Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 7 tháng 6, 2023

Mối cám dỗ lớn lao của hư vô

Phạm Kiều Tùng

Tất cả những chữ in nghiêng đậm là trích từ những tác phẩm của Thanh Tâm Tuyền.

Ung Thư, tác phẩm chưa hoàn tất của Thanh Tâm Tuyền, đăng trên báo Văn từ số 31 tới số 62, chưa in thành sách. Bên cạnh Chú thích số 12 có ghi V39/87-UT 95: là đoạn dẫn này trích từ báo Văn số 39, trang 87; tức trang 95 trên tổng số 302 trang Ung Thư đăng trên báo Văn. Nếu người đọc merge tất cả các trang Ung Thư trên báo Văn theo thứ tự thành một file pdf duy nhất, thì việc định vị những trích dẫn sẽ dễ dàng, nhanh chóng hơn là tìm kiếm trên từng số báo Văn.

Của Thanh Tâm Tuyền, ba cuốn truyện Bếp Lửa, Ung Thư Cát Lầy là một trilogy với chủ đề là vực thẳm Hư Vô mà những nhân vật chính của ông bị cuốn vào. Khung thời gian của Bếp Lửa Ung Thư là khoảng một thập niên trước hiệp định Genève 1954 chia đôi Việt Nam, của Cát Lầy là khoảng một thập niên sau 1954. Không gian của Bếp Lửa: miền Bắc Việt Nam, chủ yếu là thành phố Hà Nội; của Ung Thư, là cả hai miền, nhưng chỉ tập trung vào hai thành phố Hà Nội và Saigon; của Cát Lầy là miền Nam, chủ yếu là thành phố Saigon và phụ cận như châu thành Thủ Dầu Một.

Nhân vật chính của Bếp Lửa Tâm, xưng “tôi” trong truyện. Thanh Tâm Tuyền: “Trong nhân vật có thể có những mảnh của tác giả nhưng không bao giờ là tác giả hết... trong ấy (trong Bếp Lửa) tôi cho nhân vật mượn cả tên tục tôi (Tâm) và nhiều hoàn cảnh tôi đã sống” [1].

Nhân vật chính của Ung Thư là những Đồng, An, Thạch, Cảnh, những thanh niên trí thức mang nặng những khắc khoải, dằn vặt về thời cuộc, chính trị. Có nhiều “mảnh của tác giả” cũng như “của bè bạn tác giả” trong những nhân vật này.

Nhân vật chính của Cát Lầy Trí; cha của Trí nổi điên, một đêm trong giờ giới nghiêm, ông phá cửa, chạy ra sông nhảy lội về phía đồn Tây. Súng trên bốt bắn xuống. Đầu ông nổi dập dình trong vùng đèn pha sáng quắc lờ đờ... Xác hai ba bữa sau, nước rút trôi táp vào con lạch sau nhà [2]. Trong đời thực, thân sinh của tác giả Cát Lầy qua đời vì chết đuối.

Văn chương không phải là tự truyện, nhưng luôn thấp thoáng bóng dáng của tác giả trong những nhân vật mà tác giả tạo dựng. Văn chương là loại hư cấu mà Saul Bellow gọi là tự truyện ở đẳng cấp cao hơn [3]. Theo Edna O’Brien, Bất kì một cuốn sách có chút giá trị nào, thì trong một chừng mực nào đó, phải có phần là tự truyện [4]. Đỗ Long Vân: Cái hay... không thể có ngoài cái thực [5].

Có một cơn gió thổi suốt gần 200 trang cuốn Đôi Bạn của Nhất Linh: đó là cơn gió của sự thay đổi, đến từ Phương Tây, mang lại những ý niệm về cá nhân, tự do, dân chủ... thổi vào dải đất hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương vốn ngưng đọng cả ngàn năm trong quan điểm lễ giáo, gia trưởng Phương Đông.

Tới Thanh Tâm Tuyền, trong Bếp Lửa và rõ nét là trong Ung Thư, Cát Lầy, cơn gió đã biến thành cơn lốc: cơn lốc của chủ nghĩa hư vô. Trong bài Tựa bản in Bếp Lửa lần thứ hai, Thanh Tâm Tuyền thẳng thắn nói về chính mình: Hắn (Thanh Tâm Tuyền) lớn lên cùng bè bạn, vượt qua mau tuổi trẻ để suy nghĩ và mơ ước hành động. Mỗi đứa một lối lăn mình theo mối cám dỗ lớn lao của hư vô. Hắn lìa bỏ quê hương, chia tay với bè bạn, dấn mình vào lịch sử, đuổi theo giấc phiêu lưu của trí tuệ: sự thật được tạo nên từ niềm hư vô của tuổi trẻ bị tước đoạt [6].

Sau hai cuộc thế chiến và phát xít và cộng sản thì cám dỗ của hư vô là có tính toàn cầu. Thế kỉ 20 được ghi nhận là “thế kỉ gây chết chóc nhất trong lịch sử loài người... từ tháng tám 1914 tới tháng năm 1945, khoảng 70 triệu người đã chết trong chiến tranh, trong trại tù, chết do tra tấn, đầy ải, đói ăn... khoảng 100 triệu nạn nhân của chủ nghĩa Stalin”[7].

Jean Améry viết rằng “tra tấn là bản chất là cốt lõi của Đệ Tam Đức quốc xã... Với một tay quốc xã Đức chuyên tra tấn người thì chỉ cần hơi mạnh tay điều khiển “dụng cụ” là đủ để nạn nhân gào ré như heo con khi bị đưa vào lò mổ – dù có thể trong đầu nạn nhân tàng trữ những Kant, những Hegel, cùng toàn bộ 9 bản giao hưởng của Beethoven, với Schopenhauer toàn tập The World as Will and Representation”[8]. Rất cần nhớ rằng chính những tên quốc xã đã được giáo dục để trong đầu chúng cũng tàng trữ những thứ như vậy. “Những thư viện, những viện bảo tàng, những rạp hát, những đại học vẫn có thể phát triển rất tốt dưới bóng che của những trại tập trung. Giờ thì chúng ta hiểu: văn hoá không sản sinh ra tính người (không khiến cho con người trở thành người hơn)”[9]. “Những gì tôi từng tin tưởng thì nay không còn tồn tại nữa. Cuối cùng thì văn minh phương Tây đã bị thiêu rụi thành khói trong những ống thoát khói [của những lò thiêu xác người] ở Dachau” [10].

