Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 1 tháng 5, 2023

Sách của người chết

Paul Auster

Đoàn Huyền dịch

Trong mấy năm gần đây, không nhà văn Pháp nào nhận được nhiều chú ý và ca ngợi của giới phê bình nghiêm túc hơn Edmond Jabès. Maurice Blanchot, Emmanuel Levinas, Jean Starobinski tất cả họ đều viết một cách cặn kẽ và nồng nhiệt về tác phẩm của ông, và Jacques Derrida đã nhận định, một cách dứt khoát và không vị kỷ, rằng “trong mười năm lại đây không gì được viết ở Pháp mà không có mẫu hình của mình đâu đó trong những tác phẩm của Jabès”. Bắt đầu với cuốn đầu tiên của Le Livre des Questions, xuất bản năm 1963, và tiếp tục qua các cuốn sách khác trong loạt sách đó*, Jabès đã tạo nên một loạt tác phẩm văn học kỳ bí và mới mẻ – mà mức độ gây kinh ngạc sánh ngang với độ khó định nghĩa. Chẳng tiểu thuyết chẳng thơ, chẳng tiểu luận cũng chẳng phải kịch, The Book of Questions [tức là cuốn Livre des Questions – Văn Việt] là sự phối hợp của tất cả những thể loại này, một bức khảm của những phân mảnh, những cách ngôn, những hội thoại, những bài ca, và những bình luận và xoay vòng không ngớt quanh câu hỏi trung tâm của cuốn sách: làm thế nào để nói cái không thể nói. Câu hỏi ấy là cuộc diệt chủng Holocaust, nhưng cũng là câu hỏi về chính văn chương. Bằng sự đột phá của trí tưởng tượng, Jabès xem chúng là một:

Tôi đã nói với anh về nỗi khó của việc là người Do Thái, [cái nỗi khó] tương tự nỗi khó của viết. Vì Do Thái giáo và viết chỉ là cùng một nỗi đợi, cùng một niềm hy vọng, cùng trạng thái kiệt lực.

Con trai của những người Do Thái Ai Cập giàu có, Jabès sinh năm 1912 và lớn lên trong cộng đồng những người nói tiếng Pháp của Cairo. Mối quan hệ bạn bè trong văn giới sớm nhất của ông là với Max Jacob, Paul Eluard, và René, và trong những năm bốn mươi và năm mươi ông xuất bản một số cuốn thơ khổ nhỏ mà về sau được tập hợp trong cuốn Je bâtis ma demeure (1959). Cho tới thời điểm đó, ông khá nổi tiếng với tư cách một nhà thơ, nhưng vì ông sống ngoài nước Pháp, ông không thực sự được biết đến một cách rộng rãi.

Khủng hoảng kênh đào Seuz năm 1956 thay đổi mọi thứ với Jabès, cả trong cuộc sống và trong tác phẩm của nhà văn. Bị chính quyền Nasser ép buộc rời khỏi Ai Cập và định cư ở Pháp – do đó mất nhà cửa và toàn bộ tài sản của mình – nhà văn trải nghiệm lần đầu tiên gánh nặng làm người Do Thái. Đến lúc ấy, tính chất Do Thái của ông không hơn một hiện thực văn hóa, một yếu tố ngẫu nhiên của cuộc đời. Nhưng giờ đây khi mà ông bị làm cho khốn khổ không vì lý do gì khác ngoài thực tế ông là người Do Thái, ông trở thành kẻ Khác, và cảm giác lưu đày đột ngột này được chuyển hóa thành chân dung tự họa siêu hình, mang tính căn gốc.

Những năm khó khăn kéo đến theo. Jabès nhận một công việc ở Paris và buộc phải viết hầu hết tác phẩm của mình khi đáp tàu điện đi về nơi làm việc. Khi, không lâu sau thời điểm ông tới Paris, những bài thơ được tập hợp lại của ông được nhà Gallimard xuất bản, cuốn sách không giống lời tuyên bố của những điều vị lai cho bằng một cách thức tạo nên những ranh giới giữa cuộc sống mới của ông và điều giờ đã thành một quá khứ không thể vãn hồi. Jabès bắt đầu nghiên cứu những văn bản Do Thái – Talmud, Kabbala – và mặc dù sự đọc này không khởi sự cho việc trở về với giáo huấn tôn giáo của Do thái giáo, nhưng nó thực sự đã cung cấp một cách thức để Jabès xác nhận mối ràng buộc của ông với tư tưởng và lịch sử Do Thái. Hơn cả là nguồn gốc tiền khởi của kinh Torah, những tác phẩm và những bình luận của các giáo sĩ trong cộng đồng Do Thái đã lay động Jabès, và ông bắt đầu thấy trong những cuốn sách một sức mạnh đặc trưng của người Do Thái, một sức mạnh mà đã, gần như theo nghĩa đen, tự biến thành cách sống sót. Trong khoảng cách dài giữa thời gian lưu đày và sự xuất hiện của đấng cứu thế Messiah, dân Chúa [the people of God] trở thành dân Sách [the people of the Book]. Với Jabès, điều này có nghĩa Sách đảm nhận tất cả sức nặng và tầm quan trọng của quê nhà.

