Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2024

Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 285): Tuyển tập nhạc Một ngày cho tình yêu – phần 7, Nguyễn Đức Quang – Như mây trên cao

T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2024)

clip_image002[5]

clip_image004[5]

Nguyễn Đức Quang – Như Mây Trên Cao

Ca Sĩ: UYÊN PHƯƠNG

Đọc Thêm:

(Nguồn: https://maybienvh.wordpress.com)

Phong Trào Du Ca Và Nguyễn Đức Quang

Trích Tạp Chí Bách Khoa Thời Đại số 276 Ng 1968/07/01 Hát Trên Quê Hương Rã Rời (Trần Đại phỏng vấn Nguyễn Đức Quang)

clip_image006[6]

Tại hội trường của một bệnh viện nhỏ, Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương ở Huế vào năm 1966, khi bài Nỗi Buồn Nhược Tiểu được hát lên, gần 300 thương binh giơ những bàn tay quấn đầy băng trắng lên múa may, lắc lắc chiếc đầu thương tích, đập phần tay, chân còn lành lặn lên ghế, trên xe đẩy, để ca ngợi, hoan hô người trình diễn. Bài ca đó là của một sinh viên trẻ, anh Nguyễn Đức Quang và ban trình diễn là ban Trầm Ca. Ban này gồm 5 người trẻ khác như Anh. Tất cả đều chưa tới 30 tuổi. Trừ người phái nữ, còn mấy người kia đều ở chung với nhau tại một ga-ra xe hơi của một tư gia, đường Sương Nguyệt Ánh.

Những kỷ niệm khó quên

Không phải chỉ có lần trình diễn tại quân y viện Nguyễn Tri Phương là kỷ niệm khó quên của ban Trầm Ca. Cũng vào năm 1966, khoảng Tháng Hai, Ban Trầm Ca cũng đã sử dụng bài Nỗi Buồn Nhược Tiểu để làm chảy nước mắt phái đoàn sinh viên Nhật tới viếng thăm thân hữu các đại học Việt Nam. Nét mặt diễn tả, và giọng ca gây ngay được niềm cảm thông không cần tới ngôn ngữ. Tại Đại Học Vạn Hạnh nhiều bà già mắt rưng rưng khi nghe những bài nhạc được trình diễn trên sân khấu.

Những người trình diễn trong ban Trầm Ca đã ghi nhận được những kỷ niệm không bao giờ có thể quên được. Họ đã đi lưu diễn ít ra cũng lối 15 tỉnh trong ba lần. Phần lớn nơi trình diễn đều là nơi có nhiều thành phần giới trẻ có ý thức. Họ đã qua các đại học Huế, Đà Lạt, Sài Gòn, và nhiều nơi khác. Các buổi hội thảo thanh niên, các buổi trại công tác nhiều khi đều có sự tham dự của ban Trầm Ca. Các Cô Nhi Viện, các trường học cũng là nơi ban hát dạo thường dừng bước. Trong vòng từ 18/12/1965 tới 18/12/1966, ban Trầm Ca đã đi sinh hoạt ở nhiều nơi: hoặc một mình, hoặc với sự hợp tác của một số nhạc sĩ (Phạm Duy, Lê Thương, Anh Việt Thu, Trịnh Công Sơn) và một số các ban nhạc trẻ tại Thủ Đô ( Nguồn Sống, Trùng Dương, Phù Sa, Gió Khơi, Hùng Tâm Dũng Chí, Ban Văn Nghệ Bộ Thanh Niên) môi trường sinh hoạt thường là trong giới sinh viên của các phân khoa đại học, hay giới thanh niên trong các hội đoàn, cho đến nay ( 18/12/1966) Ban đã tham dự hoặc tổ chức được 44 buổi sinh hoạt [0].

Kể từ ngày 18/12/1966 cho tới bây giờ, các hoạt động của Trầm Ca còn tiếp tục và số buổi sinh hoạt – theo lời anh Quang – không còn nhớ hết được.

Ban Trầm Ca, ngày nay với sự điều khiển của một ban Quản Trị, đã tổ chức được 33 toán Du Ca tại 33 tỉnh với một số toán viên tổng cộng gần 500 người. Tất cả các toán đều theo một tiêu chuẩn chung và gọi là Phong trào Du Ca.

Sáu người đầu tiên của Ban Trầm Ca là: Đỗ Thị Phương Oanh, Nguyễn Đức Quang (Trưởng Toán), Trần Trọng Thảo, Hoàng Kim Châu, Hoàng Thái Linh, Nguyễn Quốc Văn, Đinh Gia Lập.