Chúng nó làm phát xít Chúng nó làm cộng sản Chúng ta làm tù nhân [11]

Sự thật được tạo nên từ niềm hư vô của tuổi trẻ bị tước đoạt: bị tước đoạt, bởi những thanh niên đó phải dành trọn cái sinh lực trẻ trung cho những vấn đề nóng bỏng của thời cuộc – là số phận nghiệt ngã của người dân nước nhược tiểu trong gọng kìm Tư bản-Cộng sản. Như với Thạch, việc đọc sách để thu thập kiến giải vạch đường cho lí tưởng noi theo thì cấp thiết, quan trọng hơn việc học lấy bằng cấp, Hồi Cảnh truyền cho Thạch hai quyển gối đầu giường của mình là Principes fondamentaux de la philosophie và Principes élémentaires de l’économie politique, Thạch bỏ cả gần năm học không để ý đến thi cử để nghiền ngẫm Marx [12]. Cảnh ở nhờ trong chùa, hằng ngày đi tàu điện, lên phố vào thư viện tự học, buổi trưa ăn bánh mì trong nhà gửi xe, chiều làm précepteur một hai tiếng cho một gia đình ở hàng Bạc, trong hai năm xong Tú-tài [13]. Cảnh nói: Muốn làm nên việc gì, không thể đơn thân, phải có anh em; tôi sống được ở Hà nội, đi học được khỏi lo lắng một phần là nhờ sự giúp đỡ của một số anh em khác, họ đi dạy học, gửi tiền hàng tháng trợ cấp cho tôi; chúng tôi luân phiên nhau, tôi học xong đến lượt người khác [14]. Cảnh nói với Trinh: Không ai yêu tôi và tôi cũng chẳng yêu ai hết [15].

Thạch và chúng bạn chuyện trò bàn cãi hết vấn đề này sang vấn đề khác trên những hè phố vắng như những ngày dài đằng đẵng, chia nhau những điếu thuốc lá [16]… mỗi khuya vắng từ biệt nhau mỗi đứa một ngả thui thủi gậm nhấm những mẩu mộng ước cay đắng,

trong khi người ta làm chợ đen, áp-phe, lo kiếm tiền làm giàu, chuyển ngân, tìm chốn thoát thân [17]. Phía sau lưng bàn tán chuyện động viên, các tuy-ô chạy chọt, ông bác sĩ phụ trách khám sức khỏe có hàng hộp vàng gửi ở ngân hàng [18].

Trong Bếp Lửa, những mảnh đời, những phận người, những ngày tháng tan rã báo hiệu những hẹn ước với hư vô: Ngọc xuống Hải Phòng, làm phu khuân vác bến Sáu Kho, chờ đợi một chuyến đi xa, đi không trở về cái đất nước nhục nhã này, đi tìm cái chết nơi hải cảng trong quán rượu xa lạ, chết một mình bên chai rượu [19]; Ông Chính là cha ghẻ của tôi [20]… đã già xuống nhiều, bàn tay ông úp sấp nổi gân và run. Năm 45, ông là đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng và có dự vào cuộc tương tàn lịch sử [21]… Tôi thương ông vô cùng, sự già cả và cô đơn vây lấy ông [22] Bảo (một bạn thân khác) “… tôi sợ cái chuỗi ngày thường của tôi..., có phải mình đang kiên nhẫn chịu đựng hay mình đang chết đi?... cái cuộc đời bên cái hàng tạp hoá và vợ con này của tôi.” Tôi không trả lời, gác một chân ra ngoài chăn. Bảo đã dự trong phong trào Ngũ Xã [23]. Anh bị hư một chân, khi trải qua nhà tù Pháp và Việt Minh [24]; (Đại) Hắn rất say đắm chủ nghĩa cộng sản [25], nói với tôi: “Tôi đã bắt được liên lạc [để bỏ Hà nội ra hậu phương]. Chỗ đến là Phú Thọ [26].” Tôi nói thẳng với Đại: Bỏ ra ngoài (ra hậu phương) cũng là một lối đánh đĩ, đánh đĩ tinh thần mình [27]; Hạnh, (thuở nhỏ nhân vật “tôi” và Hạnh học cùng trường, giờ, hai người tình cờ gặp lại nhau) Tôi cùng về Hà nội với Hạnh vài lần. Những ngày ấy tôi dành riêng cho mình Hạnh. Gần nhau, tôi nhận thấy chiến tranh – hay chỉ cần sự đe dọa của chiến tranh, tổng quát là sự khủng bố tinh thần – đã thổi vào máu Hạnh sự say đắm nhiệt tình trong yêu đương (khi “ngày mai ngày mai bơ vơ như đứa trẻ trong cơn oanh tạc” [28], không bây giờ thì bao giờ?). Sau mỗi lần như thế, khi lấy lại bình thường. Hạnh có vẻ ngượng ngùng. Một lần nằm cạnh tôi, Hạnh nắm tay tôi để lên ngực nàng và hỏi: “Anh có khinh em không?” Lúc ấy tôi đau đớn tất cả thân thể. [29] (sau đó thì biết tin là Hạnh không trở về nữa). Chị Mùi nói: “Cô ấy ra ngoài đến nửa tháng nay không thấy về.” Tôi hỏi chị: “Có tin tức gì không chị?” “Có lẽ bị giữ lại. Người ta nghi cô ấy…” [30]

Mấy dòng cuối trang trước ba trang chót của Bếp Lửa: nhân vật xưng tôi xuống Hải Phòng thăm Ngọc, nhưng Ngọc đã xuống tàu rời bỏ quê hương: Tôi về trải chiếu trên căn góc ọp ẹp Ngọc đã ở. Hắn đi thật rồi, như ông Chính chết, như Đại đã đi. Không muỗi nhưng hơi lạnh về giữa đêm. Tôi mê gặp Hạnh và tỉnh giấc. Tôi không nhớ mình đang nằm ở đâu, mình đến đây làm gì. Chưa bao giờ tôi cảm nỗi tuyệt vọng ghê gớm đến như thế. Tôi có thể tự tử được. Nhưng tôi tự nhủ: Cũng thế thôi, phải, cũng thế thôi [31].

Nội dung của Bếp Lửa không hề hứa hẹn cảnh đoàn tụ quanh một bếp hồng. Chỉ có li tán, và những hứa hẹn của li tán – hứa hẹn từ Bếp Lửa 1957 tới gần nửa thế kỉ sau đó, khi Thanh Tâm Tuyền ra khỏi tù cải tạo gặp Nguyễn Sĩ Tế cũng đã qua cải tạo, trong bài thơ mừng gặp lại bạn, đã gọi thời của ông và bạn hữu là thời Li Tán: Trùng phùng mấy lúc Thời Li Tán / Quyến luyến phù vân lời phiếm trao. Ba trang chót của Bếp Lửa 110, 111 & 112 (ấn bản chung quyết 1973, in lần thứ tư), trang 110 chưa tới nửa trang, trang cuối 112 chỉ vài dòng, và bát chữ trang nhỏ, in thưa, thực sự chỉ như một trang. Nội dung “trang” đó: Nhân vật xưng tôi – đã di cư vào Nam sau hiệp định Genève 1954, còn nhân vật nữ Thanh ở lại Hà Nội – viết trong thư gửi Thanh: “Hãy cho anh sự tin tưởng khi anh có dịp trở về quê hương...”. [32] Cả cuốn truyện chỉ toàn những li tán trên nền của những lộng đổ nát; và chỉ một trang mơ ngày đoàn tụ: tôi bảo lưu ý kiến rằng tựa truyện “Bếp Lửa” là một tựa không thích hợp – mặc dù lí giải hết sức thuyết phục và không thể súc tích hơn, của dịch giả Nguyễn Hải Bằng qua email: Tôi nhớ câu

thơ của Tô Thùy Yên “Bếp lửa nhân quần ấm tối nay “. Nhưng trong Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền chỉ toàn chuyện li tán như ông nhận định. Bếp Lửa mơ ước với thực tại định mệnh đối nghịch. Một absurdité của thời đại và cả của cuộc đời. Phải chăng có lẽ đó là chủ ý của tác giả muốn nói lên?

