Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2024

Phỏng vấn TS.LiễuTrương:

“Tôi phải vinh danh quê hương tôi bằng con đường văn học”

Văn Việt thực hiện

Trong dịp giải Văn Việt lần thứ 9, Chủ tịch Hội đồng đã trân trọng trao giải thưởng cho Tiến sĩ Liễu Trương vì những đóng góp của bà cho chuyên mục Nghiên cứu - Phê bình Văn học. Để bạn đọc có thêm hiểu biết về vị Tiến sĩ có phần kín tiếng này, Văn Việt đã đề nghị có một cuộc trao đổi ngắn với bà và may mắn được bà nhận lời.

TS. Liễu Trương - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Văn Việt: Trước hết, xin cảm ơn bà đã vui lòng dành thời gian cho cuộc phỏng vấn của chúng tôi.

Được biết, mươi năm trở lại đây, bà đã công bố một số công trình nghiên cứu, một số công trình dịch thuật như Tiếp cận văn học Pháp, Phân tâm học và phê bình văn học, Một cuộc đi chơi đồng quê (Tuyển truyện ngắn của G. D. Maupassant), Kẻ ngoại cuộc (A. Camus), Lưu đày và Vương quốc (A. Camus) ở Việt Nam. Tuy nhiên, với số đông người đọc, Liễu Trương vẫn còn là một cái tên chưa thật sự gần gũi.

Vây, để làm quen, xin bà cho biết ít nhiều về chặng đường dài từ cô giáo dạy Pháp văn ở trường Bùi Thị Xuân (Đà Lạt) đến Tiến sĩ Văn học so sánh của Đại học Sorbonne, Paris.

TS. Liễu Trương: Tôi đến với độc giả xa gần cách đây không lâu, qua blog văn học của tôi. Thật ra, vốn đam mê chữ nghĩa, văn chương, và được đào tạo ở một đại học Pháp, tôi nghiên cứu văn học và viết từ lâu. Nhưng vì tính quá kỹ lưỡng, tôi không vội công bố công việc mình làm, mà muốn thong thả soát lại, xem xét lại, trong khi thời gian trôi qua vùn vụt, khiến tôi ý thức rằng những bài viết của tôi cần có người đọc. Thế nên cuối cùng tôi cho ra đời một blog văn học, và từ đấy tôi đón tiếp độc giả qua các bài viết của tôi. Ngoài ra, thỉnh thoảng có một dịch phẩm hay một biên khảo được xuất bản, tôi cũng đưa lên blog để báo với độc giả.

Đam mê văn chương là chuyện của cả một đời, còn dạy học là kinh nghiệm đầu đời của tôi, cho tôi được gần gũi và khám phá một tuổi trẻ mới lớn, trong trắng, đáng yêu. Tôi đem sự hiểu biết của mình giúp những tâm hồn trẻ trung, hiếu học. Có thể nói những năm dạy Pháp văn ở trường Bùi Thị Xuân, Đà Lạt là những kỷ niệm đầu đời của tôi, rất đẹp và khó quên. Vì thế tôi thầm nghĩ, sau khi du học trở về quê hương, tôi sẽ tiếp tục dạy học.

