Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2023

Thành Chương và ngôn ngữ tạo hình của một phong cách nghệ thuật độc đáo

Lã Nguyên

Với mĩ thuật, tôi là dân ngoại đạo. Hội họa và điêu khắc không phải là đối tượng nghiên cứu của tôi. Đã thế, gia tài hội họa của Thành Chương lại quá đồ sộ, tôi chỉ được chiêm ngưỡng một phần rất nhỏ trong số đó qua các cuộc triển lãm của ông và một phần khác thì biết được là nhờ ngắm những bức vẽ mà ông hào phóng chia sẻ trên facebook cá nhân. Cho nên, dù hâm mộ Thành Chương, tôi cũng chỉ có thể bộc bạch vài ý nghĩ tản mạn về vẻ đẹp mĩ thuật trong sáng tác của người nghệ sĩ tài danh này.

 

1. Thành Chương là nghệ sĩ có phong cách độc đáo bậc nhất trong làng mĩ thuật Việt Nam đương đại. Vào phòng tranh của nhiều tác giả, tranh Thành Chương dẫu không ghi tên người sáng tác, người xem vẫn nhận ra ngay đâu là tác phẩm của ông. Người ta có thể nhận ra như thế, vì phong cách là sự phì đại của hình thức. Ngắm tranh của Thành Chương, ấy là tôi chiêm ngưỡng một hình thức thẩm mĩ của riêng ông, chỉ mình ông mới sáng tạo ra được như vậy. Xin đừng hiểu hình thức của tác phẩm nghệ thuật một cách dung tục, xem nó chỉ là cái bình dùng để đựng nội dung được ví như rượu. Trộm nghĩ, chỉ những người thô thiển, muốn biến nghệ thuật thành công cụ vụ lợi thì mới cổ xúy sáng tác theo kiểu “bình cũ rượu mới”. Hình thức gắn liền với chất liệu và kĩ thuật. Kĩ thuật sử dụng và nhào nặn chất liệu của Thành Chương đạt tới ngưỡng tuyệt kĩ. Nhưng kĩ thuật và chất liệu tự chúng không phải là hình thức như nhiều người vẫn nhầm lẫn khi phân tích mĩ thuật. M.M. Bakhtin, nhà mĩ học lỗi lạc của thế kỉ XX, cho rằng hình thức của tác phẩm nghệ thuật là kết quả tương tác giữa tác giả đối tượng được mô tả, tái hiện. Trong nghệ thuật, không có đối tượng thẩm mĩ nói chung, chẳng phải của ai. Đối tượng thẩm mĩ nào cũng là một “cái khác” trong mối quan hệ với “tôi”, là một khách thể trong quan hệ với chủ thể sáng tạo, tức là với tác giả, cái người mà tiếng Hy Lạp cổ đại gọi là “dimiurgus”, nghĩa là “Đấng sáng thế”, “Tiểu hóa công”. Hiểu như vậy, mọi đối tượng và hiện tượng đời sống khi bước vào tác phẩm nghệ thuật đều trở thành một giá trị, ví như cầu Long Biên trong hàng chục bức vẽ của Thành Chương vừa gợi nhớ cây cầu Long Biên như ta vẫn biết, vẫn thấy mỗi lần đi qua, vừa là hiện thân của cái đẹp lần đầu tiên ta được chiêm ngưỡng nhờ cách nhìn và cách biểu hiện độc đáo của nghệ sĩ. Cho nên, kết quả của sự tương tác giữa tác giả và đối tượng thẩm mĩ sẽ là một cấu trúc giá trị được ta tiếp nhận trong hình thức chỉnh thể của tác phẩm.

Khi chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật, để dễ nhận dạng và cắt nghĩa, tôi có thói quen chia hình thức chỉnh thể của chúng thành hai loại cơ bản. Ở loại thứ nhất, chỉnh thể của tác phẩm được tạo ra bằng cách mô tả, tái hiện chính xác các đối tượng và hiện tượng đời sống, làm cho chúng hiện lên y như thật trước mắt người xem. Hơn hai nghìn ba trăm năm trước, mĩ học cổ đại phương Tây dùng thuật ngữ “mimesis”, có nghĩa là “bắt chước”, “mô phỏng”, để chỉ bản chất của loại hình thức nghệ thuật này. Nghệ thuật “mô phỏng”, “bắt chước” các hiện tượng đời sống và sự kiện lịch sử có nguồn gốc từ thời nguyên thủy, phát triển rực rỡ ở thời Phục hưng, qua thời chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa hiện thực và đến nay nó vẫn sống rất khỏe trong xu hướng mĩ thuật có tham vọng cạnh tranh với nhiếp ảnh. Tiếp xúc với những tác phẩm mĩ thuật theo xu hướng này, ta chỉ thấy hiện thực có thật ngoài nghệ thuật, mải mê chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó, mà không thấy hiện thực nghệ thuật trong hình thức riêng của mình.

