Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2024

Thụy Khanh – Buồn xưa đã hết

Đặng Mai Lan

(Tưởng niệm nhà thơ Thụy Khanh 1943-2024)

clip_image002

Thơ Thụy Khanh - Tranh bìa Đinh Cường (An Tiêm 1992)

Buồn xưa bây giờ có còn buồn không?

Câu hỏi đã lan man trong đầu tôi khi hay tin chị mất.

Buồn xưa bây giờ là tựa của một tập thơ. Bây giờ là khoảng thời gian nào? Đã qua chưa hay vẫn là hiện tại, vẫn mãi là những nỗi buồn của người tạo ra nó. Phải chăng tác giả muốn nói rằng nỗi buồn sừng sững đó, không thể phôi phai dù bất cứ lúc nào, ở đâu? Tại sao lại phải như thế?

Đã có lần tôi viết về chị. Một người tôi quen từ những ngày mới bước chân vào thế giới văn chương và thân thiết cho đến bây giờ dù tuổi tác chúng tôi cách nhau khá xa.

Đáng lý tôi sẽ viết nhiều hơn nữa, không chỉ để nói về những cuộc vui của chúng tôi. Những đêm khuya khoắt, ngồi bên nhau trong lòng xe, băng qua những con đường ngoại ô tít tắp, vắng lặng. Chúng tôi đã đuổi theo ánh sáng của vầng trăng trước mặt, hay những đám mây mù mờ chở đầy bóng tối cùng dư âm vọng lại từ một cuộc vui đầy những tiếng cười thú vị… Hay những buổi sáng ngồi bên tách cà phê trong căn bếp ngó ra khu vườn rộng. Vườn rộng, nhưng chỉ rải rác một vài chậu hoa còi cọc. Đó cũng là một nỗi buồn. Khung cảnh và những ngóc ngách của mảnh vườn nhà chị cũng là nơi ít nhiều tôi mang vào cõi viết của mình và chỉ một mình chị hiểu.

Vâng! Đáng lý tôi phải viết nhiều hơn nữa.

Nhưng điều tôi muốn viết là một cuộc đời, mà tôi nghĩ dù thế nào cũng vẫn cần ghi lại. Đời của một người con gái tài-sắc mà hồng nhan thanh xuân ngày đó đã làm say đắm biết bao người. Với tôi, cuộc đời đó như một bức tranh lập thể được lộng kiếng. Mặt kiếng không vì một nguyên nhân nào, tự nó đã có những vết trầy xướt. Có thể ví chúng như những vết thương, những thương tích định mệnh phải có nơi một đời sống thực và chúng không bao giờ giống nhau. Những hình thể, màu sắc trong tranh luôn làm tôi rung động. Nhưng tất cả những gì ẩn chứa nơi những mảng màu tối nhiều hơn sáng ấy, là những riêng tư, bất khả xâm phạm. Tôi tôn trọng không dám đến gần tìm hiểu, hỏi han vị chủ nhân của nó. Tôi chỉ đứng xa nhìn ngắm.

Nên đã bao lần tôi khuyên chị hãy viết về mình.

Từ lúc quen chị, tôi nhận ra cuộc sống chị là những hẹn hò, hẹn với thời gian. Chị mong muốn sẽ thực hiện điều này, điều kia khi xong việc này, việc nọ mà thời gian luôn có những bất ngờ. Tôi không tin thời gian. Thời gian có phép màu hoán đổi những trật tự của đời sống mà con người đã sắp xếp, dàn dựng. Sự bội bạc của thời gian nhiều hơn lòng chung thủy.

Chớp mắt, tuổi trẻ của chúng tôi đã qua đi. Những nhịp đời chậm lại.

Chúng tôi gặp nhau càng ngày càng ít. Điện thoại mỗi lúc mỗi thưa thớt hơn. Nhưng có dịp tôi vẫn khuyên chị viết. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ người viết văn có lẽ ít khi làm được những bài thơ hay. Hai phạm trù văn-thơ khó cân xứng nơi một nghệ sĩ. Là một thi sĩ và chỉ xuất bản duy nhất một thi tập,  chị sẽ viết được – tôi vẫn tin –, viết hay như những bài thơ xuôi của chị từng làm tôi rung động khi đọc.

Thi tập Buồn xưa bây giờ được những cây viết tên tuổi như cựu luật sư Trần Thanh Hiệp, nhà văn Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Hồ Trường An, Ngọc Khôi, Đoàn Đức Nhân và Vĩnh Đào viết bài giới thiệu. Những bài thơ cũng đã mang bao cảm hứng cho rất nhiều nhạc sĩ sáng tác. Nhưng tập thơ ra đời khi chưa có mạng lưới thông tin toàn cầu. Tác giả đã không nghĩ đến việc giới thiệu lại tác phẩm của mình qua những trang mạng điện tử như hiện nay. Vì vậy, ngoài những thân hữu, văn hữu yêu mến chị, tập thơ có lẽ ít được biết đến.

