Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2024

Tọa đàm ra mắt sách “Lịch sử đã đến hồi chung cuộc?”

 

D:\PBT\Trust\logo\TrustBooks Logo_Black-05.png

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

TỌA ĐÀM RA MẮT SÁCH

LỊCH SỬ ĐÃ ĐẾN HỒI CHUNG CUỘC?

Khảo Cứu Tư Tưởng Hegel, Kojève Và Fukuyama

Và Viễn Kiến Mới Cho Triết Học Lịch Sử

 

TP.HCM, ngày 21/01/2024 - Công ty Sách Trustbooks phối hợp cùng Trung Nguyên Legend - Cà phê thứ 7 tổ chức buổi tọa đàm ra mắt sách của tác giả Nguyễn Hữu Liêm, cùng với sự tham gia của Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng (chủ trì) với chủ đề LỊCH SỬ ĐÃ ĐẾN HỒI CHUNG CUỘC? trong tư tưởng của Hegel, Kojève, Fukuyama, đồng thời trình bày viễn kiến mới cho triết học lịch sử.

image  

NỘI DUNG BUỔI TỌA ĐÀM

Lịch sử đã đến hồi chung cuộc? Vâng, đó chính là khẳng định của Alexandre Kojève trong Introduction à la lecture de Hegel và của Francis Fukuyama trong The End of History and the Last Man. Theo Kojève, khi chúng ta chứng kiến sự xuất hiện tràn ngập của những nhà nước được tổ chức theo các nguyên tắc của lý tính, của tính đồng dạng (homogeneity), của chủ nghĩa vô thần và cơ chế quan liêu, trên khắp thế giới này, và, theo Fukuyama, khi nền dân chủ tự do và chủ nghĩa tư bản thị trường-tự do bắt đầu xác lập được vị thế khắp hành tinh này vào cuối thế kỷ XX, bấy giờ Lịch sử Thế giới sẽ đi đến chỗ hoàn tất của nó. Khẳng định táo bạo này của hai nhà tư tưởng ấy đều dựa trên các quan niệm của Hegel. Vậy, cả Kojève và Fukuyama đã trung thành với triết học lịch sử của Hegel đến mức nào? Liệu có cách đọc nào khác đối lập với các tuyên bố của cả hai triết gia trên?

Mặc dù thoạt đầu vấn đề này được Kojève nêu lên từ những năm 1930, nhưng suốt hai thập niên qua nhiều học giả hàng đầu về Hegel, từ Barry Cooper và Timothy Burns đến David Walsh và Perry Anderson, nhất là bắt đầu với Fukuyama trong “The End of History and the Last Man”, đã tiến hành lại một cuộc tranh luận công khai và nghiêm túc về khái niệm “chung cuộc lịch sử”. Tuy nhiên, qua khái niệm này, Hegel muốn nói gì? Phải chăng lịch sử thế giới đã đi đến điểm cuối cùng đầy vinh quang, với nền kinh tế chính trị và mô hình tôn giáo Tây Phương là biểu tượng của diễn trình mục đích luận này, như Fukuyama từng tuyên bố?

Tác giả Nguyễn Hữu Liêm cho rằng, cuộc tranh cãi về “chung cuộc lịch sử” phản ánh một sự nhầm lẫn trong triết học. Nhầm lẫn này có lẽ đã ngầm ảnh hưởng lên nhiều nhà phê bình. Vấn đề không liên quan đến sự bất đồng về bản chất và ý nghĩa (nếu có) của lịch sử, dù lịch sử này diễn ra theo chiều tuyến tính, theo hướng tiến bộ, theo kiểu mục đích luận, hoặc theo một cách thức nào khác. Thay vào đó, cuộc tranh luận trí tuệ này bàn về Zeitgeist [Tinh thần thế giới] đang diễn ra. Tức là, nó tập trung vào tâm trí [hay tâm thức] Phương Tây đầy say mê và không ngừng nghỉ, ẩn sâu trong tinh thần của khoa học và công nghệ đang tìm kiếm một kết luận chung quyết cho cuộc truy tầm về đời sống hiện hữu của nó. Thêm vào đó, như là những đứa con của thời đại mình, dù có nhận ra hay không, chúng ta thường tôn thờ thế giới quan này, dựa vào quan điểm thực nghiệm khoa học có chọn lọc và do đó không đầy đủ, như một con đường duy nhất để vươn tới trí tuệ. Đồng thời, ta cũng ra sức mô phỏng cung cách giám mục đầy quyền uy của các nhà khoa học hiện đại. Do đó, khi đi vào một diễn ngôn về lịch sử, chẳng hạn như thuyết duy sử của Hegel, chúng ta thường kết hợp những gì có thể kiểm chứng và định lượng được về mặt thường nghiệm đối với những gì thuần túy là hình thức của một siêu hình học đề ra chỉ thị và tư biện. Nói theo ngôn ngữ của Susan Shell, “Ý niệm của lịch sử có một sức mạnh lôi cuốn kỳ lạ tự trong chính mình, sức mạnh ấy dẫn dụ ta bước vào một cách đọc nhằm tìm kiếm trong các sự kiện một tính tất yếu, vốn hoàn toàn vắng mặt nơi chúng”.

