Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2023

Tường Linh – Người của quê xưa*

Phạm Phú Phong

clip_image002Tên thật là Nguyễn Linh, còn có các bút danh Việt Thủy, Trúc Xuyên, Người Sông Thu, Linh Nguyên, sinh ngày 12.12.1931 tại Trung Hạ, Trung Phước, Quế Sơn (nay là xã Quế Trung, huyện Nông Sơn), Quảng Nam.

Từ thuở nhỏ đến tuổi 18, Tường Linh tập làm thơ Đường luật và các thể truyền thống như phú, đối, văn tế... theo ý muốn và sự đào luyện của ông nội. Chị Điện Hòa là bài thơ đầu tay viết về trường hợp hy sinh anh dũng của một người phụ nữ Điện Hòa (ngày 4.11.1950) trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Bắt đầu xa quê từ ngày 1.11.1954, ra Huế, Quảng Trị, rồi vào Nam (ngày 1.3.1956), định cư tại Sài Gòn, làm thơ, viết báo và làm nhiều nghề kiếm sống. Đã qua đời ngày 5.2.2021 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Tác phẩm: Thơ tập làm thuở nhỏ (in thạch bản, Tam Kỳ 1950), Mùa đi (in thạch bản, Bồng Sơn, 1953), Mùa hoa cải (Huế, 1955), Mây cố quận (Nxb Tao đàn, Sài Gòn, 1962), Nghìn khuya (Tao đàn, Sài Gòn, 1965), Thu ơi từ đó (Tao đàn, Sài Gòn, 1972), Giọt cổ cầm (Nxb Đà Nẵng 1998), Về hỏi lại (Đà Nẵng 2001), Thơ Tường Linh tuyển tập (Nxb Văn học 2011). In chung: Chung dòng (chung với Phạm Doãn Hứa, Nxb Trẻ 1998), Hòn Kẽm-Đá Dừng (chung với Thu Bồn, Phạm Doãn Hứa, Phan Đắc Lữ, Nxb Trẻ 2001), Dấu sóng (chung với Hướng Dương, Nxb Văn nghệ, 2002).

Người của quê xưa là tựa của một trong vài trăm bài thơ viết về quê hương xứ Quảng của Tường Linh, nơi trói buộc tâm hồn ông cả đời người vắt ngang qua hai thế kỷ, mà ông gọi là Nhánh hồn sông Thu. Từ khi trưởng thành cho đến cuối đời, ông phải sống tha hương, nhưng tình quê trong ông bao giờ cũng neo đậu nặng đầy. Chính ông đã từng thố lộ với nhà lý luận, phê bình văn học tài danh Huỳnh Như Phương rằng mình sinh đầu năm 1931, tuổi âm lịch là Canh Ngọ “nên tự nguyện làm con ngựa thồ văn chương, thồ nhân nghĩa và ân tình xứ Quảng” suốt cả cuộc đời. Điều này, được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong sáng tác. Mừng sinh nhật 70 tuổi, ông viết rằng: “Mẹ kể rằng tôi sinh vào tháng Chạp/ Tiết trời sau đông chí lắm sương mù (...). Mẹ lo lắng cho đứa con tuổi Ngọ/ Chạy cả đời, danh lợi chẳng bằng ai” (Tháng mù sương). Đến Tự mừng sinh nhật 80, ông lại viết: “Tớ sinh Canh Ngọ, giáp Canh Dần/ Tám chục năm còn vững chức dân/ Sức trẻ góp xong thời vệ quốc/Đạo lành trau mãi chữ tu thân”...