Tới Ung Thư: Những nhân vật Đồng, An, Thạch, Cảnh đã “lăn mình theo mối cám dỗ lớn lao của hư vô” như thế nào?

Đồng: bệnh nặng, phải bỏ học, tự nhận biết mình sẽ sớm rời bỏ cuộc đời, chỉ thể đứng ngoài nhìn bạn bè “dấn mình vào lịch sử”, Đồng làm thơ, rồi thả trôi những trang thơ xuống dòng sông Hồng, dòng nước đỏ phù sa chảy xiết cuốn trôi tập giấy viết những bài thơ tình đầu tiên nhưng không cuốn nổi những âm vang còn lại trong hồn [33]. Đồng hay pha trò ý nhị, hay cười khúc khích riễu cợt, Nga (em gái An – thêm một mối tình không thành của Đồng): “Anh không được cười nữa... Em muốn thấy anh buồn”. Muốn thấy anh buồn làm sao được, [34] muốn thấy phải vào trong đêm khuya trằn trọc, vào trong những cảm xúc bất thường, trong cơ thể bệnh hoạn, trong ý thức vùng vẫy, tiềm thức vi phân… Tự dưng tôi ứa nước mắt... [35]. Này chàng thơ bệnh hoạn, những giọt lệ chính là những ý thơ, tứ thơ chờ được, đòi được viết ra, nhưng chàng nhất định không viết ra nữa: Lẩn quất ở ngoài hay ở trong những vang vọng quen của những câu thơ muốn thành hình, nhưng tôi nhất định không viết, và chỉ chốc lát sẽ tan hút vào đáy sâu của bản thể và bản thể sẽ tiêu mòn cùng ngày tháng [36]. Bởi hư vô lên tiếng gọi chàng và chàng thầm nhắc câu hỏi của Hölderlin “À quoi bon des poètes en temps de détresse?” Có ích gì, những thi sĩ trong thời buổi khốn cùng? [37]... Tôi sẽ sụp vào trong hố thẳm hư vô [38] cuộc sống đang rút dần khỏi cơ thể, óc não [39]. Tôi quên dần căn bệnh... tôi quên dần tôi. Tôi di chuyển nhẹ nhàng thoải mái trong cái thế giới thu nhỏ, thu nhỏ mãi để sẽ biến mất thảnh thơi. Biến mất cùng những giấc mộng tuổi niên thiếu. Một ngày nào, bạn bè trở về không gặp, chúng nói với nhau: Đồng chết rồi, nó chết như thế nào? Thạch cười sặc, tiếng cười vẫn cay độc không thay đổi: Nó chết vẫn còn là trai tân. Hai mươi ba tuổi chết vẫn còn tân. Ça c’est ridicule. Mẹc. Sà lù. Bú dù. Con khẹc [40]. A. Porchia: Con người sống với hi vọng sẽ trở thành niềm nhớ tưởng (của nhiều người khác) [41] Còn Đồng nhất định không viết”, chỉ muốn được quên đi, tan chìm trong hư vô.

An: gia đình tư sản, trưởng giả, ông bố làm bộ trưởng, đã lo liệu cho An đi du học Pháp nhưng An từ chối. An theo đuổi văn chương, bỏ nhà, sống với gái làm tiền đồng thời là gái nhảy tên Phúc. Khi bỏ nhà ra đi, An không đem theo một quyển sách nào... Những quyển sách như môi giới của thế giới khác, trở nên vô dụng, chính tôi tôi đi đến những thế giới ấy và có thể tôi sẽ tạo nên những quyển sách của tôi [42]. Cuối cùng An nghiện ngập, nhưng rút ra một kinh nghiệm “đau đớn nhất”: Tôi chưa gặp Đồng, nhưng có lẽ rồi sẽ gặp, nói với hắn một kinh nghiệm, kinh nghiệm đau đớn nhất: văn chương chính là một hư tưởng bao phủ đời sống, là nỗi bất lực thú nhận và chấp nhận của một kiếp người…(trang áp chót của Ung Thư [43]). Hư tưởng, hư huyễn, huyễn tưởng: cám dỗ của văn chương cũng là cám dỗ của hư vô. Ung Thư là cuốn truyện viết dở dang, một symphonie inachevée. Trong bài tựa Bếp Lửa in lần thứ hai, TTT thú nhận mình viết cuốn sách với ý nghĩ trong khi mình viết, người khác chết. Ý nghĩ làm tê liệt hứng khởi tạo tác,... không thể hoàn thành những dự thảo, phóng tưởng kế tiếp [44]. Biết đâu rằng ý nghĩ văn chương chính là một hư tưởng đã làm tê liệt hứng khởi tạo tác khiến sau khi viết ra “kinh nghiệm đau đớn nhất của An”, TTT đã chỉ viết thêm một trang rồi bất ngờ ngưng ngang cuốn truyện?