Trong bối cảnh tri thức này, một cách hiểu lý thuyết về lịch sử, mà không quan tâm đến hướng chuyển động có thể diễn ra của nó, hẳn phải dựa vào một thiên kiến xem trọng các dữ liệu có thể kiểm chứng thường nghiệm. Tác giả cho rằng, đó là một ảo tưởng, mà cả Kojève và Fukuyama đều vướng phải. Ở mức độ nào đó, cả hai ông đều vô thức nâng một hệ hình về lịch sử thế giới – loại trừ thế giới bên ngoài-Châu Âu – lên thành khái niệm; sự khái quát hóa này dựa vào lập trường tư tưởng độc tôn thế giới Phương Tây, đồng thời củng cố cho thuyết duy nghiệm chọn lọc của họ. Vì thế, thuyết Hegel của họ chỉ có tính cục bộ và không đầy đủ, và như thế họ có xu hướng kiểm chứng “các sự kiện” lịch sử, vốn chỉ được dùng để biện minh cho các khái niệm của mình, trong chừng mực chúng biểu hiện chức năng trong thiên kiến này. Ta cùng xem xét quan niệm của Kojève theo xu hướng Hegel rằng, như là sự tiến bộ trong Tự-ý thức về Tự do, lịch sử thế giới vẫn chưa bắt đầu mãi cho đến thời Hy Lạp hóa. Nếu không đặt ra một bộ khung quy tắc cho quan niệm về tự do chính trị, thì nỗ lực khẳng định ý tưởng này cùng với “các sự kiện” hẳn là việc làm ngớ ngẩn. Trọng tâm vấn đề nằm ở nỗ lực sắp xếp lại các sự kiện lịch sử, nhằm xác định giá trị của những khái niệm được tiền giả định, mà không cần phải thiết định bộ tiêu chuẩn và phương pháp lý thuyết về mặt thường nghiệm để xác nhận chúng. Trong bối cảnh ấy, tinh thần tư biện bị sự ham muốn của nó dẫn dụ để tuân theo một cấu trúc thứ bậc đầy cuốn hút và xem nó như là chân lý cao vời, thay vì tuân theo cái gì đó tồn tại trong lĩnh vực thường nghiệm – như Heidegger từng cảnh báo trong quan điểm của ông về tính hiện đại. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm cho rằng, tự thân khái niệm “chung cuộc lịch sử” có một sức hấp dẫn đối với suy tư triết học đến mức đã khiến Kojève, Fukuyama và nhiều tác giả khác đã ngộ giải hay hiểu nhầm các ý tưởng của Hegel, theo xu hướng xoa dịu những tâm hồn đậm chất hậu-hiện đại kiểu Nietzsche của họ trong cuộc tìm kiếm những ý nghĩa phổ sinh. 

Trong ngữ cảnh lịch sử và tư tưởng như vậy, tác giả hi vọng có thể phát triển đầy đủ một nghiên cứu phê phán về cách Kojève và Fukuyama tái định hình ý niệm chủ đạo trong triết học lịch sử của Hegel. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm sẽ nỗ lực làm sáng tỏ nội hàm của khái niệm “chung cuộc lịch sử”, đồng thời tập trung làm rõ những khía cạnh cụ thể như sau: Kojève đã sử dụng phép biện chứng của Hegel như thế nào trong cách hiểu của ông về khái niệm này? Vì sao Fukuyama tiếp thu và tiếp nối cách diễn giải của Kojève về Hegel, để tuyên bố về thắng lợi vinh quang của thế giới phương Tây vào cuối thế kỷ XX?