Ngày tôi lên đường sang Pháp với hai chứng chỉ Dự bị Văn khoa Pháp và Văn chương Pháp có được từ Đại học Văn khoa Sài Gòn, cũng là bước đầu của đam mê văn chương. Khi vào Đại học Sorbonne, hai chứng chỉ trên đây được nhìn nhận tương đương với những chứng chỉ Pháp, dù thế, tôi vẫn để hai chứng chỉ qua một bên, để học lại từ đầu. Tôi học qua các cấp bậc của đại học, giai đoạn cuối cùng là soạn một luận án. Tôi chọn ngành ngôn ngữ học dưới sự hướng dẫn của bà giáo sư Jacqueline Pinchon. Sở dĩ tôi chọn ngôn ngữ học là vì nghĩ rằng ngành học này sẽ giúp tôi khi trở về quê hương dạy học một cách khả quan. Đề tài luận án là: Etude de l’emploi du subjonctif en milieu scolaire (Nghiên cứu lối dùng cách giả thiết của động từ ở học đường). Tiếng Pháp khó vì ngữ pháp, nhất là cách dùng động từ, động từ có thể chia theo nhiều cách: cách trình bày, cách bất định, cách điều kiện, cách giả thiết, cách ra lệnh. Cách giả thiết khó nhất, học sinh Pháp có thể dùng sai. Kết quả của việc nghiên cứu về vấn đề này sẽ cho phép trong tương lai việc soạn sách ngữ pháp thích hợp với học sinh hơn. Vấn đề cụ thể là theo dõi, điều tra cách nói chuyện của học sinh để tìm ra lỗi. Để thực hiện công việc này, tôi đến một số trường trung học để thâu tiếng nói của học sinh trong giờ ra chơi hoặc vào những lúc thuận tiện khác. Đồng thời các giáo sư cho tôi mượn hàng nghìn bài luận văn để nghiên cứu. Kết quả tôi lập được trên 2.000 phiếu sắp theo hạng lỗi. Công việc cực nhọc trong ba năm đã xong, chỉ còn ngồi lại để viết luận án. Nhưng ngay lúc đó xảy ra một vụ trộm trong khi gia đình đi nghỉ hè. Vào thời đó chưa có máy vi tính với những bộ nhớ để lưu trữ tài liệu. Tôi bị mất hẳn mấy thùng tài liệu ghi chép mà chắc chắn kẻ trộm đã vứt đi, vì nhận thấy đã lấy nhầm. Nghĩ đến công khó của mình trong ba năm trời, tôi xót xa, tuyệt vọng và bỏ học. Bà giáo sư Jacqueline Pinchon biết tôi thích dạy học bèn khuyên tôi, như một cách an ủi, nên tham gia kỳ thi tuyển giáo sư trung học. Nhưng tôi nào có thích dạy học ở Pháp. Học sinh tôi yêu thương và muốn dạy dỗ ở tận quê nhà. Thế là để sinh sống, tôi tạm làm công chức trong xã hội Pháp. Lúc đó tôi vẫn còn ngẩn ngơ vì sự mất mát công trình nghiên cứu của mình. Và chính nhờ văn chương đã cứu tôi khỏi bệnh tâm thần, vì trong thời gian làm công chức, có nhiều thì giờ rảnh, tôi đọc sách khá nhiều, đọc như người đói gặp của ăn, tôi đọc rất nhiều tác giả Pháp, cũng như tác giả Việt Nam, và một cách bất ngờ, cảm thấy mình giàu thêm. Thế mới biết đam mê văn chương mà tôi có từ thuở nhỏ vẫn tiềm ẩn trong tôi và nay được dịp bùng lên. Đọc tác phẩm văn học chưa đủ, tôi còn bước sang các lĩnh vực khác: văn học sử, các trào lưu hiện đại, các ngành phê bình mới, v.v. Ngày nọ thình lình tôi tự hỏi: Tại sao không làm một luận án về văn học? Thế là dự định làm một luận án thứ hai thành hình.

Văn Việt: Bà đã lựa chọn tác phẩm của nhà văn Võ Phiến để làm Luận án Tiến sĩ về Văn học so sánh. Bà có thể cho biết quá trình này đã xảy ra như thế nào? Vì sao bà chọn Võ Phiến chứ không phải ai khác, dù rằng bà đã đọc khá nhiều tác giả của văn học miền Nam trước 1975 như Nhã Ca, Dương Nghiễm Mậu, Phan Nhật Nam, thậm chí, đã chọn tác phẩm của họ để chuyển ngữ. Bà đã tìm thấy sự tương đồng nào giữa lý thuyết và tác phẩm văn học?

TS. Liễu Trương: Một luận án thứ hai, nhưng đề tài là gì? Trong văn học Pháp có vô số đề tài hấp dẫn. Nhưng tôi không phải là người xứ này. Tôi không có vai trò đem một viên gạch nhỏ bé bồi đắp ở chân tượng đài văn học Pháp vốn đã đồ sộ và lừng danh. Tôi trôi dạt đến xứ này, tôi nhập tịch để sinh sống và làm bổn phận người công dân xứ này như đóng thuế, đi bỏ phiếu khi có những cuộc bầu cử, nhưng tôi không phải là người xứ này. Quê hương tôi xa vời, đã từng bị chiến tranh tàn phá, gây nhiều đau thương, và ngày nay người dân chưa được an vui. Tôi phải vinh danh quê hương tôi bằng con đường văn học. Mà tôi đã biết gì về văn học Việt Nam? Suy nghĩ của tôi tập trung về thời đất nước phân chia, tạo nên hai nền văn học Bắc-Nam.