Thạch: (Cuộc tương tàn quốc-cộng:) Trinh hỏi Cảnh: Anh ra hậu phương có phải không... Làm sao cô biết tôi ra hậu phương? [45] Em đoán phỏng thế. Các anh nếu không đi lính thì chỉ có thể ra hậu phương... [46]. Ông chủ bút an ủi mẹ của người thợ trẻ nhà in bị bắt lính: Con trai thời này là phải đi lính cả. Không bên này thì bên kia [47]. Không thể chấp nhận cộng sản, Thạch đành phải “đi lính quốc gia”, theo học khóa huấn luyện sĩ quan do Pháp đào tạo. Trên chuyến bay về Hà nội dự lễ mãn khóa, Thạch mỉm cười nghe những đứa ngồi cạnh bàn tính; đứa nói sẽ vận động xin được ra tiếp tục học thuốc hoặc chuyển sang ngành quân y sắp mở, đứa tìm một chỗ ngồi bàn giấy hoặc ngành quân nhu ở bộ tham mưu đệ tam quân khu ngay Hà Nội, đứa hy vọng làm sĩ quan tác động tinh thần khỏi phải ra mặt trận; một đứa bỗng nói lớn: “ Tao sẽ xin đi đóng đồn rồi dẫn lính ôm súng bỏ ra ngoài (theo Việt Minh).”, cả bọn bỗng im phắc, Thạch cười: “Ý kiến hay”, tiếp theo Thạch văng tục: Merde. [48]. Trên chuyến xe từ phi trường về thành phố, Bỗng đứa ngồi cạnh làm Thạch giật mình, nó là đứa đã tuyên bố ở trên phi cơ sẽ ôm súng theo Việt Minh,... nó hỏi Thạch “Anh thù Việt Minh” Thạch nói trỏng: “Sais pas”; nó lại hỏi tiếp “Anh cũng không ưa quốc gia, vậy anh ở đây làm gì?” Thạch lấy hết giọng ôn tồn bảo “Tais toi. Tu m’emmerdes” [49]. Sau, Thạch được bổ nhiệm về đóng đồn ở Hưng Yên, đứng nhìn mãi những vòng rào thép gai, đồng ruộng bỏ hoang bao vây bởi làng xóm thù nghịch [50]... những đêm liên hoan mừng chiến thắng Điện-biên vẫn kéo dài trong các làng xóm vây quanh đồn, hằng ngày lính vẫn ôm súng đào ngũ và Thạch không thể làm gì được... chỉ được lệnh phòng thủ với số quân hao mòn dần... Thạch chạy cuồng lên tháp canh hướng vào làng ra lệnh xả súng bắn. Cho chúng câm đi, câm luôn cả mối kiêu hãnh nhục nhã của mình [51]. Thạch nằm co quắp trên ghế vải, khóc tức tưởi, những tiếng nấc dồn vỡ khúc khắc trong cổ họng. Tại sao? Tại sao tôi ở đây, tôi vẫn ở đây? Trong cuộc chiến tranh này tôi đứng chỗ nào? [52] Thạch, nói với nhân vật Tùng: “Với tôi thì cái lỗi lầm nặng nhất là họ (Cộng sản) đã dồn tôi phải đứng trong hàng ngũ những kẻ tôi cũng thù nghịch.” Tùng: Mình phải đi lính cho Tây chứ gì… Thạch: Gần như thế [53]. Về những sĩ quan cùng khóa trên chuyến bay về Hà nội dự lễ mãn khóa, Thạch đã tự hỏi: Tại sao tôi vẫn còn yêu mến những cái chúng yêu mến, tại sao tôi chưa rời bỏ biệt tích đến một chỗ nào hoàn toàn mới lạ với những sự vật của riêng tôi? Tôi không thể nào yêu cái gì mà chúng nó cũng yêu, nếu chỗ nào chúng tới tôi phải bỏ đi, nếu chúng chiếm hết cuộc đời, tôi sống với hư vô, nếu chúng yêu tôi, tôi sẽ giết tôi. [54]. Chúng yêu tôi nghĩa là tôi có cái giá trị mà chúng trân quí, nếu vậy thì cái giá trị đó là giả giá trị, mà tôi phải hủy diệt đồng nghĩa với sự tự diệt. Sống trên chính quê hương, nhưng tới một lúc Thạch ngộ ra rằng mình chưa từng có một quê hương, vì mọi nơi đều bị “những kẻ Thạch cũng thù nghịch” ở cả hai phía chiếm hết cả. Thạch cất tiếng cười, mày phải bắt đầu biết chấp nhận nếu không muốn tự tử, chấp nhận cảnh ngộ, chấp nhận những cần thiết của lịch sử. Mày chưa bao giờ có một quê hương, bị chiếm hết ở mọi nơi; bởi mày chưa chết, mày phải chấp nhận, nuôi lấy tuyệt vọng với hi vọng vượt được khỏi tuyệt vọng [55]. Cảnh thấu hiểu tâm trạng của Thạch, hỏi bạn: Thế không phải là cậu đã tự tử từ lâu rồi à? [56]. Cảnh nghĩ: Thạch hay kêu: phải mở một lối thoát và rốt cuộc hắn lao đầu vào hư vô [57].

Cảnh: Cảnh nói với Thạch: Trong cái xã hội này mình cũng bị aliéné… Mình phải quên mình đi [58]. Cảnh rời thư viện về quán cơm trọ... từ cái ra-đi-ô... phát ra tiếng hát ân tình nỉ non... Cảnh nghe giận cái tiếng hát đìu hiu vô tư... Không thể còn sự ngây thơ, không thể còn những mơ mộng vô tội, người ta chỉ có thể mơ mộng bằng kiếp sống, bằng hành động. Chỉ còn có thể một giấc mộng... giấc mộng của những Robespierre, Saint-Just, Marat… [59] (Cảnh sẽ làm những gì?) Những gì tôi nghĩ là đúng. Không phải. Những gì mà lịch sử cho là đúng. Những gì có thể phủ nhận chính cá nhân tôi… Lịch sử là như thế, bạo

động, mù quáng, vô lí, bất kể cá nhân. Và cá nhân phải sáng suốt để thấy rõ ý nghĩa của nó [60]. Đi đến đâu? Gặp những ai? Chắc chắn sẽ phải qua lớp cải tạo tư tưởng. Chấp nhận hết, không đòi hỏi gì hết. Bằng lòng xóa trắng mình. Tôi sẽ không là gì nếu không gia nhập được vào lịch sử [61].

Nhóm bạn bốn người đó, Đồng, An, Thạch, Cảnh, mỗi đứa rồi sẽ trôi dạt một phương, cơn lụt của lịch sử sẽ cuốn lấy, bám chặt vào những mảnh vụn của một giấc mộng chung tan vỡ [62]. An từng nói với Đồng về Thạch: Tôi nhớ một lần nó có nói: nó đi lính là đánh giặc mướn, đánh giặc mướn ngay tại xứ sở của mình. Cũng như bọn Lê-dương vậy… Mình rồi có làm gì cũng đến như thế. Tiêu tan dưng không chẳng ra cái gì cả [63]. Thạch, với Đồng: Một bữa nào sáng ra nhặt xác ngoài đồn, tôi trông thấy thằng Cảnh hay là nó vào đồn nhìn thấy xác tôi. Có thể như thế lắm chứ [64]. Thạch bị thương, nằm trong nhà thương Bạch-mai, nhắn Đồng, Đồng vào thăm, Thạch: “… thằng An hay tôi hay thằng Cảnh hả, nous sommes condamnés à mort, condamnés à se détruire…” [65]. Thạch nghĩ: có lẽ Cảnh nói đúng, thế hệ này bị hi sinh, mỗi đứa một cách [66]. An nói với Đồng: Chính chúng ta có thể gọi là một génération perdue... Không tin tưởng, lạc lõng... Các bậc đàn anh, cha chú ở ngoài kia cũng như trong này đều chống lại chúng ta... Hay chúng ta chống lại họ cũng vậy. Thế hệ trước chúng ta họ có lịch sử và chúng ta thì không. Chỉ còn một thái độ hư vô. Nous som- mes perdus... [67]

Ngay đầu truyện, Thanh Tâm Tuyền trích dẫn câu của André Malraux trong cuốn La Voie Royale: Mais accepter vivant la vanité de son existence, comme un cancer, vivre avec cette tiédeur de mort dans la main. (Nhưng chấp nhận sống cái hão huyền của cuộc hiện sinh của y, như một căn bệnh ung thư, sống với hơi ấm nồng này của nỗi chết trong tay.) Và ông lấy hai từ “ung thư” làm tựa truyện. Ung thư, căn bệnh không thể chữa lành. Như cuộc xung đột Quốc-Cộng đầy máu và nước mắt, “mênh mông trời xương tủy” [68], không thể được hóa giải.

