Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2024

Han Kang, Giải thưởng Nobel văn chương 2024. Tất cả những linh hồn bị tổn thương

Volker Weidermann, Tuần báo DIE ZEIT, ngày 10 tháng 10 năm 2024

Người dịch: Đỗ Thị Thu Trà

Hiệu đính: Nguyễn Xuân Xanh

Thời gian như một con sóng, gần như tàn nhẫn trong sự khắc nghiệt của nó khi nó cuốn trôi cuộc sống của cô, một cuộc sống mà cô phải liên tục nỗ lực để nó không tan vỡ.― Han Kang, The Vegetarian

Cơn mưa này là nước mắt của những linh hồn đã khuất. ― Han Kang, Human Acts

Lời nói đầu

Xin gửi đến anh chị độc giả bài viết sau đây của tác giả Volker Weidermann trên tuần báo Đức DIE ZEIT, ngày 10/10/2024. Bài viết có lẽ muốn khắc họa tâm trạng, cảm xúc và cả nhân sinh quan của Han Kang đã là động lực thôi thúc bà cầm bút. Bạo lực là đề tài chính mà con người gây cho nhau, và cho các sinh linh trên trái đất, xuất hiện dưới nhiều hình thức từ thô bạo, tàn nhẫn đến tinh tế. Có lẽ các nhà văn, nhà phê bình văn học mới đánh giá được tốt hơn các tác phẩm của bà. Nhưng DIE ZEIT đã đưa ra một ý kiến của họ. Volker Weidermann là một cây bút, nhà phê bình văn học, tác giả của nhiều quyển sách về lịch sử văn học, và nhà văn có giá trị. Có thể xem bio hoạt động của ông tại đây: https://en.wikipedia.org/wiki/Volker_Weidermann

Đề tài bạo lực cũng thích hợp cho mùa giải Nobel năm nay khi Giải Nobel Hòa bình 2024 vừa được trao cho tổ chức Nihon Hidankyo của Nhật Bản, một phong trào cơ sở của những người sống sót sau vụ đánh bom nguyên tử. Bạo lực hiện đang đe dọa nhân loại nghiêm trọng.

Xin giới thiệu và cảm ơn tuần báo DIE ZEIT.

Nguyễn Xuân Xanh

Với các tác phẩm văn học của mình, nhà văn Han Kang đã làm lay chuyển nền tảng của thế giới chúng ta, một thế giới được xây dựng trên bạo lực. Ủy ban Nobel đã đưa ra một quyết định tuyệt vời.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-34.png

Han Kang tại Stockholm, tháng 3 năm 2024 © Alexander Mahmoud/imago images

Chính vì những tác phẩm văn học nhẹ nhàng, sâu sắc, không bao giờ tự phô trương như thế mà giải Nobel (văn học) đã được tạo ra trước đây. Để thông báo với thế giới, bằng một âm lượng lớn nhất như có thể và sức mạnh của một định chế, về ý nghĩa, vẻ đẹp và sức mạnh thay đổi cuộc đời của một tác giả, nhân vật mà nhiều người trước đây có thể chưa từng nghe nói đến. Bây giờ, thế giới đã nghe về bà, tác giả người Hàn Quốc Han Kang, 53 tuổi, và đó thực sự là một tin tuyệt vời. Trong năm cuốn tiểu thuyết đã được xuất bản bằng tiếng Đức, Han Kang không ngừng thách thức sự bình thường của chúng ta, thói quen của thế giới mà chúng ta đang sống trong đó. Chủ đề xuyên suốt các tác phẩm của bà là bạo lực. Bạo lực mà chúng ta gây ra cho nhau và cho các sinh vật trên hành tinh này hàng ngày.

