Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2024

Quán ông già

Truyện ngắn Văn Giá

Mấy năm nay do công việc, cứ vào dịp cuối thu đầu đông Doanh phải lên Sa Pa cùng với mấy đồng nghiệp, mỗi lần ở lại một tuần hoặc hơn. Công việc không quá vất vả, nhưng do lặp đi lặp lại nên nhiều lúc cũng chán. Việc phải làm. Cơm chiều xong, có hôm đi dạo, có hôm tụ bạ ngồi uống trà vặt với nhau. Tối xuống, chả biết làm gì. Sương giăng từ trên núi bốn bề tràn xuống phủ kín các con đường quanh co thị trấn. Các biển hiệu nhà hàng khách sạn đủ sắc màu lù mù gợi vẻ bí hiểm. Tiếng từ chiếc loa hát dạo vỉa hè đâu đó được bật hết cỡ, đám con trai con gái gào lên: Như chim xa lìa trời/Như chim xa lìa bầy/ Như chim bỏ đường bay*. Có hôm dửng mỡ, bọn Doanh cũng hò nhau đi hát Karaoke. Làm sao tiêu hết các buổi tối phố núi trong suốt bảy tám ngày?... Đây là lần thứ ba họ trở lại Sa Pa. Chao ôi, toàn những nhà bê tông cốt thép ken chặt thế này ư? Nhà to nhà bé nhà building nhà cao tầng nhà thấp tầng nhà thò ra nhà thụt vào nhà mái bằng nhà mái vòm nhà mái nhọn nhà mái ngói nhà tấm lợp xi-măng nhà mái tôn nhà nghỉ nhà hàng nhà ở nhà khách sạn nhà công sở thôi thì đủ kiểu sin sít. Lúc nào phố xá cũng như một đại công trường. Đường trơn lầy, nhớp nháp. Tiếng khoan cắt, tiếng nhồi cọc bê tông, tiếng hàn xì sắt, tiếng xẻ đá, tiếng đổ vật liệu, tiếng ủi đất san nền làm thành một thứ âm thanh hổ lốn xé tai. Vào những hôm cuối tuần, người xe chật ních. Cách đây khoảng mươi năm thôi, người có trí tưởng tượng giỏi đến mấy cũng không thể nghĩ ra cái cảnh Sa Pa có nạn tắc đường thế này. Một hôm, mấy thằng rủ nhau đi dạo loanh quanh phố núi. Xuất phát từ một góc phố trung tâm, thong thả đi một vòng sân quảng trường. Vừa lúc cũng đã mỏi chân, Doanh hò cả nhóm tạt vào một quán café. Chủ quán là một ông già. Có một cô gái trẻ gọi ông già bằng ông nội. Thực ra thì ngay từ khi nhận lệnh cơ quan đi Sa Pa, Doanh đã nghĩ ngay đến quán ông già và cô gái ấy. Tuy nhiên, Doanh ngần ngại, trì hoãn, chưa muốn đến quán ngay. Cái lời hứa năm ngoái với ông già về chuyện thi đại học của con bé, không hiểu sao Doanh chưa một lần gọi điện cho ông già. Thực ra là Doanh quên béng đi mất. Chả biết con bé ấy đã thi cử thế nào, có đỗ đạt không, đã đi học chưa? ...Bây giờ đang vào giữa đông. Nếu nó đi học, cũng đã sắp kết thúc học kỳ 1. Do đã từng làm nghề dạy học ở một trường đại học, Doanh nắm rõ. Chào ông! Ông vẫn khỏe chứ ạ? Vâng, chào các anh. Anh Doanh lên đợt này có lâu không? Vẫn như mọi năm thôi ạ. Các anh uống gì? Doanh có cảm giác lần này ông già không còn xởi lởi như mấy năm trước. Nước da xạm hẳn. Nhiều nốt đồi mồi lấm tấm trên mặt. Anh thầm để ý nhưng không thấy bóng dáng cô cháu xinh đẹp của ông đâu. Chưa tiện hỏi. Anh nghĩ mấy thằng bạn đồng nghiệp cũng không cần thiết phải biết quá kỹ rằng trong cái quán bé nhỏ này có cô gái xinh đẹp đó. Doanh muốn để lúc nào ra quán một mình. Ông già bảo, à cái món kia năm nay dùng là đúng cữ rồi. Anh Doanh có thử tí không? Doanh quay sang giải thích cho mấy gã đồng nghiệp rằng ở đây có một loại rượu đặc biệt, rất quý, hiếm, một người uống ba người vui. Sao lại ba? Bản