Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2023

Tạm biệt Ryuichi Sakamoto – người góp nhặt âm thanh vô hạn của vũ trụ

Ngô Ngọc Loan

“Tôi e là mình không còn đủ sức lực để biểu diễn trong một buổi hoà nhạc. Đây có lẽ là lần cuối các bạn nhìn thấy tôi hiện diện trong trang phục này”

Nghệ sĩ, nhà soạn nhạc Ryuichi Sakamoto ngỏ lời với khán giả của ông vào ngày thứ Bảy, 12 tháng 12 năm 2022, tại trung tâm ghi hình của đài NHK ở Shibuya. Đó là ngày ông gửi lời tạm biệt thế giới bằng một live concert cuối cùng – Playing the Piano 2022. Thời gian đó, ông đang chiến đấu chống lại căn bệnh ung thư vòm họng (từ năm 2014) và ung thư trực tràng (năm 2021).

Buổi hoà nhạc này được trình chiếu ở 30 quốc gia khắp thế giới bao gồm Nhật Bổn, Châu Á và Châu Âu. Do lúc này ông đang điều trị bệnh, sức khoẻ không cho phép ông độc tấu một lần 13 bản nhạc. Ryuichi Sakamoto phải biểu diễn trong nhiều lần và sau đó dàn dựng lại thành buổi hoà nhạc cuối cùng của ông.

Và nó thật sự là cuối cùng. Năm nay 71 tuổi, ông ra đi ngày 28 Tháng Ba năm 2023.

NGƯỜI GÓP NHẶT ÂM THANH

Tuổi thơ của Ryuichi Sakamoto được tưới tẫm trong môi trường đầy chất nghệ thuật. Cha của ông là người hiệu đính cho những tiểu thuyết gia về chiến tranh nổi tiếng của Nhật Bổn như Kenzaburo, Yuko Mishima. Sakamoto được chạm đến cây đàn piano vào năm 6 tuổi. Từ đó, âm nhạc như dòng máu, không ngừng chảy trong cơ thể và tâm hồn ông.

Sakamoto có một cách cảm thụ âm nhạc rất riêng. Ông có thể cảm nhận, phân loại, sáng tạo với tất cả âm thanh trong vũ trụ. Nói ông nghiện âm thanh, có lẽ ông sẽ không giận, mà sẽ mỉm cười và kể cho nghe những lần ông úp một cái xô lên đầu, đi đi lại lại trong khu vườn để thẩm thấu tiếng vọng từ xung quanh. Hoặc những lần ông tản bộ trong khu rừng lúc trời tờ mờ sáng, để nghe tiếng gió, tiếng lá sau một đêm ngủ. Và cũng có khi ông ngồi hàng giờ, đặt một nhánh cây xuống dòng nước rồi nghe sự khác biệt của âm thanh khi bị cản trở bởi con người.

Từ lúc là học sinh trung học, Sakamoto san đã thích đi lại trên những toa tàu chật cứng người ở Tokyo và đếm những âm thanh khác nhau phát ra trong suốt đoạn đường của con tàu. Đó là cách giải trí của riêng ông.

Đến tuổi thiếu niên, Ryuichi Sakamoto bị quyến rũ bởi các tác phẩm của nhà soạn nhạc người Pháp Claude Debussy – một người tự nhận là rất say mê thẩm mỹ âm nhạc Châu Á, trong đó có Nhật Bổn. Với Ryuichi Sakamoto, ông quan niệm “âm nhạc là một vòng tròn khép kín.”

Từng nói với Weekend Editioni vào năm 1988 rằng, "Tôi nghĩ âm nhạc của tôi dựa trên nền tảng của âm nhạc phương Tây, bởi vì có nhịp điệu, có giai điệu, có hòa âm. Vì vậy, âm nhạc của tôi là âm nhạc phương Tây, nhưng bạn biết đấy, cảm xúc, không gian, hoặc giác quan âm thanh là một chút của châu Á, tôi ước chừng có thể 25% hoặc 30%."

Cả đời mình, Sakamoto không ngừng đi tìm kiếm, góp nhặt các loại âm thanh và những gì có thể tạo ra âm thanh. Với ông, âm thanh là vô hạn. Trên thế giới này không có giới hạn nào cho những âm thanh huyền hoặc, thú vị.

NHÀ SOẠN NHẠC

Năm 1983, số phận đưa đẩy Sakamoto lọt vào mắt xanh của đạo diễn Nagisa Ōshima khi đang tìm người thích hợp cho vai chỉ huy trại lính Nhật trong phim Merry Christmas, Mr. Lawrence. Chàng trai Ryuichi Sakamoto “tay ngang” bước vào nghệ thuật thứ bảy. Nhưng điều mà ông gọi là “may mắn nhất” chính là đạo diễn Ōshima đã tin tưởng đặt vào tay ông toàn sáng tác cho nhạc phim.

Chính khi xem lại những cảnh phim do Sakamoto “nghiệp dư” đóng, ông không mấy thiện cảm với diễn xuất của mình. “Tôi nghĩ nó thật kinh khủng và thật là tệ. Khi tôi bắt đầu soạn nhạc phim, tôi đã nói với mình rằng, OK, hãy đưa một bản nhạc tuyệt đẹp vào để che đi phần diễn xuất dở của mình, tôi đã nửa đùa nửa thật nghĩ như vậy,” Sakamoto nói với Criterion năm 2017, khi căn bệnh ung thư bắt đầu tấn công cơ thể.

