Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Bức tranh vui về các quốc gia

Hồ Anh Thái

image

Thuộc loại sách về đất nước con người, “Tiểu sử các quốc gia qua góc nhìn lầy lội” hấp dẫn nhờ cách viết (và vẽ) rất khéo léo, hóm hỉnh.

Khi dựng chân dung một đất nước, tác giả cuốn sách này đã nhìn vào tính cách dân tộc, rồi khảo sát các yếu tố lịch sử và địa lý để lý giải tính cách đó. Như ở Iceland, đảo quốc băng giá và núi lửa, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt khiến Iceland phát triển ngành đánh bắt cá. Có được nhiều tiền, họ đầu tư mở ngân hàng lớn. Nhưng khủng khoảng tài chính 2008 làm cho đất nước Iceland phá sản. “Việc này nếu xảy ra tại một đất nước nào khác, chắc cả nước ôm nhau mà khóc rồi. Nhưng người Iceland không khóc lóc om sòm, mà thắt lưng buộc bụng làm việc, gom góp lại từ đầu”.

Còn người Na Uy tôn kính biển vì sự giàu có của họ là do biển mang lại. Lòng kính yêu ấy mạnh mẽ đến mức những tờ giấy bạc của Na Uy toàn in những hình liên quan đến biển: trên đó có hình sóng biển, thuyền buồm, hải đăng, thậm chí là một con cá ướp muối.

Với Hà Lan, rất nhiều thứ bị coi là phi pháp hoặc bị thành kiến ở các nước khác, thì ở Hà Lan là hợp pháp. “Tư tưởng tự do, bình đẳng từ xưa truyền lại khiến Hà Lan trở thành một trong những khu vực cởi mở nhất trên thế giới”.

Nhìn vào lịch sử nước Ý, tác giả cho thấy thời kỳ tăm tối kéo dài 1000 năm, cho đến thế kỷ XIV bắt đầu thời kỳ Phục hưng trong nghệ thuật. “Phong trào Phục hưng giống như việc Ý làm không công cho toàn châu Âu, giúp các quốc gia khác dần dần trỗi dậy”. Nước Ý ngày nay “không còn hiếu chiến như tổ tiên La Mã của họ, ngược lại còn là những người biết hưởng thụ cuộc sống bậc nhất châu Âu”.

Trong khi đưa người đọc đi theo dòng lịch sử, cuốn sách cũng có những phát hiện nho nhỏ mà thú vị. Chẳng hạn người Viking ở một nước nhỏ như Đan Mạch đã từng cướp phá và đánh cho nước Anh tan tác. Vua Harald I của Đan Mạch đã xây dựng được một đế quốc ở Bắc Âu. Ông có biệt danh là Bluetooth (Răng Xanh). Ngày nay “bluetooth là một công nghệ do Bắc Âu phát minh, sở dĩ các nhà khoa học đặt tên cho công nghệ này là bluetooth, vì cho rằng công nghệ bluetooth có thể kết nối các thiết bị khác nhau, rất giống việc Harald I chinh phục Bắc Âu, kết nối các quốc gia khác nhau”.

Khi dựng chân dung các nước, tác giả không né tránh mà nhiều lúc nói thẳng nói thật. Trước một vấn đề của nước Đức thời hiện đại, cuốn sách chỉ ra rằng sau khi bức tường Berlin sụp đổ, chính phủ phải thu một số tiền lớn của dân Tây Đức để bù chì cho Đông Đức. Nhưng khó khăn lại ở trong tính cách người Đông Đức: không chăm chỉ. Người Đông Đức thất nghiệp chiếm đến 2/3 số người thất nghiệp trong cả liên bang.

Nhắc đến Ba Lan, biệt danh là “đất nước vô ơn”, cuốn sách dẫn ra trường hợp Ba Lan đập phá 230 bia tưởng niệm quân đội Liên Xô giải phóng Ba Lan trong Chiến tranh thế giới II. Lại phải khảo sát lịch sử: Ba Lan “quá nhiều xích mích với Nga, sau khi bù đắp cho nhau, vẫn còn ân oán”. Thuở xa xưa, Ba Lan từng liên minh với Litva, đánh cho Nga tơi bời nhiều trận. Nhưng sang thời hiện đại, trong Chiến tranh thế giới II, khi phát xít Đức tấn công Ba Lan, Liên Xô bèn tiến đánh Đức, tuy cứu được Ba Lan nhưng cũng gây ra rất nhiều vụ tàn sát.