Nhưng lịch sử nghệ thuật là lịch sử đấu tranh giành quyền sáng tạo cái bịa đặt, không có thật. Cuộc đấu tranh này diễn ra âm thầm từ thời cổ đại, qua trung đại và đến thời hiện đại, nhất là từ khi xuất hiện chủ nghĩa hiện đại (modernism), thì nó bộc phát thành những cuộc cách mạng. Kết cục là ý thức được thay bằng vô thức, tiềm thức; cái phi lí lên ngôi và nghệ thuật “bắt chước” (“mimesis”) nhường chỗ cho nghệ thuật kết hợp, lắp ghép (“combination”). Nhờ thế, cái không có thật trở thành phương tiện chính yếu được sử dụng để tạo nên sự chân thực nghệ thuật và chiều sâu của nhận thức thẩm mĩ. Những bức tranh của Thành Chương mà tôi có dịp chiêm ngưỡng đều tổ chức hình thức chỉnh thể của tác phẩm theo cách thứ hai này. Đến với sáng tác của ông, ta bắt gặp những bức vẽ chỉ gợi ra mô hình trừu tượng của đối tượng, chứ không phải hình hài của bản thân đối tượng. Cho nên, cầu Long Biên trong các bức vẽ của ông chẳng có gì giống với cầu Long Biên mà chúng ta vẫn biết, vẫn thấy ngoài đời. Khi xem những bức vẽ “Phong cảnh Y Tí”, hay “Đất và người Hà Giang” của ông, chắc chắn không ai nghĩ đó là Hà Giang, là Y Tí nếu không nhìn vào nhan đề được ghi dưới góc mỗi tác phẩm. Thành Chương có một chùm “Chân dung tự họa”. Bức Chân dung tự họa II vẽ một người có ba con mắt. Tôi ngờ ông dựa vào bản mệnh tuổi “Tí” của ông, chứ không phải vào các tấm ảnh chụp, để vẽ chân dung tự họa. Cho nên, nếu đối chiếu với một Thành Chương bằng xương bằng thịt, một Thành Chương vẫn đi đứng nói cười trong cuộc sống thường nhật bên ngoài hiện thực nghệ thuật, thì cái người trong những bức họa được gọi là “Chân dung tự họa” kia đều là một Thành Chương được “bịa” ra, “không có thật”. Xem những bức tranh “Hổ” ông vẽ năm ngoái, hay ba chùm tranh “Mèo” ông vừa vẽ năm nay, ai cũng phải thừa nhận, rằng khi đã bước vào sáng tác của ông, mọi đối tượng và hiện tượng đời sống đều trở thành đối tượng và hiện tượng của riêng ông, thành những cấu trúc mới lạ, nhiều khi cực kì phi lí, nên với người xem, chúng trở thành những “cái khác” mà chỉ nhờ có nghệ thuật của ông ta mới được biết, được thấy lần đầu. Với ý nghĩa như vậy, hội họa của Thành Chương thuộc phạm vi của mĩ thuật hiện đại chủ nghĩa.

2. Nghệ thuật “bắt chước”, “mô phỏng” là cuộc chơi theo các luật chơi có sẵn. Mĩ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa được du nhập vào Việt Nam hơn bảy chục năm qua là cuộc chơi như thế. Nó nhìn thế giới từ góc nhìn đã được đúc khuôn và nói về thế giới bằng ngôn ngữ đã hoàn bị. Cho nên trong suốt một thời gian dài, cả điêu khắc, lẫn hội họa của ta đều không vượt ra ngoài chuyện chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội (mà xây dựng cũng là “mặt trận”); tranh hay tượng đều thể hiện “con người mới” và hình tượng “con người mới” thì được khuôn vào ba “vai” ứng với ba chức năng: Cha anh minh dẫn lối, Mẹ Tổ quốc chở che, Chúng con anh hùng hi sinh chiến đấu; tượng đài “Chúng con - chiến sĩ đồng bào” suốt từ Bắc chí Nam cái nào cũng rập khuôn một kiểu na ná như nhau: “Người đứng, người ngồi, người lom khom/ Kẻ thì mang súng, kẻ ôm bom” (Thơ dân gian vịnh tượng đài). Đó là nghệ thuật tuyên truyền, rất dễ xem, dễ “đọc”, người “mù” mĩ thuật vẫn có thể nhận ra ý nghĩa ở những tác phẩm được xem là đỉnh cao của các danh họa một thời.

Mĩ thuật hiện đại và chủ nghĩa hiện đại là cuộc chơi mà mục đích của nó là tạo ra cái độc đáo. Nó chơi theo những luật chơi chưa có ở đâu. Luật chơi của nó được người chơi đặt ra cùng với quá trình chơi. Đó là luật chơi của cá tính sáng tạo làm nên phong cách riêng của nghệ sĩ. Người không hiểu ngôn ngữ hội họa và điêu khắc sẽ khó “đọc thủng” những văn bản nghệ thuật được tổ chức theo luật chơi này. “Chơi” theo luật chơi như thế, tác phẩm của Thành Chương thuộc loại khó “đọc”. Khó đọc, vì nó trừu tượng, vì bức vẽ nào của ông cũng là một văn bản đa nghĩa, có thể “đọc” theo nhiều cách khác nhau. Cách “đọc” của tôi là nỗ lực phân tích “luật chơi” trong quá trình sáng tạo của tác giả. Tôi tìm thấy “luật chơi” này ở hệ thống điểm nhìn của Thành Chương và hình tượng thế giới được kiến tạo từ hệ thống điểm nhìn ấy.

