Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2023

Vài ý nghĩ về chuyện văn chương

Vũ Thư Hiên

... Một số bạn gửi thư, tin nhắn, muốn tôi chia sẻ kinh nghiệm viết văn. Có bạn còn gửi cho tôi những sáng tác của mình để tôi góp ý kiến. Tôi viết ít, tự xem mình không phải người viết văn chuyên nghiệp, nhưng để chiều lòng các bạn, tôi mạnh dạn chia sẻ những gì tôi trải qua.

Trả lời từng bạn thì không có thời gian. Nhân mấy năm trước trang nhà dutule.com có mở một cuộc phỏng vấn liên quan đến chuyện mà các bạn quan tâm, xin chuyển lại ở đây (có cắt bớt những đoạn thừa), hi vọng chúng có thể làm vui lòng các bạn phần nào.

TRÒ CHUYỆN TRÊN dutule.com VỚI NHÀ VĂN VŨ THƯ HIÊN

(14 tháng 11, 2010, có chỉnh lý)

Hoang Hung …hotmail.com

Thưa ông, ông có thói quen lập sẵn một cái tạm gọi là dàn bài cho một sáng tác dù ngắn hay dài của ông không? Nếu câu trả lời là có thì khi ông bắt tay vào việc viết, ông có còn theo cái dàn bài ấy hay câu chuyện, cảm hứng lúc viết sẽ dẫn ông tới những ngã rẻ bất ngờ khác?

VŨ THƯ HIÊN:

Tôi thường viết (truyện ngắn chẳng hạn) khi có một ý tưởng xuất hiện trong đầu. Được ý tưởng dắt dẫn, cái sẽ được viết ra ấy hình thành dần, trước tiên dưới dạng phác đồ (synopsis, hoặc libretto, chi tiết hơn). Phác đồ ấy thường bị phá vỡ ngay lập tức khi câu chuyện bắt đầu có da có thịt. Ở đoạn cuối nhìn lại thì nhiều khi chẳng còn thấy nó đâu nữa. Tôi từng thú nhận: tôi là người không có tài hư cấu, nên trong những gì tôi viết cái thực thường lấn áp cái bịa, bắt cái mình định bịa ra phải theo nó. Trong phần lớn trường hợp tốt nhất là tôi phải bịa theo con đường mà cái thực cho phép đi tiếp. Là chia sẻ với bạn kinh nghiệm tôi đã gặp thôi, chứ nó chẳng giúp ích gì cho bạn đâu, mỗi người viết sẽ có kinh nghiệm cho riêng mình.

QuanTa…aol.com

Thưa ông Vũ Thư Hiên, mặc dù tôi được biết truyện Miền Thơ Ấu ông viết về tuổi thơ của mình. Nhưng tôi vẫn muốn hỏi ông rằng: sự thật trong văn chương và sự thật trong đời thường có phải là một?

VŨ THƯ HIÊN:

Sự thật khi đi qua cái nhìn của người viết, bất kể với tác giả nào, giống ánh sáng đi qua lăng kính, nó lập tức biến dạng. Cùng một sự việc, nhưng hai nhà văn sẽ nhìn nó, thấy nó, theo hai cách khác nhau, và miêu tả nó cũng theo hai cách khác nhau. Khi đọc một tác phẩm, độc giả thường chấp nhận cái sự thật được tác giả cho biết, cái sự thật mang màu sắc của tác giả, hoàn toàn không phải cái sự thật khách quan.

Nhung…hotmail.com

Tôi có một câu hỏi cho nhà văn Vũ Thư Hiên, nếu câu hỏi của tôi có bị trùng hợp với ai khác thì tôi cũng vẫn mong được gửi tới cho người tôi muốn hỏi. Thắc mắc của tôi là:

- Giữa kỹ thuật, hiểu theo nghĩa hình thức với nội dung của một tác phẩm, thì ông sẽ dành ưu tiên cho phần nào?

Lý do tôi có câu hỏi này vì theo có theo dõi những biến chuyển văn chương của thế giới. Từ nhiều chục năm qua, tôi thấy có nhiều phong trào, nhiều khuynh hướng văn chương chú trọng tới hình thức, cách viết mà lãng quên hay đặt nhẹ phần nội dung.

