Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2024

Phim về Chiến tranh Việt Nam: Địa ngục dưới làn da

Lê Hồng Lâm

 

Diễn viên Nguyễn Cao Kỳ Duyên trong phim The Sympathizer (Cảm tình viên) của HBO

Diễn viên Nguyễn Cao Kỳ Duyên trong phim The Sympathizer (Cảm tình viên) của HBO

 

Những bộ phim về đề tài Chiến tranh Việt Nam suốt gần nửa thế kỷ qua cho chúng ta thấy những gì về tâm thức và nỗi ám ảnh của người Mỹ?

“Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến gây chia rẽ và ám ảnh người Mỹ hơn cả cuộc Nội chiến Mỹ” – đó là một nhận định của hai đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng Ken Burns và Lynn Novick vào năm 2016, khi tôi được mời sang Mỹ để xem trước loạt phim tài liệu The Vietnam War dài 10 tập do hãng PBS sản xuất.

Quả thực, đó là một nhận định khá chính xác nếu nhìn vào số lượng và chất lượng phim lấy đề tài Chiến tranh Việt Nam hay Nội chiến Mỹ. Trong suốt 49 năm qua, Chiến tranh Việt Nam vẫn luôn là một đề tài lớn và được thể hiện một cách sâu sắc qua nhiều bộ phim, đặc biệt trong ba thập niên, từ cuối thập niên 70 cho đến thập niên 90.

Hàng loạt bộ phim lấy chủ đề Chiến tranh Việt Nam cho thấy cuộc chiến này để lại một vết sẹo lớn và vẫn tiếp tục đóng một vai trò to lớn trong nền chính trị và văn hóa đại chúng của Mỹ nhiều thập niên qua.

Từ vai diễn ấn tượng của John Wayne trong bộ phim nặng “mùi” tuyên truyền Green Berets năm 1968 đến rất nhiều bộ phim ra mắt ngay sau khi chiến tranh kết thúc và kéo dài đến sau này đều khai thác chủ đề Chiến tranh Việt Nam như một trải nghiệm kinh hoàng của những cựu binh tham chiến khiến họ trở thành những kẻ nghiện rượu, trầm cảm, mắc các chứng rối loạn PTSD và thậm chí là tự sát.

Rất nhiều cựu binh kể lại trải nghiệm tàn khốc của họ trong cuộc chiến khiến chủ đề này luôn hấp dẫn và không thể cưỡng lại đối với nhiều thế hệ làm phim tài năng và cả khán giả, bằng chứng là nhiều trong số đó rất thành công tại phòng vé và đoạt nhiều giải Oscar của Viện Hàn lâm Mỹ.

 

Địa ngục dưới làn da

 

Chiến tranh Việt Nam, thủy quân lục chiến Mỹ

Chiến tranh Việt Nam là chủ đề luôn hấp dẫn và không thể cưỡng lại đối với nhiều thế hệ làm phim tài năng và cả khán giả. BETTMANN/GETTY IMAGES

 

Tại mùa giải Oscar năm 1979, có đến hai bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam là ứng cử viên nặng ký nhất cho các hạng mục quan trọng: đó là Coming Home (1978) của đạo diễn Hal Ashby và The Deer Hunter (1978) của đạo diễn Michael Cimino.

Cả hai bộ phim đều kể về dư chấn của Chiến tranh Việt Nam khiến những cựu binh Mỹ phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tinh thần, đặc biệt là hội chứng PTSD – một dạng rối loạn căng thẳng sau chấn thương khiến họ không thể hòa nhập và sống một cuộc đời bình thường.

Trong Coming Home, nữ diễn viên Jane Fonda đóng vai Sally, vợ của một quân nhân đang tham chiến tại Việt Nam với vai trò là đại úy trong Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ. Trong những ngày chán chường tại Mỹ, cô quyết định làm tình nguyện viên tại một bệnh viện của Cơ quan Quản lý Cựu chiến binh (VA) địa phương và phải lòng một cựu chiến binh bị liệt cả hai chân phải ngồi trên xe lăn (Jon Voight đóng). Bằng tình yêu, họ đã cứu rỗi được cuộc đời của nhau. Còn người chồng quân nhân, do Bruce Dern đóng, sau đó cũng trở về và cũng bị mắc hội chứng PTSD và cuối cùng tự sát.