Nhân vật chính tên Trí trong Cát Lầy, như nhân vật Tâm (xưng “tôi”) trong Bếp Lửa, như những Đồng, An, Thạch, Cảnh trong Ung Thư, cũng “lăn mình theo mối cám dỗ lớn lao của hư vô”. Tuy nhiên khi trong Bếp Lửa, và rõ nét nhất là trong Ung Thư, tính chính trị là cốt lõi – thì Cát Lầy là một truyện tình. Lí do khiến một số chi tiết trong truyện có màu sắc chính trị là bởi tác giả phải mô tả nhân vật chính: Trí là thanh niên trí thức tỉnh lẻ miền Nam, sau hiệp định Genève 1954, cùng bè bạn rủ nhau tính trốn ra Bắc, việc không thành, bị bắt vào bót Catinat; ở đây, bên kia hàng chấn song Trí nhìn thấy một “thiếu nữ bận bà ba trắng, tóc còn xõa, dựa vào tường, mắt nhắm hai chân duỗi thẳng, chân mặt của nàng tra trong một vòng sắt của cái cùm công cộng”[69]. Cô gái thuộc gia đình có thế lực, được giam trong hành lang tránh mưa nắng, được tiếp tế đầy đủ, và được thả trước. Sau khi được tha, Trí tình cờ gặp lại cô gái, cô tên Diệp, cũng bị bắt trong một toán học sinh khác mưu tính ra khu tập kết [70]. Họ yêu nhau. Trong truyện, Trí có tìm gặp lại ông Hoanh, người thầy năm lớp nhất, người đã “mở óc, kết nạp, hướng dẫn hoạt động mấy năm trước”, Trí tới thăm không phải để móc nối tiếp tục hoạt động, mà để “so chừng cái mức độ rã rời của một lý tưởng ở nơi tôi (Lý tưởng trở thành huyễn tượng và con người bị nhấc bổng treo giữa hư vô) [71]. Tôi đã bị hư vô cám dỗ và cứ phải dấn thân mãi vào trong một cõi mù mịt, bất trắc [72]. Ngông cuồng và tự ái nhốt chặt tôi vào hư vô mộng tưởng [73]. Và tôi hóa thành niềm hư vô bảng lảng... [74]. Ông Hoanh giới thiệu Trí với một nhóm sinh viên, Trí không “ngửi” nổi đám này, “bọn trưởng giả đớn hèn chỉ làm mình khinh bỉ, chúng nói chuyện cách mạng như sức dầu thơm đi dự dạ hội” [75]. Sau lần tính trốn ra Bắc thất bại, với Trí, cuộc phiêu lưu nửa chừng biến tôi thành một

mớ những ước muốn, toan tính nửa vời, một ý thức trôi giạt trong hư ngụy [76]. Sau khi ông Hoanh cùng một số học sinh trong tỉnh bị bắt giữ, Trí bỗng nhận ra mình đang kéo lê cuộc đời nhạt nhẽo vô vị, không biết mình đang đứng ở phía nào [77]. Hiển nhiên là cái mức độ rã rời của một lí tưởng đã đẩy Trí tới bờ vực hư vô, nhưng chính mối tình Trí-Diệp còn là một nhân tố đóng góp thêm vào. Đó là một mối tình có sức hủy diệt mù lòa tàn khốc. Diệp yêu Trí hơn cả bản thân, nhưng còn Trí thì sao? Đây là Trí: Phải chăng không thể có được tình yêu, tình yêu đích thực... tình yêu chẳng qua là sản phẩm của trí tưởng tượng nghèo túng, một thế giới ảo tưởng của những kẻ lừa [78] gạt lẫn nhau trong một trò chơi kiểu bịt mắt bắt dê, trốn chạy cuộc phiền nản hằng ngày. Người tham dự che mắt, mò mẫm, sờ soạng, rượt bắt nhau, vấp ngã bươu đầu sứt trán trong khi chính mình có thể ngừng lại giựt tung tấm khăn bịt mặt... Tình tự cùng Diệp, ghì nàng trong ngực, tôi nghe tôi phân hóa chới với như một cõi hư vô giả dối. Tôi cần Diệp đó nhưng tôi đứng ngoài mối tình của nàng trao tặng... Chúng tôi không nói chung một thứ ngôn ngữ. Lúc ấy tôi tự rủa: cớ sao mày không si mê như mọi người? Cái gì giữ mày lại nơi ngưỡng cửa tình yêu? Nhưng có thật chăng, bước tới là vào một thế giới hiện hữu hay chỉ rớt xuống lòng vực không đáy? Anh yêu em, anh yêu em. Tôi nói nhưng chẳng tin, trong tim tôi quay cuồng vực trống, nỗi cô độc chẳng rời [79]. Trường tỉnh nơi Diệp theo học mướn một thầy giáo người Bắc di cư mới vào, tên là Hiệp, học trò mến phục, Diệp tán tụng Hiệp nhiều lần với Trí. Trí: Coi chừng em mê luôn ông thày của em đó [80]. Diễn biến của truyện Cát Lầy không theo trật tự thời gian tuyến tính, quá khứ và hiện tại đan xen nhau, và kèm theo đó là sự đan xen của những dạng thức khác nhau của tình yêu: Diệp không rõ hết những dạng thức của tình yêu, Diệp không biết rằng nàng yêu Hiệp. Nàng không thể biết và cũng không muốn biết [81]. Buổi tối Diệp bắt gặp Trí trong nhà Hiệp-Thuận (Thuận là vợ Hiệp, ngày đó Hiệp có việc đi Saigon, nhờ Diệp tới ở chơi với Thuận cho Thuận đỡ sợ, nhà chỉ có hai vợ chồng), suốt buổi tối Diệp chỉ nói với Trí một câu duy nhất: “Anh ở lại với chị Thuận cho chị đỡ sợ. Chừng nào anh Hiệp về, hãy về”. Trước khi về, Diệp nói với Thuận: “Em khép cửa cho khỏi gió”. Tôi (Trí) cúi gầm đầu, nghe vẳng mãi tiếng cười giả tạo của Diệp ngoài cửa... Diệp, không phải như em tưởng, anh yêu chị Thuận, nhưng không phải như em tưởng. Diệp, em không hiểu hết những dạng thức của tình yêu. Cả Thuận nữa, chị cũng không hiểu [82]. Chỉ có Hiệp... Anh hiểu tôi yêu Thuận như hiểu Diệp yêu anh [83]. Chỉ trước khi Diệp tự tử, trước khi Trí mở lưỡi dao bào để cắt mạch máu cổ tay, Trí mới “Dường như khi ấy tôi nghe được tình yêu của chúng tôi” [84]. Chỉ là “dường như”. Nhưng chỉ có Diệp chết, còn Trí được cứu thoát. Cái chết hụt bôi trắng một quãng ngày tháng, tôi chỉ còn tôi, một cõi hư vô rung động [85]. Lúc nào tôi cũng chỉ thấy mình, chỉ nghe vô vàn thứ tiếng hỗn độn trong vùng hư không ẩn giấu trong mình [86].