VŨ THƯ HIÊN:

Có không ít tác giả ưa dùng những hình thức mới chưa ai có, chưa ai biết dùng, hoặc dám dùng, với ý muốn tạo ra một cái gì đó rất riêng, giống như một phát minh. Sự tìm tòi những hình thức mới bao giờ cũng đáng được hoan nghênh, nhưng hình thức mới rõ ràng không có khả năng làm ra tác phẩm mới (trong nghĩa cũ/mới). Mỗi nội dung sẽ chọn lấy cho nó hình thức thích hợp với nó, trong sự hài hoà với nó. Hiện tượng nhân vật nổi loạn, không chịu tuân theo ý tác giả, đã được các văn hào Gustave Flaubert, Lev Tolstoy nói tới nằm trong trường hợp này. Nhà văn nghĩ rằng nhân vật của anh ta sẽ hành xử theo cách anh ta muốn, nhưng nó đã hành xử khác hẳn, bắt nhà văn phải tuân theo nó (tức là hình thức được đặt sẵn cho nó hoá ra không phải là cái mà nó chịu nghe). Phát minh thì tốt, nhưng không nên phát minh ra cái xe đạp trong thế kỷ 21.

Nguyen …gmail.com

Thưa ông, tôi hiểu phàm làm bất cứ một việc gì, dù lớn hay nhỏ, dù cụ thể hay trừu tượng thì người ta cũng cần tới kỹ thuật. Tôi nghĩ trong văn chương cũng vậy. Thú thật với ông, tôi mới định cư ở nước ngoài, đã và đang tập viết truyện, tuy chưa phổ biến một sáng tác nào trên báo. Câu hỏi của tôi là: với kinh nghiệm viết văn của ông thì kỹ thuật chiếm bao nhiêu phần trăm vào sự thành bại của một truyện ngắn cũng như truyện dàỉ.

VŨ THƯ HIÊN:

Tôi đã gặp những sách về kỹ thuật viết văn, cả những phần mềm (software) dạy viết văn nữa (thí dụ: Anthemion Writers Cafe). Ở một số nước còn có trường dạy viết văn như trường Gorky ở Moskva, trường Nguyễn Du ở Hà Nội, trường Scuola Holden ở Ý… Gần đây nhất, nhà văn Ý Alexandro Baricco (nổi tiếng với các tác phẩm Lụa, Đại dương) cũng nói: “Việt Nam rất cần có trường dạy viết văn” (trả lời phỏng vấn báo Thông tin & Văn hoá ngày 23.3.2010).

Tôi cho rằng việc học kỹ thuật, ở sách hoặc ở các trường, cũng có thể thu hoạch được một cái gì đó theo kiểu “không bổ ngang cũng bổ dọc”, nhưng cũng chắc chắn như thế, tôi tin tấm bằng tốt nghiệp những trường đó không sinh ra nhà văn. Tôi không có kinh nghiệm từ mấy cuốn sách ít ỏi đã viết, cho nên để chia sẻ với bạn kỹ thuật viết văn thì tôi… ngọng.

Nếu căn cứ những ý kiến của người đọc và các nhà phê bình để rút ra điều gì đó thì tôi thấy: phần nội dung trong một cuốn sách (ý tưởng, đề tài, câu chuyện) là phần quan trọng nhất, phần kỹ thuật chắc chiếm một số phần trăm bé bỏng. Kỹ thuật tự nó nảy ra cho mỗi tác phẩm cụ thể, khi nhà văn ngồi trước trang giấy hoặc bàn phím. Không có kỹ thuật định hình, có thể dùng nhiều lần, cho nhiều người. Kỹ thuật, nói cách khác là phần hình thức, giống như bộ quần áo được may đo cho mỗi người vận nó, rộng quá hay chật quá, tay áo, ống quần cái dài cái ngắn, tất cả đều không ổn. Nhà văn trước hết là người quan sát, sau mới là người diễn đạt cái mình quan sát được và muốn người khác thấy được cái mình thấy, hiểu được điều mình nghĩ. Nếu mình chỉ nhìn thấy cái ai cũng thấy, diễn đạt cái ai cũng diễn đạt được y như thế, thì mình chưa thể là nhà văn. Câu chuyện được kể ở quán trà chén vỉa hè khác với câu chuyện được nhà văn viết ra giấy chính là ở chỗ ấy – ở đó người nghe quan tâm tới cái gì trong câu chuyện được kể, người đọc lại quan tâm đến một cái khác thêm vào đấy cơ – câu chuyện được kể như-thế-nào. Tôi nói quan tâm là muốn nói cho rõ ra cái nằm trong vô thức – tác phẩm hút mình vào hay đẩy mình ra.

