Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

“Khổ vì trí tuệ” – gánh nặng kiếp nhân sinh?

Hồ Anh Thái

“Khổ vì trí tuệ” là tên vở kịch thơ kinh điển của Aleksandr Griboedov, nhà viết kịch Nga ở đầu thế kỷ XIX. Vở kịch nổi tiếng đến mức “khổ vì trí tuệ” (Го́ре от ума́Woe from Wit) đã trở thành một thành ngữ trên thế giới để nói về nỗi gian khó của những người có tri thức và tư tưởng đi trước thời đại.

Vở kịch được Aleksandr Griboedov hoàn thành năm 1824 nhưng chỉ được chép chuyền tay những đoạn rải rác và chỉ xuất bản vào năm 1833, bốn năm sau khi tác giả qua đời trong một cuộc thảm sát ở Tehran, xứ Ba Tư xưa.

Nhân vật ở vị trí trung tâm là Chatski, một chàng trai có tri thức, có hoài bão và có tính phiêu lưu. Nàng Sofia con gái một gia đình quý tộc có cảm tình với Chatski, nhưng chàng đã lên đường đi xa để ngắm nhìn thế giới. Sau ba năm trời, khi chàng trở lại thì Sofia đang say mê Molchalin là thư ký của cha mình. Sofia và cô hầu phải đánh lừa cha, dấm dúi đưa Molchalin vào phòng của Sofia.

Chuyện chỉ diễn ra trong nhà lão Famusov, cha của Sofia. Cả xã hội thượng lưu Nga bày ra trước mắt Chatski. Trong đám này có đại tá Skalozub là người mà lão Famusov muốn gả Sofia. Lý do là anh ta có hàm có tước và còn khả năng lên tướng. Trong phòng khách, Skalozub tự bộc lộ là kẻ tầm thường, chỉ toàn nói về chức tước, về ân sủng và danh hiệu, cùng những chuyện vặt vãnh nhạt nhẽo.

Còn Molchalin chỉ là một gã cầu bơ cầu bất được lão Famusov nhặt được, đưa về chăm sóc rồi cho làm thư ký. Anh ta là kẻ giả dối, xu nịnh, sẵn sàng nịnh nọt vuốt ve cả con chó của các bà quý tộc. Bộ mặt thật của Molchalin bị bóc trần khi anh ta tán tỉnh cô hầu rằng anh chỉ mê cô hầu, còn mê Sofia là để chiều nịnh ông chủ và cô chủ, một cái cầu bắc cho anh ta đi tới danh vọng. Sofia đứng trong góc khuất tình cờ nghe được, rồi lão Famusov cuối cùng cũng nhận ra chân tướng của Molchalin và đuổi hắn ra khỏi nhà.

Trong đám khách khứa ra vào, tác giả còn vẽ chân dung những kẻ bịp bợm, đạo đức giả, những quý bà phù phiếm vô duyên. Ấy thế, những kẻ này khi thấy một chàng trai dám tách khỏi giới quý tộc của họ, dám lên đường đi xa để mở rộng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài, dám nói thẳng những điều anh nghĩ về một xã hội nhố nhăng tha hóa thì họ nổi giận. Họ đồn đại rằng anh bị điên, anh từng bị đưa vào nhà thương điên, đồn đại nhiều quá cuối cùng thành ra cái tin anh đã bị đi tù.

Vở hài kịch đầy tính hài hước chua chát cuối cùng đi dần về phía bi kịch với sự tan vỡ ảo tưởng, sự nhận ra bộ mặt thật của nhau. Một cô nàng chọn chồng đứng trước ba đối tượng, không chọn người chân thật đầy hoài bão, không chọn người có chức tước, mà lại mê muội đắm say kẻ xu nịnh dối trá thấp kém. Từ câu chuyện của cô ta, Griboedov cười vào xã hội thượng lưu của chính ông, cái cười tự trào tự giễu.

Vở kịch được xuất bản lần đầu năm 1833 nhưng bị cắt sửa nhiều, phải đến năm 1861 mới được in đầy đủ. Số phận của tác giả thì đặc biệt bi hùng.

