Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2023

Liên tưởng từ những tiếp viên hàng không trong trắng

Nguyễn Hoàng Văn

Niềm tin mà cơ quan luật pháp dành cho bốn nữ tiếp viên hàng không bị bắt quả tang vận chuyển ma túy làm tôi liên tưởng đến nhiều thứ mà, nếu khái quát hóa, lại có vần có điệu khi diễn đạt bằng tiếng Anh: clique, cliché và rồi, biến tấu thêm một chút, là ether.

Nhưng đầu tiên là lòng tin.

Nó làm tôi nhớ một câu thoại trong phim tập xôm tụ một thời, Ván bài lật ngửa. Truyện phim là của ông Trần Bạch Đằng xoay quanh nhân vật chính Nguyễn Thành Luân, xây dựng từ cuộc đời của ông Phạm Ngọc Thảo. Phim này, với tôi, chẳng có gì hay, xem vì thời đó chẳng có gì để xem nhưng trong cái bộ phim không hay này tôi lại nhớ mãi đoạn đối thoại giữa ông Ngô Đình Nhu và ông Ngô Đình Diệm.

Ai cũng biết ông Nhu là nhà lập thuyết, xây dựng thuyết Cần Lao Nhân Vị như là linh hồn của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Trong phim nhân vật Luân gãi đúng chỗ ngứa này, đề nghị ông Nhu cần xây dựng một chủ thuyết cho quốc gia khiến ông Nhu sáng rỡ con mắt, trông như thể Lưu Bị mời được Khổng Minh. Sau chỉ còn hai anh em với nhau, ông Diệm chất vấn là phải chăng em trai kiêm cố vấn của mình đã “tin” người này rồi ư, khiến ông Nhu phát biểu như dao cắt, đại khái, tôi thuật lại theo trí nhớ: “Tin ư? Tại sao chúng ta dễ dàng phí phạm niềm tin như vậy?”.

Chúng ta có thể diễn tả việc cơ quan luật pháp, nói cho gọn là nhà nước, tin vào sự trong trắng của bốn cô tiếp viên là gì? Là sự dễ dãi hay là sự hoang phí?

Tuy nhiên không phải lúc nào nhà nước cũng thế. Có rất nhiều lúc họ keo kiệt lòng tin, đại tăng giá niềm tin, thí dụ với các nghi can Huỳnh Văn Nén, Hồ Duy Hải, v.v. Những thí dụ như thế này rất nhiều, đếm không xuể và nó làm tôi nghĩ đến sáo ngữ “ngoài xã hội”.

Thí dụ như ai đó có “nhân thân tốt” nhưng lỡ tay phạm pháp, chẳng hạn. Nhân thân tốt thì, có thể là sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân là cán bộ nhà nước, đảng viên, v.v., thế nhưng do giao du với những “thành phần phức tạp ngoài xã hội” nên bị sa đọa.

Mà nếu những thành phần “ngoài xã hội” luôn phức tạp thì, hẳn nhiên, những thành phần bên trong phải luôn “đơn giản”.

Những cụm từ như “ngoài xã hội”, về mặt ngôn ngữ, trong tiếng Anh, là một thứ “cliché”; còn cái nhóm “trong xã hội”, về ý nghĩa, lại là “clique”, rất vần vè với nhau!

Cliché hay cliche là lời nói sáo rỗng, rập khuôn, đươc dùng để chỉ một ý tưởng, lời nói, kịch bản hay một công thức rập khuôn, được dùng đi dùng lại.

Clique lại là một nhóm xã hội khép kín, gắn bó với nhau, người ngoài không dễ chen chân.

Tôi không vơ đũa cả nắm nhưng ở Việt Nam thì những phần tử “ngoài xã hội” đừng mơ tưởng một công việc nào như công việc của bốn cô mang kem đánh răng nói trên. Hay nói cách khác, các cô này thuộc về giai tầng “trong xã hội”.

Những cô tiếp viên hàng không “trong xã hội” này lại cực kỳ đơn giản: cô chỉ nghĩ rằng đó là kem đánh răng, chỉ mang hộ kiếm chút tiền công thôi.

Thế là họ tin và, diễn tả theo một “cliché” khác, họ đã có một quyết định “thấm đẫm tính nhân văn”: trả tự do cho bốn cô vì không có đủ cơ sở để buộc tội.

