Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2024

Nhà xuất bản Fitzcarraldo Editions biến văn chương “khó nhằn” thành cung cách thời thượng

Mười năm qua, nhà xuất bản ở London đã quy tụ cho mình những độc giả trung thành – và bốn nhà văn đoạt giải Nobel.

Tác giả: Rebecca Mead, đăng ngày 1/7/2024 trên tạp chí The New Yorker.

Quyên Hoàng dịch

This image has an empty alt attribute; its file name is image-19.png

Jacques Testard, người sáng lập thương hiệu xuất bản, nói rằng sứ mệnh của ông là xuất bản những tác phẩm "bị cho là quá khó đối với số đông." Minh họa của Alex Merto.

Gần một năm sau khi Jennifer Croft – một người dịch sách, gửi bản thảo đến Jacques Testard, một người xuất bản sách ở London, vào mùa hè năm 2015, bản thảo nằm chờ mòn mỏi mà không được đụng đến. Testard đã thành lập NXB Fitzcarraldo Editions vào năm trước đó, với mục tiêu tạo nên một danh mục xuất bản cho các tác phẩm văn chương hư cấu và các cuốn tiểu luận nổi bật, phần nhiều là sách dịch. Khi ấy anh mới chỉ 30 tuổi, và cực kỳ giàu tham vọng, nhưng nhà xuất bản của anh gần như không hơn gì một doanh nghiệp do một cá nhân vận hành, và anh bị hụt lại phía sau trong việc đọc duyệt bản thảo. Mãi sau này, sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào tháng Sáu năm 2016, khi công dân Anh đã bỏ phiếu sít sao nhằm ủng hộ nước Anh tách khỏi Liên minh châu Âu, thì Testard mới xem qua bản thảo mà Croft đã gửi đến anh: phần trích dài 200 trang từ “Flights”, cuốn tiểu thuyết đồ sộ được xuất bản lần đầu bằng tiếng Ba Lan, vào năm 2007, của Olga Tokarczuk.

Testard – một công dân Pháp đã cùng gia đình chuyển đến sống ở Anh lúc nhỏ – đã không đủ điều kiện để bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý trên. Thế nhưng, như nhiều người mà anh quen biết trong xã hội, Testard cho rằng nước Anh sẽ chọn vẫn tiếp tục là một phần của châu Âu. Anh bị sốc trước kết quả trên, và thấy kinh hãi trước việc nó hợp thức hóa thái độ thù hằn đối với những cư dân châu Âu sinh sống ở Anh. Cá nhân anh không cảm thấy mình sẽ dễ bị ảnh hưởng: Testard thuần thục hai thứ tiếng, và nói tiếng Anh với tông điệu đặc trưng cho tầng lớp trí thức, khá giả, và thượng lưu ở London. Nhưng những người nhập cư kém may mắn hơn đã cảm thấy bất an: những dòng vẽ bậy trên tường ghi “Cút xéo” xuất hiện trên đường phố Anh, và những bà mẹ bị thấy là đang nói tiếng nước ngoài với con mình thì bị chê trách. Những người nhập cư từ Ba Lan – mà sau khi nước này gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 2004, họ đã trở thành nhóm người định cư sinh ra ở nước ngoài lớn nhất ở Anh – bị báo giới cánh hữu ở Anh chế giễu là “đám thợ sửa ống nước Ba Lan”, những kẻ cướp việc làm đến từ Warsaw hoặc Lodz đã phát đạt nhờ công việc bảo dưỡng nhà cửa của những người dân khốn khó thành London.

Một số tiểu thuyết gia người Anh, bao gồm John Lanchester và Rachel Cusk, đã chống lại thành kiến này bằng cách đưa những chân dung khắc họa tinh tế về những công nhân xây dựng người Ba Lan vào các cuốn sách viết về đời sống ở Anh. Về phần mình, Testard quyết định sẽ góp phần cho sự đa dạng hóa tiếng nói của Ba Lan ở Anh bằng cách đưa bản dịch tiếng Anh cho tác phẩm của Tokarczuk đến tay bạn đọc. Tokarczuk sinh năm 1962, và tiểu thuyết đầu tay của bà, “The Journey of the Book-People” thì được xuất bản ở quê nhà năm 1993; bà đã trở thành một trong số những trí thức được ngợi ca nhiều nhất ở Ba Lan, với một danh mục các cuốn tiểu thuyết mang tính thách thức-các thể loại văn học, với cảm hứng dựa trên lịch sử và huyền thoại. Tuy các tác phẩm của Tokarczuk đã được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Đức, và nhiều ngôn ngữ Âu châu khác, tiểu thuyết của bà chưa hề được phát hành bằng tiếng Anh ở Anh Quốc.

“Flights”, cuốn sách mà Croft đã dịch một phần, là lựa chọn lý tưởng để giới thiệu bộ trước tác đồ sộ của Tokarczuk đến độc giả các nước nói tiếng Anh. Được cấu tạo từ những mảnh ghép, cuốn sách chứa đựng những mạch truyện và câu chuyện khác nhau, băng xuyên thời gian và không gian. Một người mẹ và đứa con trai mất tích khi đang đi nghỉ trên một hòn đảo ở Croatia; cô con gái chịu tang của một người đàn ông gốc Phi vốn từng bị bắt làm nô lệ tìm cách lấy lại thi thể được bảo quản của cha mình, mà vị Hoàng đế Áo đã đặt trong căn buồng bày biện những đồ vật hiếm lạ. Những mẩu tự sự này được đan xen với những cuộc du ngoạn ngẫu hứng, mang dáng dấp của các bài tiểu luận, đi vào trải nghiệm của những hành khách du lịch thời hiện đại – những người có thể bay từ Irkutsk đến Moscow trong một bình minh dài, hoặc thắt dây an toàn trên ghế máy bay cạnh những người tham gia một bữa tiệc độc thân đã mệt rã rời, khoang máy bay nồng nặc “mùi mồ hôi hòa lẫn với dư vị hứng dục” ở họ. Một đoạn hài hước trong “Flights” – với giọng điệu thương hại – chỉ ra sự mong manh bất lực của những người chỉ biết mỗi tiếng Anh, mà với họ “mọi chỉ dẫn, mọi lời nhạc của những bài hát xuẩn ngốc nhất có thể, mọi thực đơn, mọi truyền đơn nhức nhối – kể cả nút ấn trên thang máy! – đều ghi bằng thứ ngôn ngữ của riêng họ”. Testard yêu thích lối kể chuyện đa phương của Tokarczuk, giúp đem lại lời đáp trả cho quan điểm hạn hẹp của những người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ việc đóng cửa biên giới nước họ.

Testard đạt thỏa thuận xuất bản “Flights” vào năm 2017, và đồng thời đã đặt Croft dịch tác phẩm vừa mới được hoàn thành gần đấy nhất của Tokarczuk, “The Books of Jacob”, cuốn tiểu thuyết sử thi về Jacob Frank, một học giả theo đạo Kabbalah, người đã dẫn dắt một giáo phái theo tư tưởng cứu thế tại vùng biên giới giữa Ba Lan và Ukraine vào thế kỷ 18. Năm 2018, “Flights” đoạt Giải Booker Quốc tế – sự công nhận quan trọng nhất của nước Anh dành cho các tác phẩm văn học dịch, với việc chủ tịch hội đồng chấm giải, bà Lisa Appignanesi, ca ngợi Tokarczuk là “một nhà văn với nét hóm hỉnh, trí tưởng tượng tuyệt diệu, với nét bút điệu nghệ tài hoa”. Nhờ giải thưởng Booker, tác giả này đã thu hút lượng độc giả nói tiếng Anh háo hức tìm đọc tác phẩm khi Fitzcarraldo Editions phát hành, vào mùa thu năm đó, cuốn tiểu thuyết trinh thám ly kỳ của Tokarczuk, “Drive Your Plow Over the Bones of the Dead”, do Antonia Lloyd-Jones dịch sang tiếng Anh. Cuốn sách đó đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất của Fitzcarraldo, với hơn 150.000 bản bán được. Năm 2019, Tokarczuk thắng giải Nobel Văn học, sự kiện này giúp độc giả nói tiếng Anh sẵn sàng đón nhận cuốn tiểu thuyết “Books of Jacob” đáng gờm, dài gần 1000 trang và bản dịch tiếng Anh của nó được ấn hành năm 2021. Đến nay, Fitzcarraldo đã bán được hơn 300.000 bản các tác phẩm của Tokarczuk. Bốn bản dịch nữa cho các tác phẩm của bà đang được Fitzcarraldo sửa soạn.

