Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 16 tháng 10, 2023

Mùi cọp (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 150)

Tương Lai

Nếu đợt sóng ngẫu nhiên trồi lên trên dòng hồi ức chỉ loáng thoáng gợi cảm hứng để ngồi vào bàn phím máy tính, thì mấy dòng tâm tình của anh Cao Huy Thuần trong thư anh gửi cho tôi ngay sau khi đọc bài “Đi câu cá cặm” của tôi (đăng trên Văn Việt) đã giục giã tôi không chần chừ cân nhắc thêm nữa về “mùi cọp” định viết.

clip_image002Tôi muốn nói thêm về từ “ngay”, vì chính cái từ đó tiếp thêm sức mạnh để quyết chống tay xuống mép giường, gắng gượng đứng lên để đến trước bàn phím từ “cú hích” xúc động lay động tâm tư về lá thư Paris này của người bạn yêu quý:

Anh Tương Lai thân kính. Tôi đọc ngay, vì cái tựa đề lôi cuốn tôi tức khắc. Anh, thì tôi đã biết rồi. Nhưng anh lúc thơ ấu thì đúng là chạm vào lĩnh vực tò mò của tôi. Suốt đời, tôi chỉ mơ ước làm một cuốn phim. Một cuốn phim về Cái Đẹp. Đó là Cái Đẹp của thanh thiếu niên một thời, Cái Đẹp mà không bao giờ tái diễn trong lịch sử. Anh đừng bắt tôi nói dài dòng. Chỉ cần anh hát lại một câu thôi của thời ấy thì anh hiểu ngay tôi muốn nói gì: "Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu..." Ai xếp bút nghiên? Giới nào? Tầng lớp nào? Giai tầng xã hội nào? Giai cấp nào? Sao mà trắng trong thế? Sao mà hào hùng thế? Sao mà đẹp thế? Phim của tôi chấm dứt năm 1954 với đám cưới của chị Ngọc Toản và tướng Khánh...

clip_image004Ai có mặt trong phim đó? Bao nhiêu người! Bao nhiêu người hữu danh và vô danh, bao nhiêu người mà trái tim chỉ biết hướng về Cái Đẹp như loài hoa hướng phía mặt trời. Trong bao nhiêu người đó, từ lâu tôi đã thấy có anh, và bây giờ tôi lại thấy có thêm, rõ hơn, Ông cụ của anh, Bà cụ của anh, người anh của anh, chiếc thuyền của anh, cần câu của anh... Ôi bi hùng... Nhưng thôi, nói chuyện phim ảnh cũng chỉ để mơ mộng văn chương thôi. Cái gì cũng qua, cái gì cũng không còn. Nhưng đừng mất lòng tin, anh Tương Lai ạ. Vẫn có cái còn đấy, mà anh nhắc nhở đấy trong bài: cái lương tri...”.

Tôi không thể dẫn ra nhiều hơn nữa “lá thư Paris” vì như thế là quá lạm dụng. Tệ hơn, là quá tham lam vì lười biếng để giấu đi cái của riêng mình, của chính mình đang còn thô thiển và mờ nhạt.

Cái gì cũng qua, cái gì cũng không còn”, phải chăng vì thế mà phải ký gửi nó vào trong những trang viết (tôi chưa dám nói là văn chương hay nghệ thuật vì không muốn mạo nhận) thấm đượm phần nào mạch sống của thời cuộc.

clip_image006Và nói đến điều này e phải nhắc đến khuyến cáo của André Malraux, nhà văn Pháp: Nghệ thuật là cái chống lại định mệnh. Là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như cuốn tiểu thuyết L’Espoir (Niềm hy vọng) (1937) và cuốn hồi ký nổi tiếng: Les Antimémoires, tro cốt của André Malraux được đặt ở Điện Panthéon, bên cạnh các tác gia nổi tiếng khác trong những nhân vật lịch sử Pháp như Voltaire, J. J. Rousseau, Victor Hugo, v.v.

Tôi thấm thía trong suy ngẫm về câu André Malraux đã viết “Sự sống còn đó là sự sống còn của cái hình thức của chiến thắng của một con người chống định mệnh, và cái hình thức đó, khi con người đã chết, nó bắt đầu đời sống bất ngờ của nó”.

