Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2023

Văn chương Đông Nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa

Inrasara

“Những dự án mang tham vọng quá trớn có thể bị chối từ trong nhiều lĩnh vực nhưng không thể bị chối từ trong lĩnh vực văn chương. Văn chương chỉ còn sức sống nếu chúng ta tự đặt ra cho chính mình những mục tiêu bất khả lượng đạt, vượt quá tất cả những hi vọng về sự thành tựu. Chỉ chừng nào các nhà thơ và nhà văn tự đề ra cho chính mình những công tác không có bất cứ ai dám tưởng tượng đến, thì văn chương mới đạt được tác dụng của nó...”(*)

Italo Calvino

Vấn đề ngoại vi/ trung tâm chắc chắn không thuộc bản chất văn học, nhưng phiền nỗi nó là hiện tượng có thật. Kéo dài hằng chục thế kỉ, ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến phát triển/trì trệ của nhiều nền, dòng văn học. Một dân tộc, một địa phương hay khu vực. Bức tường được hình thành nơi tâm lí xã hội khá phức tạp, quy định bởi vị trí địa lí - lịch sử, sức mạnh kinh tế - chính trị, văn hóa, ngôn ngữ, số dân, nỗi to/bé của giải thưởng, thậm chí cả sự cao/thấp của chức vị hay địa vị chẳng dính dáng gì đến văn chương cả!

Bức tường thành tưởng đã sụp đổ khi chế độ thực dân tàn lụi sau thế chiến thứ hai, khi tư tưởng tự do dân chủ được truyền bá khắp thế giới, nhất là khi văn hóa internet phát triển phồn thịnh biến trái đất thành một làng: làng toàn cầu. Nhưng không. Nó vẫn có đó, lù lù và vững chãi. Cứ như một thách thức. Nữa, những tưởng chỉ có phía mạnh (trung tâm) mới có ý đồ dựng và bảo trì bức tường mà lạ thay, ngay cả phe yếu (ngoại vi) cũng rất kiên trì tâm thế bám trụ!

Tôi đã thử phân tích tâm thế này với những biểu hiện khác nhau trong các bài viết:

Ngôn ngữ số ít/ số đông qua đối sánh thân phận thơ tiếng Chăm bên cạnh thơ tiếng Việt: “Sáng tác văn chương Chăm hôm nay” (tháng 2-2000)[1]

Dân tộc thiểu số/ đa số: “Thơ dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động” (tháng 4-2004).

Văn chương ngoài lề/ chính thống: “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn” (tháng 3-2005) với nhóm Mở Miệng và làn sóng thơ nữ Sài Gòn[2]

Sáng tác nữ/ nam giới: “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’” (tháng 12-2005).

Và cả cái gọi là văn chương địa phương/ trung ương: “Nhập cuộc và hi vọng” (2-2001) qua sơ bộ lập biên bản sinh hoạt văn học tỉnh Ninh Thuận và sự có mặt đầy khiêm tốn của tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận[3]

Vừa qua, tháng 10-2005, nhân dịp sang Bangkok nhận Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, tôi có thêm cơ hội quan sát sinh hoạt văn học khu vực mà tôi tạm gọi là vùng trũng của văn học thế giới này. Tiểu luận này nhắm đến tình hình văn học Đông Nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa của nó.

Bóng đá Đông Nam Á bị xem là vùng trũng của thế giới. Đó là chuyện không cần bàn cãi. Dẫu kinh tế hay thu nhập đầu người của các nước Châu Phi hay Nam Mĩ có thể nghèo, thấp hơn rất nhiều so với một số nước Đông Nam Á, nhưng bóng đá họ so với ta: vượt trội. Điều này có thể đổ lỗi cho nhỏ, yếu của thể tạng dân Đông Nam Á. Nhưng tại sao văn học, chẳng dính dáng gì đến cơ bắp hay chiều cao lại phải chịu chung số phận?