Lần đầu tôi chạm trán NXB Fitzcarraldo Editions là vào dịp hè 2017, khi đang ngó nghiêng tiệm sách London Review Bookshop, nằm gần Bảo tàng Anh. Tôi bắt gặp một tập sách mỏng bìa mềm, với bìa sách giản đơn mang gam màu xanh lam nổi tiếng của họa sĩ Pháp Yves Klein (1928-1962). Nhan đề đơn âm của cuốn sách, “Pond”, lẫn tên của tác giả – Claire-Louise Bennett, kèm tên của NXB là được in bằng các hàng chữ trắng tinh khôi, cùng với đó là “huy hiệu”/logo của Fitzcarraldo (quả chuông nằm trong một vòng tròn). Nét thẩm mỹ này – một cách đầy lôi cuốn – làm ta gợi nhớ đến những cuốn sách trong một tiệm sách ở Paris, kể cả phần bìa gập vào trong thể theo những cuốn sách được in ấn ở Pháp. Tôi chọn chỗ an vị đầy nắng trong công viên St. James’s Park, và đọc gần hết cuốn sách chỉ trong một buổi, cảm nhận rằng mình đã ngộ ra một khám phá hay ho. Ẩn sau bìa sách giản đơn là một chuỗi truyện ngắn luân phiên hé mở, kết nối chặt chẽ với nhau, vui nhộn và lạ kỳ, truyền tải đời sống nội tâm của một người phụ nữ trẻ sống ẩn dật ở miền quê Ireland. Các đề tài mà người kể chuyện khai thác đi từ văn học và “sự hung tàn cốt yếu của tình yêu” cho đến sự thiếu khôn ngoan của hành động trì hoãn bữa ăn sáng – muộn đến mức món cháo đặc của cô thành ra trông như “bữa ăn u ám từ chốn địa ngục”. Cuốn sách không có cốt truyện, nó tản mạn quanh co, thế nhưng hiệu ứng tổng thể lại là tính độc đáo khiến ta thích thú.

“Pond” ban đầu đã được ấn hành bởi The Stinging Fly, một nhà xuất bản nhỏ ở Ireland, nơi Bennett – vốn xuất thân từ vùng Tây Nam của nước Anh – sinh sống suốt hai thập niên qua, nhưng nó đã bị nhiều nhà xuất bản Anh từ chối xuất bản. “Tôi nhớ là mình đã nhận được nhiều phản hồi về nó, ví như nó cần được đầu tư trau chuốt thêm – rằng nó cần một cốt truyện, nó cần nhiều nhân vật hơn, mấy gợi ý kiểu như thế, trong khi đó không hề là chủ định của tôi khi viết nên nó,” Bennett kể với tôi gần đây. Tuy nhiên, Testard tránh đề xuất với Bennett rằng cô nên biến cuốn sách lạ thường và mê hoặc này thành thứ gì đó mặc nhiên dễ tiếp cận với độc giả, và anh đã xuất bản nó, vào năm 2015, như nó vốn dĩ là mà không thay đổi gì cả. “Pond” được giới phê bình hưởng ứng nhiệt liệt, và lọt vào danh sách đề cử giải thưởng Dylan Thomas Quốc tế dành cho các tác giả trẻ. Cuốn sách này nay đã được tái bản 13 lần. “Jacques không hề đua đòi theo mấy thứ có chăng là hợp mốt, hoặc những thứ mà anh nghĩ rằng sẽ bán cháy hàng,” Bennett giải thích. “Anh được dẫn lối bởi những gì mà anh thực sự tin yêu”.

Điều mà Testard thực sự tin yêu đã được phản ánh thông qua danh mục xuất bản của Fitzcarraldo – trong lúc nhà xuất bản này đang chuẩn bị kỷ niệm 10 năm thành lập – thì nay đã bao gồm hơn 100 tựa sách của 78 tác giả. Khoảng một nửa tựa sách là sách dịch, và danh mục xuất bản của Testard ít nhiều được chia đều giữa các tác phẩm hư cấu, vốn mang bìa màu xanh lam như cuốn “Pond”, và các sách phi-hư cấu, mà hệ màu in ấn trên bìa sách được đảo ngược: dòng chữ xanh lam in trên nền trắng. Cách trình bày gây ấn tượng về mặt thị giác này là công trình của Ray O’Meara, một nhà thiết kế đồ họa người Ireland, anh cũng là người đã thiết kế nên một bộ phông chữ riêng biệt cho các ấn phẩm của Fitzcarraldo và luôn theo dõi sát sao tính nhất quán trong phong cách trình bày của chúng – anh lưu tâm nhiều về độ đậm-dày của mực in, nét tương phản của nó với không gian trống ở hai bên lề sách, đề ra quy chuẩn cho tính trang nghiêm tề chỉnh ở từng trang sách. Sự đồng đều về “ngoại hình” của sách đồng nghĩa với việc một nhà văn viết truyện hư cấu, mới lần đầu được xuất bản như Bennett sẽ trở thành – về mặt thị giác – người ngang hàng với một tác giả đã thắng giải Nobel.

Điều khiến cho ta cảm thấy ấn tượng là bốn trong số các nhà văn được vinh danh giải Nobel suốt một thập kỷ qua đều có trong danh mục xuất bản của Fitzcarraldo. Song song với Tokarczuk, đó còn là nơi xuất bản các trước tác của Svetlana Alexievich, nhà văn Belarus (giải Nobel 2015); Annie Ernaux, nhà văn Pháp (giải Nobel 2022); và Jon Fosse, nhà văn Na Uy (giải Nobel 2023). Phổ đề tài và phong cách cho các tác phẩm mà Fitzcarraldo ấn hành là phong phú đa dạng – đi từ cuốn “Animalia”, phiên sử thi hà khắc về cảnh đói nghèo và bạo lực ở vùng nông thôn của tiểu thuyết gia người Pháp Jean-Baptiste Del Amo, cho đến cuốn “Suppose a Sentence”, là những suy tưởng của Brian Dillon – một nhà học giả – về những câu văn riêng biệt từ tác phẩm của các cây bút như George Eliot và Roland Barthes.

Mặc dù Fitzcarraldo hiện mới đang có lãi, nhưng Testard không thể bì được về mặt tài chính so với các nhà xuất bản thương mại chủ lưu, và đa phần, anh chỉ có thể tạm ứng cho các nhà văn/người dịch một khoản tiền vỏn vẹn 4 chữ số. Với một số nhà văn, việc họ được đề nghị một khoản tiền ứng trước lớn hơn từ một nhà xuất bản khác – sau thành công mà họ có được nhờ hiệu ứng mà Fitzcarraldo khởi xướng – là một cơ hội phải liều lĩnh lắm mới dám từ khước. Bennett đã “phải lòng” nhà xuất bản Cape để họ xuất bản tác phẩm thứ hai của cô, cuốn tiểu thuyết “Checkout 19”, phát hành năm 2021. Bennett nói, “Đó không phải là một quyết định mà tôi không hề mảy may nghĩ suy. Tôi đã tốn không ít nước mắt khi phải nói lời chia tay.” Testard bảo với tôi rằng, “Chúng tôi không thể cạnh tranh về mặt tiền bạc, và cô ấy cần số tiền đó, và thế thì ổn thôi, không sao cả”. Với những nhà văn vẫn bám trụ với Fitzcarraldo, Testard mang lại cơ hội để sách của họ được xuất bản một cách chỉn chu hoàn mỹ, và được xuất hiện bên cạnh những tên tuổi văn học được kính nể. Tynan Kogane, nhà biên tập sách cấp cao ở NXB New Directions ở New York, nói về Testard như sau: “Cậu ấy đã có được cái danh tiếng vô cùng quái lạ rằng cậu ta có thể ‘tiên tri’ ai là người sẽ đoạt giải Nobel”. Testard cũng được biết đến là người tận tụy nuôi dưỡng một nhà văn xuyên suốt sự nghiệp của họ. Anh nói với tôi rằng, “Nếu bạn tìm đến tôi với cuốn sách đầu tay của bạn, và tôi đặt niềm tin ở bạn như là một tác giả thực thụ, và tôi tin vào sáng tác của bạn, và nó chưa thể thành công và nó chỉ bán được mỗi 500 bản mà thôi, chúng tôi vẫn sẽ phát hành cuốn sách tiếp theo của bạn, và cuốn sách kế tiếp nữa, vì công việc này vốn cần thời gian”.

