Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 17 tháng 1, 2024

Lời thú nhận của một tay phê bình sách

George Orwell, đăng ngày 03/05/1946 trên nhật báo Tribune (Anh)

Quyên Hoàng dịch từ https://www.orwellfoundation.com/the-orwell-foundation/orwell/essays-and-other-works/confessions-of-a-book-reviewer/

 

Trong một căn phòng trọ lạnh lẽo nhưng ngột ngạt, bừa bộn tàn thuốc và những tách trà vơi nửa, một người đàn ông trong chiếc áo choàng ngoài sờn cũ ngồi trước một chiếc bàn ọp ẹp, ráng tìm chỗ cho chiếc máy đánh chữ của anh ta giữa đống giấy tờ bám bụi chất quanh. Anh không thể vứt chúng đi vì giỏ đựng rác đã đầy đến mép, và ngoài ra, đâu đó trong đám thư từ chưa trả lời và đống hóa đơn chưa trả có khi là tấm séc trị giá hai đồng ghi-nê mà anh khá chắc mình đã quên gửi ngân hàng. Còn nữa là những lá thư đính kèm mớ địa chỉ cần được điền vào sổ địa chỉ của anh. Anh đã đánh mất cuốn sổ địa chỉ, và cái ý nghĩ phải lục tìm nó, hoặc quả thực là phải lục tìm bất cứ thứ gì, khiến anh mấy bận nghiêm trọng muốn lên cơn tự vẫn.

Anh tuổi 35, nhưng trông như 50. Anh hói đầu, bị giãn tĩnh mạch và đeo kính, hoặc sẽ đeo kính nếu cặp kính duy nhất mà anh có không bị mất liền tù tì. Nếu mọi thứ đều bình thường với anh, anh sẽ đang chịu cảnh suy dinh dưỡng, nhưng nếu gần đây anh có chuỗi ngày may mắn, anh sẽ đang chịu cơn đau đầu bởi trận say bí tỉ tối qua. Hiện tại đã quá mười một rưỡi sáng, và theo như lịch trình anh đã nên bắt đầu công việc từ hai tiếng trước; nhưng ngay cả khi anh có thực sự nghiêm túc bắt tay vào làm việc, anh sẽ bị làm phiền bởi tiếng chuông điện thoại gần như réo liên hồi, tiếng la hét của trẻ nhỏ, tiếng lọc cọc của máy khoan điện ngoài phố, và tiếng nện chân từ đôi bốt nặng chình chịch của các chủ nợ lên xuống cầu thang tìm anh. Sự gián đoạn gần đây nhất là từ đợt đưa thư thứ hai trong ngày, trao đến tay anh hai thư quảng cáo dịch vụ và giấy yêu cầu bổ sung thuế thu nhập cá nhân in mực đỏ.

Không cần phải nói, cái người này là một tay viết. Anh ta có thể là một nhà thơ, tiểu thuyết gia, hoặc người viết kịch bản cho phim hoặc chương trình phát trên sóng radio, vì tất thảy dân viết văn đều khá là giống nhau, nhưng ta hãy xem anh ấy là một tay phê bình sách. Nửa khuất sau đống giấy tờ bừa bộn là một gói bưu kiện cồng kềnh gồm năm cuốn sách mà tay biên tập của anh đã gửi, kèm lời ghi chú khuyên rằng chúng “phải ăn nhập với nhau”. Chúng đã đến tay anh từ bốn ngày trước, nhưng trong vòng 48 giờ qua tay phê bình chưa thể mở bưu kiện bởi anh bị tê liệt trước cán cân tinh thần phải trái/đúng sai, nên/không nên. Hôm qua, trong một khoảnh khắc quyết tâm, anh xé dây buộc bưu kiện, và thấy năm cuốn sách trong đó là Palestine at the Cross Roads [tạm dịch: “Palestine trước những ngã rẽ”], Scientific Dairy Farming [tạm dịch: “Chăn nuôi gia súc lấy sữa có khoa học”], A Short History of European Democracy [tạm dịch: “Một lịch sử ngắn về nền dân chủ châu Âu”] (cuốn này gồm 680 trang và nặng 1.8 kg), Tribal Customs in Portuguese East Africa [tạm dịch: “Tập quán bộ lạc tại Đông Phi thuộc Bồ Đào Nha”], và một cuốn tiểu thuyết, It’s Nicer Lying Down [tạm dịch: “Dễ chịu hơn khi nằm xuống”], chắc bị gói chung do nhầm lẫn. Bài phê bình của anh – tầm 800 chữ – phải đến “tay” tòa soạn vào giữa trưa ngày hôm sau.