Như tôi vừa nói trên, tính chính trị, rất rõ nét, là cốt lõi của Ung Thư, có thể xếp tác phẩm này vào thể loại tiểu thuyết chính trị. Có thể tìm được trong Ung Thư nhiều sử liệu, tuy chỉ là sử liệu trong khoảng thời gian một thập niên trước hiệp định Genève 1954: Không có thế lực nào thực sự là “quốc gia, dân tộc”. Những kẻ vạch đường lối của khối Cộng đã khôn ngoan chỉ đạo những đảng cộng sản tại các nước thuộc địa nghèo: bề ngoài, hãy dương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc [bên trong, là cách mạng vô sản], như thế là tước đoạt cái “chính nghĩa” của phe “quốc gia”. Các đảng phái quốc gia không có đường lối thu hút được quần chúng, vẫn giữ lí tưởng lạc hậu là chỉ cần dựa vào cái tinh thần quốc gia dân tộc là đủ, tỉ như quan niệm về dòng sống, dòng sử của nòi Việt, rằng phải intégrer được cái quá khứ lịch sử của một dân tộc [87], tình trạng hiện tại là các thế lực “quốc gia” phải dựa vào Pháp để chống cộng: Hà nội, những năm 1950, 51 chính quyền “quốc gia” đã phải thực hiện những cuộc bố ráp (tại cửa các rạp chiếu bóng, tại các ngã tư chính) để bắt lính, bắt các thanh niên rồi giao cho Pháp,

nhờ Pháp huấn luyện. Trí thức Mĩ đã tới Hà nội để cổ động cho phong trào hòa bình thế giới [88]. Phái đoàn tướng lãnh Mĩ đến Saigon họp với Pháp, De Lattre sang Việt Nam, tả phái Pháp gây phong trào vận động chấm dứt chiến tranh Đông dương [89]. Nhân vật Nghiêm phân tích tình hình chính trị: Pháp thất bại về quân sự, phải dựa vào Mĩ, giải pháp chia đôi Việt Nam của Anh (Nghiêm: Hiện chúng tôi có dự định sẽ ném lựu đạn vào tòa lãnh sự Anh cho chúng nó biết mặt. Thí dụ như thế anh có làm được không? Thạch [đã đào ngũ]: Đó là trò chơi hằng ngày trong mấy năm nay của tôi. Tôi làm cho [90].), cuộc mặc cả về vĩ tuyến, 13, 16 hay 17, lá bài Ngô Đình Diệm của Mĩ để thay thế Bảo Đại, Pháp phải miễn cưỡng chấp nhận Ngô Đình Diệm làm thủ tướng: bước đầu của Mĩ vào Việt Nam [91]. Sài-gòn tan nát trong tình trạng sứ quân, đại hội toàn quốc họp dưới sự che chở của một tay anh chị [92]. Đôi khi chỉ là một chi tiết nhỏ, nhưng hàm chứa nhiều: Trở về còn sớm Hải bảo Liêm đạp xe theo ngả hàng Lọng, để đi qua phố Ôn-Như-hầu Hải sẽ chỉ cho xem gian nhà trụ sở của Việt-quốc thời 45 nơi người ta tìm thấy những người bị thủ tiêu chôn ở ngoài vườn [93]. Xin trích dẫn vài dòng trong đoạn Cảnh gặp người phụ nữ giao liên sẽ đưa Cảnh tới địa điểm tập kết để trốn ra hậu phương theo kháng chiến: Người đàn bà... đầu chít khăn len che mái tóc cắt cụt đến vai, dấu hiệu của người mới ở ngoài vào thành... mẫu người mới, không nhan sắc nhưng hữu ích... (đón Cảnh) bằng một nụ cười, không phải là nụ cười trang điểm tự biến mình thành đồ vật cho người nhìn ngắm... Người đàn bà không thuộc riêng ai, không cần phải quyến rũ ai... [94]. Chị xoa hai tay vào nhau, móng tay cắt sát tròn ngắn, nhiều dấu gạo trắng [95]. Móng tay cắt sát tròn ngắn, vì móng tay không phải để sơn phết làm đẹp; móng tay nhiều dấu gạo trắng, vì ăn uống thiếu chất dinh dưỡng.

Không chỉ là nhà thơ lớn, nhà văn lớn, Thanh Tâm Tuyền còn là một trí thức ưu thời mẫn thế, luôn rất “kịp thời”.

Ngày 12 tháng 11 năm 1956, Liên Xô kéo đầy đường chiến xa đại bác vào thủ đô Buy đa pét để nghiền nát cuộc cách mạng dân chủ của Hung-ga-ri, thì chỉ vài tuần sau Thanh Tâm Tuyền có bài Hãy Cho Anh Khóc Bằng Mắt Em / Những Cuộc Tình Duyên Buyđapest (đăng Tạp chí Sáng Tạo số tháng Giêng 1957 – cuối bài ghi 12-[19]56).

Khi bức màn sắt buông xuống khắp lục địa châu Âu, chia thành hai khối Đông & Tây Âu, Thanh Tâm Tuyền có bài Thành Phố, rất ngắn, chỉ nhắc tới tên thủ đô một số nước thuộc khối Đông Âu cộng sản (ngoài ra kể thêm... Bắc Hàn & Trung cộng & Bắc Việt):

Mưa giờ giới nghiêm tăm tối trên hè đường hắt hủi

xưởng máy rầm rầm nghiến nát nước mắt thợ quánh dầu

Vác-xô-vi Bá linh

Bình nhưỡng Buy đa bét Mốt cu Pra-gơ Bắc kinh cửa nhà nào lỏng then

nghe chừng bước đêm nặng nhọc bếp sưởi củi tàn

áo manh tơi tả

giận lên cho ấm ngực gầy Mưa giờ giới nghiêm tăm tối trên hè đường hắt hủi

Hà nội Hà nội [bốn âm sau chót, nghe nghẹn ngào, phải không T.?] (trong tập thơ Tôi Không Còn Cô Độc, nxb Người Việt, 1956)

Năm 1966 hai triết gia Anh & Pháp, là Bertrand Russell & J-P Sartre, kêu gọi lập “một tòa án quốc tế chống tội ác chiến tranh tại Việt Nam”, được gọi là Russell Tribunal. Tòa án diễn ra tại London tháng 11 năm 1966. Phiên xử cuối cùng diễn ra ngày 1 tháng 12 năm 1967. Chẳng đợi tới ngày kết thúc đó, Thanh Tâm Tuyền cho đăng trên nguyệt san Vấn Đề số 3, tháng 6 năm 1967, mục Ngoài Lề, bài báo có tựa đề “Tòa án Russell, De Gaulle, và Sartre”, với bút danh khác: Du Thanh Hảo – bài báo như một mũi tên bắn trúng ba con chim là ba “ông lớn” De Gaulle, Russell & Sartre.

Về De Gaulle: Lẽ ra tòa án diễn ra ở Paris, nhưng De Gaulle viết thư gửi Sartre, từ chối không cho họp tại Paris. De Gaulle viết rằng quan điểm về chiến tranh V.N của “tòa án” kia không đối lập với quan điểm của chính phủ ông... nhưng dù thế nào nước Mĩ vẫn là bạn đồng minh cố cựu của nước Pháp... nên ông không thể để cho nước ấy phải chịu sự phán xét của một thể thức bất chấp luật lệ công pháp quốc tế trên lãnh thổ Pháp. Nhưng Thanh Tâm Tuyền nói rõ rằng Sartre tố cáo De Gaulle chịu áp lực của Mĩ, tiết lộ rằng Mĩ chỉ cần không cho Pháp thuê những máy tính điện tử khổng lồ đủ khiến nền kinh tế Pháp xáo trộn...