Trên thực tế, chỉ có mỗi một tựa sách trong danh mục xuất bản của Fitzcarraldo là bán ít hơn một nghìn bản, nhiều tựa sách khác đã bán được hơn rất nhiều. Với các tác giả văn học, triển vọng dựa vào lòng trung thành – mang dáng dấp từ một thời quá vãng như chăng – từ một nhà xuất bản, đã cho phép họ tự do bay lượn với trí tưởng tượng, vốn là điều khó bề tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Dan Fox, một nhà phê bình nghệ thuật mà cuốn sách thứ hai của anh do Fitzcarraldo xuất bản, “Limbo”, là xoay quanh trải nghiệm về sự cạn kiệt bức bối trong lúc sáng tạo, đã nói với tôi như sau: “Nó là một cuốn sách hơi bị hỗn độn – tôi không nghĩ nó có thể thành hình chút nào. Tôi từng hay nghĩ rằng tôi sẽ khá là muốn làm cuốn ‘Limbo 2’, và ‘Limbo 3’, cũng cùng một nội dung mà thôi, từ từ được chỉnh lại hoặc cấu trúc lại, để rồi nó sẽ trở thành một cuốn sách không bao giờ được giải quyết một cách hoàn chỉnh. Tôi có đề cập với Jacques về ý tưởng này ở một thời điểm nào đó, và phải nói tất cả là nhờ Jacques, vì anh ấy có vẻ đã nghĩ là: Ồ, ừ, đó là một ý tưởng không tệ chút nào”. (Testard nói với tôi rằng, “Tôi sẵn lòng xuất bản tập sách ‘Limbo 2’ hoặc ‘Limbo 3’, nếu đó là điều mà Dan muốn làm.)

Sự thông thạo song ngữ của Testard đã trao cho anh lợi thế ở một ngành xuất bản mà ngạc nhiên thay, trong đó, khả năng đọc các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh ra là điều hiếm gặp. Anh không chỉ đọc nhiều tác giả người Pháp trước khi sách của họ được dịch sang tiếng Anh; là một độc giả Pháp, anh cũng đã có cơ hội tiếp cận các tác giả đến từ nhiều ngôn ngữ khác, bởi lẽ các nhà xuất bản Pháp thường nhạy bén hơn người Anh hoặc người Mỹ để ấn hành các bản dịch văn học. Testard đã đọc Svetlana Alexievich bằng tiếng Pháp trước khi tìm cách thâu mua bản quyền cuốn “Second-hand Time”, một phiên sử thi truyền miệng về nước Nga thời hậu-Liên Xô, vào năm 2014, trong lúc anh lần đầu tham dự Hội sách Frankfurt ở Đức, một sự kiện thường niên nơi bản quyền xuất bản sách quốc tế được mua bán, thương lượng.

“Khi ấy, tôi đang rảo bước đó đây, trên tay cầm cuốn sách bìa xanh lam và cuốn sách bìa trắng từ NXB của mình,” anh hồi tưởng về hội chợ. Năm đó, hội sách Frankfurt diễn ra cùng lúc với việc công bố người đoạt giải Nobel Văn học, và Alexievich được xem là một trong số những ứng viên sáng giá nhất để thắng giải. Testard hồi tưởng, “Nói chung là, họ nói với tôi rằng, ‘Anh chẳng có cơ hội gì mấy đâu’”. Khi Patrick Modiano được vinh danh là người thắng giải, cơn sốt cạnh tranh giữa các NXB hòng lấy được bản quyền cho sách “Second-hand Time” bỗng dưng dập tắt; trong vòng một tuần, Testard đã có được bản quyền xuất bản cho cuốn sách của Alexievich, với một khoản tiền mà khi ấy là cực lớn đối với anh – 35.000 bảng Anh. Năm sau, bà thắng giải Nobel, và bản dịch tiếng Anh mà Testard đã đặt hàng, từ Bela Shayevich, đã được bán lại cho một NXB Mỹ với giá một phần tư của một triệu USD.

Khi giới thiệu bản dịch cho tác phẩm của một tác giả thành danh đến với đối tượng công chúng hiếu đọc của các nước nói tiếng Anh, Testard có trực giác tinh tường về việc nên định vị “sản phẩm” của mình ra sao. Sau khi anh có được bản quyền xuất bản các tác phẩm của Annie Ernaux – nhà văn Pháp mà bộ trước tác của bà, vốn bao gồm các tập sách khá là mỏng, ẩn chứa việc bà không ngừng tu chỉnh những trải nghiệm trong đời mình – anh đã không chọn phát hành cuốn sách gần đấy nhất của bà, “A Girl’s Story”, vốn xuất hiện trên văn đàn Pháp vào năm 2016; thay vào đó, Testard chọn cuốn “The Years”, từ năm 2008, trong đó Ernaux mượn hình hài đời bà để kể dòng tự truyện phi-cá nhân về đức tánh và thể trạng của nữ giới Pháp từ năm 1941 cho đến nay. Cây bút Edmund White đã viết bài phê bình đầy hồ hởi về cuốn “The Years” trên tờ New York Times, gọi nó là cuốn ‘Đi Tìm Thời Gian Đã Mất [tên bộ truyện của đại văn hào Pháp Marcel Proust; 1871-1922] của thời đại ngày nay nay bị thống trị bởi truyền thông và chủ nghĩa tiêu dùng”.

Khi Testard quảng bá sách của mình, anh chỉ toát lên cái vẻ tưởng như “hung hăng” chừng mực trong tư cách một người đàn ông trí thức, mềm mỏng. Không ít lần, anh đã nộp hồ sơ để những tác phẩm trong bộ sách các Tiểu Luận của anh được cân nhắc cho giải Booker Quốc tế, một giải thưởng chỉ dành riêng cho các tác phẩm văn học hư cấu, vì anh cắt nghĩa rằng – tuy bản thân NXB Fitzcarraldo có sự phân định giữa hai màu trắng và xanh lam – nhưng chỉ một hội đồng chấm giải hẹp hòi mới không thể thấu hiểu rằng, ví như, các tác phẩm phi-hư cấu của Ernaux nên được tranh giải với các tác phẩm tự-nhận mình là hư cấu. (Cũng có lúc anh đã thành công: sách “The Years”, do Alison L. Strayer dịch sang tiếng Anh, đã lọt vào danh sách đề cử giải Booker Quốc tế năm 2019.) Ở một nỗ lực tranh giải Booker khác, vào năm 2022, Testard đã tìm cách nộp hồ sơ cho trọn bộ “Septology” của Jon Fosse như một ấn bản hoàn chỉnh, tuy nó đã được nộp hồ sơ theo từng tập sách ở các năm trước, với việc “Septology VI-VII” đã lọt vào danh sách đề cử. “Họ nói ‘không’ với tôi, thì cũng chẳng sao ấy mà – tôi cho là thế,” Testard nói. “Tôi biết tôi không phải là kẻ duy nhất chất vấn luật lệ”.

Peter Strauss, một nhà đại diện lỗi lạc của các nhà văn ở London, nói về Testard như sau: “Cậu ấy chưa bao giờ ngừng nghĩ về việc mình có thể bán sách như thế nào,” và tiếp lời rằng, “Bạn cần phải có niềm tin mãnh liệt, và đồng thời là sự bướng bỉnh nữa. Và một điều nữa mà bạn cần phải có, mà cậu ấy sở hữu, là niềm tin cháy bỏng rằng cậu ta là một tay xuất bản sách xuất sắc.” Barbara Epler, một người làm trong ngành xuất bản kiêm giám đốc biên tập của New Directions – NXB Mỹ với bề dày lịch sử lâu đời, thành lập năm 1936, vốn đã ấn hành bản dịch cho các tác phẩm kiệt xuất của Jorge Luis Borges, Roberto Bolaño, và các tác gia khác, đã bảo với tôi như sau: “Jacques làm tôi nhớ đến James Laughlin, người sáng lập NXB New Directions – rằng họ muốn biến các nhà xuất bản thành mái nhà chung của các nhà văn đến một mức độ mà tôi không nghĩ vẫn còn được xem là điển hình ở thời đại ngày nay.”