Khi ngẫm sâu vào dư vị triết lý của dòng viết ấy, tôi hiểu ra ý nghĩa thâm trầm của nó. Vậy đời sống bất ngờ đó đến từ đâu nếu không phải là từ những trang viết để lại. Phải chăng trong đó ít nhiều, đậm nhạt khác nhau những dấu ấn thời cuộc, dấu ấn của những chặng đường đã trải?

Cũng phải nói thêm rằng, Malraux đã hấp thụ văn hóa Phương Đông do nhiều chuyến du hành của ông sang vùng Viễn Đông, và trong thực tế ông dùng tác phẩm này để đưa ra một bản cáo trạng xã hội tư sản đã sỉ nhục ông tại Đông Dương... Ông đã cố gắng lái chủ nghĩa dân tộc An Nam theo chiều hướng giải phóng xã hội, và chủ định này là căn nguyên của quyển La Condition humaine[1]. Ấy vậy mà cũng phải tự nhắc cho mình vế cái gọi là dấu ấn thời cuộc ấy. Tự nhủ không được tuỳ tiện nhồi nhét những cái chưa thật sự là “mạch sống” của mình, vơ vào cho riêng mình những điều chưa thật chìm sâu trong tầng sâu hồi ức để thành “dấu ấn”.

Không dám nói câu chuyện tôi sẽ kể là cái đẹp của thanh thiếu niên một thời” như Cao Huy Thuần nói, nhưng trên dòng chclip_image010ảy hồi ức, thì sau tiếng reo sung sướng vô tư cách đó mười năm trong buổi sáng mờ sương của chuyến “Đi câu cá cặm” thì trong “Mùi cọp” là nỗi sợ đứng tim khi chú Quách dừng lại cảnh báo cả đoàn đang hì hục leo dốc U Bò: “Đi sát vào nhau, nắm thật chặt tay nhau, không được chạy, có cọp rồi đấy”. Những tia sáng le lói cuối cùng trên rừng lau chen lẫn rừng tranh đã chìm dần, màn đêm đã phủ xuống. Nhìn ngước lên, ngọn U Bò tím sẫm mờ mờ hiện ra như thách thức, đe doạ một nhúm người chìm giữa lau lách đang hối hả lê bước cạnh nhau. Chú Quách đã đốt ngọn đuốc đầu tiên dẫn đầu đoàn người dấn bước giữa rừng, tranh và lau ngả rạp dưới bàn chân theo nhịp thở hổn hển của họ. Một ngọn đuốc nữa cũng được đốt lên ở cuối dòng người bởi một chú “đi đoạn hậu” có hình vóc lực lưỡng và vui tính. Dù cố gắng hết sức tôi vẫn không thể nhớ ra tên của con người đáng yêu đó. Thì hơn 70 năm rồi còn gì tính từ lần đầu tiên ngửi thấy “mùi cọp” trên rừng Quảng Bình trên chặng đường U Bò - Ba Rền để rồi nghe đâu còn phải leo qua Dốc Cun ở Hoà Bình mới lên được Tuyên Quang, “nơi thủ đô gió ngàn”, ngày ngày, đêm đêm lấy cái đích đó mà tăng thêm sức để mà trèo đèo, mà băng suối, mà vượt dốc.

clip_image008Chiếc nẹp bằng kẽm dùng để kẹp rút quai dép cao su “kiểu dép lốp Bình Trị Thiên” rất chi là đẹp và bền chắc mà anh tôi đã chỉ dẫn tỉ mỉ cách sử dụng. Đôi dép mà nhà trí thức yêu nước Đặng Văn Ngữ đã bỏ thói quen đi giày để dùng nó lội bộ và hy sinh trên chiến trường Trị Thiên[2], cũng trên con đường mà chị Cung của tôi đã đi trước đó mấy tháng cùng ba cháu nhỏ đã từ chiến khu Dương Hoà đi ra Việt Bắc để được sum họp với anh Ngữ, người đã không nhận lời mời sang Mỹ để tiếp tục nghiên cứu mà từ Nhật qua đường Thái Lan để về nước.

