Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2023

Khi nét chữ đánh rơi tính cách

Rachel Gutman-Wei, “The Atlantic”, ngày 11/07/2023

Quyên Hoàng dịch

 

Ngày trước, chữ viết tay được xem là cửa sổ giúp hé lộ tâm hồn. Nay, thời đại số đã khép chặt cánh cửa ấy.

image

Minh họa của The Atlantic. Nguồn: Getty.

Lý do đơn giản thôi, tôi là một cây viết, và tôi cũng là người nghiện tích trữ đồ đạc nữa, thế nên căn hộ tôi ở luôn đầy rẫy những cuốn sổ tay ghi chép nào là nhật ký lẫn đống bài tập về nhà. Vô số trang không đề ngày tháng, nhưng tôi vẫn có thể nhận biết chúng thuộc về giai đoạn nào trong đời mình: chỉ cần nhìn nét chữ thôi là đủ. Ví dụ sớm nhất là từ thời tiểu học, chữ tôi đâm thành những góc cạnh lởm chởm; thậm chí chữ s hay chữ j vẫn vểnh lên những nhánh sắc nhọn. Thời cấp hai, khi tôi muốn mình trở nên dịu dàng nữ tính hơn (và kết quả là một sự thất bại), tôi nắn từng chữ sao cho chúng trông thật mềm, mỗi đường cong tựa như bong bóng xà phòng chực chờ bay vỡ. Năm giữa cấp ba, thời điểm cần phải bắt đầu nghiêm túc về tương lai ứng tuyển đại học, tôi chuyển sang nét chữ gọn gàng, thanh mảnh, chữ nào chữ nấy thẳng tắp một hàng khó mà sai lệch.

Từng giai đoạn “chuyển mình” của tôi đều gắn liền với thứ niềm tin trải dài hàng thế kỷ trong xã hội Mỹ, rằng con người – thậm chí bấy nhiêu thể loại người trên đời – đều có thể được suy định dựa trên nét chữ viết tay của họ. Nay thì cái hình thái mang tính “hiển lộ nhân cách” ấy có chăng đã trở nên lỗi thời. Giữa thời đại của văn bản trên màn hình, không ít người trong chúng ta chẳng còn lấy giấy bút ra viết tay nữa. Từ đó, ta cũng chẳng còn mấy cơ duyên để đánh giá, đoán định tính cách của nhau qua nét chữ. Chữ viết tay – vốn là một thứ “ngôn ngữ” trong thế giới riêng của chính nó – đang chết mòn.

Trước thế kỷ 19, ở Mỹ không thôi, chữ viết tay không hẳn là thứ để con người ta tự biểu lộ mình. Trên hết, đấy lại là thứ định danh nhóm người - giai cấp bạn thuộc về trong xã hội, gồm cả nghề nghiệp của bạn. “Ví như thương nhân thời xưa cần sở hữu nét chữ giúp thể hiện năng lực nhanh nhẹn, năng suất hiệu quả trong ngành bán buôn”, Tamara Plakins Thornton, nhà sử học tại Đại học bang New York ở Buffalo (Mỹ), và tác giả cuốn sách Chữ viết tay ở Mỹ (“Handwriting in America”), cho biết. Luật sư cũng có kiểu chữ viết tay của họ, tầng lớp quý tộc lại là một “phong cách” khác, v.v. Những hình thức phân định ấy thường được gia cố bởi các chuẩn mực xã hội đương thời, bởi giáo viên, khách hàng, đồng nghiệp, và chủ doanh nghiệp.