“Dịch vụ” mà Fitzcarraldo đem lại không chỉ mang tính văn học chữ nghĩa. Tháng Năm năm nay, Sheila Heti, một tác giả người Canada, đã bay đến London để quảng bá sách “Alphabetical Diaries” của cô, một tuyển tập những câu văn hoài cảm dựa trên các ghi chép thường nhật của cô, được sắp xếp theo trình tự từ A đến Z – một công trình mà Testard vốn đã thảo luận với Heti suốt một thập kỷ qua. Cô đã nhờ anh tháp tùng mình đến một cửa hiệu quần áo, nơi cô hỏi lời khuyên và “con mắt thời trang” của anh về việc cô nên mua tấm áo khoác vải tuýt nào trong số ba lựa chọn bày ra trước mắt. Testard đã gật đầu đồng ý với chiếc áo khoác màu hoa cà. “Tôi bắt được ý rằng đó là câu trả lời mà cô ấy mong đợi,” Testard bảo tôi, với giọng điệu nhẹ nhàng. “Nó cũng trông như là tấm áo khoác đẹp nhất nữa.”

Testard và đội ngũ biên tập của mình – nay anh đang có 7 người cộng sự – ưa nói về các tác giả và các tác phẩm của Fitzcarraldo như là những nhân tố tạo thành các chòm sao, với việc một tựa sách này sẽ đưa độc giả hiếu kỳ đến với một tựa sách khác, rằng giữa chúng san sẻ một mối liên hệ gần gũi, và rồi nối kết đến các tựa sách khác nữa. Ai đó, như tôi chẳng hạn, có thể bắt đầu với cuốn “Pond” để rồi sau đó bị thu hút bởi tác phẩm của nhà văn người Đức Esther Kinksy – như cuốn tiểu thuyết “River” giàu tính quan sát của bà, với người kể chuyện vô danh sống bên bờ sông Lea, ở vùng đất ngập nước ngoại vi thành London. Họa chăng, đọc xong Kinksy sẽ lần lượt đưa ta đến nhà thơ Nga Maria Stepanova – cuốn tiểu luận “In Memory of Memory” của bà là về sự sinh tồn của nhiều thế hệ trong gia đình bà ở Liên Xô thế kỷ 20. Việc thưởng thức tác phẩm của Stepanova có chăng sẽ khuyến khích độc giả tìm đọc một tác phẩm hiện đại khác về công cuộc thử nghiệm cải cách của Liên Xô, như là cuốn “Second-hand Time” của Alexievich. Khái niệm về các “chòm sao” hội tụ đã giúp định hướng cho đội ngũ biên tập của Fitzcarraldo khi họ cân nhắc về việc tác giả nào sẽ “ăn-rơ” vào danh mục xuất bản của họ. Nhưng họ không hề làm cái việc thô thiển như là ngốn đầy trang bìa sau của một cuốn sách với những dòng chữ giục giã người đọc rằng “nếu bạn yêu thích tác phẩm A, bạn nên đọc tác phẩm B đây này”. Thiết kế bìa sách tinh tế và nổi trội của họ đã là lời giới thiệu đủ đầy trong mắt độc giả.

Không phải tình cờ mà nhiều cuốn sách của Fitzcarraldo là có chung mối bận tâm về đề tài lịch sử và ký ức: Testard đã từng cân nhắc việc lấy bằng Tiến sĩ ngành Sử học ở Đại học Oxford trước khi anh gia nhập ngành xuất bản. Nhiều tựa sách cũng trở nên nổi bật nhờ độ khó nhất định đến từ tính văn chương giàu ý thức tự cảm ở chúng. Cuốn sách hư cấu đầu tiên mà Testard xuất bản, vào năm 2014, là “Zone” của Mathias Énard, tiểu thuyết dài 521 trang được viết theo thể một câu văn tự cảm liền mạch, không xuống dòng. Người kể chuyện – kẻ đang thực hiện hành trình dài 521km trên một chuyến tàu từ Milan đến Rome – suy niệm về lịch sử của chính mình và lịch sử của châu Âu thời hiện đại. Cuốn sách này được một vài nơi ca ngợi là một tuyệt tác uyên thâm và dũng mãnh, như mục bình sách trên tờ The New York Times, và ở một vài nơi khác thì bị xem là, có chăng, giả dối về mặt tri thức. (Như cây bút Nicholas Lezard viết cho tờ The Guardian một cách đầy hoài nghi như sau: “Nhồi nhét vào một cuốn sách những điều nghe chừng u uẩn, sâu sắc và với những dòng gợi nhắc đến triết gia Homer không nhất thiết khiến cuốn sách này trở nên sâu sắc, u uẩn và mang dáng dấp của Homer.) Testard bảo với tôi rằng, việc xuất bản cuốn “Zone” như là công cuộc mạo hiểm đầu tay của anh thì vốn dĩ là, “một dạng tuyên ngôn cho sứ mệnh của NXB – rằng đây rõ là một nhà xuất bản nhỏ lẻ sẽ xuất bản các tác phẩm đầy tham vọng vốn bị xem là cực kỳ ‘khó nhằn’ trong mắt những kẻ ăn nằm trong dòng văn hóa chủ lưu”.

Tác phẩm phi-hư cấu đầu tiên của Fitzcarraldo, cũng ra mắt trong năm 2014, là “Memory Theatre” của triết gia người Anh Simon Critchley, nó là dòng tự sự không đáng tin cậy mà trong đó, người tác giả – trong lúc soạn lại một chiếc hộp đựng bút tích của một người đồng nghiệp quá cố – suy niệm về hành trình của chính mình nhằm hướng đến một đời sống tinh thần thanh tao, và về những cấu uế thấp hèn của đời sống thể xác. (“Giấc ngủ sẽ nhẹ nhàng buông rủ… để rồi bị ngắt quãng bởi cái cồn cào ngấp nghé kia, tựa như sinh vật đến từ hành tinh khác, ở phần bụng dưới. Tôi có cần phải dậy đi tè hay không đây?”) Critchley nói với tôi rằng, bản thảo cho cuốn sách này “là một tập sách nhỏ kỳ quái mà tôi không hề tự tin chút nào, nếu phải nói một cách nhẹ nhàng nhất có thể”. Ông đã đồng ý xuất bản nó với Testard, với kỳ vọng rằng thành quả sẽ trông như là “một tập san nhỏ nhoi hay sao đó.” Ông bảo với tôi rằng, việc trở nên gắn liền với mẩu chuyện về nguồn gốc xuất thân của NXB Fitzcarraldo nay thì trông như một quyết định thông minh hơn nhiều, so với những gì mà ông có thể tự mình khẳng định. Khi tôi hỏi Critchley ông sẽ mô tả một ấn phẩm đặc trưng của Fitzcarraldo là như thế nào, ông đưa ra câu trả lời này: “Đó là những cuốn sách mang tính văn chương cao và giá trị trí thức lớn mà không ai khác sẽ sẵn sàng xuất bản. Ngầu và kỳ quái, và có chăng khá là hay ho nữa.”