Suốt hành trình gian nan, đó là vật bất ly thân để tôi chỉnh sửa đôi “dép vạn dặm” cho mình và cho Mẹ tôi. Đi sát sau lưng tôi, bàn tay gầy guộc và ấm áp của bà túm chặt lấy vai áo tôi như quyết không rời khỏi con mình, truyền cho con trai mình hơi ấm và niềm tin vững chắc của người mẹ hiểu rõ tình cảm và hành động cao cả trong mạch sống tim óc mình. Cũng là mạch sống của thời cuộc, mạch sống của đất nước.

clip_image012Cái mạch sống ấy, nói như Nguyễn Tuân trong “Thời và thơ Tú Xương” – bài viết mà tôi thích nhất của Tuyển tập Nguyễn Tuân (gồm ba tập xuất bản năm 2005, NXB Văn học). Sau khi biểu tỏ sự không đồng tình với cách “đưa ra một số tên tuổi những bậc ái quốc và những nhà cách mạng... hoặc là dẫn ra một số sự việc riêng Tú Xuơng có quan hệ ít nhiều với các bậc chí sĩ ấy... như thể sự nghiệp thơ của một thi sĩ đó chưa đủ thành trọng lượng rồi sao mà thuốc thang còn cứ phải gia thêm vị này vị khác vào!”, Nguyễn Tuân kết luận: “...Thơ Tú Xương và con người Tú Xương không cần đến những thứ biện trợ không cần thiết đó. Những ý tứ và tình cảm, những từ, những âm, những ảnh, những vần, những nhịp trong Tú Xương, cả tập thơ nôm độc đáo ấy, tự nó đủ bảo vệ khá vĩnh cửu rồi cho tất cả những gì gọi là giá trị Tú Xương” (tr.263).

Không biết ánh lửa được đốt lên giữa rừng tranh đêm ấy cũng là “ánh lửa từ trái tim mình” của Nguyệt Quý mà tôi sẽ viết ở dưới trang này có truyền được chút nào sức ấm sáng vào trong “những từ, những âm, những ảnh, những vần, những nhịp” của trang viết mà con chữ bàn phím đang nhả ra trên màn hình máy tính cỡ to nhất trợ lực cho đôi mắt đã kèm nhèm.

Để tự động viên mình, tôi cố đeo bám vào định đề của Einstein “Sự khác biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo tưởng dai dẳng đến ngoan cố” để gắng công đào bới ý nghĩa thâm trầm trong câu nói của bộ óc thiên tài ấy nhằm tự an ủi rằng, có lẽ vẫn có ít nhiều lay động của ánh lửa được thắp sáng lên trong mù sương của rừng tranh, rọi bước đi của đoàn người mệt nhọc hăm hở leo dốc 70 năm trước. Tuy nhiên, điều ấy không thể xoá đi sự nghiệt ngã của một sự thật, thời gian là cơn bão mà tất cả chúng ta đều có thể lạc đường trong đó. Chính vì thế mà phải làm sao để bụi thời gian không phủ lấp những ánh lửa ấm sáng từng được đốt lên trên những chặng đường đã trải, Những ánh lửa của cuộc sống biến động dữ dội như vốn có. Tôi viết “Mùi cọp” là viết về ánh lửa ấy.

Cô học trò yêu của tôi, cũng là cháu ruột tôi, con gái út của nhà trí thức yêu nước Đặng Văn Ngữ đã xúc động thốt lên: “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình” khi được tin cha mình đã hy sinh tại chiến trường Trị Thiên Huế ngày 1/4/1967, sau một loạt bom B52 rải thảm:

“Tiếng ai hát trên Trường Sơn mây trắng

Dồn bước đi về phía quê nhà

clip_image014Mỗi bước đi rừng núi nở hoa

Hoa thắm đỏ như máu Ba đã đổ

Con muốn là bông hoa nho nhỏ

Ven mộ Ba ngày tháng bên Ba

Nối tiếp bước đi, hát tiếp bài ca

Trên Trường Sơn mây trắng:

Máu thắm đường ta đi

lẫn mồ hôi rơi

lòng ta như nắng

Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình”.

clip_image016Bài thơ của Đặng Nguyệt Quý cũng kết thúc với câu kết như cách Vũ Trọng Hối đã láy lại nhiều lần trong “Bước chân trên dãy Trường Sơn”. Phải chăng, “cũng như những giếng phun nước, càng vượt cao lên mỗi khi nỗi đau khổ đào sâu vào trái tim”. Hình như “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình” từng gây xúc động trong tâm hồn cô học trò nhiệt tình, trong trắng và đa cảm mà tôi hiểu khá rõ cũng như các bạn cùng lớp từng xúc động về nhân cách và tình cảm trong ứng xử của Quý.[3]