Trong cuộc trò chuyện với báo ZEIT, bà kể về khoảnh khắc khi một điều gì đó trong bà đã tan vỡ. Bà khi đó mới 10 tuổi. Bà đã lấy một cuốn sách ảnh từ kệ sách của cha mình, cuốn sách mà ông đã cố tình đặt gáy của nó vào tường để che giấu đứa trẻ khỏi thấy. Đó là cuốn tài liệu ảnh về cuộc nổi dậy của sinh viên tại thành phố Gwangju, quê hương của bà. Gia đình Han Kang đã rời thành phố này không lâu trước đó để chuyển đến Seoul. Han Kang kể lại: “Tôi nhớ rõ khoảnh khắc khi tôi nhìn thấy khuôn mặt biến dạng của một cô bé. Cô bé ấy bị đâm bằng một lưỡi lê. Ngay khoảnh khắc đó, có một điều gì đó tan vỡ trong tôi, một điều gì đó mong manh mà tôi không biết là nó đã tồn tại.”

Han Kang, lớn lên ở Seoul, học văn học Hàn Quốc và ban đầu làm thơ, trong các tác phẩm của mình không bao giờ cố gắng chữa lành, che giấu hay che đậy sự vỡ vụn trong chính bà. Bà mô tả sự kinh hoàng của thế giới, bạo lực, và quan trọng hơn, nó vẫn tiếp tục tác động trong những người sống sót. “Human acts” là cuốn sách mà bà viết về những hành động bạo lực vẫn còn bị che giấu ở Hàn Quốc cho đến ngày nay. Bà cảm thấy có trách nhiệm viết về điều đó suốt nhiều năm. Điều này cũng một phần đến từ việc người con trai của một gia đình chuyển đến sống trong ngôi nhà của Han Kang đã bị giết trong cuộc nổi dậy. Nếu gia đình bà vẫn ở lại, liệu bà có sống sót không? Cậu bé đó có phải đã chết thay cho bà không? Bà có cảm thấy mình có tội không?

Trong cuốn tiểu thuyết vừa nói, bà viết: “Trong tôi có một sức mạnh kỳ lạ, điều đó đã mang lại cho tôi sự tự tin. Không phải sinh ra từ cái chết. Mà từ cơn lũ suy nghĩ không bao giờ dứt. Ai đã giết tôi? Ai đã giết chị tôi? Tại sao? Càng nghĩ về điều đó, sinh lực trong tôi càng mạnh mẽ.”

Chủ đề của Han Kang là bạo lực và những gì còn đọng lại từ nó, trong tâm hồn của những người sống sót, trong không khí chúng ta hít thở, trong các cuộc trò chuyện mà chúng ta thực hiện, trong những sự đánh đập mà chúng ta gây ra, dù là bằng lời nói hay thể xác. “Nó giống như bụi phóng xạ rơi xuống sau một vụ nổ bom hạt nhân,” Han Kang nói trong cuộc trò chuyện. “Chất độc, cái chết, ký ức, nó có mặt trong tất cả mọi thứ, trong thiên nhiên, trong con người, trong thế giới ngày nay, nó nằm ẩn giấu và lan tỏa ra.”

Cuốn sách mạnh mẽ nhất của bà cho đến nay, tác phẩm đã giúp bà giành giải Man Booker International, là Người ăn chay (The Vegeterian). Và cuốn sách này không nói về chiến tranh hay nổi dậy, mà nói về sự bình thường trong một cuộc sống hôn nhân ở Hàn Quốc ngày nay. Một cuộc hôn nhân trung bình, người chồng thậm chí đã chọn vợ vì sự bình thường của cô ta. Đó sẽ là một cuộc sống hôn nhân yên bình, thành công vừa phải và ổn định.