Testard đặt tên cho công ty của anh trong lúc ngó nghiêng tủ sách của mình. Mắt anh chạm phải một cuốn sách của nhà văn Pháp Emmanuel Carrère, trong đó Carrère thảo luận về một cuộc phỏng vấn mà ông từng thực hiện vào đầu thập niên 1980 với đạo diễn Werner Herzog. Tác phẩm điện ảnh hoành tráng năm 1982 của Herzog với nhan đề “Fitzcarraldo” – kể về một kẻ say mê dòng nhạc opera sau trở thành chủ đồn điền cao su, kẻ đã cố sức vận chuyển một con tàu hơi nước từ vùng triều cống ở sông Amazon đến một nơi khác bằng cách kéo lê nó vượt qua đỉnh dốc đứng ở rừng rậm Peru – đã trở thành câu cửa miệng để diễn tả một cuộc phiêu lưu bất toại, phải trả với cái giá quá đắt. Testard nói với tôi rằng việc lấy “Fitzcarraldo” làm tên của nhà xuất bản là “một ẩn dụ không mấy tinh tế về sự ngu ngốc của việc thành lập một nhà xuất bản”. Trong lúc cuốn “Every Man for Himself and God Against All” – hồi ký mới ra mắt gần đây của Herzog – được chào hàng đến các nhà xuất bản, Testard đã gửi thư đến nhà xuất bản ở Đức của đạo diễn Herzog; anh bảo với tôi rằng, nó là “một mánh khóe của dân xuất bản mà có chăng tôi là kẻ đã phát kiến ra nó, bởi lẽ nó là điều quá ư là xuẩn ngốc – một sự ‘rào trước đón sau’ rẻ tiền”. Anh tiếp lời: “Tôi đã gửi gắm vào thư đó lời chào hàng đầy nhiệt huyết, kèm số tiền lớn nhất mà tôi có thể cung ứng ở thời điểm đó.” Anh vội nói thêm rằng: “Tôi không hề nghĩ Werner Herzog là không có khiếu hài hước. Tôi cho rằng ông chắc chắn là có.” (Trao đổi qua email, Herzog bảo với tôi là “Tôi không bận tâm chút nào rằng không hề có bất kỳ sự liên lạc nào giữa tôi và Jacques Testard về việc cậu ấy lấy ‘Fitzcarraldo’ để đặt tên cho nhà xuất bản của mình. Cậu ấy hoàn toàn được hoan nghênh, vì có vẻ cậu ấy đã cho xuất bản những cuốn sách hay tuyệt đấy.”)

Một tên gọi khả dĩ khác cho nhà xuất bản là Pale Fire Editions. Nhưng nhan đề cho cuốn tiểu thuyết của Nabokov này (Pale Fire) đã bị “lấy” bởi vợ của Testard, Rowena Morgan-Cox, để đặt cho công ty chuyên thiết kế những chiếc đèn thời trang làm từ giấy tái chế của cô. Căn hộ bắt mắt của họ ở khu Đông Nam thành London bày biện những chiếc đèn này, và hai chiếc đèn nữa giúp trang hoàng văn phòng mang thiết kế mở, ngập tràn ánh sáng tự nhiên của Fitzcarraldo – vốn tọa lạc trong tòa nhà trước kia là một nhà máy sản xuất bộ chế hòa khí nay đã được cải tạo – cả căn hộ và văn phòng của họ đều nằm dọc cùng bờ sông Thames. Ở văn phòng của Fitzcarraldo, những ô cửa sổ bọc khung thép giúp duy trì một bầu sinh quyển hoài cảm về thời đại công nghiệp của nước Anh, và ở tầng trệt của tòa nhà là một tiệm cà phê chuyên bán các thức uống pha chế thủ công với hạt cà phê đặc sản.

Tại Fitzcarraldo, mỗi tuần đều khởi đầu với một buổi họp của ban biên tập, và vào một buổi sáng nọ trong tháng Năm này, tôi đã có dịp tham gia cùng nhóm vào một buổi thảo luận bàn tròn – rải rác trên bàn là một số ấn phẩm bìa xanh lam và bìa trắng, trên kệ và tủ sách là nhiều tựa sách hơn nữa. Hệ màu xanh-trắng của Fitzcarraldo là một nét “định vị thương hiệu” mạnh mẽ đến nỗi, sau một hồi tôi tiếp xúc với nó, thì ngay cả những vật dụng bình dị mang gam màu na ná vậy – kể như bồn rửa chén đĩa màu xanh lam ở văn phòng của NXB; hay bộ đồ kết hợp giữa chiếc váy vải bò và áo thun trắng mà một người biên tập ở văn phòng diện lên người – bắt đầu khiến tôi cảm thấy đó có vẻ là hành động quảng bá thương hiệu có chủ đích.

Việc đầu tiên cần xử trí trong cuộc họp là về những cuốn sách đang trong quá trình sửa soạn. Chúng bao gồm cuốn “Dysphoria Mundi” của Paul B. Preciado, một triết gia và giám tuyển nghệ thuật người Tây Ban Nha mà, trong số những tác phẩm trước đó của ông, phải kể đến “Can the Monster Speak?”, cuốn tiểu luận về thực trạng bệnh lý-hóa những người chuyển giới bởi giới hành nghề phân tâm học. Testard – anh chải bầu tóc màu hạt dẻ của mình để chúng che lấp hai bờ thái dương, trông như phong cách của một nhà thơ theo chủ nghĩa Lãng mạn – có thể đọc tiếng Tây Ban Nha song song với tiếng Pháp và tiếng Anh. “Tôi đang chậm rãi đọc duyệt bản dịch của chúng tôi, và Paul đã chấp thuận hầu hết những điểm cần chỉnh sửa, vốn là điều làm tôi khá bất ngờ,” anh bình luận.

Kế đến, nhóm biên tập bắt đầu thảo luận về Lucy Mercer, một nhà thơ sẽ sớm được công bố là người thắng giải Tiểu luận Fitzcarraldo năm nay – đây là giải thưởng thường niên của NXB từ năm 2016 đến nay dành cho bản đề xuất một tác phẩm phi-hư cấu đang trong giai đoạn sáng tác của một nhà văn chưa được xuất bản sách lần nào. Người nhận giải sẽ được trao 3000 bảng Anh; cơ hội tham gia trại lưu trú sáng tác lên đến 3 tháng thuộc chương trình Mahler & LeWitt Studio ở thành cổ Spoleto của nước Ý; kèm hợp đồng xuất bản sách của Fitzcarraldo. Mercer đã thắng giải nhờ bài tiểu luận mang nhan đề dự kiến là “Afterlife”, xoay quanh sự sinh tử của loài người và sáp. (Thỏa theo mô thức đại khái của Fitzcarraldo, tiểu luận này chạm đến mọi thứ – từ những phiên canh gác bên ánh nến cho đến những bức tượng sáp trong bảo tàng Madame Tussauds.)

Tiếp theo, cuộc thảo luận quanh bàn tròn của Fitzcarraldo chuyển sang Clemens Meyer, tiểu thuyết gia người Đức mà cuốn tiểu thuyết đầu tay ông, “While We Were Dreaming”, là về một nhóm thanh niên lên cơn đổ đốn bệ rạc ở vùng trước đây là Đông Đức sau khi Tường Berlin sụp đổ, được xuất bản lần đầu vào năm 2007 ở quê nhà tác giả. Bản dịch của Katy Derbyshire cho cuốn “While We Were Dreaming” của Fitzcarraldo đã lọt vào danh sách sơ khảo cho giải Booker Quốc tế, cuốn “Bricks and Mortar” cũng vậy – tiểu thuyết về sự thăng tiến của một fan cuồng bóng đá sau hóa thành ma cô. Testard thông báo rằng, “Tôi đã có bản quyền cho cuốn tiểu thuyết mới của Clemens – trên thực tế, nó dài hơn cuốn ‘The Book of Jacobs’. Tôi cần phải soạn thảo một lời đề nghị và tính toán xem chúng ta sẽ kiếm nguồn chi trả cho bản dịch ra sao. Nó sẽ là một cuốn sách được phát hành vào năm 2026 hoặc 2027 – nó sẽ cần hẳn một năm để biên dịch”. Chi phí để dịch một cuốn sách của Fitzcarraldo có thể cao hơn nhiều so với khoản tiền tạm ứng dành cho một tác giả viết sách mới. Về sau, Testard bảo với tôi rằng Meyer sẽ nhận được khoản tạm ứng vỏn vẹn 4 con số cho tác phẩm mới của ông – một cuốn tiểu thuyết lịch sử phi-tuyến tính về điện ảnh, chiến tranh, và nam tính với nhan đề “The Projectionist”; còn Derbyshire sẽ được trả tầm 37.000 USD để dịch nó sang tiếng Anh. Fitzcarraldo thường nộp hồ sơ xin tài trợ từ các viện văn hóa ở quốc gia quê nhà của các nhà văn nhằm đài thọ chi phí biên dịch. Rachael Allen – một nhà biên tập thơ mà Fitzcarraldo đã chiêu mộ năm ngoái – có kể về việc cô đã tham dự một sự kiện diễn ra dịp Xuân này ở Manchester (Anh) về công tác dịch thơ, nơi cô thảo luận về tiềm năng thâu tóm bản quyền cho một chuỗi xuất bản mới về thi ca, dự kiến sẽ được Fitzcarraldo ra mắt trong năm tới. (Nhà thiết kế đồ họa Ray O’Meara đã đang phát triển một bảng màu/quy chuẩn in ấn mới, đang được bảo mật nghiêm ngặt, cho dòng sách này.)