Tinh thần dân tộc và tinh thần khai phá

Du có nghĩa đi lang thang, ca là ca hát. Đi lang thang từ nơi này qua nơi khác để trình diễn cho mọi tầng lớp dân chúng coi, là công việc của ban Du Ca.

Công việc làm đó không phải là mới mẻ. Lang thang ở thời đại này có nghĩa là dùng các phương tiện chuyên chở cơ khí, như xe hơi, máy bay để di chuyển từ tỉnh này qua tỉnh khác. Các nghệ sĩ nhà nghề về tân nhạc, cũng như cổ nhạc đã làm từ nhiều năm. Những đại nhạc hội, những ban cải lương lưu động tại khắp các tỉnh nhỏ là bằng chứng.

Nhưng phong trào Du Ca có nhiều điểm khác biệt.

Trước hết ở mục tiêu của công việc làm. Vài năm trước đây, một số các nhạc sĩ thường phàn nàn: không có những bài ca của tuổi trẻ. Những bài ca có tính cách hùng mạnh nói lên đến một ý nghĩa tiến bước của thanh thiếu niên, ngược lại trong thị trường âm nhạc chỉ thấy xuất hiện những bài ca sầu não, buồn bã và một đôi khi bạc nhược. Để thay đổi cái không khí âm nhạc đó phải làm thế nào? Phải tìm một sinh phong văn nghệ như lời của nhạc sĩ Phạm Duy. Cái sinh phong văn nghệ ấy, phải là những bài ca của một tuổi trẻ có ý thức trong một xã hội, biết lãnh trách nhiệm và tiến lên. Ngọn gió đầy sinh lực đã được giới trẻ hưởng ứng. Ban Du Ca đã lãnh một phần công tác để thổi ngọn sinh phong vào không khí văn nghệ trẻ. Những bài ca trẻ mới ra đời. Phải là những bài ca trẻ mới là vì: Xã hội mới hiện tại không thể giống xã hội cũ cách đây hai mươi năm. Xã hội Việt tại miền Nam bây giờ là một xã hội đầy biến động, một xã hội đang chiến tranh và ảnh hưởng của ngoại lai xâm nhập hơn bao giờ hết.

Như vậy mục tiêu của ban Du Ca không thể giống với các đại nhạc hội hay các đoàn hát lưu động. Mục tiêu tài chánh bị gạt bỏ hoàn toàn. Mục tiêu phải mang một ý nghĩa cao đẹp. Du Ca phải mang một ý nghĩa cao đẹp. Du Ca phải là sinh hoạt văn nghệ để phát huy tinh thần dân tộc Việt Nam… tham dự một sinh hoạt văn hoá dân tộc tính để giữ tâm hồn mình và bạn bè chung quanh để ngăn chặn sự xâm nhập của tinh thần ngoại lai vong bản đã bao nhiêu năm nay đục khoét và làm tê liệt sức sống của Chúng Ta [02].

Với một mục tiêu như vậy, Du Ca còn khác với những ban nhạc biểu diễn thông thường ở nhiều điểm.

Để có thể phát huy tinh thần dân tộc, ngăn chặn sự xâm nhập của tinh thần ngoại lai vong bản, tất nhiên bài hát phải thể hiện được tinh thần này. Suốt trong hơn 2 năm hoạt động, những bản nhạc phổ biến trong giới trẻ, những cảm nghĩ, những suy tư ( trầm ca) của toán Du Ca về một giai đoạn lịch sử của dân tộc, phổ biến những thái độ, những hành động của giới trẻ trong giai đoạn đó.

Tôi chót sinh làm dân nhược tiểu nỗi tủi hờn căm bừng trên tay, nỗi nhục nhằn chĩu nặng trên vai… Tôi chót sinh vào nước chia cắt, nỗi thù hằn còn đục lòng sông. Tôi trót sinh vào nước chia cắt tình anh em máu chảy thành dòng…

Tôi chót sinh làm dân nhược tiểu, vú mẹ gầy cơm chẳng nuôi thân, vắt tình này máu mẹ nuôi con. Tôi chót sinh ra làm dân nhược tiểu, nghe xung quanh nghiêng ngả cợt cười, cạnh chén cơm chan máu dân tôi. Tôi chót sinh vào nước chia cắt, khóc giang san hoài hoài gian nan… (Nỗi Buồn Nhược Tiểu).

– Lìa nhau cho tim bốc cháy, thù sâu lan khắp, lan khắp địa cầu… Lìa nhau cho luống đất ngày nay không lúa, không lúa, không màu.

