Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2024

Phản lực của Newton và phản nghĩa của “tôn đại”

Nguyễn Hoàng Văn

 

“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.”

Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều  bình thường mà là một môi trường nào đó  thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.

Lần thứ ba, liên tiếp, Đài Loan đã thể hiện quyết tâm làm một quốc gia độc lập, tái khẳng định rằng cái xứ sở độc tài và bần tiện kia không phải là đất tổ mà mình phải quy về. Tân Tổng thống Lại Thanh Đức xuất thân là một bác sĩ hiền lành mà, theo tự bạch trong bài viết “My Plan to Preserve Peace in the Taiwan Strait” trên tờ The Wall Street Journal năm ngoái (4/7/2023), thì chính những trò hù doạ của Bắc Kinh đã đẩy ông vào chính trường.

Đó là năm 1996, khi Đài Loan cải tổ chính trị với cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên, đoạn tuyệt với nền chính trị độc đoán kéo dài hơn nửa thế kỷ của Quốc dân đảng. Nhưng diễn biến tươi sáng này lại khiến Bắc Kinh lo lắng, vận dụng hầu như toàn bộ sức mạnh cứng và mềm của hệ thống cai trị để ngăn chặn, từ việc gia tăng sức ép trong trận thế bao vây ngoại giao đến trò khủng bố tinh thần bằng các cuộc diễu binh rầm rộ cùng cuộc tập trận bằng đạn thật trên eo biển Đài Loan. Chính cái giây phút đó, cái giây phút mà đạn pháo và hỏa tiễn Trung Cộng xé toang mặt biển bình yên của Đài Loan, làm gián đoạn các chuyến hải hành và đe dọa các cộng đồng duyên hải, đã  xoay chuyển hẳn cuộc đời của người thầy thuốc có giọng nói nhỏ nhẹ như là thời khắc quyết định: phải dấn thân vào chính trị để bảo vệ nền dân chủ. [1]

Đó là gì nếu không là “phản động lực” mà Newton đã nêu trong định luật vật lý thứ ba? Khi vật thể này tác động lên vật thể khác một lực nào đó, vật thể thứ hai sẽ tác động lại một lực cùng cường độ và, dĩ nhiên, ở đây không đơn thuần là tác động cơ học lên một vật thể mà là công hiệu chính trị với ý chí sinh tồn và khát vọng tự do, dân chủ!

Và đó cũng là những gì từng diễn ra tại Úc mà, hơn ba năm trước, nhà bình luận Peter Hartcher tóm tắt trên tờ The Sydney Morning Herald (20/6/2020), theo đó khi say mê tìm cách tiến xa trong lĩnh vực điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo và khoa học không gian, Trung Quốc đã quên đi một định luật vật lý căn bản. [2]

Càng thành công về kinh tế thì Bắc Kinh càng tỏ thái độ kẻ cả, hung hăng và cung cách bề trên này đã đạt đến điểm cực đại khi Tập Cận Bình lên ngôi nhưng, càng hách dịch bao nhiêu, Bắc Kinh càng kích động những phản lực mạnh mẽ bấy nhiêu. Hartcher nhận định:“Nước Trung Hoa từng hành động theo phương châm ‘ẩn thân chờ thời’ của Đặng Tiểu Bình suốt bốn thập niên qua mới được Tập ban bố một hướng đi mới là ‘nỗ lực để thành công’. Chẳng tội tình gì khi làm hết sức mình. Nhưng khi anh làm mọi cách để tước đoạt lãnh thổ của láng giềng, xân phạm chủ quyền của họ và quyền tự do của người khác ở mọi nơi, anh đã khiến họ phải tức giận, căm thù.”

Sự trịch thượng nước lớn cùng cách trả đũa nhỏ nhen của Bắc Kinh sau những tranh cãi liên quan đến nguyên nhân gây ra đại dịch Covid-19 đã kích thích tinh thần quốc gia tại Úc. Chính Trung Quốc đã khiến người Úc nhận ra rằng họ đã “nghiện Trung Quốc” như thế nào và, do đó, phải xét lại chính sách thương mại, phải đa phương hóa bạn hàng và đa dạng hóa các nguồn hàng. Nhưng bài học căn bản ấy vẫn chưa được học và, thậm chí, trong diễn văn dọc nhân lễ kỷ niệm 100 năm ngày khai sinh Đảng cộng sản Trung Quốc (1/7/2021), kẻ đứng đầu đảng còn hăm dọa là sẽ “đập” cho những kẻ dám cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc đến “tóe máu bể đầu”, chỉ để dẫn đến  những phản động lực tạo thành càng nghiêm trọng hơn [3].