Dù sinh đầu năm hay cuối năm như ghi trong giấy tờ tùy thân (12.12. 1931), nhưng trong gần bảy mươi năm sáng tác, Tường Linh đã để lại một gia sản khá đồ sộ, với 11 tập thơ đã xuất bản, trong đó có 3 tập in chung, chưa tính in báo và những bài ông sáng tác vào những năm cuối đời. Trước khi qua đời đúng 10 năm, ông gom thành Thơ Tường Linh tuyển tập với 369 bài, dày gần 700 trang sách, đó là một sự nghiệp thơ ca đáng cho người cùng giới phải nể phục. Tuy tuyển tập được chia thành ba phần: Nhánh hồn sông Thu (156 bài), Chim bay biển Bắc (112 bài) và Thao thức phương Nam (101 bài), nhưng bàng bạc trong cả ba phần đều là nỗi nhớ quê hương xứ Quảng, là tâm trạng của người của quê xưa. Đọc thơ Tường Linh, dễ dàng đồng cảm với Bùi Thanh Truyền rằng, thơ ông “như là minh chứng cho nỗi lòng những người con ly hương của xứ sở này: ra đi là để trở về, càng xa cố quận càng gần quê xưa. Những phơi trải chân thành xuất phát từ sự thương nhớ, nặng nợ với đất quê sâu nghĩa nặng tình...” Có thể nói, hiếm có thi nhân xứ Quảng nào viết về quê hương mình nhiều như Tường Linh. Chỉ cần lướt qua các tựa đề, đã đầy ắp những cảm xúc, tình yêu và địa danh xứ Quảng: Quê nhà, Thương lắm màu quê, Thảm nạn quê hương, Thư quê nhà, Dấu bưu điện quê nhà, Bóng làng, Hẹn với làng xưa, Mẹ quê xa, Tóc mẹ mây quê, Quê ngoại, Vườn ngoại, Chỗ ngồi trong vườn cũ, Nam Phước, Cửa Đợi, Đêm Hội An, Vàng trưa Trung Hạ, Trở lại đèo Le, Thăm lại Ngũ Hành Sơn, Đêm trắng Ngũ Hành Sơn, Gió cửa Hàn,... xoay một vòng rộng hơn, xa hơn là những Qua Hải Vân, Đêm với Huế, Qua cầu Thạch Hãn, Dừng lại Đông Hà, Đêm Bảo Lộc, Mai giã từ Đà Lạt, Lỗi hẹn Tuy Phong, Lạnh Sài Gòn, Đêm Vũng Tàu, Qua phà sông Hậu, Bến Tre,... Ngay cả những bài thơ ông sáng tác khi bị giam ở lao xá Sài Gòn, trong tâm thức sáng tạo vẫn dày đặc những địa danh của làng quê xứ Quảng, như lúc nào cũng nhìn thấy hiển hiện trước mắt: “Em Mỹ Lược còn đợi đò Trung Phước/ Anh quá giang ghé lại bến Thu Bồn/ Ai xuôi phố, ai rẽ vào chợ Được/ Nước chung dòng sông Cái tiếp sông Con (...) Còn chăng nhỉ, hởi Thi Lai, Hà Mật/ Hởi Xuân Đài rộn rã tiếng xa quay/ Giao Thủy ơi, vẫn còn hay đã mất/ Guồng tơ vàng ướm đẹp những bàn tay” (Vang bóng). Không chỉ địa danh mà còn đất đai, sông núi, ruộng đồng, hoa trái và con người vang vọng của một vùng văn hóa – thẩm mỹ như Đại Bình, Trung Phước, Cà Tang, đèo Le, Hòn Kẽm Đá Dừng... trở đi trở lại trong thơ ông, như những biểu tượng của làng quê văn hiến giữa xanh thẳm Thu Bồn, nhưng lắm nghèo khó bởi thiên tai:

Đất Quảng thân yêu một thời tuổi nhỏ

Mẹ nhường cơm, con thiếu áo, long đong

Nhà bên sông năm tháng nước xuôi dòng

Vách nứa lung lay trưa nồm thổi mạnh

Bếp lửa nghèo khó ngăn chiều bấc lạnh

Chiếu đơn nào xua nổi rét khuya đông

Bao mồ hôi vắt kiệt tưới trên đồng

Thân lúa mãi như thân người thiếu máu

Buổi tôi về thăm quê hương yêu dấu

Tang mùa đông lạnh lẽo nước sông Hàn

Ơi Thu Bồn, Cẩm Lệ, Vu Giang...

(Vọng tình chim)

Với Tường Linh, làm thơ là để biểu tỏ tình cảm, cảm xúc của mình với cuộc đời, với tha nhân. Thơ cho quê hương đất nước, cho người thân trong gia đình, cho vợ con, bằng hữu tri âm và trước hết là cho mình. Có không ít những bài thơ ông ghi lời đề tặng, kể cả có tên và không tên. Về mặt thi pháp hình thức, những lời đề từ, đề tặng và cả thời gian, nơi chốn sáng tác ghi ở cuối mỗi bài thơ, đều nhằm gửi đến cho người đọc một thông điệp có ý nghĩa nội dung. Khi thì ông ghi Gửi về bà con ở Trung Phước (Hẹn với làng xưa), khi thì Tặng các nhà thơ đất Quảng xa quê (Hoa luân lạc), khi thì lại Tặng bà con xóm Cây Thị (Xóm nghèo), Tặng nơi tôi cư trú (Đất lành), hoặc Nói với thế kỷ XX (Trăm năm),... Những thân hữu ông tặng thơ, trong đó có những người tài danh như Lê Thương, Thanh Lãng, Kiên Giang, Vũ Hữu Định, Hoàng Lộc, Phạm Doãn Hứa... rồi lại bái niệm Nguyễn Du, niệm Đỗ Phủ và Trần Tử Ngang, niệm Phạm Hầu, nhất là những bài tặng và khóc hai nhà thơ tri âm tri kỷ đồng hương xứ Quảng với ông là Bùi Giáng (Lỡ giấc, Cõi khác) và Tạ Ký (Quê nhà, Trở về). Chính Bùi Giáng chứ không phải ai khác, còn có lối đề tặng “siêu” hơn cả Tường Linh: khi thì đề “tặng cây lá vu vơ”, khi lại “tặng chuồn chuồn châu chấu”... nó nói lên sự phụng hiến không vụ lợi của thi nhân. Và, cái cõi người và cõi thơ của Trung Niên Thi Sĩ đã nặng kiếp trầm luân, đến hồi giải thoát để về với cõi vô cùng, làm ông buồn bã rưng rưng:

