Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 14 tháng 7, 2024

Việt Nam – Huyền thoại và thực tế (kỳ 3)

Jörg WischermannGerhard Will (chủ biên)

Nhà xuất bản liên bang về Giáo dục chính trị công dân (Bundeszentrale für politische Bildung)

Văn Việt đăng tải với sự đồng ý của các chủ biên và nhà xuất bản.

clip_image002[4]
Martin Großheim

Chương 3 Đảng Cộng sản Việt Nam và cuộc đấu tranh giành giật lịch sử1

Ý nghĩa của huyền thoại lịch sử – Sự chính danh hóa vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam

Tháng Tám năm 2011, một tòa án ở Việt Nam đã kết án nhà bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ bảy năm tù giam và ba năm quản thúc tại gia kế theo. Một trong những tội ông bị kết là tội „tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam“ – theo Điều 88 Bộ luật hình sự Việt Nam. Đặc biệt, tòa buộc tội ông đã „bôi nhọ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam [chống Pháp và chống Mĩ]“2

Chẳng hạn ông Cù Huy Hà Vũ đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn của bộ phận tiếng Việt thuộc đài „Tiếng nói Hoa kỳ – Voice of America“ rằng, ở mức độ nào đó, cũng có thể xem các cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ là nội chiến được.

Lời luận tội nêu ra tại một trong những phiên tòa chính trị gây nhiều chú ý nhất ở Việt Nam trong những năm vừa qua cho thấy chắc chắn rằng:

1. Giới lãnh đạo Việt Nam vẫn luôn luôn giữ vững huyền thoại cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn thể nhân dân Việt Nam kháng chiến thắng lợi chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Trong trường hợp cực đoan, họ có thể áp dụng cả các biện pháp hình sự chống lại những người như ông Cù Huy Hà Vũ, là những người – khi nhấn mạnh đến sự tồn tại của nhiều đảng phái và lực lượng chính trị chính danh khác bên cạnh Đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) – đã đặt vấn đề xem xét lại lối đánh giá lịch sử như trên3.

2. Mặc dù hiện nay giới lãnh đạo chính trị ở Việt Nam tự thấy mình được chính danh hóa ngày càng mạnh thông qua các chính sách kinh tế thành công và từ đó, tạo mức sống cao cho đa phần dân chúng, đảng CSVN vẫn luôn luôn coi lịch sử là cội nguồn quan trọng bảo đảm tính chính danh cho mình.

Chẳng hạn, trước hết Đảng tự chính danh hóa mình dựa vào các chiến thắng trong thế kỷ 20: Chiến thắng chống quân đội thực dân Pháp năm 1954 cũng như chiến thắng chống „đế quốc Mĩ“ và „chính quyền bù nhìn“ miền Nam Việt Nam năm 1975. Song, giới sử gia cũng như các cơ quan truyền thông đại chúng do Nhà nước quản lý ở Việt Nam luôn luôn tuyên truyền cho một huyền thoại lịch sử còn rộng lớn và bao quát hơn nhiều: Đó là huyền thoại củng cố tham vọng của Đảng CSVN đòi độc quyền chiếm vai trò lực lượng chính trị chính danh duy nhất của Việt Nam trong suốt thế kỷ 20 cho đến nay.

Xét về mặt này, dường như các chiến thắng vinh quang càng lùi sâu vào lịch sử, Đảng càng đòi hỏi phải tưởng nhớ nhiều đến chúng. Từ khi công cuộc cải cách (Đổi mới) tạo nên động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ, và trong vòng hai thập niên đã kịp đưa đất từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới nhảy vọt lên thành một „quốc gia có thu nhập trung bình (middle-income country)“, Việt Nam dường như bị chìm đắm trong „cơn sốt tưởng niệm“4. Hàng loạt tượng đài và khu tưởng niệm mới được dựng lên khắp nơi trong nước – thậm chí các tỉnh thành vừa trở nên khá giả trong quá trình cải cách kinh tế còn đua nhau xem khu tưởng niệm ở tỉnh nào lớn nhất, tượng Hồ Chí Minh ở nơi nào cao nhất. Ngoài ra, huyền thoại về lịch sử thần thánh này còn được đề cao vào các ngày lễ kỷ niệm những chiến thắng thu được trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng đất nước, cũng như được tuyên truyền trong các Viện bảo tàng của Nhà nước. Bên cạnh các phương tiện truyền thông đại chúng, thì trong „một xã hội miệt mài bút nghiên“ mang nặng màu sắc Khổng giáo như xã hội Việt Nam, sách giáo khoa lịch sử còn là một phương tiện quan trọng phục vụ cho việc quảng bá và thần thánh hóa các huyền thoại lịch sử đã được Nhà nước phê chuẩn.

Tiếp theo đây, trước hết chúng tôi sẽ thông qua tấm phù điêu nổi trong Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự ở Hà Nội để minh họa việc huyền thoại lịch sử tổng quát của Đảng CSVN đã được diễn tả một cách hình tượng hóa như thế nào. Bước tiếp theo, chúng tôi sẽ cho thấy, việc diễn giải lịch sử một cách thần thánh hóa đã được phổ biến thông qua sách giáo khoa và các gian trưng bày trong Viện bảo tàng Cách mạng ở Hà Nội ra sao. Qua đó chúng tôi sẽ làm rõ thêm rằng huyền thoại lịch sử về đỉnh cao của cách mạng Việt Nam trong năm 1975, tức là từ sự kiện đánh thắng siêu cường Mĩ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa, được nối một mạch cho đến thời kỳ đổi mới hiện nay ở Việt nam và, bằng cách đó, tiếp tục khẳng định tính chất chính danh cho tham vọng độc quyền lãnh đạo của Đảng CSVN. Trọng tâm của phần thứ ba, và cũng là phần kết, là các nhận thức mới về lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20, những nhận thức chủ yếu được các nhà sử học nước ngoài cung cấp và ngày càng đặt ra nhiều nghi vấn đối với huyền thoại lịch sử hiện đang được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam.

Huyền thoại lịch sử trên tấm phù điêu nổi của Bảo tàng Lịch sử Quân sự

Trong gian tiền sảnh của Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự nằm không xa Sứ quán Đức tại Hà Nội là một tấm phù điêu nổi rất lớn – tấm phù điêu diễn tả sinh động huyền thoại do Đảng CSVN truyền bá. Ở trung tâm tấm phù điêu đó, người ta có thể thấy hình ảnh „Bác Hồ“, tức cố Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) trong một tình huống của chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945-1954), một tình huống từng được ghi lại trong tấm ảnh hiện nay đã biến thành hình tượng: Ông ngồi ở tư thế trịnh trọng giữa một đám đông chiến sĩ Việt Minh đang kính cẩn lắng nghe.

clip_image002Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam © Martin Großheim

Hồ Chí Minh trong tư cách là biểu tượng của Đảng CSVN ở trung tâm lịch sử Việt Nam hiện đại – đó là hình ảnh tượng trưng cho vai trò chủ đạo, một vai trò mà trong huyền thoại lịch sử đã được thần thánh hóa của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vai trò thuộc về Đảng CSVN. Ở Việt Nam ngày nay, Đảng được mô tả là lực lượng chính trị duy nhất chính danh trong giai đoạn lịch sử hiện đại của Việt Nam. Theo huyền thoại này, chỉ dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, nhân dân Việt Nam mới có thể giành được độc lập khỏi tay bọn thống trị thực dân (1945) và tái thống nhất đất nước (1975). Trong đó, sự kiện tái thống nhất là đỉnh cao của một quá trình phát triển diễn ra tuyến tính nhằm thẳng tới mục tiêu, một quá trình đã quyết định toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20. Trong huyền thoại lịch sử này, Đảng không những chỉ là người đảm bảo cho nền độc lập của Việt Nam, mà còn là người đảm bảo cho sự phát triển tích cực của đất nước cho đến tận ngày nay. Như thế, tất cả các sự kiện trong lịch sử Việt Nam hiện đại từng xảy ra trước khi thành lập Đảng CSVN vào ngày mồng 3 tháng 2 năm 1930 đều chỉ là những bước khởi đầu của công cuộc đấu tranh chống ách thực dân và giải phóng đất nước, một cuộc đấu tranh chỉ có thể được tiến hành và đi đến thành công dưới sự lãnh đạo của Đảng mà thôi.