Vì vậy, tác giả Nguyễn Hữu Liêm chủ yếu thảo luận về phương diện lý thuyết, mà không viện dẫn đến các dữ kiện thực nghiệm hoặc số liệu thống kê, nhằm khẳng định hoặc bác bỏ các luận điểm trong cuộc tranh luận triết học này – ngoại trừ ở những chỗ cần đề cập đến thực trạng hiện thời của thế giới. Tương tự như vậy, đề án nghiên cứu này cũng không đề cập đến quan cảnh “hậu-lịch sử” và bản chất của “con người cuối cùng hay, con người mạt hậu” trong dự đoán của cả Kojève và Fukuyama. Nói cách khác, trọng tâm của tác giả là cho thấy lý do vì sao hai nhà tư tưởng trên đã rơi vào chỗ ngộ giải về Hegel, và hệ quả của lối diễn giải sai lầm ấy là gì. Như nhận định của Timothy Burns, nỗ lực nắm bắt bản chất của lịch sử phổ quát và sự chung cuộc của nó bằng khái niệm theo cách tiến hành của Kojève và Fukuyama là một nỗ lực thất bại. Nhưng “thất bại ấy là đáng ghi nhận: vì nó vừa hoành tráng, lại vừa ý nhị” khi dày công làm cho triết học lịch sử độc đáo, sâu sắc và đầy cảm hứng của Hegel trở nên hệ trọng đối với diễn tiến của các sự kiện trong hiện tại. Chỉ có điều, các định đề của họ không phản ánh đầy đủ về trạng thái hiện thời của nhân loại trong diễn trình lịch sử khao khát Tự do, cũng không cho thấy rõ tình trạng chính trị của đầu thiên niên kỷ mới. Mặc dù vậy, những sai lầm của họ ít nhất cũng khiến ta ý thức về nhu cầu xác lập cơ sở lý thuyết khi nhận định lịch sử; đồng thời, cũng phải thấy rằng, dù thất bại, nhưng nỗ lực của họ là đáng ngưỡng mộ với mục đích muốn nắm bắt ý nghĩa tối hậu của quang cảnh hậu-hiện đại.  

Tác giả Nguyễn Hữu Liêm chia nghiên cứu này thành 5 phần. Phần thứ nhất, khảo sát và đào sâu các văn bản quan trọng của Hegel, nhằm diễn giải điều ông muốn nói qua khái niệm “chung cuộc lịch sử”. Trong các bản dịch Anh ngữ hiện có, Hegel chưa bao giờ sử dụng thuật ngữ “chung cuộc lịch sử”, thay vào đó, tác giả cho rằng ông muốn nói về mục đích hay mục tiêu tối hậu của lịch sử , một quan niệm về nguyên nhân cứu cánh đậm đặc tư tưởng Aristotle. Đối với Hegel, nguyên nhân cánh cứu hay mục đích cứu cánh của lịch sử là Tự do, nhưng nó không phải là điểm-kết đối với lịch sử thường nghiệm của thế giới. Trên thực tế, Hegel quan niệm rằng lịch sử sẽ diễn tiến một cách bất định trong vòng khâu vĩnh cửu và tiến lên của quá trình chuyển hóa biện chứng, ở đó ý thức con người không ngừng được nâng lên và hướng tới một Tự do ngày càng được hiện thực hóa. Tự do này không hề giới hạn vào tự do chính trị, vì bản chất của nó là quá trình hiện thực hóa trọn vẹn tiềm năng thánh thiêng [hay thần tính của Thượng đế] cố hữu nơi mỗi người. Theo nghĩa đó, tác giả Nguyễn Hữu Liêm sẽ khám phá khái niệm “chuyển hóa biện chứng” và Tự do của Hegel. Từ đó, ta có thể thấy dự phóng chủ đạo trong triết học lịch sử của Hegel là nhằm chứng minh rằng sự tiến bộ trong ý thức của nhân loại về Tự do chính là động cơ và mục đích của lịch sử, và kỳ cùng, nó là biểu tượng của ý chí thánh thiêng hay ý chí của Thượng đế, đang hiện thực hóa chính mình trong thế giới.