Đàn ông và phụ nữ cũng được quy định mỗi giới một kiểu chữ khác nhau. Carla Peterson, cựu giáo sư khoa Văn của Đại học Maryland (Mỹ), nói tôi hay rằng chữ của cánh mày râu được dạy phải là “cơ bắp”. Họ viết chữ tròn, một kiểu chữ lớn hơn, tức là phải tì mạnh hơn vào cán bút lông ngỗng hay bút mực; ngược lại, phụ nữ học viết nét chữ mảnh nghiêng nghiêng (như phông Italics trên máy tính ngày nay), khép từng nét bút gòn gọn, thu mình thật gần bên nhau. Kiểu cách viết chữ ấy, theo lời Ewan Clayton, chuyên gia về chữ viết tay tại Đại học Sunderland (Anh), cũng chả khác mấy cái cách vòng eo phụ nữ bị “o ép” giữa các xu thế thời trang. Nhưng rồi thì, phụ nữ cũng đã chuyển sang nét chữ tròn [của đàn ông].

Đến thế kỷ 19, khi thư từ và sổ sách bắt đầu được biên, soạn nhờ máy đánh chữ, con người ta mới hình thành quan niệm chữ viết tay của mỗi người mỗi khác – và chính sự khác biệt ấy sẽ phản ánh con người thật của bạn. Khi không còn bị bó buộc bởi những quy chuẩn đề ra trong các ngành nghề, nay được giải thoát, chữ viết tay thành ra riêng biệt, cá nhân hóa hơn. “Khi ấy, người ta thực sự tin rằng chữ viết tay là phương cách trau chuốt nội tại, rằng nét chữ quả thực sẽ giúp ta nhận biết phẩm cách của một ai đó”, theo lời Mark Alan Mattes, giáo sư dự bị khoa Văn tại Đại học Louisville (Mỹ), kiêm nhà biên soạn tuyển tập Chữ viết tay thuở đầu nước Mỹ (“Handwriting in Early America”) sắp phát hành.

Niềm tin trên in rõ mồn một trong cái ngành mang tên Bút tướng học [graphology] – một dạng não tướng học [phrenology] dành cho chữ viết tay. Vào những năm 1840, nhà văn - nhà thơ người Mỹ Edgar Allan Poe (vốn say mê mọi cung cách đo lường nhân danh khoa học), đã cho xuất bản những phân tích của ông về chữ ký của hơn 100 nhà văn: nét này nét nọ ký trên giấy sẽ tương ứng ra sao với văn phong của nhân vật đang được bàn đến. Bàn về chữ ký của Henry Wadsworth Longfellow, ông viết: “Ta thấy ngay đây những ý hiệu rành ròi về nguồn cơn mãnh liệt, niềm hăng say tràn trề, và cái chất giàu đẹp muôn phần óng ánh vốn hiện hữu trong văn phong của vị tác gia này. Cái cách mà ông ta dứt khoát và vững vàng hoàn thiện những sáng tác của mình”. Nhưng Poe không dành những lời hoa mỹ đó cho nhà thơ Lydia Sigourney: “Dựa trên chữ ký của bà S., ta có thể dễ dàng đoán định bản chất các sáng tác của bà ta. Tự do, phẩm hạnh, tính xác tường và nét thanh tao nữa – nhưng vẫn thiếu sự sáng tạo – là phù hợp để mô tả cách viết của bà S.. Gu của bà ấy đúng là tinh tế, nhưng bà ấy không phải là thiên tài”. Một cuốn cẩm nang về chủ đề bút tướng học in năm 1892 trông chừng mang tính hệ thống, quy củ hơn, cho hay: bạn đọc nên để ý rằng những ai viết liền nét các chữ cái là dạng người “thuần suy diễn” trong cách họ lý luận, còn khoảng cách rộng giữa mỗi chữ cái cho thấy người đó “thuần trực giác”.

imageMẫu nét chữ “thuần trực giác” (trên) và “thuần suy diễn” (dưới) trong cuốn Talks on Graphology của Helen Lamson Robinson và M. L. Robinson