Trong những cái “nghiêm trọng” đó, mới nhất, là kết quả bầu cử tại Đài Loan, nơi Tập gởi gắm giấc mơ lớn nhất của đời mình, theo đó y sẽ qua mặt cả Mao Trạch Đông với di sản lịch sử để lại cho đời sau như là lãnh tụ đã mang Đài Loan về cho tổ quốc.

Nếu “thầy”, vì ngây ngất trước những phát triển thần kỳ của mình mà quên đi định luật căn bản của vật lý thì “tớ”, tại Hà Nội, lại choáng ngợp trước sức mạnh của Trung Quốc để hoàn toàn tê liệt, đánh mất phản động lực Newton để, ít nhất là từ năm 1988, với trận Gạc Ma, đã thể hiện quyết tâm… thua.

Đó là điều mà Leon Tolstoy đã nêu trong Chiến tranh và hòa bình, quyển 10, chương 25, qua suy nghĩ của nhân vật Andrei Nikolayevich Bolkonsky: “Người ta chỉ thắng trận khi quyết tâm chiến thắng. Tại sao chúng ta bị thua ở Austerlitz? Thương vong của quân Pháp cũng sàn sàn với quân ta nhưng, ngay từ đầu, chúng ta đã tự nhủ rằng chúng ta sẽ thua và do đó chúng mới thua. Và chúng ta nhủ vậy là bởi chúng ta không biết mình chiến đấu cho cái gì, chỉ muốn rút ra khỏi chiến trường càng sớm càng tốt. ‘Bại trận rồi à, chạy thôi’. Thế là chúng ta bỏ chạy. Nếu chúng ta không nói như thế trước khi trời tối thì chỉ có Trời mới biết cái gì sẽ xảy ra..” [4]

Thì, chỉ có Trời mới biết. Có Trời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu, vào năm 1953, bậc tiền bối của bầy “tớ” hiện tại quyết liệt phản ứng với “thầy”, không mang ân nhân của cách mạng ra hành quyết để mở màn cho cuộc đấu tranh gia cấp máy móc toa rập theo “thầy”? Và chỉ có Trời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu, năm 1988, viên đại tướng toàn quyền trên lĩnh vực quân sự khôngquyết tâm thua ”, không đích thân ra lệnh bộ đội trên đảo đá Gạc Ma không được nổ súng đáp trả quân “thầy”? Và có Trời mới biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu, năm 1990, gần như toàn ban lãnh đạo chóp bu, kể cả cố vấn cao cấp Phạm Văn Đồng, có cả viên tướng “quyết tâm thua”, không nhún mình đến tận cái xó Thành Đô để diện kiến thầy với “quyết tâm hòa”?

Mà cũng chẳng cần phí sức hỏi Trời bởi tổ tiên của chúng ta, qua những bài học lịch sử, đã có sẵn câu trả lời. Tổ tiên, như Lý Thường Kiệt, với bài thơ thần bất hủ “Nam quốc sơn hà Nam đế cư /Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”, đã trả lời. Tổ tiên, như Trần Thủ Độ với tuyên bố “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”, cũng đã trả lời. Và tổ tiên, đi trước như Ngô Quyền, cùng thời hay đi sau như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi rồi Quang Trung, v.v. nhất định cũng đã trả lời. Sở dĩ dân tộc đứng vững trước sức ép to lớn từ phương Bắc là nhờ những anh hùng dân tộc ấy thể hiện ý chí chiến thắng, không chịu khuất phục từ đầu mà, đặc biệt nhất, là Nguyễn Trãi, với chiến lược tâm công, đánh vào ý chí của quân thù “Ta đây mưu phạt tâm công chẳng đánh mà người chịu khuất”.

Nhưng bây giờ thì chỉ thấy trò “phản tâm công”, cái chiến thuật khủng bố chỉ để đánh vào ý chí của chính dân tộc mình, để nhân dân phải khuất phục, đầu hàng. Để biện minh, hay chữa thẹn, họ hoa mỹ rằng đó là “ngoại giao cây tre”, cái ngụy ngữ được sử dụng một cách tâm đắc ít nhất từ sáu năm nay nhưng, xét ra, chỉ có tác dụng duy nhất là… làm nhục cây tre. [5] Từ mấy ngàn năm nay loài tre đã chứng tỏ được sự vững vàng với sức bật bền bĩ nhờ vào bộ rễ vững chãi và thân mình dẽo dai trong khi cái cung cách ngoại giao của họ, ít ra là từ mấy chục năm nay, không thể gọi là bật như tre.