Về Sartre: Thanh Tâm Tuyền nhấn mạnh vào việc Sartre lờ đi coi như không có miền Nam

V.N. và tuyên bố thẳng thừng: “Chúng chỉ muốn làm áp lực bắt người ta phải tuyên bố trắng ra là chỉ có một kẻ bị xâm lăng trong trận giặc này và đó là Hồ Chí Minh” đã khiến cho cái gọi là tòa án của các ông chẳng còn tí khách quan nào nữa cả. De Gaulle viết thư cho Sartre, mở đầu bằng Mon cher Maître (Thưa Tôn sư, hoặc Kính Bậc Thầy), là thư riêng, có tính cách cá nhân, Sartre đáp rằng “tôi chỉ là Maître đối với mấy tên bồi nhà hàng biết tôi viết lách” – Sartre bất mãn: lẽ ra De Gaulle phải viết gửi “vị chủ tịch tòa án” (Sartre là Chủ tịch Russell Tribunal). De Gaulle mới chỉ lờ đi có một tính cách chủ tịch tòa án của Sartre đã khiến ông bất mãn, trong khi ông lờ đi hằng triệu con người “hiện sinh” cụ thể tại miền Nam thì lại chẳng sao. Cũng chẳng nên lấy làm buồn, Sartre là người làm De Gaulle nể phục, các chính phủ trên thế giới nể phục, còn những người sống tại miền Nam tối tăm chẳng khiến ai phải sợ cả, nói đến hay không chẳng cần, và người miền Nam cũng đã quá quen với tình trạng người ta không đếm xỉa tới mình.

Về cặp Russell-Sartre: Thiết lập tòa án, hai ông muốn chứng tỏ tinh thần nhân bản Tây phương gương mẫu cho toàn thể nhân loại noi theo... Nhưng nếu nhìn đúng theo triết lý của Sartre thì muốn hay không họ vẫn là đồng lõa của những tình trạng đã xảy ra trên thế giới và việc thiết lập tòa án này trước hết là phủ nhận tính cách đồng lõa ấy... Nhìn theo con mắt Á Đông, tòa án của các ông thiết lập có hơi chậm. Đáng lý nó phải có từ thời Nha phiến chiến tranh, từ năm 1858 khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha nã đại bác vào cửa biển Đà Nẵng. Tất nhiên thời ấy chưa có nhà quý tộc Russell và Sartre, trí thức Tây phương chưa có điều kiện dân chủ tiến bộ như ngày nay. Nhưng người Á Đông có quan niệm con cháu phải chịu trách nhiệm về tiền nhân nên dù muốn dù không các ông trí thức Tây phương không thể nào phủi tay sạch sẽ về những tội ác của ông cha trong quá khứ. Cuộc chiến

tranh tàn khốc mà dân tộc V.N. phải chịu đựng nó khởi từ cái ngày chế độ tư bản và cả chế độ cộng sản nữa do các ông sản xuất ra... nếu muốn điều tra xét xử một cách tường tận đáng lý các ông phải thiết lập một hồ sơ dầy cộm cả một thế kỷ...

Bếp Lửa, Ung Thư, Cát Lầy, mở ra một vùng hư không lồng lộng bát ngát, phải vậy chăng? Hư vô, hư không lồng lộng bát ngát, mỗi khoảnh khắc mỗi lộng đổ nát, gió những trời vô tận thổi về, ai cũng cảm nhận rằng Nothing tức khắc trở thành Something ngay khi ta nói về nó, càng nói say sưa về hư không càng làm hiển lộ một hư không lồng lộng bát ngát.

Tôi đọc lại vài câu buồn rưng rưng cuối đường của một ngày [96]:

Tôi về trải chiếu trên căn góc ọp ẹp Ngọc đã ở. Hắn đi thật rồi, như ông Chính chết, như Đại đã đi. Không muỗi nhưng hơi lạnh về giữa đêm. Tôi mê gặp Hạnh và tỉnh giấc. Tôi không nhớ mình đang nằm ở đâu, mình đến đây làm gì. Chưa bao giờ tôi cảm nỗi tuyệt vọng ghê gớm đến như thế. Tôi có thể tự tử được. Nhưng tôi tự nhủ: Cũng thế thôi, phải, cũng thế thôi.

Tôi [Trí] ngồi đây trước người bệnh và biết đời mình không ở đâu cả… Nếu đêm bất tận?... Buổi mai nào cũng là một ảo tưởng [97]. Tôi sách chai vào buồng tắm, hứng nước trong vòi, uống hết ống thuốc mua cho Diệp… Rồi tôi nằm trên giường, kéo chăn đắp, mở lưỡi dao bào... Tôi nghe những tiếng la gọi vang âm như từ trên những đỉnh núi cao xa, mây dồn cục che khuất. Những tiếng la gọi của một cõi đã mơ hồ… [98].

Tất cả, tất cả đều là những nỗi niềm tan nát, là những hứa hẹn của hư vô, nhưng kì lạ thay, người đọc không bị đoạ trong những tan nát vỡ vụn đó, tôi chợt hiểu, những tan nát đó, là despair made beautiful, những tan nát càng ghê gớm thì càng làm chứng cho nghệ thuật lớn lao của TTT: cái đẹp đã cứu chuộc.

Chẳng phải rằng Flaubert đã nói chúng ta rút ra sức mạnh từ nỗi tuyệt vọng, rằng Chopin đã trút cũng những nỗi niềm tan nát đó xuống cây đàn piano, rằng ai đó nói, tôi quên rồi, văn chương là cuộc cứu rỗi cho kẻ bị đày đọa, rằng tiểu thuyết sinh ra từ sự vỡ mộng, rằng thơ sinh ra từ niềm tuyệt vọng?

Tôi luôn có nỗi buồn này khi đọc Thanh Tâm Tuyền (tôi rất cần nói thêm: và khi đọc Đỗ Long Vân): chỉ sợ hết. Joseph Epstein kể rằng sử gia về ngành kinh tế đại học Harvard, tên Alexander Gerschenkron (có giải thưởng kinh tế mang tên ông), khi đọc tới cuối cuốn War and Peace, lòng buồn trĩu nặng, ông dừng lại, thở dài, rồi... đọc lại từ đầu [99]. Michael Dirda viết một câu không thể “bất nhân” hơn: “Cứ để cả thế giới rộng lớn vỡ vụn tan tành, miễn là tôi có thể đọc thêm trang nữa. Và rồi một trang kế nữa. Và rồi thêm trăm trang nữa” [100].

Trước khi chấm dứt, tôi xin nói lời cuối bài (dù ai cũng hiểu là không có lời cuối, mọi cuộc nói, cuộc viết, cuộc đời đều là những cuộc ngưng ngang, ngang xương – chẳng bao giờ Valéry làm xong một bài thơ): Tôi hẳn bị chê trách vì trích dẫn quá nhiều, nhưng khi trích dẫn những tác giả lớn tôi thường rất bất mãn với chính tôi. Tôi luôn cảm thấy đoạn trích dẫn không giữ được đầy đủ ý nghĩa so với khi nó nằm trong mạch văn: nội dung của đoạn đã bị cắt xén loãng nhạt. Thay vì trích dẫn, lẽ ra tôi nên viết ra đây toàn bộ 302 trang Ung Thư.

 

Chú thích

[1] Thanh Tâm Tuyền nói trong cuộc thảo luận của nhóm Sáng Tạo về Nhân vật trong tiểu thuyết, Saigon 1960.

[2] Cát Lầy, trang 22, nxb Giao Điểm, Saigon, 1967.

[3] Fiction is higher autobiography, trích dẫn trong John Sutherland, Lives of the Novelists, New Haven, Yale University Press 2012, trang 525.

