Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2023

Nguyễn Văn Lưu nhất quyết “dĩ bất biến ứng vạn biến” đối với Nguyễn Quang Lập

 Hoàng Dũng

 

1. Tình cờ đọc bài “Về nhà văn Nguyễn Quang Lập” của Chu Giang (Nguyễn Văn Lưu) đăng trên trang mạng Lê Thiếu Nhơn ngày 13/8/2014[1], thấy có mấy đoạn nguyên văn như sau:

2. Lạy ông con ở bụi này!

Cũng blog trên, NQL khoe: “Thầy ba tôi, một người vĩ đại nhưng không hề nổi tiếng, vẫn dạy ông: để ứng xử tốt với đời cần phải tôn trọng mọi nguyên tắc và khinh bỉ chúng hết thảy. Đó là lời dạy của người cuồng nhưng nếu dịch thoát ra thì thật hay: Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Gần bảy mươi năm qua, ai cũng biết đó là câu nói mà quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã được dặn dò để lo việc nước trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Người thấm nhuần ít nhiều Nho học đều hiểu đó nguyên tắc xử thế của người quân tử, vô cùng thâm sâu, cao quí: đối nhân xử thế (bên ngoài) và tự giữ mình (khí tiết, bên trong): Bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất... Người quân tử có thể bị bắt bớ, bị giết nhưng không thể bị xui khiến làm việc bậy. Chỉ có đám con buôn, cơ hội vụ lợi, khi cần thì rối rít tôn trọng, kính trọng nữa. Xong việc thì khinh bỉ tuốt. Hồng quân đến thì treo cờ đỏ. Bạch vệ đến thì treo cờ trắng. Sản xuất nông cụ đồng thời với sản xuất dây thép gai để rào ấp “tân sinh”, làm tất, miễn là có tiền, có nhiều tiền. Chỗ này thì đúng là riễu người mà không nghĩ đến ta! Thành ra, không còn tin gì ở NQL nữa. Qua sông đấm sóng[2] ai mà dám tin!”.

Nói trắng ra, Nguyễn Văn Lưu kết tội Nguyễn Quang Lập cả gan riễu cợt câu của cụ Hồ năm xưa dặn dò cụ Huỳnh Thúc Kháng, quy Nguyễn Quang Lập vào hạng “bị xui khiến làm việc bậy”, “đám con buôn, cơ hội vụ lợi”, “miễn là có tiền, có nhiều tiền”, là “Qua sông đấm sóng”.

Chưa nói Nguyễn Quang Lập có thực sự riễu cợt câu “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” hay không, chỉ nổi lên một thắc mắc: Cụ Hồ có phải là tác giả của câu “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” hay không?

2. Đọc Thần điêu hiệp lữ của Kim Dung, ở hồi 26, thấy có câu sau:

“Bọn Ni Ma Tinh, Tiêu Tương Tử cả kinh, đều nghĩ: “Chiêu số của cô nương này càng lúc càng lạ, bốn kiếm cùng sử, thật là chưa từng thấy!”. Nhưng ba người đã có chủ định là bất biến ứng vạn biến, bất kể nàng sử dụng chiêu thuật kỳ quái gì, họ cũng chỉ thủ không công, từng bước dồn lại.”

Giật mình. Hay là cụ Hồ nhà ta nổi tiếng đến độ Kim Dung bên Hong Kong cũng đọc cụ và thuổng câu của cụ vào truyện chưởng của ông? Hoặc cái ông dịch giả người Việt do đọc cụ Hồ, mê cụ mà đưa vào văn dịch Kim Dung, như thuở xưa Bùi Giáng dịch Shakespeare mà tương cả Truyện Kiều vào?

Kiểm tra bản gốc của Kim Dung thì đúng nhà văn có dùng “以不變應萬變” (“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”) thật! Bản dịch tiếng Việt rất trung thành với nguyên tác[3].

3. Nhưng bây giờ thời đại Internet mà! Thử đánh mấy chữ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” bằng tiếng Hoa để tra “ông thầy” google xem. Trong 0,31 giây có 332.000 kết quả! Vậy phải nói cách biểu đạt này thuộc vào hàng phổ biến trong thế giới tiếng Hoa. Chẳng thế mà nhiều tài liệu tiếng Hoa nói rõ đây là thành ngữ đương đại. Nhờ một anh bạn làu thông chữ Hán tra cứu xem, thì được trả lời “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” có đường hoàng xuất hiện trong hàng loạt từ điển tiếng Hoa (bản điện tử): Hán ngữ đại từ điển, Hải từ từ điển, Thành ngữ điển, Trung văn bách khoa toàn thư... Như thế, cụ Hồ chỉ dùng một thành ngữ quen thuộc để dặn dò cụ Huỳnh về việc nước mà thôi.