bietlinh… @yahoo.com

Kết cấu cuốn Đêm Giữa Ban Ngày là một kết cấu độc đáo. Nó chứa đựng nhiều sự kiện trong sự đan xen về thời gian, tạo nên sự lôi cuốn. Cái gì đã đưa nhà văn tới một kết cấu như thế?

VŨ THƯ HIÊN:

Khi mình muốn nói điều gì đó thì mình phải (hoặc nên) tìm cách tốt nhất để người nghe hiểu. Kết cấu cuốn sách tự nó sinh ra, tự nó hình thành trong ý muốn viết thành chữ những ý nghĩ cần diễn đạt. Tôi cho rằng việc tạo ra trước một kết cấu, cho dù rất đẹp, rất hay, rất sáng tạo đi chăng nữa, cho một nội dung nào đó là một việc làm vô ích. Chỉ người thợ may khéo mới có thể tạo ra bộ đồ vừa vặn cho một thân hình thậm chí có dị tật.

quangtoan…@gmail.com

Tôi có đọc ở đâu đó một lời phê bình rằng chương cuối của cuốn Đêm Giữa Ban Ngày tác giả đã viết như mọi sự tồi tệ thế là đã qua hết. Xin ông cho biết ông có đồng ý với lời phê bình này.

VŨ THƯ HIÊN:

Người viết nào cũng khó làm vừa lòng mọi người đọc. Chương cuối được viết ra với sự khuyến khích của nhà báo Bùi Tín. Ông đọc xong bản thảo, bảo tôi: “Trong này có nhiều nhân vật mà ông gặp trước khi bị tù, trong tù, mình muốn biết sau khi ông ra tù ông có gặp lại họ không, cuộc sống của họ ra sao?... Người đọc muốn biết cả những chuyện ấy nữa đấy. Ông viết thêm một chương đi”. Tôi viết đúng những gì cần viết từ sự mách bảo ấy. Nếu nó tạo ra cảm giác mọi sự tồi tệ đã qua hết, thì đó là tôi đã viết không đủ rõ, tôi không hề có ý ấy. Mea culpa, mea maxima culpa!

Giang … @gmail.com

Người ta nói: trong sự thành công của một người đàn ông bao giờ cũng có một người đàn bà ở đàng sau. Trong trường hợp ông người đó là ai (xin lỗi vì tò mò).

VŨ THƯ HIÊN:

Chuyện đi tù của tôi rồi viết lại những quan sát xã hội (trong trại tù, xã hội bên ngoài nó) không thể gọi là… thành công, nhìn từ bất cứ góc độ nàọ Nó rành rành là một thất bại. Nếu mình khôn khéo hơn, chắc mình tránh được cái tồi tệ đó. Với cuốn Đêm Giữa Ban Ngày, như tôi hiểu ý bạn muốn nói, tôi không hề nghĩ nó là một thành công. Trong khi viết cũng như khi viết xong, tôi thường xuyên bực mình với tôi vì mình không nói được hết những điều mình định nói, mình muốn nói. Nguyên nhân trước hết ,cũng là nguyên nhân căn bản nằm trong sự thất học, nói nhẹ đi là thiếu học, của tôi về nghề văn (trong tôi, cái sự viết văn cho đến tận bây giờ vẫn chưa thể gọi là nghề). Trong mọi nẻo đời, trong thành công cũng như trong thất bại, bao giờ tôi cũng cảm thấy sự có mặt không phải một mà hai người đàn bà (ở đàng sau hay ở bên cạnh là tuỳ cách nói). Đó là mẹ tôi và vợ tôi. Trong chuyện này tôi coi mình là người may mắn. Mẹ tôi là người đã dạy dỗ tôi trong suốt thời thơ ấu của tôi đủ để cho tôi biết phải sống thế nào cho ra con người trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tôi bao giờ cũng cảm thấy bàn tay mẹ dắt tôi trên đường đời. Vợ tôi không có cái chất “dũng” của mẹ tôi, một người cách mạng trong phong trào giải phóng dân tộc. Vợ tôi là một người bình thường, với tất cả những yếu đuối của nó, nhưng có đủ tính cách mà một người lương thiện cần phải có. Vào thời gian tôi bị tù, nhà cầm quyền không chỉ trừng trị kẻ họ cho là phạm tội, mà còn trừng trị cả vợ con, anh em kẻ ấy. Nhà tôi đang làm việc ở Hà Nội thì bị chuyển vào Hà Đông, hàng ngày phải đạp xe mấy chục cây số, xong việc thì trở về nhà chăm sóc con cái. Các em tôi không được phép thi vào các trường đại học. Vợ tôi đã chờ đợi tôi, đã nuôi dạy các con tôi khôn lớn. Chưa kể còn phải lo tiếp tế (trong Nam gọi là thăm nuôi) cho chồng suốt 9 năm trong điều kiện sống rất thiếu thốn, có thể gọi là đói dở, ở bên ngoài. Người trong tù khổ, người ở ngoài nhà tù cũng khổ không kém. Khổ về vật chất là một nhẽ, còn khổ hơn nữa về mặt tinh thần, khi mọi mối quan hệ xã hội của thân nhân người tù bị mất đi vì sự sợ hãi lan tràn. Chẳng còn ai dám gặp họ để đỡ đần, chẳng dám đến với họ để nói lời an ủi. Nếu bạn ở miền Bắc thì bạn có thể hình dung được một cuộc sống như thế nó nặng nề thế nào. Mẹ tôi và vợ tôi, hai người hai tính cách, nhưng đều đã đứng vững trong cơn sóng gió dai dẳng ấy. Nhân tiện cũng nói để bạn VoThanh…@yahoo.com biết, bản thảo cuốn Miền Thơ Ấu lọt được ra ngoài là nhờ vợ tôi. mẹ tôi và các em tôi đã khôn khéo lừa được những con mắt đầy cảnh giác của công an, vượt qua những cuộc khám xét nghiêm ngặt của họ để ngày nay cuốn sách đến được tay các bạn.

Luongthe… @aol.com

Khi còn ở trong nước tôi được nghe lớp đàn anh kể khi cuốn Bông Hồng Vàng của Paustovsky do ông dịch vào thập niên 60 được xuất bản thì trong cách chọn đề tài, cách viết của lớp nhà văn trẻ có một chuyển biến rõ rệt, tức là cuốn sách dịch đã có một tác dụng lớn. Quan niệm của ông về vai trò của văn học dịch với văn học bản địa? Ông có thể chia sẻ chút ít về kinh nghiệm dịch của ông không?

VŨ THƯ HIÊN:

Tôi viết đã ít, dịch còn ít hơn. Vào thời gian Bông Hồng Vàng xuất hiện bằng tiếng Việt, quả là nó đã có tác dụng mách bảo lớp nhà văn trẻ một cách viết khác cách viết minh hoạ đường lối chính sách của đảng cầm quyền, thứ văn có cái tên hài hước là “văn cúng cụ”. Paustovsky là nhà văn Xô-Viết đã tránh được nhiều, nhưng không phải là tất cả sự áp đặt của trường phái văn chương chính thống có tên là “hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Ở Liên Xô (cũ) có người đặt tên cho bút pháp của nhà văn này là “lãng mạn xã hội chủ nghĩa” (ấy đấy, ngay cả văn của Paustovsky cũng không thể thiếu cái đuôi “xã hội chủ nghĩa”).

Với vài bản dịch mà nói tới kinh nghiệm e không phải đạo. Nhưng bạn đã hỏi thì tôi xin thưa: bài học mà tôi rút ra được trong công việc dịch nó thế này:

- Không kể những người coi dịch như một nghề, dịch bất cứ sách gì, miễn có đơn đặt hàng, những bản dịch tốt thường là những cuốn sách mà người dịch yêu thích, hoặc hơn nữa, chính mình say mê. Khi dịch những cuốn sách như thế người dịch để cả tâm hồn vào đấy, tâm hồn người dịch nhờ thế mà trở nên đồng điệu với tâm hồn tác giả, nó làm cho bản dịch như thể được tác giả viết ra bằng một thứ ngôn ngữ khác, nhuần nhuyễn không kém bản chính.