Đồng thời, huyền thoại chính trị này cũng nhấn mạnh đến tính liên tục: Cuộc đấu tranh giải phóng chống thực dân của nhân dân Việt nam dưới sự lãnh đạo của Đảng là sự tiếp nối truyền thống các nỗ lực trước đây của dân tộc Việt Nam nhằm thoát khỏi ách thống trị do Trung Hoa áp đặt. Vì thế, người ta có thể thấy trên tấm phù điêu nổi, phía bên phải Hồ Chí Minh là hình ảnh tượng trưng cho các cuộc khởi nghĩa trước đây chống quân Trung Quốc xâm lược, tạo nên „truyền thống kháng chiến của nhân dân Việt Nam“: cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào các năm 40-43 và chiến thắng của Nguyễn Huệ5 trước quân Thanh vào năm 1789. Huyền thoại về truyền thống kháng chiến này đã qui gọn giai đoạn trước khi đất nước bị thực dân xâm lược thành giai đoạn của những cuộc xâm lược vũ trang nối tiếp nhau do nước láng giềng hùng mạnh Trung Hoa ở phương Bắc tiến hành và đặt Việt Nam vào thế nạn nhân, đồng thời huyền thoại này lại bỏ qua các hành động xâm lược của chính Việt Nam nhằm vào các dân tộc thiểu số hay dân tộc Chàm ở miền Trung – một huyền thoại đã được Hồ Chí Minh tổng kết trong câu nói nổi tiếng, một câu nói mà người ta cũng có thể thấy ở gian tiền sảnh của Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự: „Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước“ (Về huyền thoại này, xem thêm các bài của Vũ Đức Liêm và Gerhard Will trong chuyên khảo này.)

Trên tấm phù điêu nổi, ở phía bên trái Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở mức độ nào đó, là mảng tranh diễn tả phần thứ hai của huyền thoại lịch sử bằng hình tượng. Mảng này diễn tả những giai đoạn quan trọng nhất của „các cuộc chiến tranh chính nghĩa“ dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN: Bên trái hình ảnh Hồ Chí Minh ta có thể thấy bức tranh quen thuộc của ông Võ Nguyên Giáp, về sau là Đại tướng, đứng trước đơn vị đầu tiên của Quân đội Nhân dân Viêt Nam được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944. Tiếp theo xuống phía dưới là hình ảnh chiến sĩ Việt Minh sau chiến thắng tại trận đánh quyết định ở Điện Biên Phủ đang vẫy cờ Việt Nam, trong khi viên chỉ huy De Castries của pháo đài quân Pháp này cùng các sĩ quan khác ra đầu hàng. Phía trên, bên phải tấm phù điêu nổi, ta có thể thấy hình ảnh các khẩu súng phòng không Bắc Việt Nam tượng trưng cho cuộc chiến đấu chống máy bay ném bom của Không lực Hoa Kỳ ở giai đoạn chiến tranh Đông Dương lần thứ 2. Cuộc chiến tranh này đã kết thúc vào ngày 30 tháng Tư năm 1975 sau khi các đơn vị quân đội Bắc Việt Nam và Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam đánh chiếm Sài Gòn – sự kiện này được diễn tả trên tấm phù điêu nổi bằng hình ảnh xe tăng và chiến binh xông trận.

Sự trưng bày tiếp theo trong Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự tuân theo cách thức thường thấy ở Việt Nam là phân đoạn lịch sử thế kỷ 20 bắt đầu bằng sự kiện thành lập Đảng CSVN và nhấn mạnh vào các cuộc xung đột vũ trang. Qua đó, một yếu tố hết sức quan trọng nữa của huyền thoạt chính trị sẽ được bộc lộ rõ nét. Các chiến thắng quân sự đối với Pháp và Mĩ cũng như Việt Nam Cộng hòa được dành những gian trưng bày rộng lớn – chẳng hạn riêng trận Điện Biên Phủ vào năm 1954 đã được trưng bày trong nhiều gian, trong đó có cả một sa bàn khổng lồ mô tả trận đánh. Một biểu đồ cho biết thông tin chi tiết về cơ cấu của các đơn vị phía quân đội Pháp cũng như phía quân Việt Minh, thêm vào đó còn là danh sách ghi rõ số quân Pháp tử trận hoặc bị bắt là tù binh, số máy bay bị bắn rơi cũng như số vũ khí bị tịch thu. Ngoài ra, ở đây còn trưng bày ảnh và kỷ vật của các binh sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam được khen thưởng về lòng dũng cảm và được phong Anh hùng trong trận Điện Biên Phủ. Nhiều danh sách với các chi tiết về những người lính Hoa Kỳ và Quân đội Việt Nam Cộng hòa tử trận cũng được treo trong gian trưng bày về cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 2 (1964-1975).

Tất cả các chi tiết đó nêu bật huyền thoại về các cuộc chiến tranh „chính nghĩa và thần thánh“ dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN. Khi liệt kê số lượng địch bị tử trận, cũng như khi trưng bày các tấm ảnh lính Pháp hay lính miền Nam Việt Nam đầu hàng, hoặc hình ảnh lính Mĩ chạy trốn, thì các mặt trái của cuộc chiến, các hy sinh hay tổn thất của phía người Việt Nam chiến thắng không hề được nêu ra.6

Sách giáo khoa của Việt Nam cũng như các gian trưng bày trong Viện Bảo tàng Cách mạng còn tuyên truyền huyền thoại lịch sử đó một cách chi tiết hơn nữa.

Huyền thoại lịch sử trong sách giáo khoa và tại các gian trưng bày của Viện bảo tàng Cách mạng

Một trong những sách giáo khoa mới nhất về lịch sử thế giới xuất bản tại Việt Nam không hề che giấu mục tiêu giảng dạy những kiến thức làm tăng niềm tin của sinh viên vào các thành tựu của chủ nghĩa xã hội và con đường mà Đảng CSVN đã lựa chọn7. Thống nhất với mục tiêu được đề ra này, lịch sử hiện đại của Việt Nam được trình bày thành một chuỗi nối tiếp nhau của các thắng lợi chỉ có thể thu được dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng CSVN mà thôi. Nhận định này cũng được thể hiện rõ khi giảng dạy lịch sử quốc gia trong các giờ học lịch sử tại nhà trường. Chẳng hạn, sự thành lập Đảng CSVN vào tháng Hai năm 1930 được ghi vào sách giáo khoa bắt buộc dành cho môn lịch sử của học sinh lớp 12 trên toàn quốc là „bước ngoặt vinh quang trong lịch sử Cách mạng Việt Nam“8. Sự kiện đó được đánh giá là kết quả tất yếu của lịch sử, và Đảng CSVN chính là người bảo đảm cho sự phát triển thắng lợi đó – đây là bài học quan trọng nhất mà học sinh cần ghi nhớ.

Cách trưng bày tại Viện Bảo tàng Cách mạng cũng diễn giải lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20 là sự phát triển liên tục diễn ra dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, tiến tới giành độc lập và thống nhất đất nước. Như thế, „phong trào chống thực dân của nhân dân Việt Nam ở đầu thế kỷ 20“, một phong trào dù sao cũng được dành hẳn một gian để trưng bày, chỉ được mô tả như là bước đầu tiên trong công cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp và phong trào này chỉ bắt đầu phát triển mạnh mẽ và có mục tiêu rõ ràng sau khi Đảng CSVN được thành lập.

Sách giáo khoa lớp 12 tuy có nhắc đến „Việt Nam Quốc dân Đảng“, nhưng gắn với lời phê phán phổ biến xưa nay, cho rằng đảng này thiếu mối liên hệ với „quần chúng“. Hơn nữa, theo như sách dạy, cùng với sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái do họ chủ trương (tháng Hai năm 1930), Quốc dân Đảng đã chấm dứt vai trò lịch sử của mình.9

Sách cũng dạy, sau khi được thành lập, Đảng CSVN đã dẫn đầu cuộc đấu tranh chống thực dân và lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành độc lập, thoát khỏi chế độ cai trị thực dân của nước ngoài thông qua cuộc Cách mạng Tháng 8 thắng lợi trên toàn quốc năm 1945 – đó là bước ngoặt thứ hai trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

Viện Bảo tàng Cách mạng ở Hà Nội dành cho Cách mạng Tháng 8 năm 1945 và Tuyên ngôn ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày mồng 2 tháng Chín năm 1945 khá nhiều không gian trưng bày. Sự kiện giành chính quyền của Việt Minh xảy ra đúng giai đoạn vô chính phủ, một giai đoạn nảy sinh khi chính quyền thực dân Pháp bị quân Nhật đảo chính vào tháng Ba năm 1945, rồi Nhật đầu hàng ngay sau đó vào tháng Tám 1945, được mô tả ở đây như một cuộc Khởi nghĩa được lãnh đạo và phối hợp hoàn hảo trên toàn quốc: Khá nhiều ảnh chụp và bản đồ được trưng ra tại đây nhằm cho thấy quần chúng nổi lên ở nhiều tỉnh thành khác nhau.