Sau khi trình bày cách hiểu của mình về Hegel, tác giả tập trung làm rõ cách Kojève đã diễn giải sai lệch khái niệm “chung cuộc lịch sử” của Hegel như thế nào. Kojève đã đi chệch hướng khi phát triển một cách diễn giải Marxist về phép biện chứng lịch sử của Hegel. Lối diễn giải này đã tầm thường hóa triết học lịch sử của Hegel và cách hiểu của ông về ý nghĩa của tự do. Kojève phạm phải sai lầm tận nền tảng khi tuyên bố, theo quan niệm của Hegel, lịch sử thế giới đã kết thúc hoặc với sự hình thành nhà nước Phổ vào năm 1806, hoặc, như chính Kojève về sau khẳng định, nó kết thúc với sự thành lập nhà nước cộng hòa liên bang Soviet vào đầu thế kỷ XX. Lập trường của tác giả Nguyễn Hữu Liêm cũng tham chiếu công trình của nhiều triết gia theo trường phái Hegel là Roger F. Devlin và Shadia Drury, v.v., vì họ trực tiếp phê bình cách đọc của Kojève và Fukuyama.

Để vấn đề được đào sâu hơn, tác giả đi vào phân tích cuộc tranh luận triết học về khái niệm “chung cuộc lịch sử” trong tác phẩm chính trị của Fukuyama vào năm 1989 với cách diễn giải lại Hegel qua lăng kính của Kojève. Nói tóm lại, là một nhà tân bảo thủ, Fukuyama lập luận rằng lịch sử đã kết thúc vào năm 1989 sau sự kiện Liên bang Soviet sụp đổ, đó cũng là cột mốc chấm dứt cuộc Chiến tranh lạnh. Theo Fukuyama, chiến thắng của phương Tây trên bình diện chính trị đã dẫn đến sự đồng thuận cơ bản rằng, hệ thống dân chủ đa nguyên và nền kinh tế thị trường-tự do chính là các biểu hiện của quá trình hiện thực hóa tối hậu đối với lý tưởng của con người về Tự do. Ông cho rằng các sự kiện lịch sử vẫn sẽ tiếp tục, nhưng khái niệm phổ quát và chung quyết về Tự do đã được hoàn tất, và theo nghĩa đó nó siêu việt lịch sử. Đối với phương Tây, cuộc cách mạng kế tiếp không bắt nguồn từ bất kỳ ước muốn khao khát vươn tới lý tưởng nào cả, mà mỉa mai thay nó đến từ nỗi buồn chán. Ở đây, tác giả bàn về tiểu luận năm 1989 của Fukuyama trong National Interest và cách ông diễn giải luận điểm này trong “The End of History and the Last Man”. Tác giả cũng đề cập đến nhiều phản ứng, nhất là từ các nhà nghiên cứu hàn lâm, đối với khẳng định của Fukuyama, và cả những lập luận mà ông trả lời họ. 

Bước tiếp theo, tác giả trình bày cách đọc và diễn giải của mình đối với quan niệm của Hegel về lịch sử, sự tiến bộ và tất định luận lịch sử dưới góc nhìn của các định đề của Kojève và Fukuyama. Tác giả cho rằng, đối với Hegel, – cũng như nhiều người khác, ví dụ, J. N. Findlay, xem là nhà Aristotle hiện đại – sự phát triển biện chứng của ý thức con người hướng về Tự do cần phải tiến hành quá trình hiện thực hóa trọn vẹn các lý tưởng Tự do trong thực tại cụ thể của mọi xã hội. Nói như Peter Hodgson, học giả danh tiếng về Hegel, sự thống nhất-đa dạng bao gồm mọi thành viên trên thế giới sẽ triển khai “tầm nhìn đa diện. Cái nhìn này hợp nhất tất cả những ai khao khát lý tưởng Tự do. Mục tiêu tối hậu của lịch sử sẽ được thực hiện trong tương lai, và tương lai này cần một cách hiểu mới về mục đích luận của Hegel, điều mà Kojève dù đã nỗ lực nhưng đã thất bại. Nếu phải áp dụng Hegel vào các ngữ cảnh hiện đại, ta phải phơi bày thực tại chính trị của nước Mỹ trong thế kỷ XX và XXI – “mảnh đất của tương lai”, như Hegel từng dự đoán – và sự trỗi dậy của Châu Á và Thế giới thứ ba. Khi để cho ý thức về Tự do quay trở lại nguồn gốc của nó, tác giả cho rằng, tinh thần của lịch sử nước Mỹ sẽ chuyển dịch sang châu Á, bằng cách đó vòng tròn của nguyên nhân đầu tiên và cuối cùng của Aristotle sẽ hoàn tất.