Mai anh về cõi không người

Nhớ chi tiếng khóc tiếng cười trần gian

Lỡ buồn một kiếp lầm than

Thôi cay mắt bởi hai hàng lệ đau

Mai anh về cõi không sầu

Ưu tư trút lại bên cầu nghiệp duyên

Trăng thôi là bóng trăng nguyền

Biển trầm luân mặc con thuyền sóng xô

Mai anh về cõi hư vô

Hoa ai sẽ héo bên mồ thi nhân

Một thời vẹt ảo tìm chân

Tính ra gửi được mấy phần cho nhau (...)

Giã từ trái đất, về thôi

Nghiệp duyên không vướng, luân hồi không tên

(Cõi khác)

Làm thơ, trước hết là sự ký thác hồn/ đời mình cho từng con chữ. Thơ Tường Linh không chỉ là nhật ký cuộc đời, mà còn là nhật ký tâm trạng ghi lại những trạng thái cảm xúc của tâm hồn trước những cột mốc kỷ niệm, những bước ngoặt đổi thay trong cuộc đời. Dường như năm nào ông cũng có thơ kỷ niệm ngày đầu tiên ly hương (1.11.1954), ngày đầu tiên đến Sài Gòn (1.3.1956), ngày sinh nhật theo giấy tờ tùy thân (12.12.1931), ngày kết hôn với người vợ “hiền như hoa vạn thọ” (5.3.1960)... Có lẽ, trong tuyển tập này không tuyển được những bài thơ trong hai tập thơ đầu tiên, in bằng kỹ thuật in thạch bản: Thơ tập làm thuở nhỏ (Tam Kỳ, 1950) và Mùa đi (Bồng Sơn, 1953), bởi lẽ, bài thơ được đưa vào đây cũ nhất, đặt ở đầu tuyển tập là bài Cách biệt, sáng tác nhân ngày đầu tiên ly hương 1.11.1954 tại Vĩnh Điện:

Mai này tôi sang bên kia sông

Mưa ấm phương Nam dậy nắng hồng

Vầng trăng rồi sẽ lìa hai ngã

Nửa phía trăng người có lạnh không (...)