Ba trong số năm cuốn sách này bàn về những chủ đề anh quá ư dốt đặc, thế nên anh sẽ phải đọc ít nhất là 50 trang nếu không muốn phạm phải cái sai lầm ngớ ngẩn nào đó khiến anh không chỉ đơn thuần bị “vạch trần” trước bản thân tác giả (cái người dĩ nhiên biết tỏng thói quen của các tay phê bình sách), mà ngay cả trước độc giả phổ thông nữa. Đến bốn giờ chiều anh có khi đã lấy mấy cuốn sách này ra khỏi giấy bọc, nhưng không thể mở chúng ra đọc bởi cái cơn âu lo mà anh đang chịu trận. Cái viễn cảnh phải đọc chúng, và ngay cả cái mùi giấy nữa, gợi cho anh cảm giác như mình sắp sửa ăn món pudding gạo xay nguội ngắt, tẩm hương dầu thầu dầu ớn lạnh. Nhưng mà kỳ lạ thay, bài viết của anh vẫn sẽ đến tòa soạn kịp giờ. Một cách nào đó nó luôn đến đó kịp lúc. Tầm chín giờ tối, đầu óc anh sẽ thành ra tỉnh táo, và cho đến khi kim đồng hồ báo hiệu mấy tiếng quá nửa đêm, anh sẽ ngồi trong một căn phòng lạnh và lạnh thêm, trong bầu khói thuốc dày và đặc thêm, lướt qua một cách tài tình từng cuốn này sang cuốn nọ, và đặt chúng xuống bàn với một lời bình luận chắc nịch, “Lạy trời, quả là tào lao!” Sáng ra, mắt lờ đờ, tâm trạng cáu kỉnh và râu chưa cạo, anh sẽ nhìn chằm chằm tầm một hoặc hai tiếng vào trang giấy trắng, cho đến khi kim đồng hồ hăm dọa và đè nặng anh đến nỗi anh phải bắt tay vào hành động mà thôi. Rồi thì bất thình lình, anh sẽ vào guồng. Tất thảy mấy cụm từ cũ rích, sáo mòn – “một cuốn sách không ai nên bỏ lỡ”, “mỗi trang sách đều đọng lại cho ta thứ gì đó đáng nhớ”, “mấy chương sách đều đem lại giá trị đặc biệt cho độc giả, ví như v.v. và v.v.” – đều sẽ “nhảy” vào đúng trật tự của chúng như cái cách đống mạt sắt luôn tuân theo sức hút của nam châm, và bài phê bình sẽ được hoàn thiện đúng độ dài cần thiết và sẽ chỉ còn ba phút trước khi anh phải gửi nó đi. Trong lúc đó một xấp sách khác, chả ăn nhập gì với nhau và không thể “nuốt” nổi đã lại đến tay anh qua đường bưu điện. Mọi chuyện tiếp diễn vậy đó. Và thế nhưng, với kỳ vọng lớn lao chính cái “con thú” bị giẫm đạp ê chề, gây căng thẳng thần kinh này lại là thứ đã giúp anh bắt đầu sự nghiệp, chỉ vài năm trước mà thôi.