Câu chuyện các quốc gia nhược tiểu chịu sự “đô hộ” của nền văn minh lớn: Việt Nam chịu tòng phục Trung Hoa, đại bộ phận các nước còn lại của khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… chịu khép mình dưới trướng văn minh Ấn Độ, đã thuộc về quá vãng. Ngàn năm lệ thuộc, chúng ta quen sống/ suy nghĩ núp bóng, nên mặc cảm nhược tiểu cứ như là thuộc tính cố hữu của chúng ta. Rồi khi thực dân phương Tây mở rộng thuộc địa, xua quân sang các nước châu Á, châu Phi xâm chiếm và cướp bóc. Họ cướp đất đai, tài nguyên và khốn thay, cướp luôn cả tâm hồn các dân tộc của đất nước họ chiếm đóng. Châu Á, Châu Phi vừa chịu quy phục sức mạnh quân sự phương Tây đồng thời quy phục sức mạnh văn hóa của kẻ văn minh đi “khai hóa” mình. Suốt cả thế kỉ. Rất nặng nề. Cả khi chế độ thực dân suy sụp khắp thế giới, tâm lí hậu thuộc địa vẫn còn ám ảnh tâm hồn các dân tộc bị đô hộ. Trong đó Đông Nam Á chịu hậu quả nghiêm trọng và dai dẳng hơn cả, có lẽ vậy.

Như là một định mệnh. Vừa thoát khỏi nền văn học song ngữ đầy mặc cảm được vài trăm năm, văn học còn non trẻ của ngôn ngữ bản địa Đông Nam Á bị đánh tiếp đòn phủ đầu.[4] Như thể đứa trẻ chưa đầy ba thế kỉ rời khỏi cái bóng mẹ rậm rạp to tướng là văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa, chưa rèn luyện cho mình bước đi vững chãi dưới nắng mặt trời, lại bị phủ rợp trong bạt ngàn cái ô lấp lánh của văn minh Âu Mỹ. Cho dù với tinh thần dân tộc quật cường trả giá bằng bao nhiêu xương máu, ta đã tống khứ thực dân về nước; và dù ta cũng kịp học được tinh thần tự do, dân chủ của họ, tuy thế cái ô dù kia vẫn ở lại. Không phải trên mảnh đất quê hương ta, mà ngay trong tâm hồn ta. Ta lại tiếp tục chương trình núp bóng. Với sự nể phục, say mê họ của ta, cả sợ hãi, xa lánh hay chống báng họ của ta nữa. Vọng ngoại và bài ngoại cứ là tồn tại song hành trong tâm thức dân tộc Đông Nam Á.

Nếu ngàn năm trước, ông bà ta thuộc nằm lòng Upanishads, Mahabharata, Long Thọ, thuộc cả hành vi, thái độ của Khỉ vương Rama rồi thì nghiền như cháo Khổng Lão Trang, Hồng Lâu mộng, Đông Chu liệt quốc, cùng là cơ man mưu trí nhặm lẹ của cuộc so tài Tào Tháo - Khổng Minh… nhớ từng chi tiết tưởng không cần thiết phải nhớ; thì trăm năm nay, mấy thế hệ đàn anh ta cũng có thể đọc vanh vách tên các ông Goethe, Nietzsche, Hugo, Dostoievski, Sartre, Camus cùng những Tấn trò đời hay Giã từ vũ khí, Kẻ xa lạ hoặc Sông Đông êm đềm với cơ man ism mà không ngại… sai chính tả!

Được thôi. Học tập, thâu thái cái hay điều quý của người không có gì xấu hổ hay mặc cảm cả. Phiền là: ở chiều hướng ngược lại, có ông Tây bà Tàu nào bỏ công học tập, nghiên cứu Truyện Kiều của Việt Nam hay Phra Ăngphraymani của Xủn Thon Phu của Thái Lan?

Akayet Pram Dit Pram Lak của Champa hay Riêm Kê Campuchia, Seri Rama Indonesia oách thế, cũng chỉ là phái sinh của Ramayana Ấn Độ. Lớn như Nguyễn Du cũng khiêm tốn chấp nhận “tiếp thu và sáng tạo” văn chương hạng hai từ Thanh Tâm Tài Nhân!

