Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Cuốn sách “Lịch sử chữ Quốc ngữ (1615-1919)” của tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly

Lê Hồng Lâm

image

Cuốn sách trong giờ cà phê sáng của tôi cả tuần nay là Lịch sử chữ Quốc ngữ (1615-1919) của tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly gửi tặng.

Tôi đọc nó, đôi lúc hào hứng như được xem lại một đoạn phim lịch sử li kỳ khi các giáo sĩ dòng Tên Bồ Đào Nha đặt chân đến cảng Cửa Đại để truyền giáo vào năm 1615; lúc lại tập trung cao độ cho một chương khó nhằn như Hệ thống Nguyên âm trong Dictionarium (từ điển) của de Rhodes (1651) và chuẩn hóa chính tả; lúc lại thấy tự hào với tinh thần của các sĩ phu duy tân yêu nước đầu thế kỷ 20 trong việc truyền bá chữ Quốc ngữ dưới thời thuộc địa để rồi cuối cùng, vào năm 1945, chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của quốc gia khi ngày 2/9 trở thành Ngày Quốc khánh Việt Nam.

Tác phẩm "tầm vóc và bề thế nhất từ trước đến nay" này được phát triển từ chính luận án tiến sĩ của tác giả Phạm Thị Kiều Ly, bảo vệ năm 2018 tại Đại học Sorbonne Nouvelle (Cộng hòa Pháp) và được trao giải thưởng luận án xuất sắc năm 2020 của GIS Asie.

Sau đó tác giả đã tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung luận án và xuất bản ở Pháp năm 2022 dưới tựa đề Histoire de l’écriture romanisée du vietnamien (1615-1919) và giờ đây, nó đã được dịch ra tiếng Việt và xuất bản năm 2024, đúng dịp kỉ niệm 400 năm giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Maiorica đến Việt Nam.

Đọc chương về các Giáo sĩ dòng Tên đặt chân đến Đại Việt mang lại một cảm giác tò mò và phần nào đó, khiến tôi liên tưởng đến loạt phim truyền hình xuất sắc năm nay là Shogun – mô tả một giai đoạn lịch sử Nhật Bản nhiều biến cố khi các giáo sĩ Bồ Đào Nha truyền đạo Ki-tô ở nước này.

Trong chương Dẫn nhập về chữ Quốc ngữ: một trường hợp độc đáo tại Đông Á, đoạn dưới đây gợi liên tưởng mạnh mẽ cho tôi đến loạt phim nói trên:

"Năm 1612, dưới thời Mạc phủ Tokugawa, đạo Ki-tô bị cấm ở Nhật Bản. Đất nước bước vào một thời kỳ dài bế quan tỏa cảng kể từ năm 1614. Các giáo sĩ dòng Tên khi đó bị trục xuất ồ ạt và 73 người trong số họ phải sang Ma Cao lánh nạn trong khi chờ sự vụ mới.

Theo các thông tin của vương quốc Đàng Trong do Fernandes de Costa, thương nhân Bồ Đào Nha cung cấp, thì một nhóm nhà truyền giáo (…) đã lên các tàu buôn rồi cập cảng Tourane (nay là Cửa Hàn) ngày 18/1/1615. Sau một thời gian, họ ở lại thương cảng Faifo, là nơi tàu thuyền Bồ Đào Nha, Ý thường xuyên ghé lại và là nơi người Nhật, người Hoa và người Việt cùng chung sống và buôn bán."

Cột mốc năm 1615, khi ba Cha dòng Tên đầu tiên đến xây dựng nhà thờ (cư sở) đầu tiên ở Faifo (Hội An) được xem là mở đầu cho niên đại lịch sử chữ Quốc ngữ.

Thứ chữ viết ta đọc và viết mỗi ngày, không ngừng ngạc nhiên vì sự mềm mại và uyển chuyển của nó, về những thanh điệu trúc trắc nhưng khi vang lên lại như thơ như nhạc ấy, có một lịch sử hình thành và phát triển hơn 400 năm, trở thành chữ viết của người Việt Nam. Cho dù ra đời muộn hơn nhiều ngôn ngữ khác và giữa hàng ngàn ngôn ngữ đang tồn tại, tiếng Việt ngày nay được xếp vào top 20 ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới (trong cuốn Các đế chế ngôn từ của Nicholas Ostler mà tôi đã từng giới thiệu).

Trên hành trình phát triển của chữ Quốc ngữ, chúng ta phải hàm ơn rất nhiều người.

Bắt đầu từ các nhà truyền giáo dòng Tên:

“Các nhà truyền giáo thành công vì lý do duy nhất là họ giao tiếp với đối phương bằng ngôn ngữ của đối phương và họ không ép buộc tư tưởng của đối phương vào một công việc chán chường nếu không muốn nói là bài dịch khó khăn. Sách giáo khoa của nhà dòng thường được biên soạn bằng tiếng Việt, phiên âm theo mẫu tự La-tinh và phù hợp với tâm lý chủng tộc mà sách hướng tới.