Đầu thế kỷ 20, bút tướng học và những khuynh hướng của nó vẫn thịnh hành. Các nhà nghiên cứu thời ấy từng đăng đàn những bài viết khoa học khẳng định người đọc có thể đoán giới tính của người viết – với tỉ lệ chuẩn xác cực kỳ cao – dựa trên nét chữ, như thể vài thập niên trước học sinh chưa bao giờ được dạy rằng nam, nữ nên luyện cách viết chữ khác nhau. Trong thập niên 1970, các nhà khoa học vẫn lục tìm trong nét chữ những sắc thái làm nên tính cách một con người. Một bài nghiên cứu còn chỉ ra rằng: “Chữ i viết thiếu dấu chấm trên đầu cho thấy đó là người không thích phục tùng, không vị kỷ, là kiểu người quan tâm đến các vấn đề xã hội”. Còn “dấu chấm trên đầu chữ i nếu được viết kiểu khoanh tròn nho nhỏ lại là sự biểu lộ chắc nịch về một con người thông minh và tinh tường”.

Trong thời đại kết nối toàn cầu, khi lệnh gõ trên bàn phím máy tính lên ngôi, việc giải mã chữ viết tay đã bị đẩy ra rìa. “Ta đang chứng kiến cái chết của chữ viết tay”, tờ Time từng giật tít năm 2009. Từ đó đến nay, đời sống con người đã ngày càng “số hóa”. Một ngày bình thường trong đời, tôi vẫn trò chuyện với các bạn đồng nghiệp đó chứ, nhưng tôi không hề biết chữ viết tay của họ trông thế nào. Hay như việc một số người bạn không còn thói quen gửi thiệp viết tay chúc mừng sinh nhật. Tôi có cô bạn năm sau sẽ làm đám cưới, và tôi chưa bao giờ thấy nét chữ từ vị hôn phu của cô ấy. Sao tôi có thể biết được nếu anh ta là người thích suy diễn hay có trực giác tốt, liệu anh ta thông minh ra sao hay quan tâm đến các vấn đề xã hội thế nào, anh ta là týp người nghệ sĩ hay là một kẻ giết người hàng loạt?

Nói vậy thôi, bởi nhà sử học Tamara Plakins Thornton bảo tôi rằng, thực ra thì, bút tướng học là thứ “cực kỳ ngớ ngẩn”. Những yếu tố nội hàm của một con người chả mấy khi tác động tới nét chữ viết tay của người ấy. Dù nét chữ của bạn sáng tỏ như trăng rằm hay ngoằn ngoèo như đơn bác sĩ kê toa, chúng đều không biểu thị cái gọi là trí thông minh (dù từng có những lời khẳng định ngược lại cho cả hai trường hợp này). Dựa vào chữ viết tay, ta có thể chẩn đoán những căn bệnh ảnh hưởng đến khả năng vận động cơ thể, như bệnh Parkinson chẳng hạn. Nhưng bạn sẽ không thể biết về lương tâm của một ai đó dựa trên cách anh ta đặt dấu gạch ngang trên thân chữ t. Điều mà bạn có thể “đọc” được – dựa vào nét chữ viết tay – là việc một con người đã hòa vào xã hội và học cách thể hiện mình trước mọi người ra sao, theo lời Seth Perlow, Phó giáo sư khoa Văn tại Đại học Georgetown (Mỹ): bác sĩ quen lối viết rối rắm, mấy bạn nữ sinh thích biến dấu chấm đầu chữ i thành hình trái tim. Không hẳn sinh ra là con gái là sẽ đặt những trái tim nho nhỏ lên đầu chữ i – hành động này là một thứ tín hiệu xã hội, thâm nhập và ăn sâu trong tâm trí các bạn: rằng con gái làm vậy mới thể hiện sự nữ tính.