Những bài ca của một giai đoạn lịch sử trên quê hương nhược tiểu cắt chia, trên quê hương chiến tranh tiêu điều. Người hát suy nghĩ về thực trạng đó, người nghe cũng suy nghĩ về thực trạng đó. Những loại bài ca như vậy gọi là Ca nhận thức.

Nhận thức không chưa đủ. Nhận thức chỉ để đưa đến một thái độ. Thái độ của con người, của giới trẻ ở trong thảm trạng. Chỉ có thái độ của lời ca tiếng hát, mới có thể thôi thúc người hát, người nghe giữ vững được tinh thần dân tộc, ngăn chặn được làn sóng ngoại lai. Nhưng – như lời anh Nguyễn Đức quang – Những bài hát bao giờ cũng dựa vào thực tế. Chính vì dựa vào thực tế, một thực tế của thời đại nhiều biến động, thái độ ở trong những bản nhạc trầm ca thay hình đổi dạng: Người ta có thể nhận thấy những thái độ đối với các vấn đề lớn lao của quê hương. Xin chọn nơi này làm quê hương cho dẫu quê hương có khó thương biết mấy: – … Xin chọn nơi này làm quê hương dẫu cho khó thương. Ta cùng lo chạy từng lưng cơm áo che thân tàn. Xin chọn nơi này làm quê hương dẫu đang chiến tranh … Xin chọn nơi này làm quê hương dẫu đang khó khăn …

Đã chọn nơi này làm quê hương. người trẻ tuổi không thể tuyệt vọng. Thái độ phải là hy vọng. Hy vọng đã vươn lên trong lo sợ mùa chính chiến. Hy vọng đã vươn lên trong nhọc nhằn tràn nước mắt …

Từ thái độ đối với thảm trạng quê hương như vậy, từ một thái độ hy vọng dù là trong nhọc nhằn, trong nước mắt, thái độ nhiều khi chuyển sang một phạm vi nhỏ như một khuyến dụ: Đường vào công trường là đường vào quê hương (Tìm Về Công Trường)… Từ Nam Quan Cà Mau từ non cao rừng sâu gặp nhau do non nước xây cầu. Người thanh niên Việt Nam quay về với xóm làng, tiếng reo vui rộn trong lòng … (Về Với Mẹ Cha). Nhiều khi lời khuyến dụ còn mang nặng tính cách luân lý; Không phải là lúc cứ ngồi đặt vấn đề nữa rồi phải dùng bàn tay mà làm cho tươi mới. Hàng chục năm qua ta ngồi ngó nhau, nghi ngờ nhau, khích bác nhau cho cay cho sâu, cho thật đau… Không tin nơi nhau thế ta định nhờ ai dẫn đường?… (Không Phải Là Lúc).

Thái độ nào, với vấn đề lớn hay nhỏ cũng đều hướng tụ vào niềm tin. Niềm tin vào quê hương dù đang chiến tranh, dù đang chia cắt. Niềm tin vào các người trẻ tuổi. Niềm tin của tất cả những công tác mà người thanh niên đang đảm nhận. Những bài ca có tính cách bày tỏ thái độ này được sắp vào loại Ca sinh hoạt, ca trong các dịp sinh hoạt chung.

Những bài ca sinh hoạt này được in trong một tuyển tập Những bài ca khai phá [03]. Quan niệm những bài ca trong tập nhạc này như những bài ca của một thời kỳ khai phá, Ban Trầm Ca đã muốn lấy kinh nghiệm của một vài xứ sở để làm lời kêu gọi cho một phong trào khai phá tại miền Nam Việt Nam.

– … Cuộc di dân khai hoang gọi là về miền Tây của Hoa Kỳ từ nhiều thế kỷ qua đã để lại những vết tích hào hứng qua các bài hát; những bài này đã chiếm một tỷ lệ lớn trong kho tàng dân ca xứ này. Nhiều bài giữ những ngôi vị độc đáo vì nét nhạc và lời ca thật là hấp dẫn, chắc chắn phải được sáng tác trong một tinh thần khai phá nồng nhiệt và đầy tin tưởng… Cuộc tranh đấu cam go của những người Do Thái tiền phong cũng còn ghi đậm nét kiêu hùng qua âm hưởng thiêng liêng và bi tráng của những bài thời lập quốc… Họ (Do Thái) đã khai thác và phát triển mau lẹ sức người, ý chí và ý muốn của họ đã được nung đúc bằng những lời khai phá phù hợp trong khung cảnh ca diễn cộng đồng mà ngày nay vẫn còn được duy trì như một truyền thống sinh hoạt…[04].