Những kiến thức lịch sử nào không khớp với huyền thoại nói trên, đều được loại ra khỏi sách giáo khoa và các gian trưng bày, hoặc sửa đổi sao cho hợp với „lịch sử thắng lợi“ của Đảng CSVN. Chẳng hạn, các tổ chức chính trị không ủng hộ, hoặc thậm chí đối kháng với Việt Minh hay Đảng CSVN, trong sách giáo khoa đều bị xếp vào hạng Việt gian, tay sai hay bù nhìn (ngụy) của nước ngoài (Pháp, Mĩ). Đó là các đảng phái dân tộc chủ nghĩa, chống cộng sản, những đảng phái mà sau Cách mạng tháng Tám 1945, tuy lúc đầu có đóng những vai trò chính trị nhất định, nhưng về sau đều bị bộ máy an ninh của Đảng CSVN – một bộ máy dù mới ở giai đoạn đầu xây dựng lực lượng, nhưng đã đủ mạnh – xếp vào hàng ngũ „bè lũ phản cách mạng“ và thẳng tay đàn áp, loại bỏ.10

Điều này được mô tả bằng bức ảnh mang tính tượng trưng về „vụ án phố Ôn Nhu Hầu“ trưng bày trong Viện Bảo tàng Cách mạng. Năm 1946, trụ sở chính của Việt Nam quốc dân đảng nằm ở phố này. Tháng 6 năm 1946, sau khi quân đội Quốc dân Đảng của Trung hoa dân quốc vừa rút đi, thì tháng 7 năm 1946, cơ quan an ninh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lợi dụng cơ hội để ra tay: Lấy lý do Quốc dân Đảng âm mưu gây đảo chính chống chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh lãnh đạo, họ đã đột nhập vào trụ sở chính của Quốc dân Đảng và tuyên bố tìm thấy xác của cán bộ Việt Minh bị giấu ở đây, như người xem có thể thấy trên ảnh trưng bày.

„Vụ án phố Ôn như Hầu“ là đỉnh cao của chiến dịch do Việt Minh tiến hành nhằm loại trừ một cách có hệ thống các tổ chức chính trị mưu toan cạnh tranh với mình và cũng là một phần quan trọng trong huyền thoại: đề cao Đảng CSVN trong vai trò lực lượng chính trị chính danh duy nhất của Việt Nam thời kỳ mới và đồng thời loại bỏ, không trừ ngoại lệ nào, tất cả các tổ chức chính trị khác mang danh „phản động bán nước“ (Việt gian) ra khỏi lịch sử Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 được trình bày trong sách giáo khoa và Viện bảo tàng như huyền thoại thứ hai về sự thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cả sách giáo khoa lẫn Viện bảo tàng đều đưa chủ nghĩa anh hùng của các chiến sĩ Việt Nam và các tổn thất của quân Pháp lên hàng đầu, nhưng không hề đề cập đến các đau khổ và hy sinh mà các đơn vị quân đội Việt Minh và dân thường Việt Nam phải gánh chịu. Sự hỗ trợ ồ ạt của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng chỉ được nhắc đến một cách sơ sài.11

Hiệp định hòa bình Genève được ký kết tháng 7 năm 1954 tạm thời chia Việt Nam thành 2 phần theo vĩ tuyến 17. Trong khoảng thời gian 300 ngày đầu, dân chúng hai miền được quyền quyết định họ muốn sống ở bên nào. Quy định này đã gây ra một cuộc di dân lớn – khoảng 1 triệu người, trong đó nhiều người Công giáo, đã chạy vào Nam.

Hiện tượng này không khớp với huyền thoại lịch sử vốn coi Đảng CSCN là tổ chức lịch sử suy nhất đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và đem lại độc lập và hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam, vì thế nó đã bị những người viết sử Việt Nam loại khỏi trí nhớ: Sách giáo khoa lịch sử lớp 12 không hề nhắc đến các sự kiện này; trong sách giáo khoa về Lịch sử Đảng CSVN dùng tại các trường đại học thì khẳng định „dân chúng đã bị địch [tức quân Pháp và Mĩ] cưỡng bức di cư“.12 Lịch sử Đảng đưa ra những lý giải chi tiết và trở thành một phần của huyền thoại lịch sử này: Theo lý giải đó, cuộc di cư xẩy ra do sự tuyên truyền của Pháp và Mĩ, khiến người Công giáo ở miền Bắc tin rằng „cộng sản cấm mọi tôn giáo“ hoặc „dân công giáo ở lại ngoài Bắc sẽ bị hành hình“.13

Nói cách khác, khoảng 1 triệu người Việt Nam rời bỏ quê hương trong các năm 1954/55 để vào Nam đều bị coi là những người bị lừa dối, những người bị nước ngoài dụ dỗ hoặc ép buộc ra đi. Như thế, huyền thoại lịch sử được truyền bá ở Việt Nam vẫn không bị sứt mẻ.

Các sách giáo khoa lịch sử và Viện Bảo tàng Cách mạng cũng áp dụng các biện pháp tương tự khi trình bày một trong những trang sử đen tối nhất của lịch sử Đảng CSVN là công cuộc Cải cách ruộng đất (1953-1957) theo tinh thần chủ nghĩa Mao, một cuộc cải cách mà trong khi thực hiện đã đi đến chỗ cực đoan, khiến hàng ngàn người bị liệt vào thành phần địa chủ và bị các tòa án nhân dân tuyên án tử hình. Đến giữa năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải cho dừng Cải cách ruộng đất và Đảng buộc phải tiến hành sửa sai.14 Sách giáo khoa lịch sử lớp 12 dành hẳn một trang cho cải cách ruộng đất, trên đó in tấm ảnh một người „nông dân phấn khởi nhận khoảnh đất được chia“.15 Sách cũng đề cập đến các sai lầm xảy ra trong quá trình cải cách ruộng đất, ví dụ như phân loại sai địa chủ với nông dân, nhưng sau đó lại nhấn mạnh ngay rằng Đảng và Chính phủ kịp thời nhận ra sai lầm và nhanh chóng sửa sai.

Tương tự như thế, gian trưng bày trong Viện Bảo tàng Cách mạng cũng cho thấy ba bức ảnh nông dân „phấn khởi“ nhận đất hay trâu cày. Một số ảnh tiếp theo lại cho thấy nông dân hiến đất vào hợp tác xã – vì bắt đầu từ 1958, nền nông nghiệp ở Việt Nam bắt đầu hợp tác hóa. Các hành động quá khích do cán bộ Cải cách ruộng đất gây ra không được nhắc đến trong gian trưng bày. Tại đây, cải cách ruộng đất được ca ngợi là một thắng lợi lịch sử của cuộc đấu tranh chống „chủ nghĩa phong kiến“.

Giáo trình chính thức về Lịch sử Đảng trình bày chi tiết hơn về Cải cách ruộng đất.16 Nhưng, để nói một cách ngắn gọn, giáo trình này cũng cùng một giọng với sách giáo khoa, hết lời ca ngợi Cải cách ruộng đất là một „chiến thắng đối với chủ nghĩa phong kiến“. Luận điểm này cũng được ghi vào giáo trình Lịch sử Đảng dùng tại các trường đại học; ở đây tuy có đề cập đến các sai lầm và những hiện tượng quá khích, nhưng đã được Đảng tiến hành sửa sai vào năm 1956 một cách „cương quyết và chu đáo“, do đó, nhìn chung vẫn có thể đánh giá Cải cách ruộng đất là một thành công lớn.

Đứng trước một thực tế là trong các sách giáo khoa, những đảng phái phi cộng sản từng cạnh tranh với Việt Minh vào giai đoạn 1945/46 đều nhất loạt bị coi là „phản động“ và „Việt gian“, thì cũng không đáng ngạc nhiên lắm, khi nước Việt Nam Cộng hòa – quốc gia từng tồn tại từ 1955 đến 1975 ở phía Nam vĩ tuyến 17 – bị diễn tả trong các tài liệu lịch sử giảng dạy ở trường trung học và đại học là một đơn vị chính trị không hề có chút khả năng hoạt động độc lập nào, và như thế, tiếp tục giữ vững huyền thoại coi Đảng CSVN là chính đảng duy nhất mang tính chính danh trong lịch sử Việt Nam hiện đại.