Muốn theo thuyết của Nguyễn Văn Lưu để gán quyền tác giả câu “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” cho cụ Hồ lắm nhưng chứng cứ sờ sờ như thế mà cứ cố đấm thì chỉ tổ ăn xôi cười của nhân dân nước bạn “Lý tưởng tương thông, Văn hóa tương đồng”.

4. Bỗng sực nhớ cái ông bình luận bóng đá kiêm nhạc sĩ Nguyễn Lưu (không có lót chữ Văn) năm xưa đùng đùng kết án nhạc sĩ Phạm Duy: “"Đỉnh cao" sự nghiệp chống Cộng của Phạm Duy là bài Mùa thu chết. Ở đó, tác giả đã công khai tư tưởng chống Cộng của mình. Ông ta đã từ bỏ tình yêu với Tổ quốc bằng một bút pháp thật sâu cay, đểu giả và ít ai quên cái mùa thu trong ca khúc ấy chính là Cách mạng mùa thu, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.”[4] Ông Lưu không cần biết bản nhạc Mùa thu chết là do Phạm Duy phổ bài L'Adieu của Apollinaire, một nhà thơ Pháp sinh năm 1880 và chết năm 1918, trước Cách mạng tháng Tám 27 năm. “Tội” của nhạc sĩ Phạm Duy là nhạc của ông có mấy chữ “Mùa thu chết”, một kiểu bị chém vì phạm húy của thời mà ta băm bổ gọi là phong kiến.

Nay Nguyễn Quang Lập bị một ông Lưu khác phập dao vì dám dùng một thành ngữ mà hàng tỷ người khác dùng vì ông Lưu nhất quyết giành tác quyền cho mỗi một người thôi.

Mới hay, đó là cách hành xử của khối người ở xứ ta!

NÓI THÊM:

(a) Cuối bài, ông Nguyễn Văn Lưu ghi ngày viết “Ngày lành, tiết Trọng Xuân Giáp Ngọ”, tức tháng Ba, năm 2014. Mấy tháng sau, chiều ngày 6 tháng 12 năm đó, Nguyễn Quang Lập bị bắt giam, gây chấn động dư luận trong và ngoài nước.

Tại sao Nguyễn Quang Lập bị bắt? Chắc phải có nhiều nguyên nhân. Nhưng ai dám nói hoàn toàn không có tác động của những loại bút máu như bài này của Nguyễn Văn Lưu?

(b) Năm 1990, Nguyễn Văn Lưu viết bài “Đọc tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng (Văn nghệ quân đội, số 2) dựa trên những lập luận hồ đồ, thậm chí bịa đặt, để đánh Nguyễn Quang Lập (xin xem Hoàng Dũng, “Một cách phê bình đáng lo ngại: Trường hợp Những mảnh đời đen trắng”, Cửa Việt, Quảng Trị, số 4, tháng 10-1990 [5]). 24 năm sau, Nguyễn Văn Lưu còn viết bài truy sát Nguyễn Quang Lập. Thế giới đã vạn biến, mà Nguyễn Văn Lưu vẫn nhất quyết bất biến, không thay đổi tẹo nào trong cách hành xử đao phủ của mình.


[1] Xin xem http://www.lethieunhon.vn/2014/08/chu-giang-che-bai-nguyen-quang-lap.htmlTrong Lời dẫn, Lê Thiếu Nhơn viết: “Đáng tiếc thay, Chu Giang dường như giỏi cãi nhau hơn phê bình. Chu Giang viết về Nguyễn Quang Lập, nhiều đoạn rối như canh hẹ. Hơn nữa, khả năng ngôn ngữ của Chu Giang kém xa Nguyễn Quang Lập, nên những lời lẽ của Chu Giang đặt cạnh câu cú của Nguyễn Quang Lập không khác gì tôn vinh đối thủ. Thái độ Chu Giang muốn chê bai Nguyễn Quang Lập, nhưng lại không đủ trình độ để hạ bệ Nguyễn Quang Lập. Viết kiểu Chu Giang đôi khi có tác dụng ngược. Dù sao cũng xem đây như tư liệu, để đời sau soi xét!”.

[2] Nguyễn Văn Lưu cố tỏ ra lịch sự, kiểm duyệt chữ “bòi” trong thành ngữ “Qua sông đấm bòi vào sóng”.

[3] Nguyên tác: 但三人打定了以不變應萬變的主意,不管她使甚么怪招奇術,總是只守不攻,逐步進迫.

[4] https://thanhnien.vn/phan-ung-cua-cong-ty-van-hoa-phuong-nam-sau-bai-viet-ve-nhac-si-pham-duy-185282200.htm

[5] Đăng lại: https://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/mot-cch-ph-bnh-dng-lo-ngai-truong-hop-nhung-manh-doi-den-trang/