Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024

Chuyện ít người biết về cô gái nguyên mẫu trong bài thơ nổi tiếng "Cuộc chia ly màu đỏ"

 

Trần Tố Nga (từ Paris, Pháp)

Sau khi mọi người ổn định chỗ ngồi, bỗng tôi chợt nghe người dẫn chương trình giới thiệu bài thơ "Cuộc chia ly màu đỏ" của nhà thơ Nguyễn Mỹ, do Lư Nhất Vũ phổ nhạc. Người dẫn còn nhấn mạnh thêm là nguyên mẫu của bài thơ đang có mặt tại đêm nhạc, tay thì hướng về phía tôi.

Người già hay nhớ chuyện xưa, hay lật lại những kỷ niệm xa lắc, xa lơ. Hôm trước, bà già 83 tuổi là tôi lần dở lại các tấm ảnh cũ, để nhớ, để thương, để xem ai còn, ai mất thì chợt dừng lại ở một tấm ảnh đen trắng. Thời đó làm gì có ảnh màu!

Tôi trong ảnh đó, đôi mắt buồn thiu, tóc buông dài, mặc một cái áo đen và khoác một áo len chắc chắn là màu đỏ vì đó là cái áo "vía" nhất cô nàng có được.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-86.png

Bức ảnh đen trắng chụp bà Trần Tố Nga thời thiếu nữ. Ảnh: NVCC

 

Cái áo đen ấy, nàng đã cắt từ một chiếc quần đã cũ, tự may thành áo có cổ như áo dài. Thời đó, mỗi năm chỉ có tiêu chuẩn hai mét vải nên tận dụng tất cả những gì còn xài được, với một chút khéo tay là có thể làm cho mình đẹp thêm một chút. Cái áo khoác đỏ là cái áo đẹp nhất do cô giáo đi làm chuyên gia ở tận Ghi nê về tặng cho cô học trò cưng.

Tôi miên man, miên man hồi tưởng lại.

Thời đó, những người con miền Nam để đỡ nhớ nhà, thường gặp nhau tại những cuộc họp đồng hương, những lần đi biểu diễn văn nghệ. Đồng hương Sài Gòn của chúng tôi thường đến căn nhà nhỏ ở phố Khâm Thiên của ba người Sài Gòn cùng thuê: Anh Ba Nhơn, Lư Nhất Vũ và Ngô Đông Hải.

Nhà thơ Nguyễn Mỹ thân với ba người cũng thường hay đến chơi dù không phải dân Sài Gòn. Tôi là đứa nhỏ nhất, nhỏng nhẽo nhất, được các anh thương, nhưng bị Lư Nhất Vũ "ghét" vì làm "kỳ đà cản mũ", không cho nhạc sĩ tán bạn của tôi.

Năm 1964, anh Ba Nhơn được chọn đi B, tức là đi về miền Nam tham gia chiến đấu. Khi đó, những năm 60 của thế kỷ trước, được đi B là một việc thiêng liêng, là niềm mơ ước, nhất là đối với những người con miền Nam đang sống ngày Bắc đêm Nam.

Thời đó, đi B cũng hết sức bí mật, ngày đi không ai biết, ở đâu không ai hay, còn nói gì đến chuyện đưa tiễn. Vào đợt phép cuối cùng, anh Ba Nhơn hẹn chúng tôi ra vườn hoa Lê nin, túm tụm nhau trên một chiếc ghế đá dưới một tán cây, nói với nhau vài lời, giữ thêm một vài phút thân thương trước khi anh đi. Có mặt hôm đó cũng chỉ có Lư Nhất Vũ, Ngô Đông Hải, Nguyễn Mỹ và cô em út là tôi.

Dịp đó, tôi mặc bộ cánh đẹp nhất của tôi - chiếc áo màu đen tự chế, cái áo khoác đỏ đẹp nhất và thêm một cái nón lá cho ra vẻ cô gái miền Nam. Vì là đầu thu nên thời tiết đẹp, không lạnh, còn diện được chứ không phải lù xù trong cái áo bông mùa đông được phát.

Tôi không ngồi, chỉ chực khóc, lí nhí nói: "Anh Ba vô gặp mẹ, nhớ nói với mẹ em là em rất ngoan nhen, đừng để mẹ lo". Và tôi đi về vì ở lại thì khóc, mà không được quyền khóc để xung quanh không để ý.

Không ai nghĩ, hai năm sau, cô em út ngày đó là tôi cũng vượt Trường Sơn, nhưng không ai đưa tiễn. Sau khi nhận công tác, tôi có gặp anh Nhơn - bây giờ là anh Ba Phong đang công tác ở T4 (căn cứ của Mặt Trận Dân tộc Giải phóng Sài Gòn - Gia Định), bên cạnh căn cứ của mẹ tôi.

Anh em gặp nhau, mừng có, vui có và tự hào cũng có vì cô em út nổi tiếng nhõng nhẽo cũng đã trở thành chiến sĩ. Câu chuyện đưa tiễn đã đi vào quên lãng vì chuyện đi B cũng đã bình thường hơn trước, dù đây vẫn bị coi là nhiệm vụ bí mật.

Hòa bình trở về, anh Ba Phong từ chiến khu ra, tôi từ nhà tù về, anh em gặp nhau, không cần bí mật, cũng không căng thẳng vì đạn bom. Anh Ba Phong vẫn với tư cách anh cả năm nào, dặn dò tôi đủ chuyện, mặc dù cô em đã từng ở tù trong chiến tranh và đang là hiệu trưởng của một trường lớn tại Sài Gòn.