Tôi còn nhớ mình hồi bé từng luyện chữ mỗi lần thấy chán khi ngồi trên lớp. Tôi điều chỉnh những chỗ trông không ưa, thêm thắt hoặc loại bớt đường nét sao cho con số 7 hay chữ a của tôi trông vừa mắt. Mỗi lần thử nghiệm một kiểu viết mới lại không khác gì việc vận thử lên người một bộ quần áo mới và ngắm nghía mình trước gương – xem mọi thứ thế nào, người ngoài nhìn vào cũng sẽ thấy cái tôi đang thấy. Giờ thì, giữa thời đại mà chữ viết tay không còn là một phần mật thiết trong đời sống thường nhật nữa, nhà sử học Tamara Plakins Thornton nói với tôi rằng: “Đúng là chữ viết tay không còn là phương tiện để con người ngày nay thể hiện bản thân. Bạn sẽ phải học cách chấp nhận thực tế, và ‘cao chạy xa bay’ thôi”. Nếu bạn muốn khẳng định, và đồng thời muốn người khác thấy được bạn là ai, hãy trau chuốt vẻ ngoài rồi chụp những bức hình hoàn hảo đăng lên mạng, hoặc cập nhật danh xưng đại từ của bạn trên nền tảng Instagram (he, her, they), hay để trên tài khoản LinkedIn rằng bạn là một thương gia (tất nhiên là không cần đăng kèm chữ viết kiểu cách thời thế kỷ 17).

Trên thực tế, hằng hà sa số những giá trị một thời gắn liền với cung cách biểu hiện bằng mực trên giấy – ví như nét chữ mềm mại của thi sĩ, hay sự phóng khoáng về mặt cảm xúc và tâm hồn của một ai đó – nay đã bị thu hẹp thành… việc ta có chịu lấy giấy, bút ra mà viết hay không. Seth Perlow (Đại học Georgetown) đang nghiên cứu hành vi người dùng đăng ảnh chụp những bài thơ họ tự sáng tác và viết tay lên nền tảng Instagram, và bảo tôi: “Người ‘đọc’ sẽ cảm thấy tác giả của những bài thơ này là một người chân thật, sẵn sàng phô bày và thể hiện chính mình một cách cởi mở, đồng thời tạo sự kết nối thân tình với đối tượng quan tâm – đó là tín hiệu mà tôi quan sát được ở xu thế mạng này”.

Các công ty công nghệ cũng đã thử sao chép và biến thứ cảm nhận nêu trên thành dịch vụ số. Các tiện ích như Handwrytten, Simply Noted hay Pen Letters cho phép người dùng gõ thông điệp mà họ muốn gửi đi, để rồi robot sẽ “viết” lại lời lẽ đó – với bút hẳn hoi – theo bất kỳ kiểu chữ “viết tay” nào mà khách hàng lựa chọn. Thư “tay” của robot sẽ được gửi theo đường bưu điện đến địa chỉ bạn mong muốn. Nhưng kiểu công cụ này không hẳn thể hiện sự chân thật hay tình kết nối thân mật. Vô hình trung, nó chỉ cho chúng ta thấy sự biếng nhác hời hợt. Nếu là người nhận được kiểu thiệp này từ một người bạn hay người thân trong nhà, tôi sẽ không khỏi khó chịu và nghĩ rằng họ chẳng dành ra chút thời gian, hay nỗ lực, để viết lên thiệp những dòng chữ xuất phát từ chính đôi tay rất chi là… người của họ.

Có chăng, giữa thời đại số, chữ viết tay chỉ cần mỗi hai thứ ở ta: thời gian và nỗ lực. Tôi và chồng thường mỗi năm viết cho nhau một vài lá thư. Đó là nghĩa cử yêu thương chúng tôi trao cho nhau, nhưng thú thực, nó không hề đơn giản, thậm chí mệt nhoài. Xác định điều tôi muốn gửi gắm vào lá thư là một chặng đường hao tổn cảm xúc và trí não đã đành. Nhưng sau vài đoạn văn, thử thách hiện ra lại đến từ… tay chân. Tay phải cầm bút bắt đầu tê rút, ngón áp út đau nhức vì thân bút tựa vào. Nhưng tôi tin rằng quyết tâm viết tay, mặc cho mấy sự khó chịu nêu trên, vấn sẽ giúp tôi hiểu rõ hơn về chính mình – nhiều hơn cả nét chữ mà tôi tự định ra cho bản thân cách đây 10 năm trước.