Sách giáo khoa lớp 12 chẳng hạn, đã dùng khái niệm „Mĩ-Diệm“ từ đầu đến cuối để chỉ Chính phủ do Tổng thống Ngô Đình Diệm đứng đầu, một khái niệm hàm ý sự phụ thuộc hoàn toàn của chính quyền này vào Mĩ.17 Trong giáo trình Lịch sử Đảng tại các trường đại học, chính phủ miền Nam Việt Nam lúc này bị gọi là „Mĩ-Diệm“, „Mĩ-ngụy“, lúc khác lại bị gọi là „tay sai“. Theo sách, Tổng thống Ngô Đình Diệm là người được Mĩ nâng đỡ làm Tổng thống Cộng hòa Việt Nam. Chính phủ ở miền Nam Việt Nam do đó cũng chỉ là „chính phủ bù nhìn nhằm phục vụ cho chính sách đế quốc mới của Mĩ ở miền Nam Việt Nam“ mà thôi. Cũng theo cách thức đó, cuộc đảo chính chống Ngô Đình Diệm năm 1963 cũng được mô tả là cuộc đảo chính do Mĩ giật dây.18 Tương tự như thế, Viện Bảo tàng Cách mạng mô tả ông này là tay sai „Đế quốc Mĩ“ và suốt từ đầu đến cuối đều gọi ông là „Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn“ và do đó, là một chính khách không có tính chính danh nào.

Cũng nhất quán như thế, sách giáo khoa lịch sử trình bày chiến tranh Đông Dương lần thứ hai là cuộc xung đột quân sự giữa một bên là nhân dân miền Bắc Việt Nam đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN và nhân dân miền Nam Việt Nam nhất trí dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng miền Nam, với bên kia là „Đế quốc Mĩ“ và „chính phủ bù nhìn“ ở Sài Gòn. Cách đánh giá trắng-đen đó không dành chỗ cho cách đánh giá nào khác nữa; trong huyền thoại lịch sử này không thể tồn tại quan điểm cho rằng chiến tranh Đông Dương lần thứ hai (tương tự như cuộc chiến tranh lần thứ nhất) cũng bao hàm cả xung đột giữa hai xu hướng chính trị khác nhau ngay trong lòng đất nước, tức là nội chiến được.

Đối với sự phát triển về kinh tế và nội chính nói chung của Việt Nam DCCH cũng vậy – mặc dù đôi vấn đề có được nêu ra, nhưng nhìn một cách bao quát, công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc Việt Nam, xét toàn cục, được mô tả là một thành công lớn. Các sự kiện, như vụ „xét lại chống Đảng“ năm 1967, trong đó hàng trăm cán bộ và trí thức bị bắt rồi tống giam nhiều năm mà không có phiên tòa nào xét xử, hay vụ đàn áp mạnh tay những thử nghiệm kinh tế tư nhân trong các hợp tác xã nông nghiệp thuộc tỉnh Vĩnh Phúc cuối những năm 1960, đều không được nhắc đến, bởi chúng phản lại huyền thoại về sự đồng lòng nhất trí trong nội bộ Đảng CSVN qua suốt thời kỳ chiến tranh.19

Chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975 đánh thắng Mĩ và „ngụy quyền“ miền Nam Việt Nam được các sách giáo khoa tung hô là sự kiện mở đầu cho thời đại mới trong lịch sử của nhân dân Việt Nam và đất nước Việt Nam thống nhất trên đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa, tất cả các sách giáo khoa đều ca ngợi sự kiện này cũng là thắng lợi của khối xã hội chủ nghĩa đối với „chủ nghĩa đế quốc mới của Mĩ“.20 Điều thú vị là ở chỗ, huyền thoại lịch sử này – bất chấp các cải cách mang tính chất kinh tế thị trường đang diễn ra – vẫn mang đậm màu sắc xã hội chủ nghĩa và gắn liền sự kiện tái thống nhất đất nước Việt Nam với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo như sách giáo khoa lịch sử lớp 12, việc thống nhất đất nước đã tạo ra các tiền đề thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn quốc, một sự nghiệp được toàn thể nhân dân Việt Nam nhiệt liệt ủng hộ.21

Các vấn đề kinh tế nảy sinh từ chủ trương của ban lãnh đạo tại Hà Nội định chụp mô hình xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc lên miền Nam mặc dù cũng được đề cập đến trong tất cả các sách giáo khoa, nhưng không hề được phân tích một cách có hệ thống – chẳng hạn, giáo trình Lịch sử Đảng cho các trường đại học chỉ đánh giá một cách đơn giản, cho rằng quyết định hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Nam là „không thích hợp“ và tình trạng kinh tế tồi tệ được qui cho „các sai lầm về quản lý kinh tế“. Làn sóng hàng triệu người Việt rời bỏ quê hương bùng phát sau khi chính quyền đẩy mạnh các chính sách xã hội chủ nghĩa vào năm 1978, đã không hề được nhắc đến trong các tài liệu này.22

Ngược lại, việc bắt đầu thực hiện đường lối Đổi mới được đưa ra tại Đại hội Đảng lần thứ 6 vào tháng 12 năm 1986 lại được ca ngợi là một thắng lợi mới trong một chuỗi dài các thắng lợi mà Đảng CSVN đã đạt được từ khi thành lập vào năm 1930. Đảng đã kịp thời chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa sang nền kinh tế „đa thành phần“ và, thông qua chính sách kinh tế thành công đó, bảo đảm việc nâng cao đời sống của nhân dân Việt Nam. Đồng thời, các sách giáo khoa lịch sử đều nhấn mạnh rằng giai đoạn cải cách chỉ là một giai đoạn quá độ trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, và thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam phụ thuộc vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng CSVN. Đây chính là phần quan trọng của huyền thoại lịch sử làm nền cho tham vọng độc quyền lãnh đạo của Đảng CSVN, và tham vọng đó được nhắc đi nhắc lại trong các sách giao khoa như một chân lý để biến nó thành mục tiêu nhận thức quan trọng nhất của sinh viên học sinh.23

Các trưng bày trong Viện Bảo tàng Cách mạng cũng theo một khuôn mẫu như thế: Chúng đặt sự phát triển sau chiến thắng năm 1975 và sự thống nhất đất nước giữa năm 1976 dưới chung một một phương châm „Việt Nam trên đường tiến tới dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh“. Việc sử dụng khẩu hiệu chính trị này để đặc trưng hóa thời kỳ sau chiến tranh, thật ra, là một việc không hợp thời, bởi vì ngay từ năm 1975, ban lãnh đạo ở Hà Nôi đã toan tính việc xây dựng chủ nghĩa xã hội thông qua quốc hữu hóa thương nghiệp và hợp tác hóa nền nông nghiệp – đó vốn là mục tiêu quan trọng đứng hàng thứ hai, sau mục tiêu thống nhất đất nước của cuộc chiến tranh chống Mĩ và Việt Nam Cộng hòa.24

Mười năm „khó khăn“ từ năm 1975 đến khi bắt đầu Đổi mới vào năm 1986 được minh họa trong các gian trưng bày bằng các bức ảnh chụp nhiều công trình xây dựng lớn cũng như cảnh xếp hàng trước các cửa hàng quốc doanh, nhưng không kèm theo các chi tiết nào về bối cảnh cụ thể. Bước chuyển sang giai đoạn đổi mới diễn ra khá đột ngột: Sau một khung trưng bày tờ báo „Nhân Dân“ cũ đã úa vàng về Đại hội Đảng CSVN năm 1986 là những tấm ảnh chụp Việt Nam đang ngày càng phồn vinh, cùng tấm bản đồ thế giới phản ánh sự hội nhập nhanh chóng của Việt Nam vào cộng đồng các nước trên thế giới.