Giai điệu “Merry Christmas, Mr. Lawrence” đầy ám ảnh tang thương và sợ hãi của chiến tranh đã đưa sự nghiệp của Sakamoto sang một hướng khác – trở thành nhà soạn nhạc phim nổi tiếng thế giới.

Bốn năm sau, năm 1987, Sakamoto được đạo diễn Bernardo Bertolucci mời diễn xuất và soạn nhạc chính cho phim The Last Emperor. Sáng tác này mang về cho Ryuichi Sakamoto ba giải thưởng danh giá giải Nhạc phim hay nhất (Best Music Score): tượng vàng Oscar, giải Quả Cầu Vàng (Golden Globe) và giải Grammy.

Năm 1990, một lần nữa Ryuichi Sakamoto chiến thắng Quả Cầu Vàng thứ hai cho phim The Sheltering Sky, cũng của Bernardo Bertolucci.

Ở Ryuichi Sakamoto toát lên một phong cách điềm đạm, nhũn nhặn của người nghệ sĩ thực thụ. Nhìn ông biểu diễn, nghe ông nói chuyện, người ta có thể hình dung được bản tính khiêm nhường của người Nhật Bản.

Năm 2020, giữa lúc toàn thế giới căng mình chống trả đại dịch, quốc gia nào cũng “nội bất xuất ngoại bất nhập”, Sakamoto thực hiện một buổi hoà nhạc để xoa dịu nhân loại. Ông cho phát trên kênh YouTube của ông để tất cả mọi người có thể xem và tiếp tục hy vọng về một ngày mai không phải là ngày cuối cùng.

Playing the Piano for the Isolated – Ryuichi Sakamoto đặt tên cho live concert của mình như vậy.

100 phút của Playing the Piano for the Isolated như tia nắng ấm, lung linh, xé toan màn đêm tăm tối, đưa con người ra khỏi sự cô lập đáng sợ. Sakamoto san an ủi thế nhân: “Tôi biết, sẽ vô cùng khó khăn khi chúng ta cô lập mãi trong nhà. Đó là lý do vì sao hôm nay, chúng tôi thực hiện buổi hoà nhạc này, với hy vọng có thể cùng xoa dịu và an ủi nhau. Hiện đang có khoảng 20 người trong căn phòng này, những người quay phim và chỉnh âm thanh. Phòng thu này nằm dưới một đường cao tốc ở Tokyo, nhưng chúng tôi phải mở cửa để làm thoáng không khí. Do đó sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều tiếng ồn. Tôi nghĩ rằng những âm thanh đó sẽ là một phần của âm nhạc và nó sẽ rất hào hứng để tham dự vào buổi diễn này. Hôm nay, chúng tôi có những bác sĩ chuyên khoa có mặt ở đây và chúng tôi biểu diễn dưới sự hướng dẫn của họ...”

Playing the Piano for the Isolated diễn ra với những tác phẩm kinh điển của Sakamoto san như Merry Christmas, Mr. Lawrence, Perspective, Energy Flow...

Lòng bác ái, nhân từ của Ryuichi Sakamoto thể hiện qua những lời ông chia sẻ trong đêm hoà nhạc. Ông hy vọng khi đại dịch kết thúc, con người không phải hứng chịu hậu quả của tình trạng toàn cầu hoá quá mức và chủ nghĩa tư bản tài chính. Ông cầu nguyện cho một thế giới rộng lượng hơn, dịu dàng hơn, nơi con người có thể trở thành một phần của thiên nhiên.

Nghệ sĩ Ryuichi Sakamoto đã dừng cuộc chơi khám phá âm thanh ở cõi hữu hạn này. Ông trở về với nơi đã đến. Nơi đó, Sakamoto sẽ tiếp tục đi tìm, góp nhặt những âm thanh vô hạn của vũ trụ, kết tựu thành những bản hoà tấu lung linh, gieo mầm ánh sáng hy vọng.

clip_image002

clip_image004

Ryuichi Sakamoto thực hiện buổi hoà nhạc Playing the Piano for the Isolated để xoa dịu nhân loại trong đại dịch. (Ảnh: Chụp từ video chương trình)

clip_image006

Ryuichi Sakamoto biểu diễn từ biệt khán giả trong buổi hoà nhạc cuối cùng của ông. (Ảnh: Chụp từ màn hình video Playing the Piano 2022)

clip_image008

Sakamoto được chạm đến cây đàn piano vào năm 6 tuổi. Từ đó, âm nhạc như dòng máu, không ngừng chảy trong cơ thể và tâm hồn ông. (Ảnh: Alessandra Benedetti/Corbis via Getty Images)

clip_image010

Từ trái: Ryuichi Sakamoto, David Byrne và Cong Su chiến thắng giải Oscar 1988 cho hạng mục Best Original Music ở Los Angeles, California. (Ảnh: Bob Riha, Jr./Getty Images)