Sức khỏe của anh yếu dần, những năm kháng chiến làm anh mang nhiều bịnh và anh đã bỏ cô em út mà đi rất sớm.

Cho đến một hôm, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ mời tôi dự đêm nhạc của anh và nói sẽ có một điều bất ngờ cho tôi. Vì tò mò, tôi liền đi dự.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-85.png

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Mỹ (1935 – 1971) và thủ bút của ông. Ảnh: Hội Nhà văn VN

 

Đến đêm nhạc, sau khi mọi người ổn định chỗ ngồi, bỗng tôi chợt nghe người dẫn chương trình giới thiệu bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ, do Lư Nhất Vũ phổ nhạc. Người dẫn còn nhấn mạnh thêm là nguyên mẫu của bài thơ đang có mặt tại đêm nhạc và tay thì hướng về phía tôi.

Lúc đó, mọi con mắt trong khán phòng đổ dồn về phía tôi trong sự ngỡ ngàng của chính tôi vì lần đầu tiên tôi biết đến điều này.

Trước đó, tôi chỉ biết rằng bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ được mọi người vô cùng yêu mến từ cách đây mấy mươi năm. Tác giả của nó, nhà thơ Nguyễn Mỹ cũng đã hy sinh trong một trận càn của địch ở Trà My, Quảng Nam vào năm 1971.

Tôi nhớ, bài thơ kể chuyện người vợ trẻ tiễn chồng đi chiến đấu. Mà đã là thơ thì tác giả có thể thỏa sức hư cấu, miễn sao nói được tinh thần thép của thế hệ chúng tôi thuở ấy, miễn sao thể hiện chính xác hình tượng người phụ nữ Việt Nam hiền thục, kiên trung, thủy chung, miễn sao vẽ lên được nét bình thản pha trộn với nỗi xúc động của người lính ra chiến trường, khi biết phía trước là bom, là đạn, là có thể chia ly vĩnh viễn…

Sau đó, tôi có tò mò tìm đọc lại những bình luận, những cảm xúc của độc giả về bài thơ, về nhà thơ và thấy đa phần đều cảm nhận rất chân thực và chính xác cái khoảnh khắc đó, cái cảm xúc hôm đó mà chúng tôi đã trải qua.

Các nhân vật của buổi tiễn đưa năm ấy, cả nhà thơ Nguyễn Mỹ đã về với ông bà tổ tiên, trừ nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và cô gái áo đỏ năm nào, là tôi, người đang vẫn kiên trì nhẫn nại bước trên hành trình đòi công lý cho nạn nhân da cam của Việt Nam và của thế giới.

Nhà thơ Nguyễn Mỹ sinh ngày 21/2/1935, tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Năm 16 tuổi ông vào bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Nam Trung Bộ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, công tác ở đoàn Văn công Tây Nguyên, học lớp báo chí của Trường Tuyên huấn Trung ương rồi về công tác ở nhà xuất bản Phổ thông.

Năm 1968, Nguyễn Mỹ trở lại chiến trường miền Nam làm phóng viên báo Cờ giải phóng Trung Trung Bộ, thuộc Ban Tuyên truyền Văn nghệ khu V. Ông hi sinh vào tháng 5/1971 ở huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam trong một trận càn của địch.

Bài thơ "Cuộc chia ly màu đỏ" lần đầu ra mắt bạn đọc trên tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1964 tại miền Bắc, đã được dư luận xôn xao ngạc nhiên, thích thú trước vẻ đẹp mới lạ của áng thơ.

Nhà phê bình văn học Anh Ngọc từng đánh giá ""Cuộc chia ly màu đỏ" gần như là một bản tuyên ngôn của tình yêu thời cách mạng, một bài tùy bút bằng hình ảnh và nhạc điệu, khẳng định và cổ súy cho một quan niệm mới về tình yêu với ba nội hàm của một trật tự luận lý nhất quán: Yêu nhau thắm thiết - nhưng vì lý tưởng, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc - hy sinh hạnh phúc nhưng trong lòng vẫn thuỷ chung, tình yêu vẫn nguyên vẹn".

 

Xin mời bạn đọc thưởng thức lại bài thơ "Cuộc chia ly màu đỏ" của nhà thơ Nguyễn Mỹ.

 

Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ

Tươi như cánh nhạn lai hồng

Trưa một ngày sắp ngả sang đông

Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ

Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ

Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa

Chồng của cô sắp sửa đi xa

Cùng đi với nhiều đồng chí nữa

Chiếc áo đỏ rực như than lửa

Cháy không nguôi trước cảnh chia ly

Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia

Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy

Không che được nước mắt cô đã chảy

Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời

Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi

Và rạng đông đã bừng trên nét mặt

- Một rạng đông với màu hồng ngọc -

Cây si xanh gọi họ đến ngồi

Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai.

Ngày mai sẽ là ngày sum họp

Đã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp!

Nắng vẫn còn ngời trên những mắt lá si

Và người chồng ấy đã ra đi…

Cả vườn hoa đã ngập tròn nắng xế

Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ

Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào

"Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau..."

Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy

Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy

Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi

Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người

Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp

Một làng xa giữa đêm gió rét…

Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi

Như không hề có cuộc chia ly.

Nguồn: https://danviet.vn/chuyen-it-nguoi-biet-ve-co-gai-nguyen-mau-trong-bai-tho-noi-tieng-cuoc-chia-ly-mau-do-20240926125357512.htm