Dân ca trong thời kỳ về miền Tây của Hoa Kỳ, Hadgannah, hát cộng đồng của Do Thái được ban Trầm Ca nhắc nhở để dành Những bài ca khai phá của họ cho những người nào đang thực hiện hoặc ao ước góp phần vào công việc khai phá xứ sở [05].

Ngoài những bài ca nhận thức, Ca Sinh Hoạt, Ban Du Ca còn trình diễn dân ca. Khỏi phải nhiều lời, dân ca chính là tinh thần dân tộc.

Trại công tác: Nguồn cảm hứng – Ý thức quê hương

– Tinh thần khai phá và y thức quê hương đều bắt nguồn từ cảm hứng những lần đi trại. Ba mươi bài ca khai phá đều do trại công tác xã hội. Đường Việt Nam, Về Với Mẹ Cha, Hy Vọng Đã Vươn Lên… đều sáng tác bởi Cộng đồng công tác xã hội. Nguồn cảm hứng đó là một điều dĩ nhiên. Quang, Thảo, Lĩnh, Văn, Châu, Lập đều tham gia các trại công tác. Những trại công tác dài hạn, mười lăm ngày cho tới vài tháng, chính là những dịp để người sáng tác gần gũi với dân chúng, với nông thôn, với quê hương.

Nguồn cảm hứng do trại công tác xã hội cũng là một điểm để phân biệt trầm ca với các ban nhạc thường.

Tinh thần dân tộc, nguồn cảm hứng từ quê hương qua các trại công tác. Nhưng còn phổ biến tinh thần ấy, nguồn cảm hứng ấy cho đám đông. Còn phải đặt tinh thần cảm hứng trong một sinh hoạt cộng đồng. Vì vậy Du Ca không phải là chỉ hát cho mọi người nghe mà là hát để đám đông cùng sáng tác, cùng hát.

Để thực hiện ý định đó, Du Ca không nặng phần biểu diễn. Du Ca viên ăn mặc thật giản dị. Hoặc quần áo bà ba đen, hoặc áo sơ mi quần dài thường. Không có đồ lớn, không thắt nơ, không ca-vát. Để tiến tới việc thống nhất y phục, Ban Chấp hành phong trào Du Ca đã quyết định: Du Ca viên đồng phục quần dài ka ki vàng, áo sơ mi trắng [06].

Nhạc cụ của Du Ca cũng thật sơ sài. Chỉ dùng Lục Huyền cầm loại guitare thùng gỗ, dây sắt, Măng cầm ( Mandoline, Banjo), Khẩu cầm ( Harmonica), sáo tây, sáo ta. Tuyệt đối không dùng trống ( batterie và bongo). Nhạc cụ cổ nhạc có thể dùng được cả. Và một nguyên tắc mà Du Ca viên phải nhớ không bao giờ dùng ba nhạc khí trong một bài hát. Một cây guitare hay thêm một mandoline là đủ [07].

Ăn mặc giản dị, nhạc cụ sơ sài, mục đích chính là để Du Ca viên hoà hợp với đám đông. Du Ca viên không tách rời với họ và hát không phải để cho đám đông thưởng thức nhưng chính là hát với đám đông.

Bất cứ một buổi trình diễn nào của ban Du Ca, bao giờ cũng có những màn hát cộng đồng. Người trình diễn hát với người nghe, người trình diễn dạy cho người nghe ngay tại nơi trình diễn và tất cả cùng hát.

Có hát cộng đồng, mới tác động được tinh thần dân tộc và khai phá. Dạy hát trong buổi trình diễn chưa đủ. Du Ca viên lợi dụng bất cứ giờ phút nào rảnh rỗi để dạy hát. Những lớp huấn luyện Du Ca được tổ chức tại mọi nơi khá nhiều [08]. Nhưng với hoài bão của Du Ca, thế vẫn chưa đủ.

Từ Lửa Quê hương tới Sinh phong văn nghệ

Ngọn Sinh phong văn nghệ đã được thổi vào giới trẻ – dù mạnh dù yếu. Nhưng ngọn gió đó khởi lên tự Lửa Quê Hương. Ngày 01/11/1963 là một ngày gây biết bao nhiêu phấn khởi cho giới trẻ. Mỗi người trẻ đều nghĩ phải làm một cái gì. Phong trào sinh viên hướng về nông thôn cũng bộc phát sau ngày ấy. Từ sau năm 1963, những người trẻ của Trầm Ca cũng muốn làm một cái gì. Đêm Lửa Quê Hương đã được tổ chức tại ngang hông Chợ Đà Lạt. Ban tổ chức gồm có một số sinh viên của Viện Đại Học – trong đó có một vài người trong ban Trầm Ca – còn ở lại sau kỳ thi cử niên khoá 1964-1965. Nhưng ngọn lửa quê hương còn quá nhỏ để quyến rũ mọi người. Số người tham dự quá ít ỏi. Đôi người dân cón đứng phía trên cao ngang hông khu Hoà Bình để ngó ngọn lửa quê hương cháy li ti ở phía dưới kia bằng con mắt tò mò, ngơ ngác.