Tôi có đang phóng đại hay không? Tôi muốn hỏi bất kỳ một nhà phê bình thông thường – bất kỳ ai làm công việc phê bình, giả sử, tối thiểu 100 cuốn sách/năm – rằng liệu anh ta có thể thực lòng phủ nhận những thói quen và bản chất mà tôi miêu tả như trên hay không. Mỗi cây viết, trong bất kỳ trường hợp nào, đều là cái con người được miêu tả như trên, nhưng cái việc phê bình sách – vốn liên miên và bừa bãi – lại là một công việc quá ư là bạc bẽo, gây bứt rứt, và lạm sức. Nó không chỉ bao hàm việc ngợi khen mấy thứ rác rưởi – dù nó thực sự phải bao hàm cái công việc đó, mà tôi sẽ chỉ ra sau trong bài viết này – mà nó còn bao hàm việc thường xuyên phải nảy ra phản ứng tức thời trước những cuốn sách không gợi cho bạn một xúc cảm tự phát nào cả. Tay phê bình, dù anh ta có thể ngán ngẩm đến đâu, vẫn là một người hứng thú sách một cách chuyên nghiệp, và trong số mấy ngàn cuốn sách được phát hành mỗi năm, có chăng sẽ có tầm 50 hoặc một trăm cuốn khiến anh ta thích thú viết về chúng. Nếu anh ta là một tay cự phách trong nghề, anh ta sẽ có dịp thấy trong tay mười hoặc hai mươi cuốn sách chất lượng: khả năng lớn hơn là anh ta sẽ chạm trán hai hoặc ba cuốn mà thôi. Phần công việc còn lại của anh ta, dù anh cẩn trọng ra sao trong việc ngợi khen hoặc phê phán, về mặt bản chất chỉ là trò bịp bợm. Anh ta đang đổ cái tâm hồn bất tử của mình xuống nơi cống rãnh, nửa lít một từng đợt.

Đại đa số những bài phê bình đều đưa ra những lời thuật lại thiếu thỏa đáng hoặc sai lệch về nội dung sách. Từ thời chiến tranh, các nhà xuất bản không còn khả năng như trước nhằm “nắm đuôi” các nhà biên tập sách lẫn “khơi mào” những lời ca tụng cho mỗi cuốn sách họ xuất bản, nhưng mặt khác, tiêu chuẩn phê bình sách đã đi xuống bởi sự thiếu hụt không gian và vài sự bất tiện khác nữa. Trước hệ quả đó, người ta có lúc đã gợi ý rằng giải pháp ở đây nằm ở việc hoạt động phê bình sách không nên nằm trong tay những tay “thợ viết”. Những cuốn sách về các lĩnh vực chuyên môn nên do giới chuyên gia xử trí, và mặt khác không ít phần phê bình còn lại, đặc biệt là tiểu thuyết, nên do dân a-ma-tơ thi hành thì hơn. Gần như mỗi cuốn sách đều tiềm ẩn khả năng gợi lên trong người đọc xúc cảm mãnh liệt, ngay cả khi nó là thứ xúc cảm ghét cay ghét đắng, ở người đọc này nọ, nên cảm nhận của họ về sách sẽ giá trị hơn hẳn cảm nhận của một tay chuyên nghiệp trong tâm thế chán chường. Nhưng, không may là, như cái cách mọi nhà biên tập đều biết, cái sự vụ kể trên rất khó tổ chức. Trên thực tế nhà biên tập luôn thấy mình tìm về vòng tay của đội ngũ “thợ viết” – những tay “thân tín” của anh ta, như cái cách anh ta gọi họ.