Về văn học miền Bắc, tôi đã đọc một số tác giả nổi tiếng như: Nguyễn Tuân, Nguyễn Khải, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, các nhà thơ Hoàng Cầm, Lê Đạt, v.v. Tôi đọc biên khảo của Đặng Thái Mai: Văn thơ Cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, và đọc các nhà phê bình: Lê Đình Kỵ, Phan Cự Đệ, v.v. Tôi theo dõi các nhà văn nghệ sĩ trong Phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm.

Tuy nhiên tôi phải khiêm nhường mà nhìn nhận rằng sự hiểu biết của tôi về văn học miền Bắc hãy còn nhiều thiếu sót. Ngoài ra, tôi có nhiều nghi vấn về một nền văn học bị chính trị hóa, bị dùng để tuyên truyền cho một hệ tư tưởng. Đối với tôi, văn chương là một nghệ thuật phải được sáng tạo trong tự do, đưa đến chân, thiện, mỹ. Thế nên tôi hướng về văn học miền Nam được thành hình trong bầu không khí tự do và mở ra thế giới. Vả lại phải nhìn nhận rằng sự lựa chọn của tôi có phần chủ quan, vì tôi lớn lên và trưởng thành trong văn hóa miền Nam, có nhiều kỷ niệm về nơi chốn mình đã sống.

Con đường Duy Tân cây dài bóng mát

Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát

Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…

Nhạc và thơ quyện vào nhau để vẽ lên một thành phố Sài Gòn của cái thời có một tuổi trẻ đầy mộng mơ, có những đôi lứa yêu nhau, trong khi thảm họa chiến tranh đang rình rập.

Việc chọn một nhà văn miền Nam để làm luận án không khó mấy, tôi chọn ngay Võ Phiến. Có nhiều nhà văn tôi rất thích và đã có bài phê bình về tác phẩm của họ, như Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thụy Long, Nhật Tiến, hoặc những nhà văn tôi đã dịch tác phẩm của họ, như Nhã Ca, Phan Nhật Nam, nhưng tất cả đều thuộc thế hệ trẻ của thời đó, con đường sáng tạo của họ còn dài. Bên cạnh họ, Võ Phiến là đàn anh, là một trong những cây đại thụ tiêu biểu cho văn học miền Nam. Võ Phiến có một trải nghiệm qua ba thời kỳ lịch sử: thời Pháp thuộc, trong thời này ông hấp thụ nền văn học Pháp, thời kháng chiến sống chung với Việt Minh, ông phát hiện Việt Minh là gì, và thời Việt Nam Cộng Hòa, thời của tự do để sáng tạo.

Võ Phiến viết nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, tùy bút, tiểu luận, tạp luận và thơ. Nổi tiếng nhất là tùy bút. Học giả Nguyễn Hiến Lê cho rằng lựa thể tùy bút là làm một công việc mạo hiểm vì tùy bút là một thể văn tự do nên khó viết. Nguyễn Hiến Lê viết về Võ Phiến như sau: “…chỉ trong tùy bút chúng ta mới được hưởng cái ngạc nhiên nghe Võ Phiến đương khen chiếc áo dài phụ nữ ngày nay thì quay về chuyện Lê Quí Đôn bút đàm với sứ giả Triều tiên ở Yên kinh hai thế kỷ trước [] Cũng chỉ trong tùy bút, ông mới thỏa chí phóng ngọn bút mỉa mai nhẹ nhàng mà thấm thía của ông: ông kể lịch trình Nam tiến và Tây tiến của chiếc áo dài phụ nữ, rồi kết: Thế cho nên chúng ta tin mạnh ở sự thành công của cuộc thống nhất đất nước bằng chiếc áo dài. Nó êm thấm, đẹp đẽ hơn những đường lối thống nhất bạo tàn biết bao!” (Bài Tựa của Nguyễn Hiến Lê trong tập Võ Phiến, Tùy bút I)