- Khi dịch, đừng sợ những sự bắt bẻ về chữ nghĩa của những nhà thông thái thạo ngoại ngữ. Kiến thức của họ rất đáng trọng, nhưng là kiến thức từ điển. Người dịch cần tránh cho xa thứ kiến thức ấy. Tác giả, người viết ra sách, bao giờ cũng muốn truyền đạt tới người đọc theo cách đầy đủ nhất những gì họ chất chứa trong lòng. Cho nên người dịch phải cố gắng sao cho đạt được ý muốn ấy, chứ không phải dịch chính xác những từ riêng rẽ. Dịch đúng từ ngữ, như trong từ điển, mới chỉ ở cấp độ “ông đồ”, kiểu “thiên trời địa đất, cử cất tồn còn, tử con tôn cháu, lục sáu tam ba, gia nhà quốc nước, tiền trước hậu sau, ngưu trâu mã ngựa…” Một từ, một câu, một đoạn… phải tùy thuộc ở văn cảnh cụ thể nơi nó được đặt vào, trong sự ràng buộc với toàn ý của tác phẩm. Không làm được thế không thể gọi là dịch.

Gọi là một chút “lời quê góp nhặt dông dài”, tôi không nghĩ mình đúng, nhưng cứ xin mạnh dạn chia sẻ với bạn.

Vo Thanh...yahoo.com

Ông có thể kể sơ về đoạn đường ông ra nước ngoài không? Tôi nói, xin ông đừng cười rằng, lần nào đọc lại cuốn Miền Thơ Ấu của ông, tới những đoạn buồn cười tôi đều không thể nín cười, cứ như thể tôi mới đọc lần đầu vậy. Ông có cảm tưởng gì khi một độc giả như tôi kể ông biết về cảm nghĩ của họ và tác phẩm của ông?

VŨ THƯ HIÊN:

Tôi có kể về chuyện tôi ra nước ngoài thế nào trong Đêm Giữa Ban Ngày rồi. Nó là một ngẫu nhiên, nằm mơ cũng không thấy. Hồi ấy, theo lệnh của Lê Đức Thọ, chúa tể ngành tổ chức và an ninh thì những người tù trong vụ án có tên là "Nhóm xét lại chống Đảng" sau khi được thả ra vẫn tiếp tục bị quản chế tại nơi trú ngụ. Lệnh miệng thôi, không có bất cứ văn bản nào. Thời ấy, những lệnh miệng như thế nhiều vô số kể. Mãi tới năm 1980 tôi mới vào được Sài Gòn nhờ mưu kế của bạn bè, được sự ủng hộ của ông Võ Văn Kiệt, chủ tịch thành phố. Còn chuyện được đi ra nước ngoài thì nó thế này. Có lẽ do tôi biết giữ gìn lời ăn tiếng nói trong mọi mối quan hệ mà người ta nghĩ rằng tôi đã “ngoan”. Cho nên tôi không phải chạy vạy cho chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên sau khi ra tù. Đi nước ngoài đây là sang Liên Xô cũ. Người ta muốn tôi đi để giúp họ giải quyết một việc mà họ bế tắc, họ cho tôi đi trong vai trò phiên dịch (thông ngôn) thì tôi đi. Liên Xô vừa là nước ngoài, vừa không phải là nước ngoài, vì cùng một “phe xã hội chủ nghĩa”. Chứ đi đến các nước “phe tư bản” trong thời ấy thì chắc chắn họ đã chẳng cho đi.

Nhưng ở lại nước ngoài là một chuyện khác, không phải là lựa chọn của tôi. Lựa chọn này đau lòng, nhưng bất khả kháng. Trong thời gian tôi ở Moskva để làm việc giao dịch thương mại cho công ty VIECO của Vũng Tàu-Côn Đảo thì tôi bị những “người lạ mà quen” đột nhập nhà ở, đâm tôi, cướp bản thảo Đêm Giữa Ban Ngày mà tôi vừa viết xong mấy chương đầu, tôi phải bỏ Moskva theo lời khuyên của một đại tá FSK (hậu thân của KGB) để chạy qua Warszawa, rồi ở đó tôi lại được những “đảng viên nhưng mà tốt” mật báo rằng tôi vẫn bị săn đuổi, tôi lại phải chạy tiếp qua Paris (cuối năm 1996) và hoàn thành cuốn sách ở đấy.