Ngọn Lửa Quê Hương ấy là khởi điểm. Nhưng lại không thể cháy lớn, nếu không có chương trình Công tác Hè vào năm ấy (Summer Program). Chương trình này do các hội đoàn tại Saigon họp nhau lại làm công tác chung. Tài trợ do cơ quan Chí Nguyện Quốc Tế (IVS: International Voluntary Service). Chương trình có một Xưởng Ca Diễn là Ban Đường Sáng. Đường Sáng là văn nghệ tìm về dân tộc và là cơ quan đi biểu diện tại khắp tỉnh. Phạm Duy làm cố vấn cho Xưởng Ca diễn. Chính nhạc sĩ Phạm Duy đã ngồi gần nhau với giới trẻ. Cũng chính nhạc sĩ Phạm Duy đã đề nghị đi tìm một Sinh phong văn nghệ cho miền Nam Việt Nam. Nguyễn Đức Quang và những người bạn khác tham dự trong Chương trình Công Tác Hè tại Đà Lạt đã gặp Phạm Duy ở đây.

Chương trình Hè chấm dứt. Phạm Duy đã cùng với Nguyễn Đức Quang, Phương Oanh, Steve Addis… đi một vòng đầu tiên lưu diễn tại các tỉnh. Kết quả khá tốt đẹp. Sau lần đi, ban Trầm Ca gồm 6 người – 5 nam, 1 nữ ra đời. Ban Trầm Ca tiếp tục lưu diễn tại các nơi cuối năm 1966, Nguyễn Đức Quang gặp lại một vài người đã hoạt động trong Chương trình Công tác Hè cũ, nay đã giữ những chức vụ cao cấp trong Bộ Thanh Niên: anh Hoàng Ngọc Tuệ, Trần Văn Ngô v.v. Những người này có ý định phát triển phong trào Du Ca trên toàn quốc. Các lớp huấn luyện Thanh Ca Tác động được Bộ Thanh Niên mở và nhờ Ban Trầm Ca hướng dẫn. Cũng nhờ sự giúp đỡ của Bộ Thanh Niên một phần, các toán Du Ca được thành lập tại nhiều tỉnh. Mỗi toán có một tên. Toán Hồn Nước ở Biên Hoà, Toán Vàm Cỏ Tây ở Long An, Toán Con Sáo Huế ở Huế… Toán Du Ca tại Sài Gòn là Toán Du Ca Trầm Ca. Khi anh Tuệ, Ngô không còn làm ở Bộ Thanh Niên, mối liên hệ giữa Du Ca và Bộ này chấm dứt. Nhưng các toán Du Ca thành hình vẫn tiếp tục hoạt động. Niên khoá 1967-1968, để giải quyết những vấn đề khó khăn chung của mọi toán Du Ca, một đại hội các toán Du Ca tổ chức tại Sài Gòn. Phong trào Du Ca ra đời.

Lợi dụng và dụng lợi

Hơn hai năm có mặt trong xã hội của những bản Trầm Ca Việt Nam người nghe không còn cảm thấy bỡ ngỡ và người nghe đã hát theo, không ngượng nghịu như lúc ban đầu. Tuy gây được một phong trào như vậy, kết quả vẫn còn nhỏ bé. Nỗi lo âu thường trực của toán Du Ca vẫn là sợ không tạo được không khí. Kết quả nhỏ bé, không thể nào so sánh được với cái hào hùng và phong phú của những bài ca khai phá của Về Miền Tây của những Kibboutz [09]. Nhưng, ngay cả đến cái không khí Du Ca hào hứng của thời Trung Cổ, phong trào Du Ca Việt Nam vẫn chưa thể so sánh được. Các toán Du Ca Âu Châu, Troubadours và Trouvères ở thế kỷ XII, XIII đã lưu diễn từ lâu đài này tới vườn cảnh khác, từ gia tộc này tới gia tộc khác để tổ chức các sinh hoạt văn nghệ, tham gia các buổi yến tiệc quý phái. Từ lúc đầu chỉ nhờ những bài ca, câu hát được tán thưởng cho tới khi các toán Du Ca càng ngày càng mọc lên đông đảo, mọi người hâm mộ Du Ca, thán phục Du Ca, nên đã như trao cho Du Ca quyền chỉ trích và đặt vấn đề với các chính trị gia thời bấy giờ.