Hội họa là nghệ thuật thị giác, nên điểm nhìn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Có thể dựa vào nguyên tắc phối cảnh để nhận biết điểm nhìn không gian làm nên trục tạo nghĩa của các tác phẩm mĩ thuật. Nghệ sĩ nhìn thế giới bằng cái nhìn nội tâm, chứ không phải bằng cái nhìn thị giác bên ngoài. Cho nên cũng có thể tìm hiểu điểm nhìn tâm lí trong hội họa và điêu khắc. Nhưng điểm nhìn giá trị của tác giả mới là nhân tố quyết định “luật chơi” làm nên hình thức chỉnh thể của từng sáng tác. Nó biến toàn bộ không gian thị giác trong tác phẩm mĩ thuật thành không gian giá trị. Phân tích điểm nhìn với ý nghĩa như thế, ta vừa nhận ra “điểm mù” và “khoảng thấy” của từng tác phẩm, vừa thâm nhập vào tư tưởng nghệ thuật làm nên phong cách của một tác giả.

Thành Chương có một chùm tranh được ông đặt tên là “Thiên nhãn”. Nhìn vào cái tiêu đề ấy, người ta dễ liên tưởng tới biểu tượng “Thiên nhãn” của Kito giáo được cho là xuất hiện lần đầu trong bức Bữa ăn tối ở Emmaus (1525, sơn dầu, 230x173) của Jacopo Pontormo (1494-1557)[1]. Nhưng phân tích kĩ, tôi thấy “Thiên nhãn” của Thành Chương khác xa với “Thiên nhãn” của Kito giáo, của đạo Cao Đài, hay của các hội kín như Tam điểm (Freemasonry), Khai sáng (Illuminati)… Có thể điểm qua vài sự khác biệt như sau:

Thứ nhất, trong bức họa Bữa ăn tối ở Emmaus của Jacopo Pontormo, biểu tượng “Thiên nhãn” được tạo thành bởi hai chi tiết tạo hình trên mặt phẳng: đôi mắt đặt trong hình tam giác dựng đứng. “Thiên nhãn” trong nhiều bức họa của Thành Chương là những khối tạo hình lập thể nhiều tầng bậc. Ở đáy của khối lập thể ấy cũng có con mắt đặt trong hình tam giác, nhưng đó là tam giác ngược. Tôi rất thích một bức họa thuộc bộ “Thiên nhãn” của ông, trong đó tác giả vẽ sáu con mắt nằm trong bốn tầng lăng trụ tam giác ngược chồng xếp lên nhau. Tam giác dựng đứng trong Bữa ăn tối ở Emmaus của Jacopo Pontormo gợi cho ta ấn tượng về sự bình yên, vững chãi. Tam giác ngược, nhất là các lăng trụ tam giác ngược chồng xếp lên nhau trong tranh Thành Chương lại tạo ra ấn tượng mạnh mẽ về sự chênh vênh, bất ổn. Lại nữa, không phải bao giờ tranh “Thiên nhãn” của Thành Chương cũng đặt con mắt vào hình tam giác: ở bức này, con mắt có thể được đặt vào nhiều đường tròn nối tiếp nhau với bán kính lớn dần, ở bức kia, nó được đặt vào đường tròn, đến lượt mình, đường tròn này được đặt trong hình tam giác, rồi lại đến nhiều đường tròn tiếp theo; ở bức khác, con mắt được đặt vào hình vuông, để từ những cái đáy ấy, các khối trụ, hoặc khối lập phương được dựng lên.

Có hai điểm đáng suy ngẫm khi xem chùm tranh “Thiên nhãn” của Thành Chương. Trước hết, “Thiên nhãn” trong Bữa ăn tối ở Emmaus của Jacopo Pontormo biểu đạt một sức mạnh vô hình, thần bí, nhưng đó là một văn bản đơn nghĩa. Bầy chiên mộ đạo của Thiên Chúa, ai cũng hiểu “Thiên nhãn” là “mắt Trời”, mắt của Chúa, hình tam giác là biểu tượng của Chúa ba ngôi, gồm Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần. Trong những bức họa của Thành Chương, “Thiên nhãn” là những hình tượng đa nghĩa. Họa sĩ sử dụng những chi tiết tạo hình có ý nghĩa tượng trưng quen thuộc làm chất liệu (mắt, tam giác, hình vuông, lăng trụ tam giác, khối trụ, khối lập phương), ông nhào nặn, tổ chức chúng lại theo nhiều kiểu khác nhau để tạo thành những cấu trúc biểu nghĩa đa trị, cực kì mới lạ. Lại nữa, với khối tạo hình lập thể, hình tượng “Thiên nhãn” trong nhiều bức họa của Thành Chương tựa như mô phỏng cấu tạo bên trong của mắt người với những nhãn cầu, đồng tử (con ngươi), giác mạc, thủy tinh thể, võng mạc, củng mạc… Nó cũng giống như cấu tạo bên trong của máy ảnh gồm thấu kính (giác mạc và thủy tinh thể) và tấm phim (võng mạc). Nêu lên giả định này, tôi muốn nói, với chùm “Thiên nhãn”, Thành Chương đã chuyển tới người xem tranh điểm nhìn thế giới từ chiều sâu tâm thức của tác giả - người sáng tạo. Phía sau các chi tiết tạo hình mang ý nghĩa tượng trưng rất đỗi quen thuộc – tam giác ngược gợi sự chông chênh; vòng tròn, khối trụ và khối lập phường là hình ảnh trời tròn, đất vuông; những đường sáng từ con mắt phóng chiếu lên đường tròn tạo thành luân xa gợi liên tưởng về vòng quay vũ trụ – hình như bao giờ cũng có cái nhìn nội tâm, từ chiều sâu, chứa đựng bên trong một phức cảm: nó vừa là cái nhìn bất an trước một thế giới bất ổn, vừa là cái nhìn an nhiên đầy cảm hứng lãng mạn về sự bền vững, trường cửu của hoàn vũ.