Ở ngoài đời, trước đó, cả Jane Fonda và Jon Voight đều tham gia phong trào phản chiến và cuối cùng đều giành được hai Oscar cho nam và nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cùng giải Kịch bản gốc xuất sắc.

Diễn xuất xuất sắc của cả ba diễn viên chính đã biến mối tình tay ba ngang trái của họ thành trung tâm của bộ phim và mang lại cho nó nhiều thông điệp sâu sắc về nỗi đau và những dư chấn khó hàn gắn sau chiến tranh, trong một bộ phim với thông điệp chính trị không được tinh tế cho lắm.

The Deer Hunter giành năm giải Oscar, bao gồm Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất cho Michael Cimino và Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Christopher Walken. The Deer Hunter là câu chuyện về ba công nhân luyện thép người Mỹ gốc Nga rời quê hương thuộc tầng lớp lao động Pennsylvania của họ để chiến đấu ở Việt Nam. Do Michael Cimino viết kịch bản và đạo diễn với sự tham gia của Robert De Niro, Christopher Walken, Meryl Streep và John Cazale, bộ phim đã gây ra tranh cãi vì cảnh nổi tiếng trong đó những người lính Việt Cộng ép tù binh chiến tranh chơi roulette Nga. Đó là một trong những cảnh phim ghê rợn và mang tính biểu tượng của bộ phim về sự điên rồ của chiến tranh. Nick, do Christopher Walken đóng, một trong ba tù binh bị bắt chơi trò roulette Nga, sau đó bị ám ảnh bởi chứng PTSD đến mức cuối cùng cũng chọn cái chết để giải thoát.

Không có trường hợp nào được ghi nhận về trò roulette của Nga trong chiến tranh, nhưng các nhà phê bình như Roger Ebert đã cho rằng đấy là một thủ pháp nghệ thuật của đạo diễn Cimino. Và ông cho rằng trò chơi chết người này là một “biểu tượng rực rỡ” cho thấy cuộc chiến tranh này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của những người lính Mỹ và gia đình họ như thế nào.

  •  

Nhân vật Trung tá Kilgore do diễn viên Robert Duvall thủ vai

 

Nhân vật Trung tá Kilgore do diễn viên Robert Duvall thủ vai với câu thoại nổi tiếng "Tôi thích ngửi mùi bom napalm vào buổi sáng" trong phim Apocalypse Now (1979). CBS/GETTY IMAGES

 

Chỉ một năm sau đó, Apocalypse Now (1979) của Francis Ford Coppola gây nên một cú địa chấn lớn khi khai thác đề tài Chiến tranh Việt Nam dưới một lăng kính tăm tối và hoang dã, nơi những kẻ tham chiến lâu ngày trở nên điên loạn vì sự vô nghĩa của cuộc chiến này.

Sau chuỗi thành công đáng kinh ngạc bao gồm The Godfather, The Godfather II và Conversation, Francis Ford Coppola bắt đầu thực hiện một bộ phim sử thi về Chiến tranh Việt Nam lấy cảm hứng từ tiểu thuyết ngắn chống chủ nghĩa thực dân The Heart of Darkness của nhà văn Joseph Conrad. Được quay hơn ba năm trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt, Apocalypse Now trở thành một bộ phim gian khổ nhất trong lịch sử điện ảnh, hủy hoại sức khỏe cũng như tài chính của Coppola. Nhưng kết quả cuối cùng lại tạo ra một kiệt tác vượt thời gian.

Với dàn diễn viên toàn sao bao gồm Marlon Brando, Martin Sheen, Robert Duvall, Harrison Ford, Laurence Fishburne và Dennis Hopper, Apocalypse Now đã làm nên một bộ phim chiến tranh với những câu thoại gây ấn tượng như: “Tôi thích ngửi mùi bom napalm vào buổi sáng”.