Xưa đã thế, nay cũng không hơn gì. Hoa tâm (Trung Quốc là trung tâm, ngày trước), Âu tâm (phương Tây, sau đó) rồi Mỹ tâm (Hoa Kì, hiện nay) cứ thay nhau làm mưa làm gió khắp mặt báo, trang văn trong cuộc chơi chữ nghĩa của Đông Nam Á. Ngoài kia, ngày trước Henry Miller có bồ nhí, hay mới năm kia thôi, Houellebecq vừa ra mắt tiểu thuyết, liền được báo chí ta biến ngay thành sự kiện. Còn ta, Văn Cao hay Bùi Giáng lớn là thế, mất, có tờ báo Âu Mĩ nào đưa tin? Báo chí Brunei hay Campuchia chẳng thiết nữa là! Ngó qua lãnh vực bóng đá, mớ dây chằng bọc cái đầu gối Ronaldo hay kiểu tóc sớm nắng chiều mưa của Beckham được ta cập nhật đều đặn trên trang nhất các tờ báo thể thao “uy tín”, nóng hôi hổi. Còn SEA Games mình? Có chăng khi Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á cần đến FIFA ghé qua xem xét vụ bán độ Malaysia vài năm trước, hay Việt Nam 2005!

Đó là thực tế. Đau, nhưng chịu.

Không ít lần ông bà ta quyết chí vượt thoát khỏi sự che rợp của mấy cái bóng kia. Champa, Chân Lạp từng học biết chọn Núi Thiêng (Meru), quanh đó họ xây dựng đền tháp, quyết tuyên xưng cái nỗi trung tâm vũ trụ của mình. Thánh địa Mỹ Sơn hay Angkor Wat là chứng tích cho vụ trỗi dậy phạm thượng oanh liệt đó. Hay cả sự kiện Quang Trung dũng mãnh thử nghiệm đưa chữ Nôm vào việc triều chính nữa.

Nhưng rồi, đâu lại vào đấy! Đông Nam Á vẫn cứ là vùng trũng của văn học thế giới. Không phải ngoại vi, mà là vùng trũng, đúng theo nghĩa đen của từ. Hai thập niên đầy sôi động, chỉ tính Giải Nobel văn chương thôi, trong lúc các nền văn học [lâu nay bị cho là] ngoại vi (the peripheral literature) khắp nơi đang nỗ lực giành và giành được bao thành tích chói lọi. Từ Guatemala (Miguel Angel Asturias), Columbia (G. Márquez), Chile (P. Neruda), Ba Lan (Czeslaw Milosz, Wislawa Szymborska) hay Ai Cập (Nagif Makhfuz), Nigeria (Wole Soyinka), Nam Phi (Nadine Gordimer) cho đến Ấn Độ (Rabindranath Tagore), Trung Quốc (Cao Hành Kiện)... như thể một cuộc vây ráp tấn công vào vài nền văn học từng ngạo mạn vỗ ngực xưng ta trung tâm; thì Đông Nam Á cứ như đứng nhìn. Không so đọ đâu xa, ngay cạnh ta thôi, Nhật Bản, với những tên tuổi Yasunary Kawabata, Kenzaburo Oe, Haruki Murakami, ta cứ là kẻ ngoài cuộc.

Người thiên hạ coi ta là vùng ngoại vi, đã đành. Chính ta tự coi mình và coi nhau như thế. Mới lạ!