Du Ca ngày nay không được lợi thế bằng thời ấy. Vì tính cách bế môn của thời phong kiến. Người địa phương chỉ biết có vùng mình ở. Ngược lại Du Ca viên, lang bạt nhiều, trở thành những người hiểu biết nhiều, biết rộng, nên được mọi người tin cậy, có Du Ca viên còn được mời làm cố vấn chính trị cho các quý tộc

Lịch sử mỗi thời mỗi nơi đã đổi khác. Hiệu lực của lời ca, tiếng hát cũng đổi khác. Hát trên một quê hương rã rời, khác với hát lang thang hứng thú của thời Trung Cổ Châu Âu, khác với hát khai phá của Hoa Kỳ đang khai phá, và của Do Thái ào ạt với các tổ chức giữ làng, giữ xóm chống quân xâm lăng Ả Rập đang vây quanh.

Không khí đã không sẵn có, phải tạo ra không khí. Nhưng ngay cả những điều kiện tạo ra không khí cũng thiếu thốn.

Thiếu người sáng tác mới, thiếu người trình diễn mới và thiếu phương tiện vận động. Người sáng tác mới để tạo ra nhạc mới, nhạc khai phá. Người trình diễn mới để hát những bài ca mới và phương tiện vận động để tạo ra những cơ hội trình diễn càng nhiều càng tốt cho mọi người.

Kết quả nhỏ bé, yếu kém. Nhưng Du Ca tự bản chất – thời kỳ nào cũng vậy – là thốt lên tiếng nói đè nén, phẫn nộ của người hát, không phải cho riêng mình, mà là cho đám đông. Vì vậy thái độ chính trị trong những bài hát thể nào cũng có, thái độ đó được thể hiện trong những bài ca: Đó là tinh thần dân tộc, và những đòi hỏi hiện tại của đất nước.

Thái độ chính trị thể nào cũng có. Nhưng những người trẻ trong giới Du Ca có dấn thân làm chính trị? Điều đó khó thể biết được Hành động chính trị nào cũng bắt đầu bằng một vận động văn hoá. Văn hoá do Du Ca hát, vô tình hay cố ý cũng sẽ tạo nên những hành động chính trị – chưa hẳn cho mình, nhưng cho những người khác.

Có người quan niệm Phong trào Du Ca Việt Nam, cũng như các sinh hoạt trẻ khác nằm trong một chính sách Tân Ducouroy; Tinh thần đa nghi cần phải dẹp bỏ. Người thanh niên Việt Nam bị đánh lừa quá nhiều, cho nên luôn luôn bị ám ảnh bởi chữ lợi dụng, nhưng tại sao không ai nghĩ tới chữ dụng lợi, nếu quả thật có một chính sách Tân Ducouroy hiện diện?

Hy vọng vẫn vươn lên trong nhục nhằn, trong nước mắt.

– Anh còn định làm gì? – Tôi mong muốn được sáng tác dân ca tân tạo. Phân biệt ra ba loại dân ca: dân ca nguyên thuỷ – dân ca sẵn có trong dân chúng, dân ca phát triển – dùng dân ca nguyên thuỷ sửa đổi đi và dân ca tân tạo, do những nhạc sĩ phải tự đặt ra. Ở Âu, Mỹ có nhiều nhạc sĩ sáng tác dân ca, ở Việt Nam chưa có những người này. – Anh có cho rằng, người sáng tác dân ca cũng như ca dao, phải là tầng lớp nông thôn, hay những người trí thức ở nông thôn, vì đa số người Việt Nam là nông dân, như một số người quan niệm không? Anh là người ở trong thành phố! – Không, Dân ca chỉ có ý nghĩa là những bài ca dân tộc. Nếu đã là bài ca có sắc thái dân tộc, không thể kể thành phố hay nông thôn.