Tôi được biết rằng, cuốn sách tiếp theo của Tokarczuk sẽ là một công trình cải biến cuốn tiểu thuyết “The Magic Mountain” của Thomas Mann, với nhan đề “The Empusium: A Health Resort Horror Story”. Do Tokarczuk đã trở nên quá lỗi lạc, nên bản dịch cho tác phẩm của bà đã được “đặt hàng” ngay sau khi bản thảo cho cuốn sách này bằng tiếng Ba Lan được hoàn tất. Đầy tự hào, Testard nói với tôi rằng, “Mỗi cuốn sách đều khác nhau và có thể được đọc theo nhiều tầng nghĩa khác nhau – bà luôn làm xáo trộn thể thức hoặc khiến nó trở nên phức tạp. Bà không bao giờ không khiến ta cảm thấy ngạc nhiên”. Đội ngũ Fitzcarraldo cũng hào hứng về tiềm năng thương mại của cuốn “Empusium” – 25.000 bản đang được in ấn – và đội ngũ bán hàng ở NXB Faber & Faber, mà Fitzcarraldo hợp tác cùng về khâu phân phối, cũng hạ quyết tâm hòng thu hút đối tượng độc giả nằm ngoài nhóm khách hàng nòng cốt của Fitzcarraldo. Testard quay sang nhà thiết kế đồ họa O’Meara và bảo, “Tôi không nhớ có nói với anh chưa, nhưng chúng tôi sẽ cần in dòng phụ-đề trên bìa sách”. O’Meara thốt lên tiếng rên nho nhỏ.

Chuông cửa reo. “Đó là mẫu in đặc biệt cho sách Jon Fosse đó!”, Testard cất lời. Để đánh dấu kỷ niệm 10 năm thành lập của Fitzcarraldo vào tháng 9 này, O’Meara đã thiết kế Bộ Sưu tập Thập niên đầu của Fitzcarraldo, một bộ sách phiên bản giới hạn gồm 10 tựa sách quan yếu nhất của nhà xuất bản – như “Pond”, “Flights”, “The Years”, và “Septology” – hết thảy sẽ được bọc vải bìa cứng, kèm các trang giấy lót in họa tiết vân đá cẩm thạch, các trang giấy đánh số ấn bản đặc biệt và ký tên tác giả. Testard đã gửi đến mỗi tác giả một thùng các ấn bản đặc biệt kèm cây bút mực đen; Fosse, người hiện sinh sống ở thành phố Oslo của Na Uy và sở hữu bộ sưu tập gồm hơn 200 cây bút máy, đã để họ biết rằng ông sẽ sử dụng dụng cụ viết lách của riêng mình để hoàn thành tác vụ ký sách. Sau khi nhân viên giao hàng gửi bưu kiện, Joely Day – một nhà biên tập sách – đã khui nó ra, bày ra trước mặt mọi người chồng sách hình chữ nhật các ấn bản đặc biệt, đã được Fosse ký tặng với nét chữ mỏng mềm ngoằn ngoèo, mang độ đậm-nhạt khác nhau của mực bút. Fosse không hẳn là tác giả duy nhất đi “lệch hướng” khỏi nét thẩm mỹ trau chuốt của Fitzcarraldo: “Khi Annie Ernaux ký sách “Getting Lost”, chữ ký ban đầu là màu đen, rồi thành xanh lam, và rồi là màu hồng,” Clare Bogen, giám đốc truyền thông của Fitzcarraldo, bảo với những người đồng nghiệp của cô. Mỗi tựa sách được tuyển chọn để đánh dấu kỷ niệm 10 năm thành lập của nhà xuất bản sẽ khiến nhà sưu tầm phải chi hơn 6000 USD. Dành cho giới hâm mộ sành sỏi ít dư dả hơn, cửa hàng trực tuyến trên trang mạng của Fitzcarraldo bày bán những chiếc túi vải màu xanh lam in tên nhà xuất bản, và cả màu trắng nữa, in nhan đề một tập sách của Dan Fox: “Pretentiousness: Why It Matters (tạm dịch: Tính đạo mạo: vì sao nó quan trọng).

Testard chuyển đến sống ở Anh Quốc khi anh lên năm, sau khi cha anh – một nhà tư vấn quản lý – bị thuyên chuyển từ Paris đến London. Không như nhiều gia đình người ngoại quốc khác, bố mẹ anh đã gửi Testard vào các trường Anh thay vì các trường tiếng Pháp, và anh sớm trở nên thuần thục cả hai ngôn ngữ lẫn các quy tắc xã hội của những người bạn đồng trang lứa người Anh của anh. Sau sự kiện Brexit, Testard rốt cuộc đã nộp đơn xin nhập quốc tịch Anh mà gần đây anh đã được chấp thuận, sau khi vượt qua bài kiểm tra về Đời sống ở Anh Quốc gồm một loạt câu hỏi về các phong tục, thể chế, và giá trị thể quốc của Anh. “Vì ngạo nghễ, tôi chẳng ôn tập gì cả, và rồi nó thực ra thành ra khó hơn tôi nghĩ nhiều,” anh thừa nhận. “Bạn bị hỏi những câu hỏi về các cấp tòa án khác nhau ở Scotland, chẳng hạn”. Việc không nắm được toàn bộ các cấp tòa án khác nhau ở Scotland có chăng sẽ được xem là một đặc điểm điển hình của công dân Anh ở Anh Quốc, nhưng sự tự tin của Testard nằm ở chỗ khác. “Tôi sở hữu đặc điểm của lứa thanh niên đầu có cha mẹ là người nhập cư ở một quốc gia khác, rằng bạn mang trong mình chất Anh hơn cả những người Anh chính thống,” anh bảo tôi.

Khi anh 13 tuổi, gia đình Testard quay trở lại Paris; anh được đăng ký theo học một trường địa phương, nơi anh chật vật với việc học. “Chúng tôi có nói tiếng Pháp ở nhà, nhưng tôi chưa bao giờ học tập bằng tiếng Pháp – tôi chưa từng học ngữ pháp tiếng Pháp, hay làm toán bằng tiếng Pháp,” anh giải thích. Em trai của anh, Pierre, có lợi thế để dễ thích nghi hơn; Pierre đã ở lại Paris và nay là một tiểu thuyết gia viết văn Pháp. (Hiện Pierre đã chuyển đến sống ở Berlin). Sau một năm ở Paris, Testard trở thành học sinh nội trú ở Trường Westminster tại London, một trong số những trường tư tốt nhất ở Anh. Cuối tuần là dịp anh dành thời gian bên bạn bè của gia đình anh hoặc gia đình của bạn bè anh; cuối cấp trung học, Testard là một gương mặt quen thuộc, đầy cá tính trong nhóm thiếu niên thành London sống xa gia đình, liên tục chuyển nhà từ nơi này sang nơi khác. Anh theo học cử nhân tại đại học Trinity College Dublin (Ireland), nơi anh tìm thấy một nhóm bạn mà giữa họ, điều làm nên dấu ấn đặc biệt trong giao tiếp xã hội là việc là một người đọc nghiêm túc. “Với tính cách sinh viên ngây thơ, hơi chút đạo mạo đó, chúng tôi sẽ thúc đẩy mọi người cùng nhau đọc sách,” anh nói. “Nào là Nabokov, Joyce, Dostoyevsky.”