Một ngẫu nhiên thú vị pha vào đó chút huyền bí của cái mà người ta hay gọi là “thần giao cách cảm” khi sáng hôm kia, tôi đang dẫn bài thơ “Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình” trong bài viết thì từ Hà Nội, Ngân Thanh, học trò cũ, bạn cùng lớp với cháu tôi gọi điện thoại: “Thầy ơi, lạ quá, tối hôm qua em vừa nằm mơ thấy Nguyệt Quý, chúng em ôm chặt lấy nhau cùng khóc cùng cười trong nước mắt. Một chiêm bao mà em chưa từng có bao giờ, lạ quá Thầy ạ”. Ngân Thanh là bạn rất thân của Quý, giờ đây đã nghỉ hưu nhưng vẫn chịu khó mở một lớp dạy thêm cho các học trò nghèo trong xóm. Giữa cuộc đời thừa những ác mộng nhưng cũng không thiếu những giấc mơ ấm áp và chan chứa tình người, tình bạn, tình đồng chí, đồng đội..., chất men của cuộc đời.

Liệu có phải ánh lửa mà Nguyệt Quý rọi chiếu cũng là ánh lửa đốt được lên giữa rừng tranh Quảng Bình dạo nào? Dù muốn, vĩnh viễn tôi không hỏi được cháu, người tôi muốn hỏi nhất “Dạo ấy cháu có được nhắc nhở về “mùi cọp” không?”. Hỏi vậy vì “mùi cọp” là sự thử thách khắc nghiệt và độc đáo của những người đang háo hức xúc động đi theo tiếng gọi của khát vọng cao cả như cháu tôi, như mẹ tôi, như chị tôi và bao người khác muốn sống một cuộc đời đáng sống.

clip_image018Trong suy ngẫm của tôi, “mùi cọp” không chỉ là mùi của dã thú rình mò, của xả thịt nuốt xương, mà cũng là mùi của những lừa lọc và chết chóc, của âm mưu và thủ đoạn của con người. Thì chẳng phải “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh đã có bài “Đường đi khó” (Thế lộ nan ) đó sao: “ Đi khắp đèo cao, khắp núi cao/ Ngờ đâu đường phẳng lại lao đao!/ Núi cao gặp hổ mà vô sự/ Đường phẳng gặp người bị tống lao”. Rõ ràng ở đây, con người, xã hội của con người đáng sợ hơn nhiều, đúng ra, nên nói là trong xã hội của con người không thiếu những “mùi tàn độc”, mà sự tàn độc ấy lại khó đương đầu gấp ngàn vạn lần sự tàn độc của dã thú sơn lâm.

May mắn lớn, và cũng có thể gọi là hạnh phúc của tôi là bạn bè cùng chí hướng luôn đến thăm. Một người suốt ngày chỉ có thể với chiếc gậy di chuyển từ giường nằm ra phòng có đặt chiếc máy tính, khi mệt muốn lấy lại sức thì lại lọc cọc chiếc gậy ra ngồi ngả lưng vào chiếc ghế da ở phòng khách với tách trà nóng. Đi ra khỏi cửa thì phải có người dìu, mà cũng chỉ có hai nơi để phải đi: bệnh viện và đến thăm bà chị ruột đã 95 tuổi để bà già thương quý đã gần đất xa trời ấy khỏi vất vả vì nhớ em mà cứ đòi cháu dùng xe đẩy đi tìm gọi taxi để đến thăm cậu em út 88 tuổi.[4]

Trong tâm thế ấy thì, bạn bè đến thăm “ta với ta” trong nỗi khắc khoải của

Lâu nay vắng vẻ bặt tăm hơi,

Nước non man mác về đâu tá?

Bè bạn lơ thơ sót mấy người!

mà câu thơ Nguyễn Khuyến thế kỷ XIX trong bài “Cảm hứng” đã chân tình chuyển đạt đến cho lớp người già thế kỷ XXI chúng ta nay thật sống động và thấm thía biết bao! Câu thơ chan chứa ân tình ấy nào có thua kém gì câu thơ của Lý Bạch thời thịnh Đường, được tôn là “thi tiên”. Xin chỉ gợi ra đây bài “Tiễn bạn (Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng) của bậc “thi tiên” ấy:

Hạc vàng, tiễn bạn từ đây

Tháng ba, hoa khói giăng đầy Dương Châu

Cánh buồm lẻ bóng còn đâu

Trường Giang vời vợi một màu biếc xanh

clip_image022Hoàng Hạc, Quảng Lăng, Dương Châu... xa vời quá cho dù thơ thì quá gần gũi quen thuộc khi nói về tình bạn tuyệt vời từng làm ấm áp hơn, tăng thêm chất luợng và cái đẹp của cuộc sống. Xin nói gần hơn. Chỉ mới tuần trước thôi hai anh bạn cùng tuổi, một ở Hà Nội, một ở Sài Gòn nghe tôi bệnh đã cho con đưa đến thăm[5]. Dễ đến gần mười năm mới gặp nhau. Đã qua cái thời liến láu đủ thứ chuyện nên chỉ ngồi nhìn nhau trong nụ cười ấm áp đồng điệu mà chẳng nói được gì nhiều tuy điều muốn nói thì sẽ là thao thao bất tuyệt. “Tớ nhiều lần định sai con đưa xe đến đón cậu lên nhà mình cùng đi câu cá nhưng rồi cứ nấn ná mãi”. Con gái Trần Phúc Phong bằng tuổi con gái tôi. Con trai Hồ Ngọc Đại tháp tùng bố từ Hà Nội vào lại là bạn với con gái tôi, chúng thường gặp nhau trên mạng. Hồ Ngọc Đại thì vẫn kiệm lời trong nét cười rộng mở: “Trả lời câu hỏi của chúng nó, mình không dài lời, chỉ nói, chẳng phải nhận xét gì thêm, Tương Lai vẫn thế, nó đã nói là nói thật, rất thật”.

Tiếp theo cuộc đến thăm của bạn, cậu học trò yêu nay râu đã mọc dài rủ xuống cằm khá đẹp đến thăm thầy. Lê Võ Bạch Thông cười giòn: “Em hẹn với Liễu xin địa chỉ để tuần sau đến thăm thầy, nhưng sáng nay bóc lịch, thấy này 1.10 – Ngày người cao tuổi – nên em vứt bỏ kế hoạch, vội bắt taxi đến thăm thầy với tư cách học trò, lại được thêm tư cách người cao tuổi”, Bạch Thông đưa tay vuốt râu khoái chá: “Thằng học trò nghịch ngợm thầy yêu đây”.clip_image020

Ngẫm ra, cuộc sống có vô vàn những bất ngờ. Những ngày tháng 10 này gợi lại cho tôi những hồi ức đã mờ nhạt của buổi thiếu thời nhiều nao nức chờ đợi. Tấm ảnh mấy chúng tôi chụp bên hồ Hoàn Kiếm dạo ấy bị mốc nên không đưa lên trang viết hôm nay được nhưng vẫn xao xuyến biết bao ánh mắt nụ cười. Những người trong ảnh, nay hình như chỉ còn một tôi. Cho đến tận nay, tôi cũng không hiểu tại sao lại được triệu tập sớm theo đề nghị của anh Việt Phương, nhập cùng nhóm với giáo sư Hà Thế Ngữ và thầy Nguyễn Hữu Dũng chuẩn bị gấp để về Hà Nội.

Rồi cho đến tận nay cũng không hiểu tại sao thay vì đi dạy học trên mọi tỉnh thành ở Miền Bắc, tôi lại bị trưng dụng đi làm công tác kê khai hộ tịch. Trụ sở của Đội Hộ tịch đóng tại một nhà hàng vừa sản xuất vừa bán thuốc đánh răng ở phố Hàm Long khu Hai Bà Trưng. Trong 25 người của Đội công tác chỉ có ba người, trong đó có tôi, được phát súng lục nhỏ dắt cạp quần, áo sơmi dài tay bỏ ngoài quần che kín, để làm nhiệm vụ ở những “địa bàn phức tạp”!? Khu vực tôi phụ trách là khu vực quanh Chợ Hôm gồm các phố Trần Xuân Soạn – nơi sau này là trụ sở của Viện Xã hội học do tôi làm Viện trưởng – gần kề nơi đặt trụ sở của Đội công tác, gồm phố Huế và các phố dọc theo bên trái và bên phải phố Huế của khu Hai Bà Trưng hiện nay. Nhiều năm về sau, tôi vẫn còn gặp những người mà tôi từng đến yêu cầu họ kê khai, hình như họ vẫn nhận ra tôi, thú vị là trong đó có một cô gái con ông chủ nhà lại là học trò của tôi năm, bảy năm sau. Chuyện này tôi đã kể trên “Mênh mông thế sự” đã khá lâu về chuyện “bắn ai và ai bắn” nay không nói thêm nữa.