Ao ước được sáng tác dân ca, đó là nguyện vọng của Nguyễn Đức Quang, trên con đường phát triển những bài ca khai phá. Nguyễn Đức Quang cũng còn ao ước có nhiều người sáng tác nhạc Du Ca, nhiều người hát nhạc Du Ca và có nhiều cơ hội để vận động cho Du Ca phát triển.

hy vọng đó của anh Trưởng xưởng ca diễn phong trào Du Ca còn giữ nguyên, dù bây giờ Ban Trầm Ca đã khá nhiều thay đổi. Sáu người ban đầu chỉ còn hai người. Châu, Thảo đã đi làm giảng viên của xây dựng nông thôn, Lĩnh ở Đà Lạt, Nguyễn Quốc Văn, chuẩn uý nhảy dù đã chết trong cuộc hành quân Tết Mậu Thân. Một số người mới được thay thế [10].

Sau biến cố Mậu Thân, các hoạt động sôi nổi của phong trào Du Ca ngưng hẳn lại. Nhưng những Du Ca viên vẫn làm việc âm thầm để chờ đợi những cơ hội trình diễn tốt đẹp hơn. Cái hy vọng của đi từ đêm đen ra bình minh.

Trong khi hãy còn ở đêm đen và chờ ra tới bình minh, Ban Trầm Ca vẫn tiếp tục ở trong cái ga-ra nhỏ của tư gia một người trong hội đồng quản trị phong trào. Chiếc ga-ra chỉ khác với những chiếc khác cùng dẫy, bởi một căn gác xép. Trên đó, hai ba chiếc mùng căng tùm lum phía dưới của gác xép có một giường. Một cây guitare dựng ở góc. Xung quanh là sách vở và tài liệu của phong trào chất bừa bãi.

Được hỏi Ban Trầm Ca hiện tại sinh sống bằng gì? Anh Quang cho biết: Một số người có nghề nghiệp. Ngoài giờ ăn cơm nhà thì vác ngà voi. Một số khác hãy còn đi học, không đòi hỏi điều kiện sống phong lưu, chỉ cần cơm ngày hai bữa. Trước đây, khi còn các lớp huấn luyện do Bộ Thanh Niên tổ chức, anh Quang sống bằng cách dạy giờ. Một giờ 100 đ, mỗi tuần dạy chừng 20 giờ. Những khoá huấn luyện chỉ trong khoảng 2-3 tháng. Bộ Thanh Niên không còn hợp tác với Du Ca, anh Quang sinh sống bằng cách bán những bài hát quay roméo và cát xê của chương trình Chúng Ta Cùng Hát ở trên đài phát thanh Sài Gòn vào mỗi sáng Chủ nhật. Mỗi cát xê chừng 10 000 đ. Số tiền này được chia cho nhiều người ở trong Ban.

– Ngoài số tiền trên, phong trào Du Ca có nhận tài trợ của Bộ Thanh Niên hay một nơi nào khác không? – Bộ Thanh Niên chỉ giúp đỡ đôi chút phương tiện cho phong trào Du Ca nhưng không có tài trợ.

Trong một danh sách của tài liệu sinh hoạt Du Ca [11], với 24 toán Du Ca, có 9 địa điểm liên lạc là Ty Thanh Niên. Đối với những dư luận hoài nghi về chuyện tài trợ anh Quang đã phủ nhận.

Nhưng không phải Ban Trầm Ca phủ nhận tất cả dư luận về mình. Được hỏi về ý kiến của một số sinh viên Viện Đại học Dalat khi Ban Trầm Ca trình diễn ở đây: nhiều bản nhạc của Ban Trầm Ca dễ dãi quá, anh Quang trả lời: – Có thể – vì nhạc cộng đồng, cần phải dễ nhớ, dễ hát cho nên cần phải ngắn, giản dị và ít biến điệu (variations).

Ý kiến này tương tự như ý kiến của Tô Thuỳ Yên khi đề tựa cho tập Ca Khúc Trịnh Công Sơn.

Nhưng, có tài trợ hay không tài trợ, dễ dãi hay không dễ dãi, điều đó không quan trọng, điều quan trọng là anh Quang, mới có 24 tuổi và những người bạn trẻ cùng lứa tuổi như anh, đã dám làm, đã dám hát lên, trên một quê hương rã rời, đã dám hy vọng trong nhục nhằn trong nước mắt. Và tiếng hát đó dù mọi người chấp nhận hay không chấp nhận, không thể chối cãi được sự hiện diện của nó.

Số phận Trouvères và Troubadours?