Riêng tôi, nhận thấy Võ Phiến viết tùy bút rất có duyên. Ông lại có cái công bênh vực văn hóa Việt Nam. Khi quân đội Mỹ tràn vào lãnh thổ miền Nam, đem theo đồ hộp, phim ảnh, những cái mới lạ của văn minh xứ họ, thì Võ Phiến lên tiếng bênh vực chè Huế. Trong bài tùy bút “Chè và văn minh”, ông viết: “Đối thủ của nó [chè Huế] là hộp trái cây. Từ ngày lính Mỹ qua nhiều, đồ hộp càng lan tràn [] Chè Huế thành ra một thứ xa xí phẩm, kênh kiệu, khó tánh, nó bị đào thải [] Trong thiên hạ, mấy ai còn cái lưỡi tinh tế để phân biệt cái ngọt sang trọng của nó với cái ngọt phàm phu tục tử của trái cây đóng hộp ướp đá nữa.

Bênh vực chè Huế chưa đủ, Võ Phiến còn ca tụng nước mắm, rau mùi và bánh tráng. Ông viết: “Rau mùi không phải là thứ rau cho bao tử, mà là cho lỗ mũi, cho cái khứu giác tinh vi của một dân tộc không phàm phu, một dân tộc nhằm hưởng hơn là ăn”. Về bánh tráng, thức ăn quen thuộc của người Bình Định, quê hương của ông, Võ Phiến có cái giả thuyết là biết đâu vua Quang Trung, vị anh hùng đất Tây Sơn, xưa kia đã dùng bánh tráng thay cơm cho binh lính đi đường xa.

Võ Phiến rất dí dỏm khi ông nói về chiếc áo dài của người phụ nữ: “Áo dài Việt Nam thắng lớn trong nước và ngoài nước, do đâu mà được vậy? Do nó cho thấy gió”. Theo ông chiếc áo dài có hai phần: phần trên theo sát những nét tuyệt mỹ của thân người, còn phần dưới là… gió, có nghĩa là hai tà áo phất phơ trong gió.

Nói chung, văn của Võ Phiến bình dị, gần gũi với lớp người bình dân, chữ nghĩa bình dị nhưng tư tưởng sâu sắc, tinh tế, lôi cuốn người có học thức.

Vấn đề đáng nghiên cứu tôi tìm thấy trong tác phẩm của Võ Phiến, mà chưa thấy ai bàn đến, là ảnh hưởng của văn học Pháp trong thế giới tưởng tượng của Võ Phiến. Ông thường viết truyện về người dân ở thôn quê, nào là anh Bốn Thôi, anh Năm Cán Vá, anh Ấm Sứt, nào là chị Bốn Chìa Vôi, v.v. Nhưng một cách lạ lùng, truyện và tùy bút của Võ Phiến mang dấu ấn của văn học Tây phương, đặc biệt văn học Pháp. Do ảnh hưởng của thời Pháp thuộc, Võ Phiến biết nhiều nhà văn Pháp, như Alphonse Daudet, Guy de Maupassant, André Gide, André Maurois, Marcel Proust, v.v., và nhà văn Anh Somerset Maugham, nhà văn Áo Stefan Zweig, ông đã dịch một truyện của nhà văn này. Ảnh hưởng có khi rõ ràng, như khi Võ Phiến dùng hiện tượng trí nhớ vô tình (mémoire involontaire) của Marcel Proust trong bài tùy bút “Buổi chiều tịch mịch”, ông viết: “Tôi không hề nhớ gì cả. Chỉ biết bất thần cảnh chiều ấy vụt dựng lên như một phép lạ trước mắt - Một tiếng chim kêu đánh “chíu” một cái - cũng tựa như một miếng gạch long khua dưới chân, một miếng bánh quả bàng nhúng vào tách nước trà trong pho sách mênh mông của Marcel Proust, thế là cả một thế giới đột nhiên hiện về” (Võ Phiến, Tùy bút II, tr. 293)