Đặc biệt là người được xem là cha đẻ của chữ Quốc ngữ, Alexandre de Rhodes tổng hợp công trình của các tiền bối, thêm vào một phần La-tinh khi ông cho xuất bản ở Rome năm 1651, cuốn Từ điển Việt-Bồ-La, kèm theo một văn phạm. Từ điển này được xuất bản với mục đích làm công cụ học tập, là một bằng chứng quý giá cho tình trạng của ngôn ngữ Việt ở thế kỷ XVII.

Cho đến Hội Thừa sai Paris:

"Ở Việt Nam, các đại diện tông tòa có được lợi thế là được cử đến một vùng đất đã được khai phá về phương diện ngôn ngữ. Các giáo sĩ dòng Tên đã cống hiến gần 40 năm thử nghiệm và mò mẫm – để sáng tạo ra các dấu thanh để ghi thanh điệu tiếng Việt và thiết lập các quy tắc cho chữ viết. Do đó khi đến nơi, các Cha Thừa sai mới có thể sử dụng những công cụ có sẵn, chủ yếu là từ điển và văn phạm của Alexandre de Rhodes cũng như cuốn giáo lý của ông".

  1. Đọc đến đoạn các giáo sĩ dòng Tên đã bỏ ra "gần 40 năm cuộc đời họ để thử nghiệm sáng tạo các dấu thanh để ghi thanh điệu tiếng Việt và thiết lập các quy tắc cho chữ viết" – tôi thực sự thấy cảm động.

Và cuối cùng, là tinh thần dân tộc qua hành trình phổ biến chữ Quốc ngữ của các sĩ phu duy tân yêu nước đầu thế kỷ 20:

"Một thế hệ người Việt mới được đào tạo trong các trường Pháp-bản xứ đã có thể hưởng lợi từ hai nền văn hóa Đông và Tây. Họ mau chóng hiểu rằng cần phải canh tân để phát triển đất nước.

Hai phong trào của các sĩ phu duy tân người Việt là Duy Tân Hội (Hội Canh tân đất nước) do Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng năm 1906, có mục đích truyền bá tri thức tư duy khoc học và văn hóa, dạy chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. Các lớp học được tổ chức và trải rộng khắp tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, phong trào phải dừng lại vào năm 1908 khi nó trở thành đối tượng kiểm duyệt và đàn áp của an ninh.

Và tại Hà Nội, dưới sự bảo trợ của Hội Đông Kinh Nghĩa Thục, thành lập ngày 3/3/1907 bởi Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế và Đặng Nguyên Cẩn.

“Mỗi tối có bốn, năm trăm thính giả kéo đến các lớp Hán Nôm, Quốc ngữ và tiếng Pháp cũng như các môn chính của chương trình học tiếng Pháp, là một cách đòi hỏi đối xử bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục. Họ còn tranh luận về các phong tục tập quán hay những vấn đề thuần túy tinh thần. Người Việt đã làm quen với Tinh thần pháp luật (của Montesquieu), Khế ước xã hội (của Jean Jacques Rousseau)… Nhiều bản dịch chữ quốc ngữ ra đời, giảng dạy được thực hiện bằng chữ Quốc ngữ. Phụ nữ được nhận vào trường học hoặc làm giáo viên."

Trong chương cuối, tác giả kết luận:

"Thành công của chữ Quốc ngữ là chưa từng có trong khu vực chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, trên thực tế nó là thành quả của hai ý chí song song: ý chí của tầng lớp thực dân Pháp muốn học tiếng Việt dễ hơn và muốn xích hai nền văn hóa Việt-Pháp lại gần với nhau, và ý chí của tầng lớp sĩ phu Việt Nam, coi chữ Quốc ngữ là công cụ đấu tranh chống nạn mù chữ và phổ biến khả năng đọc viết (mà ngày nay chúng ta gọi là văn hiến).

Tóm lại, chữ Quốc ngữ là kết quả của hai cuộc can thiệp của ngoại bang cách nhau chừng 250 năm. Cuộc can thiệp đầu tiên của các nhà truyền giáo đạo Ki-tô, những người đã khai sinh ra hệ chữ viết, và cuộc can thiệp thứ hai là của thực dân Pháp, những người đã áp đặt và phổ biến rộng rãi chữ Quốc ngữ."

Một công trình nghiên cứu dày công phu và đáng ngưỡng mộ. Một cuốn sách cho những ai muốn thấu hiểu một cách cặn kẽ hành trình của chữ Quốc ngữ, nơi cho ta những tưởng tượng phóng túng như đang xem một bộ phim epic về lịch sử, nơi đôi khi lại giúp ta hiểu được sự ra đời của những thanh điệu trúc trắc mà các giáo sĩ dòng Tên đã phải bỏ ra 40 năm cuộc đời để thử nghiệm.

Một cuốn sách tuyệt vời cho những ai yêu chữ Quốc ngữ: tiếng Việt!