Từ sự kiện chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu sụp đổ, và đặc biệt, sự kiện Liên Xô giải thể, các sách giáo khoa đều rút ra bài học quan trọng là: Thay vì làm như Gorbachev – tiến hành cải cách kinh tế một cách hấp tấp và thiết lập hệ thống chính trị đa đảng khiến cho Đảng Cộng sản Liên Xô suy yếu và „các phần tử phản cách mạng“ ngóc đầu dậy – Đảng CSVN cũng như Đảng CS Trung Quốc đã cương quyết chống chủ nghĩa đa nguyên chính trị và từng bước sắp xếp lại hệ thống kinh tế.25

Các sách giáo khoa lịch sử của Việt Nam trình bày những nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông và Trung Âu một cách nhất quán với nhận định nói trên. Sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa được xem là kết quả của âm mưu được phối hợp giữa các thế lực đế quốc và các phần tử chống cộng lầm đường lạc lối trong nước. Thuyết âm mưu về „diễn biến hòa bình“ do Mĩ chủ trương này giải thích sự tan rã của các chế độ cộng sản bằng những tác động của nhiều lực lượng quốc gia và quốc tế thù địch cũng như thông qua cả sự yếu kém của các nhà chính trị trong nước kiểu như Gorbachev, chứ không đưa các chính sách sai lầm của các đảng cộng sản cầm quyền lên hàng đầu.26

Như thế, huyền thoại về một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa vinh quang trên toàn thế giới dưới sự lãnh đạo của Liên Xô cũng như huyền thoại về một Đảng CSVN đóng vai trò lực lượng chính trị chính danh duy nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại có thể đem hạnh phúc và ấm no đến cho nhân dân vẫn được giữ vững. Đảng CSVN đã tự mình vượt qua cuộc khủng hoảng của phe xã hội chủ nghĩa một cách thành công và giữ vững vai trò chính đảng bảo đảm cho sự phát triển thắng lợi trong tương lai.

Huyền thoại lịch sử bị thử thách

Tấm áp phích tuyên truyền nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng CSVN thể hiện huyền thoại lịch sử vốn đã quen thuộc: Đảng lãnh đạo nhân dân Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, từ cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Pháp được vẽ bên phải – có thể đó là bức tranh tượng trưng cho „Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh“, một cuộc khởi nghĩa của nông dân ở miền Trung trong các năm 1930/31 – đến giai đoạn đổi mới huy hoàng, được biểu diễn bên trái, bằng hình ảnh nhà cao tầng hiện đại. Tấm áp phích cũng ca ngợi tính liên tục của huyền thoại lịch sử này bằng hình ảnh búa liềm, vốn vẫn là biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản, và hình ảnh Hồ Chí Minh vượt lên trên tất cả và cùng với hệ thống các tư tưởng của mình (Tư tưởng Hồ Chí Minh) lấp đầy khoảng trống về lý luận xuất hiện và tồn tại từ ngày hệ thống xã hội chủ nghĩa tan vỡ.

Song, huyền thoại lịch sử cho rằng Đảng CSVN – ngay từ khi thành lập vào năm 1930 cho đến ngày hôm nay – là chính đảng thông qua hàng loạt thắng lợi đã bảo đảm nền độc lập và đời sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng luôn luôn là chính đảng đứng về phía giai cấp công nhân và nông dân, đang để lộ càng ngày càng nhiều vết rạn nứt. Một mặt, ở Việt Nam ngày nay, là nơi đang có thêm nhiều không gian tự do hơn so với hệ thống xã hội chủ nghĩa cứng nhắc thời chiến tranh và những năm đầu của thời kỳ hậu chiến, huyền thoại đó càng ngày càng bị nghi vấn. Mặt khác, tại một đất nước đang chuyển biến nhanh chóng từ khi bắt đầu tiến hành cải cách vào năm 1986, cũng như nạn tham nhũng đang hoành hành, ở mức độ nhất định, Đảng CSVN không còn đóng vai trò người bảo vệ lợi ích của nhân dân Việt Nam nữa, một vai trò vốn do Đảng tự đặt ra làm nền tảng cho nền chuyên chế của mình.

clip_image004

Áp phích chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam © Martin Großheim

Có thể minh họa cả hai vết rạn nứt đó qua thí dụ về các phản ứng đối với cuộc Triễn lãm „Cải cách ruộng đất 1946-1957“ tại Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội. Cuộc triễn lãm khai mạc ngày mồng 8 tháng Chín năm 2014, nhưng bốn ngày sau đã phải đóng cửa này là cuộc triễn lãm đầu tiên tại một Viện Bảo tàng trung ương công khai trưng bày các tư liệu xung quanh đề tài thuộc loại nhạy cảm nhất lịch sử Việt Nam hiện đại. Tất nhiên, mục tiêu của cuộc triển lãm chắc chắn không phải là nhằm thảo luận về một vết nhơ đen tối trong lịch sử Đảng CSVN – mà thật ra, cũng giống như các bộ sách giáo khoa, nó nhằm ca ngợi công cuộc cải cách ruộng đất là một thắng lợi lớn của Đảng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phong kiến, vì lợi ích của nông dân nghèo và không có ruộng. Thế nhưng, sau khi khai mạc chưa được bao lâu, cuộc triển lãm đã bị lên án – thông qua các hình thức truyền thông xã hội và đặc biệt, thông qua Facebook, vốn rất phổ biến ở Việt Nam – rằng nó đã tô hồng tiến trình thật sự của cải cách ruộng đất. Để làm bằng chứng, hàng loạt hồi ký của các nhân chứng về các diễn biến quá khích trong cải cách ruộng đất đã được đăng lên internet và qua đó đặt nghi vấn đối với phiên bản lịch sử trong sạch do Nhà nước chính thức tuyên truyền.27

Thật ra, những trang đen tối của cải cách ruộng đất đã từng được mô tả chi tiết từ mấy năm trước trong các tiểu thuyết „Ba người khác“ của Tô Hoài, hoặc trong „Nhật ký“ được xuất bản posthum (sau khi mất) của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhưng các tác phẩm này đều không tìm được chỗ đứng trong phiên bản lịch sử mà Nhà nước chính thức tuyên truyền.

Tuy nhiên, sự kiện khiến cho cuộc triển lãm trong Bảo tàng lịch sử quốc gia trở thành một vấn đề chính trị và đe dọa nghiêm trọng hơn nữa huyền thoại lịch sử của Đảng CSVN, là các cuộc biểu tình của nông dân phường Dương Nội thuộc quận Hà Đông, Hà Nội, vào ngày thứ ba của cuộc triển lãm. Họ biểu tình phản đối việc tịch thu trưng dụng đất đai của họ, một việc mà họ cho là bất hợp pháp. Sau khi thảo luận với đại diện của cơ quan tuyên truyền thuộc Đảng CSVN và Bộ văn hóa, Giám đốc Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã phải đóng cửa cuộc triển lãm về cải cách ruộng đất, nhưng với lý do Viện Bảo tàng gặp „vấn đề về chiếu sáng.28 Do đâu mà các cuộc biểu tình này lại gây gay cấn như thế?

Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây diễn ra gắn liền với quá trình công hữu hóa đất nông nghiệp để xây dựng đường xá, cầu cống và các khu công nghiệp khác nhau. Trong quá trình đó, cho đến nay, số đất đai bị trưng dụng của nông dân đã vượt quá số đất đai họ được chia lại trong cải cách ruộng đất vào những năm 1950. Cũng như trường hợp phường Dương Nội, những người nông dân bị trung thu đất thường chỉ được nhận những khoản đền bù ít ỏi, thấp hơn giá thị trường rất nhiều; hơn nữa, việc công hữu hóa đất đai và di dời dân thường được tiến hành bằng cách sử dụng nhiều biện pháp vũ lực của nhà nước. Như thế có nghĩa là Đảng CSVN không bảo vệ „những người vốn ủng hộ mình“ từ xưa, tức là những người dân nông thôn mà Đảng luôn luôn lấy làm chỗ dựa cho cách mạng và nguồn quân lực chính cho hai cuộc chiến tranh, mà lại bảo vệ lợi ích của các hãng quốc doanh hay tư nhân đang thèm khát đất đai, cũng như lợi ích của các quan chức địa phương, là những người hưởng lợi chính từ các dịch vụ chuyển nhượng đất đai đó.

Tuy Bộ Luật đất đai được thông qua năm 2013 nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân nhiều hơn, nhưng cho đến nay, nó vẫn chưa có tác dụng đáng kể – các vụ kiện cáo xung quanh việc trưng dụng đất đai bất hợp pháp và bồi thường không thỏa đáng vẫn không ngừng tăng lên.29 Ở đây, huyền thoại về việc Đảng CSVN là người bảo vệ lợi ích của nông dân bị đưa ra thử thách và xem xét lại. Nhưng, nói chung, thí dụ về cuộc triễn lãm „Cải cách ruông đất ở miền Bắc Việt Nam“ cũng cho thấy rõ, việc thúc đẩy xem xét lại huyền thoại lịch sử chính thống đó, cho đến nay, hầu như chưa bao giờ bắt nguồn từ môn sử học của nhà nước cả.