Tôi cảm ơn ông đã cười khi đọc Miền Thơ Ấu. Những kỷ niệm của đứa trẻ thơ ngây bao giờ cũng có cái gì đó rất thú vị làm cho ta bật cười.

Chien ...yahoo.com

Những ngày lao tù chắc hẳn đóng góp rất nhiều sự hình thành nên một Vũ Thư Hiên. Nếu cho ông "xóa bài làm lại" ông có muốn "vẫn" lao tù, để "vẫn" sẽ là... VŨ THƯ HIÊN.

VŨ THƯ HIÊN:

Như người ta nói, với một chữ “nếu” ta có thể bỏ Paris vào một cái lọ. Mọi giả định chỉ là để nói chơi với nhau, cho nó vui. Không, bạn ơi, một ngàn lần không, tôi không bao giờ muốn vào tù lần nữa, giả thử có cái sự “xoá bài làm lại”, chỉ cốt để thành cái thằng tôi bây giờ. Nhà tù, với những người bị đàn áp vì lương tâm, cho dù có được gọi là trường học, vẫn cứ là chỗ không nên đặt chân vào. Nó là cái trường học khốn kiếp, một nơi vô cùng kinh tởm, đáng nghìn lần vạn lần nguyền rủa. Tôi không sợ nó vì nó là cái giá mà tôi phải trả khi tôi tỏ ra bất kính đối với lũ đầu mục sơn trại. Tuy nhiên, phải công bằng mà nói: nhà tù Việt Nam còn dễ chịu hơn nhà tù ở Bắc Hàn, ở Trung Quốc rất nhiều, căn cứ những gì tôi đọc được. Nhưng ở đâu cũng vậy, cái chính, cái mất mát ghê gớm nhất cho con người là sự mất thời gian. Nó thực sự khủng khiếp. Tuy nhiên, nếu bảo nó đã đóng góp cho sự hình thành một Vũ Thư Hiên bây giờ thì hơi quá đấy. Nó có đóng góp cho sự nhận chân cái xã hội mà tôi phải sống trong đó, cho sự trưởng thành về một mặt nào đó của nhận thức, cho sự rèn luyện bản thân trước sóng gió cuộc đời, là có thật. Tin tôi đi, chẳng cần đến nhà tù tôi mới có thể là tôi, bạn mới có thể là bạn. Không có nhà tù, chắc tôi sẽ là một tôi khác. Sẽ không có Đêm Giữa Ban Ngày, hoặc một cái gì tương tự, nhưng chắc chắn sẽ có những cái khác, có khi còn có ý nghĩa hơn. Cũng chắc chắn không kém, dù có bỏ tôi vào tù, hay để tôi ở ngoài, đối với nhà cầm quyền độc tài tôi vẫn mãi mãi là tôi, một kẻ “không thể cải tạo được”, nói theo cách của lũ ngợm khoái nhào nặn lại bất cứ kẻ bất hạnh nào rơi vào tay chúng. Tôi hằng mong bọn độc tài hiểu được chân lý ấy mà thôi đi cái ảo tưởng hết sức ngớ ngẩn rằng chúng là những vị thần thiên năng vạn năng khi có trong tay súng ống và xiềng xích.

Thanh Hang ...yahoo.com

Xin hỏi ông, ông có cháu nào nối nghiệp bố? Nếu có, ông có vui không?

VŨ THƯ HIÊN:

Các con tôi có lựa chọn của chúng – là lẽ thường. Mỗi con người hình thành do rất nhiều yếu tố, và như thế cuộc đời mới là cuộc đời, mới không đơn điệu. Các con tôi lương thiện, biết tránh cái xấu, biết làm việc tốt, thế là đủ cho tôi yên tâm. Như một nhà văn nào đó (tôi quên tên) đã nói một câu chí lý: “Mỗi thế hệ có vấn đề bánh mì của nó”.