Cuối cùng, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm dành sự quan tâm và trình bày rõ các phương diện thần học trong triết học Hegel, được gọi là “tầm nhìn đa diện” của lịch sử tương lai thật ra chính là giai đoạn tiếp theo của Thời đại Hành tinh (Planetary Era), ở đó chúng ta sẽ vun bồi một “trí tuệ phức hợp” mới mẻ và phổ quát, như đề xuất của Sean Kelly. Tác giả cho rằng, tương lai này là một chặng đường của Lịch sử, là nơi Lịch sử hiện thực hóa Tự-ý thức về Tự do, và đó cũng là nơi chúng ta nuôi dưỡng một nền văn hóa của nhận thức trọn vẹn, thâu gồm mọi thành quả trong thành tựu của con người ở nhiều lĩnh vực khác nhau – từ tâm lý học bề sâu đến vũ trụ học, từ chính trị học đến khoa học. Cách tiếp cận toàn bộ luận này sẽ giúp ta xây dựng một lịch sử thế giới mới cho toàn nhân loại. Lịch sử này thấm đẫm tinh thần cộng đồng và đặt nền tảng dựa trên tính toàn vẹn của mỗi cá nhân. Với tầm nhìn đó, có thể thấy lịch sử vẫn chưa dừng lại, đúng hơn nó đang đi vào một thời đại mới với sự chuyển đổi thật sự diễn ra trong ý thức cho toàn thể nhân loại. Đúng với siêu hình học Hegel, Tiến trình này chính là mục đích luận đúng thật của lịch sử. 

Theo tác giả, nghiên cứu này không phải là công trình của một học giả Á Châu theo đuổi ý hướng chống lại-Châu Âu với thái độ phẫn nộ, cũng không phải là phản tư khái quát về một luận thuyết phương Tây. Để hiểu những khiếm khuyết lẫn những thấu thị của một luận thuyết triết học, về mặt khái niệm, chúng ta cần giữ một khoảng cách vừa phải, nhưng không quá cách biệt với nó. Đó chính là viễn tượng lý thuyết mà tác giả Nguyễn Hữu Liêm muốn trình bày ở đây. Ông cho rằng Hegel là triết gia vĩ đại và biện chứng pháp của ông là độc đáo và độc nhất trong lịch sử của cả triết học phương Tây lẫn phương Đông. Như thế, nghiên cứu này mang ý định phát triển một đánh giá toàn diện và phê phán đối với tính chính đáng của diễn ngôn triết học nơi Kojève và Fukuyama, đồng thời trình bày những quan niệm ngoại biên và (bị xem là) không quan thiết về Tự do và Lịch sử bên ngoài xu hướng chủ đạo của tư tưởng phương Tây.  

Về phương diện cá nhân, công trình này là một nỗ lực dài hơi. Kể từ thời điểm mới tốt nghiệp đại học, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm đã bắt đầu đọc triết học lịch sử của Hegel, và vào cuối những năm 30 tuổi đã đắm chìm trong triết học của ông. Dù vô cùng say mê và tin tưởng vào siêu hình học của Hegel, nhưng tác giả luôn cảm thấy tầm bao quát biện chứng của ông dường như quên lãng những con người như ông – một người Việt Nam nhập cư trên đất Mỹ bởi vướng vào cuộc chiến trên mảnh đất quê nhà. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm luôn tin rằng tư tưởng Hegel đủ tầm mức rộng lớn để vươn tới tất cả mọi người và mọi nền văn hóa với những sắc thái đa dạng riêng biệt. Vì thế, qua công trình này, tác giả Nguyễn Hữu Liêm muốn kết tinh trong nỗ lực liên lỉ của một học giả muốn trình bày lại cuộc hành trình tự-khám phá bản thân mình cũng như khám phá ý thức về Tự do.

Mọi thông tin liên hệ:

Ms Tâm – Chuyên viên Truyền thông

SĐT: 0906328636

Mail: trustbooks.vn@gmail.com