Tình trạng này không thể được khắc phục khi mà ai cũng hiển nhiên cho rằng mỗi cuốn sách đều đáng được phê bình. Gần như là bất khả để nhắc đến sách theo dạng sỉ mà không tung hô phần lớn số sách này một cách quá đà. Chỉ khi ta có mối quan hệ chuyên nghiệp với sách ta mới phát hiện rằng phần lớn chúng đều dở ra sao. Hơn chín trong mười trường hợp, lời phê bình trung thực và khách quan duy nhất chắc sẽ là “Cuốn sách này không khiến tôi hứng thú gì cả, và tôi sẽ không viết về nó trừ phi tôi được trả tiền”. Nhưng công chúng sẽ không trả tiền để đọc cái thứ như vậy. Hà cớ gì? Họ muốn lời chỉ dẫn cho những cuốn sách họ được bảo nên đọc, và họ muốn vài lời đánh giá. Nhưng ngay khi các giá trị được nhắc đến, những tiêu chuẩn thành ra sụp đổ. Vì nếu ta nói – và gần như mỗi tay phê bình đều nói thứ này ít nhất một lần/tuần – rằng Vua Lear là một vở kịch hay và The Four Just Men [tạm dịch: “Bốn kẻ hành pháp”; 1905; tác giả Anh Edgar Wallace] là một cuốn trinh thám hay, cái từ “hay” còn có ý nghĩa gì chứ?

Phương thức tốt nhất, theo tôi thấy trước giờ, sẽ đơn giản là phớt lờ đại đa số sách và chỉ viết những bài phê bình thật dài – 1000 chữ là con số tối thiểu – về số ít tác phẩm đáng giá. Một hoặc hai dòng nhận xét ngắn về những cuốn sách sắp ra mắt có chăng là hữu ích, nhưng cái bài phê bình thường lệ với độ dài trung bình tầm 600 chữ chắc chắn sẽ là vô dụng ngay cả khi tay phê bình thực lòng muốn viết nó. Thông thường anh ta không muốn viết nó, và cái công việc sản xuất tin vắn hết tuần này sang tuần nọ sẽ sớm khiến anh ta lâm vào cảnh tượng của cái nhân vật bị suy sụp trong chiếc áo choàng ngoài mà tôi mô tả đầu bài viết này. Dẫu vậy, ai ai trên cõi đời này cũng sẽ có ai đó khác để anh ta coi thường, và phải nói là, từ kinh nghiệm ở cả hai ngành nghề, tôi thấy tay phê bình sách vẫn khá khẩm hơn là tay phê bình phim, cái người thậm chí không thể làm việc ở nhà, mà phải tham dự các buổi chiếu phim lúc 11 giờ sáng và, trừ một hoặc hai trường hợp ngoại lệ, sẽ thấy mình phải bán đi danh dự vì một ly rượu sherry rẻ tiền.

Ghi chú:

Bài viết của Orwell được đăng lại nguyên văn trên tạp chí Mỹ The New Republic, 05/08/1946. Bài viết được minh hoạ bởi một bức hoạt họa của James Thurber cho tạp chí The New Yorker, vẽ cảnh tượng trong một căn phòng chất đầy sách. Hai người phụ nữ ngồi đối diện nhau, rõ là đang trò chuyện say sưa; một người đàn ông mang vẻ mặt khó chịu ngồi quay lưng khỏi họ, rõ là cố ý. Người phụ nữ nói với bạn mình: “Anh ấy chả tin bất kỳ thứ gì anh đã đọc trong mười năm qua”.

 

M26260-4 002

 

Trong 20 năm làm công việc phê bình, Orwell phê bình tới hơn 700 cuốn sách, vở kịch, và phim [đây là một con số khá ít nếu ta xét đến thông tin Orwell cung cấp trong bài viết trên, rằng các nhà phê bình thường phê bình tối thiểu 100 cuốn sách/năm]. Năm 1940 là năm bận rộn nhất của ông khi ông phê bình 135 cuốn sách, vở kịch và phim trong 67 bài phê bình (kèm lời đề cập ngắn về bộ phim The Great Dictator [tạm dịch: “Nhà độc tài vĩ đại”; Charlie Chaplin đạo diễn], mà sau này ông viết một bài phê bình hoàn chỉnh).