Thanh hoang tam ...yahoo.com

Thưa ông Vũ Thư Hiên, nếu hoàn cảnh thay đổi đủ để ông có quyết định trở về quê hương thì việc gì ông sẽ làm đầu tiên khi đặt chân xuống Hà Nội, thưa ông?

VŨ THƯ HIÊN:

Việc đầu tiên tôi muốn là đi thẳng về ngôi nhà xưa, ăn bữa cơm đoàn tụ với những người thân trong gia đình, một bữa cơm chắc chắn rộn rã tiếng cười và cũng không thiếu nước mắt. Gia đình, theo quan niệm của tôi, là cái quan trọng nhất trong đời một con người. Người không gắn bó với nó, hoặc coi thường nó, là một sinh vật đáng ngờ. Tôi nghi ngại, tôi không tin, tôi không thích chơi với một người như thế – đến gia đình mình hắn còn không gắn bó thì hắn làm sao có thể đối xử tốt với một thằng cha căng chú kiết là tôi. Lại càng đáng ngờ hơn nữa một chế độ coi đơn vị cơ bản của xã hội là những tập thể vớ va vớ vẩn, chứ không phải gia đình và con người cá nhân trong cái đơn vị đích thực ấy gộp lại mà thành xã hội.

Phuoc ...hotmail.com

Là một nhà văn trải qua quá nhiều hoạn nạn như ông, ông có tin ở số mệnh không, thưa ông Vũ Thư Hiên?

Ông có bao giờ nghe câu nói “giầy dép còn có số” không?

VŨ THƯ HIÊN:

Dường như là có nó đấy, cái ta gọi là số mệnh. Tuy nhiên chẳng ai biết được mặt ngang mũi dọc nó thế nào, nó vĩnh viễn là điều bí mật cho mỗi người. Chính trong tâm trạng nửa tin nửa ngờ ấy tôi đã viết một đoạn về ông thầy bói đã nói trước được về tương lai tù tội của tôi trong cuốn sách nói chuyện chính trị, là thứ không có chỗ cho chuyện tào lao. Tôi đã phá lệ chỉ vì muốn nhân tiện viết về mình thì ghi nhận một chuyện có thực, dù khó hiểu, để bạn đọc cùng chiêm nghiệm. Tuy nhiên, tôi không tiếc đã không nghe lời khuyên của ông thầy bói, bởi vì tôi cho rằng (đến nay tôi vẫn giữ ý nghĩ ấy) con người cần, và nên, hành động theo lương tâm mách bảo chứ không nên nghe theo lời khuyên của người khác khi lương tâm mình nói khác. “Đức năng thắng số” là câu các cụ nhà ta đã dạy. Khi mình thấy điều mình làm là đúng, là phải làm, thì dù số tôi có là “số ăn mày” tôi cũng vẫn cứ làm theo ý mình.

Phan ...yahoo.com

Thưa ông, mấy năm trước đây, thảng hoặc tôi có nghe tin ông viếng thăm bạn hữu ở Hoa Kỳ. Nhưng gần đây thì không. Ông có thể cho biết lý do, thí dụ sức khoẻ hay tài chánh?...

VŨ THƯ HIÊN:

Tôi vốn ngại chuyện giấy tờ, ông ạ. Tôi chưa nhập tịch Pháp (do lười thôi, chứ không phải vì cái gì khác), nên chỉ có cái Thông hành Du lịch (Travel Document) cho dân tị nạn. Nước Pháp, gần giống nước Mỹ, có ký kết những hiệp ước miễn thị thực cho công dân với nhiều nước. Mình không có hộ chiếu Pháp thì mỗi lần muốn đi nước nào khác ngoài Schengen Space (25 nước) ở châu Âu là phải xin visa, không chỉ phải trả tiền, mà còn phải điền vào tờ đơn xin visa đủ thứ câu hỏi, lôi thôi lắm. Lôi thôi nhất là xin visa vào Hoa Kỳ, nước này nhìn mỗi người xin đến đấy là một di dân tiềm tàng. Thành thử dù muốn đến Hoa Kỳ thăm bè bạn lắm đấy, nhưng tôi cứ lần lữa. Không phải chuyện tài chính, bạn bè thường mua vé cho, tôi không lo phải bỏ tiền từ cái túi thường xuyên rỗng. Than ôi, một địa cầu không biên giới vẫn cứ còn là giấc mơ xa vời.