Cuốn sách này lý giải phần nào sự thành công của việc Thụy Sĩ trung lập, tránh được các cuộc chiến, tập trung sức lực vào làm giàu, đồng thời cũng hé lộ: dù trung lập nhưng để được yên thân, đã có lúc Thụy Sĩ ngầm đi đêm với phát xít Đức, cho Hitler vay tiền trong Chiến tranh thế giới II. Bức tranh đi kèm bài vẽ người Thụy Sĩ mở ngân hàng và ngẫm ngợi: “Trong thế giới lòng người lạnh lẽo này, chỉ có tiền mới mang đến cho ta sự ấm áp”.

Sự hấp dẫn của cuốn sách còn ở những bức tranh minh họa độc đáo. Mỗi đất nước được điển hình hóa bằng một nhân vật đúng với trang phục dân tộc, mỗi hình người đều tròn xoe như hình con lật đật, làm bật lên tiếng cười. Nước Anh vốn mở rộng thuộc địa khắp thế giới, tự coi như mặt trời không bao giờ lặn trên lãnh thổ của mình. Kết cục, tác giả vẽ nước Anh ngồi nhìn ra biển lúc mặt trời lặn mà cảm thán: “Ôi… mặt trời cuối cùng vẫn lặn…”.

Mexico bị Mỹ mắng là bọn buôn ma túy, bị coi thường, nhưng Mexico lại là chiếc nôi của một nền văn minh đích thực. Tác giả chêm vào: “Nói là mẹ đẻ của nền văn minh châu Mỹ cũng không quá lời”.

Bức tranh vẽ cảnh một hàng bán dưa hấu tại Mexico, người mua hỏi người bán: “Vì sao trong quả dưa hấu của ông lại toàn ma túy vậy?”. Ông bán hàng đáp: “Anh đến Mexico không mua ma túy, chẳng lẽ mua dưa hấu à?”.

Làm sao để Mexico xóa bỏ tệ nạn ma túy, nên dùng vũ lực để tiêu diệt bọn buôn ma túy hay nên đàm phán với chúng? Nan giải đến mức tác giả phải buông một câu không phải là đùa: “Có lẽ thực sự cần dựng người Maya dậy để bói một quẻ mới biết được”.

Khi nói về nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi thời trước, tác giả đưa ra bức tranh vẽ một người làm thuê da đen thắc mắc với ông chủ da trắng: “Ông chủ, vì sao thuê hắn (da trắng) mà không thuê tôi! Rõ ràng tôi xuất sắc hơn hắn mà”. Ông chủ đáp: “Chẳng có lý do gì khác, chỉ vì sợ buổi tối tăng ca không thể nhìn thấy cậu”. Ở một bức tranh khác, ông Mandela da đen thời bé đi học ở trường của người da trắng, bị đám học sinh da trắng bắt nạt và chế giễu màu da đen: “Cậu ăn sô cô la có cắn phải ngón tay không?”.

Trong sách cũng kể chuyện nhà thám hiểm Colombus đến châu Mỹ, khi về châu Âu ba hoa rằng mình đã đến Ấn Độ. Sau đó nhà thám hiểm tên là America phát hiện ra Colombus nói bừa. Tác giả vẽ bức tranh: trên một diễn đàn treo khẩu hiệu “Kiên quyết chống hàng giả, kém chất lượng và hành vi lừa đảo”, ông America đứng ở đó và tuyên bố: “Colombus chính là tay đại bịp”.

Đất nước Argentina, đầu thế kỷ XX còn là nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, nhưng rồi làm ăn sa sút, người dân thì chỉ thích nhảy múa rong chơi, thờ ơ với việc kiếm tiền, đến nỗi vỡ nợ. Tác giả bình trong một bức tranh: “Có thể đối với người Argentina, có cơm ăn còn có trận bóng đá để xem, cuộc đời đã mãn nguyện rồi, GDP xếp thứ 7 hay thứ 70 cũng không quan trọng - Đội Argentina có giành được cúp hay không mới quan trọng!”.

Kể về lịch sử các nước một cách ngắn gọn, hóm hỉnh, kèm theo những bức tranh độc đáo và sinh động, đó chính là cách giúp cho người đọc dễ dàng tiếp cận những vùng đất khác nhau trên thế giới.

 

------

* Tiểu sử các quốc gia qua góc nhìn lầy lội, tác giả: Sai Lei, người dịch: Thủy Tiên, Nhã Nam và NXB Dân Trí 2021.