Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2023

Xóa bỏ mọi định nghĩa về thơ

Tạ Duy Anh

Cảm nhận nhanh khi đọc tập thơ THƠ BUỔI SÁNG, của Nguyễn Đức Tùng

Trước hết (và tiện thể) xin đưa ra vài quan niệm về thơ, đọc thơ của cá nhân tôi.

Tôi không tin vào bất cứ định nghĩa nào về thơ. Tuy nhiên, mặc kệ điều đó ở tôi, thơ vẫn phải chịu áp lực trước hàng chục định nghĩa. Vì thế, khi đọc tập thơ “Thơ buổi sáng” của Nguyễn Đức Tùng, tôi như tìm thấy một tiếng nói đồng cảm với quan niệm của mình, dù có thể tác giả không bao giờ/không đủ thời gian/ không chủ ý làm việc đó: Xóa mọi định nghĩa về thơ.

331419236_150155064613990_8439878752142084117_n

Tập thơ Thơ Buổi Sáng của tác giả Nguyễn Đức Tùng, ảnh Tạ Duy Anh

Thơ là gì? Tại sao thơ cứ phải là gì, khi thơ chỉ cần là thơ. Tôi có mọi quyền “bất khả bàn cãi” của một độc giả, trong đó có quyền bác bỏ tất cả những thuật ngữ rắc rối, bí hiểm, tránh xa mọi sự hiểu biết thâm trầm có sẵn, về bất cứ bài thơ nào. Tuy thế, nếu được giãi bày tí chút, thì tôi rất sợ các loại thơ sau đây:

Thơ triết lý vặt.

Thơ dạy đời.

Thơ thương vay khóc mướn.

Thơ xu thời.

Thơ dung tục.

Đọc những loại thơ như vậy, với tôi, giống như chạm mặt với một người thích làm phiền bằng đủ thứ chuyện nhàm tẻ, vô duyên, gây khó chịu.

Thơ khiến người ta sụt sịt không hẳn là thơ dở, nhưng với tôi thì khó mà là thơ hay. Cảm xúc thường ào đến, rồi lại ào đi, trong khi khoảng trống mà nó để lại thì luôn nguyên vẹn, nhiều lúc mù mịt vì thiếu ánh sáng.

Tôi không phải là người đọc nhiều thơ, nhưng cũng đủ để nhận ra có mấy loại thơ đang thịnh hành hiện nay.

Loại thơ cuốn bạn đọc bởi cảm xúc thuần túy. Mỗi bài thơ loại này, sau khi đọc, có thể thuộc luôn một vài câu, một vài đoạn, thậm chí cả bài. Nhưng có một sự thật là mọi chuyện cũng “xong xuôi” sau khi đọc câu cuối cùng. Bạn đọc không phải nghĩ tiếp gì thêm về nó nữa.

Loại thơ thách thức/đe dọa bạn đọc bằng những ẩn dụ gợi đến triết lý sâu xa, siêu hình. Nhiều tầng vỉa ý nghĩa, nhiều ảo giác được tạo ra bằng đủ cách thức (chủ yếu là bí hiểm hóa ngôn ngữ, hình ảnh, cấu trúc câu thơ…) với chủ định rõ ràng muốn thông báo trước (với bạn đọc) về một thứ gì đó to lớn hoặc thăm thẳm được cất giấu và muốn tìm thấy nó bạn đọc phải vắt óc mà đào bới, giải mã. Niềm tin của bạn đọc vốn ngây thơ, vì thế, có bài thơ, thậm chí cả tập thơ, cái sự gải mã ấy ở kéo dài ngày này sang ngày khác (nếu bạn đọc đủ kiên nhẫn) nhưng cũng chả thấy thứ được cất giấu tác giả hứa ở đâu, thậm chí tận khi chết cũng không thấy. Đây là loại thơ thách đố tuổi thọ của bạn đọc!

***

Giờ là cảm nhận nhanh của tôi về tập thơ “Thơ Buổi Sáng”, của thi sỹ Nguyễn Đức Tùng.

Nói là cảm nhận nhanh, bởi tôi sẽ còn phải đọc lại những bài thơ tôi thấy cần thiết cho riêng mình và không thể yên tâm khi chỉ đọc một lần.

Ban đầu tôi dễ dàng nhận ra, mỗi bài thơ của Nguyễn Đức Tùng là một câu chuyện. Có vô vàn chuyện, về cuộc đời, về lịch sử, về sự tha hương, về nỗi đau, về niềm vui hạnh phúc, về những mối tình… Tóm lại là về muôn nỗi thăng trầm của kiếp con người. Chuyện nào cũng được tác giả kể lại, theo cách của ông, ngắn gọn, súc tích, đủ khiến người đọc phải bị ám ảnh, nghĩ ngợi, day dứt, nói gọn lại là không yên.

z4172495912335_c88e55d84486bd49673c40ae10f15ea7

Thi sĩ Nguyễn Đức Tùng cùng bạn bè văn nghệ trong buổi ra mắt tác phẩm Thơ Buổi Sáng, ảnh Nguyễn Đức Tùng