Xa hơn, tại Hoa Kì chẳng hạn, văn chương Mỹ gốc Á (Asian American literature) hay trước đó, văn chương Da Ðen trong truyền thống Harlem Renaissance của thập niên hai mươi, rồi bốn mươi năm sau bộ Luật Di Dân 1965, các dòng văn chương da-màu-mới của những đợt di dân phát triển mạnh mẽ, thời gian qua. Chúng tấn công vào trung tâm của sinh hoạt văn chương Hoa Kì, hoặc tự hình thành các trung tâm mới. Không ít tác giả còn cả quyết rằng chính họ mới là trung tâm, bởi kinh nghiệm di dân là kinh nghiệm chung của Hoa Kì, làm nên truyền thống của văn học Hoa Kỳ. Dễ nhận thấy rằng, trong các tuyển tập thơ văn Hoa Kỳ, tên tác giả rất không phương Tây ngày càng xuất hiện dày hơn. Như vậy, sự có mặt tác giả thuộc dòng văn chương di dân đã làm giàu sang sắc thái nền văn học Hợp Chúng quốc, chứ không làm nó mất bản sắc.

Giữa dòng văn chương di dân đa sắc đó, sáng tác của người Mỹ gốc Việt – tiếng Anh, Pháp lẫn tiếng Việt –, dù chỉ qua ngắn ngủn ba thập niên, cũng đã hình thành một lớp tác giả sáng giá: Trịnh T. Minh-hà, Lê Thị Diễm Thúy, Andrew Phạm, Đinh Linh, Mộng Lan, Nguyễn Hoa, Phạm Thị Ngọc, Nguyễn Danh Bằng, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Khế Iêm, Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Thị Ngọc Nhung…

Nguyễn Hương phân tích khá thú vị về sự nhập nhằng của các dòng văn học này trong nỗ lực thâm nhập vào văn học vốn dĩ được coi là chủ lưu Hoa Kỳ, và kết rằng đấy không gì khác hơn một phân biệt đối xử giả tạo: Vậy ra kinh nghiệm đặc thù của những kẻ đứng ở ngoại biên chính là điều kiện phổ quát của con người thời đại. Ngoại biên chính là cốt lõi. Nhị nguyên tan biến. Tất cả lịch sử đều là lịch sử đặc thù. Mọi cảm tính đều phổ quát.[5]

Tuần lễ SEA Write Award tháng 10-2005, trong buổi giao lưu với Hội Nhà văn và sinh viên văn chương Thái Lan, tôi nêu lên câu hỏi khiến hội trường ngạc nhiên không ít: Có ai trong chín vị SEA Write Awardees năm nay – chín khuôn mặt [được coi là] đại diện xuất sắc nhất của văn chương nước mình – quen biết nhau, đọc của nhau hay thậm chí, biết đến tên nhau? Không ai cả! Văn chương khu vực này mãi đến hôm nay vẫn còn đóng cửa với nhau, là vậy. Nhà văn Đông Nam Á không quan tâm đến nhau, không cần nhau, nếu không muốn nói – xem nhẹ nhau và, xem nhẹ chính mình. Chúng ta có học [dịch thuật, nghiên cứu, hội thảo] là học người khác chứ không học tập ta. Tâm lí hậu thuộc địa còn trì nặng nơi tâm thức sáng tạo của mỗi người viết Đông Nam Á.

Dạo qua các hiệu sách lớn tại Bangkok, Kuala Lumpur, không thấy Bùi Giáng, Võ Phiến, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Thỉnh đâu cả! Cũng vậy, ở Sài Gòn hay Hà Nội, hoàn toàn vắng bóng tác phẩm của Binlah Sonkalagiri (Thái Lan), Abdul Ghafar Ibrahim (Malaysia), Acep zamzam Noor (Indonesia). Tại các trường Đại học Việt Nam, văn học các nước trong khu vực được giới thiệu rất sơ sài. Luôn luôn là “vài nét về” mà không nhích lên thêm phân tấc.[6]

Trong lúc Khoa Đông Nam Á được thành lập tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh vào cuối thập niên tám mươi thì mãi hơn mười năm sau, Bộ môn Thái Lan học mới được mở mắt chào đời. Còn tại Thái Lan, tạp chí Việt học mỏng manh do Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa Phát triển Nông thôn thuộc Đại học Mahidol, Salaya ra đời từ tám năm qua, nó không phải do người Thái khai sinh mà chỉ nhờ nỗ lực cá nhân của một giáo sư Thái gốc Việt: Thawee - Châu Kim Quới. Còn ta, đến hôm nay, vẫn chưa có chuyên san Thái hay Mã học nào!