Hơn ba mươi năm, tập thơ dường như đã đi vào quên lãng. Bây giờ, cầm trên tay, giở từng trang đọc lại, tôi thực sự buồn-bã ăn-năn. In ấn vào thời buổi này đâu có gì khó khăn. Tại sao trước đây tôi không nghĩ chuyện khuyến khích, giúp chị tái bản, phổ biến lại tập thơ?

 

Ta mang hồn phiến cỏ

một đời hoài ăn-năn

những mùa xuân xưa đó

mù bay như khói sương

Đã mất về nơi đâu

những lời xưa chiêm-bao

mà hương gây nỗi nhớ

giờ ngỡ-ngàng trông nhau

Ôi ánh mắt thiên-thần

sáng trong niềm chờ mong

nét môi mềm vụng dại

vùng tóc là mây hoang

Nỗi buồn xưa trở lại

trên ngày tháng muộn phiền

tóc tơ vàng đá cũ

xanh-xao hoài dáng em

Trời mưa bên ấy không

xa rồi người tình chung

xưa hoàng-y rực rỡ

Sao nhung gấm bụi hồng

… Đó là những câu thơ trong bài Buồn xưa, bây giờ mà chị đã dùng để làm tựa cho thi tập. Phải chăng bài thơ này là một bài tâm đắc của tác giả? Tôi không tin như thế. Bởi vì Thụy Khanh còn có những bài thơ mà chữ nghĩa trau chuốt, bóng bẩy hơn bài thơ này. Những con chữ vẽ lên bao hình ảnh thơ mộng trữ tình, thoảng chút hương xưa tiền chiến hay bàng bạc âm điệu cổ thi. Và phải chăng những câu chữ giản dị mới có thể lột tả được tâm tư tình cảm của tác giả?

Hầu như mỗi năm, chúng tôi đều đi dự văn nghệ Tết do Tổng hội Sinh viên Việt Nam tại Paris tổ chức. Năm nay tôi không thấy chị, tôi nghĩ có lẽ chị bận. Tôi dặn lòng sẽ gọi điện thoại thăm chị. Tôi nào biết chị đang nằm bệnh, đang chống chọi với tử thần.

Tôi nhớ lại lần cuối chúng tôi trò chuyện qua điện thoại. Chị rất vui, chị đang chờ đợi một ngày vui trong bao số ngày đã lỡ lầm đánh mất. Còn tôi, chỉ là người được chị chia sẻ nhưng tôi cũng háo hức đợi chờ như chính tôi là chị. Tất cả cũng nằm trong một hứa hẹn tùy vào ngẫu hứng của thời gian. Tôi mong thời gian sẽ ưu đãi chị hơn bất cứ lúc nào. Lời cầu mong của tôi có đến được với chị không? Tôi tiếc là đã không còn cơ hội được biết để chia sẻ buồn-vui cùng chị.

Nhắc đến chị, dường như trong trí nhớ mỗi người không phải là một Thụy Khanh thi sĩ mà là hình ảnh một Thụy Khanh của âm thanh, đàn, sáo. Quả tình ngâm thơ cũng như ca hát. Chị có một giọng ngân nga luyến láy đầy cảm xúc, dễ làm rung động tâm hồn người thưởng thức.

 

Hãy nói về cuộc đời

khi tôi không còn nữa

sẽ lấy được những gì

về bên kia thế giới

ngoài trống vắng mà thôi

Thụy ơi và tình ơi[1]

 

Tôi thích nghe chị hát bài này và tôi cảm thấy chị hát hay hơn những ca khúc khác, có lẽ vì chữ "Thụy" trong bài.

 

Thụy bây giờ về đâu?

Con đường ngắn có những ngôi nhà đóng cửa, ánh điện vàng hắt ra trong đêm.

Con đường sẽ đem ta đi xa hơn trong mịt-mùng đắm-mê, khi điệu đàn vẳng lên đâu đó, khi cánh tay anh quàng lên vai em, cho những lá me viết trang tình-sử.

Con đường là nỗi nhớ, niềm cô-đơn, một thoáng buồn như ngày mồng một Tết, là tiếng hát ăn- năn cay xé cả đời mình.[2]

Đừng hát nữa những lời ăn-năn cay xé! Mong chị thanh thản ra đi, về với quê nhà, đường xưa phố cũ. Về lại con đường Trần Quý Cáp thuở nào của người em phi hành[3] môi hồng mắt biếc. Nơi cõi thiên thu ấy buồn xưa sẽ quên.

 

clip_image004

Từ trái sang phải: Đặng Mai Lan, nhà văn Kiệt Tấn, nhà thơ Thụy Khanh và luật sư Trần Thanh Hiệp (Paris tháng 5/2004)

(Paris 15/ 3/2024 – ngày tiễn đưa Thụy Khanh về cõi thiên thu)


[1] Khúc Thụy du (Anh Bằng - Du Tử Lê) [2] Con đường lá me bay (Thụy Khanh) [3] Người em phi hành (Thụy Khanh)