Thứ hai, bức họa Bữa ăn tối ở Emmaus của Jacopo Pontormo thể hiện một sức mạnh siêu nhiên, thần bí như là nội dung cốt lõi của thế giới quan tôn giáo ở thời Phục hưng. Với thế giới quan tôn giáo, biểu tượng “Thiên nhãn” tạo nên sự đối lập giữa cõi thiêng với cõi tục. Ở đây “Thiên nhãn” gắn với hình tượng “độc nhãn”, nó là “mắt Trời”, mắt Thiên chúa tỏa ánh sáng khải huyền từ bên ngoài không gian sinh hoạt của con người. Thành Chương xóa bỏ sự đối lập ấy nhờ tranh “Thiên nhãn” của ông lấy cảm hứng ở tín ngưỡng vật linh (animism) vốn có nguồn cội từ thời tiền sử trong văn hóa dân gian. Theo đó, “Thiên nhãn” trước hết là “linh nhãn” của con người. Cho nên, xem tranh “Thiên nhãn” của Thành Chương, thấy hóa ra “linh nhãn” đồng nghĩa với “linh giác” và mọi giác quan của con người đều có thể trở thành “Thiên nhãn”. Trong chùm tranh được gọi là “Thiên nhãn” của ông, hình tượng “Thiên nhãn” nhiều khi được kiến tạo bằng cả một chùm mắt, có thể là ba, mà cũng có thể lên đến sáu con mắt. Chúng không chỉ nằm trên trán, mà có trong óc, trong tim, trong dạ, dưới chân, trước ngực, bên hông, sau lưng…, chỗ nào trên cơ thể con người cũng có “Thiên nhãn”. “Thiên nhãn” còn là mắt của tạo vật muôn loài: vũ trụ có “Thiên nhãn”, Y Tí có “Thiên nhãn”, ngay cả Hổ, Mèo ở những bức tranh ông vẽ năm ngoái và năm nay cũng có “Thiên nhãn”. Đưa cái thiêng xích lại gần cái tục, đặt các giác quan của con người ngang hàng với “mắt Trời”, Thành Chương tạo ra một biểu tượng “Thiên nhãn” hiện diện khắp mọi nơi bằng cặp mắt bên tròn - bên dẹt, hoặc bên dọc - bên ngang vô cùng ngộ nghĩnh, thể hiện sự dí dỏm mang linh hồn văn hóa dân gian.

Khái quát lại, có thể nói, trong sáng tác của Thành Chương, “Thiên nhãn” không chỉ là đối tượng mô tả, mà còn là điểm nhìn vào thế giới của người sáng tạo. Cắm rễ sâu vào văn hóa dân gian, quan niệm về “Thiên nhãn” của Thành Chương trở thành triết học nghệ thuật, làm nên chiều sâu tư tưởng và sự nhất quán về phong cách trong sáng tác của ông.

3. Nhìn vũ trụ qua lăng kính “Thiên nhãn”, tranh Thành Chương mở ra trước mắt người xem một hình tượng thế giới trong tâm thức, từ kí ức hiện về. Bức họa nào của Thành Chương cũng tựa như là sự nhớ lại một kí ức đã qua. Thế giới trong sáng tác của ông là thế giới của cõi nhớ, thế giới của những giấc mơ. Ông vẽ “Giấc mơ đỏ”, “Giấc mơ buổi chiều”, “Kí ức ngọt ngào”. Những ngày giãn cách bí bức vì đại dịch COVID, ông vẽ Y Tí trong cõi nhớ và đặt tên tranh là “Nhớ Y Tí”. Tôi tin cây cầu Long Biên trong nhiều bức họa tuyệt vời của ông là cây cầu của những giấc mơ về một vẻ đẹp lí tưởng. Tôi thấy ông tạo ra hình ảnh trong tranh không phải là để kể, hay tả một cái gì đó, mà là để biểu đạt một nội dung không thể nắm bắt của những giấc mơ về một thời xa xăm. “Trăng cốm”, “Trăng thanh”, “Ngày nắng”, “Ngày vui”,“Chơi đùa cùng trâu”, hay“Đôi uyên ương”, “Đôi bạn trẻ” đều là hình hài của những giấc mơ về những gì chỉ còn đọng lại trong kí ức. Đôi khi ông cũng vẽ lại kí ức về những chuyện rất gần, ví như kí ức về “Cô gái mở đường”, hay kí ức “Về quê”, “Ngồi im thời COVID”….