thân, vợ, bà hàng xóm, chả là ba à? Cười. Không thấy ông già góp chuyện. Trước đây, mỗi khi thấy khách rổn rảng, ông già thể nào cũng chen vào. Có những chuyện rất thú. Doanh cho là hằng ngày ông già tiếp nhiều loại khách, nên nghe lỏm được vô khối chuyện. Đúng rồi. Một bà bán hàng nước đầu ngõ, một ông thợ cắt tóc, một chị chở đò chẳng hạn, bao giờ cũng là những trung tâm “thông tấn xã vỉa hè” bén nhạy và biết đủ thứ chuyện trên đời. Gi gỉ gì gi cái gì cũng biết. Nhưng lần này ông già ít nói hẳn. Doanh hơi lấy làm lạ. Anh thì thào với mấy bạn đồng hành. Đây là cái quán chuyên bán rượu bìm bịp mà không phải bợm nhậu nào cũng biết. Ông già này có cách ngâm thế nào đó mà uống rất vào. Rượu vàng óng. Không tanh. Vị đậm, hơi ngòn ngọt. Thoang thoảng hương rừng. Giống này phải ngâm đủ 18 tháng rồi chắt ra pha chế với một ít vị thuốc nam, những loại rễ cây gì đó. Uống thứ này không nên uống nhiều. Vài ba chén thôi. Sau đó lâm trận thì phải biết. Uống quá đà là hỏng con mẹ nó luôn... Mày nói nghe bùi tai quá. Thế thì tại sao lại không thử vài chén? Ông già ơi, chắt cho chúng cháu một chai. Ông già nháy Doanh. Anh đứng dậy theo. Doanh vẫn nhớ như in lần đầu tiên cách đây hai năm. Cũng lối đi này. Cũng căn buồng chứa rượu này. Phải vào gian bên trong rồi xuống một cái chái nằm thấp mấy bậc so với nền nhà. Góc phòng trong kia có một cô gái đang chong đèn ngồi học, quay lưng ra ngoài. Nhìn từ phía sau, dáng ngồi thẳng trong tư thế vươn lên, cái cổ cao trắng ngần như bông huệ, đường eo thon thu lại làm nổi bật vòm mông tròn mọng. Mái tóc cắt ngang suôn mượt chảy trùm xuống bờ vai đầy đặn, trẻ trung. Với cái dáng gần như hoàn hảo ấy, chắc phải là một gương mặt đẹp. Doanh tin là thế. Doanh đằng hắng một tiếng cốt để cô gái quay mặt lại phía anh, nhưng cô ta ngồi gần như bất động. Ư hừm... Chắc cô bé đã quen lắm cái cảnh ông già dẫn khách vào chọn rượu rồi. Doanh định hỏi ông già về cô bé kia nhưng lại thôi. Ông già bảo anh là chỗ tin tưởng tôi mới gọi anh vào trong này chọn rượu. Chế xong tôi mới chắt ra chai, chứ mang cả bình ra ngoài ấy, nhỡ kiểm lâm nó đi qua, hoặc ai đó nhìn thấy thì mất nghiệp đấy. Năm ngoái đã có tay kiểm lâm vào hỏi, tôi chối bay chối biến bảo chắc có ai đó vu vạ định làm hại tôi chứ tôi đâu có gì... Đập vào mắt Doanh là một dãy các bình thủy tinh. Mỗi bình được bọc trong một cái túi vải đỏ rồi đặt vào chiếc giỏ trẻ đan để tiện xách. Ông già chọn một bình trong cùng, bỏ lần vải bọc, đưa ra chỗ sáng. Anh xem đây. Bình này được 18 tháng rồi. Trong bình là một đôi chim bìm bịp nguyên lông màu đen, cặp chân như than, đầu hướng lên miệng bình, hai con quay mỏ về nhau như đang cố vẫy cánh để thoát khỏi cái bình chật chội. Đôi này đẹp quá. Chắc là một cặp vợ chồng đang còn trẻ. Không biết chúng đã kịp sinh con chưa nhỉ? Giá như còn sống, biết đâu chúng đang đậu trên cây rỉa mỏ cho nhau... Anh Doanh ạ, cái thằng này ngâm chưa đủ tháng uống nó tanh, khó vào. Nhưng ngâm thừa tháng thì nó lại có mùi hơi hoai hoai, trên mặt bình nổi một lớp váng mỏng lấm tấm như sao. Nếu ngâm lâu quá, lớp váng nổi đặc, lúc ấy là bình rượu hỏng. Để giữ được vị, cứ đúng 18 tháng là