Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2023

Đọc xong, đau đớn và tiếc nuối

Tạ Duy Anh

 

Tôi luôn giữ một sự cẩn trọng khi nghĩ về các nhân vật lịch sử, nhất là những nhân vật lịch sử có ảnh hưởng lớn đến số phận của đất nước. Đơn giản vì những gì mình biết về họ, nếu không quá ít, thì cũng thường không chính xác. Đơn giản vì khi mình chỉ nghĩ đến cơm ăn áo mặc, đến chút hạnh phúc con con, thì họ luôn tìm cách lay trời chuyển đất (theo hướng tốt lên hay xấu đi lại là chuyện khác). Mà con người thì vĩnh viễn vẫn chỉ là con người, với tính không toàn hảo là đặc điểm đặc trưng của nó.

Thêm một lý do nữa khiến tôi phải cẩn trọng, vì khi nói, khi phán xét về họ, thường chúng ta dùng bối cảnh hiện tại, tư duy hiện tại, để giải mã, luận giải những suy nghĩ, hành động của họ trong một bối cảnh (phải đưa ra quyết định, quyết sách, các lựa chọn…) hoàn toàn khác.

Tôi tin chắc rằng việc đánh giá về vua Gia Long, việc ông tìm mọi biện pháp (bao gồm cả các liên kết với ngoại bang) để bằng mọi cách tiêu diệt nhà Tây Sơn (Với ông chỉ là một đối thủ đầy thù hận), sẽ còn kéo rất dài, thậm chí là không có điểm dừng. Những đổ lỗi, kết tội thì luôn dễ, vì chả cần phải suy nghĩ nhiều. Nhưng ghi công, trả cho họ sự công bằng, mới là điều đáng làm và khó làm. Chẳng hạn, đôi khi người ta cứ để phải nhắc mới chịu nhớ ra rằng, Gia Long không chỉ là ông vua thống nhất đất nước với diện tích lãnh thổ rộng nhất cho đến lúc ấy, mà còn là ông vua đặt tên đất nước vẫn được dùng cho đến ngày nay.

Đấy, lịch sử cứ thích những trò trớ trêu như vậy.

Với một tinh thần cẩn trọng như đã nói, tôi chậm rãi đọc cuốn sách “Thư gửi nước Mỹ” của Hồ Chí Minh, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Cuốn sách được xuất bản nhân sự kiện ngài Tổng thống Biden sang thăm Việt Nam và hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, điều mà qua cuốn sách, có thể thấy ông Hồ Chí Minh đã mong muốn từ hơn 80 năm trước.

Đúng như tên gọi, cuốn sách gồm 32 bức thư, điện văn, công hàm, đối thoại… của Hồ Chí Minh, gửi cho các Tổng thống, các bộ trưởng, các tổ chức, các cá nhân… của nước Mỹ, trong suốt 24 năm, từ 1945, đến năm 1969. Nhiều tư liệu lần đầu được công bố. Tất cả đều ngắn gọn, rất ngắn gọn, văn phong giản dị, dễ hiểu và đặc biệt kĩ lưỡng, lịch lãm về mặt ngôn ngữ.

Đây là một trong 32 bức thư đó, đề ngày 2-11-1945:

“THƯ GỬI TỔNG THỐNG MỸ

Tổng thống Tơruman; Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Oasinhtơn, D.C;

Thưa ngài Tổng thống, thay mặt nhân dân và Chính phủ Việt Nam, tôi muốn bày tỏ sự biết ơn chân thành của chúng tôi về những tuyên bố trong 12 điểm mà ngài đã đưa ra đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Tuyên bố đó được nhân dân chúng tôi nồng nhiệt chào đón vì nó đã mở ra một kỷ nguyên mới cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Đó là sự tiếp nối chính sách đối ngoại nhân đạo và tự do của Hoa Kỳ cũng như cá nhân Tổng thống Hoa Kỳ, đưa đến việc hiện thực hóa những lý tưởng được ghi trong các bản Hiến chương mà nền cộng hòa Mỹ cao quý là một bên ký kết.

Kính thư

Hồ Chí Minh”

Ngày nay vẫn có rất nhiều người sùng bái Hồ Chí Minh và coi việc chửi nền chính trị Mỹ như một đảm bảo (dù thô thiển) cho lòng trung thành của họ với ông. Họ có thể sẽ rất sốc khi trong hầu hết những bức thư, Hồ Chí Minh đều ca ngợi hết lời những giá trị Mỹ, như Tự do, Dân chủ, Tôn trọng nhân quyền, Thượng tôn công lý. Thậm chí, trong bức thư gửi Tổng thống Mỹ đề ngày 22-11-1945, ông không ngại dùng từ "cầu xin" với ông Tổng thống Mỹ.

"Vì thế tôi tha thiết cầu xin ngài về bất cứ sự giúp đỡ nào có thể được".

Nếu chúng ta nhìn lịch sử bằng con mắt khách quan, thuần túy khoa học, ít nhất cũng không bị chính trị hóa, thì những bức thư của Hồ Chí Minh thực sự là những tư liệu độc đáo và quý hiếm, để có thể bổ sung không chỉ về mặt kiến thức lịch sử (cho khá nhiều người có bằng cấp chính trị), mà quan trọng hơn, có khả năng sẽ thay đổi suy nghĩ của không ít người khác, về những sự thật lịch sử mà họ vẫn đinh ninh.

Tôi biết chắc chắn một điều, người Mỹ đã lưu giữ cẩn thận tất cả những bức thư này.

Khép lại cuốn sách mỏng, tôi không có ý định lạm bàn về bất cứ điều gì. Nhưng cảm giác nuối tiếc, xen với nỗi đau đớn, thì rất rõ: Giá kể như không có cuộc chiến tranh Việt-Mỹ!

Và giá như...

image