Nếu gọi là tre, có lẽ phải nhìn vào sức bật của Đài Loan, hình thành từ một “bộ rễ” kinh tế vững vàng và dẻo dai bật mạnh với khát vọng tự do, dân chủ cùng ý thức sinh tồn và ý thức chủ quyền. Họ thì khác. Từng có những điểm tựa vững vàng, tựa vào Trung Quốc để chống Pháp, tựa vào Trung Quốc và Liên Xô để chống Mỹ, rồi tựa vào Liên Xô để chống Trung Quốc thì bây giờ thì không nơi nào để tựa. Kinh tế thì hổ lốn, ăn xổi ở thì, lại bị chi phối trong sự ràng buộc của mối quan hệ cộng sinh với những nhóm lợi ích thối nát, sẵn sàng bán rẻ đất nước và nhân dân; càng không có một khát vọng nào ngoài cái tham vọng cai trị. Mà để được cai trị vĩnh viễn như thế này thì phải duy trì tình trạng hiện hữu nên, do đó, chỉ có thể rạp mình xuống; sức ép càng mạnh bao nhiêu, càng rạp mình thấp xuống bấy nhiêu, chỉ để được cầm quyền!

Hình ảnh cúi xuống này đã làm tôi nghĩ đến từ phản nghĩa của “tôn đại”, trong bài học về “Lòng ái quốc” vẫn còn nhớ mãi:

Bây giờ còn bé, con chưa thể hiểu thấu được thế nào là lòng yêu nước. Rồi ra con sẽ biết. Khi con du lịch ở xa về, một buổi sáng, đứng dựa bao lơn tàu con thấy ở chân giời một dãy núi xanh của xứ sở hiện ra, bấy giờ con sẽ thấy trào lệ cảm ở lòng con dâng lên và miệng con vuột ra những tiếng kêu mừng rỡ.

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con ở nước ngoài chợt nghe thấy một người trong đám thợ thuyền nói tiếng nước con, theo lòng con xui giục tự nhiên con đến hỏi chuyện người thợ không quen ấy.

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước, khi con nghe thấy người ngoại quốc lăng mạ xứ sở con, lòng tức giận sẽ làm cho con nóng mặt.

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước mạnh mẽ và tôn đại hơn nữa, nếu một ngày kia, nước địch vô cố giày xéo vào đất ta; lúc ấy con sẽ thấy nào cha hôn con khuyên câu ‘dũng cảm’, nào mẹ tiễn con hẹn lúc ‘khải hoàn’.

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con trông thấy những đội quân vất vả trở về với những khúc ca chiến thắng.

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước khi con trông thấy lá cờ ba sắc bị bắn tả tơi đi đầu một toán người nghĩa dũng, ai nấy đều phô cao trán buộc băng hay cái tay bị bó, trong đám đông dân chúng hoan hỉ, họ ném hoa mừng bay buông những lời chúc tụng.

An Di ơi! Bây giờ con đã hiểu thế nào là lòng ái quốc. Đó là một điều rất to tát, rất thiêng liêng. Ví một ngày kia, ta trông thấy con về trận được an toàn, nhưng được tin con lẩn lút để tránh cái chết, thì cha đây vẫn đón con lúc đi học về bằng những tiếng cười vui vẻ, bấy giờ cha sẽ đón con bằng những tiếng khóc xót xa. Cha sẽ không thể thương con được nữa và sẽ đâm tim mà thác cho rồi!” [6]

Đó là một bài trích từ Tâm hồn cao thượng của Edmond de Amicis mà những học trò tiểu học, trong nền giáo dục VNCH, làm quen qua bản dịch của Hà Mai Anh. Tôi nhớ mãi bởi đó là một phần của đề thi của Sở Học chánh Quảng Nam, áp dụng trên toàn tỉnh năm tôi học lớp Năm, với câu hỏi về từ phản nghĩa của ‘tôn đại’ mà, lúc bước ra khỏi phòng thi, ai cũng hỏi nhau, thậm chí còn khiến cả nhiều bậc phụ huynh ngơ ngác.