tôi phải chắt ra khỏi bình ngâm để sang bình khác. Anh thấy ở đâu bán mà cứ để nguyên bình cả đôi con rồi chắt rượu thẳng ra cốc là nó làm màu đấy. Đó chỉ là đôi chim mồi thôi, chứ họ đổ rượu linh tinh vào, hoặc có khi là nước ba nước bốn rồi... Ông già nghiêng bình, chắt rượu ra một cái ca nhựa, sau đó rót vào chai đưa cho Doanh cầm giúp. Anh ngửi rượu xem thấy thế nào? Có còn mùi tanh không? Như thế cứ uống luôn cũng là tốt rồi. Nhưng để làm nên vị riêng của rượu phải có cách pha chế. Ông già cầm lấy chai rượu, đem pha với một loại rượu ngâm rễ cây. Lại bảo anh thử xem có khác trước không? Doanh đưa lên mũi. Một mùi thơm nhẹ, như thể mùi ải mục của lá cây mà ta cảm thấy khi bước chân trong rừng già. Dường như có cả mùi hương của một loài hoa nào đó mà Doanh lờ mờ hình dung nhưng không thể gọi tên. Ba thằng ngồi uống lai rai. Đồ uống chỉ là đĩa lạc, một túi hạt dẻ Tàu rang sẵn. Nhâm nhi. Khói thuốc lá phả lên nghi ngút từ miệng thằng Hòa. Trong cơ quan, nó được gọi là cái hỏa lò di động. Giống chim bìm bịp này hay sống ở bìa rừng, ven sông ven suối rậm rạp, tính khí dữ dội, khỏe, đi đâu cũng có đôi các ông ạ. Chết cũng có đôi. Doanh bảo. Nên các ông mới hiểu tại sao khi ngâm rượu cứ phải đủ một đôi là vì thế. Hỏi sao kiếm được nhiều bìm bịp thế, ông già bảo có cầu thì có cung, bà con dân bản bẫy được đôi nào lại mang đến bán cho ông. Hòa bảo, chả mấy chốc cái giống này sẽ tuyệt chủng. Bìm bịp ơi, mày sống có đôi, chết cũng có đôi, chẳng biết thế là khổ hay không khổ… Đang ngồi nhâm nhi, bỗng cô gái từ trong nhà bước ra. Nó gọi ông ơi, cho con ra ngoài một chút rồi về luôn nhé… Bây giờ là mấy giờ rồi? Dạ, mới có 9 giờ. Con làm bài xong rồi. Con đi đến khoảng 10 giờ thôi. Ừ thì đi. Nhớ về sớm. Con gái con đứa ra đường một mình… thật là. Mà nhớ chọn đi đường sáng, đừng vào chỗ tối lắm sương mù nghe chửa. Con bé không hiểu sao cười với Doanh một cái như thể bảo ông già cứ hay lo xa lẩm cẩm thế đấy. Chà, cả ba thằng đàn ông sững sờ trước khuôn mặt đẹp với những đường nét phải nói là kiều diễm của cô gái. Một lớp phấn thoa, vài nét kẻ nhẹ vừa đủ để tôn lên gương mặt vốn đã rất hoàn mỹ. Quần thun, áo khoác da nâu. Cặp đùi thẳng tắp, khít khao. Nó nghiêng người lách qua chiếc bàn mà ba gã đang ngồi rồi bước rất nhanh vào phố núi. Một mùi hương con gái vương vất. Con bé đẹp quá. Đẹp. Chắc đang còn đi học. Ông già nghe thấy mấy gã nhắc đến đứa cháu, bảo hôm nọ ở trên này, có một con bé đang học mới có lớp tám lớp chín gì đó đi xe đạp sang nhà bạn mượn sách, lúc về qua một chỗ tối mù sương không có đèn đường, cái lũ khốn bế thốc nó mang đi hiếp tập thể, xong rồi vứt lại. May mà có người đi qua thấy đang nằm rên rỉ, thế là hô hoán, rồi đưa vào bệnh xá. Chả biết có còn đi học tiếp được nữa không. Cháu nhà tôi đang học lớp 11, nó ở đây với tôi, thỉnh thoảng phụ giúp tôi bán hàng… Thế bà đâu mà chỉ thấy có mình ông? Bà nhà tôi mất được bốn năm. Bố mẹ cháu bỏ nhau. Mẹ nó là con gái út của tôi. Sau khi bỏ nhau, thằng chồng đi lao động bên Ả Rập hay Đài Loan gì đó. Còn con mẹ nó theo một thằng vào sống tận trong Sài Gòn. Nó định mang theo đứa cháu kia đi, nhưng con bé kiên quyết