Tuy nhiên, sau đó, người vợ có một giấc mơ. Cô mơ về những con vật bị hành hạ và giết chết mà con người ăn hàng ngày. Cô nghe thấy tiếng la hét, nhìn thấy máu, cảm nhận nỗi đau – đột nhiên, chỉ trong một khoảnh khắc. Và cô quyết định – thay đổi cuộc đời mình. Ngay trong đêm ấy, cô bỏ hết thịt trong tủ lạnh ra và sẽ không bao giờ chạm vào miếng thịt nào nữa. Thực ra chỉ là một bước nhỏ, nhưng nền tảng của sự bình thường trong cuộc hôn nhân của cô bắt đầu bị xói mòn. Cô giờ đây trở thành một lời tố cáo sống động. Dường như cô đang gợi lên một sự hối lỗi của lương tâm sâu kín trong những người mà cô giao tiếp, thứ mà chính họ cũng không nhận ra được. Họ chỉ cảm nhận rằng người phụ nữ này sẽ gây nguy hiểm cho họ. Cô làm xáo trộn sự bình thường của họ. Cô làm cho mảnh đất vững chắc mà họ đứng trên đó lung lay. Ánh mắt của cô đủ để phá vỡ không khí thoải mái của một bữa tiệc. Người chồng nghĩ: “Tôi không hiểu được điều gì đang xảy ra trong đầu cô ấy, nhưng ít nhất giờ tôi biết rằng cô ấy là một cái hầm bẫy không đáy đối với tôi.”

“No words. Thanks!!!”[1]

Rất nhiều tác giả đã được so sánh với Franz Kafka, nhiều đến độ lạm phát. Với Han Kang, sự so sánh này gần như không thể tránh khỏi. Cách bà ấy miêu tả những điều kinh khủng trong tác phẩm của mình với một sự rõ ràng và giản dị về mặt ngôn ngữ đến mức kinh ngạc khiến cho người đọc chấp nhận đó là điều hoàn toàn hợp lý và hiển nhiên. Nhân vật nữ [trong tiểu thuyết Người ăn chay] “tách ra khỏi cuộc sống” bình thường của mình chỉ sau một đêm, tuy không hóa thân thành một con bọ[2], nhưng cô ấy gần như biến thành một bông hoa. Dù gì đi nữa, cô đã làm tất cả mọi thứ để biến mình thành một sinh thể vô tội và thầm lặng. Để không còn phải tham gia vào việc giết chóc hàng ngày nữa. Cô ấy chạy trốn khỏi nỗi tuyệt vọng. Han Kang mô tả một giấc mơ mà người phụ nữ ấy mơ về phần sâu thẳm nhất trong cơ thể của mình: “Những gì đã tích tụ và bám chặt ở đó là những tiếng la hét và gầm rú. Và chúng đến từ thịt. Thứ tôi đã ăn quá nhiều. Tất cả những linh hồn đều bị kẹt ở đó, tôi chắc chắn như thế.” Và cô ấy nói thêm một cách tuyệt vọng: “Tôi muốn được một lần, một lần duy nhất, là gào lên được thật to.”

Những người sống trong thế giới tiểu thuyết của Han Kang là những kẻ bị tổn thương, những kẻ đau khổ vì thế giới này, họ mang trong mình một nỗi đau. Cuốn sách có lẽ buồn bã nhất và trầm lắng nhất của bà là tiểu thuyết The White Book, trong đó Han Kang kể về một nữ nhà văn có nhiều điểm tương đồng với chính mình. Trong một chuyến du lịch ngang qua châu Âu, khi đối diện với những bông tuyết trắng tinh khôi, nhà văn ấy đã nghĩ về em gái nhỏ của mình, cô bé vừa mới sinh ra đã chết trong vòng tay của mẹ. Cả em gái ruột của Han Kang cũng đã chết trước khi thực sự bắt đầu sống. Và, giống như chàng trai đã chết trong cuộc nổi dậy lúc gia đình cậu ấy còn đang tá túc trong nhà của cha mẹ bà, ký ức và một cảm giác tội lỗi về cái chết của em gái đã đeo đuổi Han Kang suốt cuộc đời và sự nghiệp viết lách của bà. Và, như chính bà từng nói, đó là một trong những động lực của việc viết lách và của sự ngờ vực cơ bản của bà về thế giới.