Sau khi tốt nghiệp, Testard bắt đầu học cao học ngành lịch sử ở đại học Oxford, nhưng tham vọng của anh về một đời sống trong giới học thuật sớm bị suy giảm. “Cụ thể, có một buổi thảo luận chuyên đề nọ mà tôi buộc phải tham dự vì nó là một phần yêu cầu của khóa học, lúc đó, ai đó đã trình bày nghiên cứu của họ về chuông tưởng niệm và đài phun nước ở hạt Oxfordshire, từ năm 1847 đến 1852,” anh nói. “Tôi thì lại đặc biệt hứng thú với đề tài ký ức tập thể, và khi thấy anh chàng kia trình bày nghiên cứu của anh ta, tôi đã nhận ra rằng đó sẽ là một ngạch sống vô cùng, cực kỳ, rất chi là hạn hẹp trong một thời gian rất dài.” Testard tìm thấy cơ hội thực tập tại Autrement, một nhà xuất bản độc lập ở Paris, nơi anh gõ nội dung thư từ email theo chỉ đạo của nhà sáng lập của công ty – vị này từ chối sử dụng máy tính, và anh cũng đã thực hiện một vài việc biên tập các bản dịch sách từ tiếng Anh sang tiếng Pháp. “Tôi đã có cho mình cái nhìn trực diện về công việc của một nhà xuất bản,” anh nói. Sau 4 tháng, anh chuyển đến New York để dành thêm thời gian thực tập, trước tiên là tại NXB Farrar, Straus & Giroux, và sau là tại tạp chí văn học The Paris Review, trong lúc thuê chung một căn hộ ở khu Williamsburg của thành phố. “Tôi đã được học về cái gọi là ‘đống bùn nhão’” – nơi các bản thảo được gửi đến NXB bởi các cây bút không có người đại diện bị xếp xó trước khi chúng được xem qua – “và tôi học được cách nói không với mấy thứ. Tôi cũng được học về những điều đòi hỏi ở ta để ấn hành một cuốn sách – các loại máy in khác nhau, quy trình kiểm tra, hiệu đính,” anh nói. “Tôi thực sự say mê nó, và tôi muốn làm việc trong cái thế giới này.”

Khi trở lại London, và được truyền cảm hứng bởi tấm gương của The Paris Review và các tạp chí văn học nhỏ khác ở New York, như n+1Bomb, Testard và Ben Eastham, một người bạn học của anh từ thời đại học Trinity, đã thành lập một tập san của riêng họ vào năm 2011, mang tên The White Review. “Jacques thần tượng các nhân vật trong ngành xuất bản, anh đọc tiểu sử về họ, vốn là điều khá là hiếm lạ ở một thanh niên ở độ tuổi đôi mươi,” Eastham bảo tôi. Họ đã chiêu mộ O’Meara để thiết kế tập san, và huy động vốn từ cộng đồng để có tầm 14.000 USD ban đầu cho tạp chí. The White Review được sản xuất một cách mỹ miều – bìa tạp chí có thể được tách rời, gấp mở, và dựng đứng thành một tác phẩm nghệ thuật nho nhỏ. Tên tạp chí là lời tri ân đến La Revue Blanche, một ấn phẩm thời thế kỷ 19 do nhà phê bình nghệ thuật theo chủ nghĩa vô chính phủ Félix Fénéon biên tập. “Có một chiều kích chính trị,” Testard lý giải. “Chính phủ liên hiệp vừa mới được thành lập” – liên minh giữa các thành viên Quốc hội của Đảng Bảo thủ và Đảng Dân chủ Tự do đã thúc giục cắt giảm ngân sách sâu rộng cho các dịch vụ xã hội – và “học phí đại học đã tăng gấp ba lần.” Trong thế giới của ngành xuất bản, sách đọc điện tử và mua sắm trực tuyến có vẻ đang đe dọa sự tồn tại của in ấn. “Khi ấy, chúng tôi muốn tạo dựng một thứ gì đó như thể, sách-là-vật-thể-hữu-hình, và một cách khiêm tốn và nhỏ nhoi, có chăng mang lại thông điệp rằng, ‘Sách có thể cực kỳ hay đẹp, và việc đọc có thể là một trải nghiệm đẹp hay.”

Nếu như Testard và Eastham không tận cùng noi theo tấm gương cách mạng của Fénéon – năm 1894, ông bị buộc tội âm mưu phá hoại – thì đúng là họ đã lấy tên ông, với uy danh hào nhoáng từ khí chất nằm ngoài vòng pháp luật của nó, để đặt tên cho một giải thưởng thường niên do tạp chí này trao tặng, sau trở nên nổi tiếng không chỉ bởi nội dung sách đoạt giải mà còn vì các buổi tiệc tùng của nó. “Đồ uống miễn phí là đủ và nhiều để thu hút đám đông, dù tiệc được tổ chức ở một nhà kính ở khu Wapping, một bãi đậu xe ở khu Peckham, một hiệu sách ở Berlin, một phòng tranh ở Bristol, hay xưởng vẽ của một nghệ sĩ ở khu Hackney Wick,” như lời Testard và Eastham đã viết trong phần dẫn nhập cho một tuyển tập những sáng tác tiêu biểu của The White Review. (Ở một dòng bông đùa bâng quơ, có chăng sẽ không thể qua nổi sự dò xét tỉ mẩn của một người biên tập hậu thời kỳ nữ quyền #MeToo, họ viết thêm rằng, “Trong hết thảy những khoảnh khắc này, chỉ có duy nhất một lần mà một thành viên dự tiệc cố ý làm tóc bạn gái anh ta bốc cháy. May thay chẳng có thiệt hại dài lâu gì cả.”)

Trong lúc phát triển The White Review, Testard làm công việc biên tập ở Notting Hill Editions, một công ty xuất bản độc lập, nơi anh đã giúp ra mắt đến độc giả tập sách đầu tiên của một công trình tạm gọi là tự truyện vẫn-đang-tiếp-diễn của tiểu thuyết gia Deborah Levy, nhan đề “Things I Don’t Want to Know.” Anh cũng đã đặt hàng tiểu thuyết gia người Mỹ Joshua Cohen để viết cuốn tiểu luận nhan đề “Attention! A (Short) History”. Cuối năm 2013, Testard bị sa thải, trong lúc công ty này cắt giảm biên chế. Anh đã lập ra một danh sách các nhà xuất bản mà anh cảm thấy rằng gu của hai bên sẽ đan hòa với nhau: nó là một danh sách ngắn ngủn đến chạnh lòng, và dù gì thì chả có nơi nào là đang tuyển dụng cả. Lời đề nghị từ một thành viên trong gia đình để anh mượn vốn đã giúp anh bắt đầu tự lực bươn chải. “Tôi biết chắc rằng điều mà tôi muốn làm khi ấy là biên tập sách,” anh nói.

Nhà văn Mỹ Cohen hồi tưởng, “Jacques đã có nói với tôi về việc anh dự định thành lập một nhà xuất bản. Nó kiểu như là các nam nhân hay nói với bạn về việc họ muốn mua lại và vận hành một quán bar – bạn ậm ừ nghe họ rồi bảo với họ, ‘À, ừ, nó có vẻ là ý tưởng hay tuyệt đó.’ Nhưng cậu ta là một cá thể đặc biệt thuộc thế hệ của chúng ta mà tôi có thể nghĩ đến, rằng người đó đã thực sự thành công hòng tạo dựng một điều gì đó sẽ trường bền sau này.” Bản thảo cho cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của Cohen đã bị nhà xuất bản Mỹ trước đây của anh, Random House, từ khước, và hơn hai chục nhà xuất bản khác nữa. Cuốn sách sau cùng đã tìm thấy “tổ ấm” ở Fitzcarraldo (và NXB New York Review Books ở Mỹ). Tiểu thuyết của Cohen, “The Netanyahus”, đã thắng giải Pulitzer 2022 ở Mỹ cho hạng mục tác phẩm hư cấu.

Tiệc hè thường niên của Fitzcarraldo đã được tổ chức vào dịp mùa Điểm chí tại Bold Tendencies, một tổ chức nghệ thuật ở Nam London – với một quầy bar tự phát bên trên một bãi đậu xe đã được cải biến mục đích sử dịch. Testard giới thiệu một chuỗi các phiên đọc sách đến đám đông độc giả tối đa 300 người, chủ yếu trẻ tuổi, lẫn các khách mời đa phần tập trung cao độ – họ ngồi trên những chiếc ghế gấp được xếp quanh một sân khấu dựng lên tạm thời. Marianne Brooker, người thẳng giải Tiểu luận Fitzcarraldo 2022, đọc các trích đoạn từ cuốn “Intervals” của cô, một cuốn hồi ký quặn lòng về cái chết của mẹ cô bởi bệnh đa xơ cứng, đôi lúc, cô sẽ ngừng đọc khi một chuyến tàu râm rỉ lăn bánh trên đường ray tuyến tàu Overground gần đó chạy qua. Zarina Muhammad, một nhà phê bình nghệ thuật, đọc một bài tiểu luận sống động về việc đưa những người đàn ông mà cô hẹn hò đến các quán bar nơi dân tình tụ họp để theo dõi các trận thể thao, nhưng đây là những quán bar gốc Gujarat Ấn Độ – bài viết là đoạn trích từ tập sách “London Feeds Itself”, do Fitzcarraldo và Open City đồng xuất bản.