Cơ sở để kiến tạo hình tượng thế giới trong văn bản nghệ thuật là kiểu quan hệ xã hội của nghệ sĩ với hiện thực đời sống. Quan hệ xã hội của nghệ sĩ với hiện thực đời sống dẫu đa dạng đến đâu vẫn có thể xếp vào ba loại, mỗi loại cung cấp cho hình tượng thế giới một loại hình nội dung làm nên thể tài (genre) của tác phẩm: dân tộc - lịch sử, phong tục - thế sựđời tư. Các loại hình nội dung này đều là sản phẩm của lịch sử, chịu sự quy định của tiến trình vận động xã hội. Nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa, gồm cả thơ, văn, nhạc, họa, lấy nội dung dân tộc - lịch sử để kiến tạo bức tranh thế giới. Nó tạo ra một hình tượng thế giới bổ đôi, chia thành hai cực địch - ta đối chọi với nhau như nước với lửa. Trong thế giới ấy, “địch” là “chó ngộ một bầy”, là “hổ báo hôi tanh hại người”; “ta” – “mỗi con người nhấp nhánh một ngôi sao”, ai cũng là “chiến sĩ”, “Ba mốt triệu nhân dân/ Tất cả hành quân/ Tất cả thành chiến sĩ”; “Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành (thơ Tố Hữu), tất cả là cháu con một nhà để Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân (tranh Nguyễn Thụ và Huy Oánh) vui như trẩy hội. Với hình tượng thế giới như vậy, nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa là nghệ thuật sử thi, nghệ thuật truyền thuyết. Tranh của Thành Chương dường như xa lạ với hình tượng thế giới như vậy. Thời trẻ, Thành Chương từng nhiều năm làm lính, phục vụ trong quân ngũ. Nhưng xem tranh của ông, tôi không thấy bóng dáng của chiến tranh với một thế giới phân cực, chia nhân loại thành hai phe người quỷ. Bức Cô gái mở đường xuất hiện trong gia tài nghệ thuật của ông như một trường hợp ngoại lệ. Có lẽ đó là tác phẩm duy nhất được ông sáng tác để đựng tượng đài cho những cô gái thanh niên xung phong nhằm ghi lại một truyền thuyết đầy màu sắc huyền thoại trong lịch sử chiến tranh hiện đại của dân tộc.

Chuyện đời tư xuất hiện trong lịch sử nghệ thuật muộn nhất, vì nó lấy quan hệ cá nhân của con người làm nội dung kiến tạo bức tranh thế giới. Chùm “Chân dung tự họa” và những bức họa như Tình yêu II, Đôi uyên ương, Giấc mơ đỏ… là những tác phẩm thuộc thể tài này. Nhưng tranh về đời tư cũng không phải là mảng lớn nhất trong gia tài mĩ thuật của Thành Chương.

Mảng lớn nhất, thể hiện rõ nhất phong cách nghệ thuật của Thành Chương là tranh phong cảnhphong tục. Phong tục là quan hệ thế sự đã định hình thành trạng thái ổn định. Tôi nhớ Heinrich Wölfflin (1864-1945), nhà nghiên cứu lí thuyết và lịch sử nghệ thuật người Thụy Sĩ có một ý kiến quan trọng. Ông phân tích rất nhiều tranh để rút ra kết luận, rằng có ba nhân tố quyết định sự tiến hóa của lịch sử nghệ thuật như là sự biểu hiện của phong cách: thời đại, dân tộckhí chất nghệ sĩ[2]. Vào cuối những năm 1960, thần đồng thơ Trần Đăng Khoa phân biệt rạch ròi: “Bắn tàu bay Mĩ/ Là khẩu súng trường/ Người em yêu thương/ Là chú bộ đội/ Chăm ngoan học giỏi/ Là bạn thiếu nhi/ Ngu xuẩn nhất nhì/ Là Tổng thống Mĩ”. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cậu bé lên mười ấy đã biết thốt lên những lời cảm động thấu tận trời xanh bằng thi pháp khoa trương không thua kém các dòng thơ trong trường ca Lênin của Maiakovsky: “Cháu buốt ở trong tim này/ Chỗ đeo tang suốt đêm ngày Bác ơi/ Cháu không nói được nên lời/ Cháu ngồi cháu khóc đất trời tuôn mưa”. Nhắc lại như thế để thấy, đúng như Wölfflin đã nói, thời đại với phong cách nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa của nó đã thấm sâu vào vô thức tập thể, chi phối phong cách của người sáng tác mạnh mẽ thế nào. Khi thể tài dân tộc - lịch sử ca khúc khải hoàn, thì lâu đài văn học phong tục do các bậc đại bút Ngô Tất Tố, Kim Lân, Tô Hoài, Vũ Bằng… xây nền đắp móng đành ngủ im trong khu rừng sử thi và truyền thuyết rất đỗi um tùm cho mãi tới hồi “Đổi mới”.

Nhưng với họa sĩ Thành Chương và lịch sử mĩ thuật Việt Nam đương đại thì tình hình không hẳn là như vậy. Năm 1957, khi thần đồng thơ chưa kịp chào đời, cậu bé Nguyễn Thành Chương, mới lên tám, đã đem Đôi gà tồ trình trước thiên hạ trong triển lãm tranh thiếu nhi quốc tế được tổ chức tại Anh. Và tác phẩm giành giải thưởng lớn: giải Vàng. Đôi gà tồ chính là bức vẽ phúng dụ về trạng thái nhân thế yên bình, hòa mục, đầy tình thương yêu của thế giới con trẻ, được nhìn qua lăng kính của con trẻ. Với bức vẽ này, thần đồng hội họa, và là danh họa trong tương lại, tựa như đứng ngoài thời đại mĩ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ở đây khí chất cá nhân đã quyết định xu hướng phong cách của người sáng tác và có ảnh hưởng không nhỏ tới lịch sử mĩ thuật dân tộc. Dòng tranh phong tục khởi nguồn từ các danh họa thế hệ “mỹ thuật Đông Dương” với những Chơi ô ăn quan, Người bán gạo, Người bán ốc của Nguyễn Phan Chánh, Đấu vật, Chọi trâu của Nguyễn Sáng, Đánh cờ dưới bóng tre của Nguyễn Tư Nghiêm… đã không bị khô cạn, đứt mạch nhờ sự xuất hiện rất sớm của Thành Chương. Tôi tin Thành Chương có ý thức và tự tin vào đường đi mà ông đã lựa chọn từ thủa ấu thơ. Riêng năm 2017, Thành Chương vẽ không biết cơ man nào là tranh gà. 60 bức trong số đó được ông chọn cho Triển lãm kỉ niệm ngày sinh lần thứ sáu mươi của Đôi gà tồ gây được tiếng vang trong cộng đồng yêu mĩ thuật. Ông có hàng nghìn bức vẽ trâu bên các chú mục đồng. Đó là những bức vẽ mang lại danh tiếng cho một phong cách lớn. Hàng nghìn bức tranh trâu, tranh gà và những con giáp khác cùng bộ tranh vẽ cầu Long Biên, với những Trăng thanh, Trăng cốm, Ngày nắng, Ngày vui, Phong cảnh Y Tí, hay Đất và người Hà Giang đã đặt Thành Chương vào vị trí hàng đầu của tranh phong tục và phong cảnh trong làng mĩ thuật Việt Nam.