Ngoài ra, ảnh hưởng của Tây phương trong sáng tạo của Võ Phiến thể hiện một hiện tượng mà ngành lý luận văn học gọi là thuyết liên văn bản (intertextualité). Từ xưa đến nay và bất cứ nơi nào, một văn bản luôn luôn là nơi gặp gỡ những văn bản có trước hoặc cùng thời. Có nhiều lúc sự gặp gỡ ẩn kín, khó cho người nghiên cứu phê bình nhận ra. Vậy công việc nghiên cứu của tôi là tìm trong tác phẩm của Võ Phiến những chi tiết, những dấu hiệu của ảnh hưởng Tây phương có khi hiển nhiên, có khi ở trong bề sâu trí tưởng tượng của tác giả. Cho nên việc chọn lựa Võ Phiến, vì lý do trên, rất thích hợp với ngành văn học đối chiếu mà tôi hằng theo dõi.

Văn Việt: Những trao đổi trực tiếp với nhà văn Võ Phiến mang lại lợi ích và cản trở gì cho quá trình viết luận án của bà. Việc liên lạc này đã diễn ra như thế nào? Nhà văn có hưởng ứng đề xuất của bà hay không, ông có lo ngại gì không? Võ Phiến là người như thế nào theo góc nhìn của bà?

TS. Liễu Trương: Võ Phiến là một con người nhã nhặn, tế nhị. Ngay từ bước đầu, trong việc trao đổi thư từ với tôi, ông đã có một thái độ hưởng ứng hết lòng để đáp lại những tìm tòi, thắc mắc của tôi. Nhiều khi, từ những lời đáp mà kể ra đã đầy đủ, ông còn bàn rộng đến những vấn đề khác. Đôi lúc tôi có cảm tưởng ông vui thích được tôi “phỏng vấn”. Nói tóm lại, tôi không gặp cản trở gì trong việc tiếp xúc với nhà văn Võ Phiến; trái lại, giữa chúng tôi có sự đồng ý, đồng cảm, mặc dù cái nhìn của tôi đi xa hơn, bao quát nhiều lĩnh vực ngoài sự sáng tạo của nhà văn.

Sau khi đã bảo vệ luận án, tôi có dịp sang California chơi, có đến thăm ông bà Võ Phiến. Ông bà rất vui mừng, ân cần, niềm nở. Tôi để ý Võ Phiến ít nói, không như trong thư từ, thì ra ông chỉ nói nhiều khi ông viết. Dù thế, ông cũng trịnh trọng nói với tôi: “Vợ chồng tôi rất biết ơn chị đã bỏ công sức làm cái luận án”.

Một thời gian sau, tôi nhận được cuốn Võ Phiến tuyển tập khá đồ sộ, do Người Việt bên Mỹ xuất bản, bên trong bìa sách có in một trích đoạn luận án của tôi, và ở trang đầu có lời đề tặng của Võ Phiến như sau:

California XII – 2006

Thâm tạ người đã giới thiệu tôi với một dân tộc có nền văn hóa huy hoàng.

(Từ trái qua) Nhã Ca, ông bà Võ Phiến, Liễu Trương (2003). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Văn Việt: Theo thiển ý của chúng tôi, việc dịch luận án về Võ Phiến của bà sang tiếng Việt hẳn sẽ rất hữu ích cho giới nghiên cứu văn học và người đọc. Bà có ý định này không?

TS. Liễu Trương: Luận án của tôi mang tựa đề:  Võ Phiến, culture nationale, lectures occidentales, gồm hai tập, tổng cộng 596 trang. Tôi không có ý định dịch luận án sang tiếng Việt, vì vấn đề dịch thuật đòi hỏi nhiều thời gian mà tôi không có.

Văn Việt: Chúng tôi hơi có chút băn khoăn, không hiểu vì sao khi đang làm công việc nghiên cứu, bà lại chọn việc dịch tác phẩm văn học. Đây có phải là một cách để thỏa mãn niềm say mê văn chương của bà?

TS. Liễu Trương: Tại sao khi tôi nghiên cứu, phê bình xong một tác phẩm văn học, tôi lại quay sang dịch một tác phẩm khác? Chỉ là do đam mê đấy thôi. Đam mê khiến tôi tham lam. Nhưng một khi đã chọn việc gì (nghiên cứu hay dịch thuật) thì tôi dành tất cả thì giờ để cẩn thận đi sâu vào vấn đề, làm công việc đến nơi đến chốn.