Thế giới Do Thái dựa trên luật thành văn, trên một logic của ngôn từ mà người ta không thể phủ nhận.

Bởi vậy đất nước của những người Do Thái nằm trong phạm vi thế giới của họ, bởi vì nó là một cuốn sách…

Quê cha đất tổ của người Do Thái là một văn bản thiêng liêng nằm giữa những bình luận mà nó khơi động ra…

Ở trung tâm của The Book of Questions là một câu chuyện – sự chia xa của hai người tình nhân trẻ tuổi, Sarah và Yukel, trong suốt thời gian những cuộc trục xuất của Đức quốc xã. Yukel là một nhà văn – được miêu tả như “một nhân chứng” – người đảm nhận vai trò như cái tôi khác của Jabès và những ngôn từ của anh thường không thể phân biệt được với ngôn từ của ông; Sarah là phụ nữ trẻ bị đưa tới trại tập trung và khi trở về trở thành kẻ mất trí. Nhưng câu chuyện này chưa bao giờ thực sự được kể, và nó không giống với tự sự truyền thống chút nào. Thay vào đó, nó được ám chỉ tới, bình luận về, và đôi lúc được cho phép đột ngột xuất hiện trong những lá thư tình ám ảnh và đam mê được gửi qua lại giữa Sarah và Yukel – một câu chuyện dường như đến từ chốn không đâu cả, như những tiếng nói quái lạ, diễn tả điều Jabès gọi là “tiếng thét tập thể… tiếng thét vĩnh cửu.”

Sarah: Em đã viết cho anh. Em viết cho anh. Em đã viết cho anh. Em viết cho anh. Em tị nạn trong những ngôn từ của mình, những ngôn từ cây bút em khóc ra. Nếu em đang nói, nếu em đang viết, nỗi đau của em bớt nhức nhối hơn. Em hòa vào với mỗi âm tiết đến hoàn toàn trở thành thân thể của những phụ âm, tâm hồn của những nguyên âm. Thần kỳ không? Em viết tên anh ấy, và cái tên ấy biến thành người đàn ông em yêu…

Và Yukel, ở cuối cuốn sách:

Và anh đọc trong em, qua chiếc váy của em và làn da em, qua máu thịt em. Anh thấy rằng, Sarah, em là của anh qua mỗi ngôn từ của ngôn ngữ chúng ta, qua tất cả những vết thương của chủng tộc chúng ta. Anh đọc, như một người đọc Kinh Thánh, lịch sử của chúng ta và một câu chuyện chỉ có thể là của em và của anh.

Câu chuyện này, “văn bản trung tâm” của cuốn sách, ngả theo những bình luận đồ sộ và khó nắm bắt theo phong cách kinh Talmud. Một trong những sáng tạo độc đáo nhất của Jabès là sáng tạo ra những giáo sĩ tưởng tượng, người tham dự vào những đối thoại này và diễn giải văn bản bằng những châm ngôn và những bài thơ của họ. Bình luận của họ, thường nhất là nói về vấn đề viết cuốn sách và bản chất của Ngôn từ, là khó nắm bắt, mang tính ẩn dụ, và vận hành trong một đối âm phức tạp và đẹp đẽ với toàn bộ phần còn lại của cuốn sách.

“Anh ta là người Do Thái,” Reb Tolba nói. “Anh dựa lưng vào tường, ngắm những đám mây trôi qua.”

“Người Do Thái không cần những đám mây.” Reb Jale đáp. “Anh ta đang đếm những bước chân giữa anh ta và đời mình.”

Bởi vì câu chuyện của Sarah và Yukel không được kể trọn vẹn, bởi vì, như Jabès ngụ ý, nó không thể được kể, những bình luận theo nghĩa nào đó là một cuộc kiểm tra về một văn bản chưa bao giờ được viết. Giống như vị Chúa giấu mặt của thần học Do Thái kinh điển, văn bản chỉ tồn tại nhờ chính sự vắng mặt của nó.

“Con biết ngài, Chúa, trong chừng mực con không biết ngài. Vì ngài là Đấng vị lai.”

