Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

Trần Vàng Sao

Nguyễn Quang Lập


Hôm nay vào blog anh Tạo (Nguyễn Trọng Tạo) thấy nhắc đến Bài thơ của người yêu nước mình của Trần Vàng Sao rất trân trọng. Đúng, nếu chọn 10 bài thơ xuất sắc nhất dòng thơ chống Mĩ, thế nào cũng có bài đó và bài Thưa mẹ, trái tim... của Trần Quang Long. Không biết ông Thống làm ăn thế nào lại không đưa vào sách giáo khoa cho trẻ con nó học.

Nhưng đó là chuyện của cái ông đầu bù Đỗ Ngọc Thống, bữa nay nhớ anh Đính thì kể chuyện anh Đính thôi.

Mình về Huế mấy năm mới gặp anh Đính. Đọc thơ anh thấy tầm vóc quá, nghĩ người có cái đầu như vậy, theo cách mạng từ thủa chưa biết thắt lưng quần, thì chắc chắn đang làm to ở Hà Nội. Các kì hội họp, hội thảo, các đêm thơ phú tuyệt nhiên không thấy anh, cũng chẳng hỏi ai, cứ đinh ninh anh giống anh Trần Hoàn, đương nhiên ra Hà Nội lâu rồi.

Cái đêm hội thảo cuốn Học phí trả bằng máu của Nguyễn Khắc Phục, mấy ông mệ gộc và mấy ông đang cố gắng chứng minh mình là mệ gộc mặt mày đằng đằng sát khí, làm ầm ầm.

Anh Bửu Chỉ cầm cái bìa do chính anh vẽ, xé hai chữ học phí đi, giơ lên cho mọi ngườì xem ba chữ trả bằng máu. Anh cứ giơ ba chữ trả bằng máu đi đi lại lại. Kinh.

Mình chỉ dám đứng ở cửa nhìn vào thôi, nghĩ bụng anh Phục có mặt ở đây chắc chắn bị voi giày.

Một người gầy gầy, đen đen, thâm thấp, ăn mặc như ông xe ôm đi từ trong hội trường ra, mặt mày sớn sác, miệng lẩm bẩm ua chầu chầu... mần chi dữ rứa hè. Hoá ra đó là Trần Vàng Sao.

Mình chạy ra gọi, nói em là Nguyễn Quang Lập. Anh lôi chiếc xe đạp ra, lật đật lên xe nói rồi rồi, mai mốt đến chơi nghe, tui về đã, sợ lắm. Anh vội đạp xe phóng ra khỏi cửa Hội, miệng vẫn không thôi lẩm bẩm ua chầu chầu chi dữ rứa hè.

Sau mới biết vừa hoà bình anh đã bị bắt, chẳng rõ vì chuyện gì. Hôm đến nhà, có anh Thái Ngọc San, mình hỏi sao người ta bắt anh, anh ngó trước ngó sau, nói thôi thôi chuyện qua rồi, nhắc làm chi ôông.

Anh San nói thời đó luật pháp bằng mồm thì bắt bớ cũng chỉ vì cái lỗ mồm thôi. Anh giật nảy nói với anh San mi nói nha, mi nói nha, chớ tao không nói nha.

Mình phì cười nói chi mà anh sợ rứa. Anh nói ua chầu chầu, ôông không biết mô ôông.

Từ đó anh không có cơ quan đoàn thể, chỉ ru rú ở nhà, đơm tôm bắt cá sống qua ngày, thủ phận một ông nông dân chính hãng. Ai đến chơi nhà anh thì đến, anh chẳng dám đến nhà ai. Mình hỏi anh răng rứa. Anh nói nhà người ta sang như trời mình đến mần răng.

Nhà anh Điềm (Nguyễn Khoa Điềm) cách nhà anh có một đoạn, bạn học từ thủa con nít, lên rừng hoạt động cùng nhau, gặp nhau vẫn tau mi, nhưng nếu anh Điềm không dặn sang, không cho con sang gọi năm lần bảy lượt thì anh không bao giờ sang. Có bạn bè thì ngồi cùng mâm với anh Điềm, hễ có quan chức là anh tót xuống nhà dưới ngồi với đàn bà con nít liền.