Toàn Nguyễn ...yahoo.com

Xin ông vui lòng cho biết, một ngày sống của ông ở Pháp diễn ra như thế nào? Và, có khi nào ông xuống tinh thần hoặc cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng không?

VŨ THƯ HIÊN:

Một ngày của tôi ở Pháp? Bạn hãy hình dung một người đàn ông già, sống một mình, phải làm gì trong một ngày. Trước hết, phải lo hai bữa ăn (đi chợ, nấu nướng), sau đó là đủ thứ việc linh tinh không tên khác, không thể không làm để tồn tại cho tới hôm sau, chúng choán khá nhiều thời giờ của những việc đối với tôi là quan trọng hơn – học tập, lo việc công ích, viết cái gì đó, nếu nổi hứng... Nói tóm lại, mỗi ngày qua đi trong cuộc đời của tôi, hay của bất cứ ai cũng vậy, bảo nó hao hao giống mọi ngày thì cũng đúng, mà bảo chẳng ngày nào giống ngày nào thì cũng không sai. Nếu anh không có mối quan tâm nào khác, do đó không có việc khác để làm ngoài những việc phải làm để tồn tại thì ngày nào cũng là một ngày vô vị, với người già còn tệ hơn, có thể gọi nó là một ngày chờ… chết. Còn với những ai bận rộn thì cảm giác chung là ngày quá ngắn, chưa chi đã tối, giống như hình ảnh của đời người. Trong tôi, cảm giác ngày quá ngắn là cảm giác thường trực. Có lẽ nhờ thế mà tôi không gặp những ngày chán nản (hoặc “xuống tinh thần”). Cái tôi thường gặp là những ngày tôi chán tôi, tôi bực bội với tôi, khi thấy cái mình muốn làm thì nhiều mà làm được thì ít. Chán là chán thế đấy (chỉ chán thôi, chứ không nản đâu). Ngẫm ra thì một khi con người ít nhiều hiểu được những quy luật của đời sống thì hiếm khi bị rơi vào tâm trạng bế tắc hay tuyệt vọng. Thêm nữa, cảm giác có ai đó cần đến mình, mình vẫn còn có ích cho ai đó là cảm giác tuyệt vời, ngày của mình sẽ trở nên có ý nghĩa hơn. Nhờ đó mà tôi có được cái may mắn không rơi vào tâm trạng bế tắc hay tuyệt vọng.

Lam ...@hotmail.com

Đây không phải là câu hỏi, tôi chỉ muốn kể cho ông nghe những điều tôi nghĩ về ông.

Tôi nghe nhiều người nói đến Đêm Giữa Ban Ngày, tôi có tìm đọc, nhưng thú thật với ông, ngay từ khi chưa đọc một chữ nào, tôi đã ghét ông, nếu không muốn nói là coi thường ông. Nên bao nhiêu lần tìm đến cuốn sách, tôi vẫn không đọc xong, dù tôi là người rất yêu sách. Tôi cứ nghĩ... (mà sau này tôi cho là thô thiển, ích kỷ và ác độc) tại sao ông lại ra nước ngoài? Ông là một nhà văn, sao ông hành xử như một người tầm thường (Đến đây thì tôi lại thấy sự tức giận của tôi; không phải, sự hờn dỗi thì đúng hơn, có phải xuất phát từ lòng quá trân trọng, kính phục ông?)

Cho mãi đến sau này, khi tôi đọc Miền Thơ Ấu thì cái nhìn của tôi về ông khác hẳn, nó không "hằn học" như ngày xưa nữa, tôi “đằm” lại và đọc... Đêm Giữa Ban Ngày.

VŨ THƯ HIÊN:

Chuyện tôi phải ra nước ngoài là một chọn lựa bất đắc dĩ. Tôi có kể lại chuyện này trong Đêm Giữa Ban Ngày. Cảm ơn bạn đã hiểu tôi qua Miền Thơ Ấu, nơi tôi là tôi hơn trong Đêm Giữa Ban Ngày. Quê hương là một cái gì đó thiêng liêng hơn ta nghĩ. Kẻ không có quê hương, không yêu quê hương, không gắn bó với quê hương là một kẻ bất hạnh.