Xuất hiện chỉ trong hơn 30 phút cuối cùng của bộ phim dài hơn ba tiếng này, hình ảnh của viên đại tá Mũ nồi xanh bí ẩn tên là Walter Kurtz (Marlon Brando đóng) đã gây một ấn tượng mạnh mẽ. Ông ta là một kẻ đào ngũ bị quân đội Mỹ săn lùng, biến mất vào trong rừng sâu và dựng nên một “đế chế” của riêng mình với một cộng đồng bản địa tôn sùng ông như thánh. Kurtz là một kẻ điên loạn như lời đồn thổi - hay một vị thánh như những lời xưng tụng của những kẻ phục tùng ông ta? Hay nói cách khác, như lời tay phóng viên chiến trường (do Dennis Hopper đóng), một môn đệ cuồng nhiệt của Kurtz, nói về ông ta: “Ông ấy hoàn toàn tỉnh táo nhưng linh hồn bị điên.”

“Tôi chưa thấy con người nào bị giằng xé và tuyệt vọng như vậy” – lời tự sự của Đại úy Benjamin Willard (Martin Sheen) về kẻ ẩn dật này cho thấy Chiến tranh Việt Nam đã đẩy rất nhiều người lính Mỹ vào thế giới của sự tăm tối, điên loạn vì sự vô nghĩa đến tận cùng của nó.

Không chỉ khắc họa những hội chứng sang chấn tâm lý hậu chấn thương hay trở nên điên loạn, nhiều bộ phim Mỹ về Chiến tranh Việt Nam còn khai thác một chủ đề mang tính đạo đức khác, đấy là sự mất nhân tính của những binh lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam trong giai đoạn cao trào của cuộc chiến vào cuối thập niên 60. Full Metal Jacket của đạo diễn Stanley Kubrick, Platoon (Trung đội) của Oliver Stone và Casualties of War của Brian De Palma là ba bộ phim xuất sắc nhất giải phẫu về sự mất nhân tính của binh lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam với cường độ khác nhau.

Full Metal Jacket (1983) của đạo diễn huyền thoại Stanley Kubrick là một bức chân dung “hài hước đen tối” và đáng lo ngại khi mô tả trong nửa đầu phim, khi mô tả một khóa huấn luyện cơ bản cho một nhóm tân binh của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ nhằm biến bọn họ thành những cỗ máy giết người tàn bạo. Ở nửa sau bộ phim, bọn họ tham gia trực tiếp vào trận chiến ở Huế trong dịp Tết Mậu Thân 1968 và trở thành những kẻ giết người máu lạnh.

 

Phim Trung đội (Platoon) năm 1986

 

Phim trường bộ phim Trung đội (Platoon) của đạo diễn Oliver Stone vào năm 1986. Đây là một tác phẩm kinh điển về đề tài Chiến tranh Việt Nam. ROLAND NEVEU/LIGHTROCKET/GETTY IMAGES

 

Platoon (1986) của Oliver Stone cũng là một thành công lớn về đề tài Chiến tranh Việt Nam với tám đề cử Oscar và giành bốn giải, trong đó có Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất cho Oliver Stone. Nó cũng trở thành một trong bộ ba (trilogy) về đề tài Chiến tranh Việt Nam nổi tiếng của Oliver Stone, với hai bộ phim tiếp nối nữa là Born on the Forth of July (1989) và Heaven and Earth (1993). Nhưng ấn tượng nhất trong bộ ba này vẫn là Trung đội.

Đây là bộ phim Hollywood đầu tiên do một cựu chiến binh Việt Nam viết kịch bản và đạo diễn, Platoon dựa trên trải nghiệm thực tế của Oliver Stone khi còn là lính bộ binh trong chiến tranh. Charlie Sheen, con trai của ngôi sao Martin Sheen của Apocalypse Now, vào vai một sinh viên đại học ngây thơ tình nguyện tham gia chiến đấu vào năm 1967. Được phân công vào một trung đội bộ binh gần biên giới Campuchia, binh sĩ này bị cuốn vào cuộc cạnh tranh gay gắt giữa hai hạ sĩ quan kỳ cựu: Trung sĩ Barnes (Tom Berenger) – một kẻ cứng rắn hoài nghi, ra tay tàn độc và Trung sĩ Elias (Willem Dafoe) – một người có lòng nhân ái và có lý tưởng hơn. Cuộc đối đầu giữa hai tay hạ sĩ quan này đã khiến bọn họ trở thành đối thủ của nhau – thậm chí là kẻ thù trong cuộc chiến giành sự ảnh hưởng và kết thúc bằng một trận thảm sát với nhiều kẻ ngã xuống. Trường đoạn này cũng làm nên một hình ảnh mang tính biểu tượng trong phim.