không, đòi ở lại chăm ông. Thế chứ lại… Nó ngoan lắm. Hiếu thảo với ông lắm. Cứ đi học xong là về nhà luôn, cơm nước, trông hàng cho ông, rồi tự vào bàn học, chả phải giục câu nào. Nó năm nay mười sáu tuổi. Mười sáu tuổi như chim sắp ra ràng. Mấy ngày ở lại Sa Pa, do phát hiện ra quán ông già với loại rượu bìm bịp hảo hạng này, lại phát hiện ra cô cháu gái xinh đẹp kia, nên tối nào mấy gã cũng lang thang ra quán. Cũng chẳng phải mưu toan tán tỉnh gì. Cái giống đàn ông nó thế. Hễ có đàn bà con gái xinh đẹp là muốn xán đến. Để mà ngắm nghía. Để mà liếc trộm. Để đĩ mồm một tí có sao đâu. Mà nó đang tuổi thần tiên thế thì đâu dám tán nó… Chà, một hôm đúng lúc nó ngồi trông hàng cho ông già thì Doanh đến. Hôm nay Doanh đi một mình. Nhớ lại hôm qua, trong lúc ăn cơm, một thằng bảo nó xinh thế chứ xinh nữa thì cũng là của thiên hạ chứ mình nước non gì. Thằng khác bảo, mày chớ linh tinh nhé, không cẩn thận, nó cho một nhát đứt mẹ cái của quý thì hết đường về với vợ. Ôi dào, lo bò trắng răng. Nó trẻ con. Mình sắp già mẹ nó rồi, tán nó phải tội. Nhưng mà ngồi uống rượu bên người đẹp dù chẳng nói câu gì cũng sướng chứ. Em gái năm nay học lớp mấy? Dạ, cháu lớp 11. Chà, lớp 11 mà lớn như sinh viên đại học rồi nhỉ. Nó e ấp, lặng thinh. Thế em học giỏi nhất môn gì? Cháu không học giỏi hẳn môn gì. Thế mới chán chứ. Thế thích nhất môn gì? Chắc là… môn văn. Mà cũng chưa hẳn. Thế em sợ nhất môn gì? Cháu sợ nhất Anh văn. Môn Anh văn quan trọng lắm. Nơi đây là đất du lịch. Khách Tây nó đến thì phải nói với nó bằng tiếng Anh chứ. Với lại sau này đi học gì, làm nghề gì thì cũng phải giỏi tiếng Anh. Nó là cái gậy đi đường, cái cần câu cơm đấy em nhé! Nó chợt trầm tư không nói gì. Cũng không định bắt chuyện với Doanh. Còn cái môn văn í à? Cũng giống nhiều môn vô bổ khác. Môn văn nó làm cho tâm trí con người ta âm u đi, tâm tính cũng đĩ thõa lên. Bởi văn chương nó không xây dựng đạo đức mà chỉ phá hoại đạo đức thôi. Mọi lòng tốt, sự tử tế, tính thiêng vốn có của con người bị văn chương nó làm cho suy đồi, biến thành đầu môi chót lưỡi. Chú nói gì í cháu không hiểu. May mà em không hiểu. Em cứ giữ lấy tâm hồn trẻ thơ sẽ gặp hạnh phúc. Chứ cái gì cũng muốn hiểu là bất hạnh đấy. Có những cái càng hiểu càng tuyệt vọng. Cháu ứ nghe chuyện của chú nữa. Hại não lắm. Ừ, anh không nói nữa. Ông em đâu rồi? Ông cháu đang bận tắm tí rồi ra ngay ạ! Doanh trầm ngâm, cầm chén nước nhấp từng ngụm nhỏ. Ông già quán ra. Con bé đứng phắt dậy không cả chào Doanh. Nó bước ra khỏi nhà, vừa đi vừa nhảy chân sáo. Ừ, cái tuổi cốm non mười sáu nó thế. Chưa nếm mùi đời nên chưa thấy khổ đâu em. Xinh như thế, lại sống ở đất này, bố mẹ không có, rồi không khéo… Ông già hỏi Doanh sang năm con bé thi Đại học thì nên thi vào trường nào. Trời, cháu đã biết nó học trội những môn gì, nó thích nghề gì đâu chứ. Ừ, anh còn ở đây, lúc nào gặp cháu, anh hỏi chuyện rồi khuyên nó một câu giúp tôi nhé. Về chuyện này, tôi chả biết mô tê gì. Trước khi phải rời Sa Pa, Doanh có đến quán ông già vài ba lần nữa. Anh đã đặt trước ông già mấy bình rượu bìm bịp đặc sản để mang về. Bình để dùng, bình thì biếu. Chả biết cái thằng cha sếp có