Nhắc lại chỉ để nghĩ về một khía cạnh về sự trớ trêu của số phận. Nghề nghiệp đầu tiên tôi phải lựa chọn là nghề công an để rồi sau này, nhà tôi ở thường có công an khu vực chăm sóc chu đáo, nhất là những dịp thường diễn ra các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược...! Chao ôi, “thế sự du du nại lão hà” (世事悠悠奈老何)! Chuyện đời còn quá dài mà mình thì già rồi kể sao hết. Mà than thở làm gì cơ chứ.

 clip_image024Tôi những muốn nói với bạn bè, đặc biệt là với cô học trò cũ vừa kể lại giấc chiêm bao, nay đã là một bà ngoại: Ai cũng có cả bầu trời đại dương để bay, nếu điều đó nằm trong tim họ. Mạo hiểm chăng? Có thể. Nhưng giấc mơ đâu cần biết đến biên giới”. Đó là tuyên bố của Amelia Earhart người phụ nữ đầu tiên một mình bay xuyên Đại Tây Dương và đã hy sinh. Vả chăng, “Không phải người ta ngừng theo đuổi giấc mơ vì mình già đi, người ta già đi vì ngừng theo đuổi giấc mơ”. Đó là khuyến cáo mạnh mẽ đủ sức mạnh triết lý để truyền năng lượng sống cho tuổi già của Gabriel Garcia Marquez, nhà văn “huyền ảo” vĩ đại người Colombia. clip_image026

Mà quả vậy. Lâu lắm tôi mới đọc được một ý tưởng khá mạnh dạn và thú vị của một “quan chức” (đương nhiên là chỉ nói riêng trong giới văn học nghệ thuật) viết về nhà văn người Colombia: “Mọi nơi chốn trên thế gian này đều chứa đựng những vẻ đẹp và những câu chuyện huyền ảo như thế. Không gian không phải là một mặt phẳng, nó là một khối đa phương mà không có bất cứ một bức tường kết thúc nào cả. Nó là một ngôi nhà với vô tận những ô cửa. Vì thế, khi chúng ta thấu hiểu và có ý thức mở những ô cửa đó thì thế giới này hiện ra trùng điệp không bao giờ dứt. Đấy chính là nguồn năng lượng cho sự sáng tạo của nghệ sĩ và quan trọng hơn nó là một bản tuyên ngôn: sự nhàm chán và trần tục chỉ thuộc về con người chứ không thuộc về thế gian”.[6]

Chỉ đáng tiếc là sự nhàm chán và trần tục ấy lại đang trùm lấp lên cuộc sống với đám khói đem ngòm của “sự nghiệp đốt lò” đang ám ảnh tâm trạng của “lũ thần dân” đang bị ám khói độc ấy với đầy rẫy âm mưu, thủ đoạn trong cuộc thanh toán lẫn nhau chiếc ghế quyền lực. Nhưng nếu chỉ có vậy thì làm sao sống nổi. Vì vậy, hãy tin rằng nếu biết và mở ra những ô cửa (mới) thì thế giới này hiện ra trùng điệp không bao giờ dứt, một ý tưởng khá hay mà tôi vừa dẫn ra ở trên.

Cũng là một ngẫu nhiên thú vị, chỉ mới hôm qua thôi tôi nhận được tin vui của người bạn thân qua VTC News ngày 9.10.2923 “Ngày 3/10, Ấn Độ tổ chức Đại lễ kỷ niệm 70 năm ngày sinh của nhà lãnh đạo tinh thần Amma, biểu tượng của tình yêu thương và những hoạt động nhân đạo của nước này. Buổi lễ diễn ra trang trọng với hơn 100.000 người tham dự cùng diễn văn chào mừng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Tại đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Ban lãnh đạo Diễn đàn Toàn cầu Boston đã trao tặng giải thưởng và đọc diễn văn vinh danh Mātā Amritānandamayī Devi, được coi là vị thánh sống, một trong những nhà lãnh đạo tinh thần và nhân đạo có ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới đã và dành phần lớn cuộc đời của mình để lan tỏa tình yêu, lòng từ bi, cứu trợ nhân đạo đến với con người và thế giới... Tại đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Ban lãnh đạo Diễn đàn Toàn cầu Boston đã trao tặng giải thưởng và đọc diễn văn vinh danh bà Amma.

clip_image028Một trí thức Việt Nam – từng là người sáng lập Vietnamnet – được trao vinh dự ấy chẳng phải là một tín hiệu của “khát vọng sống vẫn có chỗ để trồi lên” đó sao! Đáng tiếc rằng, “quá nhiều người trong chúng ta không sống với giấc mơ của mình vì chúng ta sống với nỗi sợ hãi”, đó là khuyến cáo của Les Brown một người đàn ông da màu người Mỹ đã thay đổi số phận bằng nghị lực phi thường được xem là một trong những diễn giả có động lực lớn nhất thế giới.