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước mạnh mẽ và tôn đại hơn nữa, nếu một ngày kia, nước địch vô cớ giày xéo vào đất ta ; lúc ấy con sẽ thấy nào cha hôn con khuyên câu ‘dũng cảm’, nào mẹ tiễn con hẹn lúc ‘khải hoàn’.

Cảnh mẹ tiễn con ra trận bao giờ cũng cảm động và tôi nghĩ đến bà mẹ anh hùng, đọc đâu đó trong cổ sử Hy Lạp, khi đứa con sắp sửa ra trận than thở là cây kiếm của mình ngắn quá: “Thì con bước tới một bước nữa”.

Như thế, chưa bao giờ mà sự phản nghĩa với “tôn đại” trong bài học về lòng yêu nước cho trẻ nhỏ lại thể hiện với những bằng chứng sống động và tràn trề như ngày hôm nay, với hạng người không chỉ lớn mà là… cực lớn.

Nó phản nghĩa ở cái gọi là “ngoại giao cây tre”, ở những lời biện minh rằng thôi thì “kiếm ngắn” quá, hãy lùi lại, hãy tra vào vỏ, từ chính cái đám người cực lớn ấy.

Nó phản nghĩa như ở Gạc Ma năm 1988, khi giặc “vô cố giày xéo đất ta” mà những đội quân vất vả ở trận tiền không những chỉ bị giặc thảm sát mà bị cả chủ tướng của mình thanh toán từ phía sau. Họ, thậm chí, còn bị cái thế lực phản nghĩa với “tôn đại” ấy làm đủ cách để xóa bỏ khỏi ký ức cộng đồng, kể cả những trò dơ dáy, bẩn thỉu nhất!

Con sẽ cảm thấy tình yêu nước, khi con nghe thấy người ngoại quốc lăng mạ xứ sở con, lòng tức giận sẽ làm cho con nóng mặt” và sự phản nghĩa với “tôn đại” đã bị đẩy đến mức tận cùng khi những người con của tổ quốc bị cấm, thậm chí bị khủng bố, bị hành hung, bị còng tay, bị đạp vào mặt chỉ vì muốn bày tỏ sự nóng mặt!

`Và như thế, từ nỗi đau của người cha chỉ muốn “đâm tim mà thác cho rồi” bởi đứa con “lẩn lút để tránh cái chết” ở trận tiền, tôi chạnh lòng nghĩ đến nỗi lòng của bao thế hệ tổ tiên khi đất nước từng thấm bao nhiêu máu họ bị nằm gọn trong bàn tay thao túng của những đứa con còn tệ hơn thế rất nhiều.

 

Chú thích, tham khảo:

1.     https://www.wsj.com/articles/my-plan-to-preserve-peace-between-china-and-taiwan-candidate-election-race-war-7046ee00

“My Plan to Preserve Peace in the Taiwan Strait”

2.     https://www.smh.com.au/national/in-xi-jinping-s-effort-to-make-china-no-1-he-s-forgotten-the-basics-20200615-p552pk.html

“In Xi Jinping's effort to make China No. 1, he's forgotten the basics”

3.     https://www.businessinsider.com/xi-countries-opposing-china-crack-heads-spill-blood-2021-7

“Xi Jinping said other countries will 'crack their heads and spill blood' if they come after China, a stark warning to mark 100 years of the Communist Party”

4.     “A battle is won by those who firmly resolve to win it! Why did we lose the battle at Austerlitz? The French losses were almost equal to ours, but very early we said to ourselves that we were losing the battle, and we did lose it. And we said so because we had nothing to fight for there, we wanted to get away from the battlefield as soon as we could. ‘We’ve lost, so let us run,’ and we ran. If we had not said that till the evening, heaven knows what might not have happened.”

5.     Thuật ngữ này xuất hiện từ phát ngôn của ông Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 vào ngày 22/8/2015, gọi là “đúc kết” từ các "trường phái ngoại giao" của Việt Nam thông qua hơn 70 năm lãnh đạo của đảng.

6.     https://vietmessenger.com/books/?title=tam%20hon%20cao%20thuong&page=28

Từ “tôn đại” được dịch giả giải thích là “quý trọng, lớn lao” và, dĩ nhiên, không được nêu ra trong bài thi, học sinh (lớp 5) phải tự suy nghĩ để tìm ra lời đáp.