Hình tượng thế giới trong tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng được bao bọc trong cảm hứng thẩm mĩ. Chính cảm hứng thẩm mĩ biến hình tượng thế giới trong nghệ thuật thành những cấu trúc giá trị có chức năng biểu nghĩa. Người xem tranh nhận ra các xu hướng cảm hứng thẩm mĩ qua bốn phạm trù gốc: bi, hài, đẹpcao cả. “Đẹp” – hiện thân của sự hài hòa, là phạm trù trung tâm, “bi”, “hài” và “cao cả” là những biến thể của nó. Tạng nghệ sĩ của Thành Chương hình như không hợp với cái hào hùng - cao cả. Tôi chỉ bắt gặp đôi lần trong vài bức tranh của ông cảm hứng về cái bi với những sắc thái khác nhau: bi thảm trong Về quê, bi hài trong Ngồi im thời COVIDbi tráng trong Cô gái mở đường. Trong mĩ thuật hiện đại và hậu hiện đại, cái hài nhiều khi được đẩy lên thành cái méo mó, nghịch dị (grotesque). Tôi thích ngắm những hình tượng cực kì nghịch dị trong tranh và tượng của Nguyễn Hồng Hưng, hay tranh của Nguyễn Thế Dung. Tám năm trước, có lần tôi viết về bộ “Xác phàm” của Doãn Hoàng Lâm với những bức vẽ “Xác cười”, hay cảnh “kéo xác”, “lôi xác”, “đánh đu với xác”, “giành giật nhau cái “XÁC”... Những hình tượng nghịch dị như thế hoàn toàn không có trong tranh của Thành Chương. Dĩ nhiên tranh Thành Chương không xa lạ với cái hài. Nhưng cái hài trong sáng tác của ông thường dừng lại ở sự ngộ nghĩnh, dí dỏm, như một khía cạnh của cái đẹp.

Gần như toàn bộ sáng tác của Thành Chương hợp lại với nhau để cất lên cảm hứng về cái đẹp. Là họa sĩ hàng đầu của dòng tranh phong tục, Thành Chương suốt đời dùng hình khối, đường nét và màu sắc để tấu khúc hát về vẻ đẹp của tình người. Xem tranh của ông tôi thấy tựa như được nghe những khúc ca tình tứ và trong trẻo mang âm hưởng của hát chèo và những làn điệu quan họ về tình yêu, tình bạn thời thơ trẻ, tình gia đình và trùm lên tất cả là tình quê với con gà, con trâu, với bến nước, triền đê, đình chùa cổ kính và những ngày hội phấp phới cờ ngũ sắc, rộn rã tiếng trống làng. Thành Chương vẽ phong cảnh, như cảnh Y Tí, cảnh Hà Giang, cảnh trăng cốm, trăng thanh, trăng nõn, cảnh những chú mục đồng ngửa mặt trông trăng, chơi đùa với trâu, với cánh diều, cây sáo… cũng là để ca hát về vẻ đẹp của tình quê như vậy.

Những bức vẽ của Thành Chương chỉ gợi ra ý niệm về cái đẹp, nhưng cái đẹp vẫn hiện lên lồ lộ với nhiều sắc thái mĩ cảm khác nhau. Tôi rất thích vẻ đẹp rạng rỡ sắc màu của Y Tí, hay vẻ đẹp của “Đất Hà Giang” tựa như cô gái nõn nà nằm giữa trời mây nương rẫy, nhất là vẻ đẹp phồn thực đầy nhục cảm ở bức Tòa thiên nhiên, hay bức Mầm sống

Như đã nói, hình tượng thế giới trong tranh Thành Chương là hình tượng trong giấc mơ, hiện về từ kí ức. Trong giấc mơ của nghệ sĩ, mọi vẻ đẹp đều trở thành hiện thân của cái lí tưởng, trường tồn với thời gian. Ông gọi cầu Long Biên là “Cầu Vàng Long Biên - Paul Doumer”, là “dải đăng ten vắt ngang bầu trời”, là “cầu vàng lung linh sắc màu cổ tích của tôi”. Có lần Thành Chương vẽ Long Biên như con rồng uốn lượn giữa lung linh vàng son và hình như ông đã hào phóng dùng màu vàng thật nhiều, nhiều tới mức thừa thãi để lí tưởng hóa cây cầu lí tưởng ấy. Hiện về trong giấc mơ, từ kí ức, vẻ đẹp trong tranh của Thành Chương thật xôn xao, nhưng cũng vắng vẻ, tựa như lúc nào cũng khoác lên mình tấm áo dệt bằng nỗi buồn nhuốm màu hoài cổ.