Về nghiên cứu phê bình, bao giờ tôi cũng có một phương pháp làm việc. Người phê bình có phận sự giải mã tác phẩm, để giúp độc giả đi vào tác phẩm, hiểu và thưởng thức tác phẩm. Cần nói rõ hơn, vì công việc phê bình có tính chủ quan, nên người phê bình chỉ giúp độc giả hiểu một khía cạnh sáng tạo nào đó của tác giả. Cần nhất là cách phê bình phải hợp lý và mạch lạc, có tính thuyết phục. Mặt khác, những lý luận phê bình của Tây phương giúp ích nhiều trong việc làm sáng tỏ tác phẩm. Tác phẩm quan trọng hơn tiểu sử tác giả, cần nói đến tiểu sử chỉ khi nào tiểu sử liên quan mật thiết với tác phẩm. Độc giả sẽ nhàm chán nếu người phê bình cứ lải nhải: ông tên thật là… sinh năm… chết năm…

Về vấn đề dịch thuật, câu hỏi có thể được đặt ra là tại sao tôi thích dịch? Là vì tôi muốn đưa văn học Việt Nam đến với độc giả Pháp, và ngược lại đưa văn học Pháp đến với độc giả Việt Nam. Cũng là chuyện đam mê. Khi dịch, tôi ý thức rằng hiểu biết hai ngôn ngữ và có hai văn hóa là một may mắn lớn. Phải thành thạo hai ngôn ngữ, hai văn hóa mới đi đến thành công.

Văn Việt: Tiêu chí chọn lựa tác phẩm của bà như thế nào?

TS. Liễu Trương: Việc chọn lựa tác phẩm để dịch có khi do yêu cầu của nhà xuất bản, nhưng phần nhiều do sự hứng thú, lựa chọn của dịch giả. Tôi đã dịch truyện ngắn của Guy de Maupassant vì ông là bậc thầy về truyện ngắn trong văn học Pháp. Mặt khác, tại sao tôi dịch L’Étranger (Kẻ ngoại cuộc) và L’Exil et le royaume (Lưu đày và Vương Quốc) của Albert Camus? Lý do là vì tôi khâm phục một nhà văn lỗi lạc, đồng thời là một nhà triết học nhân bản, hiện đại. Còn một lý do khác nữa, một lý do tình cảm: tôi yêu tuổi thơ của Camus và lòng biết ơn của ông. Camus mồ côi cha rất sớm, sống bên cạnh một người mẹ mù chữ, điếc, làm nghề quét dọn để sống. Người mẹ và hai người con trai – Camus và người anh – sống trong một khu phố nghèo của thành phố Alger. Camus học giỏi, lớn lên dưới bầu trời Địa Trung Hải, ham thích thể thao, nhưng rủi ro bị một chứng bệnh hiểm nghèo vào thời đó: bệnh lao. Camus cố vượt mọi khó khăn, ông bắt đầu làm báo, viết những kịch bản. Rồi ông sang Paris, tiếp tục làm báo và bắt đầu cho xuất bản những tác phẩm để đời: L’ÉtrangerLe Mythe de Sisyphe, cả hai tác phẩm ra cùng năm 1942. Nhiều tác phẩm khác sẽ tiếp theo, để nói lên tư duy của một nhà triết học và cho thấy nghệ thuật sáng tạo của một nhà văn.

Sau này, năm 1957, khi đọc diễn từ nhận giải Nobel Văn chương, cậu bé Albert Camus của những khu nghèo thành phố Alger, từ trên đỉnh cao chói lọi của danh vọng, nhớ về người thầy năm xưa của mình, ông Louis Germain, đã thương yêu mình và tận tình giúp đỡ. Khi việc nhận giải Nobel xong xuôi, Camus liền viết một lá thư cho người thầy cũ như sau:

19-11-1957

Thưa thầy Germain,

Tôi chờ tiếng ồn ào quanh tôi mấy ngày nay lắng xuống trước khi đến thổ lộ đôi chút cùng thầy. Người ta vừa cho tôi một vinh dự quá lớn mà tôi không hề tìm kiếm cũng không hề xin xỏ. Nhưng khi tôi hay tin, ý nghĩ đầu tiên của tôi sau khi nghĩ đến mẹ tôi, là ý nghĩ về thầy. Nếu không có thầy, không có bàn tay yêu thương đó mà thầy đã chìa cho đứa bé nghèo là tôi, nếu không có sự dạy dỗ của thầy, và tấm gương của thầy, thì không có gì của những điều đó sẽ xảy ra. Tôi không lấy làm quý trọng cái thứ vinh dự đó, nhưng vinh dự đó ít ra là một cơ hội để tôi thưa với thầy là thầy đã và sẽ luôn luôn là người như thế nào đối với tôi, và để khẳng định với thầy rằng tất cả những cố gắng của thầy, việc làm của thầy và tấm lòng rộng lượng của thầy, tất cả đều sống động nơi một trong những đứa học trò bé nhỏ của thầy, dù nay đã lớn tuổi, nó không ngừng là một đứa học trò biết ơn thầy. Tôi hôn thầy với tất cả sức mạnh của thương yêu.

Albert Camus

Chính con người đó của Albert Camus khiến tôi đến gần và dịch tác phẩm của ông.

Về phía các tác giả Việt Nam mà tôi đã dịch thì có Nhã Ca và Phan Nhật Nam. Vào thời tôi dịch Đêm nghe tiếng đại bác (Les canons tonnent la nuit) của Nhã Ca và Mùa hè đỏ lửa (Un été embrasé) của Phan Nhật Nam, thì chiến tranh đã chấm dứt từ lâu. Nhưng là người Việt Nam, ai chẳng mang nặng trong lòng nỗi đau do chiến tranh gây nên, nỗi đau đó đâu có chấm dứt với tiếng súng, nó vẫn hằn sâu trong lòng của nhiều người. Qua sự chọn lựa hai tác phẩm trên, tôi muốn nêu lên những đau thương mà chiến tranh gây nên trong một gia đình (Đêm nghe tiếng đại bác), và cả miền Nam (Mùa hè đỏ lửa).

Khi dịch hai tác phẩm, tôi cũng muốn cho độc giả Pháp và độc giả của khối Pháp thoại biết chiến tranh Việt Nam như thế nào, nó không đơn giản như báo chí và các thông tân xã nước ngoài cho thấy.

Truyện Đêm nghe tiếng đại bác là một truyện kể bình thường rất dễ dịch. Còn Mùa hè đỏ lửa là chuyện binh đao, đòi hỏi nhiều hiểu biết về quân đội, quân hàm, cấp bậc, khí giới, chiến thuật, v.v., cho nên tôi phải học hỏi nhiều, để có thể theo dõi những cuộc hành quân của các tiểu đoàn, lữ đoàn, sư đoàn. Tôi cũng cần sự giúp đỡ của tác giả Phan Nhật Nam về những ngôn ngữ chuyên môn và cả những tiếng lóng trong quân đội. Dịch là đồng hành với tác giả, tôi đi theo tác giả đến những chiến trường Kontum, An Lộc và Trị Thiên. Tôi có cảm tưởng thấy trước mắt ngọn đồi Charlie, nơi trung tá Nguyễn Đình Bảo đã tử trận. Hình ảnh người anh hùng này về sau được người đời nhớ đến qua bản nhạc nổi tiếng Người ở lại Charlie. Tôi đến An Lộc dưới những trận mưa pháo ngày đêm, và đến Trị Thiên để mục kích vô số xác chết la liệt trên con đường dài chín cây số, và cuối cùng là việc tái chiếm cổ thành Quảng Trị.

Có thể nói, dịch cuốn bút ký Mùa hè đỏ lửa đối với tôi như sống lại cuộc chiến tranh với bao xúc động trước cái chết của người dân vô tội và trước cái chết của những người anh hùng phần nhiều là vô danh.

Sau này, để giới thiệu sơ qua văn học miền Nam, tôi có dịch truyện ngắn của mười tác giả miền Nam dưới tựa đề Vent du Sud (Gió Nam).