Mùa Hè năm 2017, một sự kiện đáng để ý đã diễn ra là bộ sách nhiều tập mang tên Lịch sử Việt nam do Viện Lịch sử Việt Nam xuất bản đã làm bùng phát cuộc tranh luận xung quanh một trong những yếu tố cốt lõi của huyền thoại lịch sử chính thống: Trong bộ lịch sử toàn tập mới này, các tác giả không còn nhắc đến „ngụy quyền“ hay „ngụy quân“ miền Nam Việt Nam nữa, mà nói đến „chính phủ Sài Gòn“ hay „quân đội Sài Gòn“. Như thế, giới sử học chính thống của Việt Nam chí ít cũng thừa nhận sự tồn tại của nước Việt Nam Cộng hòa.30 Song, cách đánh giá mới này đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ từ phía một vài vị cựu chiến binh cao cấp của Việt Nam; họ lên án các tác giả đã bóp méo lịch sử Việt Nam và yêu cầu Nhà nước thu hồi bộ sách mới đó và thi hành kỷ luật các tác giả.31 Nhưng, cho đến nay, các cơ quan Nhà nước vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu đó.

Sự kiện này ít nhất cũng cho thấy các quan điểm cứng nhắc của giới sử gia Việt Nam, các quan điểm vốn bắt nguồn từ hai cuộc chiến tranh Đông Dương, đang dần dần trở nên mềm mỏng. Tuy nhiên, chưa rõ những nhận thức mới của giới nghiên cứu về Việt Nam ở nước ngoài đã tác động như thế nào đến sự biến chuyển đó. Điều rõ ràng là ở chỗ, các kết quả của Việt Nam học thu được từ sau khi kết thúc chiến tranh lạnh đang làm lung lay huyền thoại lịch sử chính thức được lưu truyền tại Việt Nam. Chẳng hạn, năm 2016 Christopher Goscha đã cho xuất bản cuốn Lịch sử Việt Nam hiện đại, trong đó ông đặt huyền thoại lịch sử được thần thánh hóa ở Việt Nam về vai trò Đảng CSVN là người đại diện chính danh duy nhất của Việt Nam ở thời kỳ hiện đại hậu thực dân thành một nghi vấn cơ bản. Ông đưa ra các bằng chứng bác lại huyền thoại về sự phát triển tuyến tính mang tính mục đích luận, bắt đầu từ Cách mạng tháng 8 thành công trên cả nước, qua chiến thắng Điện Biên Phủ oai hùng đánh bại quân đội Pháp cho đến chiến thắng năm 1975 đánh bại đế quốc Mĩ và kế tiếp là đường lối đổi mới thành công từ những năm 1980. Đồng thời ông cũng làm sống lại những lực lượng chính trị trong cuộc mà trong huyền thoại lịch sử được tuyên truyền chính thức hoặc không được nhắc đến, hoặc bị gán cho các danh hiệu „phản quốc“, và do đó, bị xem là „phi pháp“ (xem thêm bài biết của Gerhard Will trong chuyên khảo này).32

Trong cách trình bày mang tính xem xét lại sự việc của Goscha, lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20 không đơn thuần chỉ được quyết định bởi cuộc xung đột giữa một bên là chủ nghĩa thực dân Pháp và chủ nghĩa đế quốc Mĩ, với bên kia là Đảng CSVN trong tư cách người đại diện cho chủ nghĩa dân tộc Việt Nam mà thôi. Ông xác định những người „quốc gia cộng hòa“ như Nguyễn An Ninh là lực lượng thứ ba ở trong cuộc. Với các đòi hỏi về quyền tự chủ nhân dân, bầu cử tự do, nghị viện độc lập và nhà nước pháp quyền, lực lượng này đã đề ra một cương lĩnh hoàn toàn đối lập với cương lĩnh của Đảng CSVN, là người chủ trương đấu tranh giai cấp, dân chủ tập trung và nền chuyên chế một đảng. Sự giằng co giữa hai đường lối này đã ghi dấu ấn rất rõ đối với sự phát triển của Việt Nam từ những năm 1920 đến nay và thậm chí còn diễn ra cả trong các nhà giam của chính quyền thực dân Pháp.33

Theo Goscha, thoạt đầu Hồ Chí Minh thuộc „phái cộng hòa“. Bản „Yêu sách của nhân dân An Nam“ mà năm 1919 ông tìm cách phân phát cho các đại biểu Hội nghị hoàn bình Versailles, là các yêu sách rất dân chủ.34 Về sau này ông chuyển sang theo chủ nghĩa Max-Lenin và trong nhiều năm, với vai trò phái viên của Quốc tế Cộng sản, ông tìm cách truyền bá tư tưởng cộng sản ở Đông Nam Á; nhưng những người cộng hòa khác đã không theo gương của ông, mà lại cố gắng tận dụng các quyền tự do hạn hẹp mà chính quyền thực dân Pháp cho phép để tranh luận chính trị và động viên quần chúng của mình tham gia bầu cử ở qui mô địa phương trong giai đoạn Mặt trận bình dân (1936-1938). Song nhìn chung, hệ thống thực dân của Pháp đã tỏ ra là một hệ thống quá cứng nhắc, khiến một phong trào cộng hòa rộng lớn kiểu như ở Ấn Độ thuộc Anh khả dĩ phát triển được ở Việt Nam.

Mãi đến 1945, khi quyền kiểm soát của chính quyền thực dân Pháp không còn nữa, ở Việt Nam – trong một khoảng thời gian ngắn – mới có thể diễn ra cuộc tranh luận sôi nổi của hai xu hướng chính trị nói trên. Tháng Ba năm 1946, sau cuộc bầu cử tự do, Quốc hội đầu tiên của Việt Nam thông qua Hiến pháp bảo đảm tất cả các quyền dân chủ cơ bản. Kể từ 1946, Đảng CSVN càng ngày càng đẩy các lực lượng chính trị cạnh tranh với mình ra rìa, cho nên, xuất phát từ các lý do dễ hiểu, Đảng không còn dựa vào bản Hiến pháp này, mà vào Hiến pháp 1960, và coi Hiến pháp này là tài liệu cơ sở cho Nhà nước mác xít một đảng cầm quyền.35

Các nghiên cứu mới cho thấy rằng sau khi cướp chính quyền thông qua Cách mạng Tháng Tám năm 1945, một cuộc cách mạng may rủi nhiều hơn là được phối hợp toàn quốc như huyền thoại lịch sử vẫn khẳng định36, Đảng CSVN đã bị cô lập trong những năm kháng chiến đầu tiên. Về sau, vào những năm 1949/50, khi cuộc Chiến tranh lạnh lan sang cả Đông Dương và cuộc kháng chiến mới đầu chỉ mang tính cục bộ lan rộng ra thành cuộc chiến toàn diện, Việt Minh hoàn toàn không phải là nạn nhân như huyền thoại lịch sử được tuyên truyền ở Việt Nam vẫn khẳng định, mà lại hưởng lợi của diễn biến đó. Họ hoan nghênh cuộc chiến tranh đó, bởi vì trong tình hình mới trên thế giới, rốt cuộc họ mới nhận được sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa khác và có thể bắt tay xây dựng nhà nước cộng sản do một đảng cầm quyền.37

Khác với huyền thoại được tuyên truyền ở Việt Nam, sau khi Hiệp định hòa bình Geneve được ký kết năm 1954/1955, gần môt triệu người dân Việt Nam đã tự ý rời bỏ quê hương để vào Nam, chứ không phải chỉ vì họ bị ảnh hưởng của sự tuyên truyền do CIA tiến hành mà thôi.38 Điều này đã được nói tới ở phần trên. Quyết định ra đi của họ chịu ảnh hưởng trước hết bởi nỗi sợ hãi trước nền chuyên chính xã hội chủ nghĩa, một nền chuyên chính mà bộ mặt thật của nó đã lộ nguyên hình trong cuộc cải cách ruộng đất diễn ra ngay từ trước khi chiến tranh kết thúc. Cũng khác với phiên bản được trình bày trong các sách giáo khoa lịch sử của Viêt Nam, các nghiên cứu mới về Việt Nam cho thấy rõ cuộc cải cách ruộng đất là một nỗ lực của Đảng CSVN – thông qua việc đảo lộn tận gốc rễ hệ thống phân cấp ở làng xã cũng như bằng việc áp dụng các biện pháp đấu tranh cực đoan của chủ nghĩa Mao – tiến tới củng cố nền chuyên chế của mình ngay tại nông thôn. Chính vì thế mà cải cách ruộng đất cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức ủng hộ.39