Anh Điềm vẫn sang nhà anh luôn luôn, cho anh cái này cái nọ, làm to mấy khi về nhà, giờ trước giờ sau là sang nhà anh liền, vẫn tau mi như thời con nít.

Hôm mình về Huế, lâu ngày quên nhà anh, nhờ anh Điềm đưa sang. Vừa gặp anh Điềm, anh nói ngay răng mi cho ông Tường (Hoàng Phủ Ngọc Tường) năm trăm mà cho tau có ba trăm thôi. Anh Điềm nói rồi để tau cho thêm mấy trăm. Anh nói tiền trong bóp mi đó. Anh Điềm rút bóp đưa cho anh, nói đây mi coi, thằng ni không tin mình bay. Anh kiểm tra bóp rồi cười, cái miệng móm chành bạnh, nói không có thiệt, hay hè... Bộ Chính trị hay hè.

Nhưng đụng chuyện gì lại kéo anh em hỏi nhỏ ông Điềm nói răng không ông Điềm nói răng không. Có lần hỏi mình, mình nói anh thân anh Điềm sao không hỏi anh ấy đi. Anh nói mấy hôm thấy mặt ông Điểm lầm lầm, tui không dám kêu thằng, kêu anh thì trẹo lưỡi, cực rứa chớ.

Những năm 1989, 1990 không khí đổi mới sôi sùng sục. Hội thảo liên tục, ai cũng nói năng hùng hổ. Mình tới rủ anh đi, anh nói ôông cứ đi đi, tui nhất trí hết nhất trí hết. Anh ở nhà, đi vào đi ra nơm nớp. Tối đến mới đạp xe tới nhà mình, đứng ngoài ngõ vẫy vẫy mình ra, hỏi nhỏ răng rồi răng rồi.

Tưởng anh vì tù tội đã mất hết nhuệ khí, đùng cái anh cho in bài thơ Người đàn ông 43 tuổi nói về mình. Hay lạnh người. Phải có một tầm vóc nào, một khí tiết nào mới có thể viết được một bài thơ như thế. Suốt ba tháng trời đi đâu cũng nghe trí thức Huế bàn tán bài thơ của anh.

Khi đó mình mới hiểu ra Trần Vàng Sao là người biết sợ chứ không phải người sợ.

Mình nói với anh, chỉ một bài thơ mà hầu như ai cũng hiểu đến tận đáy nguyên nhân bi kịch chúng ta đang gánh chịu. Anh giãy nãy, nói mi nói nha mi nói nha, tao không nói nha.

Mình nhăn răng cười.

Năm ngoái tình cờ lướt mạng, đọc cuốn hồi kí của anh. Khi đó mới ngã người ra, anh bị bắt vì lí do rất củ chuối, vì chính những người mà lâu nay mình vẫn tưởng là tử tế.

Cái chính là thông qua cuốn sách người ta hiểu ra thế nào là trí thức và phẩm chất người trí thức.

Mình gọi điện cho anh, anh nói ua chầu chầu chi lạ rứa hè... ai in ai in? Cuốn ni viết xong tui ném trên tra, đứa mô lấy mất. Mình nói người ta đưa lên mạng chứ không phải in. Anh nói mạng là cái chi, mạng là cái chi. Nói mãi anh mới hiểu.

Anh hỏi Lập ơi can chi không, can chi không. Mình nói anh đừng lo, thời buổi đổi mới rồi, không phải như xưa. Hơn nữa anh chỉ kể người thật việc thật, có nói xấu chế độ đâu mà lo. Anh nói rứa à... may chi nỏ.

Vừa đặt máy anh đã gọi điện lại hỏi Lập ơi can chi không, can chi không. Mình nói anh hay chưa, em nói mà anh không tin à? Anh nói rứa à... may chi nỏ.

Vừa đặt máy anh đã gọi lại, nói Lập ơi can chi không, can chi không?