Một động lực thúc đẩy cuộc sống nữa là sự kiện báo Tuổi Trẻ ngày 10.10.2023 đưa tin về sự thanh thản ra đi của một ông già 92 tuổi, tỷ phú người Mỹ Chuck Feeney với một lời nhắn gửi: “Tôi đã học được nhiều điều và cảm thấy hài lòng khi hoàn thành được tâm nguyện. Xin gửi lời cảm ơn đến tất cả những người đã tham gia vào hành trình của tôi. Với những ai đang băn khoăn về việc ‘cho đi khi còn sống’, hãy thử nó và bạn sẽ thích”.

clip_image030Cứ bần thần suy ngẫm mãi để thấu hiểu cho ra cái tâm thế của nhà tỷ phú 92 tuổi ấy khi ra đi đã để lại một triết lý sống cho con người, cho cuộc đời, cho một lối sống: “Tôi không thể nghĩ ra cách sử dụng tài sản nào xứng đáng và phù hợp hơn là cho đi khi một người còn sống, để cống hiến hết mình cho những nỗ lực có ý nghĩa nhằm cải thiện tình trạng con người”, tỉ phú Feeney viết trong lá thư cam kết. Trước khi qua đời, ông Feeney sống trong một ngôi nhà thuê nhỏ ở San Francisco và không sở hữu bất cứ chiếc ô tô hay một ngôi nhà nào khi mà ông từng tích lũy khối tài sản hàng tỉ USD và cho đi tất cả.

Sẽ không thừa nếu kể thêm, trong cái “Cam kết cho đi (Giving Pledge) của Chuck Feeney, thành phố Huế quê tôi cũng đã nhận được một khoản tài trợ quý báu: trong các năm từ 2007 đến 2014, Đại học Y Dược Huế đã sử dụng số tiền được tài trợ đó hơn 10 triệu USD để xây thêm ba toà nhà rộng lớn đầy đủ tiện nghi phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy.

Tôi muốn nhắc lại nhận xét của bạn tôi nó đã nói là nói thật, rất thật”. Vâng, những sự thật mà tôi viết ra là những sự kiện, những hiện tượng từng chìm sâu trong đáy lòng mình, những điều ấy từng in dấu ấn của một thời tôi đã sống, những chặng đường đời đã trải qua. Chúng lànhững gợn sóng ngẫu nhiên trồi lên trên dòng chảy của hồi ức”.

Đã là ngẫu nhiên thì chắc không cần nói đến nguyên cớ và thường là rất bất ngờ. Nhưng biện chứng của cuộc sống lại cho thấy thật ra ngẫu nhiên luôn ẩn chứa trong nó cái tất yếu. Và đừng quên Hegel – nhà triết học Đức vĩ đại – đã từng coi phép biện chứng là linh hồn của mọi nhận thức chân lý khoa học. Có lẽ không chỉ trong nhận thức khoa học, mà cả trong sâu thẳm của tình cảm cũng chìm sâu biện chứng của sự sống đầy bất ngờ. Chính những bất ngờ ấy làm cho ta không đoán định nổi những nghịch lý, những oái oăm đã, sẽ và đang diễn ra.

clip_image032Đành rằng thời gian là cơn bão mà tất cả chúng ta đều có thể lạc đường trong đó như vùừa nói ở trên, nhưng dù có vậy, cuộc sống sẽ lại tự mở đường cho nó. Và rồi con người lại đi tới trong mịt mù của cát bay, đá nhảy, nhà đổ, người chết để tìm sự sống trong mớ bòng bong ấy. Thế giới đang chấn động vì cuộc tấn công tàn khốc của Hamas ở phương trời xa Trung Đông, tôi đọc được bình luận sắc sảo của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng từ Virginia Hoa Kỳ gửi cho BBC:Tưởng chẳng dính líu gì tới Israel, Ả Rập, thế mà khi các con cháu cùng một tổ phụ Abraham đánh nhau, thì con cháu Lạc Long Quân lại bị xây xẩm mặt mày”. Còn bài Xã luận của Ban biên tập báo The Jerusalem Post ngày 14.10.2023 thì khẳng định: Mọi người dân Israel “cùng nhau sát cánh như một cộng đồng”, “Ý thức hiệp nhất sâu sắc này là ngọn hải đăng làm cho Israel trở thành ánh sáng chiếu soi giữa các dân tộc”. Một bài toán hóc búa mới đang đặt ra cần phải có lời giải. Một lời giải thoả đáng không chỉ với thế giới mà cũng thật nóng bỏng với Việt Nam trong cơn lốc của thời cuộc đòi hỏi sự tỉnh táo không riêng của những người gánh vác trọng trách quốc gia mà cũng là sự tỉnh táo của cả dân tộc ta. Khói lửa của chiến tranh không chỉ đang phủ kín bầu trời Trung Đông và chập chờn trên khắp các châu lục mà cũng đang làm ảm đạm thêm.