Đêm giữa thành đô vẫn tịch liêu

Ngắm sao hôm mọc lúc ban chiều

Hướng sao quen gợi buồn nhân ảnh

Đầu buổi vào thơ đã trót yêu

Thơ làm để tặng người thân, bằng hữu, để ngâm ngợi trong những ngày trọng đại trong trong cuộc đời là phong cách thù tạc có tính chất cổ điển. Cái âm hưởng truyền thống, cổ điển biểu hiện rõ nhất trong thơ Tường Linh là ở tính chất hoài cảm về quá khứ. Dường như khi cảm xúc trào dâng thành câu chữ bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, ông cũng lấy cảm thức về quá khứ làm điểm tựa, để ướm thử trên tấm thảm nhung luôn lay động của tâm hồn để phổ thành giai điệu. Nỗi hoài cảm như một sinh thể luôn hiện hữu nhưng khó gọi thành tên trong cuộc hiện sinh như một chuyến đi dài: “Từ xa người, tôi là tôi mải miết/ Thẩn thờ đi như ngựa khó quên đường” (Từ xa người), đành phải tự bằng lòng với chính mình rằng “Thôi. Lặng yên. Tôi cũng nghĩ như người/ Cuộc đi dài đâu phải cuộc rong chơi?/ Giấy trắng đợi, tính gì thua với được/ Chỉ còn thơ, chớ để mạch thơ vơi” (Cũng như người). Cổ thi là thi tửu. Người xưa thường đưa thơ đi rong chơi cùng với rượu. Ông có không dưới hai mươi bài thơ thấm đẫm nồng say men rượu: Chén xuân, Rượu xuân chờ, Tên năm chén rượu đầu xuân, Rượu cuối năm, Người say, Uống rượu với ông lái đò bến cũ, Chiếu rượu cố tri, Chất rượu, Chén rượu năm 20,... khi thì chúc tụng đông vui, khi thì đối ẩm, khi thì tự mừng, nhưng cũng không ít ông dốc cạn những đắng cay đời mình trong nỗi cô đơn buồn thăm thẳm, rằng “Ta uống rượu một mình/ nhủ với tâm linh rằng đối ẩm/ cùng người đã bỏ ta đi” (Rượu chiều xá tội vong nhân). Huỳnh Như Phương có lý khi cho rằng “Tường Linh là một nhà thơ thuộc thế hệ trước, một nhà thơ mới – cổ điển. Ông là nhà thơ dụng công về kỹ thuật, chú trọng niêm luật và vần điệu của từng thể loại mà không gây cho người đọc cảm giác gượng ép, có lẽ một phần là vì thuở thiếu thời, ông đã được tập luyện nhuần nhuyễn khi làm các thể thơ cổ. Sở trường của ông là thơ bảy chữ, tám chữ và lục bát. Có đôi lần ông làm thơ cách tân – thơ tự do hay thơ văn xuôi – nhưng cảm hứng và tình điệu vẫn không rời mạch thơ truyền thống của dân tộc. Thơ ông được nuôi trong nguồn mạch đó và hòa vào tiếng nói trữ tình của người Việt cách tự nhiên như hơi thở”.

Tường Linh có sở trường về hai thể thơ truyền thống là lục bát và thơ bảy chữ. Thử làm một phép thống kê sơ bộ, trong 369 bài trong tuyển tập, thì có đến 99 bài lục bát và 88 bài bảy chữ, với câu từ, giọng điệu bình dị, chân chất như chính tiếng nói của đời sống của bao người ở làng quê xứ Quảng, được tổ chức sắp xếp và nâng lên thành nghệ thuật ngôn từ. Thơ ông như con người ông, sống hiền lành, mực thước, thanh bạch, nghèo khó nhưng đầy tình yêu thương ấm áp đối với mọi người. Đọc thơ Tường Linh, Nguyễn Văn Hạnh cảm nhận một cách tinh tế: “Thơ Tường Linh hiền lành, âm điệu cổ kính, nhưng tình là tình thật, và những suy nghĩ, liên tưởng, kỷ niệm của nhà thơ gợi mở cho chúng ta bao điều của cuộc sống, của thời đại, của kiếp người”. Thơ ông là thơ ngâm, giàu nhạc điệu nên khá nhiều bài được các nhạc sĩ tài danh như Minh Kỳ, Trầm Tử Thiêng, Anh Việt Thu... phổ thành ca khúc. Ngoài thơ, Tường Linh còn viết nhiều thể văn khác như tiểu phẩm, thơ trào phúng (ký bút danh là Út Cầu Sơn), tản văn, truyện ngắn... in nhiều trên các tờ báo ở Sài gòn lúc bấy giờ. Khi đã ngoài tuổi tám mươi, ông vẫn tham gia cuộc thi truyện ngắn của báo Quảng Nam quê nhà (tổ chức từ ngày 3.2.2014-3.2.2015), và đã đạt giải Nhất, với truyện ngắn Quán đầu ngựa.

Hành trình thơ Tường Linh như một cuộc ra đi và một chuyến trở về. Ông đã ý thức rất rõ đời người rồi thế nào cũng sẽ đến lúc từ giã cõi đời để trở về với cát bụi, nên đã chuẩn bị những lời nhắn nhủ dành cho ngày từ biệt tất cả mọi người đi về phía hoàng hôn:

Nơi ta về không nhất thiết chốn quê xưa

Dẫu ở đó trọn đời ta thương nhớ (...)

Bởi ta về phía mặt trời sẽ lặn

Không gặp ai, cả chiếc bóng của mình

Đi tay trắng thì trở về tay trắng

Thơ một đời gửi lại phía bình minh

(Gặp trên đường về)

Vâng, trên đời mọi thứ rồi sẽ qua đi. Và, thi nhân với thi mệnh của cả một đời thơ lực lưỡng cũng “tay trắng” lặng lẽ ra đi vào ngày 5.2.2021. Nhưng may mắn thay, thơ còn “gửi lại”!

* Từ Phạm Phú Phong: Đất Quảng- 25 nhà văn thế kỷ XX/ NXB Đà Nẵng/ 2022.