Tác phẩm điêu khắc “Gánh nặng nhất mà ta mang chính là tư tưởng trong đầu ta”. Nguồn ảnh: Internet

Aleksandr Griboedov sinh năm 1795, một thần đồng học vấn khi ông vào đại học ở tuổi mười lăm và đỗ tiến sĩ khi mới ngoài hai mươi tuổi. Ông từng đi lính hai năm rồi chuyển ngành sang ngoại giao, nhiều lần được gửi sang phái đoàn ngoại giao Nga ở xứ Ba Tư. Con đường công danh của Griboedov không hề thuận chiều, năm 1826 ông bị bắt giam hơn nửa năm trời vì bị tình nghi có quan hệ với những nhà cách mạng Nga. Sau khi được phục hồi, ông trở lại ngành ngoại giao, và năm 1828 ông cưới cô vợ kém mình hơn hai chục tuổi, khi nàng mới ở tuổi mười sáu. Sáu tháng sau, ông bị sát hại ở Tehran. Người vợ góa không đi bước nữa và còn sống thêm ba mươi năm, dành thời gian để xuất bản tác phẩm đầy đủ của Griboedov và tiếp nhận danh hiệu công trạng cho ông, một người anh hùng của đất nước.

Nguyên do cái chết của Griboedov là sau khi cưới vợ vào tháng 8/1828, ông được bổ nhiệm là Công sứ Toàn quyền – Minister Plenipotentiary (Minister là công sứ trong hệ thống hàm cấp ngoại giao, không phải là bộ trưởng như một số người đã dịch) – thời đó hàm công sứ toàn quyền tương đương đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Nga tại Persia (Ba Tư, Iran ngày nay). Trước đó ông tham gia dự thảo Hiệp ước Turmenchay liên quan đến lãnh thổ Kavkaz và việc tự do di cư khỏi Ba Tư cho người Georgia và người Armenia. Nhờ công trạng này, ông được hoàng đế Ba Tư gắn Huân chương Sư tử và Mặt trời.

Nhưng rồi xảy ra việc một hoạn quan trong hoàng cung Ba Tư và hai nàng hầu người Armenia của phò mã chạy vào sứ quán Nga xin tị nạn. Hoàng đế Ba Tư yêu cầu công sứ Nga giao nộp ba người Armenia đó, nhưng công sứ Griboedov từ chối trao trả.

Tinh thần bài Nga sục sôi, ngày 11/2/1829, một đám đông cuồng loạn xông vào sứ quán Nga. Griboedov dùng kiếm và súng cùng đơn vị bảo vệ chiến đấu đến cùng. Họ bị thảm sát, thi thể bị băm vằm đến mức không nhận ra được nữa. Griboedov bị chặt đầu, đầu bị bêu trước một quầy kebab, thân bị kéo lê qua các đường phố Tehran. Mấy tháng sau, một người bạn của ông là thi hào Pushkin nhìn thấy thi hài Griboedov, xác định được nhờ vết sẹo ở ngón tay do đấu kiếm nhiều năm trước đó. Thi hài được chở trên một chiếc xe bò đưa đi mai táng trong nghĩa trang tu viện St. Davis ở Tbilisi, Georgia.

Khổ vì trí tuệ, tên của vở kịch dường như đã ứng nghiệm vào cuộc đời của Aleksandr Griboedov. Một nhà viết kịch kiêm nhạc sĩ, một thần đồng học vấn, tham gia vào những chính sách mang tầm chiến lược, nhìn thấu tận cùng nhân sinh, cười cợt vào kiếp nhân sinh phù hoa… rốt cuộc là nạn nhân của trí tuệ. Hoặc cũng có thể coi là ông đã được vinh danh nhờ trí tuệ.

Bi hài kịch của cuộc đời Griboedov liệu ngày nay có còn lặp lại cho giới trí thức ở Nga và trên cả hành tinh không bình lặng này?


*Khổ vì trí tuệ, kịch thơ của Aleksandr Griboedov (Akexander Griboyedov), Lê Đức Mẫn dịch, minh hoạ của D. N. Kardovsky, NXB Lokid Premium, Moskva, hợp tác với NXB Thế Giới, Việt Nam