thích cái của nợ này không? Loại nó, mẹ kiếp chỉ thích tờ thôi… Mấy lần đến quán nhưng không gặp cô gái ấy. Nó bận đi vắng hay cố ý tránh mặt Doanh? Tối hôm cuối trước khi về, Doanh đến lần nữa. Ừ thì cũng cốt để nói chuyện với ông già cho xong cái việc thi cử của đứa cháu kia đi kẻo ông nghĩ mình ba xạo. Vẫn không thấy cô gái ấy. Doanh bảo ông già nên khuyên con bé nếu nó học kha khá thì hãy thi vào Đại học, chứ còn thường thường thì nên đi học nghề hoặc tìm công việc gì đó mà làm. Ở trên này, đất du lịch, thiếu gì việc. Nếu cứ cố thi vào đại học, bốn năm học hành tốn kém, rồi ra trường thất nghiệp, phí cái sự học đi. Ông già nghe thế tỏ vẻ không vui. Tôi muốn anh khuyên cháu vào học trường nào cho thuận, rồi ra trường kiếm cái nghề phù hợp, chứ bảo nó đi kiếm việc làm thì tôi hỏi anh làm gì. Doanh lúng túng. Thôi được, cho cháu xin cái số điện thoại của ông, rồi về dưới ấy, có gì cháu sẽ điện lên. Chứ cháu đã nói chuyện ra đầu ra đũa lần nào với con bé đâu mà khuyên được… Ông già dặn Doanh, khi nào về, cho ghé xe vào quán lấy mấy bình rượu. Bê xách dềnh dang bọn nó thấy lại phiền. Doanh lững thững trở về chỗ ở. Sương mù sà xuống đặc quánh. Tầm nhìn chừng ba mét. Như chim xa lìa bầy/ Như chim bỏ đường bay. Gớm, gào gì mà lắm thế. Karaoke trong nhà còn được, chứ cho dùng loa hộp hát vỉa hè thế này thì hỏng. Chúng mày định biến cả khu phố du lịch này thành cái phòng Karaoke chắc? *** Nhìn một người đàn ông khóc đã thấy tội, mà đây lại là một ông già. Ông mếu máo. Những nếp nhăn trên khuôn mặt xô động. Nước mắt rỉ thành giọt. Con bé thi đại học xong, trong lúc chờ điểm, nó theo chúng bạn đi làm cái chân nhặt bóng sân gôn dưới chân núi kia. Thế rồi… nó bị lừa. Cái thằng chơi gôn ở tận đẩu đâu nó đến, chơi xong rồi nó rút, chứ có biết nó ở đâu, làm gì. Ngay cả cái tên của nó cũng là tên giả. Cháu tôi dại quá. Tim Doanh như bị ai bóp mạnh. Khốn nạn. Thế rồi sao nữa, ông? Khi bụng lùm lùm không thể giấu được, nó mới nói với tôi. Đau quá anh ạ. Làm cái thân già nuôi cháu mà không bảo vệ được cháu. Tôi có tội với nó. Có tội với con gái tôi… Thế rồi nó liên hệ với mẹ nó ở Sài Gòn, mẹ con đưa nhau vào đấy để đẻ. Bây giờ nó sống thế nào thì cũng đến kệ cha chúng nó chứ anh bảo tôi còn làm gì được nữa. Cái thân già lo cho mình chẳng xong nữa là… Như thường lệ, ông già vào chắt rượu cho Doanh. Đặt trước mặt Doanh chai rượu vàng óng, ông già bảo tôi thôi cái khoản này rồi anh ạ. Buôn bán chẳng bõ phiền. Từ khi đứa cháu nó bỏ vào Sài Gòn, tôi cũng chẳng thiết gì nữa. Doanh định nói câu gì để an ủi ông già, nhưng lại thôi. Biết nói gì. Bóng tối và sương mù ở cái thị trấn du lịch này chứa đầy hiểm họa. Thì ông già chả đã từng biết trước là gì. Vâng, đau quá, ông! Nó mới mười sáu tuổi. Như chim bỏ đường bay…ay…y… Lúc sau, nguôi cơn xúc động, ông già móc điện thoại trong túi, tí toáy một lúc rồi chìa ra cho Doanh. Này, con bé con, trộm vía, thế mà kháu ra phết. Anh xem đây này. Nó gửi cho tôi qua zalo đấy. Mới có mấy tháng mà đã phổng thế. Giời thương, con khó dễ nuôi.

______________ (*) Lời trong một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Tam Đảo, ngày 8/01/2024 VG