Antonia Lloyd-Jones, người dịch sách, đã hỏi đám đông rằng, “Có ai ở đây thích ẩm thực Ba Lan không nhỉ? Cuối buổi, tôi sẽ hỏi bạn rằng liệu bạn có còn thích ẩm thực Ba Lan không đấy nhé”. Tiếp đó, cô lao vào đọc một đoạn trích rực màu từ cuốn “Empusium” của Tokarczuk về công đoạn sửa soạn món czernina, món súp truyền thống làm từ máu vịt. (Đoạn mô tả này cũng chính là đoạn trích tiểu thuyết đã được tạp chí The New Yorker của người viết đăng tải.) Toby Jones, nam diễn viên chuyên đóng các vai phụ nhập tâm, đã đọc một phần trích từ cuốn sách mới nhất của Jon Fosses, “A Shining”, về một người đàn ông mắc kẹt trên ngõ cụt của đường mòn giữa rừng tuyết. Giữa các phiên đọc sách, Testard, khi ấy đương mặc tấm áo khoác gần chạm đầu gối màu vàng và cam của nhà thiết kế Alex Mullins – mà anh chỉ vận lên người mỗi năm một lần, tại tiệc hè của Fitzcarraldo – nhảy lên sân khấu và nói vào micro để nhắc khách mời rằng họ có thể lại mua các ấn phẩm đã được tác giả ký tên lẫn túi vải của NXB sau các phiên đọc sách, và rằng, nếu có ai chưa hề đọc cuốn “Drive Your Plow” của Tokarczuk, họ cũng có thể tìm mua phiên bản sách-nói do Lloyd-Jones trình đọc. Sau chốt, đám đông dự tiệc đổ dồn đến quầy bar mua đồ uống và ngắm nhìn hoàng hôn ở làn trời xa xa, trong khi Testard khựng lại đôi chút bên em trai và bố anh – họ đang ghé thăm anh.

“Con tôi là một bản lai văn hóa đó,” bố của Testard bảo, đầy tự hào, trước khi buông lời bình bằng tiếng Pháp về khẩu phần có phần khiêm tốn cho đồ ăn thức uống của buổi tiệc: “Năm bảng Anh cho cái ly nước nhỏ thế này thôi à!”

“Chào mừng đến London,” Testard nói.

Đám đông trẻ tuổi làm tôi nhớ đến một nghiên cứu khảo sát gần đây do Quỹ Giải thưởng Booker công bố, về ai là đối tượng đọc văn học dịch. Tuy độc giả hơn 60 tuổi là người mua đa phần các tác phẩm văn học hư cấu ở Anh, người trẻ lại thiên về các tác phẩm văn học dịch: gần nửa các tác phẩm văn học dịch là được người trẻ dưới 35 tuổi tìm mua, trong khi chỉ 8% là được tìm mua bởi các độc giả hưu trí. Độc giả của các tác phẩm văn học hư cấu dịch là có học thức hơn, và nhiều khả năng bày tỏ rằng họ ưa “một cuốn sách ‘khó nhằn’” hơn là hầu hết các đối tượng độc giả khác. Cũng không hẳn là trùng hợp khi mà, trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, cử tri dưới 34 tuổi đã ủng hộ áp đảo cho việc nước Anh tiếp tục là một phần của Liên minh châu Âu. Không quá là viển vông khi gợi ý rằng, đối với các độc giả trẻ tuổi, có học thức, và tương đối khá giả, bìa sách xanh lam và trắng của Fitzcarraldo Editions đã trở thành “màu cờ” cho tinh thần đồng lòng quốc tế, không kém cạnh màu cờ xanh lam và vàng của Liên minh châu Âu trong lúc cuộc trưng cầu dân ý diễn ra.

Fitzcarraldo quyết tâm mở rộng phạm vi ảnh hưởng vượt ngoài khuôn khổ văn học chủ yếu mang tính Âu châu, vốn đã giúp định hình nét đặc trưng của những ấn phẩm đầu tay của họ. NXB đã cho xuất bản cuốn tiểu thuyết “Minor Detail” của nhà văn người Palestine Adania Shibli, về hệ quả từ cuộc thanh lọc sắc tộc Palestine được gọi bằng cái tên Nakba, được dịch từ tiếng Ả Rập sang tiếng Anh bởi Elisabeth Jacquette. Năm 2023, Testard cho xuất bản “Owlish”, cuốn tiểu thuyết của tác giả Hồng Kông Dorothy Tse, được dịch từ tiếng Trung sang tiếng Anh, mà bản quyền của nó đã được thâu mua bởi Tamara Sampey-Jawad, người giữ vai trò phó xuất bản ở Fitzcarraldo và đã làm việc tại đây từ năm 2016. Testard nói về cuốn sách của Tse như sau: “Nó là một câu chuyện cổ tích cực kỳ đen tối – siêu thực, kỳ quái, nhưng cũng đôi lúc hài hước và làm động lòng – nó như thể [nữ văn sĩ Anh] Angela Carter đang chấp bút cho một câu chuyện ngụ ngôn mang tính chính trị, hậu-thuộc địa vậy”.

Năm ngoái, Testard và đồng nghiệp của anh đã triển khai ra một dòng xuất bản mới cho NXB: dòng sách Kinh điển nhà Fitzcarraldo – chuỗi các tác phẩm không còn được in ấn, tái bản nữa từ các tác giả phản chiếu và soi sáng danh mục in ấn của nhà xuất bản. “Chúng tôi không thể chỉ xuất bản nhiều và nhiều hơn nữa các tác phẩm đương đại, vì sẽ đến lúc khi chúng bắt đầu cạnh tranh lẫn nhau, vốn là điều chúng tôi chẳng hề mong ước chút nào,” Testard bảo tôi. “Và dòng sách Kinh điển thì có vẻ lý thú từ góc nhìn trí thức.” Anh nói tiếp rằng, “Đối với tôi, Fitzcarraldo là một công trình xuất bản mang tính trí thức”. Đến nay, dòng sách Kinh điển của anh phải kể đến cuốn tiểu luận “A Very Easy Death” của Simone de Beauvoir – là người có tầm ảnh hưởng đến Annie Ernaux – và cuốn”The Possessed”, một tác phẩm của nhà văn Ba Lan Witold Gombrowicz, chủ đích nhại theo những yếu tố làm nên thể loại văn học kinh dị Gothic, nay trở nên đáng tìm đọc nhờ thành công vượt bậc của Tokarczuk.

Danh mục xuất bản của dòng sách Kinh điển, theo lời lý giải của Testard, sẽ “lật ngược thời gian thông qua các mối liên hệ khăng khít lẫn những bầu không khí ảnh hưởng đến các tác giả mà chúng tôi đã xuất bản, và nó sẽ truy lần về những di sản phả hệ văn chương theo một cách nào đó”. Đấy là một tham vọng lớn, và cũng là cách để NXB duy trì độ nhỏ hẹp trong phương thức vận hành. “Tôi tràn đầy xúc cảm về công việc xuất bản sách độc lập, về việc Fitzcarraldo sẽ luôn là một nhà xuất bản sách độc lập,” Testard nói. “Tôi chả hứng thú đến việc tăng trưởng đơn thuần vì tăng trưởng, và tôi chẳng hề muốn xuất bản một cuốn sách vì lý lẽ thương mại”. Testard chấp nhận việc anh có thể sẽ không có một nhà văn đoạt giải Nobel khác trong số những ấn phẩm sẽ sớm được ra mắt trong thời gian tới: “Chúng tôi hiện không có ai khác đủ tuổi già, nói một cách thẳng thắn là vậy”. Dẫu vậy, anh luôn có thể ngóng đợi. Anh bảo với tôi rằng, “Tôi muốn làm công việc này suốt đời”.