Nguyễn Đức Quang sinh ở Sơn Tây. Cuộc di cư 1954 đã đưa anh vào thành phố Đà Lạt. Hồi còn học ở trường Trần Hưng Đạo, Quang đã cùng Thảo, Lĩnh hát ở trong phần phát thanh của Hướng Đạo. Chương trình công tác Hè là một cơ hội cho Nguyễn Đức Quang phát triển tài nghệ của mình, nhưng trước đó, sau năm 1963, Quang đã sáng tác những bài Nỗi Buồn Nhược Tiểu, Đường Việt Nam …

Mặc dầu sáng tác nhạc, Nguyễn Đức Quang chưa hề học về cách sáng tác nhạc. Vì cũng như người làm thơ, đọc nhiều thơ, rồi làm thơ hay, đâu cần biết luật thơ. Sách vở về âm nhạc chỉ là những bài học hồi còn là cậu học sinh trung học. Sau này có đọc ít sách vở về âm nhạc, nhưng cũng vẫn không đọc về sách sáng tác.

Nhiều bản nhạc đã được hát trên đài phát thanh, có bản được lấy làm nhạc hiệu. Những bản nhạc này không ít thì nhiều đã đi vào tầng lớp trẻ. Tuy nhiên, không phải vì thế mà phong trào Du Ca sẽ hy vọng tiến bước trong một thời buổi đầy biến cố như thời nay.

Thời Trung Cổ, các toán Du Ca Trouvères và Troubadours đã bị tiêu diệt vì sự tranh chấp giữa Giáo quyền và tà giáo. Vì có nhiều bài ca đả kích tu sĩ. Du Ca bị xếp vào bọn Tà phái.

Ngày nay, không đến nỗi thế. Lệnh tổng động viên đã ban hành, không khí biến chuyển mau lẹ của thời cuộc, có thể là những gì làm cho Du Ca tan rã. Một khi nếu đi lính, thì lúc bấy giờ sẽ phải đặt trong sự sử dụng của quân đội. Bây giờ làm được điều gì hay điều ấy thật khó có thể quả quyết được một tương lai sáng sủa của những người đi hát lang thang.

Anh Quang đã giữ nét mặt bình thường khi nghe hỏi về chuyện lính tráng, nhưng anh đã cười, khi nghe hỏi đã có người yêu chưa. Nụ cười nhắc nhở tới người bạn gái cùng lớp của anh tại Viện Đại học Đà Lạt.

– Trong thời Trung Cổ, Pierre Vidari ỏ Toulouse, đã vì đi hát lang thang nhiều quá đến nỗi bà Vợ không chịu nổi, phải bỏ nhau. Anh có sợ như thế không? – Sức mấy, thời đại khác mà!

Câu nói đó có thể làm yên trí một người – hoặc nhiều người khác phái, có liên hệ tình cảm với Du Ca viên, nhưng phong trào Du Ca dù đã hình thành[ 12] có thể lớn rộng được hay không. Có lẽ – nếu quan niệm ca hát lang thang cũng là một tình yêu – những Du Ca viên khó mà yên trí trong công việc gìn giữ tình-yêu-người-du-ca, như những người yêu của những người Du Ca gìn giữ tình yêu của họ.

Trần Đại

[01] Ngày Trầm Ca ( tài liệu in roneo, trang 1). [02] Sinh hoạt Du Ca, nội san 06 ngày 02/03/67 trang 2. [03] Tuyển tập nhạc in roneo do ban Trầm ca ấn hành năm 1967 [04] – Tuyển tập nhạc: Những bài ca khai phá in roneo trang 1, 2. [05] – Tuyển tập nhạc: Những bài ca khai phá in roneo trang 5 [06] Quyết định của phiên họp ngày 10/04/1968 Sinh Hoạt Du Ca tháng 05/1968 [07] Cẩm nang Du Ca. Tài liệu căn bản cho khoá sinh. Thanh Ca Tác Động in trong trang 17. [08] Lớp huấn luyện kéo dài trong khoảng 1 tuần thường mở tại trụ sở trường Quốc Gia Âm Nhạc hay các hình thức trại. [09] Tổ chức Kibboutz là tổ chức trại công tác tập thể của Do Thái trong thời gian phục quốc. [10] Một số người mới như: Nguyễn Thanh Hùng, Vũ Sinh Hiên, Đinh Quốc Hùng, Trần Dạ Từ … [11] Sinh hoạt Du Ca. Số đặc biệt chuẩn bị đại hội toàn quốc. Trang: 20, 21. [12] Ban chấp hành gồm khối quản trị và xưởng Du Ca. Chủ Tịch hiện thời của khối quản trị là anh Hoàng Ngọc Tuệ. Trưởng xưởng là Nguyễn Đức Quang. Trụ sở của phong trào đặt tại 96 bis Gia Long. Một địa chỉ liên lạc khác là 114 Sương Nguyệt Ánh, Sài Gòn.