Tôi phải thú nhận là tôi rất dị ứng, nếu không nói là rất ghét, không ngửi nổi sáo ngữ này!

Gật gù trước tinh thần nhân bản của một tác phẩm hay một nghĩa cử nào đó, chúng ta có thể diễn đạt là nó thể hiện hay toát ra tính nhân văn, vậy thôi. Bảo nó “thấm đẫm” thì có nghĩa là xã hội ta là một xã hội cực kỳ nhân văn, và cái “tính” này thấm thấu làm ướt cả tác phẩm hay hành động của ai đó.

Diễn đạt cách này thì, xem ra, tính nhân văn của xã hội ta đã là một thứ ether của Christiaan Huygens (1629-1695), nhà toán học, thiên văn học và vật lý học người Hà Lan.

Cái gọi là ether của ông liên quan đến việc tìm hiểu bản chất vật lý của ánh sáng.

Thoạt đầu Issac Newton cho rằng ánh sáng tập hợp từ những hạt nhỏ và thuyết của ông giải thích hiện tượng phản xạ: những hạt này bị dội giống như trái banh. Nhưng sau đó các khoa học gia phát hiện rằng ánh sáng có tính chất của sóng thế nhưng sóng – như sóng âm, sóng biển – chỉ có thể truyền đi trong môi trường vật chất. Làm sao ánh sáng có thể truyền từ Mặt Trời xuống trái đất qua môi trường chân không? Huygens bèn đưa ra giải thuyết về ether, giả định rằng vũ trụ có một chất thấm đẫm mọi thứ và chất này đã giúp ánh sáng lan truyền.

Tên ether này xuất phát từ Aether, tên một vị thần trong thần thoại Hy Lạp, là thần của tầng trên không khí, dùng để cho các vị thần hít thở, thay vì không khí bình thường dành cho người trần.

Giải thuyết này sau đó bị bác bỏ và ở đây chúng ta không nói chuyện khoa học, chỉ mượn nó để cụ thể hóa cái sáo ngữ “thầm đẫm tính nhân văn”.

Nói xã hội ta là xã hội mà tính nhân văn tràn ngập mọi nơi như là ether của Huygens thì hoàn toàn sai nhưng nếu hiểu theo cái cliché “ngoài xã hội” thì lại có thể đúng.

Nếu nó tràn ngập tính nhân văn thì làm sao có những vụ án như Hồ Duy Hải, cái vụ án khiến giới trí thức nghệ sĩ và những công dân lương thiện nói đến khô nước miếng mà vẫn dửng dưng? Chưa kể là những vụ làm tiền tày trời cấp quốc gia như Việt Á, v.v.

Nó sai là thế!

Nhưng nếu hiểu theo cái sáo ngữ trên thì Hồ Duy Hải chẳng qua chỉ là một thành phần sống “ngoài xã hội”, khác với mấy cô tiếp viên hàng không “trong xã hội”. Và bao nhiêu thành phần “trong xã hội” khác với cái điệp khúc “nghiêm túc kiểm điểm” hay “rút kinh nghiệm sâu sắc” cực kỳ… đơn giản.

Nghĩa là nó có thể đúng.

Ôi đất nước với chia cắt “trong - ngoài xã hội”, sau những chia cắt địa lý từ sông Bến Hải đến sông Thạch Hãn.

Tất cả, nói cho cùng, là niềm tin.

Đất nước như thế này là do, từ đầu, con người đã quá ư dễ dãi, quá ư hoang phí niềm tin; và đó cũng là lý do khiến câu thoại nhét vào mồm ông Nhu nói trên ghim ngay vào đầu tôi, dai dẳng: “Tại sao chúng ta lại phí phạm niềm tin như vậy?”.

Và tôi cũng nhớ phần tiếp theo của lời ấy nữa, dĩ nhiên là trí nhớ của tôi không hoàn hảo một trăm phần trăm: “Nhưng mà không, đúng, đúng. Em tin. Em tin vào chúng ta!”.

Mà thật, như một tập thể, một cộng đồng Việt, bây giờ mà chúng ta không tin vào mình thì còn biết bám víu vào đâu?