Hơn mươi năm qua, về lãnh vực chính trị xã hội, các nước trong khối Asean đã đạt được vài thành tích đáng kể trong hội nhập và phát triển, riêng lãnh vực văn học thì chưa. Cửa vẫn im ỉm đóng!

Ở Việt Nam, tình hình vẫn còn khá trì trệ.

Một: Về lãnh vực nghiên cứu văn hóa các dân tộc thiểu số, có thể nói Việt Nam là nước đi đầu. So với các nước trong khu vực, chúng ta đã có thành tựu lớn. Nhưng chúng ta vẫn cứ dừng lại ở bề mặt. Dân tộc có chữ viết bản địa đầu tiên của Đông Nam Á, có bia viết bằng tiếng Phạn đầu tiên của Đông Nam Á, chắc chắn dân tộc đó có nền văn học viết đáng giá. Có ai trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam anh em chịu học cho thông thạo tiếng Cham để có thể thưởng thức nền văn chương đó? Câu trả lời: chưa ai cả. Văn học sử Việt Nam còn không có lấy chương nào đề cập đến văn học cổ điển Champa nữa là![7]

Tâm lí mặc cảm số đông/ số ít vẫn còn tồn tại trong ta đến tận hôm nay.

Hai: Chúng ta cũng không thấy cần thiết (chưa có chương trình cụ thể) quảng bá văn chương Việt Nam ra bên ngoài. Các tác phẩm quan trọng giai đoạn qua chưa được tổ chức dịch có bài bản để giới thiệu ra thế giới. Các dịch phẩm lâu nay luôn xoay quanh đề tài chiến tranh và chính trị; còn khía cạnh khác, có chăng vài tác phẩm có thể thỏa mãn óc tò mò về một văn hóa xa lạ mà thôi. Các nỗ lực cá nhận nếu có, cũng không thấm vào đâu trong các sáng tác đáng được giới thiệu đó.

Tập san văn chương Việt Nam bằng tiếng Anh của Hội Nhà văn Việt Nam ra đời một số duy nhất rồi… nghỉ! Hơn sáu năm đi qua, chưa ai có ý định hồi sinh nó. Lí do thiếu tình hay thiếu tiền, hoặc thiếu cái gì nữa?

Cuối cùng, ta cũng không quan tâm học thiên hạ nữa! Mặc cho bao nhiêu trào lưu văn chương phát triển và nẩy nở rồi tàn lụi trên khắp thế giới, Việt Nam cứ thái độ không hay không biết. Ta cứ nghĩ nó là của thế giới chứ không liên can gì đến ta. Chưa có trào lưu văn học đương đại nào được chương trình các Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ta ưu ái giới thiệu tới nơi tới chốn, ba mươi năm qua.[8]

Thì làm sao lớp độc giả tương lai đó có thể tiếp cận với các sáng tác mang tính cách tân? Từ đó có thể sàng lọc ra được những sáng tác phẩm giá trị.

Mặc cảm tự tôn luôn cho ta là nhất hay tâm lí bảo thủ đã cản chúng ta làm việc này? Hoặc thậm chí, chỉ vì tự ái mang tính cá nhân? Vậy, làm thế nào có cuộc cách mạng văn chương trong tương lai gần?

Tại cuộc giao lưu văn học khu vực kia, tôi cũng đã nói rằng: Năm 2005, Việt Nam đề cử nhà văn người dân tộc thiểu số nhận Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, như một thể hiện tinh thần mở, nói lên bước đột phá mới về hội nhập. Sáng tác của các nhà văn dân tộc không phải số đông, của một ngôn ngữ dân tộc ít người, đạt một số tiêu chí nghệ thuật nhất định, vẫn có thể đánh đổ bức tường ngăn đầy tự ti mặc cảm, đầy giả tạo tai hại, là: ngoại vi/trung tâm. Trong nước hay khu vực. Đông Nam Á không là ngoại lệ. Đó là tín hiệu đáng mừng.