4. Để khép lại câu chuyện tản mạn này, tôi không thể không nói đôi lời về ngôn ngữ tạo hình trong tranh Thành Chương. Về điểm này, không ít họa sĩ và các nhà phê bình chuyên nghiệp đã bàn nhiều, tôi không dám “múa rìu qua mắt thợ”. Dường như “chúng khẩu đồng từ”, cả dân phê bình báo chí, ai cũng nói, rằng có ba loại ngôn ngữ được sử dụng thuần thục, tinh tế, đầy tính sáng tạo trong tranh Thành Chương: ngôn ngữ của hội họa lập thể, ngôn ngữ của điêu khắc phù điêu đình chùa Việt và ngôn ngữ màu sắc “mớ bảy mớ ba” , hay màu cờ ngũ sắc của hội làng. Ngôn ngữ lập thể với khả năng biểu đạt tối đa của những khối hình kỉ hà, tròn, trụ, oval, lập phương chồng xếp lên nhau theo nhiều kiểu và những đường nét tự do chạy trên mảng dẹt… mang lại tính hiện đại cho tranh Thành Chương. Tranh Thành Chương hiện đại mà đậm đà bản sắc dân tộc là nhờ tác giả sử dụng ngôn ngữ điêu khắc phù điêu đình chùa và khai thác triệt để bảng màu tự nhiên nhiều sắc độ, từ vàng kim, vàng hòe, xanh cánh chả, xanh nõn chuối, đến hồng điều, đỏ son mà chắc là ông dược gợi ý từ ngôn ngữ màu sắc của lễ hội dân gian ở vùng đồng bằng Bắc bộ.

Vâng, tôi hoàn toàn tán thành những nhận xét như thế. Có điều, dựa vào những nhận xét nhà nghề ấy, tôi vẫn không sao hình dung được ngôn ngữ tạo hình của Thành Chương đặng mà “đọc” nghĩa trong các sáng tác của ông. Bởi vì màu sắc, đường nét, hình khối tự chúng không phải là ngôn ngữ của hội họa. Tôi hiểu ngôn ngữ nghệ thuật là hệ thống kí hiệu được mã hóa theo những nguyên tắc nào đó để tạo ra một loại cấu trúc biểu nghĩa. Ngôn ngữ này mang tính đơn nhất, nó được tạo ra để sử dụng một lần. Tác phẩm hoàn tất, ngôn ngữ của nó lập tức biến thành tử ngữ, không thể dùng lại, nếu dùng lại, người ta chỉ làm ra một sản phẩm “nhái” nhạt nhẽo và nhàm chán. Cho nên, công việc của người nghiên cứu, phê bình giống như công việc của nhà khảo cổ. Anh ta phải dựa vào các “mảnh khảo cổ” được tìm thấy để tái cấu trúc, làm sống dậy cái ngôn ngữ mà người sáng tác đã tạo ra trong quá trình kiến tạo văn bản. Công đoạn tái cấu trúc ấy được tiến hành chủ yếu nhờ vào suy đoán, giả định, rất dễ nhầm lẫn, khiến người ta nhiều khi “đọc” sai. Việc các nhà quản lí văn hóa nhất loạt rà soát sáng tác nghệ thuật bằng ngôn ngữ chính trị, rồi ra lệnh cấm lưu hành những tác phẩm nào đó là bằng chứng về sự đọc sai này.

Tôi xem những đặc điểm trong cách sử dụng chất liệu màu sắc, đường nét, hình khối ở sáng tác của Thành Chương mà các họa sĩ và các nhà phê bình chuyên nghiệp đã phát hiện là những “mảnh khảo cổ”. Dựa vào các “mảnh khảo cổ” ấy, tôi đánh bạo giả định về hai nguyên tắc tổ chức ngôn ngữ tạo hình trong sáng tác của Thành Chương như thế này:

Thứ nhất: Không gian khép kín trong thời gian quá khứ tuyệt đối. Hội họa là nghệ thuật không gian. Tổ chức không gian là ngôn ngữ quan trọng bậc nhất của nó. Mỗi loại phong cách thường có một kiểu tổ chức không gian nghệ thuật rất riêng, ví như hội họa Phục hưng đặt thế giới vào không gian vũ trụ, hội họa của chủ nghĩa cổ điển ở thế kỉ XVII tạo ra không gian sinh hoạt - thế sự, tranh, tượng của mĩ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa biến không gian tồn tại của con người thành không gian mặt trận, không gian con đường, tất cả đều đóng kín trong bản thân nó.

Tranh của Thành Chương cũng tổ chức không gian thành một thứ ngôn ngữ của riêng ông. Ông sử dụng dày đặc các motif màu sắc tự nhiên đậm chất dân gian và motif điêu khắc của phù điêu đình chùa để tạo ra không gian điền viên của làng quê Việt cổ truyền. Ở đó, các hình tượng ẩn dụ được tạo ra bằng những so sánh, liên tưởng ngầm rất bất ngờ, nhưng cũng quen thuộc: con trẻ là mục đồng đùa giỡn với con trâu, với cánh diều, cây sáo; trăng là vầng sáng tròn vành vạnh lúc như quả cầu, lúc như cái đĩa hay cái nong; lưng trâu là mái nhà… Những ẩn dụ như thế tạo ra một không gian khép kín. Tính khép kín này mang lại khả năng biểu đạt thời gian: nó gợi ra một quá khứ tuyệt đối, những gì có giá trị đều thuộc về quá khứ ấy, ở đó không có ngõ ngách nào ăn thông với cái đương đại đang tiếp diễn rất đỗi xô bồ, phồn tạp của chúng ta. Tôi nghĩ không gian của Việt phủ Thành Chương cũng được tổ chức theo kiểu như vậy. Vẻ đẹp đượm màu hoài cổ trong sáng tác của ông toát lên từ kiểu tổ chức ngôn ngữ không gian này.