Reb Lod

Điều diễn ra trong The Book of Questions, do đó, là sự viết về The Book of Questions – hay đúng hơn, một nỗ lực để viết cuốn sách, một quá trình mà người đọc được cho phép là nhân chứng trong tất cả những dờ dẫm và do dự của nó. Như người trần thuật trong The Unnamable của Beckett, người bị nguyền rủa bởi “không có khả năng nói [và] không có khả năng im lặng,” tự sự của Jabès chẳng đi đâu ngoài việc xoay quanh chính mình. Như Maurice Blanchot bình luận trong tiểu luận tuyệt hay của mình về Jabès: “Viết … phải được hoàn thành trong hành vi tự gián đoạn.” Một trang viết tiêu biểu trong The Book of Questions phản ánh cảm giác khó khăn này: những câu và những đoạn biệt lập bị tách ra bởi những khoảng trắng, bị phá vỡ bởi những dấu ngoặc đơn, bằng những đoạn văn được in nghiêng, và những phần in nghiêng nằm trong ngoặc đơn, để con mắt của độc giả không bao giờ có thể quen với một trường hình ảnh nguyên vẹn, đơn lẻ. Người ta đọc cuốn sách theo một tiến trình bị gián đoạn nhiều lần – chính như nó được viết.

Đồng thời, cuốn sách được cấu trúc kỹ càng, gần như là mang tính kiến trúc trong thiết kế của nó. Được chia thành bốn phần một cách cẩn trọng, “Ở Cửa ngõ của cuốn Sách,” “Và Bạn Sẽ Vào trong cuốn Sách,” “Sách của người Khuất mặt,” và “Sách của người Sống,” nó được Jabès xem như thể một nơi chốn vật chất, và ngay khi chúng ta bước qua cửa ngõ của nó chúng ta đi vào một chốn tựa thần tiên, một thế giới tưởng tượng được giữ trong tình trạng sự sống bị ngưng đọng. Như Sarah viết ở một đoạn: “Em không còn biết em ở đâu nữa. Em biết. Em ở chốn không đâu cả. Ở đây.” Huyễn ảo nằm trong những chiều kích của nó, cuốn sách với Jabès là nơi quá khứ và hiện tại gặp gỡ và tan vào nhau. Dường như không lạ lùng trong chuyện những giáo sĩ cổ đại có thể nói chuyện với một nhà văn đương thời, trong chuyện những hình ảnh của một vẻ đẹp choáng ngợp có thể đứng cạnh những miêu tả về một sự hủy diệt dữ dội nhất, hay trong chuyện những điều hão huyễn và những điều tầm thường có thể đứng chung cùng một trang sách. Từ chính lúc khởi sự, khi người đọc chạm mặt với nhà văn ở cửa ngõ cuốn sách, chúng ta biết mình đang bước vào một chốn không giống bất cứ chốn nào khác.

“Chuyện gì đang diễn ra đằng sau cánh cửa này?”

“Một cuốn sách đang rụng lá.”

“Câu chuyện của cuốn sách là gì?”

Đi đến chỗ có thể nghe được tiếng thét.”

“Tôi đã nhìn thấy những giáo sĩ đi vào.”

“Họ là những độc giả danh dự. Họ bước vào theo từng nhóm nhỏ để cho chúng ta những lời bình luận.”

“Họ đọc cuốn sách chưa?”

“Họ đang đọc nó.”

“Họ ghé qua cho vui phải không?”

“Họ đã dự đoán trước cuốn sách. Họ đã được chuẩn bị để trải nghiệm nó.”

“Họ biết các nhân vật không?”

“Họ biết những người tử vì đạo của chúng ta.”

“Cuốn sách đặt bối cảnh ở đâu?”

“Trong cuốn sách.”

“Ông là ai?”

“Tôi là người giữ nhà.”

“Ông đến từ đâu?”

Tôi lang thang…”

Cuốn sách “bắt đầu với nỗi khó – nỗi khó của tồn tại và viết – và kết thúc với nỗi khó.” Nó chẳng đưa những câu trả lời. Bất cứ một câu trả lời nào cũng không thể được đưa ra – vì nguyên nhân chính xác là “người Do Thái”, như một trong những giáo sĩ tưởng tượng đã nói, “trả lời mỗi câu hỏi bằng một câu hỏi khác.” Jabès truyền tải những điều này với một sự thông thái và tài hùng biện mà thường gợi nhớ đến phương pháp chẻ sợi tóc về mặt logic – phương pháp Pilpul – của kinh Talmud. Nhưng ông không bao giờ tự lừa mình tin rằng những ngôn từ của mình là gì hơn “những hạt cát” được ném vào trong gió. Ở trung tâm cuốn sách là cái không.

“Hy vọng của chúng ta dành cho tri thức,” Reb Mendel nói. Nhưng không phải tất cả các môn đồ đều đồng ý với ông.

