi chưa bao giờ nghe Phan Nguyên phát biểu điều gì về nghệ thuật. Cũng như chưa bao giờ nghe Phan Nguyên bình phẩm về tác giả mỹ thuật hay văn học nào. Sự im lặng của Phan Nguyên có thể chỉ là một khinh bạc với những điều thừa thãi. Nghệ thuật tự nó là một tiếng nói. Và nghệ thuật tự nó có cách riêng của mình để chiếm ngự con người. Sự diễn giải hay tuyên ngôn này nọ, như thế, nằm ngoài nghệ thuật. Cái đẹp không cần giải thích.

Cũng bằng từng ấy thời gian, tôi tiếp xúc với tranh của Phan Nguyên. Với tôi, tất cả những tác phẩm của Phan Nguyên dường như đã được hình thành từ thuở nào đó trong cuộc đời anh. Không phải thời gian này và không gian này. Những tác phẩm ấy đã thuộc về một cơn điên nào đó đã chìm sâu, đã mất tăm. Một Phan Nguyên hôm nay đã là một Phan Nguyên khác. Một kẻ đã vượt qua.

Vậy thì, những tác phẩm ấy đã xuất hiện và tồn tại như thế nào?

Hẳn nhiên, nghệ thuật tồn tại bởi chính nó. Tác giả chỉ là kẻ ký sinh trên sinh mệnh tác phẩm của mình. Phải chăng, nhờ điều này mà nghệ thuật của Phan Nguyên đã tự đứng vững bất chấp nhân thân của tác giả như thế nào?

Quả thật, sự thuần khiết của nghệ thuật đã bị thị trường hoá bởi những kẻ làm chứng gian và những chiêu trò tiếp thị.

May thay, Phan Nguyên không nằm trong cái chợ tạp nham hệ luỵ ấy.

Với hơn 400 tác phẩm đã thực hiện, Phan Nguyên cho người ta thấy một dấn thân dữ dội và thâm sâu. Nó thách thức người xem bằng sự đa cảm đớn đau và cái nhân sinh dằn vặt qua những bộ tranh trừu tượng và bán trừu tượng:

LES QUATRE SAISONS (Bốn mùa, 1990) nắm bắt sự biến đổi của thời gian, mùa màng qua màu sắc.

 

FRACTUS (Mảnh vỡ, 1992-1994) khám phá sự phân rã và kết cấu của nghệ thuật trừu tượng.

PAPYRUS (1997-1998) sâu lắng, hoài cổ… phảng phất cảm hứng từ những nền văn minh bùa chú thần linh cùng với bột giấy.

 

ESPACE INCONNU, không gian huyền hoặc và những cảm xúc bộc phát xa lạ.

RYTHMES, thể hiện nhịp điệu cuộc sống cùng thân xác.

IMPULSIONS (Xung lực), sự bùng nổ của cảm xúc và ý tưởng.

Phan Nguyên cũng mê hoặc người xem bằng cái dục vọng nguyên thuỷ của kiếp người đa đoan qua bộ tranh kỹ thuật số SEXUS và DIGITUS.

Bên cạnh đó, Phan Nguyên còn đặt người xem vào những tình thế lưỡng nan của lý tính, giữa thần thoại và hiện thực qua 7 tác phẩm phù điêu LE SILENCE DES DIEUX (Sự im lặng của Đấng Trời, 2018) mang tên các vị thần, sáng tác năm 2018.

Càng tiếp cận sâu vào tranh Phan Nguyên, người ta càng nhìn thấy rõ mình hơn. Một bản thể bị phanh thây xẻ thịt để lộ ra những khát vọng chất ngất. Cái gam màu nóng bốc cháy của nhục cảm và cái gam màu lạnh của nỗi cô đơn cùng cực cùng tồn tại trong một Phan Nguyên, dường như lại quá điềm tĩnh.

Cái tưởng như bí ẩn trong tác phẩm của Phan Nguyên, thật ra lại là những nỗi niềm bộc trực của một linh hồn khốn quẫn tự đày đoạ truy tìm bản thể, một cách thành thật. Nó khiến chúng ta ngỡ ngàng và xao xuyến. Và chính ngay phút giây ấy, chúng ta ngậm ngùi kiến tánh. Chúng ta không thành Phật nhưng chúng ta thành Người. Một viên thành của kiếp nạn.

Phải chăng, Phan Nguyên đã tuẫn đạo?

(Sài Gòn, 12/2024)


Sinh quán Hà Nội, 1948. Di cư 1954. Học Văn khoa, Sài Gòn. Tốt nghiệp Đại học Sorbonne Paris. Dạy Pháp văn và điều hành một trung tâm huấn nghiệp tại Pháp. Tự học hội hoạ. Đã cộng tác với các tạp chí Peuples du Monde, Hợp Lưu, Diễn Đàn.