Trong tác phẩm gần đây nhất của Han Kang xuất bản bằng tiếng Đức, rốt cuộc cũng đã có một điều gì đó như là hạnh phúc. Tiểu thuyết Greek Lessons [Những giờ học tiếng Hy Lạp] là câu chuyện tình yêu giữa một giáo viên tiếng Hy Lạp, người gần như bị mù, và cô học trò của ông, người gần như không nói được. Cả hai đều sống với cảm giác nặng nề và sợ hãi bởi những trải nghiệm tồi tệ trong quá khứ. Vị thầy giáo là một người Hàn Quốc từng sống ở Đức, người đã phải trải qua những kinh nghiệm phân biệt chủng tộc nhục nhã, còn cô học trò là người đã mất đi quyền được nuôi đứa con trai của mình. Hai con người đã từng chịu tổn thương sâu đậm tìm đến nhau một cách lặng lẽ, dịu dàng, vụng về và gần như kín đáo. Không có gì ngạc nhiên khi nghe Han Kang nói rằng bà muốn ở lại trong cuốn sách này càng lâu càng tốt. Bà cảm thấy thoải mái trong đó, trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc đầy thận trọng và diễn ra rất chậm rãi này.

Trong cuộc trò chuyện với Han Kang, khi tôi gọi những nhân vật trong sách của bà – những người chống trả lại những nhọc nhằn của đời sống, chống lại bạo lực và thậm chí cả nỗi khao khát cái chết nhẹ nhàng – là các “anh hùng”, bà thận trọng xua tay ra chiều không đồng ý. “Tôi sẽ không gọi họ là anh hùng. Tôi gọi họ là những con người biết chịu đựng, những người biết chống trả. Những người luôn làm điều gì đó để đối mặt với tất cả mọi thứ, có lẽ gọi họ là ‘những người mở rộng tay ôm’ [Umarmende] là từ thích hợp nhất.”

Ủy ban Nobel đã có một lựa chọn tuyệt vời qua việc vinh danh một công trình văn học làm lay động nền tảng của thế giới chúng ta – một thế giới được xây dựng trên bạo lực – bằng những câu chuyện nhỏ, riêng tư, nhẹ nhàng thường nhật, và bằng những câu chuyện lớn về chiến tranh và các cuộc nổi dậy. Một công trình văn học dường như tuyệt vọng và muốn tìm đến cái chết trên mỗi trang sách, khi phải đối mặt với sức mạnh áp đảo của những đối thủ đến từ thế giới thực tại. Thế nhưng, nó đã luôn luôn lại chọn sự sống và phản kháng.

Chú thích:

[1] Nhà báo Ý Tommaso Debenedetti đã một ra tạo một tài khoản giả trên mạng X với tên Han Kang, sau khi nhận được thông tin từ một nhà văn Thụy Điển tiết lộ rằng một tác giả Hàn Quốc sẽ đoạt giải Nobel Văn học. Một tiếng rưỡi trước khi có công bố chính thức rằng Han Kang là người được giải, Debenedetti đã đưa lên mạng xã hội một thông điệp bằng tiếng Anh:  “A greatest news. Swedish Academy awarded me the Nobel Prize in Literature. No words. Thanks!!!” (“Tin vui. Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trao cho tôi giải Nobel Văn học. Không lời nào diễn tả được. Cảm ơn!!!”). Việc đăng tải từ tài khoản ngụy tạo này không chỉ thu hút sự chú ý của hàng nghìn người dùng mà còn đánh lừa được giới truyền thông quốc tế. Tin nhắn ban đầu đã được hơn 30.000 người dùng trên mạng X sao chép lại và nhận được hơn 70.000 lượt thích, một con số áp đảo đối với một tài khoản chỉ mới hoạt động chưa đầy hai tuần. Sau đó, Debenedetti bảo rằng ý định của ông là “để chứng minh rằng tin giả có thể lan truyền nhanh chóng, ngay cả thông qua các phương tiện truyền thông uy tín mà không cần có sự xác minh tối thiểu”. Vụ việc một lần nữa nêu bật sức mạnh của mạng xã hội trong việc khuếch đại thông tin chưa được xác minh và những khó khăn mà các phương tiện truyền thông gặp phải trong việc phân biệt đâu là thật và đâu là giả trong môi trường kỹ thuật số ngày nay.

[2] “Con bọ” (Käfer, hay Ungeziefer) trong tiểu thuyết Hóa thân (Die Verwandlung) của Franz Kafka.