Thứ hai: Sử dụng cú pháp tượng trưng, siêu thực để tạo ra “mật ngữ”. Tôi có nhận xét thế này: nếu thơ tượng trưng, siêu thực biến thơ thành nhạc; thì mĩ thuật siêu thực lại chuyển hội họa thành thơ. Cho nên tôi gọi Thành Chương là nhà thơ siêu thực. Sáng tác của ông đầy ắp chất thơ. Ông làm thơ bằng màu sắc, đường nét, hình khối. Xin đọc những câu thơ tả tiếng đàn trong Nguyệt cầm của Xuân Diệu:

Long lanh đáy sỏi vang vang hận

Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người

Hay những câu trong Buồn xưa của Xuân Sanh:

Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà

Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm

Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa

Đọc hai văn bản trên ta nhận ra ngay đó là thơ, vì ở trục hệ hình (paradigm), nó được tổ chức theo cú pháp song hành, trùng điệp. Nhưng thơ tượng trưng, thơ siêu thực khước từ chức năng thông tin, giành ưu tiên cho sự biểu hiện cảm xúc và tác động tới tình cảm của người đọc. Cho nên ở trục ngữ đoạn (syntagm) nó dùng những từ mà nếu tách riêng, từ nào ta cũng hiểu, nhưng khi chúng được kết hợp lại với nhau thành câu, tỉ như “Long lanh đáy sỏi vang vang hận”, hay “Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm”, thì đọc lên, ngoài chuỗi âm thanh đầy nhạc tính, chẳng ai hiểu được ý nghĩa của chúng là gì.

Ngôn ngữ tranh của Thành Chương cũng được tổ chức theo nguyên tắc như vậy. Ta nhận ra cú pháp của tranh Thành Chương qua trục hệ hình với việc tác giả sử dụng dày đặc các motif điêu khắc phù điêu, màu sắc dân gian, các hình tam giác, hình vuông, hình tròn, các khối trụ, lập phương, lăng trụ tam giác, các đường nét tự do trên mảng dẹt. Nhưng thay vì dùng màu cách điệu, Thành Chương sử dụng bảng màu tự nhiên. Trong tranh của ông, mối quan hệ giữa các biểu tượng với ý nghĩa quen thuộc bị xóa bỏ, đường nét, hình khối nhiều khi bị bóp méo, chồng xếp lên nhau, làm mất khả năng tiếp nhận của thị giác theo logic thông thường. Cho nên, vẫn là màu sắc ấy, đường nét ấy, hình khối ấy, khi tách riêng ai cũng có thể nhận biết rành rẽ, nhưng khi kết hợp với nhau, chúng tạo thành một cấu trúc chỉnh thể mơ hồ, đa nghĩa, đầy chất thơ, nhưng cũng rất khó hiểu. Tôi gọi ngôn ngữ ấy là mật ngữ của Thành Chương. Về điểm này, tôi đã phân tích kĩ ở trên, khi bàn về biểu tượng “Thiên nhãn” của ông, nên không nói thêm gì nữa.

Tranh Thành Chương tạo ra một hình thức chỉnh thể nổi bật bằng chất liệu riêng, góc nhìn riêng và một hình tượng thế giới được bao bọc trong một xu hướng cảm hứng thẩm mĩ rất riêng. Ông sử dụng những phương tiện tạo hình quen thuộc, tổ chức chúng một cách tinh tế và sáng tạo, mã hóa chúng thành một loại ngôn ngữ tựa như “mật ngữ”, “đọc” tranh của ông bằng ngôn ngữ ấy, ta thấy ý nghĩa của tác phẩm vừa kiên trì bộc lộ, vừa khăng khăng một mực lẩn tránh.

Ai cũng mê tranh Thành Chương bởi vẻ đẹp rạng rỡ, mà hư ảo của một loại hình thức phì đại. Nhưng tôi tin, không ai dám quả quyết là mình có thể hiểu hết sáng tác của ông./.

Đồng Bát, Tết Quý Mão

L. N.image

Chân dung tự họa

image

Chân dung tự họa II

image

Thiên nhãn I

image

Thiên nhãn II

image

Chơi đùa cùng trâu

image

Cầu Vàng Long Biên - Paul Doumer

image

Mùa vàng Y Tí (trong chùm tranh “Phong cảnh Y Tí”)

image

Tòa thiên nhiên

image

Thành Chương và bức Chiều đông (bức tranh sau 50 năm lưu lạc lại về với chủ)


[1] Xin đừng lẫn với bức The Supper at Emmau công bố muộn hơn, vào năm 1601 của Caravaggio (Michelangelo da Merisi, 1571-1610).

[2] Xem: Heinrich Wölfflin, Những khái niệm cơ bản của lịch sử nghệ thuật: Vấn đề phong cách trong nghệ thuật hiện đại (bản dịch tiếng Nga của A.A. Frankovsky), M., Nxb “Jurait”, 2018, tr. 18-29. Bản gốc tiếng Đức: Wölfflin Heinrich, Kunstgeschichtliche Grundbegriffe: das Problem der Stilentwickelung in der neueren Kunst, München, 1915.