Trong xã hội con người đã vậy, trong tự nhiên cũng không thiếu những bất ngờ oái oăm. VNREW đưa tin về hiện tượng được gọi là “lực hút ánh sáng chết chóc”: Các loài chim di cư về đêm, như chim sẻ và chim chích, dựa vào các ngôi sao để tìm đường. Ánh sáng rực rỡ từ các tòa nhà vừa thu hút vừa làm chúng bối rối, làm chúng đâm vào cửa sổ hoặc bay quanh đèn cho tới chết vì kiệt sức. Một ví dụ, năm 2017, gần 400 con chim sẻ mất phương hướng trong ánh đèn của tòa nhà chọc trời tại Galveston, Texas và chết do đâm vào cửa sổ.

Ánh sáng đem lại sự sống, là biểu tượng của khát vọng. Ấy thế mà ở đây, ánh sáng lại là “lực hút của chết chóc”. Chẳng phải là một nghịch lý sao?

Người ta đang đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có một nỗ lực khuyến khích các đô thị tắt hoặc giảm đèn sáng trong những tháng chim di cư, và cùng với điều đó, còn nhiều ý tưởng mới được đưa ra. Đương nhiên, cuộc sống luôn phải đương đầu với những thách đố mà không phải lúc nào cũng tìm ra ngay được giải pháp thích ứng, nhưng sự sống còn buộc phải tìm ra, và thế nào rồi cũng sẽ tìm ra. Trí tuệ con người là bất tận. Đưa ra một sự kiện đầy nghịch lý ấy chỉ để bồi bổ thêm cho mình năng lượng sống khi mà đồng hồ đang tích tắc đếm giờ cho sự mòn mỏi dần của tuổi già như một tất yếu. Năng lượng sống ấy tiếp thêm sức cho bộ não điều chỉnh những con chữ trên bàn phím. Bỗng nhớ đến câu hát da diết mà thấm thía trong“Mưa hồng” của Trịnh Công Sơn: cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ.clip_image034

10.10.2023

[1] Theo Michel Dye, Université de Avignon, Ngô Bắc dịch, trong bài André Malraux và sự quyến rũ của Phương Đông trong cuốn “Thân phận con người”. Nguồn: Michel Dye, “André Malraux and the temptation of the Orient in ‘La Condition humaine’”, Journal of European Studies, 29, 1 (March 1999): 45(9).

[2] “Ông tập bỏ thói quen đi giày da để đi dép cao su. Với nhiều người, có lẽ việc này chẳng có gì đáng nói nhưng với người lúc nào cũng mang giày da bất kể mùa nóng, mùa lạnh như ông thì cũng trở thành vấn đề. Mỗi tối, ông còn tập vác balo gạch đi quanh nhà, dần dần đi quãng đường xa hơn...”, Chuyến đi định mệnh của giáo sư Đặng Văn Ngữ, Dân Việt 16.4.2021

[3] Chú thích ảnh từ phải sang:

1. Ba mẹ của Nguyệt Quý (ba Đặng Văn Ngữ mẹ Tôn Nữ Thị Cung).

2. Đặng Nguyệt Quý với ba và mẹ ở Chiêm Hoá, Việt Bắc.

[4] Ảnh: Chị Ngọc Toản và em Tương Lai.

[5] Ảnh trên, từ trái qua phải: Hồ Ngọc Đại, Tương Lai, Trần Phúc Phong.

Ảnh dưới: Lê Võ Bạch Thông đứng, Tương Lai ngồi.

[6] Nguyễn Quang Thiều. Tuổi Trẻ ngày 19.4.2014