Văn Việt: Có sự cách biệt về thời gian giữa các tác phẩm bà chọn dịch (Đêm nghe tiếng đại bác của Nhã Ca/1997, Mùa hè đỏ lửa của Phan Nhật Nam/2018 và Gió Nam/2022). Sự cách quãng này có phải vì sự thương thảo với nhà xuất bản Pháp hay có lý do nào khác?

TS. Liễu Trương: Giữa Les canons tonnent la nuit, Un été embraséVent du Sud, có nhiều khoảng cách về thời gian, vì lẽ tôi… “ham chơi”. Tôi có nói đâu đó là tôi làm việc tùy hứng, không thích bị những ràng buộc gây áp lực.

Đối với các nhà xuất bản ở Pháp, tôi không gặp khó khăn gì. Mọi việc đều nhanh chóng, không có vấn đề kiểm duyệt nặng nề của Nhà nước như ở ta.

Tôi muốn bàn thêm về vấn đề dịch thơ. Tôi rất yêu thơ. Chẳng hạn thời mới lớn, tôi yêu thơ Xuân Diệu của Thơ t, Gửi hương cho gió. Về sau, Xuân Diệu làm tôi thất vọng. Tôi cũng yêu thơ của các nhà thơ khác thuộc Thơ Mới. Giờ đây, đối với tôi, Tô Thùy Yên là nhà thơ lớn nhất. Dịch thơ rất khó, vì người dịch không thể chuyển hoàn toàn cái đẹp của bài thơ gốc qua bài thơ dịch. Thêm nữa ngôn ngữ của ta có sáu thanh điệu, khiến bài thơ như một bản nhạc, nhất là thơ lục bát, điều này không có trong ngôn ngữ Tây phương, cho nên bài thơ dịch làm mất cái đẹp về thính giác. Cuối cùng, tôi quan niệm bài thơ dịch là một bài thơ thứ hai để giúp độc giả nước ngoài có một ý niệm về bài thơ nguyên tác của một nhà thơ Việt Nam.

Văn Việt: Sắp tới đây, bà có dự tính tiếp tục việc giới thiệu văn học Việt Nam cho độc giả Pháp và ngược lại, sau A. Camus và G. D. Maupassant?

TS. Liễu Trương: Dự định của tôi về việc dịch tác phẩm văn học trong hai chiều: Pháp-Việt, Việt-Pháp? Đời người quá ngắn ngủi, không dám có dự định gì.

Văn Việt: Trang blog Viết và Đọc của bà là một trang văn chương phong phú, hấp dẫn.

Bà đã bắt đầu công việc này như thế nào? Và bà đã làm cách nào để duy trì sức sống cho trang blog của mình?

TS. Liễu Trương: Như tôi có nói từ đầu, tôi lập blog văn học vì số lượng bài viết tích lũy lâu ngày hóa ra vô ích nếu không có người đọc. Thế nên tôi lập blog và là một blog cá nhân, cho nên tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Để tôn trọng độc giả của tôi, và để nuôi dưỡng blog, tôi nghiên cứu, viết bài đều đều và cho bài lên blog mỗi cuối tháng.

Văn Việt: Để người đọc có thể hình dung cuộc sống của một nhà nghiên cứu, một dịch giả tại thủ đô Paris, bà có thể cho biết một ngày thường của mình diễn ra như thế nào?

TS. Liễu Trương: Cuộc sống của tôi ở Paris hay nơi nào khác cũng thế thôi. Nếu không kể những ngày sống với gia đình từ xa đến, hay những dịp gặp gỡ bạn bè, thì đại khái, buổi sáng sau điểm tâm, tôi ngồi trước máy làm việc trung bình năm, sáu tiếng đồng hồ. Sau đó tôi ra ngoài đi dạo, thở không khí, rồi trở về nhà nghe nhạc. Chiều tối là lúc điện thoại chuyện trò với người thân, bạn bè. Ban đêm đọc sách để nghiên cứu. Thế là hết một ngày.

Văn Việt: Xin cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn hữu ích và rất lý thú này. Xin chúc bà mạnh khỏe, có thêm những công trình nghiên cứu và dịch thuật giá trị.

Sài Gòn - Paris, tháng 8.2024

Một số tác phẩm nghiên cứu - dịch thuật của TS. Liễu Trương.

(tư liệu của Trẻ Magazine, mục Tủ sách Trẻ)