Nhìn rộng ra thế giới, Chân Phương lạc quan hơn nữa:

Phương Tây không còn là trung tâm của sáng tạo nghệ thuật. Thử so qua các giải Nobel sẽ rõ. Nếu trước kia F. Yeats, T. S. Eliot, Hermann Hesse, S. Quasimodo, Saint-John Perse, George Seferis đã mang lại vinh quang cho thi ca Âu châu, hai thập niên cuối thế kỉ cho thấy sự thắng thế của văn học ngoại vi. Với nội dung bức bách của lời kêu gào đòi nhân quyền nhân phẩm chống toàn trị công an, phân biệt màu da, chiến tranh tôn giáo-chủng tộc, tên tuổi của Czeslaw Milosz, Jaroslav Seifert, J. Brodsky, Wole Soyinka, Derek Walcott, W. Szymborska đã kéo tiếng thơ đến gần hơn với nỗi thống khổ của con người thời đại. Gần chúng ta hơn [bên ngoài giải Nobel] là thơ Trung Quốc với Bắc Đảo, Cố Thành, Đa Đa, Vong Khắc của Mông Lung phái; là thơ tranh đấu Ấn Độ, Nam Dương; là thơ phản kháng Phi Luật Tân, Việt Nam...[9]

Như vậy, không có gì phải mặc cảm đóng cửa hay e ngại đến tự cách li cả! Đông Nam Á có cả truyền thống văn hóa - lịch sử mấy ngàn năm ở sau lưng và sức trẻ đầy năng động ở phía trước. Binlah Sonkalagiri (Thái Lan), khuôn mặt trẻ nhất của SEA Write Award 2005, một ca sĩ nổi tiếng dám từ bỏ nghề ca hát để cầm bút viết truyện cho thiếu nhi; Abdul Ghafar Ibrahim (Malaysia), làm thứ thơ con âm lạ lẫm, từng bị Hội Nhà văn Malaysia gán cho cái tên thơ điên, nhưng ông vẫn kiên trì theo đuổi nó đến cùng, để ba mươi năm sau chính cái Hội đã từng hất hủi ông đó phải công nhận thử nghiệm của ông; hay Acep zamzam Noor (Indonesia), nhà thơ kiêm họa sĩ, dẫu Anh ngữ vừa trình độ giao tiếp, vẫn hiên ngang mang thơ mình đọc khắp trời Âu. Tất cả đều giành được phần thưởng xứng đáng.

Các nhà văn Đông Nam Á hôm nay đang cơ hội tham dự vào cuộc hội nhập lớn, tự trang bị cho mình một tinh thần dân tộc mở[10], nếu có thể nói vậy. Chúng ta sẵn sàng giới thiệu đến nhau, học tập và bổ sung cho nhau các đặc trưng văn hóa, tự giác và bình đẳng. Ở đây, không ai là đàn anh hay kẻ cả cả, cũng chẳng có đâu trung tâm hay ngoại vi. Bên cạnh có “một thái độ sẵn sàng hợp tác với Kẻ Khác” (Ulf Hannerz). Kẻ Khác đó chính là các nền văn học tự nhận [hay chúng ta cho nó] là trung tâm.

Như thể một/ các nền văn học đã trưởng thành thực sự.

Sài Gòn, 2-2006

________________________

Chú thích

[*]Italo Calvino, “Tính cách bội trương trong văn chương tương lai”, trong Six Memos for the Next Millennium, bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn; trích dẫn lại trong “Tiến tới một nền văn chương Việt Nam hoàn cầu hóa” trong Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lí thuyết, NXB Văn nghệ, California, Hoa Kì, 2002, tr. 593.

[1] “Sáng tác văn chương Chăm hôm nay” trong Tuyển tập Tagalau 1, Hội Văn học - Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, 10-2000.