Hơn tất cả, những trải nghiệm chiến trường khốc liệt giữa những cánh rừng nhiệt đới rậm rạp và nguy hiểm, nơi những người lính Việt Cộng “thoắt ẩn thoắt hiện” như ma, binh sĩ Chris Taylor (Charlie Sheen) thấm thía hơn ai hết lời nói dối của chính quyền và quân đội Mỹ về cuộc chiến vô nghĩa này.

Trong lá thư cuối cùng viết cho bà ngoại trước khi rời Việt Nam vì bị thương trong một trận chiến, Chris viết rằng: “Địa ngục là nơi có thật, ngoại ạ. Chúng cháu không chiến đấu với kẻ thù, chúng cháu chiến đấu với chính mình. Và kẻ thù chính là mình.

Với cháu chiến tranh đã kết thúc, nhưng nó sẽ luôn tồn tại ở đó, trong những ngày còn lại của cuộc đời cháu.”

 

Phim Apocalypse Now (1979)

 

Cảnh trong phim Apocalypse Now (1979) mô tả một thánh lễ Công giáo diễn ra tại một nghĩa địa. SILVER SCREEN COLLECTION/GETTY IMAGES

 

Casualties of War (1989) là một cuộc khám phá sâu hơn về sự mất nhân tính của những kẻ tham chiến khi bọn họ ngày càng trở thành những kẻ tàn bạo, vô nhân tính.

Do Brian De Palma đạo diễn, bộ phim này dựa theo bài báo trên tờ New Yorker của tác giả Daniel Lang, với câu chuyện có thật về sự cố trên đồi 192, một tội ác chiến tranh khét tiếng do quân đội Hoa Kỳ gây ra vào năm 1966 ở một tỉnh Tây Nguyên Việt Nam. Sean Penn vào vai Trung sĩ Tony Meserve, một đội trưởng giàu kinh nghiệm đang tìm cách trả thù cho cái chết của bạn mình bằng cách ra lệnh cho binh lính của mình bắt cóc và cưỡng hiếp một cô gái Việt Nam. Michael J. Fox vào vai Binh nhì Max Eriksson, thành viên duy nhất của đội tuần tra năm người đủ dũng cảm để chống lại Meserve. Dù hơn 2/3 thời lượng của phim diễn ra với sự điên loạn và tàn bạo của nhóm lính Mỹ, bộ phim có một cái kết đầy hy vọng, gây được tiếng vang cho những người xem đang muốn bỏ lại nỗi kinh hoàng của cuộc chiến tranh Việt Nam phía sau họ. Đạo diễn quái kiệt Quentin Tarantino đã không ngần ngại gọi đây là “bộ phim hay nhất về Chiến tranh Việt Nam”.

Nhà phê bình Roger Ebert đã cho bộ phim ba trên bốn sao và viết rằng, "Hơn hầu hết các bộ phim, hiệu ứng của nó phụ thuộc vào sức mạnh diễn xuất – và đặc biệt là vào diễn xuất của Penn. Nếu anh ấy không thể thuyết phục chúng ta về sức mạnh của mình, cơn thịnh nộ và sự khinh thường của anh ấy đối với mạng sống của cô gái, bộ phim sẽ không thành công. Anh ấy đã làm được, trong một màn trình diễn sức mạnh tàn bạo, áp đảo.”

Vincent Canby của The New York Times cũng gọi màn trình diễn của Penn là "cực kỳ xuất sắc". Todd McCarthy của tờ Variety đã viết, "Một phép ẩn dụ mạnh mẽ về nỗi xấu hổ quốc gia trước sự hủy diệt tàn khốc của nước Mỹ ở Việt Nam, bộ phim của Brian DePalma có một số thiếu sót nhưng chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của khán giả, một viên thuốc đắng cho nhiều người."