Cả cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất lẫn lần thứ hai cũng được mô tả trong cuốn lịch sử mang tính soi xét lại này là hai cuộc nội chiến.40 Theo cách mô tả khác biệt này về lịch sử Việt Nam từ năm 1945 đến 1975, người Việt Nam không còn chỉ giữ vai trò nạn nhân thụ động của chính sách nước lớn, mà là vai trò người trong cuộc, những người tìm cách điều khiển các sự kiện một cách độc lập.41 Nhận định này rất đúng với Tổng thống Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm (1955-1963), vị Tổng thống theo các nghiên cứu mới nhất không phải là „bù nhìn“ của USA, mà là người có đường lối chính trị riêng.42 Nhận định đó cũng đúng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Người đứng đầu Đảng CSVN Lê Duẩn, ngay từ đầu những năm 1960 đã thi hành đường lối thống nhất đất nước và cố gắng làm lung lay rồi lật đổ chính quyền miền Nam bằng đường lối quân sự trước khi Mĩ can thiệp. Như chúng ta biết, cố gắng này đã thất bại, thế nhưng các nghiên cứu mới cũng cho thấy rõ ràng rằng Lê Duẩn đã tính trước các nguy cơ gắn liền với đường lối hung hăng này, và năm 1964 đã loại trừ một cách có hệ thống tất cả những ai trong nội bộ Đảng đứng lên phê phán đường lối đó và cảnh báo một cuộc xung đột vũ trang mới.43

Trong bối cảnh như thế, luận điểm về một Đảng CSVN thuần nhất dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh không còn đứng vững được nữa – trong Đảng thật sự đã có bất đồng lớn, một mối bất đồng mà năm 1967 đã đưa đến chiến dịch bắt giam hàng trăm cán bộ Đảng và trí thức.44

Việc đánh giá hai cuộc chiến tranh tại Việt Nam cùng những tổn thất to lớn về người – từ năm 1945 đến 1975 đã có khoảng ba triệu người thiệt mạng – là hai cuộc chiến tranh „thần thánh“ và „anh hùng“ được xem như là một đánh giá quan trọng trong huyền thoại lịch sử chính thức tại Việt Nam. Song, quyền định nghĩa của Đảng CSVN về chiến tranh cũng bắt đầu rạn nứt cùng với việc bắt đầu thi hành chủ trương cải cách vào những năm 1980. Chẳng hạn, tiểu thuyết nổi tiếng „Nỗi buồn chiến tranh“ của Bảo Ninh đã đặt vấn đề xem xét lại huyền thoại chính thức, là huyền thoại chỉ đề cao tính chất anh hùng của cuộc chiến, đồng thời, tác phẩm đó cũng phơi bày các mặt trái của cuộc chiến tranh ra ánh sáng.45 Năm 2009, một cuốn sách được xuất bản ở Việt Nam ghi lại các câu chuyện của nhiều nhân chứng về trận Điện Biên Phủ đã cho thấy, bên cạnh chiến thắng vĩ đại đó còn là những hy sinh tổn thất lớn lao ở phía người chiến thắng, đồng thời cũng đề cập đến những thách thức to lớn mà quân đội Việt Minh phải vượt qua.46 Một điều đáng để ý là cuốn cách đầu tiên mô tả trận đánh quyết định chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đó một cách khác biệt (so với cách mô tả chính thức) không phải do các nhà sử học Việt Nam, mà là của các nhà báo. Thật vậy, ở Việt Nam ngày nay, các nhà báo, nhà văn, nhà làm phim mới là những người tiên phong đặt vấn đề xem xét lại huyền thoại lịch sử đã được thần thánh hóa. Giới sử gia chính thống của Việt Nam vẫn còn nâng đỡ và bảo vệ nó. Phải, vẫn còn nâng đỡ và bảo vệ.

Điều này cũng đúng với „chiến thắng sau cùng“ mà Đảng CSVN giành được, cụ thể là việc thực hiện đường lối cải cách, một đường lối đưa xã hội Việt Nam đến chỗ phồn vinh. Việc quyết định này của lãnh đạo Đảng cũng là một phản ứng trước sự phản kháng thụ động mà nông dân áp dụng đối với hệ thống cứng nhắc của nền kinh tế kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa và việc các mô hình cải cách, vốn đã được thử thách ở bình diện đia phương, được nâng lên làm chính sách tầm quốc gia, là những việc không được nhắc đến trong huyền thoại chính trị chính thống.47 Đồng thời, huyền thoại đó cũng bỏ qua, không nhắc đến bước ngoặt cơ bản của Đảng CSVN khi quyết định thực hiện đường lối đổi mới. Các lãnh tụ Đảng như Trường Chinh, và kể cả người được Đại hội 6 bầu làm Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, đã suốt đời tranh đấu cho sự nghiệp độc lập của Việt Nam, nhưng đồng thời, cũng luôn luôn đặt hy vọng vào một Việt Nam hay Đông Dương xã hội chủ nghĩa. Việc từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa vào cuối những năm 1980, việc bình thường hóa quan hệ với USA, việc Việt Nam gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995 cũng như sự hội nhập vào hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu đều nằm trong sự mặc nhiên thừa nhận rằng chương trình xây dựng một Việt nam xã hội chủ nghĩa đã thất bại.48

Như thế, huyền thoại lịch sử chính thống của Việt Nam về sự phát triển liên tục dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN đã bị lỗi thời từ lâu so với thực tế.

Chú thích
1

Bài viết này nằm trong khuôn khổ dự án „Chính sách về lịch sử và văn hóa tưởng nhơ nhớ ở Viêt Nam“ do Hội nghiên cứu khoa học Đức (DFG) tài trợ. Tác giả xin cảm ơn DFG về sự giúp đỡ quí báu đó.

2

Ngày 2/8, xét xử phúc thẩm bị cáo Cù Huy Hà Vũ), trong: Vietnamplus, 1.8.2011, http://www.vietnamplus.vn/ngay-28-xet-xu-phuc-tham-bi-cao-cu-huy-ha-vu/102222.vnp.

3

Để cho đơn giản, từ đầu đến cuối bài viết này, chúng tôi sẽ dùng khái niệm Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng CSVN), mặc dù vào những thời gian khác nhau Đảng có thể mang tên khác.

4

Xem thêm Hue Tam Ho Tai (chủ biên), The Country of Memory: Remaking the Past in Late Socialist Vietnam, Berkeley 2001; Christoph Giebel, Imagined Ancestries of Vietnamese Communism: Ton Duc Thang and Politics of History and Memory, Seattle 2002.

5

Nguyễn Huệ (1753-1792) nắm quyền từ 1788 đến 1792 là Hoàng đế thứ 2 của nhà Tây Sơn với niên hiệu Quang Trung.

6

Xem thêm Martin Großheim, Der »gerechte Krieg«: Der Vietnamkrieg und Erinnerungsdebatten, trong: Jahrbuch für Politik und Geschichte, do Claudia Fröhlich/Horst-Alfred Heinrich/Harald Schmid chủ biên, Bd. 1 (2010), Stuttgart 2011, tr. 151-173.

7

Đỗ Thanh Bình (eds.), Lịch sử thế giới hiện đại, Hanoi 2012, tr. 10-11.

8

Phan Ngọc Liên (eds.), Lịch sử 12, Hanoi 2014, tr. 87-88.

9

Sách đã dẫn, tr. 76.

10

Sach đã dẫn, tr. 121-127. Lê Mậu Hãn et al., Giáo trình lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam: Dùng trong các trường đại học, cao đẳng. Hanoi 2006, tr. 74 ff.

11

Sách đã dẫn, tr. 94-98; Phan Ngọc Liên (CT. 8), tr. 149-152.

12

Lê Mậu Hãn (CT.10), tr. 106.

13

Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Hanoi 2014, tr. 200 f.

14

Xem thêm Alex-Thai D. Vo, Nguyen Thi Nam and the Land Reform in North Vietnam, 1953, trong: Journal of Vietnamese Studies, 10 (2015) 1, tr. 1-62; Olivier Tessier, Le «grand bouleversement» (long troi lo dat): Regards croisés sur la réforme agraire en République démocratique du Viet Nam, trong: Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, 95-96/2008-2009, tr. 73-134.

15

Phan Ngọc Liên (CT. 8) tr. 158.

16

Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (CT. 13), tr. 202-206.

17

Phan Ngọc Liên (CT. 8) tr. 162-163, 168.

18

Lê Mậu Hãn (CT 10) tr. 110, 113.