[2] “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn”, Tham luận tại Đại hội Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, tháng 3-2005; Tienve.org, 17-3-2005.

[3] “Nhập cuộc và hi vọng”, tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận, 2.2001.

[4] Trước thế kỉ thứ X, văn học các nước Đông Nam Á đều được viết bằng chữ Pali, Sanskrit hay Hán. Mặc dù vài dân tộc có chữ viết khá sớm (như Champa chẳng hạn, bia Đông Yên Châu thuộc hệ thống bia Mĩ Sơn có mặt từ cuối thế kỉ IV) nhưng mãi đến cuối thế kỉ X, người viết Đông Nam Á mới sử dụng nó vào sáng tác văn chương. Văn chương nôm na bản ngữ hiện diện đồng thời với văn chương bác học bằng chữ “quý tộc”, nhưng luôn chịu sự lép vế. Chỉ từ thế kỉ XVII trở đi, nền văn học khu vực này mới nở rộ hàng loạt tác phẩm xuất sắc viết bằng chữ của dân tộc: Truyện Kiều (Việt Nam), Xinxay (Lào), Hikayat Hang Touah (Indonesia), Hikayat Abdoullah (Malaysia),…

[5] Xem thêm: Nguyễn Hương, “Văn chương di dân trong bối cảnh văn chương Hoa Kì và thế giới”, Damau.org, 2006.

[6] Văn học Đông Nam Á, Lưu Đức Trung chủ biên, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.

[7] Vào đầu thế kỉ XX, Paul Mus, một nhà xã hội học Pháp danh tiếng đã cho rằng văn chương Chăm chỉ cỏ tóm gọn trong 20 trang sách, nghĩa là không có gì đáng nói cả. Một nhận định võ đoán quá ư sai lầm! Năm 1995, Inrasara đã xuất bản bộ Văn học Chăm, khái luận-văn tuyển (1200 trang); và trong thời gian tới (2005-2010), chúng tôi sẽ cho ra mắt Tủ sách văn học Chăm gồm 10 tập, khoảng 5000 trang, bao gồm nhiều thể loại: Văn học dân gian, sử thi, trường ca, thơ triết lí, và cả sáng tác Chăm hiện đại (đã in: Trường ca Chăm, NXB Văn Nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2006, và Văn học dân gian Chăm, Tục ngữ, Ca dao, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2006).

[8] Trần Hinh nhận xét: “Cách đây mấy năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập hẳn một Ban chương trình gồm các giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành từ các trường và viện nghiên cứu để thống nhất một khung chung cho ngành Ngữ văn. Một chương trình khung đã được soạn thảo ra. Bàn đi bàn lại nhiều lần cho đến khi chính thức bắt tay thực hiện nó, nếu không nhầm, tôi xin khẳng định mới chỉ được vài năm nay thôi, thì nó đã lại lạc hậu. (“Thực trạng dạy và học môn văn bậc đại học hiện nay”, báo Văn nghệ trẻ, số 32, 12-8-2007).

Thời gian qua, các tác phẩm lớn của văn chương thế giới được dịch và giới thiệu cho độc giả trong nước. Dù chất lượng dịch thuật bị dư luận than vãn, nhưng đó là tín hiệu đáng mừng. Cạnh đó, đề cương dịch thuật được Ngô Tự Lập đề xuất là rất khả thi. Ngoài kia, chương trình tiếng thơ thế giới được Diễm Châu, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đăng Thường, Hoàng Ngọc-Tuấn, Đinh Linh và các dịch giả khác giới thiệu trên báo điện tử Tienve.org vài năm qua, là một thành tựu đáng trân trọng và học tập.

[9] Chân Phương, "Cái mới đi về đâu?", tạp chí Việt, xuất bản tại Úc, số 3, 1999, tr. 119.

[10] Xem thêm: Hoàng Ngọc-Tuấn, Sđd, bài “Tiến tới một nền văn chương hoàn cầu hóa”, tr. 569-601.