Nhưng từ những thứ tạo nên sự KHÔNG YÊN ấy, dần dần tôi cứ thấy, mỗi bài thơ của ông là một tiểu thuyết cực ngắn, được thể hiện bằng hình thức thơ. Cặp nhân vật chính là ANH và EM, với tất cả những đặc điểm khó đoán định, luôn chưa hoàn kết của một nhân vật tiểu thuyết. Nó là Adam và Eva, (phần nhiều tôi nghĩ hóa thân thành Nguyễn Đức Tùng và Sương Huỳnh), dắt nhau đi khắp trần gian sau khi rời bỏ thiên đường, chấp nhận khổ đau, trừng phạt, nguy hiểm, bị nguyền rủa, bị ruồng bỏ… để được yêu, được sống và được chết, trong vẻ đẹp chói lòa, bất tận của phiên bản "sáng thế" bởi chính họ.

Tôi nhận ra rằng, mỗi bài thơ Nguyễn Đức Tùng, đều gần với hình ảnh “một vật kiến trúc”, mà ngôn từ được ông tận dụng cực kỳ tiết kiệm, tối đa về mặt công năng, bình đẳng về thân phận. Từ "rượu vang" cho đến "quần lót", không có từ nào cao giá hơn từ nào. Ông mặc định chúng đều được linh thiêng hóa, thần tính hóa từ cội nguồn, từ sâu trong bản chất. Ông đặt chúng cạnh nhau, theo một định dạng mà ông tạo ra, trong bản kiến trúc tổng thể được kiểm soát đến từng chi tiết. Chúng không được thừa một chữ, nhưng cũng không được thiếu một dấu phẩy. Khi đã gieo ảo tưởng – mặc dù ông không chủ định – cho bạn đọc, các đồng nghiệp là họ hoặc bất cứ ai cũng có thể làm được, thì chính là lúc họ nhận ra chỉ tác giả mới làm được.

Thơ Nguyễn Đức Tùng cũng khiến ta liên tưởng tới những khúc biến tấu âm nhạc, hoặc dễ nhận biết hơn, bức tranh đa sắc vừa trừu tượng, vừa ấn tượng. Những gợi ý về tư tưởng, thẩm mỹ, đạo đức cứ vụt đến, hiển hiện, (dưới dạng âm thanh, mầu sắc, nhịp điệu, ánh sáng…) nhưng chỉ trong một cái chớp mắt, khi ta tưởng sắp tận hưởng thành tựu của khám phá, thì nó lại khiến ta rơi vào trạng thái vẫn chưa chạm tới.

Nếu bạn nói mỗi bài thơ của Nguyễn Đức Tùng giống như một “Công án thiền”, sẽ dễ thuyết phục tôi hơn khi đưa ra những tên gọi đầy mầu sắc thi pháp học. Tôi nói thế vì nhận ra thơ của Nguyễn Đức Tùng không thể trích dẫn. Nếu làm thế, nó giống như việc xé nhỏ một bức tranh. Bạn phải đọc toàn bài và phải cẩn thận để ý các nhịp ngắt, các khoảng trống đầy bí mật.

Thơ Nguyễn Đức Tùng có thể hay, có thể không, tùy vào thẩm định của mỗi bạn đọc. Với tôi, đó chính xác và dứt khoát là loại THƠ ĐẸP.

Nó có mặt để trước hết xóa bỏ mọi định nghĩa về chính nó.

__________________

Xin phép Nguyễn Đức Tùng cho tôi được đăng ba bài thơ trong tập “Thơ buổi sáng” của ông.

CÁNH ĐỒNG

Sau ba năm chung thủy

Với người chồng đi xa

Chị đã thất tiết một cách lạ kỳ

 

Với người đàn ông xấu xí

Già hơn chị rất nhiều

Trong một buổi chiều bão tố

 

Khi chúng tôi đến đó

Người đàn ông đã đi rồi

Chỉ còn lại trên đồng lúa

Vết xước của dĩa bay mà thôi

 

MỤC ĐÍCH CỦA ÁO QUẦN

Mục đích của áo quần

Không phải để mặc

Mà để thả rơi xuống

Ngày em đến tìm anh

 

Mục đích của khăn tay

Không phải để lau nước mắt

Mà để chùi thật sạch

Bia mộ trong cỏ xanh

 

QUÊ HƯƠNG

Anh bỏ nhà đi năm mười bảy tuổi

Cầm tay em gái dặn dò

Săn sóc mẹ cha

Chăm lo vườn tược cửa nhà

Đừng quên con chó nhỏ

 

Anh đi một mạch ba mươi năm

Khi về mẹ cha đã mất

Em gái không còn

Con chó chôn ở góc vườn

Cà đang ra nụ, hoa khế rụng đầy sân

 

Anh ngạc nhiên

Thấy nhà sạch sẽ

Bàn thờ ngát thơm hương khói

Ngồi ở cửa sau

Một con khỉ lông vàng

Đang ăn chuối

Hà Nội 9.3.2023

T.D.A

Nguồn: FB Tạ Duy Anh