19

Xem thêm Martin Großheim, Die Partei und der Krieg. Debatten und Dissens in Nordvietnam, Berlin 2009, tr. 191-231; Benedict Kerkvliet, The Power of Everyday Politics: How Vietnamese Peasants Transformed National Policy, Ithaca, NY 2005.

20

Phan Ngọc Liên (CT. 8), tr. 197; Lê Mậu Hãn (CT. 10), tr. 132; Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (CT. 13), tr. 327-328.

21

Phan Ngọc Liên (CT.8), tr. 201-202.

22

Sách đã dẫn, tr. 201-202., 206; Lê Mậu Hãn (CT. 10), tr. 135; Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (CT. 13), tr. 344 f.

23

Lê Mậu Hãn (CT. 10), tr. 155, 179-180., 181-191; Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (CT. 13), tr. 425, 453, 493, 507-511.

24

Tuong Vu, Vietnam’s Communist Revolution. The Power and Limits of Ideology, New York, 2017.

25

Nguyễn Anh Thái (chủ biên.), Lịch sử thế giới hiện đại, Hanoi 2014, tr. 512; Đỗ Thanh Bình (CT. 7), tr. 126, 130-143, 400; Phan Ngọc Liên (CT. 8), tr 14-15.

26

Phan Ngọc Liên (CT. 8), tr. 11 f.; Nguyễn Anh Thái (CT. 25), tr. 37 f.; Đỗ Thanh Bình (CT. 7), tr. 142; Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (CT. 13), tr. 400-401.

27

David Brown, Vietnam Quickly Shutters ›Land Reform‹ Exhibit, in: Asia Sentinel, 13.9.2014, www.asiasentinel.com/politics/vietnam-quickly-shutters-land-reform-exhibit.

28

Xem thêm chi tiết Martin Großheim, The Year 1956 in Vietnamese Historiography and Popular Discourse: The Resilience of Myths, trong: Volker Grabowsky (chủ biên), Southeast Asian Historiography. Unravelling the Myths. Essays in Honour of Barend Jan Terwiel, Bangkok, 2011, tr. 306-316.

29

Xem thêm Land-grabs in Vietnam. Losing the plot. Anger rises over corrupt local officials, trong: The Economist, 16.3.2013, https://www.economist.com/news/asia/21573611-anger-rises-over-corrupt-localofficials-losing-plot; No man’s land. Property disputes are Vietnam’s biggest political problem, trong: The Economist, 15.6.2017, https://www.economist.com/news/asia/21723423-communistparty-does-not-know-how-handle-them-property-disputes-are-vietnams-biggest.

30

Xem thêm Lam Điên, Thừa nhận Việt Nam cộng hòa là bước tiến quan trọng, 20.8.2017, http://tuoitre.vn/thua-nhan-viet-namcong-hoa-la-buoc-tien-quan-trong-1372210.htm.

31

Xem Tranh luận chung quanh từ ›ngụy quân‹, ›ngụy quyền‹ 22.8.2017, https://www.voatiengviet.com/a/tranhluan-chung-quanh-tu-nguy-quan-nguy-quyen/3995968.html; Huy Lâm, Trung tướng CSVN đòi thu hồi bộ sách lịch sử mới không gọi Việt Nam Cộng Hòa là ›ngụy‹, 23.8.2017, http://www.sbtn.tv/trung-tuong-csvn-doi-thuhoi-bo-sach-lich-su-moi-khong-goi-viet-nam-cong-hoa-la-nguy/

32

Christopher Goscha, The Penguin History of Modern Vietnam, London 2016; xem thêm George Dutton, Threatening Histories, trong: Critical Asian Studies, 45 (2013) 3, tr. 365-392. Về quan điểm khác về thời gian tiền thực dân, xem thêm Keith W. Taylor, A New History of the Vietnamese, Cambridge 2013, và Surface Orientations in Vietnam: Beyond Histories of Nation and Region, trong: Journal of Asian Studies, 57 (1998) 4, tr. 949-978.

33

Xem thêm Peter Zinoman, The Colonial Bastille: A History of Imprisonment in Vietnam, 1862-1940, Berkeley, Los Angeles 2001. Về mối xung khắc giữa hai đường lối, xem thêm Goscha (CT. 32) và tiểu sử Nguyen Cong Luan, Nationalist in the Viet Nam Wars: Memoirs of a Victim Turned Soldier, Bloomington 2012.

34

Về Ho Chi Minh xem Sophie Quinn-Judge, Ho Chi Minh: The Missing Years, Berkeley 2002; Martin Großheim, Ho Chi Minh. Der geheimnisvolle Revolutionär. Leben und Legende, München, 2011.

35

Xem Goscha (CT. 32), tr. 495.

36

Về Cách mạng Tháng 8, xem thêm David Marr, Vietnam, 1945: The Quest for Power, Berkeley 1997; cùng tác giả, Vietnam: State, War, and Revolution (1945-46), Berkeley 2013.

37

Xem thêm Tuong Vu, From Cheering to Volunteering: Vietnamese Communists and the Coming of the Cold War, 1940-1951, trong: Christopher Goscha/Christian Ostermann (chủ biên), Connecting Histories: Decolonization and the Cold War in Southeast Asia (1945-1962), Stanford 2009, tr. 172-206.

38

Peter Hansen, Bac Di Cu: Catholic Refugees from the North of Vietnam, and Their Role in the Southern Republic, 1954-1959, trong: Journal of Vietnamese Studies, 4 (2009) 3, tr. 173-211; Charles Keith, Catholic Vietnam: A Church from Empire to Nation, Berkeley 2012.

39

Xem thêm Alex-Thai D. Vo (CT. 14); Olivier Tessier (CT. 14).

40

Xem thêm lịch sử gia đình trong Duong Van Mai Elliott, The Sacred Willow: Four Generations in the Life of a Vietnamese Family, New York 1999; François Guillemot, Des Vietnamiennes dans la guerre civile. L’autre moitié de la guerre, 1945-1975, Paris 2014; Nguyen Cong Luan, Nationalist in the Viet Nam Wars, Memoirs of a Victim Turned Soldier, Bloomington 2012; Christopher Goscha (CT. 32); cùng tác giả, Vietnam, Un Etat né de la guerre, 1945-1954, Paris 2011; Tuong Vu, Vietnam’s Communist Revolution: The Power and Limits of Ideology, New York 2017.

41

Xem thêm Tuong Vu/Edward Miller, The Vietnam War as a Vietnamese War: Agency and Society in the Study of the Second Indochina War, trong: Journal of Vietnamese Studies, 4 (2009) 3, tr. 1-16.

42

Edward Miller/Jessica Chapman, Cauldron of Resistance: Ngo Dinh Diem, the United States, and 1950s Southern Vietnam, Ithaca 2013.

43

Nguyen Lien Hang, Hanoi’s War: An International History of the War for Peace in Vietnam, Chapel Hill 2012; Pierre Asselin, Hanoi’s Road to the Vietnam War, 1954-1965, Berkeley 2013; Martin Großheim, Revisionism in the Democratic Republic of Vietnam: New Evidence from the East German Archives, trong: Cold War History, 5 (2006) 4, tr. 451-477; cùng tác giả, The Lao Dong Party: Culture and the Campaign against Modern Revisionism: The Democratic Republic of Vietnam before the Second Indochina War, trong: Journal of Vietnamese Studies, 8 (2013) 1, tr. 80-109.

44

Sophie Quinn-Judge, The Ideological Debate in the DRV and the Significance of the Anti-Party Affair, 1967-1968, trong: Cold War History, 5 (2005) 4, tr. 479-500; Martin Großheim, Die Partei und der Krieg. Debatten und Dissens in Nordvietnam, Berlin 2009, tr. 191-231.

45

Bảo Ninh, Nỗi buồn chiến tranh (bản tiếng Đức), Halle 2018³; xem thêm François Guillemot, Death and Suffering at First Hand: Youth Shock Brigades during the Vietnam War, 1950 -(1970) (Olga Dror dịch), Bloomington, IN 2014.

46

Xem thêm Chuyện những ngưòi làm nên lịch sử. Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009, Hanoi 2009; Christopher Goscha, ›Hell in a Very Small Place‹ Cold War and Decolonisation in the Assault on the Vietnamese Body at Dien Bien Phu, trong: European Journal of East Asian Studies, 9 (2010) 2, tr. 201-223.

47

Benedict Kerkvliet, The Power of Everyday Politics: How Vietnamese Peasants Transformed National Policy, Ithaca, NY 2005.

48

Xem thêm Goscha (CT. 32), tr. 437-442.