[4] Any book that is any good must be, to some extent, autobiographical (John Sutherland, sách đã dẫn, trang 647).

[5] Đỗ Long Vân, bài Nhân Một Kinh Nghiệm Thơ, báo Đại Học, số 31, tháng 2, 1963.

[6] Bếp Lửa, trang I-II, ấn bản chung quyết, nxb Kẻ Sĩ, Saigon, 1973.

[7] George Steiner trả lời phỏng vấn của Dominique Simonnet, báo L’Express 28 Decembre 2000: Le siècle le plus meurtrier de l’histoire humaine... Les historiens nous diraient qu’entre août 1914 et mai 1945 70 millions d’êtres humains ont péri dans les guerres, les camps, par la torture, la déportation, la famine; et on a parlé de 100 millions de victimes du stalinisme...

[8] … torture was the ‘essence’ of the Third Reich... For a Nazi torturer, [a] slight pressure by the tool-wielding hand is enough to turn the other – along with his head, in which are perhaps stored Kant and Hegel, and all nine symphonies, and The World as Will and Representation – into a shrill squealing piglet at slaughter. Jean Améry, bị quốc xã tra tấn, rồi bị chuyển tới Aus- chwitz rồi Buchenwald rồi Bergen-Belsen, được quân Anh giải thoát năm 1945; 1978 thì tự sát.

[9] bài phỏng vấn dẫn trên: Les bibliothèques, musées, théâtres, universités peuvent très bien prospérer à l’ombre des camps de concentration. Nous le comprenons maintenant: la culture ne rend pas plus humain.

[10] White: The things I believed in don’t exist any more.... Western civilization finally went up in smoke in the chimneys at Dachau... Lời nhân vật White trong vở kịch của Cormac Mc- Carthy: The sunset Limited, bản pdf pages 14-15. Vở kịch chỉ có 2 nhân vật, một Trắng một Đen; Trắng do Tommy Lee Jones thủ vai, Đen do Samuel L Jackson. Đây là một cuốn tiểu thuyết hơn là một vở kịch, chính tác giả ghi thêm: là một tiểu thuyết dưới dạng kịch [a novel in dramatic form]. Tờ The New York Times gọi nó là “một bài thơ tán dương cái chết” [a poem in celebration of death]. Trên chuyến xe lửa từ New Orleans tới Los Angeles, nhân vật White, vì không còn gì để tin tưởng nữa, đã toan tự tử, nhưng được nhân vật Black cứu thoát.

[11] Thanh Tâm Tuyền, bài Tù Binh, trong Tôi Không Còn Cô Độc, nxb Người Việt, Saigon, 1956.

[12] V39/87-UT 95

[13] V38/104-UT 82

[14] V37/139-UT 71

[15] V39/93-UT 101

[16] V31/99-UT 7

[17] V31/100-UT 8

[18] V37/142-UT 74

[19] Bếp Lửa, trang 73, ấn bản chung quyết, nxb Kẻ Sĩ, Saigon, 1973.

[20] Bếp Lửa, trang 31

[21] Bếp Lửa, trang 32

[22] Bếp Lửa, trang 35

[23] Bếp Lửa, trang 73

[24] Bếp Lửa, trang 74

[25] Bếp Lửa, trang 27

[26] Bếp Lửa, trang 49

[27] Bếp Lửa, trang 65-66

[28] trong bài Tình Cờ, tập Tôi Không Còn Cô Độc.

[29] Bếp Lửa, trang 88

[30] Bếp Lửa, trang 89

[31] Bếp Lửa, trang 100

[32] Bếp Lửa, trang 111

[33] V42/107-UT 124

[34] V36/78-UT 60

[35] V36/79-UT 61

[36] V48/165-UT 202

[37] V36/78-UT 60

[38] V41/90-UT 115

[39] V41/91-UT 116

[40] V42/118-UT 135

[41] One lives in the hope of becoming a memory – tập thơ Voices of Antonio Porchia, W.S.Merwin dịch sang Anh ngữ từ tiếng Tây Ban Nha, trang 13, nxb Big Table Publishing Company, Chicago, 1969.

[42] V39/98-UT 106

[43] V62/86-UT 301

[44] Bếp Lửa, trang II, ấn bản chung quyết, nxb Kẻ Sĩ, Saigon, 1973.

[45] V39/92-UT 100

[46] V39/93-UT 101

[47] V51/140-UT 218

[48] V31/94-UT 2

[49] V31/99-UT 7

[50] V57/98-UT 263

[51] V57/96-UT 261

[52] V57/97-UT 262

[53] V57/101-UT 266

[54] V31/98-UT 6

[55] V57/102-UT 267 (trang này, heading bị sắp chữ lộn, là VĂN 75)

[56] V34/108-UT 44

[57] V38/108-UT86

[58] V33/95-UT 21

[59] V39/88-UT 96

[60] V41/94-UT 119

[61] V41/96-UT 121

[62] V31/102-UT 10

[63] V39/95,96-UT 103,104

[64] V42/110-UT 127

[65] V48/164-UT201

[66] V57/126-UT 272

[67] V39/95-UT 103

[68] Nửa của một bài thơ của Nguyễn Nghiệp Nhượng.

[69] Cát Lầy, trang 52, nxb Giao Điểm, Sai- gon, 1967.

[70] Cát Lầy, trang 51.

[71] Cát Lầy, trang 87.

[72] Cát Lầy, trang 103.

[73] Cát Lầy, trang 117.

[74] Cát Lầy, trang 122.

[75] Cát Lầy, trang 90.

[76] Cát Lầy, trang 57.

[77] Cát Lầy, trang 121.

[78] Cát Lầy, trang 47.

[79] Cát Lầy, trang 48.

[80] Cát Lầy, trang 46.

[81] Cát Lầy, trang 47.

[82] Cát Lầy, trang 104.

[83] Cát Lầy, trang 105.

[84] Cát Lầy, trang 171.

[85] Cát Lầy, trang 16.

[86] Cát Lầy, trang 21.

[87] V36/74-UT 56

[88] V59/101-UT 284

[89] V41/89-UT 114

[90] V59/102-UT 285

[91] V59/101,102-UT 284,285

[92] V59/99-UT 282

[93] V51/135,136-UT 213,214

[94] V41/91-UT 116

[95] V41/92-UT 117

[96] Liên Những Bài Thơ Tình Thời Chia Cách, tập Tôi Không Còn Cô Độc, nxb Người Việt, Saigon, 1956.

[97] Cát Lầy, trang 139-141.

[98] Cát Lầy, trang 176-177.

[99] As in reading other great books of mag- nitude—The Decline and Fall of the Roman Empire, War and Peace, Remembrance of Things Past—one feels a sadness at coming to its conclusion. The Harvard economic his- torian Alexander Gerschenkron has told of coming to the end of War and Peace with this feeling of sadness so heavy upon him that he paused, sighed, and then turned the novel over and began it again from the beginning. Joseph Epstein, Life Sentences, W.W.Norton & Co, New York, 1997.

[100] Let the whole wide world crumble, so long as I can read another page. And then another after that. And then a hundred more. Michael Dirda, p. 13, Readings, Essays and Literary Entertainments, Indiana University Press, 2000.

Nguồn: Báo Thơ, số 8, tháng 06 năm 2023