“Chúng ta đầu tiên phải đồng ý về nghĩa ông đưa ra cho từ “tri thức”, người lớn tuổi nhất trong họ lên tiếng.

“Tri thức nghĩa là hành vi đặt câu hỏi,” Reb Mendel đáp.

“Chúng ta sẽ nhận được gì từ những câu hỏi này? Chúng ta sẽ nhận được gì từ tất cả những câu trả lời mà chỉ dẫn tới nhiều câu hỏi hơn, bởi vì những câu hỏi được sinh ra từ những câu trả lời không thỏa mãn?”, môn đồ thứ hai cật vấn.

“Sự hứa hẹn của một câu hỏi mới,” Reb Mendel đáp.

“Sẽ có một thời khắc,” người lớn tuổi nhất tiếp tục, “khi chúng ta phải dừng tra vấn. Bởi vì hoặc không có câu trả lời hợp lý, hoặc bởi vì chúng ta không thể đặt thêm bất cứ câu hỏi nào nữa. Vậy tại sao chúng ta bắt đầu?”

“Ông thấy đấy,” Reb Mendel nói, “cuối một cuộc tranh luận, luôn có một câu hỏi quyết định chưa được giải quyết.”

“Đặt câu hỏi có nghĩa lên đường đi tới sự thất vọng,” môn đồ thứ hai tiếp tục. “Chúng ta sẽ không bao giờ biết được điều chúng ta đang cố học lấy.”

Mặc dù hình ảnh và những tư liệu nguồn của Jabès phần lớn được lấy ra từ Do Thái giáo, The Book of Questions không phải một tác phẩm Do Thái theo cái cách người ta có thể nói về Paradise Lost với tư cách một tác phẩm Cơ đốc giáo. Trong khi Jabès là, theo hiểu biết của tôi, nhà thơ hiện đại đầu tiên một cách có ý thức hấp thụ những hình thức và những phong cách riêng của tư tưởng Do Thái, mối quan hệ của ông với giáo huấn Do Thái đầy cảm xúc và có tính chất biểu tượng hơn là một trung thành tuyệt đối. Sách là hình ảnh trung tâm của nhà văn – nhưng không chỉ là Sách của cộng đồng Do Thái (những đường xoắn ốc của bình luận quanh bình luận trong bản văn Midrash), mà còn là một ám chỉ tới cuốn Sách Lý tưởng của Mallarmé (Sách hàm chứa một thế giới, không ngừng ẵm ôm hết thảy mọi sự vào lòng). Cuối cùng, tác phẩm của Jabès phải được coi như một phần của truyền thống thơ ca đang phát triển của Pháp, một truyền thống bắt đầu từ cuối thế kỷ mười chín. Điều Jabès làm là hợp nhất truyền thống này với một loại nào đó của diễn ngôn Do Thái, và ông làm điều đó với một xác tín rằng cuộc hợp nhất giữa hai bên gần như là không thể nhận thấy được. The Book of Questions ra đời bởi Jabès tìm thấy mình với tư cách một nhà văn trong hành vi khám phá ra mình với tư cách một người Do Thái. Tương tự về mặt tinh thần với ý tưởng được diễn tả bởi Marina Tsvetaeva – “Trong tính chất Cơ Đốc giáo mạnh mẽ nhất ấy của các thế giới / tất cả các nhà thơ đều là người Do Thái” – sự đồng nhất đó nằm ở chính trung tâm tác phẩm của Jabès, là hạt nhân từ đó mọi sự khởi phát. Với Jabès, không gì có thể viết ra về Holocaust trừ khi chính sự viết bản thân nó là thứ đầu tiên bị tra vấn. Nếu ngôn ngữ bị đẩy tới giới hạn, vậy nhà văn buộc phải chấp nhận trở thành kẻ lưu vong vì hoài nghi, thành một sa mạc của sự bất định. Điều ông phải làm, tóm lại, là tạo nên một thi pháp miêu tả cái vắng mặt. Người chết không thể được hồi sinh. Nhưng họ có thể được lắng nghe, và những tiếng nói của họ sống trong cuốn sách.

1976

Dịch từ bài viết Book of the Dead, trong The Art of Hunger, Paul Auster, Penguin Books, 1997, p. 107-114.


* Le Livre de Yukel (1964), Le Retour au Livre (1965), Yaël (1967), Elya (1969), Aély (1972), El, ou le dernier livre (1973), được kế tiếp bởi ba cuốn sách của loạt sách Le Livre des Resemblances. Bốn cuốn sách hiện có bản Anh ngữ, đều được chuyển ngữ một cách đáng nể bởi Rosmarie Waldrop: The Book of Questions, The Book of Yukel, Return to the Book (Wesleyan University Press), và Elya (Tree Books).