Casualties of War không chỉ khiến người xem bàng hoàng trước sự điên rồ vô nhân tính của lính Mỹ khi tham chiến tại Việt Nam, mà hơn thế nữa, đạo diễn còn khơi dậy được một nỗi kinh hoàng sâu sắc hơn: “Địa ngục nằm dưới làn da của mỗi người đàn ông và được chờ đợi để bùng nổ.”

 

Nhìn lại sau gần 5 thập kỷ

 

Tài tử Robert Downey Jr. trong buổi ra mắt loạt phim 'The Sympathizer' (Cảm tình viên) vào tháng 4/2024

 

Chụp lại hình ảnh,Tài tử Robert Downey Jr. trong buổi ra mắt loạt phim The Sympathizer (Cảm tình viên) vào tháng 4/2024 tại thành phố Los Angeles (Mỹ)STEVE GRANITZ/FILMMAGIC/GETTY IMAGES

 

Sau 49 năm kết thúc chiến tranh vào ngày 30/4/1975, đề tài Chiến tranh Việt Nam trong phim truyện Hollywood giảm dần, nhường chỗ cho những cuộc chiến nóng bỏng khác vẫn đang diễn ra trên thế giới. Nhưng cuộc chiến Việt Nam rõ ràng vẫn là một nỗi ám ảnh dài lâu với nước Mỹ, với rải rác những bộ phim truyện, tài liệu, truyền hình vẫn tiếp tục mổ xẻ về cuộc chiến này, từ loạt phim Vietnam War dài 10 tập của đạo diễn phim tài liệu huyền thoại Ken Burns và Lynn Novick đến loạt phim The Sympathizer (Cảm tình viên) với đạo diễn Park Chan-wood và nhiều tên tuổi của Việt Nam tham gia vừa ra mắt từ giữa tháng giữa 4/2024.

Nếu như trước đây, các bộ phim về Chiến tranh Việt Nam của Hollywood thường được quay ở các nước láng giềng như Thái Lan hay Phillippines, thì sau khi bình thường hóa quan hệ và Mỹ dỡ bỏ cấm vận, một số phim về đề tài Chiến tranh Việt Nam hay hậu chiến của điện ảnh Mỹ được cấp giấy phép để quay ở Việt Nam, trong đó có Three Seasons (1999) của đạo diễn Việt kiều Tony Bùi, The Quiet American (2002) của đạo diễn Philip Noyce và gần đây nhất là Da 5 Bloods của đạo diễn Spike Lee.

Những bộ phim sau này, dĩ nhiên, không còn khốc liệt hay bàn về những trải nghiệm “địa ngục” của binh lính Mỹ tại chiến trường Việt Nam nữa mà đi vào khai thác những căn nguyên của cuộc chiến (The Quiet American) hoặc phần nào đó, tìm cách hàn gắn những vết thương mà chiến tranh để lại (Three SeasonsDa 5 Bloods).

Như vậy, ta cũng thấy được tiến trình biến đổi của nhân vật trong phim truyện Mỹ đề tài chiến tranh sau năm 1975 được thể hiện qua từng giai đoạn khá sâu sắc và gần với tâm thế của người Mỹ sau khi kết thúc cuộc chiến.

Những bộ phim xuất sắc về đề tài Chiến tranh Việt Nam của điện ảnh Mỹ rõ ràng đóng góp một vai trò lớn trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, bắt đầu từ việc nhận diện cuộc chiến ấy một cách chi tiết và cụ thể nhất thông qua những trải nghiệm cá nhân cho đến khi tìm ra được căn nguyên của nó và cuối cùng là tìm cách chữa lành nó.

Dù vậy, trong hầu hết các bộ phim Chiến tranh Việt Nam nổi bật này đều được nhìn từ phía người Mỹ. Người Việt Nam hầu như xuất hiện trong những bộ phim này như những người không có tính đại diện, hoặc chỉ là những nạn nhân của chiến tranh.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c72pvdkrkdro